Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

QUÁN SÁT CHUYỂN ĐỘNG (Khứ Lai-)

 

______*Bản Hán văn dùng "Khứ-去": đi, "Lai-來": đến. Hai khái niệm này thường được dùng trong Kinh để diễn tả chung cho cái động và chuyển (hóa), trong không gian và thời gian: "Như Lai" (Tathagata), định nghĩa như là "Vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ"_như thế mà đến, như thế mà đi, không tựa vào một cái gì khác để đến và đi, nên cũng không lưu lại dấu vết cố định nào. Bản dịch Việt ngữ dùng "Chuyển-轉" và "Động-動" để diễn hai ý trên với nghĩa rộng nhất và cách khái quát nhất:

_"Chuyển-轉" (Change): chuyển hóa, biến đỏi từ một trạng thái này sang một trạng thái khác, biến dịch.

_"Động-動" (Movement): di dịch trong không gian và thời gian.

Hai khái niệm này luôn luôn bổ sung cho nhau và đi đôi với nhau: Nơi nào có Chuyển, ắt phải có Động; và, có Động, thì ắt phải có Chuyển hóa biến đổi. "Chuyển-Động", chính là hiện tượng phổ quát nhất trong vũ trụ, từ vật chất đến tinh thần, từ vô sinh đến hữu sinh...Trong Tứ Đại Nhân luận của Aristote (1. Hình tuớng, 2. Chất liệu, 3 Chuyển Động, 4. Mục đích), thì Chuyển Động được xem là một trong bốn nguyên nhân để có thể luận giải tất cả mọi tồn tại trong vũ trụ, hơn thế nữa, trong tồn tại luận (Ontology) của Aristote, ông còn truy đến tận cùng Nguyên Nhân Đầu Tiên của vạn hữu, chính là cái Động-Bất-Động: cái làm nền tảng cho tất cả mọi chuyển + động trong vũ trụ, mà chính bản thân nó không hề động, chính là cái Không Chuyển-Không Động. Trong ý nghĩa này, chúng ta bắt gặp được chỗ giao thoa giữa hai dòng tư tưởng lớn Nagarjuna (thế kỷ thứ 2 sau CN) và Aristote (thế kỷ thứ 3 trước CN), Đông và Tây.

Trong bản dịch Việt ngữ này, khi chuyển dụng ngữ "Khứ Lai-去來" thành "Chuyển Động-轉動", không phải là để dùng Aristote để lý giải Nảgarjuna hay ngược lại (việc làm này vô nghĩa).Tuy nhiên trên mặt Ý nghĩa luận (Semiology), thì chúng ta có thể sử dụng một khái niệm với ý nghĩa khả hữu rộng nhất và khái quát nhất của nó, nếu nó không hề gây ra mâu thuẫn nào với văn bản. Việc này cũng thật rất cần thiết, để có thể triển khai mệnh đề luận lý mà Nagarjuna đề xuất, ở đó, bởi chính cấu trúc luận lý của nó, ý nghĩa không bị giới hạn trong nội dung của những khái niệm đặc hữu trong một không gian và thời gian hạn định. Mệnh đề luận lý của Nagarjuna là một mệnh đề phổ quát, nó cần được hiểu và diễn giải trong ý nghĩa phổ quát nhất.______

 

已去無有去

未去亦無去

離已去未去

去時亦無去

2.1

Cái đã chuyển+động xong, thì không còn chuyển+động nữa.

Cái chưa chuyển+động, thì cũng không có chuyển+động.

Khi tách rời ra khỏi cái chưa chuyển+động và cái đã chuyển+động ra khỏi chuyển+động

Thì cái gì đang chuyển+động cũng không có chuyển, cũng không có luôn động.

