Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

QUÁN SÁT NIẾT BÀN

 

若一切法空

無生無滅者

何斷何所滅

而稱為涅槃

25.1

Nếu căn để tất cả mọi tồn tại đều Không,

Thì không có cái gì khởi sinh và hoại diệt._kể cả Phiền não và Đau khổ

Vậy thì cắt đứt cái gì, diệt tận chỗ nào,

Để có cái được gọi là Niết Bàn-Giải Thoát?

 

2

若諸法不空

則無生無滅

何斷何所滅

而稱為涅槃

25.2

Nếu căn để tất cả mọi tồn tại đều không phải là Không,

Thì cũng chẳng có cái gì khởi sinh và hoại diệt,

Vậy thì cắt đứt cái gì, diệt tận chỗ nào,

Để có cái được gọi là Niết Bàn-Giải Thoát?

 

無得亦無至

不斷亦不常

不生亦不滅

是說名涅槃

25.3

Không sở đắc được, cũng không cầu đến được,

Không đứt đoạn, cũng không thường hằng,

Không sinh khởi cũng không hoại diệt,

Như thế, gọi là Niết Bàn.

 

涅槃不名有

有則老死相

終無有有法

離於老死相

25.4

Niết Bàn, không thể gọi là "Tồn tại" hay "Có".

Bởi vì: Mọi cái gi "có" đều có tính chất lão hóa (Lão-老), và tử diệt (Tử-死).

Rốt cuộc, chẳng có cái gì "tồn tại" mà có thể:

Lìa khỏi được tính cách lão hóa và tử diệt.

 

若涅槃是有

涅槃即有為

終無有一法

而是無為者

25.5

Nếu Niết Bàn là cái gì "tồn tại",

Thì Niết Bàn cũng tức là cái gì "có tạo tác và có được do tác tạo" (Hữu vi-有為).

Vì rốt cuộc, chẳng có cái gì tồn tại, mà:

Không có tạo tác và không được tác tạo (Vô vi-無為).

 

若涅槃是有

云何名無受

無有不從受

而名為有法

25.6 

Nếu Niết Bàn là cái gì "tồn tại",

Thì làm sao có thể nói đó là "Không còn tác tạo (Nhân-因) và thụ nhận điều kiện tạo tác (Duyên-緣)"*

Bởi vì không có cái gì gọi là "tồn tại",

Mà lại không tác tạo và không thụ nhận điều kiện tạo tác.

 

______*"Thì làm sao có thể nói đó là "Không còn tác tạo (Nhân-因) và thụ nhân điều kiện tạo tác (Duyên-緣)"", Hán văn: "Nhược Niết Bàn thị hữu, vân hà danh vô thụ-若涅槃是有,云何名無受", dụng ngữ "Vô thụ-無受" ở đây và "Bất thụ-不受" ở kệ 8, cùng ý nghĩa liên tục với 9a: "Thụ giả nhân duyên cố-受諸因緣故": Bởi vì là cái thụ nhận những điều kiện của Nguyên nhân tạo tác (Nhân-因) và những điều kiện Tạo tác (Duyên-緣), nên...". Trong ý nghĩa này, chữ "Nhân-因": "Nguyên nhân tác tạo", còn hàm nghĩa năng động: Gây ra tạo tác. Có thể hiểu trọn ý của nghĩa liên kết chung, mà Nagarjuna triển khai luận lý cho cả 6, 8, 9: "Niết Bàn, như là một trạng thái không còn những điều kiện tương tác (tạo tác và bị tạo tác) và ở đó cũng không còn tạo tác thêm cái gì nữa". ______

 

有尚非涅槃

何況於無耶

涅槃無有有

何處當有無

25.7

Niết Bàn, nếu là cái gì vượt ra ngoài khái niệm "Tồn tại"-"Có"

Thì huống hồ chi nói đến khái niệm "Không tồn tại'-"Không có"?

Niết Bàn không có cái "Có",

Thì nói gì đến có cái "Không"?

 

8

若無是涅槃

云何名不受

未曾有不受

而名為無法

25.8

Nếu Niết Bàn là một "Cái Không Có",

Thì làm sao nói đó là "Không còn tác tạo (Nhân-因) và thụ nhận điều kiện tạo tác" (Duyên-緣)?

Chưa từng có cái gì "Không tác tạo và thụ nhận điều kiện tạo tác",

Mà được gọi là "Cái không có".

 

受諸因緣故

輪轉生死中

不受諸因緣

是名為涅槃

25.9

Bởi vì còn tác tạo (Nhân-因) và thụ nhận điều kiện tạo tác (Duyên-緣),

Nên cứ thế xoay vần mãi trong Sinh tử Luân hồi vô tận.

Không còn tác tạo và thụ nhận điều kiện tạo tác,

Thì được gọi là Niết Bàn.

