E. ĐIỀU KIỆN THỨ NĂM: NHỮNG ĐỐI TƯỢNG ĐỂ TẬP CHÚ
Điều kiện thứ năm để chứng ngộ pháp tánh bao gồm mười một khoản chúng ta cần tập chú vào trong thực hành pháp. Khi nghiên cứu Bát nhã ba la mật và tu tập trí huệ, sự tập chú của chúng ta là tuyệt đối vào mọi hiện tượng dầu chúng tốt và hữu ích hay xấu và vô ích. Bất kể chúng là gì, chúng ta cần áp dụng Bát nhã ba la mật cho chúng. Nói tổng quát sự tập chú của chúng ta là vào tất cả các hiện tượng.
1-3. BA LOẠI HÀNH ĐỘNG
Khi chúng ta xem xét những hiện tượng khác nhau, chúng ta phải dấn thân vào ba hành động: phải làm hành động đức hạnh, phải từ bỏ hành động không đức hạnh, và những hành động trung tính. Bản chất của đức hạnh là nó là điều kiện nguyên nhân cho những sự cố tốt đẹp sanh khởi trong chúng ta và đức hạnh cũng làm lợi lạc cho những người khác. Thế nên đức hạnh cần được làm. Thứ hai là thái độ không đức hạnh, dĩ nhiên, cần loại bỏ. Bản chất của không đức hạnh là làm hại chúng ta vì nó là nguyên nhân của khổ đau trong tương lai. Ngoài làm hại chúng ta, nó còn làm hại những người khác. Thứ ba là những hành động trung tính, nó không tốt không xấu, không lợi không hại.
Khi dùng những chữ này, chúng có một cảm giác hay mùi vị, thế nên khi nói “đức hạnh”, “thiện” chúng ta có một cảm nhận hạnh phúc và lòng tốt. Khi nghĩ đến những hành động bất thiện, nó cho chúng ta cảm nhận không lành mạnh, độc hại. Thế nên dùng đúng đắn những chữ này chúng ta sẽ dễ dàng tự mình thấy bản chất cái gì là thiện cái gì là bất thiện. Khi chúng ta hành động theo cách tạo nghiệp tốt, nó sẽ tạo hạnh phúc và lợi lạc. Khi ứng xử với những tình huống và hành động theo cách làm hại người khác, cuối cùng sẽ gây ra khổ đau và đây là điều chúng ta gọi là hành động xấu. Đây là cách để hiểu chủ đề này.
4-6. CÁI HIỂU THẾ GIAN VÀ SIÊU THẾ GIAN
Chúng ta cũng có thể nghĩ đến sự vật theo cách hiểu thế gian hay siêu thế gian. Nếu tâm ta bị tư tưởng “tôi” bao trùm, sự suy nghĩ của chúng ta sẽ bị bao trùm bởi những phiền não, cảm giác, tham muốn, chấp giữ… đủ loại. Đây là cái hiểu thế gian và sẽ chỉ thỉnh thoảng đưa tới đức hạnh. Chẳng hạn, khi chúng ta có niềm tin thế gian vào chánh kiến định luật nghiệp quả. Nhưng thường thì tư tưởng thế gian này bị bỏ qua. Cái hiểu xuất thế gian, suy nghĩ vượt khỏi bản ngã, được tìm thấy nơi những con người cao cả và không có những phiền não ấy bao trùm nó. Cái hiểu siêu thế gian đưa vào con đường giác ngộ và cần có.
6-7. TẬP CHÚ VÀO NHIỄM Ô VÀ KHÔNG NHIỄM Ô
Chúng ta cũng có thể khảo sát những hiện tượng theo bị nhiễm ô và không bị nhiễm ô. Chúng ta dùng từ “nhiễm ô” để chỉ cái dẫn đến những hoạt động gây cho chúng ta sanh vào sanh tử và những nẽo thấp. Trong tiếng Tây Tạng từ “nhiễm ô” là zagche. Những hoạt động nhiễm ô này cắm rễ trong niềm tin vào một bản ngã mà có những phiền não chính, tham, sân, si, và mọi phân nhánh của chúng. Một khi những nhiễm ô này có mặt, bấy giờ chúng ta luôn tiếp tục trong sanh tử luân hồi. Thế nên cái bị nhiễm ô thì thuộc về sanh tử. Những hoạt động không nhiễm ô thì không bị ý niệm một bản ngã bao trùm. Những hiện tượng không nhiễm ô là những cái giúp chúng ta hoàn thành giải thoát khỏi vòng sanh tử.
8-9. NHỮNG HIỆN TƯỢNG ĐƯỢC SANH VÀ KHÔNG SANH
Chúng ta cũng có thể khảo sát những hiện tượng được sanh và không sanh, đôi khi cũng được gọi là hợp tạo và không hợp tạo. Những hiện tượng được sanh, được tạo ra là mọi sự phải được tập hợp, được sản sanh, qua những nhân và duyên. Khi chúng ta có những sự vật được sanh hay hợp tạo, chúng luôn luôn thuộc về vô thường và thay đổi, luôn luôn dẫn đến một loại khổ đau. Những hiện tượng không sanh thì không nhờ vào sự hòa hợp của những vật khác. Những hiện tượng không sanh thì thường hằng, không bị vô thường nên không thuộc về khổ đau.
