Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục
4 Tiglé

Tiglé có nhiều định nghĩa khác nhau, mỗi cái thích hợp trong những bối cảnh khác nhau. Trong bối cảnh của thực hành này, nó là một khối cầu nhỏ bằng ánh sáng tượng trưng những phẩm tính đặc biệt của Thức, hay trong trường hợp tiglé trung tâm, tượng trưng cho rigpa thanh tịnh. Dù rốt ráo tỉnh giác phải được ổn cố mà không dựa vào một đối tượng nào, cho đến khi nào khả năng này được khai triển thì ánh sáng vẫn còn là một nâng đỡ, một chỗ dựa hữu ích. Ánh sáng thì sáng rỡ và trong sáng, và dầu cho nó còn trong thế giới hình tướng, nó thì kém chất thể hơn bất kỳ hình tướng có thể tri giác được nào khác. Sự quán tưởng những tiglé là một cái cầu, một cái nạng ích lợi cho đến khi ánh sáng có thể tri giác được có thể được từ bỏ và hành giả có thể an trụ trong tỉnh giác trống không, không có hình ảnh, trong quang minh là tinh túy của ánh sáng.

 

Khi tiglé được quán tưởng trên bốn cánh hoa màu xanh trong luân xa tim, không cần thiết cố gắng xác định nơi chốn chính xác theo khoa giải phẩu. Điều quan trọng là cảm giác trung tâm thân thể trong vùng trái tim. Hãy dùng tỉnh giác và tưởng tượng để tìm ra chỗ đúng, chỗ trong đó có kinh nghiệm thật sự.

 

Những màu của những tiglé không được chọn tùy ý. Màu sắc ảnh hưởng phẩm tính của ý thức, và những ánh sáng có màu là để gợi ra những phẩm tính đặc biệt được đưa vào sự thực hành, cũng như những luân xa, màu sắc và chữ đặc biệt tạo thành một tiến bộ trong yoga giấc mộng. Những phẩm tính khác nhau có thể được kinh nghiệm khi chúng ta di chuyển từ một tiglé đến một cái khác – vàng, lục, đỏ, xanh – đến mức chúng ta cho phép mình nhạy cảm với những khác biệt.

 

Đây không phải là một thực hành chuyển hóa, trong đó chúng ta chuyển hóa cá tính bản sắc của chúng ta ; trong yoga giấc ngủ, cá tính bị buông bỏ hoàn toàn. Nó không phải là ở yên với sự quán chiếu, như trong một thực hành tantra. Nhưng tâm thức phải có cái gì để nắm ; nếu không có ánh sáng, nó sẽ túm lấy cái gì khác.

 

Trước khi chúng ta có kinh nghiệm về rigpa, khó mà hình dung làm sao chúng ta có thể duy trì cái biết mà không có chủ thể cũng không có đối tượng nào của tỉnh giác. Thông thường ý thức đòi hỏi một đối tượng, điều này có nghĩa là ý thức được “nâng đỡ” bởi một hình tướng hay một thuộc tính. Những thực hành trong đó đối tượng được quán tưởng hay cá tánh chủ thể được làm tan biến huấn luyện cho hành giả duy trì tỉnh biết khi những nâng đỡ, những chỗ dựa nhị nguyên cho ý thức đã biến mất. Chúng chuẩn bị cho chúng ta thực hành yoga giấc ngủ nhưng chúng không giống như bản thân yoga giấc ngủ. Ngay cả “thực hành” là một sự nâng đỡ, một chỗ dựa, và trong yoga giấc ngủ thực sự không có chỗ dựa cũng không có thực hành : không có việc yoga có được hoàn thành hay không, vì tâm thức dựa vào một chỗ dựa tan biến vào trong nền tảng.

 
 


5 Tiến Bộ

 

Thường thường khi người ta lái xe trên một con đường quen thuộc, tỉnh giác về hiện tại bị quên mất. Ngay trong chuyến đi hàng ngày kéo dài bốn mươi lăm phút hay một giờ, không có cái gì được thực sự thấy bằng tỉnh giác mạnh mẽ. Người lái xe thì tự động, chìm mất trong những tư tưởng về công việc hay những tưởng tượng về một kỳ nghĩ hay bận tâm về những hóa đơn hay những kế hoạch cho gia đình.

