Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Bài Giảng Thứ Sáu

NHỮNG THỨ CHÚNG TA CHẤP THỦ


Chúng ta bám víu vào những gì? Chúng ta bám víu vào đâu? Cái mà chúng ta đang bám víu vào chính là thế giới. Trong Phật giáo, chữ “thế giới” bao hàm ý nghĩa rộng lớn hơn lối dùng thông thường. Nó có nghĩa là tổng thể gồm hết thảy mọi sự mọi vật. Nó không nói riêng nhân loại, hay thiên thần, hay dã thú, hay ma quỷ, hay bất cứ lãnh vực của sự sinh tồn nào đó. Chữ “thế giới” ở đây dùng để chỉ tất cả những thứ nói trên hợp lại thành một toàn thể. Hiểu biết thế giới – theo nghĩa của Phật giáo – là điều khó khăn, bởi vì một số tầng lớp nào đó của thế giới ẩn tàng chứ không hiện ra. Phần đông chúng ta chỉ quen biết tầng lớp ở ngoài cùng, tức là tầng lớp của chân lý tương đối, tầng lớp phù hợp với trí thức của những con người bình thường. Vì lý do đó, Phật giáo dạy chúng ta về thế giới ở những tầng lớp khác nhau.

Đức Phật có một phương pháp truyền giảng giáo lý đặt căn bản trên sự phân chia thế giới thành hai phương diện là vật chất (hay vật lý) và phi vật chất (hay tinh thần). Rồi ngài lại phân chia thế giới tinh thần thành bốn thành phần. Nếu cộng chung các phương diện vật chất và tinh thần thì tổng cộng là năm thành phần, và Đức Phật gọi chúng là “Ngũ Uẩn”, là những thứ kết hợp thành thế giới, đặc biệt là các loài sinh vật và loài người. Khi quan sát thế giới này, chúng ta sẽ tập trung vào thế giới của các sinh vật, đặc biệt là loài người, bởi vì loài người chính là vấn đề chúng ta cần biết. Nơi con người tất cả ngũ uẩn đều hiện diện: nhục thân con người tức là “sắc uẩn” (thành phần vật chất); phương diện tinh thần của con người có thể chia thành “tứ uẩn” mà chúng ta sẽ mô tả sau đây.

Uẩn thứ nhất trong tứ uẩn tinh thần là “thọ” (cảm giác), và thọ gồm có ba loại: vui sướng, đau khổ, và trung hòa (không vui sướng cũng không đau khổ, dù sao cũng vẫn là một loại cảm giác). Trong những tình huống bình thường con người luôn luôn có cảm giác. Hàng ngày con người chúng ta chứa đầy những cảm giác. Vì vậy, Đức Phật vạch ra rằng cảm giác của chúng ta là một trong các thành phần kết hợp thành con người.

Uẩn thứ nhì trong tứ uẩn tinh thần là “tưởng” (ý thức). Đây là tiến trình của ý thức, tương tự như sự thức giấc và trái ngược với giấc ngủ ngon hoặc bất tỉnh nhân sự hoặc đã chết. “Tưởng” cũng kể cả ký ức, và sự tri nhận những ấn tượng cảm quan, bao gồm cả cảm giác sơ đẳng do kết quả của sự tiếp xúc với một đối tượng – qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân – và hồi ức về những ấn tượng trong quá khứ. Vì vậy, con người có thể nhận biết trực tiếp các đặc điểm của một đối tượng, như đen hay trắng, dài hay ngắn, con người hay thú vật v.v., hoặc là chúng ta có thể hồi tưởng về những sự kiện tương tự như vậy qua ký ức.

Uẩn thứ ba trong tứ uẩn tinh thần là “hành” (suy nghĩ một cách tích cực). Uẩn này trong con người bao gồm sự suy tính làm những chuyện nào đó, suy tính nói những chuyện gì đó, ý nghĩ tốt, ý nghĩ xấu, sự suy nghĩ do ý chí, sự suy nghĩ tích cực.

