Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục
Cao tăng dị truyện
21. PHÁP SƯ TĨNH ÁI
   
Ẩn núi THÁI ẤT

Ban đầu Tĩnh Ái nghe Chu Vũ Ðế phế giáo (547) khẳng khái than rằng:

- Ăn hạt dẻ nhà Chu mà quên việc này, đáng gọi là trung sao?

Ngài liền đến cung vua xin yết kiến, hết lòng bày tỏ sự báo ứng phước họa của việc hủy bỏ giáo pháp, chỉ bày dẫn chứng rõ ràng.

Vua đổi nét mặt bảo:

- Chiếu chỉ đã ban hành, không thể thu lại được.

Rồi chối từ. Ngài lui ra, khóc nói:

- Ðại giáo bị bế tắc, ta làm sao cam đứng nhìn cho được.

Ngài bèn trở về núi Chung Nam. Vua muốn được yên, sai vệ sĩ tìm Ngài. Ngài nghe được bèn chạy vào núi Thái Ất, kêu khóc bảy ngày đêm không ngớt, soạn hai mươi quyển Tam Bảo Lục. Tháng 7 niên hiệu Tuyên Chính khai nguyên (578), bảo đệ tử rằng:

- Ta sống chẳng bổ ích cho đời, nay muốn xả thân.

Chúng kêu khóc. Ngài sai thị giả ra khỏi núi, rồi trích máu viết một thiên thư kệ. Ngài ngồi trên tảng đá, mặc áo trong, tự mổ bụng bày trên đá, đem ruột gan treo trên cây tùng, ngũ tạng đều phơi ra, còn gân thịt, tay chân, đầu mặt miệng lóc ra gần hết, lấy dao khoét tim, đưa lên, ngồi ngay ngắn mà tịch. Còn hài cốt không vấy chút máu, chỉ thấy sữa trắng chảy ra, đọng ở đá. Người nghe ai cũng rơi lệ.

22. PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO

Khai Hoàng Nguyên Niên (581)

Chu Vũ đế phế giáo làm vua hai mươi năm. Tùy Văn Ðế lên ngôi đổi niên hiệu là Khai Hoàng. Xuống chiếu lập chùa Tăng ở núi Ngũ Nhạc, lại lập một ngôi già lam ở chiến trường Tương Châu. Vua rắp tâm hoằng pháp. Mùa Ðông năm đó, có các sa môn Trí Chu ... đem hai trăm sáu mươi bộ kinh đúng hẹn từ Tây Vức trở về. Vua bèn giao cho Hữu Ty, mời người phiên dịch.

Vua họ Dương tên Kiên, người Hoa Âm, lúc mới sanh hào quang đỏ chiếu trong nhà, khí tía đầy sân. Bên cạnh nhà có chùa ni. Ni cô tên Trí Tiên, người đời gọi là Thần Ni. Gặp lúc nóng bức, mẹ lấy quạt quạt cho lạnh muốn gần chết. Ni cô từ ngoài đến bảo người cha rằng:

- Ðứa bé này do Phật trời ban cho. Thân như xá lợi, chẳng thể tiêu hoại.

Bèn gọi ông là Na La Diên, Ni cô lại nói:

- Ðứa bé này sẽ đến chỗ khác thường. Nhà thế tục ô uế, nên đem đến chùa nuôi dưỡng.

Người cha bèn giao đứa bé cho Ni cô. Một hôm Ni cô ra ngoài. Người mẹ đến ôm con, chợt thấy con hóa thành rồng, vẩy sừng đầy đủ, kinh sợ té xuống đất. Ni cô trở về thấy nói:

- Tại sao dám chạm đến con ta, làm cho nó muộn được thiên hạ.

Ðến năm bảy tuổi, Ni cô bảo vua rằng:

- Con sau là bậc đại quý, sẽ từ phương Ðông đến. Lúc Phật pháp diệt, nhờ con mà hưng thịnh lại.

Vua mười ba tuổi mới trở về nhà. Ðến khi Chu Vũ Ðế phế giáo, Ni cô ẩn tại nhà Dương Kiên, chưa được bao lâu thì tịch. Sau Dương Kiên quả nhiên từ Sơn Ðông vào làm thiên tử, đại hưng Phật pháp, như lời Ni cô nói.

Lên ngôi rồi, mỗi lần thăm quần thần đều truy niệm A Xà Lê để làm “khẩu thật” (*), lại nói:

- Trẫm hưng ngôi vị đều do Phật pháp, lại thích ăn mè đậu. Ðời trước như từ dòng đạo nhân mà đến. Vì lúc nhỏ ở chùa, đến nay ưa nghe tiếng chuông trống.

(*) Khẩu thật: Câu chào hỏi, hay câu làm chứng lời mình không dối.

23. ÐẠI SĨ TĂNG GIÀ

Ðại sĩ Tăng Già từ nước Toái Diệp dạo Tây Lương, niên hiệu Tổng Chương năm thứ hai (669) hiển hóa ở Lạc Dương; tay cầm cành cành dương lẫn lộn trong dòng tu. Có người hỏi:

- Thầy họ chi?

Ðáp:

- Tôi họ chi.

Hỏi:

- Sư người nước nào?

Ðáp:

- Tôi người nước nào.

Ngài thường ở trên sông Tứ muốn lập già lam. Nhân có dân Túc Châu là Hạ Bạt phá chỗ ở. Tăng Già nói:

- Ðây vốn là chùa.

Cho người đào đất quả nhiên thấy bia cũ đề: Chùa Hương tích; lại được tượng vàng. Tăng Già nói:

- Phật Phổ Quang Vương.

Bèn lấy đây làm tên chùa.

Trung Tông rước Tăng Già ở Tứ Châu vào cung. Mời ở chùa Tiến Phước độ Huệ Nghiễm, Huệ Ngạn, Mộc Xoa ba người. Sau thị tịch. Vua ra lệnh đến núi Tiến Phước thân dựng tháp.

Chợt mùi hôi thúi xông lên khắp thành. Vua cầu khẩn xin đưa về Lâm Truy.

Khấn xong, mùi hương lạ thơm ngào ngạt.
Xem mục lục