Phong Can, chẳng biết người ở đâu. Niên hiệu Trinh Quán đời Ðường, Sư đến ở chùa Quốc thanh núi thiên Thai, cắt tóc ngang mày, mặc áo vải rách, có ai hỏi lý Phật, chỉ đáp hai chữ “tùy thời”. Thường xướng đạo, cưỡi cọp ra vào, chúng tăng đều kinh sợ chẳng ai dám nói chuyện với Sư. Có Hàn Sơn, Thập Ðác cũng chẳng biết dòng họ, người đời cho là đồ điên khùng, chơi thân với Phong Can. Hàn Sơn ở núi Hàn Nham cách huyện Ðường Hưng bảy mươi dặm về phía tây, nhân đây thành tên. Thập Ðắc thì do Phong Can khi đến Xích Thành, nghe tiếng trẻ con khóc ở bên đường, hỏi thì nói: “Mồ côi bị bỏ ở đây”. Do đó đặt tên Thập Ðắc, đem về giao cho khố ở sau viện. Khố tăng (Tăng coi kho) tên là Linh Tập coi nhà ăn và hương đèn, Thập Ðắc bỗng leo lên toà, ngồi đối diện với tượng Phật mà ăn, sau lại ở trước Thánh tăng hô lên:
- Tiểu quả Thanh văn!
Linh Tập liền báo cho các bậc Thôn túc, rồi đổi xuống nhà bếp rửa chén bát. Hằng ngày tăng chúng thọ trai xong, Thập Ðắc gạn lại thức ăn dư bỏ trong ống đồng. Hàn Sơn đến liền cõng đi. Hàn Sơn dung mạo khô gầy, áo quần tơi tả, lấy vỏ cây làm mũ, mang guốc gỗ to. Lúc đến chùa, hoặc đi dạo dưới hiên, hoặc vào bếp chụm lửa, hoặc chơi với mục đồng, có lúc quát tháo, ngửa mặt lên trời mà chửi, hoặc nói: “Than ôi! Than ôi! Tam giới luân hồi!”.
Tăng lấy gậy đuổi thì vỗ tay cười to. Một hôm, hỏi Phong Can rằng:
- Gương xưa chẳng bao lâu, làm sao soi chiếu?
- Băng đài không hình bóng.
- Khỉ vượn mò thủy nguyệt (*).
- Ðây là chẳng chiếu ssoi, thỉnh Sư nói nữa.
- Vạn đức chẳng đem đến, bảo ta nói cái gì?
Hàn Sơn, Thập Ðắc đều làm lễ. Phong Can bảo Hàn Sơn:
- Ông đi dạo Ngũ Ðài với ta thì là bạn với ta; nếu không đi, không phải bạn ta.
- Tôi không đi!
- Phong Can nói:
- Ông chẳng phải bạn ta.
Hàn Sơn hỏi Phong Can:
- Ông đi Ngũ Ðài làm gì?
- Ta đi lễ Văn Thù.
- Ông không phải bạn của ta.
Phong Can đi Ngũ Ðài một mình. Gặp một ông già, Phong Can hỏi:
- Có phải Văn Thù không?
- Há có hai Văn Thù?
Phong Can liền làm lễ. Chợt ông già biến mất. Sau Phong Can trở về Thiên Thai thị tịch.
Hàn Sơn nhân chúng tăng nướng cà, bèn lấy xâu cà đánh vào lưng một vị tăng, tăng quay đầy lại. Hàn Sơn đưa xâu cà hỏi:
- Là cái gì?
Tăng nói:
- Gã điên này!
Hàn Sơn hỏi tăng bên cạnh:
- Ông nói xem ông sư này tốn bao nhiêu tương muối?
Triệu Châu đến Thiên Thai, đi thấy dấu chân trâu. Hàn Sơn hỏi:
- Thượng tọa lại biết trâu chăng? Ðây là năm trăm La hán dạo núi.
- Ðã là La hán vì sao lại làm trâu.
Hàn Sơn nói:
- Trời xanh! Trời xanh!
Triệu Châu cười ha ha.
Hàn Sơn nói:
- Cười cái gì?
Triệu Châu nói:
- Trời xanh! Trời xanh!
Hàn Sơn nói:
- Chú nhỏ này lại có tư cách đại nhân.
*
Thập Ðắc quét đất, chủ chùa hỏi:
- Ngươi họ gì? Ở đâu?
Thập Ðắc buông chổi vòng tay đứng. Chủ chùa mờ mịt.