Uẩn thứ tư trong tứ uẩn tinh thần là “thức” (nhận biết). Đây là chức năng nhận biết các đối tượng qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và kể cả sự nhận biết qua chính tâm trí.

Như chương thứ tư đã giải thích, ngũ uẩn cấu thành trụ sở của bốn loại chấp thủ. Xin hãy quay về để đọc lại đoạn đó, rồi suy nghĩ kỹ để bạn hiểu đúng nghĩa. Bạn sẽ nhận thức được rằng chính ngũ uẩn này là đối tượng và là nơi mà chúng ta bám víu vào. Một con người có thể chấp thủ bất cứ một uẩn nào trong ngũ uẩn và tưởng rằng nó có tự ngã, tùy theo mức độ vô minh của người đó. Chẳng hạn như một đứa trẻ bất cẩn và va đầu vào một cánh cửa và bị u đầu, nó liền cảm thấy rằng nó phải đá vào cánh cửa để giải tỏa sự tức giận và nỗi đau.

Nói cách khác, đứa trẻ chấp thủ vào một vật thuần túy vật chất (tức là cánh cửa), và cho rằng nó có bản ngã, trong khi thực ra nó chỉ là tấm gỗ. Đây là loại chấp thủ ở trình độ thấp nhất. Một người lớn tức giận thân thể mình đến nỗi tự đánh vào người hoặc vào đầu mình, thì kẻ đó cũng chấp thủ theo lối giống như đứa trẻ nói trên. Người đó coi những bộ phận thân thể này là tự ngã. Nếu người đó thông minh hơn, y có thể coi một trong các uẩn, thọ, hoặc tưởng, hoặc hành, hoặc thức, là tự ngã. Nếu y không thể phân biệt được từng thứ riêng rẽ, y có thể chấp thủ tất cả tập thể các uẩn như là một tự ngã.

Sắc thân dễ bị chấp thủ và dễ bị lầm tưởng là tự ngã nhất, kế đó là nhóm uẩn “thọ” gồm ba loại cảm giác vui sướng, đau khổ, và trung hòa. Hãy thử xét hoàn cảnh khi chúng ta thấy mình đam mê những thú vui dục lạc, nhất là những cảm giác thú vị, cả tâm và hồn chúng ta bị thu hút vào những mầu sắc, hình dáng, âm thanh, hương thơm, vị ngon, và những đối tượng tiếp xúc bằng xúc giác. Ở đây cảm giác (thọ) là khoái cảm mà chúng ta cảm thấy, và chúng ta bám víu vào chính cảm giác sung sướng này. Hầu hết mọi người đều chấp thủ vào cảm giác như là tự ngã, bởi vì ai cũng ưa thích những cảm giác thích thú, nhất là những cảm giác tiếp nhận qua xúc giác. Vô minh, hoặc sự mê muội, khiến cho một con người bị mù quáng đối với mọi thứ khác. Người đó chỉ nhìn thấy đối tượng khiến y thích thú, và y bám víu vào nó như là một thứ có tự ngã; y coi đối tượng đó là “của ta.” Bất cứ cảm giác sung sướng hay đau khổ kỳ thực đều là trụ sở của đau khổ. Trên phương diện tinh thần, những cảm giác sung sướng và đau khổ này có thể được coi là đồng nghĩa với đau khổ, bởi vì chúng không đem lại điều gì khác hơn là sự dày vò tinh thần. Khoái cảm khiến cho tâm trí hứng thú, sự khổ sở khiến cho nó chán chường. Được và mất, hạnh phúc và buồn rầu, đều khiến cho tâm trí bứt rứt và bất ổn định, chúng khiến cho tâm trí quay cuồng. Đây là điều mà chúng ta gọi là “chấp thủ cảm giác như thể nó là tự ngã”. Chúng ta hãy nên xét kỹ hơn nữa về tiến trình chấp thủ cảm giác như là một tự ngã, như là “của chúng ta” và cố gắng hiểu nó rõ hơn. Khi hiểu cảm giác như là một đối tượng của chấp thủ, tâm trí sẽ trở thành độc lập đối với nó. Thông thường, cảm giác khống chế tâm trí, quyến rũ chúng ta rơi vào những tình huống mà sau này chúng ta sẽ hối hận. Trong pháp môn tu hành để đạt tới quả vị A La Hán, Đức Phật nhiều lần dạy chúng ta hãy đặc biệt chú tâm vào sự khảo sát cảm giác. Nhiều người đã trở thành A La Hán và giải thoát khỏi đau khổ bằng cách coi cảm giác chỉ là một đối tượng để khảo sát.

