Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

QUÁN SÁT MƯỜI HAI ĐIỀU KIỆN TẠO TÁC VÀ NHÂN TẠO TÁC (Thập nhị Nhân Duyên-十二因緣)

 

眾生癡所覆

為後起三行

以起是行故

隨行墮六趣

26.1

Từ chỗ ngược đảo do mê đắm của chúng sinh,

Sau đó dấy tác Ba loại tạo tác (Tam hành-三行): 1. Tạo tác trong cuộc sống "Bản thân" đối với tha nhân (Thân-身), 2. Tạo tác bằng ngôn ngữ qua lời nói (Khẩu-口), 3. Tạo tác bằng Ý thức từ trong tâm thức (Ý-意).

Bởi vì dấy lên những tạo tác như thế,

Nên rơi đến Sáu chỗ phải đến (Lục thú-六趣) tương ứng với hành vi tạo tác ấy.*

 

______*"Sáu chỗ phải đến"-Lục thú-六趣: 1. Trời, 2. Người, 3. A-tu-la, 4. Địa Ngục, 5. Ngạ Quỷ, 6. Súc Sinh. Chữ "Thú-趣" là: "đi rảo bước đến chỗ đã định"_trong đó, đã bao hàm một ý hướng tính (intention): "sẽ đi đến đâu" và tính chất của định hướng này: cách đi và chỗ nó đến "tốt" hay "xấu". Như thế, mỗi hành vi tạo tác đều tự nó có tính chất định hướng "tốt" hay "xấu", chính tính chất định hướng này dẫn nó tới chỗ tương ứng với tính cách tạo tác của nó. Luật Nhân-Quả mà kinh điển thường đề cập, có thể hiểu như là một nguyên lý phổ quát nhất của vũ trụ đối với tất cả những gì hình thành có điều kiện, không loại trừ một điều kiện riêng biệt nào (vật lý, sinh lý, tâm lý...). Do đó, tác động của luật Nhân-Quả cần được giải thích như là một định luật hiển nhiên (evident) với tất cả những điều kiện mà con người ta có thể nhận thức được (hơn là giải thích nó như một cái gì thần bí, phải chấp nhận mà không cần hiểu nó là cái gì). Theo đó, chúng ta có thể hiểu cấu tạo của nguyên lý Nhân-Quả phổ quát này như sau:

 

 Nhân tạo tác (Nhân-因)----------------------------------------->Kết quả tạo tác (Quả-果)

 (Ý hướng tính + cách thức)---đi đến chỗ đã định (Thú-趣)--->(Tính cách tương ứng)

 

 Như thế: Tính cách mà Quả đem lại đã được định hướng bởi Ý hướng tính và Cách thức thực hiện, vốn nội hàm từ xuất phát điểm là Nhân. Nói cách khác: Khi người ta có Ý định làm việc gì, làm như thế nào, thì ngay từ trong ý định và cách thức ấy, đã qui định chỗ-phải-đến (Quả) của nó rồi. Và từ những tính chất "tốt" hay "xấu" ấy, Quả phải chịu những điều kiện tương ứng, tác động vào nó. Hay nói cách khác nữa cho thì vị hơn: "Ma đưa lối quỷ dẫn đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi" (Kiều, Nguyễn Du), hoặc "Trái banh lăn theo con đường mòn mà nó tạo ra" (F. Nietzsche). Cái "Ma đưa lối Quỷ dẫn đường" ấy không phải là cái gì thần bí ngoại tại, mà là cái vốn nội tại trong nhận thức chủ quan của con người. "Thú-趣" còn có nghĩa: 2. Thú vị, cái làm thích thú say đắm, 3. "Thú-趣": thúc dục, cái thúc dục xui khiến. Chính tính chất của tạo tác đem lại một Kết Quả tất nhiên thấy rõ (evident): nó làm con người ta say đắm (ái trước), nó thúc dục xui khiến con người ta "Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi", "Trái banh lại lăn theo con đường mòn nó tạo ra"_con người ta bị trói buộc cái mình tác tạo. Với ý nghĩa như thế, những cảnh giới mà kinh điển mô tả từ hơn hai ngàn năm trước như: Trời, người, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cần được hiểu như là một cách diễn tả có tính cách định tính, hơn là một mô tả cái gì cụ thể.

