Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

QUÁN SÁT BỐN Ý NGHĨA CĂN ĐỂ CỦA THẾ GIAN (Tứ Đế-四諦) 

 

若一切皆空

無生亦無滅

如是則無有

四聖諦之法

24.1______(Phản luận từ những quan điểm đối lập)_______

Nếu tất cả mọi tồn tại đều rỗng không,

Không sinh khởi, cũng không hoại diệt.

Như thế thì cũng không làm sao có được

Giáo pháp nền tảng về Tứ Đế (Tứ Đế-四諦).*

______*Tứ Đế-四諦: bốn giáo pháp cơ bản mà đức Phật Thích Ca lần đầu tiên thuyết giảng sau khi thành đạo (cho năm anh em Kiều Trần Như, từng là đạo hữu của ngài), cũng được xem như bốn ý nghĩa cơ bản nhất của Phật Pháp nói chung, mà điểm xuất phát là Phật giáo nguyên thủy, khi đức Thế Tôn còn tại thế. Bao gồm:

 1. Khổ Đế-苦諦-Duddha: Ý nghĩa về Đau khổ

 "Sanh là khổ, già là khổ, (bệnh là khổ), chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; cầu không được là khổ. Tóm lại năm thủ uẩn là khổ". (Trung Bộ kinh, 141.Phân biệt về Sự thật, HT Thích Minh Châu dịch).

 2. Khổ Tập Đế-苦集諦-Samudaya: Ý nghĩa về sự Tích tập Đau khổ

 "Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia; như dục ái, hữu ái, vô hữu ái". (Ibid.)

 3. Khổ Diệt Đế-苦滅諦-Nirodha: Ý nghĩa về sự Diệt tận Đau khổ

 "Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy)". (Ibid.)

 4. Khổ Diệt Đạo Đế-苦滅道諦-Magga: Ý nghĩa về Con đường Diệt tận Đau khổ

 "Đó là Thánh đạo tám ngành, tức là Chánh Tri kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.". (Ibid.)

 

以無四諦故

見苦與斷集

證滅及修道

如是事皆無

24.2

Vì không có Tứ Đế,

Nên việc nhìn ra ý nghĩa của Khổ và đoạn tuyệt Tập Khổ,

Cả chứng đắc Diệt Khổ và cả Con đường Diệt Khổ,

Cũng đều không tồn tại.

 

以是事無故

則無四道果

無有四果故

得向者亦無

24.3

Bởi vì không có những ý nghĩa căn để như thế,

Hẳn cũng không có bốn kết quả thành tựu từ đó.

Vì không có bốn kết quả thành tựu,

Nên cũng không có người chứng đắc tựu thành ấy.

 

若無八賢聖

則無有僧寶

以無四諦故

亦無有法寶

24.4

Nếu không có Tám Hiền Thánh (Bát Hiền Thánh-八賢聖, thành tựu từ Bát Thánh Đạo-八賢道),

Thì hẳn cũng không có Tăng bảo.

Vì không có Tứ Đế,

Nên cũng không có Pháp bảo.

 

以無法僧寶

亦無有佛寶

如是說空者

是則破三寶

24.5

Vì không có Pháp bảo và Tăng bảo,

Nên cũng không có Phật bảo.

Kẻ thuyết giàng về tính Không như thế,

Là kẻ phá hoại Tam bảo.

 

空法壞因果

亦壞於罪福

亦復悉毀壞

一切世俗法

24.6

Thuyết giảng tính Không như thế, là phá hoại luật Nhân-Quả,

Cùng phá hoại quả báo của Tội-Phúc,

Cùng hủy hoại tất cả mọi luật tắc, mọi qui định được thừa nhận, mọi ý nghĩa truyền thống...