______*Điều này gợi đến một điều tương tự trong lý luận của Zenon về mũi tên đang bay: nếu phân tích những khoảng cách mà múi tên đang bay đến cực vi, thì tại mỗi điểm cực vi đó, không hể có chuyển động nào. Vậy thì tổng của những điểm không chuyển động cũng không hề chuyển động. Lý luận này trong một thời gian rất dài đã từng được xem như là một lối Ngụy biện. Khoa học Lượng tử phát triển cho phép người ta hiểu lại mệnh đề của Zenon đúng đắn hơn, rằng: Tất cả mọi khái niệm được hình thành trong thế giới vĩ mô (macro world) mà chúng ta đang sống, thông qua các giác quan tương đối, thậm chí cả luật Nhân Quả, đều trở nên vô nghĩa trong thế giới cực ví (micro world) của những vi hạt. Ở đó người ta không thể xác định được một cách rạch ròi vị trí của của nó ở tại môt điểm nhất định hay tồn tại ở mọi điểm cùng một lúc, theo khái niệm mà chúng ta đang sử dụng "xe lửa chuyển động từ A đến B theo đường thẳng". thậm chí luật Nhân Quả được các triết gia cận đại thiết lập nghiêm nhặt theo kiểu chơi bi da: "Quả bi A đụng vào bi B làm bi B chuyển động, A là nguyên nhân chuyển động của B", cũng không còn chỗ đứng nữa. Mệnh đề của Zenon không còn là một mệnh đề mang tính cách ngụy biện nữa, đúng hơn, đó là một cách nhìn khác về cùng một Thực Tại. Đây là một quan điểm khả chứng và khả nghiệm, chứ không phải đơn thuần luận lý nữa: Chúng ta có mhữmg hình ảnh khác nhau về thực tại, thế giới, tùy theo cách quan sát và quan trắc (mắt thường, kính hiển vi, kính hiển vi điện tử, kính viễn vọng... thậm chí chỉ cần một máy quay phim thông thường, chúng ta cũng có thể có trong một giây 30 hình ảnh "đứng yên". Đối với mắt con người thì 30 hình ảnh này giống hệt "chuyển động thật", nhưng nếu chúng ta cho loài ong hay một số loài chim xem phim, thì chúng sẽ nhận ra ngay đó là "đồ giả" ghép lại từ 30 cái giả không động một cách không liên tục, chứ không phải là chuyển động thật...).

 Mệnh đề của Nagarjuna cũng không phải chỉ đơn thuần luận lý và phủ định. Khi phủ định toàn triệt tất cả những cái có tính chất giả định thuộc những điều kiện nhận thức tương đối (Ngũ Ấm-五陰,dựa trên cơ sở của giác quan-Căn-根), thì nó cũng đồng thời xác định cái không thể định nghĩa được: Không tính, như là căn để nguyên sơ của vạn hữu. Không tính là ý nghĩa duy nhất của Trung luận (cũng như Giải Thoát là phẩm tính duy nhất của Phật giáo). Với ý nghĩa này, mệnh đề của Nagarjuna là mệnh đề khả chứng và thực chứng bởi chính tâm thức con người, mặc dù, cấu trúc luận lý mang tính phổ quát của những mệnh đề này không hề loại trừ tính chất khả chứng, thực chứng trên bình diện khoa học thực nghiệm. Trong nhiều trường hợp, với điều kiện tri thức của con người hiện tại, những mệnh đề của Nagarjuna vẫn không hề nao núng để tỏ ra là nó vẫn “đúng”(true) theo ý nghĩa chân xác của khoa học. Tuy nhiên đây không phải là mục đích của nó.

 

動處則有去

此中有去時

非已去未去

是故去時去

2.2

Nơi nào có động, tất nhiên phải có chuyển (hóa, biến dịch),

Khi một chuyển+động tồn tại, thì không tồn tại trạng thái chưa chuyển cùng trạng thái đã chuyển xong.

Vậy, khi nó chuyển thì nó chuyển, một chuyển+động tự nó.

 

云何於去時

而當有去法

若離於去法

去時不可得

2.3

Vậy thì, đang trong lúc có một chuyển+động tự thân như thế, làm sao có được "cái gì" (đối tượng) đang chuyển động ngoài chuyển+động tự thân đó?

Nhưng nếu tách rời "một cái gì" (đối tượng) đang chuyển động, thì không thể tồn tại được cái đang chuyển+động (chủ thể).

 

若言去時去

是人則有咎

離去有去時

去時獨去故

2.4

Nếu nói rằng: Chuyển+động tự thân và đối tượng "chuyển động" cùng tồn tại đồng thời,

Thì người người quan niệm như thế hẳn phải sai lầm.

Bởi vì rằng: Khi tách rời chuyển+động tự thân khỏi đối tượng "chuyển động", thì một chuyển+động tự thân (nếu có), lẽ ra vẫn cứ một mình nó tiếp tục chuyển+động thôi.

 

若去時有去

則有二種去

一謂為去時

二謂去時去

2.5

Nếu cho rằng: Khi có một chuyển+động tự thân, thì "một cái gì" (đối tượng) chuyển động cũng chuyển theo với nó, thì ắt hẳn phải có hai loại chuyển động:

_Một cái gọi là: Cái khi có chuyển+động thì chuyển động theo.

_Một cái gọi là: Cái đang tự nó chuyển+động.

 

若有二去法

則有二去者

以離於去者

去法不可得

2.6

Nếu có hai loại khái niệm về "chuyển động" như thế,

Thì hẳn phải có tương ứng hai loại chuyển động khác nhau tồn tại.