 

以諸行因緣

識受六道身

以有識著故

增長於名色

26.2

Bởi những Tác vi tạo tác (Hành-行) do Điều kiện (Duyên-緣) và Nhân tác tạo (Nhân-因),

Mà cái Biết (Thức-識) con người buộc "bản thân" (Thân-身) vào sáu nẻo đường.

Bởi Ý thức cố bám theo những con đường mòn ấy,

Nên nó cứ tăng trưởng trong điều kiện phân biệt của Tên gọi và Biểu tượng (Danh sắc-名色).*

______*"Tên gọi và Biểu tượng-Danh sắc-名色nama-rupa", khái niệm "Danh sắc-名色" được dùng trong kinh điển Phật giáo có chỗ tương đồng với "Khái niêm" (concept) và "Biểu tượng" (Symbol) trong Nhận thức luận của phương Tây, cũng là ý nghĩa mà chúng ta hiện nay thường dùng trong ngôn ngữ hàng ngày: Con người ta chỉ có thể nhận thức được sự vật và thế giới thông qua con đường của ngũ giác quan. Mỗi giác quan (mắt, tai, mũi...) nhận được một dạng thức thông tri (communication) từ sự vật (mắt thấy được màu xanh, đỏ...xúc giác cảm giác được tính chất cứng, mềm, thô, mịn...). Những dạng thức thông tri qua những con đường riêng biệt của mỗi giác quan này, được tổng hợp lại để cuối cùng chúng ta có được một "hình ảnh" về sự vật, tức là "Khái niệm" hay "biểu tượng" về sự vật. Tuy nhiên, "Khái niệm" và "biểu tượng" về sự vật, như là một ảnh chụp, bản sao chép lại của sự vật chứ không phải là sự vật vốn như là thế ("Sự vật tự-nó, thing itself). Tất cả những gì mà con người ta có thể nhận thức một cách tương đối được về sự vật và thế giới, chỉ là những "Khái niệm" hay "Biểu tượng", một dạng ảnh ghép lại từ những mảnh khác nhau, tự nó không phải là Thực tại (Reality). Mặt khác, theo quan điểm của Kant, con người ta KHÔNG THỂ nhận thức được sự vật tự-nó (nói theo cách của Trung Luận: "Tự tính-自性").

 Điểm khác nhau giữa thuật ngữ "Danh Sắc" (và những thuật ngữ tương quan như Lục Căn, Lục Trần...) được sử dụng trong kinh điển Phật giáo và thuật ngữ "Khái niệm"(concept)-"Biểu tượng"(symbol) trong Nhận thức luận Cận đại là:

 1_Thuật ngữ Phật giáo không phân tách bạch giữa chủ ngữ (subject) và thuộc tính (predicates), nói cách khác, ngay từ đầu không phân định ranh giới giữa "chủ thể "(subject) và "đối tượng" có tính chất nhị nguyên rõ rệt. Hẳn là Phật giáo quan có lý do và căn cứ xác đáng để không phân định ra hai thể "đối đãi" biệt lập như thế. Tuy nhiên cũng chính vì điều này, đem lại sự mơ hồ nhòa lẫn (nhiều khi rất không cần thiết, thậm chí cản trở, gây ngộ nhận khi đọc ý nghĩa văn bản):

 a. Không phân định những cái thuộc về "chủ thể"(subject) và những thuộc tính (predicates) thuộc về "đối tượng" (object): Chữ "Pháp-法-Dharma"nói chung có thể dùng như "chủ thể" hay "đối tượng", không phân biệt với chữ "Pháp" trong "Lục Trần", chỉ những thuộc tính (-dhatu) của đối tượng nhận biết được bởi ngũ giác quan. Thực ra, chữ "Pháp-dhatu" trong "Lục Trần"này cũng chính là "biểu tượng" (symbol) có được từ ngũ giác quan, đồng nghĩa với chữ "Sắc-rupa" trong "Danh Sắc". Từ điểm không tách bạch này dẫn đến những chỗ mơ hồ dễ bị lẫn lộn khác:

 b. Chữ "Sắc-色" trong "Danh Sắc-nama-rupa" (chỉ về "biểu tượng" mà tâm thức có được từ chỗ tiếp xúc với ngoại giới) và "Sắc-色-rupa" trong "Lục Trần" (chỉ những "màu sắc, hình thể" mà con mắt nhìn thấy, là thuộc tính-dhatu của đối tuợng được nhận biết) và "Sắc-色-Rùpa-skandha" trong "Ngũ Ấm" (chỉ chung tất cả những gì thuộc về ngoại giới, tất cả mọi tồn tại giữa thế gian, trong ý nghĩa "Sắc Trần" hay "Sắc" đối với "Không") được dùng chung lẫn lộn, không phân biệt được cái nào là cái nào nữa.

 Tuy nhiên, những thuật ngữ này ("Danh Sắc", "Lục căn", "Lục Trần", "Lục Tình"...) vốn đều là những thuật ngữ dùng để chỉ tính chất nhị nguyên (dual) của "Hữu Vi Pháp-Sanskrita", vậy thì: đang nói về nhị nguyên, tại sao không phân đinh tính chất nhị nguyên này cho nó rõ ràng hơn?

 2. Nhìn từ quan điểm của Nhận thức luận Cận đại của phương Tây, thì mọi cách đều tách bạch rõ ràng (clear and evident). Tính rõ ràng( clearness) và tính tách bạch (evidence: tính hiển nhiên, tự minh tính, tính cách tự nó minh chứng cho nó, như: 2+2=4) đem lại tính truyền đạt rất cao. Tính rõ ràng và tự minh này, như là một tiêu chuẩn của nhận thức luận, vốn đã được Aristote xác định từ điểm xuất phát của song trùng của Triết học và Toán học phương Tây. Tuy nhiên, Nhận thức luận Cận đại khi phân rõ "chủ thể" và "đối tượng" như là hai cái hoàn toàn biệt lập, thì hầu như các triết gia cận đại đã quên bẵng một điều căn bản nhất mà Aristote đã xác định từ đầu, khi ông định nghĩa chữ "Nguyên-Archē-_Nguyên khởi: Cái khởi đầu":

  a.Ch khi đu ca s vt mà ngưi ta xut phát t nó trưc tiên. Ví như mt con đưng hay mt si dây, nếu nhìn t phía bên này thì đây là ch khi đu, nếu nhìn t phía bên kia, thì bên kia là ch khi đu.

 b.Ch mà nếu như bt đu t đó, thì mi mi s s khi đu thun hơn c. Ví d như ngay c vic hc hi nghiên cu, có khi ngưi ta không nht thiết phi khi đu t ch đu tiên, nơi bt đu ca s vic, mà t ch mà nếu như khi đu hc t đó thì s gin đơn nht. (Metaphysica 5-Siêu Hình Học cuốn 5.1-Aristote)

 Như thế, sự phân định này chỉ có tính cách giả địnhtương đối, nó chỉ tồn tại trong nhận thức tương đối của con người, để từ đó có một điểm xuất phát để khảo sát và nghiên cứu sự vật. Tuy nhiên, cần phải minh định một lần nữa (dựa theo ý của Aristote),rằng: Trong sự phân định có tính cách giả định và tương đối ấy, thì cà "Chủ thể" và "Đối tượng" cũng là những cái giả định và tương đối.

 Bản dịch Việt ngữ ở đây (cũng như nhiều chỗ khác) cố gắng đứng ở giữa (1) và (2), nói theo cách của Wittgenstein, thì: "Cái gì có thể nói được, thì nói tách bạch rõ ràng, cái gì không thể nói được, thì để chừa nó lại trong im lặng"(What can be said at all can be said clearly, and what we cannot talk about we must pass over in silence).

