Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Bài Giảng Thứ Năm

TAM HỌC


Trong bài giảng này chúng ta sẽ thảo luận phương pháp dùng để khử trừ chấp thủ. Phương pháp này đặt căn bản trên ba bước thực tiễn là “Giới, Định, và Huệ” - được gọi chung là “Tam Học.”

Bước thứ nhất là “giới” (Sila). Giới chỉ là cách hành xử thích nghi, loại hành vi phù hợp với những tiêu chuẩn đã được xã hội chấp nhận, và không gây buồn phiền cho người khác hoặc chính mình. Giới được tập hợp thành ngũ giới, bát giới, thập giới, 227 giới, v.v. Giới được thi hành qua thân thể và ngôn ngữ để đạt được an bình và tiện lợi, và để tránh những ảnh hưởng xấu ở cấp độ cơ bản nhất. Giới có liên quan với các loại sinh hoạt của thành viên thuộc các nhóm người trong xã hội.

Bước thứ nhì của Tam Học là “định” (samadhi). Định là tập trung tâm trí ở tình huống tốt nhất để một người có thể thành công khi người đó muốn đạt được điều gì. Vậy thì định là gì? Hiển nhiên là phần đông các bạn đều hiểu chữ “định” (chú tâm) là nói tâm trí hoàn toàn trầm lặng, vững chắc và bất động giống như khúc củi. Nhưng nếu chỉ nói tới hai đặc tính của định là trầm lặng và bất động thì chưa phải là ý nghĩa đích thực của định. Đức Phật mô tả tâm trí ở trạng thái định như là “thích hợp để làm việc” (kammaniya). “Thích hợp để làm việc” là cách tốt nhất để mô tả tâm trí ở trạng thái định đúng cách.

Bước thứ ba của Tam Học là “huệ” (panna, “bát nhã” viết theo Pa-li ngữ), là sự tu tập để có thể đạt tới cao điểm của chánh tri chánh kiến về bản chất đích thực của vạn vật. Bình thường chúng ta không có khả năng hiểu rõ bản chất của một sự vật nào đó. Đa số chúng ta hoặc là bám víu vào những ý kiến của chính mình hoặc là đi theo những ý kiến mà nhiều người đã chấp nhận, vì vậy những gì mà chúng ta thấy thật ra không phải là chân lý. Chính vì lý do này mà sự tu hành của Phật giáo gồm cả việc huấn luyện về trí huệ để đưa vào Tam Học, nhằm mục đích giúp cho người ta tập thấu hiểu và nhận ra thực tướng của vạn vật.

Theo ý nghĩa Phật Pháp, sự hiểu biết và trí huệ, là hai điều khác nhau. Sự hiểu biết tùy thuộc nhiều hay ít vào sự sử dụng lý luận. Trí huệ đi xa hơn thế nữa. Khi trí huệ hiểu biết một đối tượng là nó đã thẩm thấu, đã đi sâu vào và trực diện với đối tượng; tâm trí đã hoàn toàn thẩm thấu vào nó qua sự khảo sát và điều tra tới độ trở thành lãnh đạm với vật đó và hoàn toàn không còn ràng buộc cảm xúc đối với nó. Vì vậy sự huấn luyện của Phật giáo về trí huệ không như sự hiểu biết qua trí thức thuộc loại mà ngày nay được sử dụng trong các giới trí thức và học giả, nơi mà mỗi cá nhân có thể có loại chân lý đặc thù của riêng từng người. Trí huệ của Phật giáo phải là trí huệ do trực giác, sáng suốt và tức khắc, do hậu quả sau khi đã đi sâu vào đối tượng bằng cách này hay cách khác, cho tới khi nó đã tạo trong tâm trí một ấn tượng minh xác và vĩnh viễn không thể tẩy xóa. Vì lý do này, những đối tượng để khảo sát trong việc huấn luyện trí huệ phải là những sự vật mà chúng ta tiếp xúc trong đời sống hàng ngày; hoặc ít ra chúng phải là những sự vật có tầm cỡ đủ quan trọng để khiến cho tâm trí thực sự chán ghét và thất vọng vì thấy chúng là vô thường, bất thỏa mãn (khổ), và vô ngã. Dù chúng ta suy nghĩ theo lý tính nhiều bao nhiêu chăng nữa để lượng giá về các đặc tính vô thường, bất thõa mãn và vô ngã, kết quả chỉ là sự hiểu biết bằng trí thức. Không có cách gì nó có thể dẫn tới sự tỉnh mộng và thất vọng đối với những sự vật trần tục. Chúng ta cần phải hiểu rằng chỉ khi nào trạng thái tỉnh ngộ thay thế trạng thái ham muốn đối tượng thì mới phát sanh trí huệ. Tiến trình này không thể nào ngừng lại ngay khi đạt tới trí huệ sáng suốt. Sự tỉnh ngộ sẽ thay thế lòng ham muốn đối với sự vật, và nó phải đến ngay tức thời.

