Tin Tức (680)


HỎI ĐÁP VỀ ĐỐI TƯỢNG CỦA CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

567

_Thưa thầy, thầy định nghĩa về Chánh niệm tỉnh giác và đối tượng của chánh niệm tỉnh giác là đương niệm, hay niệm hiện tại. Làm sao chánh niệm tỉnh giác vào niệm hiện tại hay đương niệm lại là Tánh giác?

_ Bởi vì đơn giản như thầy nói đó, đối tượng của mình là cái hiện tại, mà hiện tại này vô thủy vô chung, cho nên Chánh niệm tỉnh giác cũng vô thủy vô chung. Chánh niệm tỉnh giác đã có từ xưa, Phật giáo gọi là tánh giác. Vì đối tượng của Chánh niệm tỉnh giác không biên bờ, cho nên tỉnh giác cũng không biên bờ; Chánh niệm tỉnh giác không biên bờ đó chính là Tánh giác.
Cái này Phật giáo Tây Tạng gọi là Ripa, nó là Tánh giác, bởi vì nó không có biên bờ, nó là cái biết không có biên bờ.

_Thưa thầy như con hiểu, nếu theo thói quen của người tu thì luôn luôn thấy có mình Chánh niệm tỉnh giác. Như thầy dạy hiện tại xưa nay ở đâu cũng hiện ra đó, mình chánh niệm tỉnh giác tức là mình rõ biết sự hiện diện của nó là Chánh niệm tỉnh giác thôi; chớ mình không tạo lập cái gì thêm nữa phải không thầy?

_Thì đó! Khi Chánh niệm tỉnh giác vào cái hiện tại, mà hiện tại này nó có khắp không gian có khắp thời gian, lúc đó Chánh niệm tỉnh giác cũng có khắp không gian và khắp thời gian, thì nó là Tánh giác.
Không phải Chánh niệm tỉnh giác là của một người nào đó đâu. Không phải Phật chánh niệm là “Nhất thời Phật tại”, lúc đó là Chánh niệm tỉnh giác của Phật; còn bây giờ mình Chánh niệm tỉnh giác là của mình. Không phải vậy, mà nhất thời đó, nó có từ thời Đức Phật cho tới bây giờ, và nó luôn có mãi mãi về sau. Cho nên Chánh niệm tỉnh giác của mình cũng đồng nhất với Chánh niệm tỉnh giác của các bậc giác ngộ, ăn thua mình Chánh niệm tỉnh giác tới đâu, nó chỉ cũng cùng một Tánh giác đó mà thôi.

_Như vậy Nó đã có sẵn mình chỉ hội nhập; hay bắt nhịp vào cái thực tại đó, mình nhận biết nó, có phải không thầy?

¬_Đúng vậy! Mình không làm gì được nó hết, không tăng không giảm gì được nó hết, các Tan tra của Tây Tạng nói tới sự hợp nhất, sự hòa nhập, sự tan vào. Bởi vì thời gian của mình chỉ là một bọt biển thôi, còn thời gian của hiện tại đó y như đại dương vậy. Vấn đề là làm sao bọt biển đó, nó tỉnh giác thế nào, để nó biết nó là một với đại dương.
Thành ra, Ngồi thiền không phải tạo ra một cái định hay cái gì hết, dù mình có loạn hay có định gì đó, thì nó cũng xảy ra trên cái hiện tại đó thôi, trên cái tánh giác đó thôi. Mình có làm chúng sanh hay làm ông thánh là chuyện của mình; nhưng cái định hay loạn của mình như thế nào cũng xảy ra trên tánh giác đó, hiện tại đồng nhất đó, hiện tại một vị đó.
Vấn đề tu hành không phải là mình tạo ra Chánh niệm tỉnh giác, mà mình phải hiểu được hiện tại này là gì, và mình tan vào trong nó.
Thành ra thầy hay nói ví dụ như: mình là một giọt nước, làm sao để giữ gìn một giọt nước? Bởi vì giọt nước để ngoài một chập thì nó khô liền. Phật giáo Tây Tạng dạy: muốn giữ gìn một giọt nước thì phải thả giọt nước đó vào trong đại dương. Chỉ đơn giản vậy thôi. Thả giọt nước đó vào đại dương, thì giọt nước đó nó được giữ gìn mãi mãi, còn nếu như để đâu ở ngoài thì một chập nó sẽ khô.