“Thọ” (cảm giác) dễ trở thành đối tượng chấp thủ hơn là các uẩn khác, bởi vì cảm giác là mục tiêu chủ yếu của tất cả những cố gắng và hoạt động của chúng ta. Chúng ta học hành chuyên cần và cố gắng làm việc là để kiếm tiền. Rồi chúng ta đi mua sắm các thứ: đồ gia dụng, thực phẩm, các thứ để giải trí; đủ mọi thứ, từ thức ăn khoái khẩu cho tới tình dục. Mục đích duy nhất của những thứ đó là để truy cầu khoái cảm, nghĩa là sự kích thích lạc thú của mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân. Chúng ta đầu tư tất cả tài nguyên, tiền bạc, thể chất, tinh thần, chỉ vì muốn có khoái cảm. Và trong trí mọi người đều biết rất rõ rằng nếu chẳng có sự quyến rũ của khoái cảm thì họ không bao giờ đầu tư vào sự học hành, vào việc làm, và sinh lực, để kiếm tiền. Vì vậy chúng ta có thể thấy rằng cảm giác chẳng phải là một vấn đề tầm thường không quan trọng. Kiến thức và sự hiểu biết về cảm giác đặt chúng ta vào vị trí có thể kiểm soát nó, khiến chúng ta có đủ tinh thần cao để đứng ở trên những cảm giác, và giúp chúng ta thi hành tất cả những hoạt động của mình một cách tốt đẹp hơn gấp bội những người không thể tự chế. Tương tự như vậy, thậm chí những vấn nạn phát sinh từ một tập thể trong xã hội cũng có những căn nguyên từ khoái cảm. Và khi chúng ta phân tích kỹ những xung đột giữa các quốc gia, hoặc các nhóm quốc gia đối nghịch nhau, chúng ta sẽ thấy rằng cũng chỉ vì cả hai phía đều là nô lệ của khoái cảm. Chiến tranh xảy ra chẳng phải vì người ta theo đuổi một chủ thuyết hay lý tưởng gì cả. Thật ra, động cơ của nó là sự hi vọng sẽ được hưởng khoái cảm nếu chiến thắng. Mỗi phía đều thấy mình giành giật được đủ các thứ, tranh thủ được nhiều điều lợi cho mình. Chủ thuyết này nọ chỉ là ngụy trang mà thôi, hoặc ít ra chỉ là động cơ thứ yếu. Nguyên nhân sâu xa nhất của mọi tranh chấp chính là sự nô lệ vào khoái cảm. Vì vậy, hiểu biết cảm giác tức là hiểu biết một căn nguyên quan trọng khiến chúng trở thành nô lệ cho những ô uế tinh thần, cho điều ác, và cho đau khổ.