Tồn tại trên thế gian này.*

_______*Mọi luật tắc, mọi qui định được thừa nhận, mọi ý nghĩa truyền thống...tồn tại trên thế gian này", Hán văn: "Nhất thiết thế tục pháp-一切世俗法", ở đây "Thế tục pháp-切世俗法" (tương phản với "Tứ Thánh Đế chi Pháp-四聖諦之法", ở 1d) bao hàm tất cả mọi ý nghĩa được thế tục thừa nhận và dựa vào đó mà xã hội con người có thể kế thừa và phát triển: 1. Luật pháp và tất cả những qui định thành văn, bao gồm cả những tri thức trong mọi lãnh vực, 2. Mọi ý nghĩa được thừa nhận mặc đinh: như truyền thống, phong tục tập quán, nghi thức... Chữ "Pháp-法" có nghĩa bao quát là: tất cả những gì đang hiện hữu một cách có ý nghĩa (đối với thế tục).

 

汝今實不能

知空空因緣

及知於空義

是故自生惱

 

24.7______(Phản-Phản Luận: Hoàn Luận Chứng)______

Các ông hiện không thể nhận biết rằng:

Không tính (空-Sunyata) là tính Không căn để của mọi điều kiện tạo tác (Duyên-緣) và nguyên nhân tạo tác (Nhân-因).

Các ông lại không biết về ý nghĩa căn để của Không tính,

Nến mới tự mình dấy lên những biện biệt não phiền như thế.

 

諸佛依二諦

為眾生說法

一以世俗諦

二第一義諦

24.8

Chư Phật đã vì chúng sinh thuyết giảng,

Dựa trên hai ý nghĩa nền tảng (Nhị Đế-二諦) này:

Một, là: Ý nghĩa căn bản của Thế tục (Thế Tục Đế-世俗諦, ct ở 6),

Hai, là: Ý nghĩa căn để của Thực Tại Tối Hậu (Đệ Nhất Nghĩa Đế-第一義諦).

 

若人不能知

分別於二諦

則於深佛法

不知真實義

24.9

Nếu người ta không thể nhận ra

Chỗ khác nhau giữa hai ý nghĩa nền tảng này,

Thì cũng không thể hiểu được ý nghĩa chân thật sâu thẳm,

Trong thẳm sâu Phật Pháp.

 

10 

若不依俗諦

不得第一義

不得第一義

則不得涅槃

24.10

Nếu không nương vào ý nghĩa căn bản của Thế tục,

Thì không thể chứng đắc được nghĩa căn để của Thực Tại Tối Hậu,

Không chứng đắc được nghĩa căn để của Thực Tại Tối Hậu,

Thì không thể chứng đắc Giải Thoát được.

 

11 

不能正觀空

鈍根則自害

如不善咒術

不善捉毒蛇

24.11

Kẻ không thể nhìn sâu thẳm trực tiếp vào Không tính,

Là do cội rễ mê muội tự hại mình.

Cũng như kẻ kia dùng chú thuật vụng về,

Để vụng về bắt những con rắn độc.

 

12 

世尊知是法

甚深微妙相

非鈍根所及

是故不欲說

24.12

Thế Tôn thấu rõ ý nghĩa căn để sâu thẳm,

Trong sâu thẳm Thực Tại vô cùng vi diệu ấy,

Là cái gì mà kẻ cội rế mê muội không thể vói tới được,

Nên ngài đã không muốn ngôn thuyết ra.

 

13 

汝謂我著空

而為我生過

汝今所說過

於空則無有

24.13

Các ông cho rằng: Tôi cố bám vào cái Không,

Để lập luận, nên tôi mắc phải sai lầm.

Nhưng chính lập luận của các ông mới sai lầm,

Khi cho rằng: Không nghĩa là không-có-gì-cả.

 

14 

以有空義故

一切法得成

若無空義者

一切則不成

24.14 

Bởi vì có ý nghĩa của Không,

Nên tất cả mọi tồn tại mới có ý nghĩa.