 

10 

如佛經中說

斷有斷非有

是故知涅槃

非有亦非無

25.10

Như Phật thuyết giảng trong kinh điển:

Vì đã đoạn tuyệt, vượt ra ngoài cả cái "Có" và cái "Không Có",

Vì vậy nên biết rằng: Niết Bàn,

Là cái vốn đã vượt ra ngoài "Có" và "Không Có".

 

11 

若謂於有無

合為涅槃者

有無即解脫

是事則不然

25.11 

Nếu cho rằng: Trong Niết Bàn,

Vừa có cả "Có" và vừa có cả "Không Có".

Thì: Cái "Có" và cái "Không có", mỗi cái đều là Giải Thoát,

Việc này hẳn nhiên không thỏa đáng.

 

12 

若謂於有無

合為涅槃者

涅槃非無受

是二從受生

25.12

Bời vì nếu cho rằng: Trong Niết Bàn,

Vừa có cả "Có" và vừa có cả "Không Có".

Nghĩa là vừa thừa nhận: Niết Bàn không tác tạo và thụ nhận điều kiện tạo tác,

Vừa thừa nhận: Cả hai cái "Có" và "Không", đều do điều do điều kiện tạo tác sinh ra.

 

13 

有無共合成

云何名涅槃

涅槃名無為

有無是有為

25.13

Nếu bởi cả hai cái "Có" và "Không Có" hợp lại mà thành,

Thì làm sao có thể gọi đó là Niết Bàn được?

Niết Bàn được gọi là cái "Không tạo tác và không bị tác tạo" (Vô Vi Pháp-無為法),

Mà cái "Có" và "Không Có" đều là những cái "Có tạo tác và bị tác tạo" (Hữu Vi Pháp-有為法).

 

14 

有無二事共

云何是涅槃

是二不同處

如明暗不俱

25.14

Nếu bởi cả hai cái "Có" và "Không Có" hợp lại mà thành,

Thì làm sao có thể gọi đó là Niết Bàn được?

Bởi vì: Hai cái đó tự chúng đối lập với nhau,

Như ánh sáng và bóng tối không thể tồn tại cùng một chỗ.

 

15 

若非有非無

名之為涅槃

此非有非無

以何而分別

25.15

Nếu cho rằng Niết Bàn là cái gì:

Không là "Có" cũng chẳng là "Không Có".

Thì làm sao có thể phân biệt được ra:

Cái chẳng phải "Có" cũng chẳng phải "Không" này?

 

16 

分別非有無

如是名涅槃

若有無成者

非有非無成

25.16

Nếu cái "Chẳng phải 'Có' cũng chẳng phải 'Không'" này có thể phân biệt được,

Để gọi đó là "Niết Bàn".

Thì chỉ khi nào cái "Vừa 'Có" vừa 'Không Có'" được thành lập,

Cái "Chẳng phải 'Có' cũng chẳng phải 'Không'" mới được lập thành.*

______*Lập luận lại quay trở về mâu thuẫn ở 14______

 

17 

如來滅度後

不言有與無

亦不言有無

非有及非無

25.17

Sau khi Như Lai diệt độ rồi,

Không thể nói Như Lai: "Vừa tồn tại vừa không tồn tại",

Cũng không thể nói: "Tồn tại", hay "không tồn tại",

Cũng không thể nói: "Không tồn tại cũng chẳng không tồn tại".

 

18 

如來現在時

不言有與無

亦不言有無

非有及非無

25.18

Đang lúc Như Lai còn tại thế,

Không thể nói Như Lai: "Vừa tồn tại vừa không tồn tại",

Cũng không thể nói: "Tồn tại", hay "không tồn tại",

Cũng không thể nói: "Không tồn tại cũng chẳng không tồn tại".

 

19 

涅槃與世間

無有少分別

世間與涅槃

亦無少分別

25.19

Giữa Niết Bàn và Thế Gian:

Không một đường tơ phân biệt.

Giữa Thế Gian và Niết Bàn:

Cũng không phân biệt một đường tơ.

 

20 

涅槃之實際

及與世間際

如是二際者

無毫釐差別

25.20

Bản thể chân thật của Niết Bàn,

Cùng bản thể thật có của Thế Gian,

Giữa hai bản thể như thật này,

Không một đường tơ nào sai biệt cả.

