Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

Nói chung, bằng thuật ngữ “hành giả Pháp,” chúng ta muốn nói tới một người có thể vận dụng mọi loại hoàn cảnh, tốt cũng như xấu, người có thể sử dụng ngay cả những kinh nghiệm tệ hại nhất như các chất xúc tác để trợ giúp cho những tiến bộ vượt trội hơn nữa trong thực hành của họ. Những hoàn cảnh trong đó chúng ta tự nhận biết mình phải thực sự làm sáng tỏ sự thực hành, những kinh nghiệm và sự chứng ngộ của ta, và chúng ta cần có khả năng thấu hiểu mọi tình huống, cả thuận lợi lẫn bất lợi, như những giáo lý trên con đường.

Đừng bao giờ để các chướng ngại có thể phát sinh từ những hoàn cảnh tốt lẫn xấu cản trở hay khống chế chúng ta. Chúng ta phải như đất, nó dung chứa tất cả chúng sinh, không phân biệt cái tốt hay xấu, thuận lợi hay bất lợi. Đất chỉ đơn giản nhẫn chịu. Khi đối mặt với những tình huống khó khăn, một hành giả nên sử dụng chúng như một cơ hội để củng cố thực hành của mình, giống như một cơn gió mạnh, thay vì dập tắt một ngọn lửa lại làm cho nó mạnh thêm và thậm chí còn làm cho lửa bùng cháy hơn nữa.

Khi gặp những hoàn cảnh bất lợi, như các ảnh hưởng xấu, những lời nói ác, sự chỉ trích, hay ngay cả khi bị ném vào tù, chúng ta đừng nghĩ: “Tôi đã cầu nguyện Tam Bảo quá nhiều; tôi không đáng bị sự đối xử như thế.” Chúng ta nên hiểu rằng mọi khó khăn như thế xuất hiện là kết quả của việc làm hại những người khác trong suốt những đời quá khứ của ta, chúng ta nên chịu đựng những đau khổ và gian khó và suy nghĩ rằng: “Qua những gì xảy đến cho tôi, cầu mong nỗi đau khổ của chúng sinh khác do những ác hạnh mà họ đã tích tập trong những đời quá khứ, tất cả đều được tích tụ lại và cạn kiệt trong tôi.” Chúng ta nên luôn luôn nhận thức rằng những tình huống thử thách chúng ta thực sự là một biểu lộ của phương tiện thiện xảo của Guru Rinpoche, là đấng trong cách thức này ban cho ta những cơ hội để tịnh hóa nghiệp bất thiện của chúng ta.

Vì thế, chúng ta nên vui vẻ chấp nhận bất kỳ sự đau khổ hay chỉ trích nào, và nghĩ rằng: “Điều này được ban cho tôi là nhờ thiện tâm vĩ đại của Thầy tôi.” Ví dụ, nhiều người Tây Tạng, trong khi chịu đựng sự cùng khổ và giam cầm khốc liệt suốt trong hai mươi lăm năm qua ở Tây Tạng, không bao giờ bị lay chuyển lòng sùng mộ vĩ đại đối với vị Thầy và nhiệt tâm chân thành trong việc thực hành Pháp. Trong trường hợp này, kinh nghiệm của họ về nỗi khổ tột bực đã xoay chuyển tâm họ hướng về Pháp và củng cố quyết tâm của họ để thực hành Pháp.

Nếu chúng ta gặp những hoàn cảnh may mắn, đừng bao giờ bám níu vào chúng mà nên coi chúng như những giấc mộng hay ảo ảnh. Nếu chúng ta thành công và giàu có, sống trong một lâu đài đẹp đẽ, ta đừng cho rằng mình là quan trọng hay vĩ đại; cũng đừng tích trữ của cải hay suy tính để có được ngôi nhà lộng lẫy hơn nữa. Chúng ta đừng bận tâm về sự nổi danh và quyền lực. Đúng đắn hơn, chúng ta nên nhận thức rằng bất cứ sự may mắn tốt lành nào đến với ta đều đơn giản là nhờ thiện tâm của vị Thầy. Nếu thâu đạt được điều gì có giá trị hay thành tựu điều gì to lớn, chúng ta đừng bao giờ quên rằng chẳng có gì trong thế gian này là thường hằng. Như Kinh điển có nói: “Cái gì được sinh ra sẽ chết đi, cái gì được tụ hội sẽ phân ly, cái gì được tích tập sẽ cạn kiệt và cái gì ở trên cao sẽ bị đưa xuống thấp.”