Nếu không có ý nghĩa của Không,

Thì không thành lập được ý nghĩa mọi tồn tại.*

______*"Nếu không có ý nghĩa của Không, Thì không thành lập được ý nghĩa mọi tồn tại": Một cái gì được cho là "Tồn Tại" tức là "Có", chỉ khi nào có thể xác định được: Nó "có" khi nào, ở đâu, như thế nào, trong tương quan ý nghĩa với: Khi nào, ở đâu nó "không" có, "không' còn là như thế nữa. Nếu không thể xác định được tương quan này, thì cũng không thể xác định được "Nó" là cái gì, có tồn tại hay không tồn tại. Mệnh đề này Nagarjuna đề ra hoàn toàn chính xác, ngay cả khi hiểu vơi ý nghĩa của Nhận thức luận Cận đại của Châu Âu, điển hình nhất là theo quan điểm Triết học của Emanuel Kant: Con người ta chỉ có thể nhận thức hay kinh nghiệm được sự vật thông qua giác quan, trong tương quan của những "phạm trù" (categories) mà ông cho là "tiên nghiệm" (Apriori), đó là "Thời gian", "Không gian", và 12 phạm trù tương quan khác như: "Khẳng định", "Phủ định", "Hạn định", "Đồng nhất", "Đa hợp", "Tổng thể", "Bản chất và Ngẫu nhiên", "Nhân-Quả", "Hổ tương", "Khả năng tính", "Tồn tại tính" và "Tất yếu tính". Trong hệ thống Nhận thức luận của Kant, thì "Không gian". "Thời gian" và những phạm trù khác đều mang tính chất chủ quan của nhận thức, do tâm thức con người thiết lập ra như những điều kiện tương đối nội hàm sẵn trong nhận thức. Do đó, những phạm trù này chỉ có thể áp dụng đối với những tri thức tương đối thuộc phạm vi của kinh nghiệm, ngược lại, đối với sự vật tự-nó ("thing itself, hay như cách nói của Trung Luận: "cái có tự tính-自生 của nó"), thì không áp dụng được. Bởi vì "sự vật tự nó" là cái gì tồn tại bên ngoài những phạm trù chủ quan của nhận thức, và con người không thể nhận thức được những sự vật tự nó như thế. Về điểm này, Bertrand Russell nhận định: "Tuy nhiên, điểm này gây ra một mâu thuẩn: Bởi vì sự vật tự-nó theo quan điểm của Kant như là căn nguyên (có tính khách quan) của cảm giác, và ý chí tự do được Kant quan niệm như là cái xảy ra trong thời gian và không gian chủ quan của nhận thức. Sự mâu thuẫn này không phải là một sai sót ngẫu nhiên, đó là phần cốt yếu trong hệ thống nhận thức luận của ông" (As regards cause, however, there is an inconsistency, for things in themselves are regarded by Kant as causes of sensations, and free volitions are held by him to be causes of occurrences in space and time. This inconsistency is not an accidental oversight; it is anessential part of his system._A HISTORY OF WESTERN PHILOSOPHY, B. Russell)

 Điểm khác nhau giữa Nagarjuna và Kant có thể nhận ra được:

 1. "Không gian" như là một phạm trù chủ quan của Kant, cũng chính là không gian đơn thuần thuộc hình học (Geometry). Không tính (空-Sunyata) của Nagarjuna thì hoàn toàn không còn dính dáng gì đên tính cách "chủ quan" hay "khách quan" nữa, nó đã vượt ra nhị nguyên tính này rồi.

 2. Điểm mâu thuẫn mà Kant triển khai như là "phần cốt yếu trong hệ thống Nhận thức luận của ông", cốt để minh chứng cho sự tồn tại của Thượng đế (trong "Phê bình Lý tính Thực tiễn"-The Critique of Practical Reason), lại là cũng chính là điểm mà Nagarjuna chọn làm trung tâm điểm để phá hủy: những mâu thuẩn vốn có trong cấu tạo nhận thức của con người, cũng chính là những điều kiện chủ quan con người tự trói buộc mình và rằng: tất cả những gì mà tư tưởng con người tạo tác ra (trong đó có cả Thượng Đế của Kant) cũng chỉ là những ảo tưởng chủ quan do tham dục mà ra, rồi cũng chính cái chủ quan ây lại trói con người vào vòng vây Nhân Quả, cản trở con người ta nhìn ra được cái chân thật vô hạn của chính mình.

