Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

3 Thân Thể Năng Lực

Mọi kinh nghiệm thức hay mộng đều có một căn cứ năng lực. Cái năng lực sống này, cái sinh lực này được gọi là lung* trong tiếng Tây Tạng nhưng ở Tây phương được biết nhiều hơn là danh từ Sankrit, prana*. Cơ cấu làm nền cho mọi kinh nghiệm là một sự phối hợp chính xác của nhiều điều kiện và nguyên nhân khác nhau. Nếu chúng ta có thể hiểu tại sao và như thế nào một kinh nghiệm xảy ra và nhận biết những động cơ tâm lý sinh lý và năng lực của nó, bấy giờ chúng ta có thể tạo ra những kinh nghiệm này hay biến đổi chúng. Điều này cho phép chúng ta phát sinh những kinh nghiệm nâng đỡ cho thực hành tâm linh và tránh những kinh nghiệm có hại.

NHỮNG KINH MẠCH VÀ KHÍ PRANA

Trong đời sống hàng ngày chúng ta có nhiều tư thế thân thể khác nhau mà không nghĩ đến những hiệu quả của chúng. Khi chúng ta muốn thư giãn và nói chuyện với bạn bè chúng ta đến một phòng có những cái ghế hay ghế bành. Điều này tăng cường kinh nghiệm an tĩnh và thư giãn và thuận lợi dễ dàng cho sự nói chuyện. Nhưng khi chúng ta đang hoạt động trong những thảo luận công việc chúng ta đến một văn phòng nơi có những cái ghế giữ cho chúng ta thẳng lưng hơn và kém thư giãn hơn. Điều này hỗ trợ hơn cho công việc và những nỗ lực sáng tạo. Nếu muốn nghỉ ngơi trong yên lặng chúng ta có thể đến một cổng vòm và ngồi trong một loại ghế khác để hưởng được phong cảnh và luồng gió. Khi mệt chúng ta vào phòng ngủ và dùng một tư thế hoàn toàn khác để khơi dẫn giấc ngủ.

Tương tự, chúng ta dùng nhiều tư thế thiền định khác nhau để thay đổi dòng chảy của khí trong thân bằng cách tác động những kinh mạch* (tsa*), chúng là những đường dẫn năng lực trong thân thể, và để mở những điểm tập trung năng lực, những luân xa. Làm điều này gợi ra những loại kinh nghiệm khác nhau. Nó cũng là căn cứ cho những cử động yoga. Hướng dẫn một cách có ý thức năng lực trong thân thể chúng ta cho phép một phát triển dễ và nhanh trong thực hành thiền định hơn là nó xảy ra khi chúng ta chỉ dựa vào tâm thức. Không dùng hiểu biết về khí và sự chuyển động của khí trong thân thể, tâm thức có thể trở nên mắc lầy trong những tiến trình riêng của nó.

Những kinh mạch, khí và những luân xa được tham gia vào cái chết cũng như đời sống. Hầu hết những kinh nghiệm huyền bí cũng như những kinh nghiệm trong trạng thái trung ấm sau khi chết có từ sự mở và đóng các điểm năng lực. Nhiều cuốn sách kể về những hiện tượng kinh nghiệm cận tử chứa đựng những diễn tả về những ánh sáng và những nhìn thấy mà người ta kinh nghiệm khi họ bắt đầu tiến trình cái chết. Theo truyền thống Tây Tạng, những hiện tượng này liên hệ với chuyển động của khí. Những kinh mạch phối hợp với những nguyên tố (các đại) khác nhau ; trong sự tan rã của các nguyên tố vào lúc chết, vì những kinh mạch hư hoại, năng lực được giải phóng biểu lộ thành kinh nghiệm như ánh sáng và màu sắc. Những giáo lý đi vào chi tiết, ánh sáng nào liên hệ với sự tan rã của kinh mạch nào, ở nơi nào trong thân thể, và liên quan với xúc tình nào.

