CHỦ ĐỀ II. HIỂU BIẾT CON ĐƯỜNG
Trong chương này chúng ta đến chủ đề chính thứ hai của tám chủ đề của luận, nói về sự hiểu biết những bồ tát cần có về con đường. Chúng ta sẽ nghiên cứu con đường qua mười một chủ đề nhỏ.
A. NỀN TẢNG CỦA CON ĐƯỜNG
Hiểu con đường là hiểu tinh túy của con đường mà bồ tát du hành và cách mà con đường này có thể hoàn tất là nền tảng của chính con đường. Căn cứ hay nền tảng từ đó con đường sanh khởi, là chủ đề thứ nhất.
Đức Phật dạy pháp cho mọi loài chúng sanh khác nhau. Khi ngài dạy Bát nhã ba la mật, có rất nhiều chư thiên đến để nghe và thấy Phật. Những vị trời này có thân thể rất đẹp và rực rỡ, tinh tế. Khi họ đến, họ hoàn toàn bị che mờ bởi ánh sáng của đức Phật khiến họ xấu hổ và giảm sự kiêu căng của các vị trời. Lý do đức Phật có một thân thể sáng đẹp như vậy là trước kia ngài đã học và thực hành những giáo lý mà không có kiêu căng.
Khi thực hành chúng ta phải loại bỏ tham, sân, si, ghen tỵ và kiêu ngạo. Bởi vì chúng là gốc rễ của những hành động xấu, chúng cũng là gốc rễ của khổ đau. Đặc biệt, khi học và hành pháp, quan trọng nhất là loại bỏ kiêu căng. Chừng nào còn kiêu căng, rất khó để cho những phẩm tính tốt phát khởi. Sự kiêu căng chứng tỏ chúng ta quan tâm đến vẻ bề ngoài, tài sản và cũng đến tâm bên trong của chúng ta. Trong kinh có một thí dụ về kiêu căng, kiêu căng thì giống như một bình lật úp, không thể đổ gì vào được. Thế nên khi học, nếu chúng ta có kiêu căng thì chúng ta không bao giờ thực sự nhận được tinh túy của những lời dạy.
Sau khi trừ bỏ kiêu căng, việc này làm gốc cho sự thực hành đúng đắn, chúng ta phải phát triển sự chắc chắn về đối tượng. Nếu chúng ta là một hành giả không đều đặn, bấy giờ đôi khi chúng ta không theo con đường và đôi khi chúng ta định thực hành và vui thích thực hành và đôi khi chúng ta lơ là một lát. Nếu chúng ta là loại hành giả tùy hứng này, chúng ta chẳng bao giờ đưa sự thực hành đến đích. Dĩ nhiên, điều gì tốt chúng ta làm sẽ có những kết quả tốt. Nhưng với một thái độ không đều đặn, chúng ta không thể hoàn thành quả trọn vẹn. Bởi thế chúng ta cần tin tưởng hoàn toàn vào sự tốt đẹp của cái chúng ta đang làm.
Ngoài việc có một cam kết nào đó với điều chúng ta đang làm, chúng ta cần có một cam kết trọn vẹn chuyên tâm vào toàn bộ thực hành. Thay vì chọn lựa, chúng ta thực hành tất cả những ba la mật chứ không chỉ vài cái.
Điểm thứ tư là làm việc trên sự khai mở sự chứng ngộ thật tánh của những hiện tượng. Thật tánh là một chủ đề cốt lõi trong thiền định của chúng ta. Từ bỏ kiêu căng, cam kết dứt khoát với sự thực hành của mình, toàn bộ của cam kết và nghiên cứu thật tánh cần được đưa vào hành động. Làm bốn điều đầu tiên này thành hiện thực trong thực hành là điểm thứ năm. Năm chủ đề này là nền tảng con đường. Mười chủ đề nhỏ còn lại liên quan đến bản thân con đường. Trong phần này chúng ta sẽ học những đường đi chính do Đức Phật chỉ ra. Chúng ta sẽ thấy con đường của Thanh Văn, Duyên Giác Phật, và con đường lớn của những Bồ tát, chúng ta sẽ nhìn xem con đường của quán thấy, con đường của tu tập….
B. HIỂU BIẾT CỦA CON ĐƯỜNG THANH VĂN
Con đường duy nhất đến Phật quả là con đường Đại thừa. Có một số người thực hành con đường Đại thừa và một số người chưa có thể. Thay vì bỏ mặc những người không thể thực hành con đường bồ tát, Đức Phật dạy con đường Tiểu thừa để đạt đến giải thoát.