 Ở đây, dẫn dụ Kant không phải là để dùng Kant để giải thích cho Nagarjuna, hay ngược lại (điều này hoàn toàn vô nghĩa), sự dẫn dụ này cốt chỉ để phân rạch ròi hơn cái ranh giới rất khó nhận ra giữa Thế tục Đế-世俗諦 và Đệ Nhất Nghĩa Đế-第一義諦 mà Nagarjuna đề cập ở kệ 8, cùng với mối tương quan của cả hai như ở kệ 10. Mệnh đề luận lý của Nagarjuna ở đây, và cả Trung Luận nói chung, với cấu trúc ngữ nghĩa và luận lý của nó, tự nó không loại trừ nghĩa nào (1."Không gian", "Hư không", "cái không có gì" hiểu theo nghĩa thông tục hay như là một phạm trù kiểu Kant, và 2. Không tính-空生-Sunyata). Thiếu một trong hai, thì mệnh đề Nagarjuna trở nên vô nghĩa, bởi vì "Không có ý nghĩa của Thế Tục Đế, thì cũng không thể có được ý nghĩa Đệ Nhất Nghĩa Đế"(若不依俗諦,不得第一義). (10ab)

 

15 

汝今自有過

而以迴向我

如人乘馬者

自忘於所乘

24.15

Ông đang tự tạo ra những sai lầm cho chính mình,

Mà qua những sai lầm ấy, hướng về ta để tìm lầm sai của ta,

Cũng như kẻ đang cưỡi con ngựa kia,

Tự mình quên mất mình đang cưỡi lên cái gì.

 

16 

若汝見諸法

決定有性者

即為見諸法

無因亦無緣

24.16

Nếu các ông một mực xác quyết rằng:

Tất cả mọi tồn tại đều có Tự tính của nó.

Thì theo cách nhìn như thê: Mọi tồn tại,

Đều không có những điều kiện tạo tác (Duyên-緣)và nguyên nhân tạo tác (Nhân-因).

 

17 

即為破因果

作作者作法

亦復壞一切

萬物之生滅

24.17

Thì có nghĩa là: Các ông đã phá đi luật Nhân-Quả,

Trong tương quan: Kẻ tạo tác - tác tạo - cái được tạo tác,

Cũng như thế hủy hoại tất cả,

Tính cách sinh khởi và hoại diệt của vạn hữu.

 

18 

眾因緣生法

我說即是無

亦為是假名

亦是中道義

24.18 (Phản-Phản luận, Hoàn Luận chứng)

Mọi tồn tại do Nhân tạo tác và Điều kiện Tạo tác khởi sinh ra,

Tôi luận giảng là Không,

Chính "Không" này cũng là giả danh_mượn tạm để ngôn thuyết

"Không" này theo ý nghĩa của Trung Đạo.

 

 

19 

未曾有一法

不從因緣生

是故一切法

無不是空者

24.19

Bởi vì: Chưa từng có một tồn tại nào,

Mà không khởi sinh theo điều kiện tạo tác và nhân tác tạo.

Do đó: Tất cả mọi tồn tại,

Chẳng có cái gì mà căn để của nó không là Không cả.

 

20 

若一切不空

則無有生滅

如是則無有

四聖諦之法

24.20

Nếu căn để của tất cả mọi tồn tại đều chẳng phải là Không,

Thì hẳn nhiên không có Sinh Khởi và Hoại Diệt,

Như thế thì cũng không tồn tại

Giáo pháp nền tảng về Tứ Đế (Tứ Đế-四諦).

 

21 

苦不從緣生

云何當有苦

無常是苦義

定性無無常


24.21

Nếu Khổ Đau không do điều kiện tạo tác khởi sinh ra,

Thì làm sao hiện tồn tại Đau Khổ?

Vô Thường là ý nghĩa căn nguyên của Đau Khổ,

Mà cái gì có tự tính của nó, thì không vô thường.

 

22 

若苦有定性

何故從集生

是故無有集

以破空義故

24.22

Nếu Đau Khổ vốn có tự tính cố định,

Thì làm sao nó sinh ra từ quá trình tích lũy (Tập-集)?

Vậy thì không có ý nghĩa Tập Khổ (Khổ Tập Đế-苦集諦),

Bởi vì ý nghĩa căn để của tính Không đã bị phá hủy.

 

23 

苦若有定性

則不應有滅

汝著定性故

即破於滅諦

24.23

Nếu Đau Khổ vốn có tự tính cố định,

Thì hẳn nhiên nó không thể bị tiêu diệt.

