Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Trước hết, chúng ta (những người đứng trên lập trường Trung Quán) phê phán các quan điểm của các học phái khác, nhằm mục đích nói lên quan điểm chân xác của mình rằng: Tất cả các Tác vi của nhận thức (Hành)*2, như là những cái có thể chuyển hóa-biến đổi, đều thiếu vắng Tự Ngã và cái gì thuộc về Tự Ngã. Đây là tâm điểm của luận chứng, được viết trong Phẩm 18, Trung Luận.

 

Có nhiều định kiến cho rằng Tự Ngã tồn tại, nhưng vì tất cả những định kiến này đều lấy Năm Điều Kiện Nhận Thức (Ngũ Ấm)*3 làm đối tượng luận cứ của họ, vì vậy chúng ta hãy bắt đầu khảo sát từ Năm Điều Kiện Nhận Thức. Thế Tôn cũng đã nói: "Dù là người xuất gia, hay là bà la môn, khi muốn hiểu rõ những vấn đề của chính mình một cách đúng đắn, thì tất cả đều phải suy xét một cách chân xác từ Năm Điều Kiện Nhận Thức".

 

Trong đó, đầu tiên là Bốn Thực Thể (Tứ Đại: Đất, Nước, Gió, Lửa) là những yếu tố căn bản hình thành nên hình tướng của thân xác. Những yếu tố này "tập hợp" (skandha) lại thành các Cơ Năng Nhận Tri (Lục Căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân thể và Ý thức). Các cơ năng nhận tri này, hay nói cách khác, các dạng thức của tâm thức này, đối với một số người thì là Tự Ngã. Về điểm này có những quan niệm khác nhau của nhiều học phái, nên cần phải thiết lập vấn đề như sau:_Bốn Thực thể và những Cơ năng Nhận tri, hoặc 1. Từng phần riêng lẻ hình thành từng dạng thức riêng biệt của tâm thức? ;hoặc 2. Cùng tập họp chung lại thành một thể chung nhất, gọi là Thân-Tâm?. Vì vậy, nếu cho rằng những Điều kiện Nhận thức ấy vốn làTự Ngã, hay nói như Trung Luận, "nếu Tự Ngã đồng nhất với những Điều kiện Nhận thức", thì phải chăng chúng ta (những người tầm cầu đạo pháp) đang suy nghĩ theo thói thường của thế gian, rằng thay vì nói về "Điều kiên nhận thức", thì đang chuyển sang nói về "cái Tôi"? Hoặc giả không phải như thế?

 

Họ cho rằng: "Cho dù suy nghĩ theo cách nào đi nữa, một khi đã thừa nhận rằng Tự Ngã tồn tại, thì ý nghĩa mà chúng tôi muốn nói đến đã thành hình rôi". Vì thế, giờ đây chúng ta hãy suy gẫm thử, theo chủ trương của họ:

  "Nếu Tự Ngã đồng nhất với những Điều kiện Nhận Thức,

 "Thì: Ngã là một tồn tại có Sinh Khởi và Hoại Diệt" (TL18.1ab)

Vậy thì, những Điều kiện nhận thức ấy vốn là cái gì có Sinh Khởi và Hoại Diệt, tức là, nó được thể hiện ra như là cái có những tính chất được sinh ra rồi mất đi. Trong trường hợp này, khi nói "cái có sinh có diệt" là nói với tính cách biểu trưng*4, qua đó chỉ đơn cử ra một đặc trưng: Điều Kiện Nhận Thức là cái có Sinh-Diệt, nhưng có thể hiểu ra được tất cả những tương quan khác có cùng tính cách như thê, như tương quan Nhân-Quả, quá trình tích lũy tạo tác (Nghiệp), kết quả (Quả) và sự gặt hái (Báo)…Những điểm nghị luận này được tóm lại trong cấu trúc luận lý*5 như sau:

 

 a. Mệnh đề chủ trương: Từ điểm nhìn của Thực Tại tối hậu, thì từ bốn thực thể (đất, nước, gió, lửa), cho đến những cơ năng nhận tri_như là tập họp của bốn yếu tố ấy, cho đên tâm thức_như là tập họp của những cơ năng nhận tri, và cả thân_như là cái có những cơ năng cảm giác, và cả tâm_như là cái có trong thân, đều là những gì không có tự ngã. 

 b. Luận cứ: Bởi vì chúng có sinh khởi và hoại diệt.

 c. Tỉ dụ: Ví dụ như: những thực thể vật chất (đều là những cái có sinh diệt, nên không có tự ngã)

 

Theo quan điểm của học phái Số luận (Sàmkhya)*6, nếu thân xác là cái gì có nguyên do từ Linh Ngã mà hình thành, thông qua những yếu tố vật chất, thì hẳn trong thân xãc phải tồn tại Linh Ngã. Tuy nhiên, lại cũng theo quan điểm của học phái Số Luận này, thì tính tùy biến của Linh Ngã_như nước trong bình biến ứng theo hình dạng của nó_là luận cứ hiển nhiên cho tính Vô Ngã. Theo đó, nếu họ qui kết rằng trong thân xác tồn tại Linh Ngã, thì chính họ mâu thuẩn với chính luận chứng của họ.