Có khác biệt đáng kể trong việc những ánh sáng này xuất hiện với người ta như thế nào lúc chết, bởi vì chúng liên hệ với xúc tình tiêu cực lẫn những phương diện trí huệ tích cực của thức. Người trung bình kinh nghiệm những xúc tình khi chết, và xúc tình trổi bật xác định những màu sắc và ánh sáng xuất hiện. Ban đầu, thường chỉ có một kinh nghiệm về những ánh sáng màu trong đó một màu là chính, nhưng cũng có trường hợp vài màu nổi trội hay có một phối hợp nhiều màu. Bấy giờ ánh sáng bắt đầu tạo thành những hình ảnh khác nhau, như trong giấc mộng : những nhà cửa, lâu đài, mạn đà la, người, hóa thần, hay mọi vật khác. Khi chúng ta chết, chúng ta có thể cho những cái nhìn thấy như vậy như là thực thể thuộc sanh tử, trong trường hợp này chúng ta bị những phản ứng của chúng ta đối với chúng chế ngự và đi về sự tái sanh kế tiếp, hay như là những kinh nghiệm thiền định, điều này cho phép chúng ta cơ hội giải thoát hay ít ra khả năng ảnh hưởng bằng ý thức vào sự tái sanh tới của chúng ta trong một chiều hướng tích cực.

NHỮNG KINH MẠCH (TSA)

Có nhiều loại kinh mạch trong thân thể. Chúng ta biết những kinh mạch thô hơn nhờ nghiên cứu y học về giải phẫu, trong đó chúng ta học về những mạch máu, sự tuần hoàn của bạch huyết, hệ thống mạng thần kinh... Cũng có những kinh mạch, như được nhận biết trong châm cứu, là những ống dẫn cho những hình thức thô đặc hơn của khí. Trong yoga giấc mộng chúng ta quan tâm tới một năng lực tâm thức còn tinh tế hơn nằm dưới cả trí huệ lẫn xúc tình phiền não. Những kinh mạch chứa dẫn loại năng lực rất tinh tế này không thể định vị trong chiều kích vật lý nhưng chúng ta có thể trở nên tỉnh biết về chúng.

Có ba kinh mạch gốc. Sáu luân xa chính thì ở trên và trong chúng. Từ sáu luân xa này, ba trăm sáu mươi kinh mạch nhánh tỏa khắp thân thể. Ba kinh mạch gốc ở đàn bà là kinh mạch màu đỏ bên phải của thân, kinh mạch màu trắng ở bên trái, và kinh mạch trung ương màu xanh. Ở đàn ông kinh mạch phải màu trắng và kinh mạch trái màu đỏ. Ba kinh mạch gốc nối với nhau khoảng bốn inch (một inche : 25,4 mm) dưới rốn. Hai kinh mạch hai bên, đường kính cỡ bằng cây bút chì, đi thẳng lên hai bên và ở trước xương sống, qua não, cong lại dưới xương sọ ở đỉnh đầu và mở ra hai lỗ mũi. Kinh mạch trung ương đứng thẳng giữa chúng, trước xương sống, đường kính khoảng cây mía và hơi rộng ra từ vùng tim đến đỉnh đầu, và chấm dứt ở đó.

Kinh mạch trắng (bên phải đối với đàn ông và bên trái đối với đàn bà) là kinh mạch qua đó những năng lực của những xúc tình tiêu cực di chuyển. Đôi khi kinh mạch được xem là kinh mạch của phương tiện, phương pháp. Kinh mạch đỏ (bên trái đối với đàn ông và bên phải đối với đàn bà) là ống dẫn của những năng lực tích cực hay trí huệ. Bởi thế, trong thực hành giấc mộng, đàn ông ngủ bên phía phải và đàn bà ngủ bên phía trái để đặt sức ép lên kinh mạch trắng và như thế đóng bớt nó lại trong khi mở rộng kinh mạch đỏ trí huệ. Điều này cho những kinh nghiệm giấc mộng tốt hơn, bao gồm một kinh nghiệm xúc tình tích cực và sự sáng tỏ lớn hơn.

Kinh mạch màu xanh trung ương là kinh mạch của bất nhị. Chính trong kinh mạch trung ương mà năng lực của tánh giác bổn nguyên (rigpa) di chuyển. Thực hành giấc mộng cuối cùng đem ý thức và khí vào kinh mạch trung ương, nơi nó vượt khỏi cả kinh nghiệm tiêu cực và tích cực. Khi điều này xảy ra, hành giả chứng ngộ sự hợp nhất của mọi nhị nguyên bề ngoài. Thông thường khi người ta có những kinh nghiệm huyền bí, những kinh nghiệm lớn của lạc hay tánh không hay sáng tỏ hay rigpa, chúng đều đặt nền trong kinh mạch trung ương về mặt năng lực.