Nếu đây là tình huống của nhân loại thì các thiên thần cũng chẳng khá hơn. Họ cũng nô lệ vào khoái cảm giống như con người, và còn nô lệ nhiều hơn cả con người nữa, dù rằng họ có nhiều ý chí tự do hơn con người. Cho dù là thiên thần cũng không tránh khỏi sự lôi cuốn của những cảm giác thích thú qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý. Đối với các vị thần thánh ở tầng lớp cao hơn thiên thần thì các vị này đã hoàn toàn từ bỏ được những khoái cảm giác quan, nhưng điều này vẫn chưa giải thoát họ khỏi loại khoái cảm khác: Đó là khoái cảm đạt được qua sự thực hành thiền định. Khi tâm trí ở trạng thái định thâm sâu, nó trải qua khoái cảm; một thứ cảm giác tuyệt diệu mà nó thấy ưa thích và muốn chấp thủ. Tuy rằng kinh nghiệm này không thuộc các giác quan, nhưng dù sao nó cũng vẫn là khoái cảm. Các loài vật ở tầng lớp thấp hơn con người thì bị lệ thuộc vào mãnh lực của khoái cảm một cách sơ đẳng hơn chúng ta. Vì những lý do trên đây, biết được bản chất của cảm giác – nhất là biết rằng cảm giác chẳng phải là tự ngã và chẳng phải là thứ đáng để bám víu vào – là một điều rất hữu ích trong đời.

“Tưởng” (ý thức) cũng dễ bị người ta chấp thủ và coi như một tự ngã hoặc “tự ngã của một con người.” Một người bình dân có trình độ hiểu biết trung bình thích nói rằng khi ngủ ngon, cái mà người đó gọi là “linh hồn” sẽ lìa khỏi thân xác. Lúc đó thân xác giống như khúc gỗ, không tiếp nhận cảm giác gì qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Ngay khi linh hồn trở về với thân xác thì con người lại có ý thức và phục hồi sự tỉnh thức. Rất nhiều ngưòi có lối nghĩ ngây thơ này và tin rằng ý thức chính là “tự ngã.” Nhưng Đức Phật dạy rằng ý thức chẳng phải là tự ngã. “Tưởng” chỉ là tri nhận và ký ức, nghĩa là sự nhận biết, và bị ràng buộc vào hiện tại, cho tới khi nào thân thể vẫn còn tiếp tục điều động bình thường. Ngay khi sự điều động của thân thể bị gián đoạn, cái mà chúng ta gọi là ý thức sẽ liền thay đổi hoặc chấm dứt tác động. Vì lý do này, các Phật tử chân chính không coi ý thức là tự ngã, dù rằng những người bình dân tin tưởng nó là tự ngã, và bám víu vào nó như là “bản ngã của ta”. Sự khảo sát kỹ theo đường lối Phật giáo cho thấy sự thật chẳng phải như vậy. “Tưởng” chẳng phải là bản ngã của ai hết; nó chỉ là hậu quả của một tiến trình tự nhiên, chỉ có vậy mà thôi.

Chúng ta hãy khảo sát sự chấp thủ khác là “hành” (suy nghĩ một cách tích cực), ý định làm chuyện nọ chuyện kia, ý định đạt được cái này cái kia, nghĩa là hành động trong tư tưởng, hoặc tốt hoặc xấu. Điều này một lần nữa lại cho thấy những ý tưởng mãnh liệt tin rằng có tự ngã. Mỗi con người đều cảm thấy rằng nếu có cái gì đó có thể coi là bản ngã của họ, thì cái có đủ tư cách nhất phải là “hành”. Chẳng hạn như René Descartes, một triết gia sống cách đây vài thế kỷ, đã có một triết lý ngây thơ về cái cơ sở mà ông dựa vào đó để tuyên bố: “Ta nghĩ, cho nên ta sinh tồn.” Ngay cả các triết gia trong thời đại khoa học ngày nay cũng có những ý tưởng tương tự về “tự ngã” giống như người ta đã có hàng ngàn năm qua, và chủ trương rằng “hành” chính là tự ngã. Họ coi “kẻ suy nghĩ” là cái ngã. Chúng ta đã thấy Đức Phật cũng phủ nhận “thọ” hoặc “tưởng” là ngã. Ngài cũng phủ nhận “hành” (phương diện suy nghĩ của tâm trí) là ngã, vì sự tác động biểu lộ thành tư tưởng chỉ là một sự kiện tự nhiên. Ý nghĩ nảy sinh ra do kết quả của sự tương tác giữa những sự việc đã xảy ra từ trước. Nó chỉ là một trong những thành phần tập hợp lại thành “cá nhân”, chứ chẳng phải là “ta” hoặc “ngã” gì cả. Vì vậy, chúng ta nói rằng “hành” không có tự ngã, giống như các uẩn khác đã nói trên đây.