_Thầy dạy về niệm hiện tiền, Lục Tổ dạy nhất niệm tương ưng và niệm niệm tương ưng; con nhớ Chu Kim Cang ngày xưa khi được một bà già bán bánh trên đường hỏi:
“Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được. Như vậy, ông dùng tâm nào để điểm tâm? Nói được thì ta cúng dường bánh cho ăn, còn không nói được thì xin mời ông đi nơi khác”.
Có phải những lời dạy này là giống nhau phải không thầy?
_Quan trọng nhất là mình có tin nổi điều này hay không? Nếu mình tin thì mình mới tan loãng được, mình không thấy giá trị của nó mình hòa tan làm chi? Mình có thấy mình có niệm xấu niệm tốt, niệm chư thiên hay niệm địa ngục gì đó không cần biết, nhưng mọi niệm nó đều xảy ra trên đương niệm, xảy ra trên hiện tại đó, trên nhất niệm, trên nền tảng đó.
Tất cả mọi sóng đều xảy ra trên đại dương, mà đương niệm là thường trụ từ thời đức Phật cho đến bây giờ. Mình phải tin là những niệm đều xảy ra trên đương niệm đó, nhất niệm đó, nó vẫn một vị; đó chính là hiện tại mà thầy đang nói đây, thì mình tu hành mới có nền tảng. Chớ không thôi mình lấy sóng đè sóng, dùng sóng đè sóng, thấy sóng này bậy lại lấy sóng kia đè sóng này, mà mình phải thấy sóng nào cũng là đại dương đương niệm. Muốn dẹp tan tất cả mọi sóng, phải thấy tất cả sóng đều là đại dương. Anh là đại dương, thì sóng nó tự dừng.
Tất cả mọi niệm của mình dầu tốt, dầu xấu; mình bây giờ khởi niệm là tivi, điện thoại di động; niệm này khác niệm ngày xưa. Chắc kiếp trước mình không có niệm thứ này đâu, ngày xưa đâu có niệm này; nhưng niệm có khởi kiểu gì đi nữa thì lúc nào cũng xảy ra trên đương niệm, tức hiện tại mình đang nói đây.
Đương niệm chính là nền tảng của tất cả mọi niệm. Nói như ngài Huệ Năng là “Tự tánh tự tịnh tự định”. Đương niệm vốn định và nó một vị từ thời Đức Phật cho đến bây giờ, và mãi mãi về sau nó vẫn một vị như vậy. Nó vốn định như vậy, mình phải tin vô nền tảng này, thì mình mới tu được. Không tin, tu hành nói như Thiền tông chỉ như lấy đá đè cỏ; bởi vì nó không có nền tảng.
Mình sẽ thấy là tất cả những nổ lực của mình trong tu hành, chỉ tạo ra một khoảng trời nho nhỏ trong bầu trời thôi. Lầm lẫn của mình là tạo ra một khoảng trời. Mình tưởng cái định của mình ngon lành lắm, nhưng so với cái kia không có nghĩa gì cả. Định mình tạo, nếu không duy trì thì nó vỡ tan hết. Sự lầm lẫn của mình là tạo ra một khoảng trời rồi mình gìn giữ nó, còn định này nó không cần duy trì!
Nói theo Tây nó gọi là “hiện tại vĩnh cửu”. Nó không có thủy, không có chung cho nên nó là hiện tại vĩnh cửu. Rồi những thời gian quá khứ gì đó, nó đều phát sanh từ đương niệm, cũng như những làn sóng đều phát sanh từ đại dương hết.
Chánh niệm tỉnh giác, trước hết mình tin mình đang còn sống trong đương niệm đó, đang còn sống trong hiện tại vĩnh cửu đó, mình tin như vậy rồi mình mới bắt đầu tính toán gì được chớ, mình tin như vậy là mình đi được nữa đường rồi đó. Ngoài ra mình có làm cái gì khác thì cũng vô thường.
Mình có định rồi cũng phải có xuất, chớ định rồi chết trong đó sao? Thì ra định của mình cũng vô thường: khi nhập khi xuất, khi nhập khi xuất; nhưng nên nhớ, định của mình luôn luôn vẫn xảy ra trên đương niệm hằng định đó. Cho nên trong Pháp Bảo Đàn Kinh Lục Tổ gọi là: Na Già Đại Định, là định của đức Phật, cái định của Đức Phật là cái định thường trực của Pháp tánh, pháp dĩ như thị, pháp vốn là như vậy, chớ không phải là do mình làm ra, đức Phật cũng không nói là đức Phật làm ra đâu.
Chánh niệm tỉnh giác là: mình phải biết mình Chánh niệm tỉnh giác trên cái đã có sẵn rồi, Chánh niệm tỉnh giác chẳng qua là khởi lên một cái gì đó, để làm quen với cái có sẵn mà thôi.
Mình không có lập ra cái gì cả! Mình có lập cũng tùy thuộc vào thân, thân tiêu không biết nó có còn hay không?
Mình có lập định thì định này cũng không hợp nhất giữa tâm và cảnh, chỉ có định nào hợp nhất vừa cả tâm và vừa cả cảnh mới là định vĩnh cửu.
Đó là ý nghĩa Phật giáo, trong kinh gọi là pháp tánh, tánh của các pháp, nó vốn như vậy.