KHÍ (LUNG, PRANA)

Mộng là một tiến trình năng động. Khác với những hình ảnh tĩnh của phim mà chúng ta dùng như một thí dụ, những hình ảnh của giấc mộng thì trôi chảy : chúng chuyển động, người nói, âm thanh rung vang, cảm giác sống động. Nội dung của giấc mộng được tạo thành bởi tâm thức, nhưng nền tảng của sự sống động của giấc mộng là khí. Chữ dịch nghĩa đen theo Tây Tạng danh từ prana, lung, là “gió”, nhưng gọi nó là sức mạnh sinh khí thì có nhiều nghĩa diễn tả hơn.

Khí là năng lực nền tảng của mọi kinh nghiệm, của mọi đời sống. Ở Đông phương, người ta thực hành những tư thế yoga và những thực tập thở khác nhau để làm mạnh và tinh lọc sức mạnh sinh khí hầu làm cân bằng thân và tâm. Một số giáo lý bí truyền Tây Tạng diễn tả hai loại khí khác nhau : khí nghiệp và khí trí huệ.

Khí Nghiệp

Khí nghiệp (khí thuộc nghiệp) là căn cứ năng lực của những dấu vết nghiệp, những dấu vết nghiệp này là kết quả của mọi hành động tích cực, tiêu cực và trung tính. Khi những dấu vết nghiệp được sống động bởi những nguyên nhân phụ thích hợp, khí nghiệp bồi bổ năng lực cho chúng và cho phép chúng có một hiệu quả trong tâm, thân và những giấc mộng. Khí nghiệp là sinh lực của cả hai năng lực tích cực và tiêu cực trong cả hai kinh mạch trên.

Khi tâm thức không vững chắc, phóng dật hay không tập chú, khí nghiệp chuyển động. Chẳng hạn khi một xúc tình khởi và tâm thức không có sự kiểm soát nó, khí nghiệp chở tâm thức đến bất kỳ chỗ nào nó muốn. Sự chú ý của chúng ta di chuyển đây đó, bị thúc đẩy bởi ghét bỏ và tham muốn.

Khai triển sự vững chắc nội tâm là cần thiết trên con đường tâm linh, để làm cho tâm thức mạnh mẽ, hiện diện và tập chú. Bấy giờ, dù khi những lực lượng của những xúc tình tiêu cực khởi lên, chúng ta không bị cuốn vào phóng dật bởi những khí nghiệp. Trong yoga giấc mộng, một khi chúng ta đã phát triển khả năng có những giấc mộng sáng sủa minh bạch, chúng ta phải vững chắc đủ trong hiện diện để ổn định những giấc mơ do sự chuyển động của khí nghiệp tạo ra và để phát triển sự kiểm soát đối với giấc mộng. Cho đến khi sự thực hành được phát triển, những người nằm mộng đôi khi kiểm soát giấc mộng và đôi khi giấc mộng kiểm soát người nằm mộng.

Dù một số nhà tâm lý học Tây phương tin rằng người nằm mộng không nên kiểm soát giấc mộng, theo những giáo lý Tây Tạng đây là một quan điểm sai lầm. Người nằm mộng mà minh bạch tỉnh táo để kiểm soát giấc mộng thì tốt hơn người nằm mộng bị mộng. Cũng đúng như thế với những tư tưởng : người tư tưởng kiểm soát những tư tưởng thì tốt hơn để cho những tư tưởng kiểm soát người tư tưởng.

Ba Loại Khí Nghiệp

Một số bản văn yoga Tây Tạng diễn tả ba loại khí nghiệp : khí mềm mại, khí thô và khí trung tính. Khí mềm mại để chỉ khí trí huệ thiện, nó lưu chuyển qua kinh mạch trí huệ màu đỏ. Khí thô để chỉ khí của xúc tình tiêu cực, nó lưu chuyển qua kinh mạch màu trắng. Trong sự xếp loại này, cả hai khí trí huệ thiện và khí xúc tình đều là khí thuộc nghiệp.

