Đức Phật dạy trong ba giai đoạn chính mà chúng ta gọi là ba lần chuyển pháp luân. Lần chuyển pháp luân thứ nhất xảy ra ở Varanasi mà bây giờ chúng ta gọi là Benares. Trong những giáo lý đầu tiên này Đức Phật dạy Bốn chân lý cao cả: chân lý khổ, chân lý sự phát sanh của khổ, chân lý chấm dứt khổ, và chân lý con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ. Khi tự thông thạo với những chân lý này bằng cách thiền định về bốn chân lý, chúng ta có thể thành tựu trạng thái của một Thanh Văn hay một Độc Giác Phật, những vị thành tựu quả của Tiểu thừa. Trong lần chuyển pháp luân thứ ba Đức Phật dạy về Phật tánh đang hiện diện trong tất cả chúng sanh.
Những giáo lý này về Bát nhã ba la mật thuộc về lần chuyển pháp luân thứ hai. Chủ đề chính của lần chuyển pháp luân thứ hai này là sự khám phá tánh Không của những hiện tượng và chủ yếu được dạy ở núi Linh Thứu, ngày nay có thể viếng thăm ở Rajagriha ở Ấn Độ.
Đức Phật dạy Bát nhã ba la mật (Trí huệ rốt ráo) rất rộng. Ngài dạy sâu xa trong một kinh gọi là trăm ngàn câu kệ, trong một kinh tầm trung gọi là hai mươi lăm ngàn câu kệ, và trong một kinh ngắn gọi là tám ngàn câu kệ. Những giáo lý về Bát nhã ba la mật cũng có trong một kinh cực kỳ ngắn và cô đọng được gọi là Tâm Kinh thường được tụng mỗi ngày trong các trung tâm Phật giáo Đại thừa. Cuối cùng, những giáo lý này có thể gồm trong một hình thức còn ngắn hơn bởi thần chú Bát nhã ba la mật là OM GATE GATE PARGATE PARASAM GATE BODHIYE SOHA và trong hình thức ngắn nhất trong chữ Tây Tạng là AH.
Hai Lối tiếp cận Bát nhã ba la mật
Có hai lối tiếp cận chính về nghĩa của Bát nhã ba la mật. Lối thứ nhất là một trình bày trực tiếp nghĩa của tánh Không và thứ hai là sự trình bày gián tiếp của việc phát hiện nghĩa ẩn dấu của tánh Không bằng cách bàn luận những con đường và cấp độ tâm linh. Trong sự trình bày trực tiếp bản tánh của tánh Không, chúng ta giải quyết sự thấu hiểu tánh Không là mối quan tâm chính của thực hành của một Bồ tát. Trong một phương pháp chi tiết hơn, nếu chúng ta tiếp cận nó theo một cách phân tích, người ta có thể khảo sát mười sáu phương diện của tánh Không, chẳng hạn nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, hữu vi không, vô vi không…. Cách tiếp cận trực tiếp khác là khảo sát tánh Không theo cấp độ tương đối và cấp độ tối hậu.
Sự trình bày gián tiếp thứ hai về tánh Không là tiếp cận tánh Không bằng cách nghiên cứu tiến bộ tâm linh trên năm con đường và mười cấp độ Bồ tát. Năm con đường là: con đường tích tập, con đường nối kết, con đường thấy sâu sắc, con đường tu tập, và con đường không học nữa. Khi khảo sát năm con đường này chúng ta có thể bắt đầu hiểu tánh Không bằng cách suy ngẩm cái gì xảy ra trên mỗi con đường theo một sự tăng dần trí huệ (Skt.prajna). Chúng ta bắt đầu với trí huệ căn cứ trên việc nghe giáo lý (văn huệ). Rồi điều này dẫn đến trí huệ đến từ suy ngẩm điều đã nghe qua nghiên cứu (tư huệ). Sau đó chúng ta thực sự thiền định về tánh Không để có được cái thấy sâu sắc trực tiếp tánh Không (tu huệ).