_Thưa thầy Trong các kinh giảng thường giới thiệu “Một thời”; như vậy là lúc nào cũng một thời, cũng bây giờ?

_Lúc nào cũng bây giờ, Bởi vậy Phật mới thường trụ; Phật ngày trước là Phật tại, còn bây giờ không; thì Phật làm sao thường trụ được?

_Luôn luôn là bây giờ?

_Luôn luôn là bây giờ, vậy thôi. Mình có loạn hay có định gì cũng bây giờ, có ra Hà Nội hay ở đây cũng bây giờ. Thầy ở đây thầy không ra Hà Nội thì cũng bây giờ thôi, khác là khác nghiệp duyên của mỗi người, nhưng lúc nào cũng đồng nhất trong cái bây giờ. Quan trọng là phải thấy như trong kinh Pháp Hoa: Khai thị ngộ nhập, là chỉ ra hiện tại vĩnh cửu như vậy này. Mình phải ngộ và nhập được nó, mình phải thấy và đi sâu vào hiện tại vĩnh cửu đó thôi.

_Thưa thầy Hiện tại hiện tiền đó khi Chánh niệm tỉnh giác là không có ngã nhân chúng sanh thọ giả?

_Mình có ngã nhân chúng sanh thọ giả đó là chuyện của mình, là nghiệp của mình; nhưng hiện tại đó không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nó là cái hiện tại vậy thôi, nó cũng như hư không, ai muốn xây nhà kiểu gì thì cứ xây.
Cái ngã của ông là ba tầng thì xây ba tầng, cái ngã của ông khác là hai tầng thì xây hai tầng; nhưng nên nhớ, có xây hay không xây gì thì hiện tại đó cũng không thêm không bớt, bất tăng bất giảm, bất sanh bất diệt và bất cấu bất tịnh, luôn luôn giải thoát.
Hôm qua mấy cô muốn, làm sao cho mình sống tránh bớt sát sanh đi?
Thì đúng rồi tránh bớt sát sanh là tốt, nhưng muốn bớt sát sanh cũng không thể đựợc, khi đi thì đạp, ăn, thở vẫn sát sanh không tránh khỏi. Tại sao mình không đi tới nền tảng không sanh không diệt, không dơ không sạch là cái tuyệt đối một vị?
Không bao giờ có chuyện tuyệt đối là mình không sát sanh được, mà vấn đề tuyệt đối chính là cái nền tảng đó, hiện tại đó; nó có thời đức Phật và mãi mãi về sau chỉ là một vị đó mà thôi. Cái đó mới thật sự giải thoát, mình ngồi tẳn mẳn cái này, thì nó sẽ làm cho cuộc đời mình phiền toái ghê lắm, mình chỉ không cố tình giết người ta thôi.
Trong rau có biết bao nhiêu con vi sinh ở trong đó, trong da mình cũng có biết bao con ký sinh. Vấn đề là mình phải đi tới nền tảng không dơ không sạch mới thoát khổ thôi, chớ không cách gì khác.
Ăn cũng giết, ăn chay cũng giết, thở cũng giết, tắm giặt cũng giết. Làm sao mà mình khỏi giết được? Vấn đề là mình phải đi tới cái hiện tại không tăng không giảm đó. Phải đi tới cái mà mình bình đẳng với các vị thánh. Dĩ nhiên các vị thánh hơn mình xa lắm, nhưng vấn đề là bình đẳng trong hiện tại, trong một vị đó, còn mình khai thác như thế nào là ở mình. Nhưng nó bình đẳng, như số không bình đẳng với tất cả các số; vì nó cộng vào số nào cũng không thay đổi số đó. Số không cộng vào số cao cũng không thay đổi, cộng vào số thấp thì nó cũng không thay đổi.
Mình sống cả ngày là sống trên cái hiện tại một vị đó, mà mình bỏ qua biết bao nhiêu dịp may, tất cả những niệm đều xảy ra trên niệm hiện tại đó hết. Đương là hiện tại, niệm là niệm hiện tại; mà mình bỏ qua biết bao cơ hội.
Đương niệm là niệm đang xảy ra, mình không biết niệm đang xảy ra trên niệm hiện tại đó; nếu mình biết Chánh niệm tỉnh giác và thấy ra, thì mình bình an, hoan hỷ; còn không thì mình cũng là người không có nhà.
Dù anh có nhập định bảy ngày thì cũng xảy ra trên đương niệm đó, tôi không thể ngồi bảy ngày như anh nhưng bảy ngày nhập định mà không có căn cứ, không có nền tảng; cũng không bằng tôi biết cái đương niệm, tôi vẫn đi tới đi lui tôi không ngồi một cục như anh được, nhưng trên cái hiện tại, tôi không mất trong hiện tại đó. Quan trọng nhất là mình phải thấy được cái hiện tại “Nhất thời Phật tại” từ Phật, và mãi mãi về sau chỉ là hiện tại một vị đó thôi. Chánh niệm là Chánh niệm trên cái hiện tại một vị đó, nó là cánh cửa giải thoát.
Ngài Padmasambhava hay Thiền tông nói: “Tức tâm tức Phật” là Chánh niệm tỉnh giác trên tâm đương niệm, trên hiện tại đó, lúc đó là Phật, mình Chánh niệm tỉnh giác trên cái tâm hiện tại, trên cái tâm đương niệm đó, thì Chánh niệm một giây là giải thoát một giây; cho tới khi mà không thể nào mình không tin là mình làm gì cũng không ngoài cái hiện tại đó hết, là mình bắt đầu giải thoát, vậy thôi.
Và khi mình Sống thâm sâu, sâu sắc rồi; mình thấy tất cả đều phát xuất từ mỏ vàng nhất thời đó hết. Là mỏ vàng cho nên niệm xấu niệm tốt, niệm nào cũng là vàng. Từ mỏ vàng này, dầu sản xuất ra con người, con voi, hay chiếc máy bay gì cũng là vàng; bởi vì nó đi từ nền tảng đó hết. Lúc đó, không có vấn đề niệm xấu niệm tốt gì cả; niệm nào cũng là vàng.