Để hiểu rõ điểm này không phải là điều dễ dàng, vì chúng ta không có đầy đủ kiến thức về tâm trí, tức là yếu tố tinh thần. Chúng ta chỉ biết rõ về thân thể, tức là nguyên tố vật chất, và hầu như không biết gì về nguyên tố tinh thần hoặc phi vật chất. Hậu quả là chúng ta khó có thể hiểu rõ nó. Ở đây chúng ta chỉ có thể nói Đức Phật dạy rằng “cá nhân” là tổng hợp của ngũ uẩn, gồm cả thân và tâm, tức là vật chất và tinh thần. Khi xảy ra sự việc mà chúng ta gọi là “suy nghĩ”, chúng liền kết luận rằng có “ai đó” đích thị là “người suy nghĩ.” Chúng ta tin rằng có một “người suy nghĩ”, một linh hồn làm chủ thân xác. Nhưng Đức Phật hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của những thực thể như vậy. Khi chúng ta phân tích “cá nhân” thành ngũ uẩn chúng ta sẽ thấy không còn sót lại thứ gì, như vậy tức là cá nhân đó chỉ bao gồm ngũ uẩn mà thôi, và không có cái gì có thể gọi là “tự ngã” của cá nhân đó. Ngay chính sự suy nghĩ cũng không phải là một cái ngã như những người bình dân tin tưởng.

Bây giờ chúng ta bàn về uẩn sau cùng là “thức” (nhận biết). Nó chỉ là chức năng của sự nhận thức về các đối tượng qua mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân. Nó cũng chẳng phải là cái ngã. Ngũ quan của chúng ta nhận biết mầu sắc, hình dạng, âm thanh, mùi hương, khẩu vị, và những đối tượng tiếp xúc qua xúc giác, kết quả dẫn tới sự nhận biết về những đối tượng này, qua ba giai đoạn. Trong trường hợp của con mắt, chúng ta nhận biết rõ ràng về hình dạng của đối tượng, nhận ra nó là con người hay con vật, dài hay ngắn, đen hay trắng. Sự phát sinh của nhận biết theo lối này là một tiến trình có tích cách máy móc, tự nó xảy ra một cách tự động. Có một số người cho rằng đây là “linh hồn”, là “tinh thần”, đi vào và đi ra khỏi tâm trí chúng ta và tiếp nhận những kích thích qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; và họ coi nó là “tự ngã.” Nhưng Phật tử coi nó chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Nếu một đối tượng của thị giác và một con mắt có đầy đủ thần kinh thị giác giao tiếp với nhau, ắt sẽ xảy ra hiện tượng “nhìn thấy” và phát sanh ra tri thức thị giác (nhãn thức). Và trong trường hợp này cũng không cần phải có tự ngã gì cả.