Bởi vì các ông cố bám vào tự tính cố hữu đó,

Nên cũng phá hủy giáo pháp nền tảng về Diệt Khổ (Khổ Diệt Đế-苦滅諦). 

 

24 

苦若有定性

則無有修道

若道可修習

即無有定性

24.24

Nếu Đau Khổ vốn có tự tính cố định,

Thì hẳn không có Con đường Diệt Khổ (Khổ Diệt Đạo Đế-苦滅道諦) để tu tập.

Vì Con đường ấy có thể tu tập,

Thì tức nhiên Khổ Đau là cái gì không tự tính cố định.

 

25 

若無有苦諦

及無集滅諦

所可滅苦道

竟為何所至

24.25

Nếu không có giáo pháp nền tảng về Đau khổ (Khổ Đế-苦諦)

Cũng không có Tập Khổ (Khổ Tập Đế-苦集諦), Diệt Khổ (Khổ Diệt Đế-苦滅諦)

Vậy thì giáo pháp về Con Đường Diệt Khổ (Khổ Diệt Đạo Đế-苦滅道諦),

Sẽ dẫn đi tới đâu?

 

26 

若苦定有性

先來所不見

於今云何見

其性不異故

24.26

Nếu Đau Khổ vốn có tự tính cố định,

Vậy thì: Trước khi đau khổ đến, sao không thấy tự tính đó?

Bây giờ, sao lại thấy nó có tự tính_

Cái tự tính vốn không thay đổi của nó?

 

27 

如見苦不然

斷集及證滅

修道及四果

是亦皆不然

24.27

Như thế: Xem Đau Khổ như là cái có tự tính, là điều không thỏa đáng,

Cả việc đoạn tuyệt Tập Khổ, cả tâm chứng việc Diệt Khổ,

Cả tu tập theo Con đường Diệt Khổ, cho đến cả Bốn Kết quả Thành tựu (Tứ Quả-四果),

Đều như thế cả, không thỏa đáng.

 

28 

是四道果性

先來不可得

諸法性若定

今云何可得

24.28

Vì: Cả Bốn Kết quả Thành tựu, nếu có tự tính,

Thì trước khi tựu thành, sao không thấy tự tính đó?

Nếu những Pháp tính ấy đều cố định với tự tính vốn có,

Thì sao giờ đây mới có được tự tính để chứng đắc?_(Liên kết ý nghĩa với kệ 26)

 

29 

若無有四果

則無得向者

以無八聖故

則無有僧寶

24.29 

Nếu không tồn tại Bốn Kết quả Tựu thành,

Thì cũng chẳng có được người có chí hướng thành tựu.

Nên cũng không có Tám Hiền Thánh (Bát Hiền Thánh-八賢聖),

Hẳn cũng chẳng có Tăng bảo.

 

30 

無四聖諦故

亦無有法寶

無法寶僧寶

云何有佛寶

24.30

Bốn Kết quả Thành tựu không tồn tại,

Cũng không tồn tại Pháp bảo.

Không Pháp bảo, Tăng bảo,

Thì làm sao tồn tại Phật bảo?

 

31 

汝說則不因

菩提而有佛

亦復不因佛

而有於菩提

24.31

Các ông luận thuyết trên cơ sở: Không có Nguyên Nhân tác tạo (Nhân-因) _vì cho rằng mọi tồn tại đều có Tự tính

Trên cơ sở này thì: Không phát Bồ đề tâm, cũng thành Phật,*

Hoặc ngược lại: Không có cứu cánh tối hậu_Phật, mà vẫn cứ phát tâm Bồ đề tìm cầu.*

_______*"Không phát Bồ đề tâm, cũng thành Phật" và "Không có cứu cánh tối hậu_Phật, mà vẫn cứ phát tâm Bồ đề tìm cầu", Hán văn: "Bất nhân Bồ đề nhi hữu Phật, diệc phục bất nhân Phật-不因菩提而有佛,亦復不因佛". Phật Thích Ca giác ngộ dưới gốc cây bồ đề (assatha), việc này trở thành một sự kiện lớn nhất và có ý nghĩa nhất trong lịch sử Phật giáo. "Bồ đề-菩提" trở thành: 1. Biểu tượng cho sự "Giác Ngộ Tối Thượng"; 2. Dụng ngữ này còn được dùng trong ý nghĩa "Bồ đề Tâm-菩提心": Cái tâm khởi lên chí hướng tìm cầu Giác Ngộ Tối Thượng. Mệnh để luận lý của Nagarjuna đặt "Bồ Đề Tâm' và "Phật" vào tương quan giữa "Nhân" và "Quả":