_Thưa thầy, thầy dạy Chánh niệm tỉnh giác nó đã có sẵn, nó hiện tiền. Còn mình khi thực hành hằng ngày mình thấy: Tôi chánh niệm tỉnh giác, tôi đang chánh niệm tỉnh giác, nếu thực hành như vậy như tạo ra sóng trong đại dương phải không thầy?

_Ai biểu tôi chánh niệm tỉnh giác? Khi Chánh niệm tỉnh giác thật sự thì thân tâm và thế giới này biến mất, lúc đó chính là hiện tại vĩnh cửu. Lúc đó kinh điển gọi là: Không, vô tướng, vô tác. Chánh niệm tỉnh giác không có ai trong đó cả! Chánh niệm là không có cái tôi nào trong đó, nó không có khởi đầu và không có chấm dứt trong đó, nó là cái nền tảng phi thời gian. Chánh niệm tỉnh giác mà có tôi, Chánh niệm tỉnh giác chi vậy? Mình nói tôi Chánh niệm tỉnh giác là như mình nhìn bầu trời qua lỗ khóa.
Kinh Kim Cương dạy: “Hãy sanh tâm vào chỗ không trụ”, đó là Chánh niệm tỉnh giác. Còn mình trụ chỗ này chỗ kia, là mất Chánh niệm tỉnh giác rồi. Chánh niệm tỉnh giác là tâm không có chỗ trụ, khi không trụ thì nó không lệ thuộc thời gian, không gian; đó là cái mình nói nãy giờ, là hiện tại vĩnh cửu.
Tại vì mình không biết chánh niệm tỉnh giác, Chánh niệm tỉnh giác mà nói “Tôi Chánh niệm tỉnh giác” là bài thực tập của anh thôi, chớ Chánh niệm tỉnh giác của vũ trụ này không cần bài tập.
Thành ra như hồi nãy anh Hải nói: Mình phải bắt nhịp với nó. Mình không phải cưỡng chống, không cần bơi gì cả, nó đã có nhịp rồi; chỉ cần bắt nhịp vào nó thôi. Nên nhớ, Chánh niệm tỉnh giác thật sự nó không cần nói: tôi Chánh niệm tỉnh giác gì hết.
Chánh niệm tỉnh giác là không có ta, người, chúng sanh, thọ mạng, Tôi chánh niệm tỉnh giác là lập nên một mệnh đề, rồi chỉ có mệnh đề đó thôi. Chánh niệm tỉnh giác là phải phá bung hết tất cả những trói buộc. Chánh niệm tỉnh giác như anh Châu nói là: không có ta, người, chúng sanh, thọ mạng; thì đó là tánh giác, thêm cái tôi trong đó chi cho nó mệt.
Chánh niệm tỉnh giác là không còn cái gì có thể giới hạn nó được nữa, còn mắc gì mình phải giới hạn nó trong Chánh niệm tỉnh giác của tôi, tôi bắt đầu Chánh niệm tỉnh giác này nọ?