Trong con đường Tiểu thừa, những đệ tử học về Bốn Chân lý Cao cả của Đức Phật và thiền định về nghĩa của bốn chân lý ấy. Mục đích của thực hành là cuối cùng có được một chứng ngộ trực tiếp nghĩa của chúng. Khi chúng ta bệnh, trước hết chúng ta cần hiểu đó là bệnh gì, chỗ nào bị bệnh và cần làm một khám nghiệm để biết bệnh. Để chữa lành bệnh, thứ hai chúng ta cần hiểu nguyên nhân của bệnh. Rồi thứ ba chúng ta cần nghĩ nếu khỏe mạnh hết bệnh sẽ tốt thế nào. Chúng ta cần biết giá trị của sức khỏe. Thứ tư chúng ta cần biết thuốc nào cần dùng để phục hồi sức khỏe. Nếu biết bốn bước này trong y khoa, sẽ dễ hiểu bốn chân lý liên hệ một bệnh tâm linh.
Khi sống trong sanh tử, chúng ta cần biết bản chất thật của hiện hữu chúng ta. Chúng ta cần biết nó là vô thường và luôn luôn có khổ đau. Khổ đau là thành phần nội tại của sanh tử. Khi nghiên cứu, điều này trở nên rất rõ ràng và chúng ta biết rõ chân lý của bản chất khổ đau ấy, là hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Chân lý Cao cả thứ nhất là hiểu biết chân lý của khổ. Điều này tương tự với khám nghiệm bệnh gì. Nhưng biết về khổ chưa đủ, cần bỏ được nó. Chúng ta không thể tiêu diệt tức khắc khổ đau, mà phải loại bỏ những nguyên nhân của khổ trong hiện tại và cả tương lai. Thế nên chúng ta cần biết những nguyên nhân ấy là nghiệp. Chúng ta cần biết nghiệp phát sanh từ những phiền não, vậy nghiệp và những phiền não phải bị loại bỏ là Chân lý Cao cả thứ hai về nguồn gốc của khổ. Điều này tương tự với biết nguyên nhân của bệnh trong thí dụ trên. Tiếp theo chúng ta cần biết loại bỏ khổ sẽ đưa đến hạnh phúc lâu dài. Hiểu biết giá trị của diệt dứt là Chân lý Cao cả thứ ba về diệt dứt khổ. Điều này tương tự với mong muốn khỏe mạnh ở thí dụ trên. Để thoát khỏi nguyên nhân của khổ, người ta cần thực hành con đường của pháp, đây là Chân lý Cao cả thứ tư, chân lý con đường. Điều này tương ứng với dùng thuốc trong thí dụ trên.
Bốn Chân lý Cao cả được Đức Phật dạy cho những người theo con đường Tiểu thừa. Những người theo học về bốn chân lý, và rồi suy ngẫm chúng và thiền định về chúng và chúng sẽ đưa họ đến những kết quả của bậc thanh văn. Nhưng bốn Chân lý Cao cả cũng là chủ đề chính của những người theo Đại thừa, bởi vì con đường này đưa đến giải thoát và sự hiểu biết mọi hiện tượng. Bởi thế, làm chủ bốn Chân lý Cao cả là thích hợp cho những người Tiểu thừa và Đại thừa. Nhưng dù đối tượng là như nhau, có một khác biệt trong cách tiếp cận của chúng. Trong Tiểu thừa, bốn Chân lý Cao cả là chân lý của thực tại có thật, nên khổ được hiểu là rất thật và có chất thể. Cũng thế, nguyên nhân của khổ, nghiệp và những nhiễm ô, được thấy như là những sự vật hiện hữu thật. Diệt dứt được thấy là cái gì thực sự hiện hữu. Con đường là một hiện tượng có thật.
Ngược lại, những bồ tát tiếp cận với bốn Chân lý Cao cả từ tánh Không và ở nơi họ chúng không phải những sự vật cứng đặc, hiện hữu độc lập. Dĩ nhiên, họ biết rằng trong thế giới tương đối khổ là thật, nhưng họ cũng biết rằng khi chúng ta nhìn vào bản tánh của cái đang xảy ra, thì không có gì ngoài tánh Không. Cũng như vậy khi họ nghiên cứu những nguyên nhân của khổ: họ hiểu những nguyên nhân ấy không gì khác hơn tánh Không. Thế nên cách tiếp cận của hai thừa về bốn Chân lý Cao cả là khác nhau.
Khi so sánh hai thừa, chúng ta không thể nói chúng hoàn toàn giống nhau cũng không phải hoàn toàn khác nhau. Nhiều yếu tố trong hai cách tiếp cận này là giống nhau. Trong cả hai thừa chúng ta nỗ lực tìm ra thực tánh của những hiện tượng. Người nào áp dụng những giáo lý của thừa nào một cách đúng đắn đều có thể hoàn thành kết quả cuối cùng là giải thoát. Ngược lại, chúng không giống nhau một cách chính xác bởi vì trong thừa thấp hơn, những giáo lý thì khá giới hạn. Chúng là những lời dạy rất khéo léo mà Đức Phật ban cho những người có một khả năng nào đó. Những giáo lý ấy dễ dàng hơn để thực hành và kết quả của chúng dễ dàng hơn để thực hiện. Trong Đại thừa, như chúng ta đã bàn luận, bốn Chân lý Cao cả được thấy trong bối cảnh tánh Không sâu xa và mọi phương diện của con đường bồ tát được bao gồm trong đó. Bằng cách thực hành con đường bao trùm này, chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu tối hậu là Phật quả. Thế nên chúng ta có thể nói rằng từ một quan điểm ban đầu, hai thừa có một bản chất khác nhau, nhưng từ quan điểm sau cùng, bản tánh chúng là giống nhau. Thế nên bồ tát cũng cần biết con đường thanh văn.