Khí trung tính là không thiện cũng không ác, nhưng nó vẫn là khí nghiệp. Nó ở khắp thân thể. Kinh nghiệm về khí trung tính đưa hành giả đến kinh nghiệm về khí bổn nguyên tự nhiên, nó không phải là khí nghiệp mà là năng lực của rigpa bất nhị trú trong kinh mạch trung ương.

Khí Trí Huệ

Khí trí huệ (ye-lung), không phải là khí nghiệp. Không nên lầm lẫn nó với khí nghiệp trí huệ thiện nói ở trên.

Trong khoảnh khắc đầu tiên của bất kỳ kinh nghiệm nào, trước khi một phản ứng xảy ra, lúc ấy chỉ có tri giác thanh tịnh. Khí tham dự vào kinh nghiệm thanh tịnh này là khí trí huệ bổn nguyên, năng lực làm nền cho cái kinh nghiệm trước khi và tự do khỏi bám lấy và ghét bỏ. Kinh nghiệm thanh tịnh này không để lại một dấu vết và không là nguyên nhân của giấc mộng nào. Khí trí huệ lưu chuyển trong kinh mạch trung ương và là năng lực của rigpa. Khoảnh khắc này là rất ngắn ngủi, một tia chớp của kinh nghiệm thanh tịnh thuần khiết về cái mà chúng ta thường không thức giác. Chính trong khoảnh khắc này mà phản ứng bám lấy và ghét bỏ của chúng ta khởi lên, và sự khởi lên đó chúng ta lại nghĩ là phản ứng của chúng ta.

Hoạt Động của Khí

Vị thầy Tây Tạng Longchenpa nói trong một bản văn rằng có 21.600 chuyển động của khí trong chỉ một ngày. Dầu có theo nghĩa đen hay không, nhận xét này chỉ ra hoạt động khổng lồ của khí và tư tưởng xảy ra mỗi ngày.

QUÂN BÌNH KHÍ

Đây là một thực hành đơn giản để quân bình khí : Đàn ông dùng ngón tay trái đeo nhẫn để bịt lỗ mũi bên trái và thở mạnh ra qua lỗ mũi phải. Hãy tưởng tượng rằng mọi căng thẳng và xúc tình tiêu cực trôi ra ngoài theo hơi thở ra. Rồi bịt lỗ mũi phải với ngón tay đeo nhẫn phải và thở vào thật sâu, thật nhẹ và êm, qua lỗ mũi trái. Sau khi thở vào hãy để cho tất cả không khí, khí prana, thấm khắp toàn thân bạn khi bạn giữ lại trong hơi thở trong một thời gian ngắn. Rồi nhẹ nhàng thở ra và ở yên trong một trạng thái bình an.

Đàn bà thì làm ngược lại. Bắt đầu bằng bịt lỗ mũi phải với ngón tay đeo nhẫn phải và thở ra mạnh qua lỗ mũi trái, làm trống không phổi. Rồi bịt lỗ mũi trái với ngón tay đeo nhẫn trái, thở vào êm nhẹ và sâu qua lỗ mũi phải, hít vào khí trí huệ bình an. Hãy ở yên trong sự bình an thấm khắp thân thể. Rồi nhẹ nhàng thở ra và ở yên trong một trạng thái bình an.

Lập lại nhiều lần điều này sẽ làm quân bình năng lực. Khí xúc tình thô bị thở ra khỏi kinh mạch trắng và khí trí huệ phúc lạc được thở vào qua kinh mạch đỏ. Hãy để cho khí trung tính tràn khắp toàn thân. An trụ trong sự bình an này.

KHÍ VÀ TÂM THỨC

Mọi giấc mộng đều liên hệ với một hay vài cõi trong sáu cõi. Sự nối kết về năng lực giữa tâm thức và cõi được tạo thành qua những nơi chốn đặc biệt trong thân. Điều ấy như thế nào ? Chúng ta nói rằng thức thì vượt khỏi hình dạng, màu sắc, thời gian, xúc chạm, thế thì làm sao nó có thể nối kết với nơi chốn ? Tâm thức nền tảng thì vượt khỏi phân biệt như vậy, nhưng những phẩm tính khởi lên trong thức thì bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng của kinh nghiệm.

