Học phái Thắng Luận (Vainshesika)*7 chủ trương rằng: Tự Ngã tồn tại với nhiều thực thể khác nhau, trong đó thân xác và Điều kiện Nhận thức là những cái dị biệt, có thực thể cảm xúc, có thực thể như là chủ thể của nhận thức và hành vi, là cái gì thường hằng, là cái gì có biên tại, và tất cả những cái ấy đều không phải là Tâm.
Hơn nữa, học phái này cho rằng: Linh Ngã-Purusa là Nguyên Nhân Đầu Tiên của vạn hữu, kết quả sinh ra là thiên hình vạn trạng những cái cá biệt. Tuy Linh Ngã không phải là chủ thể (của nhận thức và hành vi), nhưng nó thụ hưởng những kết quả (của chúng), là cái gì vốn thanh tịnh, không có giới hạn, không biến đổi và là cái gì có tính minh tuệ.
Những người chủ trương rằng Ngã-Purusa là Nguyên nhân khởi đầu cho tất cả mọi hiện tượng (học phái Vedanda) thì cũng như vậy, họ cho rằng Ngã và Điều kiện Nhận thức là hai thực thể cá biệt.
Những người lập luận như thế thì phản bác rằng luận chứng phủ định Tự Ngã trên (hai mệnh đề đầu của thi tụng 1) không có hiệu quả đối với họ. Vì vậy, Luận sư (Long Thụ) đã đưa ra luận chứng cho rằng Ngã và Điều kiện Nhận thức không thể tồn tại như hai thực thể cá biệt, như sau (thi tụng 1, hai mệnh đề sau):
"Nếu Ngã là một cái dị biệt với Điều kiện Nhận thức,
Thì: Ngã là cái gì phi-Điều kiện Nhận thức". (TL18.1cd)
Trong đó, phức hợp ngữ "phi-Điều-kiện-Nhận-thức" (phi-Ngũ Ấm tướng) khẳng định rằng Điều kiện Nhận thức không phải là đặc trưng của Ngã và tự chúng không có tính đặc trưng (như là thuộc tính của một chủ thể). Tức là: Tự Ngã tự nó không có tương quan với: 1 Tính chất của sự vật (Sắc), 2 Thụ cảm (Thọ), 3 Khái niệm, Biểu tượng của Nhận thức, 4 Tác vi của Tâm thức, 5 Thức Biệt. Vì vậy, điểm ngộ nhận căn bản cho rằng Tự Ngã như là cái gì có Tự tính, mà nó lại không có những tính chất của Điều kiện Nhận thức, thì nó cũng không thể có những tính chất nào khác được nữa. Điều này dẫn đến kết luận (mặc nhiên) rằng: cái Tự tính đó vốn không tồn tại và do đó chính bản thân Tự Ngã, cũng không tồn tại. Luận chứng này đưa ra hai yếu tố luận lý: 1_Sở Chứng (thuộc tính có thể luận chứng được: ở đây không tồn tại), và 2_Năng chứng (luận cứ chứng minh: "ngoài Điều kiện Nhận thức"), là hai yếu tố hiển nhiên mà người phản luận và người luận chứng đều phải thừa nhận. Ví dụ như: đứa con (Sở chứng) của Thạch nữ7 (Năng chứng). Có thể thấy cấu trúc luận lý như thế trong:
a. Mệnh đề chủ trương: Từ điểm nhìn của Thực Tại tối hậu, thì cái Tự Ngã biệt lập với những yếu tố vật chất (Thân) và yếu tố Nhận thức (Tâm), vốn không tồn tại.
b. Luận cứ: Bởi vì rằng những yếu tố vật chất (Thân) và những yếu tố thuộc Nhận thức (Tâm) vốn đều không có tự tính.
c. Dị Tỉ dụ: Giống như đứa con của thạch nữ vậy (là cái thuộc về tưởng tượng, vốn không tồn tại, không có những yếu tố vật chất hay nhận thức).