Chuyện này nó thực tế lắm, thời gian thật sự là gì?
Thời gian thật sự: chính là hiện tại nguyên viễn như vậy; nó không có màu sắc, không có xấu tốt gì trong này hết, chẳng qua mình thấy xấu tốt, là mình đem chuyện của mình vô. Bắt đầu bài giảng tới đây, thời gian vẫn vậy, vẫn hiện tại vĩnh viễn như vậy thôi, không xấu không tốt, không có tôi cao tôi thấp, tôi tu hành gì. Mình Chánh niệm là tôi phải ngồi thiền nghiêm chỉnh, tôi phải thế này phải thế kia, không có tôi gì cả. Thời gian là vô thủy vô chung, hiện tại không có tôi trong đó. Nó không có nhấp nhô gì cả, hiện tại bây giờ và không những kéo ngược về Trần Nhân Tông hay tới nữa, cũng chỉ là một hiện tại đó thôi. Mình Chánh niệm tỉnh giác là mình phải thực hành ngay vào hiện tại này.
Hiện tại một vị thì thường trực trong mọi thời gian, không gian; tu hành là tu hành cái đó, đừng nói tôi ở đâu tới, tôi ở đây mấy bữa gì đó tu hành. Thời gian là một vị, khi nếm được một vị đó rồi; thì đó chính là: thường, lạc, ngã, tịnh. Mình không lạc (vui) nổi là mình sưu tầm một hòn đá rồi vác lên vai, mang nó theo cho tới cuối cuộc đời, mình mệt mỏi ngã quị. Do mình tự làm khổ mình, rồi mình nói: sao cuộc đời mình khổ quá vậy? Mình không nếm được đương niệm, là mình còn đeo mang trong cuộc đời mình quá nhiều, mình không buông bỏ được cho nên không nếm được giải thoát.
Từ một giờ rưỡi đến hai giờ, thời gian nó đâu có kêu la khổ gì đâu? Nó vẫn một vị, một vị hiện tại như vậy thôi, còn khổ hay vui là chuyện của mình.

_Mỗi chúng sanh chúng ta là một giọt nước, giọt nước đó khi hòa vào đại dương giọt nước đó có bốc hơi không thầy?

_Mình đặt chuyện gì rắc rối vậy? Đại dương là không tăng không giảm, không có bốc hơi gì hết. Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh; vấn đề là khi mình nghe nói, mình phải hiểu đằng sau chữ nghĩa đó là cái gì?
Bây giờ ví dụ như:

“Bốp”
(thầy vỗ tay một tiếng).

Đó là hiện tại vĩnh cữu! Nó là hiện tại vĩnh cửu chứ gì nữa?

“Bốp”
(Thầy vỗ tay một tiếng nữa)

Đó là hiện tại vĩnh cửu!

Từ hiện tại vĩnh cửu, nó khởi ra âm thanh, rồi trở về hiện tại vĩnh cửu! Nó là một vị, nhưng mình lại thấy nó là thời gian tục đế; rồi mình nhấp nha nhấp nhổm, sanh tử khổ đau đó là chuyện của mình thôi.

_Thầy dạy động tác uống trà chỉ có uống trà ngay hiện tại đó thôi. Con nhớ câu nhất niệm quy y năng diệt tam kỳ nhiệp, thầy giảng cho chúng con nhất niệm qui y?

_Nhất niệm là vậy, ngay khi uống trà chỉ nhất niệm đó thôi, “Nhất niệm quy y, năng diệt tam kỳ nghiệp”.
Cái gì có bắt đầu và có chấm dứt cái đó là nghiệp, cái đó nằm trong vòng nhân quả, Cái gì không bắt đầu từ đâu không chấm dứt ở đâu, thì đó không phải là một nghiệp. Thành ra trong kinh Kim Cương dạy: “Như Lai không từ đâu lại, không đi về đâu”. Mình phải thấy nó không đi đâu, nó không về đâu; còn mình muốn đến muốn đi là chuyện của mình ráng chịu chớ.
Nhất niệm, một niệm đương niệm là niệm hiện tại bây giờ đây nè, đương niệm không tìm trên trời hay ở địa ngục đâu, luôn luôn là nhất niệm; chẳng qua là mình từ chối nó. Nói theo kinh Lăng Nghiêm là mình “Bội giác hiệp trần”, bỏ một niệm để tìm cho ra nhiều niệm mới sướng.
Mình nhiều niệm mới chết, chứ thật ra chỉ có một niệm thôi!