 "Bồ Đề Tâm" (nguyên nhân)------------------->"Phật" (kết quả)

 Chí hướng tìm cầu Giác Ngộ Tối Thượng ------> Giác Ngộ Tối Thượng

 Có vẻ như Nagarjuna đang liều lĩnh đặt đấng Thế Tôn ngang hàng với những "sự vật tồn tại" trong Thế gian giới, trong tương quan "Nhân"-"Quả" (cái này sinh ra cái kia). Xét kỹ, thì ngược lai: Ông đang phá hủy quan điểm xem "Phật" hay "Giác Ngộ Tối Thượng" như là một thể đồng nhất có tự tính thường hằng, theo cách suy diễn với quán tính thông thường của Thế gian:

 "Cái gì" có tự tính thì thường hằng, (và ngược lại)

 "Phật", "Giác Ngộ Tối Thượng" là cái gì Thường Hăng <----->Là "Cái gì có Tự tính".

 Cách suy diễn kiểu như Tam Đoạn Luận như thế, vô hình trung, tự nó đã lôi "Phật" và "Giác Ngộ Tối Thượng" xuống ngang tầm "sự vật" thông thường như "cái nhà", "cái bàn"...

 Mệnh đề của Nagarjuna ở đây, không chỉ cốt để phá hủy quan điểm lệch lạc này trên bình diện luận lý, mà tự nó đưa ra một thực khả chứng (provable), đó là quá trình từ khi thái tử Tất Đạt ta phát Bồ Đề Tâm cho đến khi thành Phật:

 “Sau khi đã xuất gia tầm cầu cái thánh thiện tối thắng an tịnh, ta đến Àlàra Kàlàma..." (Trung Bộ kinh, 26.16)

 Quá trình "tầm cầu cái thánh thiện tối thắng" không đơn giản là tìm thì sẽ gặp, mà có cả những nỗi sợ hãi của thế gian thường tình:

 "Ta nghĩ như sau: "Thật khó kham nhẫn những trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu! Thật khó khăn, đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư!..." (Trung Bộ Kinh,4, HT Thích Minh Châu dịch)

 Và tự chiến đấu với nỗi sợ hãi thường tình ấy:

 "Ta tự quán sát mạng sống hoàn toàn thanh tịnh này, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi" (Ibid.) ...v.v....

 Như thế: Quá trình từ khi phát Bồ Đề Tâm (nguyên nhân) cho đến khi thành tựu Giác Ngộ Tối Thượng (kết quả), thì chính thái tử Tất Đạt Ta cũng phải chiến đấu vật lộn với điều kiện Nhân Quả, chứ không phải thái tử vốn đã có Phật tính thì đã là Phật. Cách hiểu “đốt giai đoạn” này, hay tiêu biểu như quan điểm “Chúng sinh, tức là Phật”, “Phật tính là Vô thường” (Dogen, Đạo nguyên-道元, 1200-1253, Nhật), vốn có rất nhiều hạn chế và trên thực tế dẫn đến những hệ quả đáng tiếc…

 

 

32 

雖復勤精進

修行菩提道

若先非佛性

不應得成佛

24.32

Vậy thì: Cho dù có cần mẫn tinh tấn tu hành,

Trên con đường tầm cầu Giác Ngộ Tối Thượng,

Nếu vốn không có Phật tính,

Thì cũng không thể nào thành Phật.

 

33 

若諸法不空

無作罪福者

不空何所作

以其性定故

24.33

Nếu căn để của mọi tồn tại không phải là Không,

Thì cũng không có gì được tạo tác, không có Tội, Phúc,

Bởi vì: Nếu không phải là Không, làm sao có cái gì được tạo tác ra,

Khi tất cả đều đã có tự tính cố định?