 

Rồi người ta quyết định trở thành một hành giả và quyết định càng ở trong hiện diện tỉnh thức càng tốt suốt đường về nhà, dùng thời gian như một cơ hội làm mạnh tâm thức cho sự thực hành. Điều này rất khó làm, vì sự điều kiện hóa. Tâm thức trôi nổi đi xa luôn luôn. Hành giả đem nó trở lại – để cảm nhận tay lái, màu cỏ dọc xa lộ – nhưng điều này chỉ kéo dài một phút trước khi hoạt động của tâm thức mang sự chú ý đi xa trở lại.

 

Thực hành thiền định cũng như vậy. Tâm thức được dặt vào một hình ảnh của một bôn tôn, hay một chữ A, hay vào hơi thở ; một phút sau nó lang thang trở lại. Có thể một thời gian lâu, có khi hàng năm, trước khi sự hiện diện có thể được duy trì liên tục trong nửa giờ đồng hồ.

 

Khi thực hành giấc mộng bắt đầu, một tiến bộ tương tự theo sau đó. Hầu hết những giấc mộng là những thời kỳ của phóng dật hoàn toàn ; giấc mộng hầu hết bị quên mất cũng nhanh chóng như nó đã xảy ra. Với thực hành, những giây phút của trạng thái sáng sủa minh bạch khởi lên, dần dần kéo dài nhiều phút hiện diện minh bạch trong giấc mơ. Bấy giờ, thậm chí sự minh bạch có thể mất đi, hay giấc mơ tới có thể lại mất sự minh bạch. Tiến bộ có thêm, nó là chắc chắn và có thể nhận biết, nhưng nó cần sự cần cù và quyết tâm mạnh mẽ.

 

Thực hành giấc ngủ thường phát triển chậm hơn. Nhưng nếu sau một thời gian dài thực hành mà không có tiến bộ – sự hiện diện không tăng, không có những thay đổi tích cực có thể nhận ra trong đời sống – sẽ không tốt khi chấp nhận tình trạng sự việc như vậy. Hơn nữa, hãy làm những thực hành tịnh hóa, xem xét và chữa lành những cam kết (samaya) đã bị phá vỡ, hay làm việc với khí và năng lực của thân thể. Những thực hành khác có thể cần để xóa sạch những chướng ngại và được dùng như một căn bản cho thành tựu của yoga giấc mộng và yoga giấc ngủ.

 

Hành giả giống như một cây nho chỉ có thể lớn lên nơi nào có sự nâng đỡ. Những hoàn cảnh bên ngoài có một ảnh hưởng mạnh mẽ vào phẩm chất của đời sống, thế nên hãy dùng thời gian trong những môi trường và với những người nâng đỡ cho sự thực hành hơn là làm giảm sút nó. Hữu ích khi đọc những cuốn sách Pháp, thực hành thiền định cùng với những người khác, chú tâm vào những giáo lý, và sống với những hành giả khác. Những hành giả có trách nhiệm đánh giá một cách thành thật sự thực hành và những kết quả. Nếu không làm điều này, dễ dàng bỏ phí nhiều năm để tin rằng có tiến bộ trong khi chẳng có gì thực sự xảy ra.

 
 


6 Những Chướng Ngại

 

Yoga giấc ngủ không chỉ là một thực hành cho giấc ngủ. Nó là sự thực hành ở lại trong tánh tỉnh giác bất nhị một cách thường trực, qua suốt bốn trạng thái thức, ngủ, thiền định và chết. Như thế, những chướng ngại được kê ra dưới đây thực ra chỉ là một chướng ngại độc nhất là bị đưa khỏi tịnh quang và vào trong kinh nghiệm nhị nguyên sanh tử. Những chướng ngại là :

 

1. Mất sự hiện diện của tịnh quang tự nhiên của ban ngày khi phóng dật bởi những hiện tượng thuộc cảm giác hay tâm trí

 