Sự huấn luyện trì giới chỉ là giai đoạn tu hành sơ khởi, để chúng ta có thể sống hạnh phúc và giúp ổn định tâm trí. Giới hạnh đưa tới nhiều phúc lợi khác nhau, quan trọng nhất là sự chuẩn bị để dẫn tới “định”. Những ích lợi khác như sự dẫn tới hạnh phúc hoặc sẽ được tái sanh làm thiên thần không được Đức Phật coi là những mục tiêu trực tiếp của giới. Ngài coi giới trước hết chỉ là một phương tiện để dẫn tới và phát triển “định”. Cho tới khi nào sự vật còn tiếp tục quấy nhiễu tâm trí thì nó không bao giờ có thể “định”.

Việc huấn luyện “định” gồm sự phát triển khả năng kiểm soát tâm trí của chúng ta, để khiến nó hữu ích, khiến nó thi hành nhiệm vụ cách nào có lợi nhất. Giới là hành vi tốt trên phương diện thân thể và lời nói, định là hành vi tốt trên phương diện của tâm trí, và là kết quả của kỷ luật và huấn luyện tâm trí một cách đầy đủ. Khi tâm trí đã định thì không còn những ý tưởng xấu hoặc ô nhiễm và không tản mạn xa lìa khỏi đối tượng. Như vậy là nó ở trong điều kiện “thích hợp để làm việc.”

Ngay cả trong những tình cảnh thế tục hàng ngày, định cũng luôn luôn cần thiết. Khi chúng ta làm bất cứ công việc gì, chúng ta khó có thể thành công nếu tâm trí không chuyên chú. Vì lý do này Đức Phật coi định là một trong những đặc điểm của bậc vĩ nhân. Bất kể chúng ta muốn thành công trong chuyện gì dù là thuộc địa hạt thế tục hay tinh thần, chúng ta không thể thiếu khả năng tập trung tư tưởng, tức là “định”. Cho dù là một em học sinh, nếu thiếu định thì làm sao nó có thể giải một bài toán số học? Loại tập trung tư tưởng để làm bài tính số học chỉ là loại “định” bẩm sinh tự nhiên, và chỉ phát triển ở mức sơ đẳng. Loại định mà chúng ta đang thảo luận là một yếu tố cơ bản trong sự tu hành của Phật giáo, là loại định đã được huấn luyện và nâng lên trình độ cao hơn loại định phát triển tự nhiên. Vì vậy, khi tâm trí đã được huấn luyện một cách thành công, nó sẽ nẩy sinh ra thật nhiều khả năng và sức mạnh đặc biệt. Một người đã có đạt được những lợi ích này từ định thì có thể nói rằng người đó đã thăng tiến cao thêm một bực để có thể đạt tới sự hiểu biết những bí ẩn của thiên nhiên. Người đó biết cách kiểm soát tâm trí, nhờ vậy họ có những khả năng mà những người bình thường không có. Dù cho giới đạt tới viên mãn cũng vẫn chỉ là trong tầm khả năng của một người bình thường. Cho dù một người bày tỏ giới hạnh, sự bày tỏ này không phải là của bậc siêu nhân. Nhưng khả năng đạt tới định ở mức thâm sâu được Đức Phật xếp vào loại khả năng của bậc siêu nhân mà các vị tì-kheo không bao giờ bày tỏ. Bất cứ ai khoe khoang khả năng này là không được coi là tì-kheo tốt nữa, hoặc thậm chí không còn được coi là tì-kheo nữa.