Những người phản luận có thể sẽ cho rằng: Như thế thì Niết Bàn, cái được xem như là không có (hay không tùy thuộc) những tính cách của vật chất và của tâm thức, mà vẫn được cho là tồn tại, vì vậy, luận cứ trên không thể dẫn đến kết luận là "Tự ngã không tồn tại" được. Tuy nhiên, khi nói rằng:
"Những cái gì không có tính chất của nó,
Thì bất kỳ ở đâu cũng không tồn tại". (TL5.2ab)
thì lập trường của Trung Quán cũng phủ định Niết Bàn như là cái gì tuyệt nhiên vô tính (như hư không hay đoạn diệt của Cực đoan luận). Vì thế, trong luận chứng trên, dị tỉ dụ nêu lên tính cách không tồn tại của những gì không có tính chất, không phải là không thể dẫn đến kết luận nhất định.
Có lẽ những người phản luận chứng sẽ cho rằng:_Luận chứng nói trên (TL5.2 và những luận chứng khác của Trung Luận do Long Thọ viết đều) không chỉnh bị vì không thiết định cấu trúc luận lý ở dạng hoàn chỉnh của suy luận thức gồm mệnh đề chủ trương và các chi phân (theo mô hình luận lý của Trần Na, đã thành một cơ sở để phán đoán luận lý), nên nó vi phạm vào những sai lầm trong việc bất chỉnh bị những yếu tố luận lý cơ bản. Tuy nhiên, đó là những giải minh (artha-vàda) nên không phạm vào sai lầm luận lý. Tức là, lập ngôn của luận sư (Long Thọ) là để minh giải, chứ không phải là để minh chứng. Trong đó, nội dung thâm viễn được bao hàm trong cách biểu hiện giản khiết, là những gì có thể xem là căn cứ cho nhiều suy luận thức. Nếu cho đó là những suy luận thức, để chỉ trích là chúng sai lầm, thì sự chỉ trích này không đúng chỗ. Hơn thế nữa, cho dù có xem đó là những suy luận thức đi nữa, thì những mệnh đề cần thiết khác (cho một suy luận thức hoàn chỉnh) vốn không được ngôn biểu ở đó, nhưng có thể thấy đây đó đầy dẫy trong Luận thư và các kinh điển.
Có những người (thuộc học phái Thắng Luận) phản đối rằng:_Phương hướng (là một thực thể, cũng như Tự ngã)*8 là cái gì vốn tự nó có tính thường hằng, nhưng bởi nó được nhận thức hay không được nhận thức mà có tính sinh khởi và hoại diệt. Vì vậy, không thể theo như trên mà đưa ra luận cứ "vì chúng có sinh diệt" hay "chúng đồng nhất với điều kiện nhận thức", để dẫn đến kết luận "chúng không phải là Tự ngã" và "chúng không tồn tại" được.
Tuy nhiên, (tiền đề của) học phái Thắng Luận không đúng. Nếu quan niệm như họ rằng "Tự ngã là cái gì không có những tính chất đặc trưng của thân xác và tâm thức (vốn là những điều kiện nhận thức, Ngũ Ấm)", thì "Tự ngã" theo quan niệm của họ như là "cái không có tính chất" ấy, cũng vẫn cứ là đối tượng đã bị phủ định: "Những cái gì không có tính chất của nó, thì bất kỳ ở đâu cũng không tồn tại" (TL5.ab). (Mà nếu cho Tự ngã là cái gì thường hằng, không có giới hạn như họ quan niệm, thì tồn tại của nó bị phủ định bời những suy luận thức như sau:)
Suy luận thức 1:
a. Mệnh đề chủ trương: Cái gì thường hằng, không có giới hạn, thì không phải là cái có thể làm cơ sở cho những điều kiện nhận thức được.
b. Luận cứ: Bởi vì những điều kiện đều là những cái vốn có sinh khởi và hoại diệt.
c. Tỉ dụ: Những tính chất của vật chất (Sắc).
Và suy luận thức 2:
a. Mệnh đề chủ trương: Tự Ngã không phải là cái gì không có giới hạn.
b. Luận cứ: Bởi vì, nó là một thực thể riêng biệt (cá thể).
c. Tỉ dụ: như cái bình này.