2. Mất sự hiện diện của tịnh quang của giấc ngủ khi bị phóng dật bởi những giấc mộng

 

3. Mất sự hiện diện của tịnh quang của Samadhi (định trong khi thiền định) khi bị phóng dật bởi tư tưởng

 

4. Mất sự hiện diện của tịnh quang của cái chết khi bị phóng dật bởi những cái nhìn thấy của trung ấm

 

1. Mất sự hiện diện của tịnh quang tự nhiên của ban ngày. Chướng ngại trong đời sống lúc thức là hình tướng ở bên ngoài. Chúng ta bị chìm mất trong trong những kinh nghiệm, những cái nhìn thấy của những đối tượng giác quan. Một âm thanh đến và đem chúng ta đi xa, một mùi hương đến và chúng ta mất vào trong một giấc mộng ban ngày của ổ bánh mì nóng hổi, gió mơn nhẹ tóc trên cổ và chúng ta mất sự tỉnh giác không trung tâm của rigpa và lại trở thành một chủ thể kinh nghiệm cảm giác. Nếu chúng ta ở lại trong sự sáng tỏ của rigpa, kinh nghiệm thì khác. Một âm thanh khởi lên nhưng chúng ta nối kết với sự im lặng trong âm thanh đó và không mất hiện diện. Một cái nhìn thấy đi qua trước chúng ta nhưng chúng ta cắm rễ trong tĩnh lặng và ở lại trong tâm bất động. Cách để thắng được chướng ngại của hình tướng bên ngoài là khai triển sự vững chắc trong tịnh quang tự nhiên.

 

Tịnh quang tự nhiên là tịnh quang của ban ngày, cùng một tịnh quang của ban đêm. Biết tịnh quang của ban ngày chúng ta cũng có thể tìm thấy tịnh quang trong giấc ngủ. Sự thực hành là nối kết tịnh quang tự nhiên của đời sống lúc thức với tịnh quang của giấc ngủ và tịnh quang của samadhi, cho đến khi chúng ta liên tục ở trong rigpa thuần khiết.

 

2. Mất sự hiện diện của tịnh quang của giấc ngủ. Chướng ngại để chứng ngộ tịnh quang của giấc ngủ là giấc mộng. Khi một giấc mộng khởi lên, chúng ta phản ứng với nó một cách nhị nguyên và dấn thân vào sự tưởng tượng là một chủ thể trong một thế giới của những đối tượng. Cái này tương tự với chướng ngại thứ nhất, nhưng bây giờ là bên trong hơn là bên ngoài. Chúng ta nói những hình ảnh làm mờ tối tịnh quang, tuy nhiên không phải giấc mơ thực sự làm mờ tối sự sáng tỏ, mà là chúng ta bị phóng dật khỏi sự sáng tỏ. Điều này là tại sao khi bắt đầu của thực hành, chúng ta cầu nguyện không có giấc ngủ của vô minh cũng không giấc ngủ của mộng. Khi sự vững chắc đã phát triển đủ, giấc mộng không làm chúng ta phóng dật nữa và kết quả là giấc mộng của tịnh quang.

 

3. Mất sự hiện diện của tịnh quang của samadhi. Tịnh quang của samadhi là tịnh quang khi thiền định. Đây là rigpa trong khi thực hành thiền định. Những tư tưởng là sự che ám của tịnh quang của thiền định trong những giai đoạn đầu của thực hành. Khi sự vững chắc trong ripa được phát triển qua thực hành, bây giờ chúng ta có thể học hội nhập tư tưởng với rigpa. Cho đến khi ấy, khi một tư tưởng khởi lên chúng ta bám nắm nó hay xua đuổi nó và bị phóng dật khỏi rigpa.

 

Điều này không nên được xem như là một chỉ dẫn rằng tịnh quang thiền định chỉ được tìm thấy sau nhiều năm thực hành. Có nhiều khoảnh khắc của đời sống trong đó tịnh quang tự nhiên có thể được tìm thấy ; thật ra nó có thể được tìm thấy vào bất cứ khoảnh khắc nào. Điều then chốt là bạn có được giới thiệu vào nó và có thể nhận biết nó hay không.