Chúng ta có thể tự mình nhìn vào câu trả lời này. Hãy đi đến một nới nào yên bình, một ngôi chùa đẹp đẽ, một hang động xanh tươi, hay một con suối nhỏ. Khi chúng ta đi vào một nơi như thế, thì như thể một ban phước đã được nhận. Phẩm tính của kinh nghiệm được ảnh hưởng bởi vì môi trường vật chất ảnh hưởng trạng thái tâm thức. Điều này cũng đúng với những ảnh hưởng tiêu cực. Khi thăm viếng một nơi chốn đã có những cuộc thảm sát, chúng ta trở nên không thoải mái ; chúng ta nói chỗ ấy có “năng lực xấu.”

Những Kinh Mạch  

 

Điều y như vậy cũng đúng ở bên trong, trong thân thể chúng ta. Khi chúng ta nói về việc đem tâm thức đến một luân xa, chẳng hạn luân xa tim, chúng ta muốn nói điều gì ? Tâm thức ở một chỗ nào có nghĩa là gì ? Tâm thức không phải là cái gì có thể được cho ở theo nghĩa nó không thể được chứa đựng trong một vùng nhỏ. Khi chúng ta “đặt” tâm thức ở đâu đó, chúng ta đang đặt sự chú ý của chúng ta : chúng ta tạo ra những hình ảnh trong tâm thức chúng ta hay hướng sự chú ý đến một đối tượng cảm giác. Khi chúng ta tập chú tâm thức vào một cái gì, đối tượng để tập chú ảnh hưởng vào phẩm tính của tâm thức và có những sự thay đổi tương ứng trong thân thể.

Nguyên lý này làm nền cho những thực hành chữa bệnh sử dụng năng lực tinh thần. Quán tưởng dẫn chúng ta đến những đổi thay trong thân thể chúng ta. Sự nghiên cứu của Tây phương đang chứng minh chân lý của tuyên bố này, và y học Tây phương bây giờ đang dùng sức mạnh quán tưởng thậm chí đối với những bệnh trầm trọng như ung thư. Truyền thống Bošn về chữa bệnh thường dùng sự quán tưởng những nguyên tố : lửa, nước và gió. Hơn là nhằm vào những triệu chứng của bệnh, người Tây Tạng thường tìm cách tịnh hóa sự bị điều kiện hóa tiềm ẩn của tâm thức, những xúc tình tiêu cực và những dấu vết nghiệp chúng được tin là đã tạo ra những nguồn gốc của bệnh.

Thí dụ chúng ta có thể quán tưởng lửa mạnh để đáp lại một bệnh. Chúng ta quán tưởng những hình tam giác đỏ và cố gắng kinh nghiệm sức nóng qua tưởng tượng – mãnh liệt như sanh ra từ một núi lửa – chạy qua thân thể chúng ta như những sóng lửa. Chúng ta có thể làm một thực tập thở đặc biệt để phát sinh thêm sức nóng. Theo cách này, chúng ta dùng tâm thức và những hình ảnh của nó để ảnh hưởng vào thân thể, những xúc tình và năng lực. Và có một kết quả dù cho chúng ta không đụng chạm gì đến thế giới bên ngoài. Cũng như y học Tây phương dùng sự chữa trị bằng phóng xạ để đốt cháy tế bào ung thư, chúng tôi dùng lửa bên trong để đốt cháy những dấu vết nghiệp. Để cho sự thực hành có hiệu quả, ý định phải rõ ràng trong sáng càng tốt. Đó không chỉ là một tiến trình máy móc, mà là một tiến trình dùng sự hiểu biết về nghiệp, tâm thức và khí để hỗ trợ việc chữa lành. Sự thực hành này có ưu thế là giải quyết nguyên nhân của bệnh hơn là những triệu chứng, và khỏi bị những hiệu ứng phụ. Dĩ nhiên, cũng tốt khi lợi dụng được y học Tây phương khi có thể. Hơn là tự giới hạn mình trong một hệ thống riêng biệt, tốt hơn là dùng bất cứ cái gì ích lợi.