C. HIỂU BIẾT CON ĐƯỜNG DUYÊN GIÁC
Bây giờ chúng ta khảo sát con đường cao hơn của Duyên giác Phật, được gọi trong bản văn là “những vị Phật đơn độc”, bởi vì các ngài chứng ngộ chân lý bởi chính mình. Trong những đời trước, các ngài đã học với một vị Phật hay những vị thầy khác và học thực hành pháp như thế nào. Rồi sau đó, để đưa sự học ấy đến quả, các ngài sanh ra trong một thế giới nơi giáo pháp không được biết. Nhờ năng lực nghiệp trước kia, các ngài có một tâm hiểu biết đời sống là gì, từ đâu các ngài đến, và tương lai cái gì sẽ xảy ra cho các ngài. Các ngài bị nghiệp trước thúc đẩy để đến những nơi như nghĩa địa, thấy xương thịt hư rửa và nghĩ, “Mọi thứ này có nghĩa gì?” Cái chết đến từ sự sanh, và sanh xảy ra là do nghiệp. Khi suy ngẩm điều này các ngài hiểu nghiệp đến từ nhiễm ô phiền não. Nhìn sâu hơn, những nhiễm ô phiền não này đến từ niềm tin vào một tự ngã hay cái tôi. Trong ánh sáng của cái hiểu này, các ngài quyết định phải thực hành. Các ngài đi tìm chỗ thiền định và cảm thấy rất thoải mái, không cần phải nương nhờ thầy hay những bạn đạo. Các ngài thích sự yên vắng một mình, do đó được so sánh với một con tê giác một sừng.
Các Duyên giác Phật không đặc biệt muốn dạy pháp hay những điều đã thấu hiểu cho những người khác. Nhưng nếu có người đến và hiểu những phẩm tính của Duyên giác Phật và muốn học thì các vị sẽ giúp họ. Nhưng các ngài không dạy theo ngôn từ và ý niệm. Duyên giác Phật không chính thức thu nhận đệ tử, không nói ra những giáo lý, dẫn dắt người khác bằng cái các ngài đã làm. Các ngài dùng thân rất vi tế có từ thực hành để biểu lộ những thần thông. Thấy những sự phi thường này, người ta sẽ hiểu điều gì đó.
Hành giả của con đường này trong sự từ bỏ của mình chứng ngộ được sự không hiện hữu hay tánh Không của những hiện tượng bên ngoài và của tự ngã. Trên con đường nối kết, có bốn điều phải được loại bỏ: quan niệm về cái được tri giác, người tri giác, thực thể đối tượng, và niềm tin vào thực tại của những tạo hình của tâm thức. Trong những cái này, Duyên giác Phật thoát khỏi được ý niệm thứ nhất và thực sự hiểu sự không hiện hữu của những đối tượng bên ngoài. Thế nên các vị thành tựu điều này và cũng thấu hiểu sự không hiện hữu của tự ngã cá nhân. Các Duyên giác Phật hiểu sự không hiện hữu của những đối tượng bên ngoài, nhưng còn chưa chứng ngộ tâm là người tri giác không có hiện hữu thật. Các vị còn cảm thấy sự hiện hữu thật của tâm đang kinh nghiệm. Con đường này của Duyên giác Phật là một đối tượng rất đáng để hiểu biết đối với những bồ tát bởi vì nó là một con đường đích thật đưa đến giải thoát khỏi sanh tử. Vì lý do này, bồ tát cần hiểu biết con đường thanh văn, con đường Duyên giác Phật và con đường bồ tát. Chúng đều là những con đường đích thật.
Tóm tắt
Trong nghiên cứu về hiểu biết con đường, trước hết chúng ta khảo sát nền tảng cho con đường, điều này cho phép chúng ta bước vào con đường. Thứ hai, chúng ta khảo sát con đường thanh văn và thấy cái gì tạo thành đường lối và sự thực hành cùng những kết quả. Thứ ba, chúng ta khảo sát con đường phi thường hơn của các Duyên giác Phật. Chúng ta lại thấy sự thực hành và kết quả của con đường này. Chúng ta cũng thấy những bồ tát không phải là không biết con đường này. Không chỉ biết con đường ấy, họ còn hiểu con đường ấy trống không bất kỳ bản chất thật nào trong bản thân nó. Họ hiểu không có cái gì hiện hữu một cách cứng chắc. Thứ tư các bồ tát hiểu con đường Duyên giác Phật. Họ biết nó, hiểu nó, và cũng hiểu nó không hiện hữu thật như thế nào.