 

名色增長故

因而生六入

情塵識和合

而生於六觸

26.3

Bởi điều kiện phân biệt Tên gọi và Biểu tượng,

Là tác nhân sinh ra phân biệt Sáu cách Nhận tri (Lục Nhập-六入)*

Xúc cảm (Tình-情)*, Điều kiện Cảm giác (Lục Trần-塵)* và Nhận thức (Thức-識) phối hợp với nhau,

Sinh ra phân biệt Sáu cách Tiếp xúc (Lục Xúc-六觸) với thế gian.

______*Lục Nhập-六入: Sáu cơ năng nhận tri, sáu cửa ngõ để con người có sáu cách tiếp xúc (Lục Xúc-六觸) với ngoại giới, gồm ngũ giác quan và ý thức: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức. Lục Nhập-六入 còn được gọi theo một cách khác là Lục căn-六根: sáu căn nguyên (source) cung cấp những dạng thức thông tri từ ngoại giới.

 *Lục Trần-塵: Sáu dạng thức cảm nhận được thông qua ngũ giác quan và ý thức, là sáu dạng thông tri do sự vật đem lại: màu sắc , âm thanh, mùi hương, vị , cảm giác xúc giác, và những thuộc tính những dạng thông tri này (xanh, đỏ, lớn, nhỏ, thơm, thúi, ngọt, chua, cứng, mềm...).

 

因於六觸故

即生於三受

以因三受故

而生於渴愛

26.4

Từ Sáu cách tiếp xúc với thế gian,

Sinh ra Ba điều kiện Thụ cảm*_Chủ thể cảm thụ, Ý thức có định hướng và đối tượng thụ cảm,

Ba điều kiện Thụ cảm này là nhân tố tạo tác,

Để khởi sinh ra Khát khao, Ái dục.

 

因愛有四取

因取故有有

若取者不取

則解脫無有

26.5

Do tác nhân của Khát khao, Ái dục mà sinh ra Bốn cách ôm giữ (Tứ Thủ-四取),*

Vì cứ ôm giữ một bề như thế, nên mới có cái "Có".

Nếu kẻ ôm giữ không ôm giữ nữa,

Thì kẻ ấy được giải thoát khỏi phân biệt "Có" và "Không có".

 

_____*Bốn cách ôm giữ-Tứ Thủ-四取, xem chú thích ở 3.7

 

從有而有生

從生有老死

從老死故有

憂悲諸苦惱

26.6

Cái đã "Có" lại khởi sinh thêm cái "Có",

Theo chuỗi sinh khởi mà có già, có chết.

Bởi có già, có chết mà có ưu hoạn, sầu bi,

Có ưu hoạn, sầu bi nên có Phiền Não, Khổ Đau.

 

如是等諸事

皆從生而有

但以是因緣

而集大苦陰

26.7

Những cái như thế liên hoàn mắc xích với nhau,

Tất cả nối tiếp nhau sinh khởi mà "Có".

Tất cả đều chỉ là Nhân tác tạo (Nhân-因) và Điều kiện tạo tác (Duyên-緣),

Tích tập lại thành chuỗi Điều kiện nhận thức (Ấm-陰) đầy khổ đau.

 

是謂為生死

諸行之根本

無明者所造

智者所不為

26.8

Đó chính là Sinh Tử,

Là căn nguyên của mọi Tác vi (Hành-行),

Mà kẻ chìm đắm trong Vô Minh tạo tác ra,

Kẻ trí tuệ tự mình không tác tạo như thế.

 

以是事滅故

是事則不生

但是苦陰聚

如是而正滅

26.9

Bởi vì tự chính mình không tác tạo,

Nên chuỗi mắc xích ấy không khởi sinh.

Với chuỗi mắc xích điều kiện khổ đau như thế ấy,

Chỉ có thế, mới Diệt tận Đau khổ ngọn nguồn.

Xem mục lục