NHỮNG LUÂN XA

Trong thực hành giấc mộng, chúng ta hướng sự chú ý của chúng ta vào những vùng khác nhau trong thân : những luân xa ở cổ họng, giữa hai lông mày, tim và luân xa bí mật nằm sau bộ phận sinh dục. Một luân xa là một bánh xe của năng lực, một tổ hợp những nối kết. Những kinh mạch của năng lực gặp gỡ ở những nơi đặc biệt trong thân ; những sự tiếp hợp của những kinh mạch tạo thành những khuôn mẫu năng lực là những luân xa. Những luân xa chính yếu là chỗ nơi nhiều kinh mạch nối nhau.

Những luân xa không thực sự giống những hình vẽ về chúng, những hoa sen mở và đóng, có một số cánh nhất định và một màu sắc nhất định. Những hình ảnh như vậy chỉ là những nâng đỡ tượng trưng dành cho tâm thức – như những bản đồ – chúng ta dùng để giúp tập chú vào những khuôn mẫu của năng lực hiện hữu ở nơi những luân xa. Những luân xa vốn được khám phá qua thực hành, qua những chứng nghiệm của các hành giả khác nhau. Khi những hành giả này ban đầu có những kinh nghiệm về các luân xa, không có ngôn ngữ có thể diễn tả những khám phá của họ cho những người chưa có cùng những kinh nghiệm tương tự. Những hình ảnh được tạo ra, chúng có thể được dùng như những ẩn dụ thuộc thị giác để người khác có thể liên hệ với chúng. Những hình ảnh hoa sen khác nhau chẳng hạn gợi ra rằng năng lực xung quanh một luân xa triển nở và thu lại như sự mở và đóng của một bông hoa. Một luân xa được cảm thấy khác với luân xa khác và những khác biệt này được tượng trưng bằng những màu khác nhau. Những kinh nghiệm tập trung khác biệt và những phức tạp của năng lực trong những luân xa sai khác được tượng trưng bằng con số khác nhau các cánh hoa. Những ẩn dụ về thị giác này trở thành ngôn ngữ được dùng để nói đến những kinh nghiệm về những trung tâm năng lực trong thân thể. Khi một hành giả sơ cơ quán tưởng đúng số cánh hoa ở đúng chỗ trong thân, với màu sắc đúng, bấy giờ sức mạnh của tâm thức tác dụng lên điểm năng lực đặc biệt ấy và bị ảnh hưởng bởi điều ấy. Khi điều này xảy ra, chúng ta nói rằng tâm thức và khí được hợp nhất trong luân xa.

CON NGỰA MÙ, NGƯỜI CỠI QUÈ

Ban đêm khi chúng ta đi ngủ, thường thường chúng ta làm như thế với ít cảm thức về cái gì đang xảy ra. Chúng ta chỉ cảm thấy mệt mỏi, nhắm mắt và trôi dạt đâu mất. Chúng ta có thể có một ý niệm về giấc ngủ – máu trong não, kích thích tố, hay thứ gì như vậy – nhưng tiến trình thực sự của việc rơi vào giấc ngủ cũng là bí mật và chưa được khám phá.

Truyền thống Tây Tạng giải thích tiến trình rơi vào giấc ngủ khi dùng một ẩn dụ cho tâm thức và khí. Thường thì khí được so sánh với một con ngựa mù và tâm thức với một người không thể đi. Nếu riêng rẽ, chúng chẳng làm được gì cả, nhưng hợp với nhau chúng tạo thành một đơn vị có công dụng. Khi con ngựa và người cỡi hợp chung với nhau, chúng bắt đầu chạy, thường với một ít kiểm soát về chỗ chúng đi. Chúng ta biết điều này từ chính kinh nghiệm của mình : chúng ta có thể “đặt” tâm thức vào một luân xa bằng cách đem chú ý vào chỗ ấy, nhưng không dễ giữ tâm thức trong một chỗ nào. Tâm thức luôn luôn động, sự chú ý của chúng ta đi đây đi kia. Bình thường, trong chúng sanh thuộc sanh tử, con ngựa và người cỡi chạy một cách mù lòa qua một trong sáu chiều kích của thức, một trong sáu trạng thái phiền não.