Hàn Sơn đấm ngực nói:
- Trời xanh! Trời xanh.
Thập Ðắc hỏi:
- Ông làm gì vậy?
Hàn Sơn nói:
- Há không nghe nói nhà phía Ðông có người chết, nhà phía Tây buồn lây sao!
Rồi vừa múa, vừa cười khóc mà ra.
Thập Ðắc lại chăn trâu ở trang xá ca vịnh kêu trời rằng:
- Ta có một hạt châu, chôn ở trong ấm giới không một ai biết cả.
Chúng tăng thuyết giới. Thập Ðắc lùa trâu đến, tựa cửa vỗ tay mỉm cười nói:
- Mờ mịt thay! Chụm đầu làm bộ, cái này thế nào?
Tăng nổi giận mắng:
- Ðồ hạ tiện khùng điên! Phá sự thuyết giới của ta!
Thập Ðắc cười nói:
Không sân tức là giới!
Tâm tịnh tức xuất gia
Tánh ta cùng ông hợp
Tất cả pháp không sai.
Rồi lùa trâu ra, hô tên tăng đời trước. Trâu liền ứng tiếng mà đi qua. Thập Ðắc lại nói:
- Ðời trước chẳng trì giới, mặt người mà lòng thú. Ngươi nay tạo lỗi này, lại oán hận người nào? Sức Phật tuy rất lớn mà ngươi phụ ơn Phật.
*
Thần hộ Già lam, thức ăn để dưới Tăng trù cứ bị quạ tới phá. Thập Ðắc lấy gậy đánh nói:
- Thức ăn ngươi còn không thể giữ được, làm sao hộ Già Lam?
Thần liền báo mộng cho tăng trong chùa:
- Thập Ðắc đánh tôi.
Ðến sáng, chúng tăng kể lại mộng, đều thấy như nhau. Bèn đến xem tượng thần, quả nhiên thấy có chỗ bị bể. Ai nấy đều kinh dị, đem trình lên Quận huyện. Quận bảo: “Hiền sĩ dấu vết tích là Bồ tát ứng thân” và gọi là Hiền sĩ Thập Ðắc.
*
Lúc đầu Lư Khâu Dận, sắp nhậm Ðan Khâu, bị đau đầu, thuốc men trị chẳng lành; gặp một thiền sư tên Phong Can bảo rằng từ Thiên Thai đến yết kiến sứ quân. Ông kể bệnh mình, Phong Can nói:
- Thân ở nơi tứ đại, bệnh từ huyễn thân. Nếu muốn trừ nó, phải lấy nước sạch.
Rồi đòi bình nước, đọc thần chú phun lên đầu, lập tức hết đau. Dận lấy làm lạ, bèn hỏi xin cho biết sự an nguy từ đây về sau. Phong Can nói:
- Hãy nhớ đến yết kiến Văn Thù, Phổ Hiền. hai vị Bồ tát này, thấy thì chẳng biết, biết thì chẳng thấy. Nếu muốn thấy, chẳng được chấp tướng. Chính là Hàn Sơn, Thập Ðắc đang lao dịch ở chùa Quốc Thanh.
Dận đến nhậm chức ba ngày rồi đến chùa Quốc Thanh hỏi:
- Chùa này có thiền sư Phong Can chăng? Hàn Sơn, Thập Ðắc là ai?
Tăng Ðạo Kiểu đáp:
Phong Can nền cũ ở sau Tàng kinh. Nay vắng vẻ không người. Còn Hàn Sơn, Thập Ðắc đang ở nhà bếp.
Dận đi vào phòng của Phong Can, chỉ thấy dấu chân cọp. Lại hỏi:
- Ngài Phong Can hồi ở đây làm gì?
Ðạo Kiểu đáp:
- Chỉ phụ giã gạo cúng tăng, rảnh thì ngâm vịnh.
Dận xuống bếp tìm Hàn Sơn, Thập Ðắc, thấy đang thổi lửa, rồi vỗ tay cười to. Dận đến lễ bái, hai người quát mắng liên thanh, nắm tay cười to nói:
- Phong Can lắm mồm, Phong Can lắm mồm! Phật Di Ðà chẳng biết, lễ chúng ta làm chi?
Tăng chúng ùa đến, kinh ngạc bảo nhau:
- Vì sao tôn quan lại làm lễ hai gã bần sĩ này?
Hai người bèn nắm tay chạy ra khỏi chùa.