_Thầy dạy về nhất niệm, và hỏi mọi người có tin nổi hay không. Xin thầy chỉ nguyên nhân che chướng và thầy dạy chúng con cách để làm sao tương ưng với đương niệm?

_Thì bây giờ thầy giảng chung, chớ khi cần đối xử như thế nào thì: đứa thì thầy nhốt (thầy cười), đứa thì tra khảo này nọ mới ra chớ; phải tùy theo người mà có cách dạy thích hợp.
Phải sống với nó liên tục, chẳng hạn như nghe, phải nghe ra nó không bắt đầu từ đâu và không kết thúc ở đâu hết, ngay lúc đó là mình giải thoát. Còn mình nghe bây giờ, mà chiều nhớ lại, nói nó hát hay ghê; nghe mà từ đó tạo ra thời gian tục đế, tự tạo ra một thời gian hữu hạn cho mình; nếu nó không bắt đầu từ đâu, và chắm dứt ở đâu; thì nó là hiện tại vĩnh cữu.
Mình khổ là mình tạo ra cho mình thời gian, từ thời gian tục đế, tạo điểm qui chiếu để đánh giá này nọ. Cũng như lấy thân này làm điểm qui chiếu ở đây là 2 giờ rưỡi, nhưng ở bên Pháp thì nó mới ngủ dậy thôi, mới có sáu giờ gì đó thôi. Chẳng qua mình lấy thân mình làm điểm qui chiếu, nếu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, thì nó là hiện tại vĩnh cửu như vậy.

_Thưa thầy, trong hiện tại vĩnh cửu cái Nghe của mình nó không có cái tôi, khi đó mình nghe…

_Đừng có diễn tả nữa, rắc rối lắm. Không. Bây giờ có nghe nó đang hát, đó là hiện tại vĩnh cửu hay không? (Lúc này, gần đó có âm thanh của những bài hát đang diễn ra). Học là phải học Chánh niệm tỉnh giác ngay tại đây, chớ không diễn tả gì cả, Diễn tả thì dài dòng lắm.
Chánh niệm tỉnh giác soi rõ hiện tại vĩnh cửu đến độ: sanh tử biến mất, dơ sạch biến mất, sanh diệt biến mất, và tăng giảm biến mất. Ngày nào mình ngồi mà có tăng có giảm mình cũng buồn hà.
Mình Phải sống tương tục trong từng niệm niệm, và giải thoát trong từng niệm niệm. Nên nhớ chuyện này hơi khó tin, vì mình sống trong thời gian giả dối nhiều đời quen rồi, mình không thể tin nổi bởi vì cái nghiệp của mình nó che. Sự thật này khó tin nhưng mình phải sống cho được trong hiện tại vĩnh cữu này, hiện tại vĩnh cửu là nó không thêm không bớt, không phải vì thầy nói hay nói dở gì mà nó giảm sút đâu?
Chánh niệm tỉnh giác một giây là sống thật một giây, không Chánh niệm tỉnh giác một giây là không sống thật một giây; mình phải sống thật, không sống thật là hối tiếc khổ đau đủ thứ hết.

_Con thấy con nghe, dù mình nghe mà âm thanh mất đi mình vẫn…

_Nhập đề là không đúng rồi! Con thấy. Cái nghe nó không có con gì trong này hết.
Thực tại không phân chia, cho nên thực tại đó nó không có: xưng con, xưng cha, xưng thầy, xưng bà gì đâu. Chính mình đặt bậy đặt bạ rồi xưng con xưng cha trong đó. Mình nói cho khách quan một chút đi, dùng ngôn ngữ cho nó khoa học một chút đi. Mở miệng ra là con thấy, không có ai thấy ai hết, mọi sự nó minh bạch rồi không cần ai thấy cả.

_Thưa thầy, Hiện tại vĩnh cửu thực ra không phải vĩnh cửu, không phải hiện tiền gì cả, nếu hiểu hiện tại là ngay bây giờ, thì nó lọt vào ba thời, và nói là tại đây thì nó khu biệt với nơi khác. Thực ra ngôn ngữ không thể diễn tả được nó, nó là toàn khắp không đây kia, không quá khứ hiện tại vị lai, phải không thầy?