Muốn đạt tới định cần phải hy sinh. Chúng ta cần phải chịu đựng sự nhọc nhằn ở những cấp độ khác nhau, để huấn luyện và thực hành, cho tới khi nào chúng ta đạt tới trình độ định thích hợp với khả năng của mình. Tối hậu, chúng ta sẽ đạt được nhiều kết quả tốt trong việc làm hơn là những người bình thường có thể đạt được, chỉ vì chúng ta có trong tay những khí cụ tốt hơn họ. Vì vậy, các bạn hãy lưu tâm tới vấn đề định và đừng coi nó như điều gì mê muội và lạc hậu. Nó tuyệt đối là một điều có tầm mức quan trọng bậc nhất, một điều đáng được sử dụng bất cứ ở thời đại nào, nhất là ngày nay khi thế giới tựa hồ đang xoay chuyển quá nhanh và gần tới lúc bốc cháy. Ngày nay chúng ta càng cần tới định nhiều hơn gấp bội so với thời của Đức Phật. Đừng nghỉ rằng nó chỉ là thứ dành cho người xuất gia tại các chùa chiền, hoặc dành cho các dị nhân.

Bây giờ chúng ta bàn về quan hệ giữa sự huấn luyện “định” và sự huấn luyện “huệ”. Đức Phật từng nói rằng khi tâm trí định thì nó có thể nhìn thấy thực tướng của vạn vật. Khi tâm trí chuyên chú thì nó “thích hợp để làm việc”, nó sẽ hiểu biết vạn vật trong bản chất đích thực của chúng. Có một điều khác thường là: Giải đáp cho bất cứ phương án nào mà chúng ta cố gắng giải quyết thường thường đã nằm sẵn trong đầu chúng ta, tuy rằng tiềm ẩn. Chúng ta không thấy nó vì nó còn nằm trong tiềm thức; và cho tới khi nào chúng ta còn đang hăm hở giải quyết phương án, lời giải đáp sẽ không hiện ra, chỉ vì tâm trí chúng ta lúc đó không ở trong điều kiện thích hợp để giải các phương án. Khi sắm làm một công việc gì về tinh thần, nếu chúng ta chú tâm đúng cách - tức là khiến cho tâm trí “thích hợp để làm việc” - lời giải của bài toán sẽ tự nó xuất hiện. Khi tâm trí trở thành “định”, lời giải đáp sẽ tự nó thành hình. Nhưng nếu giải pháp vẫn chưa hiện ra, còn có một phương pháp khác để chuyển tâm trí về chiều hướng khảo sát vấn đề, tức là sự thực hành công phu nội tĩnh, được coi như là để huấn luyện “huệ”. Vào ngày Đức Phật khai ngộ, trí huệ của ngài liễu ngộ được Luật Duyên Khởi, điều đó có nghĩa là ngài đã nhận thức được “thực tướng của chư pháp”và diễn tiến nhân duyên của chúng, do kết quả của sự thực hành nội tĩnh (hay “thiền”) theo cách đã nói trên đây. Đức Phật đã thuật lại chi tiết về câu chuyện đó, nhưng điểm thiết yếu của nó là: Ngay khi tâm trí đã chuyên chú tốt, nó ở vào trạng thái thích hợp để khảo sát vấn đề.