 

______* "Bản thể chân thật của Niết Bàn, Cùng bản thể thật có của Thế Gian", bản Hán văn: "Niết Bàn chi thật tế, cập dữ Thế Gian tế-涅槃之實際,及與世間際". Dụng ngữ "Tế-際" ở đây được sử dụng với hai ý nghĩa: 1. "Tế-際": chỗ giao tiếp, dùng như "Biên Tế-邊際": mép bờ, đường viền, đường ranh giới hạn giữa cái này và cái kia; 2. "Tế-際": chỗ đứng phân biệt với chỗ khác, thông dụng trong ý nghĩa "Phận tế-分際"(chỗ đứng, thân phận của mình) hay "Thực tế-實際" (địa vị, chức năng thực sự_từ nghĩa này dẫn đến nghĩa thứ sinh trong tiếng Việt "thực tế"=""thực tiễn"). Như thế, dụng ngữ "Thật Tế-實際" ở đây được sử dụng để gợi cùng một lúc hai nghĩa song trùng nhị bội: vừa mang ý nghĩa thuộc về "bản thể" như thật của Niết Bàn và Thế gian, vừa là cái "giới hạn" mong manh giữa hai cái này. Dụng pháp song trùng nhị bội thật lạ lùng này của Cưu Ma La Thập (không phải chỉ ở đây) sử dụng cái tinh tế ẩn hàm trong chính ngôn ngữ, để "vẽ" ra cái tinh tế ẩn hàm trong Thực tại.______

 

21 

滅後有無等

有邊等常等

諸見依涅槃

未來過去世

25.21

Sau khi Như Lai diệt độ rồi, mới nẩy ra biện biệt:

"Có" và "Không", "Hữu Biên" và "Vô biên", "Thường Trụ" và "Đoạn Diệt"...

Những kiến giải cố định về Niết Bàn...

Những luận giải về "Đời trước"_trước khi sinh ra và "Đời sau"- sau khi chết đi...*

 

______*"Sau khi Như Lai diệt độ rồi", câu này tiếp tục ý của 17a, "Diệt hậu-滅後" ở đây đồng nghĩa với "Như Lai diệt độ hậu-如來滅度後". Thật ra, những quan niệm và lý luận về "Có"hay "Không Có" (Tự Ngã, Linh hồn...), Hữu Biên luận, Vô Biên luận, Thường Trụ luận, Đoạn Diệt luận, "Kiếp trước" và "Kiếp sau"...v.v...cũng đã tồn tại trong Ấn độ giáo từ lâu, trước và ngay khi Phật còn tại thế:

 "Nhưng rồi họ có những tà kiến như sau: "Thế giới là thường còn; thế giới là không thường còn; thế giới là hữu biên; thế giới là vô biên; mạng sống và thân thể là một; mạng sống và thân thể là khác; Như Lai sau khi chết có tồn tại; Như Lai sau khi chết không tồn tại; Như Lai sau khi chết có tồn tại và không tồn tại; Như Lai sau khi chết không tồn tại và không không tồn tại". (Trung Bộ Kinh, 25, HT Thích Minh Châu dịch)

 Sau khi Phật diệt độ, những quan niệm cố hữu và cố định này vẫn không dễ gì dứt hẳn, ngược lại, chúng lại có dịp len lõi vào giáo pháp với những cách luận giải khác nhau, có lẽ chính vì thế mà Nagarjuna lại phải phủ định một lần nữa. Việc chỉnh đốn này không phải chỉ dựa trên phá hủy, mà thực ra nó làm lộ ra cái vốn có như thế ngay từ xuất phát điểm của Phật pháp. Phá hủy không phải là để đưa ra cái gì mới, mà chỉ là phá hủy đi cái gì đã cũ và biến dạng. Kinh điển được viết ra bằng ngôn ngữ và khái niệm ngôn ngữ, vốn là được hình thành từ những điều kiện tương đối của nhận thức và những điều kiện tương tác, bản thân nó cũng không thể không biến đổi. Để có thể hiểu nó nguyên vẹn như lúc mới vừa được thốt ra từ chính Phật, cũng cân phải "lột" đi "lột" lại nhiều lần, như lột vỏ của trái cây, để lộ ra cái lõi trắng nõn nguyên sơ của nó. _____

 

22 

一切法空故

何有邊無邊

亦邊亦無邊

非有非無邊

25.22

Căn để của tất cả mọi tồn tại vốn là Không (空-Sùnyatà)

Thì làm sao có được "Hữu Biên" hay "Vô Biên"?

"Vừa Hữu Biên vừa Vô Biên"?

"Chẳng phải Hữu Biên cũng chẳng phải Vô Biên"?

 

23 

何者為一異

何有常無常

亦常亦無常

非常非無常

25.23

Cái gì "Đồng nhất" và cái cái gì "Dị biệt"?

Làm sao có được cái gì "Thường Hằng" hay "Vô Thường"?

"Vừa Thường Hằng vừa Vô Thường"?

"Không Thường Hằng cũng không Vô Thường"?

 

24 

諸法不可得

滅一切戲論

無人亦無處

佛亦無所說

25.24 (Với ý nghĩa như thế ấy:)

Pháp tính là điều bất khả đắc,

Ở nơi nào mà mọi luận hí giải hư đều diệt tận, thì:

Không có kẻ sở đắc, cũng không có chỗ nào để sở đắc,

Phật cũng chưa hề nói một điều gì cả.

Xem mục lục