Khi chúng ta phân tích “sinh mạng” thành các thành phần của nó, nghĩa là ngũ uẩn, gồm sắc, (thân xác), thọ, tưởng, hành, thức, chúng ta chẳng tìm thấy bộ phận nào có thể coi là tự ngã hoặc thuộc về một cái ngã. Vì vậy, chúng ta có thể hoàn toàn bác bỏ cái quan niệm “tự ngã” sai lầm này, và kết luận rằng không ai là cái ngã hoặc có cái ngã. Khi một con người không còn chấp thủ sự vật nữa, thì đó là dấu hiệu cho thấy người này đã nhận ra rằng những sự vật đó không phải là ngã. Chỉ cần suy nghĩ một cách hợp lý cũng đủ để cho một con người tin rằng chúng chẳng phải là ngã; nhưng kết quả đó chỉ là tín nhiệm (niềm tin), chứ không phải là trí huệ sáng suốt thuộc loại có thể hoàn toàn cắt đứt sự chấp thủ vào sự vật như thể chúng có tự ngã. Chính vì lý do này chúng ta cần phải nghiên cứu và khảo sát ngũ uẩn trên căn bản của tam học và cố gắng phát triển đủ trí huệ để chúng ta không còn chấp thủ quan niệm về tự ngã nữa. Cách tu tập liên quan tới ngũ uẩn này sẽ giúp chúng ta phát triển trí huệ sáng suốt và diệt trừ vô minh. Khi đã hoàn toàn diệt trừ vô minh, chúng ta sẽ có thể thấy rõ rằng không có cái gì trong ngũ uẩn có thể coi là cái ngã, và không có cái gì đáng để chấp thủ. Tất cả mọi chấp thủ, ngay cả loại chấp thủ đã có từ khi chào đời, từ đó sẽ hoàn toàn chấm dứt. Vì vậy, chúng ta cần phải triệt để nghiên cứu ngũ uẩn, vì chúng chính là những đối tượng của sự tự phụ. Đức Phật nhấn mạnh vào phương diện này của giáo lý của ngài hơn bất cứ phương diện nào khác. Chúng ta có thể tóm tắt một cách thật ngắn gọn trong câu: “Không có gì trong ngũ uẩn là tự ngã.” Chúng ta hãy nên coi đây là một điểm then chốt trong Phật giáo, dù chúng ta nhìn nó như là triết lý, hay khoa học, hay tôn giáo. Khi đã hiểu chân lý này, sự chấp thủ do vô minh gây ra sẽ biến mất, bất cứ loại dục vọng nào cũng sẽ không có cách gì phát sinh, và đau khổ sẽ chấm dứt.

Vậy thì tại sao chúng ta không trông thấy chân tướng của ngũ uẩn? Bởi vì khi sinh ra đời chúng ta không hiểu biết gì về sự vật. Chúng ta thu thập kiến thức do người khác dạy bảo. Phương thức mà họ dạy chúng ta khiến chúng ta tưởng rằng tất cả mọi sự vật đều là tự ngã. Do bản năng, ngay khi ra đời chúng ta đã có lòng tin vào tự ngã, và sự tin tưởng này càng ngày mạnh hơn khi chúng ta lớn lên. Khi nói chuyện chúng ta dùng những từ ngữ “ta, mày, nó” - điều này càng củng cố thêm quan niệm về tự ngã. Chúng ta nói: “Đây là ông X; đó là ông Y. Ông ta là con của ông A, là cháu của ông B. Đây là chồng của bà C; đó là vợ của ông D…” Cách nói như vậy chỉ khiến cho chúng ta coi con người như là tự ngã. Kết quả là chúng ta không ý thức được rằng mình chấp thủ vào tự ngã, và sự chấp thủ này ngày càng mạnh hơn. Khi chúng ta bám víu vào cái gì đó và coi nó là cái ngã thì sẽ đưa tới hậu quả là chúng ta sẽ trở thành “vị ngã” (hay “vị kỷ”), và do đó các hành động của chúng ta chịu ảnh hưởng của định kiến này. Nếu chúng ta có thể phát triển đủ trí huệ để nhận thấy quan niệm này là sai lầm thì chúng ta sẽ không còn bám víu vào những ý tưởng về “ông A – ông B, cao đẳng - hạ đẳng, thú vật – con người…” và sẽ thấy rằng những từ ngữ này chẳng qua chỉ là những dụng ngữ mà con người đặt ra để giao tiếp với nhau trong xã hội. Khi đã hiểu điều này, thì có thể nói rằng chúng ta đã loại trừ được một loại hư giả của xã hội. Khi khảo sát tất cả những gì làm thành ông A, chúng ta thấy rằng ông ta chẳng qua chỉ là sự kết hợp của sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà thôi. Đây là lối nhìn sự vật một cách thông minh. Khi làm được như vậy chúng ta sẽ không còn bị mê hoặc bởi chân lý tương đối của người đời nữa.

