Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

Một tâm trong sáng và bình an là điểm khởi hành vào một không gian vi diệu của lòng bi, nguyện vọng tối hậu của Bồ tát. Bản văn ngắn thứ hai này của Lama Mipham diễn tả những giai đoạn của con đường đi đến mục đích ấy. Đây là một bản đồ để hướng dẫn và chỉ dạy. Nó bắt đầu ở điểm khi sự xác quyết về sự không có một cá nhân thường hằng và có bản chất đã sanh khởi và, sau khi qua nhiều giai đoạn thấu hiểu, chấm dứt ở sự chứng ngộ một thực tại tối hậu không thể diễn tả. Tiến trình là một lột bỏ những quan điểm giới hạn và tái hợp nhất vết nứt chia tách chủ thể và đối tượng trong tâm.

Dù một cái hiểu trí thức về biện chứng này là một trợ giúp quan trọng cho thiền định, không nên lầm lẫn nó với hiện thực kinh nghiệm. Bản văn này khác với kinh nghiệm thiền định như một bản đồ khác với đất đai nó miêu tả. Đây là một ngón tay chỉ mặt trăng hơn là chính bản thân mặt trăng. Tuy nhiên, nếu không có sự nghiên cứu trong một giai đoạn sơ bộ của việc học, khi gặp những trạng thái tâm thức này trong thực hành thiền định, sợ hãi lớn lao có thể sanh khởi. Bất kỳ sự lưỡng lự vòng vo nào ở những ngã giao nhau này sẽ làm hao tốn năng lượng và thời gian quý báu. Bản văn ngắn này tóm gọn giáo lý của những đạo sư của Trung Đạo, tổng hợp từ kinh nghiệm của những thế hệ hành giả cả Ấn Độ và Tây Tạng. Nếu những chi nhánh của nó đã được hiểu đầy đủ, bấy giờ nghiên cứu tiếp nữa sẽ không cần thiết.

Tất cả những hành giả của Phật pháp ở Tây Tạng đều là những người theo Trung Đạo (Madhyamika). Tuy nhiên, có hai trường phái chính về pháp môn tương đương với hai cấp độ thành tựu khác nhau, một cái phát triển kinh nghiệm thiền định hơn cái kia. Theo lịch sử, những trường phái này được gọi là Prasangika và Svatantrika. Những phân phái của hai trường phái này cũng liên hệ đến những cấp độ khác nhau trong sự chấp nhận cái tuyệt đối là không thể giải thích được. Trong Svatantrika một số người nói rằng thực tại tối hậu là một trường không bản chất, liên lập tùy thuộc lẫn nhau, trong khi những người khác tin rằng tánh Không và sắc là những kinh nghiệm tách biệt. Những dòng khác nhau của Svatantrika công nhận một số hình ảnh và cái nhìn thấy khác nhau để diễn tả thực tại tối hậu, tất cả hay một số có thể được gặp trong thiền định. Tuy nhiên, những nhà Prasangika từ chối mọi xác định bất kỳ một định đề nào liên quan đến kinh nghiệm tối hậu. Sự khác nhau trong chứng đắc của những hành giả của hai trường phái này được nói rõ trong bản văn. Sự phân biệt căn bản giữa hai phái là sự có mặt ở trong phái trước một khuynh hướng cố hữu sâu xa muốn biện giải sự trực tiếp của một khoảnh khắc trước trong cái còn sót lại của nó ở trong hiện tại. Đây là sự giả cách rằng sự suy nghĩ phản ánh cái tối hậu thì khác với bản thân cái tối hậu. Hiến mình cho cái bây giờ và tại đây mà không để dành hay ngần ngại sẽ làm thành một diễn đạt hoàn hảo của tính tự phát trong hình thức trực tiếp hơn là một kiểu mẫu chế định trước.

Xem mục lục