Khi tâm trí tĩnh lặng và bình thản, trong trạng thái an lạc, không bị quấy nhiễu, chuyên chú, và thanh thoát; hốt nhiên, giải pháp cho một vấn đề đeo đuổi tâm trí từ lâu bỗng hiện ra. Trí huệ luôn luôn tùy thuộc vào định, tuy rằng có thể chúng ta không bao giờ nhận biết sự kiện này. Thật ra Đức Phật đã nhiều lần chứng tỏ sự liên hệ mật thiết giữa định và huệ. Ngài vạch ra rằng định là thứ không thể thiếu đối với huệ, và huệ cũng là thứ không thể thiếu đối với định. Để đạt tới định ở cường độ cao hơn trình độ tự nhiên, chúng ta cần phải hiểu biết về một số đặc tính của tâm trí. Chúng ta phải biết cách kiểm soát tâm trí như thế nào để phát sinh ra định. Vì vậy, người trí huệ càng cao thì càng có nhiều khả năng nhập định. Giống như vậy, khi mức độ của định gia tăng thì sẽ dẫn tới sự gia tăng của trí huệ. Định và huệ luôn luôn tương tác và hỗ trợ lẫn nhau, cái này tăng thì cái kia cũng tăng theo.

Trí huệ bao hàm nhãn quan trong sáng, vì vậy nó thức tỉnh đối với ảo tưởng. Kết quả là người có trí huệ sẽ từ bỏ và rút lui khỏi tất cả những điều mà trước đó họ đam mê say đắm. Nếu một người có trí huệ nhưng vẫn còn đuổi theo ngoại vật, vẫn còn si mê chúng, bám víu và chấp thủ chúng, thì trí huệ của người đó chẳng phải thuộc loại trí huệ hiểu theo ý nghĩa Phật giáo. Sự từ bỏ và rút lui nói trên dĩ nhiên không phải là một hành động thuộc về thể chất. Chẳng phải người ta sẽ lượm các vật lên và liệng chúng đi xa hoặc đập tan chúng thành những mảnh vụn; cũng chẳng phải người ta sẽ bỏ chạy và vào sống trong rừng. Ý nghĩa ở đây không phải như vậy. Chúng ta nên hiểu điều đó muốn đặc biệt nói về sự từ bỏ và rút lui của tâm trí, hậu quả là tâm trí không còn là nô lệ đối với ngoại vật và trở thành một tâm trí tự do. Tương tự như vậy, khi dục vọng đối với ngoại vật đã nhường chỗ cho sự tỉnh mộng vì thất vọng. Người ta sẽ không tự sát hoặc chạy vào rừng sâu sống như ẩn sĩ, hoặc phóng hỏa đốt hết tất cả. Bề ngoài chúng ta vẫn như thường, vẫn cư xử bình thường đối với ngoại vật. Tuy nhiên, trong nội tâm có sự thay đổi. Tâm trí trở thành độc lập, tự do, không còn làm nô lệ đối với ngoại vật. Đây là đức hạnh của trí huệ. Đức Phật gọi hiệu quả này là Giải Thoát, tức là thoát ra khỏi sự nô lệ vào ngoại vật, nhất là những thứ mà chúng ta ưa thích. Thật ra chúng ta cũng làm nô lệ cho cả những vật mà chúng ta không ưa thích. Nghĩa là chúng ta bị nô lệ cho tới khi nào mà chúng ta vẫn không thể không chán ghét chúng và không giữ thái độ dửng dưng đối với chúng. Khi chán ghét các ngoại vật, chúng ta có thái độ tích cực, chúng ta có tác động cảm xúc đối với chúng. Vì vậy chúng cũng khống chế chúng ta giống như những vật mà chúng ta ưa thích, tạo ảnh hưởng lên chúng ta mỗi người một cách khác nhau. Vì vậy, nhóm chữ “nô lệ đối với ngoại vật” là để chỉ những phản ứng ưa thích và chán ghét. Tất cả những điều này cho thấy rằng chúng ta có thể thoát ra khỏi sự nô lệ vào ngoại vật và trở thành tự do nhờ trí huệ. Đức Phật tóm tắt nguyên tắc này một cách đơn giản với câu nói: “Trí huệ là phương tiện nhờ vào đó chúng ta có thể thanh lọc chính mình.” Ngài không nói giới hoặc định là phương tiện mà chúng ta có thể dùng để thanh lọc chính mình, chỉ có trí huệ mới có thể giúp chúng ta xa lìa vật dục, giải thoát chúng ta ra khỏi sự nô lệ vào ngoại vật. Khi chưa được tự do đối với ngoại vật, chúng ta chưa thanh khiết, vẫn còn ô uế, say đắm, đam mê. Một khi được tự do, chúng ta trở thành thanh khiết, không một vết nhơ, khai ngộ, thanh tịnh. Đây là thành quả của trí huệ, là trạng thái chúng ta đạt tới khi trí huệ đã hoàn tất công việc của nó một cách viên mãn.

