Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

QUÁN SÁT SÁU CÁCH CẢM THỤ (Lục Tình-)

 

眼耳及鼻舌

身意等六情

此眼等六情

行色等六塵

3.1

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể cho đến ý thức,

Là sáu cơ năng nhận tri (Lục Tình-六情) ngoại giới.

Qua sáu cách cảm thụ khác nhau này,

Cảm nhận được sáu dạng thức thông tri (Lục Trần-六塵).*

______*Lục Tình-六情: hay còn được gọi là Lục Nhập-六入: sáu cửa ngõ để tiếp nhận ngoại giới, hay Lục Căn-六根: chỉ chung ngũ giác quan (Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể) và ý thức, được xem như là sáu căn nguyên (sources) từ đó con người ta có thể tiếp nhận được những thông tri (communication) từ ngoại giới, là "Lục Trần-六塵" . Mỗi một "Căn-根" nguyên tiếp nhận một dạng thức thông tri _"Trần-塵"_riêng biệt: con mắt tiếp nhận màu sắc, hình dạng ("Sắc-色"), lỗ tai tiếp nhận âm thanh ("Thanh-聲")...cho đến ý thức nói chung ("Ý-意") tiếp nhận được một hình tượng tồng hợp của tâm thức (mental image) từ các dạng thông tin ấy, để có thể nhận thức được đó là "cái gì"-Pháp-法". Về mặt ý nghĩa luận, thì chữ "Pháp" này tương đương với "biểu tượng-symbol" trong Nhận thức luận Cận đại của phương Tây: cái biểu tượng về sự vật có được thông qua ngũ giác quan, chứ không phải là chính sự vật đó. (xem chi tiết ở 26.2)

 Dụng ngữ "Lục Tình-六情" được Cưu Ma La Thập sử dụng ở đây, là thuật ngữ cổ, hai thế kỷ sau được Huyền Trang đổi lại là "Lục Căn-六根", với ý nghĩa rõ ràng hơn (và gần với Nhận thức luận Cận đại hơn, như đã trình bày ở trên). Tuy nhiên, khi dụng ngữ "Lục Tình-六情" của Cưu Ma La Thập vẫn có dụng ý thâm sâu của ông, rằng: Ngũ giác quan và Ý thức, tự chúng không phải là những cơ năng hoàn toàn khách quan, mà luôn luôn có một ý hướng tính chủ quan tác đông vào (ví dụ: con mắt người ta không hoàn toàn chỉ đơn thuần tiếp nhận hình ảnh như là một máy chụp hình, một người đang lo sợ có thể nhìn một cành cây thành một con rắn...Hoặc cùng một vết mực loang, hai người nhìn thấy hai hình ảnh khác nhau...). Chữ "Tình-情" được dùng với ý nghĩa là: Chí hướng, ý hướng-intention (như "Trần tình-陳情": trình bày chí hướng của mình). Về điểm này thì cách suy nghĩ của Cưu Ma La Thập có những điểm tương đồng với Brutano và Husserl: Ý thức của con người không hoàn toàn chỉ "nhận biết" sự vật một cách khách quan_như các triết gia Cận đại tin tưởng_mà luôn luôn nội hàm trong Ý thức một ý hướng tính (Intention)_xem chi tiết ở 17.3. Từ Descartes đến Husserl phải mất khoảng bốn thể kỷ, phương Tây mới nhận ra được điều này. Mặt khác, Cưu Ma La Thập dịch kinh điển trước Huyền Trang hai thế kỷ, nhưng có thể nói , ở điểm này thì ông vượt trội hơn Huyền Trang khoảng bốn thế kỷ:_với dụng ngữ "Lục Căn-六根", Huyền Trang đã làm rơi mất một ý nghĩa căn để khác của giác quan và ý thức, đó là Ý hướng tính-Tình-情, một cái bẫy sập vô hình luôn luôn nội tại trong Ý thức, khiến cho con người luôn luôn bị sập vào cái bẫy do chính mình tạo ra.

 

是眼則不能

自見其己體

若不能自見

云何見餘物

3.2

Con mắt tự nó không có khả năng:

Tự nhìn ra chính nó.

Nếu đã không thể tự nhìn ra chính nó,

Thì làm sao có thể nhìn thấy được những cái khác?

 

火喻則不能

成於眼見法

去未去去時

已總答是事

3.3

Ví dụ về lửa ắt không hợp thành ý nghĩa,

Về cách nhìn thấy của mắt.

Ba trạng thái của chuyển động (chưa, đang và đã),

Đã trả lời một cách tổng thể cho sự việc này.

 

見若未見時

則不名為見

而言見能見

是事則不然

3.4

Cái thấy khi chưa thấy,

Thì hẳn không gọi đó là thấy.

Mà nói rằng cái thấy tự nó có khả năng thấy,

Thì điều này hiển nhiên không thỏa đáng.

 

見不能有見

非見亦不見

若已破於見

則為破見者

3.5

Cái thấy tự nó không thể thấy,

Cũng không phải không thấy, hay không không thấy.

Nếu đã phá hủy đi cái thấy,

Là đã phá hủy đi chủ thể của việc nhìn thấy.

 

離見不離見

見者不可得

以無見者故

何有見可見

3.6

Dù tách rời hay không tách rời cái thấy ra,

Thì cũng không thể có chủ thể của cái thấy.

Không có chủ thể của cái thấy,

Thì làm sao có thể nhìn thấy được cái gì (đối tượng)?

 

見可見無故

識等四法無

四取等諸緣

云何當得有

3.7

Đã không thể nhìn thấy được cái gì,

Thì cũng không có được ý thức, tiếp xúc, cảm thụ, yêu thích (Tứ Pháp-四法),

Vậy thì làm sao có thể có được:

Điều kiện tạo tác cũng như bốn cách ôm giữ*...?

______*Bốn cách ôm giữ-Tứ Thủ-四取, gồm:

 1. Dục Thủ-欲取: Ôm giữ cái mình khát khao, mong muốn.

 2. Kiến Thủ-見取: Ôm giữ định kiến cố hữu của mình.

 3. Giới Cấm Thủ-戒禁取: Ôm giữ bo bo giới cấm, bởi vì vốn không diệt được cái mình khát khao-mong muốn vốn đang bị cấm giới. Dưới cái nhìn của Pháp tính, thì "Ôm giữ cái mình khát khao_Dục Thủ" và "Ôm giữ giới cấm ngăn khao khát_Giới cấm thủ" được xếp chung một hạng như nhau, đồng nghĩa với nhau: Cả hai đều còn đang "khao khát"! ("Khao khát"-Dục vọng, nhìn từ góc độ nào thì cũng thế_dù "muốn" hay "kềm hãm cái muốn"_đều như nhau, nó vẫn còn y nguyên như thế, không chạy đi đâu hết).

 4. Ngã Ngữ Thủ-我語取: Ôm giữ luận điểm, điều mình nói, bởi vì còn có cái đối lập.

 

耳鼻舌身意

聲及聞者等

當知如是義

皆同於上說

3.8
Cả tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức cũng thế,

Cả âm thanh, mùi, vị...chủ thể của cái nghe, chủ thể của cái ngửi... cũng thế,

Nên hiểu ý nghĩa căn để của chúng,

Đều như trên.

Xem mục lục