Chẳng hạn, khi chúng ta rơi vào giấc ngủ, tỉnh giác về thế giới giác quan bị mất. Tâm thức bị đem đi đây đó trên con ngựa mù của khí nghiệp cho đến khi nó tập chú được vào một luân xa đặc biệt nơi đó nó bị ảnh hưởng bởi một chiều kích đặc biệt của thức. Có thể bạn có một tranh cãi với người bạn đời và tình huống đó (điều kiện phụ) làm kích hoạt một dấu vết nghiệp phối hợp với luân xa tim, điều này đẩy tâm thức bạn vào chỗ ấy trong thân thể. Hoạt động từ đó của tâm thức và khí biểu lộ trong những hình ảnh và câu chuyện đặc biệt của giấc mộng.

Tâm thức không phải được dẫn một cách ngẫu nhiên đến luân xa này hay luân xa kia, mà hơn nữa được kéo đến những nơi chốn trong thân thể và những hoàn cảnh trong đời sống cần sự chú ý và chữa lành. Trong thí dụ trên, chính là luân xa tim kêu gọi sự trợ giúp. Dấu vết làm phiền nhiễu sẽ được chữa lành bằng cách biểu lộ trong giấc mộng và nhờ đó bị cạn kiệt. Tuy nhiên, trừ phi sự biểu lộ xảy ra khi người nằm mộng đang tập trung và tỉnh thức, còn không những phản ứng với giấc mộng đó sẽ bị quy định bởi những khuynh hướng nghiệp theo thói quen và sẽ tạo thêm những hạt giống nghiệp nữa.

Chúng ta có thể nghĩ đến một máy điện toán như một so sánh. Những luân xa thì giống như những hộc lưu trữ khác nhau. Hãy bật lệnh “Khí và tâm thức”, và rồi mở hộp lưu trữ luân xa tim. Thông tin trong hộp lưu trữ – những dấu vết nghiệp phối hợp với luân xa tim – được trình bày trên màn hình của tỉnh giác. Điều này giống như sự biểu lộ của giấc mộng.

Bấy giờ có lẽ một hoàn cảnh trong giấc mộng moi ra một đáp ứng khác làm kích hoạt một xúc tình khác. Lúc này giấc mộng trở thành nguyên nhân phụ cho phép một dấu vết nghiệp khác biểu lộ. Giờ đây tâm thức du hành xuống trung tâm rốn và đi vào một cõi kinh nghiệm khác. Tính cách của giấc mộng thay đổi. Bạn không ghen tỵ nữa ; thay vào đó bạn ở trên một con đường không có dấu hiệu hay một nơi tối tăm. Bạn lạc mất mình. Bạn cố gắng đi đến một nơi nào nhưng bạn không tìm ra đường. Bạn đang ở trong cõi thú, chiều kích nối kết nhất với vô minh.

Một cách căn bản, đấy là nội dung của giấc mộng được tạo thành như thế nào. Tâm thức và khí được kéo đến những luân xa khác nhau trong thân thể ; bị ảnh hưởng bởi những dấu vết nghiệp phối hợp, những kinh nghiệm thuộc nhiều loại chiều kích khởi lên trong tâm thức như tính cách và nội dung của giấc mộng. Chúng ta có thể dùng cái hiểu này để nhìn vào những giấc mộng của chúng ta một cách khác hơn, để nhận xét xúc tình nào và cõi nào đang nối kết với giấc mộng. Cũng ích lợi để hiểu rằng mỗi giấc mộng cho chúng ta một cơ hội dành cho sự chữa lành và thực hành tâm linh.

Cuối cùng chúng ta muốn ổn định tâm thức và khí trong kinh mạch trung ương hơn là cho phép tâm thức bị kéo đến một luân xa riêng biệt. Kinh mạch trung ương là căn cứ năng lực của những kinh nghiệm về rigpa, và những thực hành mà chúng ta làm trong yoga giấc mộng là đem tâm thức và khí vào kinh mạch trung ương. Khi điều này xảy ra, chúng ta ở trong tỉnh giác trong sáng và hiện diện mạnh mẽ. Mộng trong kinh mạch trung ương là mộng mà thoát khỏi những ảnh hưởng mạnh mẽ của xúc tình tiêu cực. Nó là một tình huống quân bình cho phép những giấc mộng của hiểu biết và sự sáng tỏ biểu lộ.

Xem mục lục