Chúng ta hãy nhận xét thật kỹ về huệ, yếu tố thứ ba của Tam Học. Hãy làm quen với nó, rồi bạn sẽ coi nó như là đức hạnh cao nhất. Trí huệ Phật giáo là thứ trí huệ do kết quả từ sự rút lui khỏi ngoại vật, bằng cách hoàn toàn diệt trừ bốn loại chấp thủ. Bốn chấp thủ này là những sợi dây thừng trói buộc chúng ta chặt chẽ; trí huệ là lưỡi dao có thể cắt đứt những trói buộc đó và giải thoát để chúng ta được tự do. Khi bốn chấp thủ đã bị diệt trừ, không còn thứ gì trói buộc chúng ta vào ngoại vật nữa.

Ba cách tu hành này có thể chịu đựng được sự thử thách hay không? Chúng có đặt trên cơ sở kiện toàn và thích hợp để tất cả mọi người tu tập hay không? Các bạn hãy khảo sát chúng. Khi xét lại chúng lần nữa, các bạn sẽ thấy rằng ba yếu tố này không xung khắc với bất cứ giáo lý tôn giáo nào, miễn rằng tôn giáo đó thực sự nhằm mục đích giải quyết vấn nạn về đau khổ của nhân loại. Phật Pháp chẳng những không xung khắc với bất cứ tôn giáo nào khác, nó còn có những đặc điểm mà các tôn giáo khác không có. Đặc biệt là nó có sự tu luyện trí huệ, đây là kỹ thuật tối thượng để đoạn diệt bốn chấp thủ. Trí huệ giúp cho tâm trí được tự do, khiến nó trở thành độc lập và không còn có thể bị nô lệ, trói buộc vào, và khống chế bởi bất cứ thứ gì, kể cả Thượng Đế trên trời, các thần linh, hoặc thiên thần. Không có tôn giáo nào khác chuẩn bị để cho cá nhân tự mình đạt được hoàn toàn tự do, hoặc hoàn toàn tự lập. Chúng ta cần phải nhận thức đầy đủ về nguyên tắc tự lập này, vì nó là một đặc điểm then chốt của Phật giáo.

Một khi chúng ta thấy rằng Phật giáo có mọi điều mà bất cứ tôn giáo nào khác có, và nó cũng có những đặc điểm mà không một tôn giáo nào khác có, chúng ta sẽ nhận thức được rằng Phật giáo là tôn giáo dành cho mọi người. Phật giáo là tôn giáo phổ quát của thiên hạ. Bất cứ ai cũng có thể thực hành Phật giáo, ở bất cứ tuổi tác và thời đại nào. Con người ở bất cứ nơi đâu cũng đều có những vấn nạn giống nhau; để tự giải thoát khỏi đau khổ - những đau khổ bẩm sinh trong sanh lão bệnh tử, hoặc là đau khổ đến từ dục vọng, từ chấp thủ. Tất cả không trừ một ai, dù là thiên thần, nhân loại, hay thú vật, đều có vấn đề giống nhau này, vì vậy mọi chúng sanh đều có cùng một nhiệm vụ phải làm, nghĩa là phải hoàn toàn diệt trừ dục vọng, diệt trừ sự chấp thủ do mê muội – căn nguyên gây ra sự đau khổ. Vì vậy Phật giáo là tôn giáo phổ quát của thế giới.

Xem mục lục