Sự nghiên cứu trực tiếp tánh Không chủ yếu đến từ những đạo sư Nagarjuna (Long Thọ) và Dharmakirti (Pháp Xứng), các ngài diễn tả tánh Không theo lý trí luận lý. Nghĩa gián tiếp đi đến tánh Không được trình bày bởi đại thánh Maitreya (Di Lặc) trong bản văn này về Bát nhã ba la mật được gọi là Abhisamayalankara (Trang hoàng của chứng ngộ sáng tỏ, Hiện quán trang nghiêm luận). Trong giáo lý này ngài ban cho nghĩa gián tiếp của tánh Không bằng cách giải nghĩa năm con đường và mười địa Bồ tát.
Tu tập Bát nhã
Để bắt đầu, chúng ta đang sống trong sanh tử luân hồi chứa nhiều khổ đau, nhọc nhằn, khó khăn. Một khảo sát gần sát hơn cho thấy những khó khăn và khổ đau phát sanh từ vô minh, ngu si. Bây giờ cách chính để xóa tan vô minh, nguyên nhân của mọi vấn nạn này là trau dồi, tu tập trí huệ, đặc biệt, trí huệ về tánh Không.
Chúng ta bắt đầu với chỉ trí huệ giới hạn, và cuối cùng qua thực hành, cái này thành một trí huệ bao la (jnana), là trí huệ của Phật. Cách hiệu quả nhất để xóa những trạng thái xấu của tâm ta là bằng trí huệ. Thí dụ cổ điển để minh họa phát triển trí huệ loại trừ phiền não là thí dụ sợi dây và con rắn. Nếu có một sợi dây cuộn vào trong phòng tối và chúng ta nhìn mà không biết đó là sợi dây, chúng ta có thể lầm nó là con rắn. Nếu nghĩ nó là một con rắn, chúng ta khinh sợ, lo lắng. Ý tưởng sai lầm này là nguyên nhân khổ đau của chúng ta, gây ra chỉ bởi vì vô minh, không biết của chúng ta. Chúng ta không biết bản tánh thật của sợi dây và tin nó là một con rắn. Giải pháp để loại bỏ lo lắng là đơn giản biết rằng nó thực là một sợi dây và niềm tin nó là con rắn chỉ là một ảo tưởng. Chính bằng trí huệ thấy thật tánh của sợi dây mà chúng ta có thể loại bỏ khổ đau trong tình huống này.
Trong một cách tương tự, sự khổ đau và những vấn nạn lớn lao trong đời sống chúng ta đều phát sanh từ không biết bản tánh của mê lầm, tri giác của chúng ta về thế giới là mê lầm. Chúng ta thực sự không cần dùng đến sân giận, nhưng chúng ta làm điều đó. Chúng ta thực sự không cần sanh khởi tham muốn, nhưng chúng ta lại làm. Giận và tham của chúng ta gây ra nhiều vấn nạn và khó khăn. Bây giờ cách tốt nhất để trừ bỏ những vấn nạn và khổ đau của cuộc đời là tấn công gốc rễ của vấn nạn, đó là hiểu rằng ảo tưởng mê lầm và vô minh đã gây ra tình huống. Chúng ta có thể thấy suốt qua ảo tưởng này bằng cách trau dồi trí huệ, điều này quan trọng rất đối với chúng ta.
Khi nói về Bát nhã ba la mật, chúng ta đang nói về sự hoàn hảo của trí huệ này hay trí huệ đưa chúng ta qua bờ bên kia. Điều này là chính xác bởi vì không có gì bằng trí huệ tánh Không. Tu tập bát nhã (prajna) là cách tốt nhất để loại bỏ khổ đau của sanh tử và từ nó chúng ta có được một cái nhìn sâu sắc và trực tiếp vào cách hiện hữu thực của tất cả sự vật.
Không may là chúng ta có nhiều che ám nơi tâm, nên không thể thình lình chuyển sang một trạng thái của trí huệ rất sáng suốt và sống động. Thế nên chúng ta cần nghiên cứu kinh Phật và những giảng luận khác nhau của các luận sư vĩ đại. Đã học những cái ấy, bấy giờ chúng ta có thể suy ngẩm và quán chiếu rất sâu điều đã học và đã nghe. Chính qua việc này mà chúng ta có thể dần dần trau dồi bát nhã.