Người ta có thể phản luận lại rằng: luận cứ của suy luận thức 2 nói trên, nếu đặt vào trường hợp của hư không như là một thực thể ("cái hư không này")vốn không có giới hạn, thì không thể nào dẫn đến kết luận rằng "nó không là cái gì không có giới hạn" được. Tuy nhiên chúng ta phủ định rằng hư không không phải là một thực thể, và tính không có giới hạn của nó cũng luôn thể bị phủ định, cũng như trường hợp của Tự ngã. Như thế không phạm vào lỗi là không qui kết được.
Vả lại:
a. Mệnh đề chủ trương: Tự ngã không phải là chủ thể của những điều kiện nhận thức (tính chất của vật chất, cảm thụ của giác quan, biểu tượng về sự vật, tác vi của tâm thức và thức biệt).
b. Luận cứ: Bởi vì nó không có tự thể (hay tự tính, cái làm cho nó là nó).*9
c. Tỉ dụ: như tích lũy của những tạo tác (Nghiệp).
Điều này cũng có thể dẫn đến qui kết của suy luận thức 2 ở trên: a. Tự ngã không phải là cái gì không có giới hạn, b. bởi vì nó là một thực thể riêng biêt, c. như cái bình này.
Đồng dạng thức lý luận như thế, cũng có thể sử dụng đối tượng của nhận thức, đối tượng của ngôn ngữ, tồn tại của sự vật như là luận cứ: a. Tự ngã không phải là cái gì không có nhân tố tạo tác ra, b. bởi vì nó là cái gì đang tồn tại, c. như cái bình này. Cũng như thế nếu sử dụng luận cứ như là đối tượng của nhận thức, đối tượng của ngôn ngữ...
Cũng giống như trường hợp của học phái Thắng Luận, đối với quan niệm của học phái Số Luận cho rằng: "Linh Ngã không phải là chủ thể của nhận thức và hành vi, đó là một tồn tại thường hằng và bàng quan với những cái như thế", vậy thì:
a. Mệnh đề chủ trương: Từ điểm nhìn của Thực Tại tối hậu, thì Tự ngã không có những tính cách của Linh Ngã, cũng không phải là cái gì thường hằng và không có giới hạn, cũng không phải là cái gì không có nguyên nhân.
b. Luận cứ: Bởi vì nó là cái gì đang tồn tại. Vả lại, nó là cái gì đôi khi đem lại cái biết đúng đắn, đôi khi đem lại cái biết nhầm lẫn, đôi khi đem lại những những hoài nghi. Vả lại, nó là cái gì đôi khi đem lại niềm vui, đôi khi đem lại sầu bi.
c. Tỉ dụ: Như cái trụ (một sự vật tồn tại, người ta cũng có khi biết về nó đúng, có khi biết về nó sai, có khi hoài nghi nó và có khi nó đem lại niềm vui cũng có khi đem lại nỗi buồn).
Vả lại, có nhiều người cho rằng: Lập trường của Trung Quán không thừa nhận Tự ngã như là một thực tại mà ngôn ngữ nói đến*10, vì vậy tất cả những điều họ luận về tính chất đặc thù của Tự ngã đều không chính xác. Vì điều đó cũng giống hệt như luận về "màu trắng hay màu xanh của đứa con của thạch nữ" (vốn không tồn tại).
Tuy nhiên, chỉ trích này không đúng. Cái Tự ngã mà chúng ta đang nói đến trong ý nghĩa là chủ thể thụ nhận những sinh diệt tiếp nối nhau mà tồn tại. Trong ý nghĩa này thì "Tâm Thức" là đối tượng mà chúng ta đang giả thiết là "Tự Ngã" trên bình diện ngôn ngữ, và cái gọi là "Tự Ngã" ấy chẳng là cái gì khác hơn "Tâm Thức" cả. Thế Tôn cũng thuyết giảng với ngôn ngữ như thế:
"Chính chúng ta phải là chủ thể của "chính mình" (àtman, tự ngã)*11, chứ còn một chủ thể nào đâu khác hay sao? Người có trí tự điều ngự chính mình (àtman), thì mới nhận được niềm vui của cõi trời". (kinh Pháp Cú)
Với cùng ý nghĩa của ngôn ngữ ("chính mình"-àtman-tự ngã) như thế, chúng ta vẫn đang sử dụng theo thói quen của thế tục, thừa nhận cái mà một cách phổ quát được thừa nhận, và phủ định cái gì không thể thừa nhận được. Cái (Tự ngã_cái "chính mình") mà chúng ta đang luận chứng, không có lầm lẫn.