 

34 

汝於罪福中

不生果報者

是則離罪福

而有諸果報

24.34 

Như thế: Tội, Phúc như các ông quan niệm_có tự tính,

Sẽ không sinh ra Kết quả gặt hái (Quả báo-果報) nào.

Vậy thì đồng nghĩa với: Không có Tội, Phúc,

Cũng cứ có kết quả gặt hái.

 

35 

若謂從罪福

而生果報者

果從罪福生

云何言不空

24.35

Nếu cho rằng: Không có Tội, Phúc,

Mà vẫn cứ sinh ra kết quả gặt hái.

Kết quả sinh ra từ chỗ không Tội, Phúc,

Vậy thì sao lại nói là: Không có Không?

 

36 

汝破一切法

諸因緣空義

則破於世俗

諸餘所有法

24.36 (Như thế:)

Chính các ông đang phá hoại mọi ý nghĩa của tồn tại,

Mọi điều kiện tạo tác (Duyên-緣), mọi nguyên nhân tạo tác (Nhân-因), cả ý nghĩa căn để của Không tính,

Cũng là phá hoại tất cả mọi nguyên lý và nguyên tắc căn bản khác của Thế tục,

Mà Thế gian dựa trên những điều kiện ấy thiết lập ra.*_Phản bác lập luận đối lập ở kệ 6

 

37 

若破於空義

即應無所作

無作而有作

不作名作者

24.37

Nếu phá hủy đi ý nghĩa căn để của Không tính,

Tất nhiên thừa nhận chỗ tương ứng: Không có cái được tác tạo ra.

Như thế: Không có cái gì được tác tạo, mà vẫn cứ tạo tác,

Không tạo tác ra được cái gì, vẫn cứ gọi là chủ thể tác tạo?

 

38 

若有決定性

世間種種相

則不生不滅

常住而不壞

24.38

Nếu mọi tồn tại đều có Tự tính cố hữu và cố định,

Thì Thế gian muôn trùng vạn hữu,

Tất cả đều bất sinh, bất diệt,

Tồn tại vĩnh viễn, không hoại diệt được.

 

39 

若無有空者

未得不應得

亦無斷煩惱

亦無苦盡事

24.39

Nếu không có Không tính trong căn để của tồn tại,

Thì cái gì chưa có, sẽ không bao giờ có và cái gì đã có, sẽ không bao giờ mất,*

Sẽ không bao giờ đoạn diệt được Phiền Não,

Cũng không bao giờ diệt tận được Khổ Đau.

 

______*"Thì cái gì chưa có, sẽ không bao giờ có và cái gì đã có, sẽ không bao giờ mất". Bản Hán văn: "Vị đắc bất ứng đắc-未得不應得", nghĩa văn bản: "Cái gì chưa có được thì không thể có được"(a). Nghĩa này chỉ để gợi ra nghĩa mặc định (b) như là một hệ luận tất yếu từ (a): "Cái gì đã có, thì không thể mất đi được". Chính từ nghĩa (b) được hiểu ngầm này, được suy diễn ra ý của hai câu kế tiếp: "Sẽ không bao giờ đoạn diệt được Phiền Não. Cũng không bao giờ diệt tận được Khổ Đau". Như vậy, nếu dịch cho đủ nghĩa theo cấu trúc luận lý của Nagarjuna, thì câu trên phải gồm cà (a) và (b): "Cái gì chưa có, sẽ không bao giờ có và cái gì đã có, sẽ không bao giờ mất".______

 

40 

是故經中說

若見因緣法

則為能見佛

見苦集滅道

24.40

Vì thế trong Kinh điển có thuyết giảng:

Nếu nhìn thấy được Nguyên Nhân Tạo Tác (Nhân-因) và Điều Kiện Tạo Tác (Duyên-緣) trong vạn hữu,

Thì có thể nhìn thấy được Phật,

Và thấy được cả những ý nghĩa của Đau Khổ, Tích Tập Đau Khổ, Diệt Tận Ngọn Nguồn Đau Khổ và Con Đường Diệt Tận Đau Khổ.

Xem mục lục