Học Kinh và Luận
Rất lợi lạc khi nghiên cứu bài thuyết pháp của Đức Phật bao trùm nhiều lãnh vực. Người ta có thể nghiên cứu kinh điển của hệ thống Tiểu thừa và hệ thống của Đại thừa. Tuy nhiên ở Tây Tạng, là vùng đất giàu có những giáo lý Kim cương thừa, không có sự nhấn mạnh lớn lao vào những giáo lý của chính Đức Phật, mà nhấn mạnh vào sự nghiên cứu những bài thuyết pháp và luận giảng của những vị thầy vĩ đại sau thời Đức Phật. Có một lý do tốt đẹp để nghiên cứu nhiều các luận như vậy ở Tây Tạng. Khi Đức Phật dạy, một đệ tử đến và có một câu hỏi đặc biệt và ngài cho câu trả lời. Vị đệ tử khác đến với một câu hỏi khác và Đức Phật trả lời câu hỏi đó. Suốt đời ngài, ngài đã dạy như vậy. Ngài không ban cho những bài thuyết pháp dài và cấu trúc hệ thống về một chủ đề riêng biệt và rồi qua chủ đề kế tiếp trong một trình tự luận lý. Như một kết quả, sau khi Đức Phật nhập Đại Niết bàn, một số đại sư Phật giáo đã sắp xếp có hệ thống những lời dạy khác nhau thành những chủ đề. Công trình của các ngài hoàn toàn căn cứ trên điều Đức Phật đã dạy và không phải những lời lý thuyết của riêng các ngài, mà là những giáo lý Phật giáo được tổ chức thành hệ thống. Nếu chúng ta bắt đầu đọc những kinh khác nhau của Đức Phật, chúng ta sẽ thấy rất nhiều, và phải rất nhiều thời gian để xây dựng một bức tranh có tổ chức về những điều Phật dạy. Dễ hơn nhiều nếu bắt đầu khảo sát những luận, chúng trình bày cốt lõi súc tích của những lời dạy của Đức Phật. Một khi chúng ta đã có bức tranh ấy, bấy giờ chúng ta có thể đọc những kinh Phật và biết rằng một người thích hợp với một chủ đề riêng và như vậy hiểu giáo lý của Phật hơn. Đây là lý do tại sao ở Tây Tạng có sự nhấn mạnh nhiều hơn vào những luận.
Chúng ta có thể lấy thí dụ văn chương Bát nhã ba la mật là những lời dạy Đức Phật ban cho trong 100.000 câu kệ, thành mười hai bộ trong tiếng Tây Tạng. Nhưng cũng có 25.000 câu kệ Bát nhã ba la mật gồm trong ba bộ. Rồi có 8.000 câu kệ gồm trong một bộ. Thế nên chúng ta có thể nghiên cứu toàn thể mười sáu bộ về Bát nhã ba la mật hay có thể nghiên cứu Luận Trang Nghiêm của Chứng ngộ Sáng tỏ (Hiện quán trang nghiên luận) gồm tóm toàn bộ nghĩa của những giáo lý này trong chỉ một ít trang.
Câu hỏi
Câu hỏi: Đâu là sự khác biệt giữa một Thanh Văn và một Độc Giác Phật (Duyên Giác)?
Rinpoche: Chữ Thanh Văn nghĩa là “người nghe”. Đó là những người nghe những lời dạy của một thiện tri thức và nhận ra giá trị của chúng và làm việc nhiều để hiểu chúng và đưa chúng vào thực hành. Những Thanh Văn sống vào thời Đức Phật dạy hay khi giáo lý được ban cho. Độc Giác Phật là người thức tỉnh bởi chính mình. Nhờ nghiệp lực đời trước, học hiểu đời trước, các vị thường sanh ở những thế giới không có giáo pháp Phật vào lúc đó. Tự mình, các vị hiểu được bản chất Bốn Chân lý Cao cả, hiểu thế giới và khổ đau, những nguyên nhân của khổ đau bằng chính quán sát của mình, hiểu mười hai nhân duyên tương thuộc và thiền định như thế nào, tất cả đều do năng lực tu hành trước kia. Vì thế các vị đi vào những nơi hoang vắng và giác ngộ một mình.