Thế nhưng thực tế thì, khi rời khỏi loại chuyển+động tự thân ra: Thì "một cái gì" (đối tượng) ấy không thể "tự nó chuyển" được.

 

若離於去者

去法不可得

以無去法故

何得有去者

2.7

Nếu rời khỏi chuyển động tự thân, mà "một cái gì" chuyển động không tự chuyển được:

Thì "một cái gì" chuyển động ấy không tồn tại,

Không tồn tại chuyển động của "một cái gì", vậy thì làm sao chuyển+động tự thân có thể tồn tại?

 

去者則不去

不去者不去

離去不去者

無第三去者

2.8 (Như thế thì:)

Chuyển+động tự thân hẳn không chuyển động.

"Cái gì" không chuyển động cũng không chuyển động.

Rời khỏi cái chuyển và cái không chuyển như thế, không còn chuyển động thứ ba nào nữa cả.

 

若言去者去

云何有此義

若離於去法

去者不可得

2.9

Nếu nói chuyển+động tự nó là cái có chuyển+động,

Thì làm sao có ý nghĩa sau:

_Nếu rời khỏi "một cái gì" (đối tượng) đang chuyển động, thì chuyển+động tự nó không thể tồn tại được?

 

10 

若去者有去

則有二種去

一謂去者去

二謂去法去

2.10 (Vả lại,)

Nếu chuyển+động tự thân tự nó có chuyển động,

Thì ắt hẳn phải có hai loại "chuyển động":

_Một cái gọi là: chuyển động của "chuyển+động tự thân".

_Một cái gọi là: chuyển động của "một cái gì" (đối tượng) đang chuyển động.

 

11 

若謂去者去

是人則有咎

離去有去者

說去者有去

2.11

Nếu cho rằng chuyển+động do tự thân nó chuyển+động,

Thì người quan niệm như thế hẳn phải có sai lầm:

Vì đã tách rời chuyển+động tự thân và "cái" đang chuyển động (như là hai thực thể biệt lập),

Để thuyết minh rằng chuyển-động-tự-thân kia có tự chuyển động.

 

12 

已去中無發

未去中無發

去時中無發

何處當有發

2.12 

Trong một chuyển động đã xong rồi thì không có chỗ bắt đầu chuyển nữa.

Khi chưa chuyển động thì cũng không có chỗ nào bắt đầu chuyển.

Đang lúc chuyển động, thì cũng không có chỗ bắt đầu chuyển.

Vậy thì, chỗ nào là chỗ bắt đầu chuyển, (để mà có động)?

 

13 

未發無去時

亦無有已去

是二應有發

未去何有發

2.13

Lúc chưa chuyển không có động,

Cũng không có chuyển khi đã động xong.

Lẽ ra hai chỗ này phải có chuyển*,

Mà chưa có động (hay đã động xong rồi) thì làm sao chuyển được?

_______

*"Chuyển-轉" (change): chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác: từ không động sang động, và ngược lại, động sang không động, đều là "chuyển" cả. Bản Hán văn của Cưu Ma La Thập dùng chữ "Phát-發" với nghĩa: Xuất phát, điểm xuất phát... ý này cũng không nằm ngoài khái niệm "Chuyển-轉".

 

14 

無去無未去

亦復無去時

一切無有發

何故而分別

2.14

Không có cái đã-chuyển, không có cái chưa-chuyển.

Cũng không có cái đang-chuyển,

Không tồn tại bất kỳ cái gì "Chuyển" trong thời gian:

Thì làm sao mà phân biệt được rằng có hay không có "Động"?

 

15 

去者則不住

不去者不住

離去不去者

何有第三住

2.15

Cái chuyển động thì tất nhiên là không cố định.

Cái không chuyển động cũng không cố định.*

Ngoài chuyển động và không chuyển động ra,

Làm sao có thể tồn tại cái thứ ba nào khác có thể cố định được?

______*"Cái không chuyển động cũng không cố định"(?), bản Hán văn: "Bất khứ giả bất tru-不去者不住". Câu này và những câu tiếp theo có vẻ tối nghĩa, nếu chúng ta hiểu chữ "Trụ-住" mà Cưu Ma La Thập dùng theo nghĩa thường được sử dụng trong kinh điển: thường trụ, hằng thường. Có lẽ phải liên kết luận lý với những nghĩa được Nagarjuna nêu ra từ đầu phẩm này (1 đến 14), trong đó Chuyển động được phân tích ra từng phần cực vi để nêu ra những điểm không chuyển động của nó. Như thế, trên cơ sở luận lý này thì "Trụ-住" cũng có nghĩa là: không tựa, không bám vào một điểm cố định nào cả. Ở trạng thái mà chúng ta cho là "tĩnh chỉ-đứng yên", thật ra trong những phần tử cực vi của nó cũng không thể gọi là "Trụ-住"-“cố định” được.