 

Hoặc giả, "Nếu Tự Ngã đồng nhất với những Điều kiện nhận thức (Ngũ Ấm),", trong đó, vì vốn có những Điều kiện nhận thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, ý thức) với những phương thức nhận tri khác nhau, vậy "Thì trong một thân xác hẳn phải có nhiều Tự Ngã khác nhau (tương ứng với những điều kiện nhận thức khác nhau)".

 

Hơn thế nữa, "Nếu Tự Ngã đồng nhất với những Điều kiện nhận thức, thì hẳn là nó cũng phải có Sinh khởi và Hoại Diệt". Hai câu sau của thi tụng này có thể hiểu là: Nếu thừa nhận tiền đề cho rằng Tự Ngã đồng nhất với Điều kiện tạo tác, thì tất yếu phải đi đến kết luận cho rằng "Tự Ngã có Sinh, Diệt", điều này phủ định chính chủ trương ban đầu cho rằng "Tự Ngã là cái gi không Sinh, không Diệt". Do đó, kẻ đưa ra mệnh đề căn bản cho chủ trương của chính mình, lại rơi vào chỗ chính mình phản lại nó.

 

Hoặc giả, trong cùng một luận cứ: "Nếu Tự Ngã đồng nhất với những Điều kiện nhận thức, thì hẳn là nó cũng phải có Sinh khởi và Hoại Diệt", mà nếu người phản luận đưa ra chủ trương rằng: Tự Ngã là cái có Sinh, Diệt; thì trong trường hợp này, chính người đưa ra mệnh đề chủ trương ấy, lại rơi vào chỗ tự mình phủ nhận ý nghĩa bản chất của mệnh đề do chính mình chủ trương (Tự ngã mà có Sinh, Diệt, thì không còn là "Tự Ngã" như nó được định nghĩa là "cái thường hằng bất biến" nữa).

 

Hơn thế nữa, cũng cùng một luận cứ: "Nếu Tự Ngã đồng nhất với những Điều kiện nhận thức, thì hẳn là nó cũng phải có Sinh khởi và Hoại Diệt", mà nếu người phản luận chủ trương không thừa nhận Tự Ngã là cái có Sinh, Diệt, thế nhưng chính người ấy lại không thể đưa ra luận cứ chứng minh cho sự tồn tại của cái "Tự Ngã không có tính Sinh, Diệt" ấy được. Nhưng mặt khác, chúng ta lại có thể đưa ra luận cứ để chứng minh rằng: "Từ điểm nhìn của Thực Tại tối hậu, thì Tự Ngã không tồn tại, vì nó vốn là cái không có Sinh, Diệt. Những cái gì vốn không có Sinh, Diệt, như lông rùa sừng thỏ, đều vốn không tồn tại".

 

Vả lại, "Nếu Tự Ngã đồng nhất với những Điều kiện nhận thức, thì hẳn là nó cũng phải có Sinh khởi và Hoại Diệt", từ hai mệnh đề có tính biểu trưng này, còn có nghiệm suy ra rất nhiều ý nghĩa còn hàm ẩn trong đó. Như: "Từ điểm nhìn của Thực Tại tối hậu, thì Năm Điều Kiện Nhận Thức (1 Tính chất của sự vật (Sắc), 2 Thụ cảm (Thọ), 3 Khái niệm, Biểu tượng của Nhận thức(Tưởng), 4 Tác vi của Tâm thức (Hành), 5 Thức Biệt (Thức) đều không phải là Tự Ngã, vì chúng là những điều kiện vốn có Sinh Khởi và Hoại Diệt, ví như cái bầu chứa nước vậy". Hơn nữa chuỗi mắc xích Nhân-Quả cũng là cái gì không Thường Hằng Bất Biến (Vô Thường), có khi nó tạo ra vui thú, có khi tạo ra phiền não, có khi tạo ra những nhận thức sai lầm, rồi tạo ra những hoài nghi tiếp nối… Và còn có thể nghiệm suy ra muôn vàn ý nghĩa khác nữa …

Xem mục lục