 

4. Mất sự hiện diện của tịnh quang của cái chết. Tịnh quang của cái chết bị che ám bởi những cái nhìn thấy trong trung ấm. Sự sáng tỏ của rigpa bị mất khi chúng ta phóng dật với những cái nhìn thấy khởi lên sau khi chết và đi vào một tương quan nhị nguyên với chúng. Như với ba chướng ngại kia, cái mất này không xảy ra nếu có đủ vững chắc để trụ trong tịnh quang.

 

Trung ấm không nhất thiết che ám tịnh quang của cái chết. Những tư tưởng không nhất thiết che ám tịnh quang của samadhi. Giấc mộng không nhất thiết che ám tịnh quang của giấc ngủ. Những đối tượng bên ngoài không nhất thiết che ám tịnh quang tự nhiên.

 

Nếu chúng ta bị mê lầm bởi bốn chướng ngại này, chúng ta sẽ không ra khỏi sanh tử ; chỉ có việc rơi trở lại vào những cái bẫy sanh tử. Hoàn thành những thực hành giấc ngủ và giấc mộng, chúng ta sẽ biết làm thế nào để chuyển hóa những che ám này vào con đường.

 

Thực hành giấc ngủ không chỉ để cho giấc ngủ, mà là sự thực hành hội nhập tất cả mọi giây phút – thức và ngủ, mộng và trung ấm – vào tịnh quang. Khi điều này được làm, giải thoát là kết quả. Những kinh nghiệm và nội quán huyền diệu, cũng như mọi tư tưởng, cảm nhận và tri giác, có thể khởi lên trong sự hiện diện của rigpa. Khi chúng khởi lên như vậy, hãy cho phép chúng tự giải thoát một cách tự nhiên, tan biến vào tánh không, không để lại dấu vết nghiệp nào. Bây giờ tất cả mọi kinh nghiệm đều trực tiếp, tức thời không trung gian, sống động và viên mãn.

 
 


7 Những Thực Hành Hỗ Trợ

 

Dưới đây là những diễn tả ngắn về những thực hành, hầu hết chúng được giới thiệu từ Tantra Mẹ, hỗ trợ cho thực hành chính về giấc ngủ.

 

ĐẠO SƯ

 

Để hỗ trợ thực hành giấc ngủ, hãy phát sanh sùng mộ mạnh mẽ với bản tánh chân thật của mình. Hãy tưởng tượng đạo sư ở trên đỉnh đầu và phát triển sự nối kết và sùng mộ. Sự nối kết với đạo sư là rất thanh tịnh, đặt nền trên sự sùng mộ thanh tịnh. Khi bạn tưởng tượng đạo sư, phải vượt hơn khỏi việc chỉ quán tưởng một hình ảnh : hãy phát sanh sùng mộ mạnh mẽ và thực sự cảm thấy sự hiện diện của đạo sư. Hãy cầu nguyện với sức mạnh và thành thật. Rồi làm tan biến đạo sư vào ánh sáng, ánh sáng này đi vào đỉnh đầu bạn và xuống vào tim bạn. Hãy tưởng tượng đạo sư ở đó, trong trung tâm tim, rồi đi ngủ.

 

Sự gần gũi thân thiết mà bạn cảm thấy đối với đạo sư thực sự là sự gần gũi thân thiết bạn cảm thấy đối với bản tánh của chính bạn. Đây là sự hỗ trợ, nâng đỡ của lama.

 

DAKINI

 

Trên một hoa sen sáng chói trong tim, dakini Salgye Du Dalma ngồi tren một dĩa mặt trời ở trên hoa sen. Ngài trong sáng, trong suốt và sáng rỡ. Hãy cảm thấy sự hiện diện của ngài một cách mạnh mẽ, cảm thấy lòng bi và sự chăm sóc của ngài. Ngài che chở bạn, giúp đỡ bạn, dẫn dắt bạn. Ngài là người liên minh mà bạn có thể toàn tâm nương dựa. Ngài là tinh túy của tịnh quang, mục đích của bạn, sự giác ngộ. Hãy phát sanh tình thương đối với ngài, và niềm tin và kính trọng. Ngài là sự chiếu sáng đi đến cùng với sự chứng ngộ. Tập chú vào ngài và cầu nguyện ngài, hãy ngủ.