_Thì đó chính là hiện tại mà trong kinh điển nói là nhất thời, ngôn ngữ có giới hạn, chẳng hạn bây giờ mình hỏi ông Hải, phải gọi ông là ông Hải chớ gọi ông là ông gì? Nhưng chắc gì ông Hải là bộ xương thịt này đâu, phải có diễn tả để tạm dùng. Cái đó không có bắt đầu và chấm dứt gì cả, mình không thể nói là hiện tại gì cả. Cái sinh sự là mình có đầu óc phân chia, trước hết mình phân chia chủ thể với đối tượng nào đó. Với thực tại nó không có phân chia nữa, bởi vì nó là nền tảng cho chủ thể và đối tượng, phân chia là nghiệp của mình thôi. Cái nền tảng đó, nó không có chủ thể đối tượng gì hết, nó không phân chia, nó chính là giải thoát. Đó là giải thoát, nó không phải ở đâu khác.
Nó là tại đây và bây giờ đây!
Đó! Nghe máy bay bay không? (Có tiếng máy bay, bay qua).
Nó không bắt đầu, không có chấm dứt, nó chính là giải thoát, nếu nó có bắt đầu có chấm dứt là sanh tử, đơn giản là vậy thôi.
Thời gian thì nó trung tính, nó cứ mỗi giây, mỗi nhảy; nó không vui, không buồn, đó là thời gian căn bản đó; nó cứ nhảy cóc, nhảy cóc; chẳng vui chẳng buồn, giây phút nào nó cũng nhảy qua, nhảy qua vậy, nó nhảy nhưng nó có thay đổi đâu?
Cái gì không thay đổi, thì cái đó nằm ngoài sống chết, phải thấy cho rõ, Chánh niệm tỉnh giác là thời gian không thay đổi. Thành ra, Chánh niệm tỉnh giác này, càng ngày càng một sâu sắc. Nó thấy được theo kinh Pháp Hoa là thực tướng các pháp, thấy thực tướng là cái nền tảng của các hiện tượng, còn hình tướng ra sao thì nó tùy duyên tùy nghiệp của nó.

_Thưa thầy, thầy dạy nãy giờ, thầy chỉ ra một khả năng mà ai cũng có thể trực tiếp để tiếp cận được; rồi như vậy, nó có mâu thuẫn với việc tu hành riêng tư của mỗi người không thầy?

_Đúng rồi, tu hành quan trọng nhất là phải đặt niềm tin vào chuyện này cái đã, thầy chỉ ra đại lộ, mênh mông bao la còn ai muốn đi bằng phương tiện nào tùy thích, con đường từ đầu đến cuối nó chỉ là một vị thôi.
Nói theo kinh điển chớ thầy không dám nói: “Tất cả các địa từ Sơ Địa cho đến Thập địa đều nằm trong Phật địa”

_ Thưa thầy thầy dạy Chánh niệm hiện tại, Phật giác ngộ trong hiện tại của Phật, và Trần Nhân Tông cũng chứng ngộ trong hiện tại. Theo con biết là Chánh niệm như nghe thì phải có âm thanh và mình chánh niệm tỉnh giác vào một âm thanh nào đó. Thí dụ: khi có tiếng nhạc thì mình biết có tiếng nhạc, không có tiếng nhạc mình biết không có tiếng nhạc; như vậy, có khác nhau với cách mà thầy dạy chúng con hiện giờ?

_Thực tập như vậy là chánh niệm tỉnh giác bắt đầu sơ sơ. Chánh niệm tỉnh giác có hình tướng: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; là bài tập ban đầu. Chánh niệm tỉnh giác thật sự là: Chánh niệm vào bản tánh của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Bản tánh của nó là: không sanh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt như bài Tâm Kinh nói. Mình đi vào cốt lõi, chớ biểu thầy, vài bữa mình phải đi nghe nhạc cổ điển Tây phương, hay vài bữa nghe nhạc Rock mới Chánh niệm tỉnh giác, thì không ổn.
Mình phải Chánh niệm vào bản tánh của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; thì mình chỉ Chánh niệm tỉnh giác một cú một; là Chánh niệm tỉnh giác tất cả sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đó là Chánh niệm vào cái nền tảng sanh ra các âm thanh.
Còn về hình ảnh, bữa nay mình thích ông áo đỏ, mình chánh niệm vào ổng, mai mình thích ông áo xanh, mình chạy theo Chánh niệm tỉnh giác vào ông áo xanh; mình phải chánh niệm tỉnh giác vào cái mà sinh ra tất cả những thứ đó.
Khi mình Chánh niệm tỉnh giác được, cái sinh ra sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; thì mình biết bản tánh của nó là cái gì không? Thầy yêu cầu mọi người trả lời?
_Là Tánh không.
_Là Tánh giác.