10-11. NHỮNG HIỆN TƯỢNG BÌNH THƯỜNG VÀ PHI THƯỜNG
Người ta cũng có thể khảo sát những hiện tượng theo bình thường của những đệ tử hay phi thường của những bồ tát. Hiện tượng bình thường của những đệ tử ám chỉ những hoạt động chung của những Thanh Văn như thiền định về sự vô ngã của con người, thiền định về khổ đau, về sự lợi lạc của chính mình… Phương diện khác là tập chú vào những hiện tượng phi thường như đại trí huệ của bồ tát, jnana của Phật, những năng lực đặc biệt… Đây là trí huệ của những bồ tát trên con đường Đại thừa.
Tóm lại, có mười một điều mà bồ tát tập chú vào trong nghiên cứu Bát nhã ba la mật. Ba điều đầu tiên là những hành động đức hạnh, không đức hạnh và trung tính. Điều thứ tư là những hiện tượng thế gian. Thứ năm là những hiện tượng siêu thế gian. Thứ sáu là những hiện tượng nhiễm ô, thứ bảy là những hiện tượng không nhiễm ô. Thứ tám là những hiện tượng hợp tạo, và thứ chín là những hiện tượng không hợp tạo. Thứ mười là những hiện tượng bình thường và thứ mười một là những hiện tượng phi thường.
F. MỤC TIÊU CỦA NGHIÊN CỨU BÁT NHÃ BA LA MẬT
Điều kiện thứ sáu để chứng ngộ pháp tánh liên hệ với mục tiêu học Bát nhã ba la mật đa, tu tập con đường bồ tát và hoàn thành những kết quả của con đường. Đoạn này đưa ra ba lý do để học Bát nhã ba la mật.
Lý do thứ nhất là có thái độ cao cả nhất, không chỉ hoàn thành hạnh phúc và loại bỏ những vấn nạn và khổ đau riêng của mình, mà còn loại bỏ những vấn nạn cho tất cả chúng sanh. Dĩ nhiên tìm an vui và thoát khỏi những vấn nạn cho chính mình là rất xứng đáng. Nhưng đây chỉ là một lối nghĩ hạn hẹp. Đó cũng giống như một người giàu với nhiều thân thuộc rất nghèo nhưng vẫn giữ sự giàu có cho riêng mình. Điều này đáng xấu hổ và không phải là điều tốt nhất nên làm. Sự việc tự nhiên là người ấy phải nghĩ đến chuyện giúp đỡ những người chung quanh. Khi chúng ta nói đến thái độ cao quý nhất, đó là suy nghĩ vượt khỏi chính mình. Cách để làm điều đó là nghĩ đến những người khác cũng giống như chúng ta, nghĩ đến cho họ hạnh phúc giống như chúng ta muốn cho mình hạnh phúc, và nghĩ đến loại bỏ khổ đau cho họ như chúng ta muốn loại bỏ khổ đau cho mình. Đó là trạng thái cao cả của tâm.
Thái độ cao cả nhất này thì không giới hạn hay phạm vi. Nghĩ đến giúp đỡ một trăm người hoàn thành hạnh phúc và loại bỏ khổ đau là không đủ, bởi vì ngoài những người ấy còn có rất nhiều người cần giúp. Nghĩ đến giúp đỡ 10.000 hay 100.000 người thì vẫn chưa đủ. Khi chúng ta khai triển thái độ cao cả nhất này, chúng ta nghĩ đến mỗi một chúng sanh đã hiện hữu từ sơ thủy, bởi vì tất cả họ luôn luôn muốn tìm kiếm hạnh phúc và tránh thoát khổ đau. Công việc của chúng ta là nghĩ về mình như một người bạn và nâng đỡ họ trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc của họ. Điều này nghĩa là không bỏ rơi một người nào bởi vì không có người nào không muốn hay cần sự nâng đỡ của thái độ chúng ta.
Chúng ta cần làm việc trong hai lãnh vực để đáp ứng mong muốn của chúng ta là thực sự giúp đỡ chúng sanh. Thứ nhất chúng ta cần loại bỏ những hành động không đúng của thân, của lời, và của tâm.
Chúng ta cũng cần loại bỏ nguyên nhân của những hành động không đúng của thân, lời, tâm, chúng là những phiền não. Gốc rễ vi tế của những hành động không đúng này và những nhiễm ô là niềm tin sai vào bản tánh của hiện tượng. Thế nên chúng ta cần loại bỏ cả những phiền não chướng và sở tri chướng của chúng ta.
Tiếp theo chúng ta cần triển khai sự chứng ngộ. Căn bản, chúng ta muốn đi từ trạng thái hiểu biết vài sự vật trong hiện tại đến một trạng thái thấu hiểu tuyệt đối tất cả các hiện tượng. Để khai triển chứng ngộ này, chúng ta cần phát triển nguyện vọng khởi đầu con đường. Điều này khiến cuối cùng chúng ta khai mở những khoảnh khắc của quán thấy. Qua con đường quán thấy chúng ta sẽ khai triển sự chứng ngộ con đường thiền định. Cuối cùng, chúng ta sẽ có chứng ngộ Phật quả, bao gồm hiểu biết bản tánh (TT.ji ta ba) và hiểu biết sự khác biệt (TT.ji nye pa) của những hiện tượng, đây là hai loại jnana.