 

HÀNH XỬ

 

Hãy đến một chỗ yên tĩnh không có ai. Hãy phủ thân thể bạn với tro. Hãy ăn thức ăn thô nặng để giúp cho việc chế ngự những vô trật tự của khí. Rồi nhảy nhót một cách hoang dã vòng quanh, diễn bày trọn hết cái gì ở bên trong, để văng ra ngoài những kết ngăn hay những cái làm bạn phóng dật. Không có ai ở chung quanh, thế nên hãy nổ bùng nếu cần thiết. Hãy để cho lễ thanh tẩy này làm sạch bạn và làm thư giãn bạn. Hãy vượt khỏi mọi căng thẳng của bạn. Với nhiệt thành lớn lao hãy cầu nguyện đến đạo sư, yidam, dakini và chỗ quy y ; hãy cầu nguyện mạnh mẽ, cầu khẩn kinh nghiệm về tịnh quang. Rồi ngủ trong kinh nghiệm thức tỉnh này.

 

CẦU NGUYỆN

 

Nếu bạn không có những kinh nghiệm về tịnh quang của ban ngày, của thiền định và của giấc ngủ, hãy cầu nguyện trở đi trở lại cho được những kết quả này. Thật dễ bỏ quên năng lực đơn giản của ước mong và cầu nguyện. Chúng ta nghĩ rằng cầu nguyện phải là cái gì phi thường, hướng đến một quyền năng không thể tin được ở ngoài chúng ta, nhưng không phải thế. Điểm quan trọng là cảm thấy mạnh mẽ ý định và mong muốn trong sự cầu nguyện, đặt tấm lòng chúng ta vào đó.

 

Có lẽ lúc ban đầu, khi người ta mong muốn một đêm hay một buổi sáng khác tốt đẹp, hay ngủ ngon, có một năng lực nào trong lời nói, một cảm giác nào đó. Bây giờ những lời ấy chỉ là những câu theo thói quen mà chúng ta thì thầm một cách máy móc, với ít cảm giác hay ý nghĩa. Những lời như vậy đã được dùng, được nói bằêng cùng một âm sắc, nhưng chúng không có năng lực. Hãy cẩn trọng chớ làm như vậy với sự cầu nguyện. Hãy biết rằng cầu nguyện là có năng lực nhưng nó không nằm trong lời nói, nó nằm trong cảm xúc bạn đặt vào lời cầu nguyện. Hãy phát triển quyết tâm, làm cho nó mạnh mẽ, và đặt nó vào sự cầu nguyện.

 

LÀM TAN BIẾN

 

Làm thực tập này có thể cho một cảm thức về sự tập chú trong thực hành cần phải như thế nào. Sự thực hành bắt đầøu với ánh sáng và người tri giác ánh sáng, nhưng ý định là hợp nhất cả hai.

 