_Nói tánh Không hay Tánh giác ai cũng thuộc bài rồi thì thôi. Khi hỏi thì trả lời đúng bài quá!
Thầy không nói ra, nhưng mình phải chứng ngộ cho được bản tánh của sắc thanh hương, vị, xúc, pháp là gì.
Mình Chánh niệm tỉnh giác là Chánh niệm tỉnh giác trên bản tánh của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; mình Chánh niệm của cái cốt lõi của tất cả đời sống này; khi đó mình Chánh niệm trên nó được rồi mình sẽ hết chạy loạn trên sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Như thầy nói lúc nãy là đức Phật đã dừng lại còn Angulimala vẫn còn chạy trên sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

_Thưa thầy, thầy dạy là con hiểu như vầy, tức là …

_Không có hiểu như vầy, có chấp nhận mà nhảy vô Chánh niệm tỉnh giác này liền hay không, chớ khi hiểu như vầy; chờ đợi vài giây là nó qua mấy kiếp rồi. Mình phải trực tiếp sống trong hiện tại đó, không hiểu gì cả. Mình sống có được hay không, vậy thôi. Đây là kỳ thứ sáu rồi; mỗi lần ngồi thiền, tụng kinh, mình cứ nhắc đi nhắc lại cái đó hoài.
Chánh niệm tỉnh giác là thấy thẳng, chứ không cho hiểu, phải sống trong hiện tại và có làm được điều này hay không? Dù có lên núi tu 20 năm vẫn khổ như thường, nếu không thấy được hiện tại đương niệm. Mình chấm dứt không được, mình không dừng lại được, trong cái đương niệm vĩnh cửu đó, vấn đề là dừng lại trong đương niệm đó, thì mọi sự nó chấm dứt.
Đương niệm là dừng lại, đương niệm đang có đây tại sao mình không dừng lại? Chớ đương niệm không phải ở thời Angulimala, cách đây hai ngàn rưỡi năm.
Thầy nói cho mọi người tin để dừng lại, không cho hiểu cái gì cả, hiểu cái gì cũng là trò trẻ con hết. Nó có sẵn đây mà hiểu cái gì? Hiểu chỉ là hình tướng vô thường đó thôi, hiểu cho tới sóng hấp dẫn cũng là vô thường, sóng đó nó cũng vô thường, nó mạnh yếu tùy theo vật thể.

_Còn ai thắc mắc gì nữa không? Thôi ông này hỏi cho chấm dứt đi!
Sao không hỏi?

_Thưa thầy, con thấy thầy dạy đủ hết rồi.

_Đủ nhưng mà đủ trong cái hiện tại thầy nói đó, còn đủ mà đem về nhà là một cục phiền não!

Ha ha ha!

Tháng 1 năm 2017, Kính ghi, Tánh Hải

567

XUÂN VỚI CÁC THIỀN SƯ VIỆT NAM

Thiền sư Viên Chiếu (999 – 1090, đời thứ tư dòng Vô Ngôn Thông)Hỏi: "Chư Phật thuyết pháp đều nhằm giáo hóa mọi người, ngộ được bản ý gọi là xuất thế,

907
Giữ giới là lựa chọn tự do

Giữ giới là lựa chọn tự doNguyễn Thế Đăng Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”.1. Tự do của

14,707
XÚC CẢM

_Thưa thầy con muốn hỏi thầy, tại sao con thấy mỗi ngày mình lại càng khô khan đi?_Đơn giản thôi, hồi sáng thầy mới đọc một bài nói mười một mười hai

604
Lễ Quán Đảnh: Ý Nghĩa và Thực Chất

Lễ Quán Đảnh: Ý Nghĩa và Thực ChấtĐại sĩ Liên Hoa Sanh – Sơ tổ Mật tông Tây tạng(VHPGO) Trong Mật giáo có nói rằng cần phải được quán đảnh trước khi thực

20,167
CẢM XÚC VÀ CÁC CƠ QUAN TƯƠNG ỨNG "THAO TÁC CHỮA LÀNH CƠ THỂ VI TẾ" - CYNDI DALE

Cyndi Dale sinh: 1959 là một tác giả nổi tiếng thế giới, diễn giả, người chữa lành và tư vấn kinh doanh, tư vấn trực quan và chữa bệnh cho hơn 30.000

1,108
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,232
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,669
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,569
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,339
Chùa Việt
Sách Đọc