Chúng ta có thể tiến hành sự phân tích xa hơn thế nữa. Chẳng hạn như nhục thân có thể phân chia một cách thô thiển thành những nguyên tố thổ, thủy, phong, và hỏa; hoặc có thể phân tích nó một cách khoa học thành các chất các-bon, khinh khí, dưỡng khí, v.v. Khi quan sát càng sâu xa, chúng ta càng ít bị lừa gạt. Khi đi sâu xuống dưới bề mặt, chúng ta thấy rằng thật ra không có “cá nhân con người” mà chỉ có các phần tử vật chất và tâm thần mà thôi. Khi xét theo cách này, “cá nhân con người” sẽ biến mất. Quan niệm về ông A – ông B, cao đẳng - hạ đẳng” sẽ bị hóa giải. Quan niệm “con ta, chồng ta, vợ ta” cũng sẽ biến mất. Khi chúng ta nhìn sự vật qua ánh sáng của chân lý tuyệt đối, chúng ta sẽ chỉ thấy các nguyên tố như thổ, thủy, phong, hỏa; hoặc dưỡng khí, khinh khí, v.v. hoặc sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi khảo sát kỹ những thứ này chúng ta thấy rằng tất cả đều có một đặc tính chung, đó là “không tánh” - sự trống rỗng. Chúng đều không có cái mà chúng ta gọi là “bản ngã của nó.” Khi chúng ta nhìn đúng cách thì thổ, thủy, phong, hỏa đều không có cái gì là tự ngã. Vì vậy chúng ta có thể thấy bất cứ sự vật gì cũng đều trống rỗng, hiểu theo nghĩa này. Làm như vậy, sự chấp thủ sẽ không có cách chi phát sanh, và nếu trước đó đã phát sanh thì chúng sẽ phải biến đi. Chúng sẽ bị hóa giải, hoàn toàn tan biến, không còn để lại dấu vết gì.

Vì vậy, không có thú vật, không có con người, không có nguyên tố, không có những tập hợp. Chẳng có gì hết mà chỉ có “không tánh”, sự trống rỗng tự ngã. Khi chúng ta không chấp thủ nữa thì đau khổ sẽ không có cách gì phát sanh. Một người đã thấy tất cả mọi sự vật đều trống rỗng, người đó sẽ chẳng động lòng gì cả khi có ai bảo anh ta xấu hay tốt, hạnh phúc hay khổ sở, hoặc bất cứ điều gì khác. Đây là kết quả của kiến thức, của sự hiểu biết và trí tuệ trong suốt, nhìn rõ thực tướng của ngũ uẩn, giúp cho chúng ta có thể từ bỏ hoàn toàn bốn loại chấp thủ.

Để kết luận: Tất cả mọi sự vật trong thế gian đều có thể bao gồm trong ngũ uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Mỗi nhóm uẩn này đều là giả tạm, đều không có tự ngã; nhưng có sức quyến rũ để khiến người ta bám víu và chấp thủ. Hậu quả là những con người tầm thường đều ham muốn được sở hữu vật gì, được trở thành người thế nào, hoặc không muốn có cái gì, không muốn trở thành người thế nào; tất cả những mong muốn đó đều sanh ra đau khổ, những thứ đau khổ tiềm ẩn chứ không hiển nhiên. Mỗi con người cần nên siêng năng tu trì tam học, giới, định, huệ, và diệt trừ hoàn toàn sự mê hoặc đối với ngũ uẩn. Một người đã thực hiện được điều đó sẽ không còn bị ngũ uẩn kiềm chế, và sẽ giải thoát khỏi đau khổ. Đối với họ cuộc đời sẽ là lạc thú không một chút bợn nhơ. Tâm trí họ sẽ vượt lên trên mọi sự mọi vật cho tới khi nào họ vẫn còn sống trong thế gian. Đây chính là kết quả của trí huệ trong sáng và hoàn hảo nhìn thấu ngũ uẩn.

Xem mục lục