Hơn nữa, cũng có cách khác để luận chứng (cùng một ý với suy luận thức trên mà không phải phủ định "Tự Ngã" như đã bị chỉ trích):
a.Mệnh đề chủ trương: Thân xác, như là cái được trang bị những cơ năng cảm giác, không thể là cái có thể làm nhân tố tạo tác nên nhận thức, một "cái gì thường hằng và vô hạn" (_như là "Linh Ngã" mà đối phương quan niệm) được.
b. Luận cứ: Bởi vì thân xác cũng chỉ là một cái gì có thể tri giác được.
c. Tỉ dụ: Như cái bình.
Cùng ý nghĩa như thế, cũng có thể sử dụng luận cứ khác, ngoài "cái có thể tri giác được".
Về điều này, những người chủ trương có Tự ngã có thể phản luận rằng: "Những điều kiện nhận thức có được thông qua cảm giác và thân xác không phải là Tự ngã" (theo như quan niệm của Trung Quán), vậy thì Tự ngã, nó là cái gì? Nếu cho đưa ra chủ trương rằng Tự Ngã hoàn toàn không tồn tại trong những điều kiện như thế, thì sẽ không có được cái gì có thể làm tỉ dụ để đi đến kết luận được. Tức là, ngay cả ở "cái bình" (mà luận chứng của Trung Quán lấy làm tỉ dụ về cái không có Tự ngã), thực ra trong một cách nào đó, cũng tồn tại Tự Ngã.*12 Hơn nữa, theo như chủ trương trên, thì cho dù thân xác là một cái gì không thể tri giác được, thì cũng không thể có tỉ dụ nào có thể minh chứng được cho điều ấy, vì rằng cái bình đi nữa thì cũng là đối tượng của tri giác. Và hơn nữa, nếu cho rằng thân xác không phải là nhân tố tạo tác nên nhận thức, thì cũng không thể nào kiếm ra được một cái gì để làm tỉ dụ minh chứng được. Bởi vì, ngay chính cái bình, cũng có thể là nhân tố tạo tác nên nhận thức (theo quan điểm của những người cho rằng Linh ngã tồn tại).
Để trả lời điều này, cần xác định là mệnh đề chủ trương chúng ta đưa ra với ý nghĩa rằng: Thân xác và các cơ năng cảm giác của nó không thể là căn nguyên cho nhận thức của Tự ngã được. Điều này không có ý nghĩa đơn thuần như là "không phải là căn nguyên của nhận thức", hay như là "không phải là căn nguyên nhận thức của một cái gì ngoài Tự ngã". Những chỉ trích nói trên không thể phản luận hay phê phán chủ trương ấy được.
Theo đó, người tìm cầu đạo lý có thể tự tra vấn chính mình những vấn nạn như sau: Cái mà theo quan niệm của thế gian cho là Tự ngã, là cái gì? Cái đó, nói cho cùng có phải là cái có những tính chất của những điều kiện nhận thức hay không? Hoặc, những yếu tố của thân xác và tâm thức tồn tại đồng nhất hay biệt lập với nhau? Trong đó, trước hết là tra vấn: Những yếu tố của thân xác và tâm thức tồn tại đông nhất hay biệt lập nhau? Nếu Tự ngã đồng nhất với những điều kiện của nhận thức, thì nó tất nhiên lệ thuộc vào những điều kiện sinh diệt. Và như thế, vì những yếu tố của thân xác và tâm thức cũng phải sinh diệt như cái bình, nên chúng đều không phải là Tự ngã. Ngược lại điều này, nếu Tự ngã là cái gì tồn tại biệt lập với những điều kiện nhận thức, như là những yếu tố của thân xác và tâm thức, thì những điều kiện này đều là những cái không có tự tính. Cũng như hoa đốm giữa không trung (ví dụ của những cái gì không tồn tại), những điều kiện nhận thức không có tự tính ấy, vốn không tồn tại.
Cũng giống như vậy khi thay thế bằng luận cứ rằng Tự ngã là cái gì không nguyên nhân, nên nó cũng không tồn tại.