Dận khiến đuổi theo. Hai người lại chạy gấp vào Hàn Nham. Dận lại hỏi tăng:
- Hai người này chịu ở lại chùa này chăng?
Rồi bèn sai người tìm thăm hỏi để đem về chùa an trí. Dận trở về quận, cắt may hai cặp áo sạch cùng hương, thuốc ... đem đến cúng dường, nhưng hai vị không về nữa. Sứ liền đến núi đưa lên thấy Hàn Sơn lớn tiếng hét:
- Giặc! Giặc!
Rồi vào kẽ đá núi, lại nói:
- Báo cho mấy người, nên cố gắng lên!
Kẽ đá tự khép lại, chẳng thể đuổi theo. Còn thập Ðắc thì chẳng thấy dấu vết. Sau có tăng đi hái củi ở Nam Phong, cách phía Ðông Nam chùa hai dặm gặp một Phạm tăng chống gậy vào núi, gánh một vòng xương nói:
- Lấy Xá lợi của Thập Ðắc.
Mới biết Thập Ðắc nhập diệt ở đây. Nhân đó gọi núi là Thập Ðắc. Dận sai Ðạo Kiểu tìm thăm di tích. Ở trong rừng, trên lá cây được thư, từ, tụng của Hàn Sơn và các người trong thôn làng hơn ba trăm bài. Thập Ðắc cũng có thơ hơn mấy mươi bài đề trên vách đá miếu Thổ địa, được gom góp thành tập.
Thơ Hàn Sơn:
Nhớ lại mươi năm trước
Thả bộ Quốc Thanh về
Trong chùa ai cũng nói
Hàn Sơn là kẻ si
Si không biết tầm tư
Riêng ta còn chẳng biết
Thì y biết nỗi gì!
Cúi đầu đừng hỏi nữa
Hỏi được lại làm chi?
Có người đến chửi tớ
Tớ biết rõ tức thì
Tuy nhiên không ứng đối
Thế mà được tiện nghi.
(*) Thủy nguyệt: Trăng trong nước.
50. THIỀN SƯ ÐẠO LÂM
Sư họ Phan quê ở Phú Dương. Mẹ nằm mộng thấy nuốt ánh sáng mặt trời mà có thai, đến khi sanh hương lạ xông khắp nhà, nên đặt tên Sư là Hương Quang. Lên chín tuổi Sư xuất gia, hai mươi mốt tuổi thọ giới. Sau đến Trường An lễ pháp sư Phục Lễ học kinh Hoa Nghiêm, luận Khởi Tín. Pháp sư Phục Lễ dạy bài tụng Chân Vọng, bắt tu Thiền na. Ðạo Lâm hỏi:
- Khởi đầu làm sao quán? Làm sao dụng tâm?
Phục Lễ làm thinh chẳng nói. Sư lạy ba lễ lui ra. Sau Pháp Khâm đến cung vua, Ðạo Lâm đến yết kiến bèn được chánh pháp.
Sư từ khi được tâm ấn của Pháp Khâm, liền đến chùa Vĩnh Phước ở Cô Sơn, có tháp Phật Bích Chi. Lúc đó đạo tục đang làm pháp hội. Ngài chống gậy đi vào, pháp sư Thao Quang hỏi:
- Ðây là pháp hội, sao ông làm ồn thế?
Sư đáp:
- Không gây tiếng ồn ai biết là hội.
Sau Ngài thấy núi Tần Vọng, rặng tùng xoay vòng quanh như bảo cái bèn leo lên ở. Vì thế được gọi là thiền sư Ðiểu Khòa (ổ chim), lại có một ổ chim khác bên cạnh, tự nhiên quen thuộc, nên Sư còn được gọi là Hòa thượng Thước Sào.
Có Lục cung sứ là Ngô Nguyên Khanh, người Hàng Châu, thông minh mẫn ngộ, vua Hiến Tông rất ưa thích. Một hôm ở cung Chiêu Dương, thấy hoa cỏ tốt tươi, đang bồi hồi thưởng ngoạn chợt nghe trên không trung có tiếng:
- Những tướng hư huyễn, nở rụng không dừng, hay hoại căn lành, nhơn giả đâu nên hưởng chúng.
Nguyên Khanh bừng tỉnh, muốn thoát trần tục, vào năn nỉ vua, vua cho về nhà. Nhân pháp sư Thao Quang yết kiến Ðạo Lâm, ông theo thưa:
- Ðệ tử bảy tuổi đã ăn chay, mười một tuổi thọ ngũ giới, năm nay hai mươi hai tuổi, định xuất gia nên đã nghỉ làm quan. Mong Hòa thượng độ con làm tăng.