Hãy thư giãn trọn vẹn. Nhắm mắt lại và bắt đầu với một quán tưởng chính xác tiglé xanh trắng, khoảng cỡ một ngón tay cái, trong trung tâm tim. Dần dần để cho nó nở lớn và khuếch tán hơn. Thấy ánh sáng của tiglé là tốt, nhưng quan trọng hơn là cảm thấy nó. Hãy để cho ánh sáng chiếu sáng từ trái tim bạn. Khi ánh sáng xanh đẹp đẽ chiếu soi ra, nó làm tan biến mọi thứ nó chạm đến. Hãy làm tan biến căn phòng bạn đang ở, cái nhà, thành phố, quốc gia, vùng đất. Hãy làm tan biến một phần của thế giới, hệ thống thái dương hệ, toàn thể vũ trụ. Mỗi điểm tâm thức chạm đến – hoặc là nơi chốn, con người, sự vật, tư tưởng, hình ảnh cảm xúc – đều tan biến. Ba cõi dục, sắc và vô sắc đều tan biến. Khi mọi sự bên ngoài đều tan biến trong ánh sáng, bấy giờ hãy để ánh sáng đến nơi bạn. Hãy để cho nó làm tan biến thân thể bạn, thân thể bạn biến thành ánh sáng xanh và hòa lẫn với ánh sáng xanh ở chung quanh. Bấy giờ hãy làm tan biến tâm thức bạn – mỗi tư tưởng, mỗi biến cố tâm thức. Hãy làm tan biến tất cả những vấn đề trong cuộc sống của bạn. Hãy hòa tan với ánh sáng. Hãy trở thành ánh sáng. Bây giờ không có trong hay ngoài, không có bạn hay không phải bạn. Không có cảm thức về một thế giới có chất thể hay có tự ngã. Chỉ có quang minh sáng rỡ trong không gian của trái tim, giờ đây tràn khắp không gian. Kinh nghiệm còn khởi lên, nhưng hãy để cho bất cứ cái gì khởi lên đều tan biến một cách tự nhiên trong ánh sáng xanh. Hãy để cho đều này xảy ra không có cố gắng. Chỉ có ánh sáng. Bấy giờ hãy làm tan biến dần dần ngay cả ánh sáng vào không gian.

 

Chính ở đây mà bạn cần ở lại trong suốt giấc ngủ.

 

TRIỂN NỞ VÀ THU RÚT

 

Đây là một thực hành tương tự nhưng chính quy hơn để hỗ trợ yoga giấc ngủ. Hãy quán tưởng hàng ngàn chữ HUNG màu xanh đi ra từ hai lỗ mũi theo hơi thở ra. Chúng khởi từ tim và đi lên theo những kinh mạch để rời hai lỗ mũi với hơi thở. Khi chúng lan tỏa ra tràn khắp không gian và mọi hướng, chúng làm tan biến mọi thứ chúng gặp. Quang minh của chúng sáng soi toàn thể không gian. Với hơi thở vào, ánh sáng của những chữ HUNG trở về lại, chiếu sáng và làm tan biến thân và tâm, cho đến khi không còn gì là trong hay ngoài. Hãy làm quán tưởng này cho đến khi chỉ có ánh sáng triển nở và thu lại của những chữ HUNG. Hãy tan biến vào trong ánh sáng này, và ở trong trạng thái bất nhị. Hãy làm như vậy hai mươi mốt hơi thở, hay nhiều hơn nếu bạn có thể. Hãy thực hành điều này vào ban ngày thường xuyên càng tốt.

 
 

 

Chữ HUNG Tây Tạng
 

Tâm thức luôn luôn lừa dối. Lừa dối chính của nó là tự đồng hóa như là chủ thể và rồi xem mọi thứ khác là tách lìa với chủ thể ấy. Trong thực hành này, mọi sự được tri giác như ở ngoài chúng ta thì được tan biến trong hơi thở ra. Người tri giác thì tan biến với hơi thở vào. Bất kỳ lúc nào tâm thức tìm thấy một cánh cổng để trốn thoát vào phóng dật, hãy để cho tỉnh giác theo sau nó với chữ HUNG màu xanh. Khi tâm thức đến nơi một đối tượng hãy làm tan biến đối tượng trong ánh sáng. Khi tâm thức trở lại và bám trụ vào chính nó như một chủ thể, bấy giờ hãy làm tan biến chủ thể đó. Cuối cùng, ngay cả cảm thức về sự cứng chắc cũng tan biến, những cảm thức đây và kia, những đối tượng và những chủ thể, những sự vật và những thực thể cũng tan biến.

 

Thông thường chúng ta nghĩ rằng thực hành loại này là một giúp đỡ trong việc làm phát sanh kinh nghiệm tịnh quang, nhưng nó cũng hữu ích trong việc kéo dài kinh nghiệm một khi kinh nghiệm đã được biết và trong việc hỗ trợ sự liên tục kéo dài của kinh nghiệm.

Xem mục lục