 

16 

去者若當住

云何有此義

若當離於去

去者不可得

2.16

Nếu, cái gì đang-chuyển-động mà lại đang cố định.

Thì làm sao có ý nghĩa này:

Nếu đang lúc rời ra khỏi chuyển động (tự nó),

Thì không thể có được "cái gì" (đối tượng) đang chuyển động?

 

17 

去未去無住

去時亦無住

所有行止法

皆同於去義

2.17

Đã-chuyển-động và chưa-chuyển-động đều không cố định tại một điểm nào.

Lúc đang-chuyển-động cũng không cố định tại một điểm nào.

Vậy thì khái niệm vốn có về "đứng yên":

Cũng đồng nghĩa với "chuyển-động".

 

18 

去法即去者

是事則不然

去法異去者

是事亦不然

2.18

Nếu cho rằng một-cái-gì đang chuyển động cũng tức là chuyển+động tự nó:

Thì việc này hiển nhiên không thỏa đáng.

Nếu cho rằng một-cái-gì đang chuyển động khác biệt với chuyển+động tự nó:

Thì việc này cũng hiển nhiên không thỏa đáng.

 

19 

若謂於去法

即為是去者

作者及作業

是事則為一

2.19 (Vì)

Nếu cho rằng một-cái-gì (đối tượng) đang chuyển động,

Cũng tức là chuyển+động tự nó (chủ thể),

Thì cái tạo tác (chủ thể) và cái được tạo tác ra (đối tượng):

Là một thể đơn nhất.

 

20 

若謂於去法

有異於去者

離去者有去

離去有去者

2.20 (Và vì)

Nếu cho rằng một "cái gì" đang chuyển động khác biệt với chuyển+động tự nó,

Thì khi tách rời ra khỏi chuyển+động tự nó, vẫn cứ tồn tại một "cái-gì" đang chuyển động.

Và tách rời ra khỏi một "cái gì" đang chuyển động, vẫn cứ tồn tại chuyển+động tự nó.

 

21 

去去者是二

若一異法成

二門俱不成

云何當有成

2.21

Nếu, chuyển+động tự nó và "cái gì" đang chuyển động là hai thực thể biệt lập,

Và nếu thành lập tương quan Đồng Nhất và Dị Biệt giứa chúng,

Mà cả hai tương quan này đều không thành được,

Vậy thì làm sao có thể thành lập được tương quan về chúng như là hai thực thể biệt lập?

 

22 

因去知去者

不能用是去

先無有去法

故無去者去

2.22

 Nhân vì có cái-gì-đang-chuyển-động mà có thể nhận tri được chuyển+động tự nó,

Nhưng không thể nào khẳng định rằng hai chuyển động ấy là hai thực thể biệt lập.

Vì nếu trước đó không tồn tại cái-gì-đang-chuyển-động,

Thì cũng không thể có cái "chuyển+động tự nó".

 

23 

因去知去者

不能用異去

於一去者中

不得二去故

2.23

Nhân vì có cái-gì-đang-chuyển-động mà có thể nhận tri được chuyển+động tự nó,

Nhưng cũng không thể nào khẳng định được rằng chúng dị biệt.

Bởi vì, trong một thực thể động đơn nhất, không thể có được hai cái động dị biệt cùng tồn tại.

 

24 

決定有去者

不能用三去

不決定去者

亦不用三去

2.24

Nếu xác quyết rằng chuyển+động tự nó thực sự tồn tại ,

thì lại không thể xác quyết được ba trạng thái của cái động đó (chưa, đang và đã);

Và nếu không xác quyết rằng cái chuyển+động tự nó thực sự tồn tại,

Thì cũng không thể xác quyết được ba trạng thái của cái động đó (chưa, đang và đã),

 

25 

去法定不定

去者不用三

是故去去者

所去處皆無

2.25

Quan niệm về Chuyển + Động dù khẳng định hay phủ định, cũng không thể nào xác quyết được ba trạng thái của cái động (chưa, đang và đã).

Vì vậy, cái được cho là chuyển+động-tự-nó (chủ thể) ấy, và cả "cái-gì" (đối tượng)-đang-chuyển-động ấy

Từ trong căn để của nó, đều vốn không tồn tại.

Xem mục lục