Ngài Ðạo Lâm bảo:
- Ðời nay làm tăng, ít người chịu tinh khổ, tính hạnh phần nhiều hời hợt.
Nguyên Khanh thưa:
Vốn sạch đâu cần mài giũa
Sẵn sáng không theo chiếu.
(Bổn tịnh phi trác ma
Nguyên minh bất tùy chiếu).
Ðạo Lâm nói:
- Ông nếu rõ thể của tịnh trí diệu viên tự không tịch, tức là chân xuất gia, đâu cần tướng bên ngoài. Ông nên làm Bồ tát tại gia, tu bố thí và trì giới, như bọn ông Tôn Hứa đi.
Nguyên Khanh thưa:
- Lý tuy như vậy nhưng chẳng phải chí của con. Cúi mong Thầy từ bi nhiếp thọ, con thể tuân theo lời Thầy dạy.
Thưa thỉnh đến ba lần mà Ðạo Lâm vẫn chẳng nhận. Thao Quang khuyên:
- Cung sứ chưa hề lấy vợ, cũng không nuôi thị nữ. Thiền sư nếu không thâu nhận thì ai độ ông ta.
Ðạo Lâm bèn cho xuất gia, thọ giới đặt pháp hiệu là Hội Thông. Từ đó ông ngày đêm tinh tấn tụng kinh Ðại thừa, tu tập An ban Tam muội. Rồi bỗng một hôm ông từ giã thầy xin đi du phương. Ðạo Lâm hỏi:
- Ông định đến đâu?
Ông thưa:
- Hội Thông vì pháp mà xuất gia. Hòa thượng chẳng rủ lòng lòng chỉ dạy, nay con đến các nơi học Phật pháp.
Ðạo lâm nói:
- Nếu là Phật pháp, thì trong đây ta cũng có chút ít.
- Thế nào là Phật pháp của Hòa thượng?
Ðao Lâm rút một sợi vải trên người, đưa lên thổi. Hội Thông bèn ngộ huyền chỉ, đời gọi là thị giả Bố Mao (lông vải). Hội Thông sau trụ ở Chiêu Hiền, đến đời Vũ Tông phế giáo, ông vào núi sâu ẩn, sau cùng chẳng biết thế nào.
Bạch Cư Dị, tự là Lạc Thiên, đời Ðường khoảng 772-846 làm Thái thú Hàng Châu. Niên hiệu Trường Khánh năm thứ hai (822), nhân vào núi yết kiến Ðạo Lâm, thấy Ngài ngồi trên ổ chim mới hỏi:
- Chỗ ở của Thiền sư nguy hiểm quá vậy?
Ðạo Lâm nói:
- Thái thú còn nguy hiểm hơn nhiều.
Bạch Cư Dị nói:
- Ðệ tử địa vị trấn giang sơn, có gì mà nguy hiểm?
Ðạo Lâm nói:
- Củi lửa giao nhau, thức tánh chẳng dừng, không nguy hiểm sao được?
Bạch Cư Dị lại hỏi:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Ðạo Lâm nói:
- Các ác chớ làm, những điều thiện vâng làm.
Bạc Cư Dị nói:
- Con nít ba tuổi cũng biết nói thế.
Ðạo Lâm nói:
- Con nít ba tuổi tuy nói được mà ông lão 80 tuổi làm không được.
Bạch Cư Dị lại dùng kệ hỏi:
Riêng vào cửa không hỏi khổ không,
Dám đem việc thiền hỏi Thiền ông.
Ngay khi mộng là việc phù sanh,
Hay việc phù sanh ở trong mộng?
(Ðặc nhập không môn vấn khổ không,
Cảm tương thiền sự khấu Thiền ông.
Vi đương mộng thị phù sanh sự,
Vi phục phù sanh thị mộng trung).
Ðạo Lâm đáp:
Ðến thì không dấu, đi không vết
Khi đi và đến, sự giống nhau
Ðâu cần lại hỏi việc phù sanh
Chỉ phù sanh này là trong mộng.
(Lai thời vô tích khứ vô tung
Khứ dữ lai thời sự nhất đồng
Hà tu cánh vấn phù sanh sự
Chỉ thử phù sanh thị mộng trung).
Bạch Cư Dị bèn làm lễ mà lui.
|