Trong những hoàn cảnh thuận lợi, chúng ta nên ước nguyện: “Cầu mong mọi sự thịnh vượng tôi đang hưởng sẽ được phân phát cho tất cả chúng sinh, cầu mong nó được cúng dường cho Guru Rinpoche, và cầu mong bản thân tôi hài lòng với việc chỉ có vừa đủ thực phẩm và y phục.” Để bản thân tồn tại, thực ra chúng ta chỉ cần đủ quần áo để che chở ta đối với các môi trường và chỉ cần có đủ thực phẩm để duy trì đời sống. Như các bậc thánh trong quá khứ, chúng ta nên vừa lòng với những nơi cư trú như các hang núi và các ẩn thất cô tịch.

Tất cả những vị thánh vĩ đại trong quá khứ đã sống trong các hang động, với thú vật hoang dã là bạn đồng hành, bởi vì các ngài đã xoay chuyển từ tận sâu thẳm con người các ngài hướng về Pháp. Các ngài đặt căn bản sự thực hành của mình trên đời sống khổ hạnh của một người lang thang đã từ bỏ mọi sự. Tâm của một người từ bỏ như thế bao giờ cũng tràn đầy Pháp, và sự nghĩ tưởng về Pháp dẫn dắt các ngài đến đời sống cô tịch trong một hang núi, ở đó sự tinh cần của các ngài được sự suy tưởng về cái chết thường xuyên thôi thúc. Càng nhiều càng tốt, chúng ta nên chấp nhận tâm trạng này như của chính chúng ta.

Theo cách này chúng ta có thể ngăn ngừa ngay cả những tình huống tốt đẹp khỏi trở thành những chướng ngại cho sự thực hành của ta. Nếu không, có thể xảy ra việc các hành giả Pháp sau khi thành tựu một vài tiếng tăm, bắt đầu tự coi mình là các vị Thầy hay Lạt ma. Suy nghĩ theo lối này, họ bắt đầu cảm thấy mình xứng đáng được hưởng thực phẩm thơm ngon, quần áo đắt tiền, danh vọng to lớn và v.v… Khi điều này xảy ra, sự bám chấp và tự phụ trở nên kiên cố, và động lực ban đầu để thực hành Pháp hoàn toàn tiêu tan. Như vậy thì thật không ổn. Bằng cách nhìn những hoàn cảnh thuận lợi như giấc mộng và ảo ảnh, chúng ta có thể tránh được các cạm bẫy và làm kiên cố thêm sự thực hành của ta.

Chúng ta có thể nhìn những trạng thái chuyển biến của sự thực hành của ta trong cách thức tương tự. Nếu chúng ta gặp khó khăn ngay trong sự thực hành, như hôn trầm, các tư tưởng rối loạn, hay sự quán tưởng nghèo nàn, chúng ta nên dùng nó như một cơ hội để nuôi dưỡng tri giác thanh tịnh. Điều này có nghĩa là sự nhận thức về môi trường của chúng ta và các chúng sinh sống trong đó không là những gì tầm thường, mà như Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ, nơi các Dāka và Dākinī cư trú. Nó cũng có nghĩa là sự nhận thức mọi hình tướng xuất hiện là Guru Rinpoche, mọi âm thanh là sự ngân vang của thần chú của ngài, và mọi tư tưởng là trò chơi của trí tuệ ngài.

Nếu chúng ta may mắn trực nhận được Giác tánh rất trong sáng và những kinh nghiệm tốt đẹp trong sự thực hành của ta, chúng ta đừng nghĩ: “A ha ! Ta đã trở thành người thực sự cao siêu. Ta phải là một vị Thầy!” Đúng đắn hơn, chúng ta đừng gán cho việc đó sự quan trọng thái quá, và ta nên an trú trong một sự tỉnh giác trong trẻo và sống động của giây phút hiện tại, không có những mục đích lẫn tham luyến.

Tóm lại, trên con đường, bất kỳ thành tựu hay thâu hoạch điều gì thuộc về của cải, sự thành công, danh tiếng, thực phẩm, y phục, hay các kinh nghiệm tâm linh, chúng không bao giờ được phép làm phát sinh sự bám chấp hay tham luyến trong chúng ta. Nếu những cảm xúc này xuất hiện, chúng ta phải ngồi yên lặng, tống xuất hơi thở cũ ba lần – suy tưởng rằng cùng ba hơi thở đó tham, sân, và si đã được tẩy trừ – và nhớ lại những sự thành tựu phù du này thì không có thực chất và thoáng qua như thế nào.

Trong quá khứ xa xưa, Đức Phật đã xuất hiện trong xứ Ấn Độ siêu phàm và đạt được sự Toàn Giác. Ở đó, tại nhiều nơi, Ngài đã chuyển Pháp luân khiến cho nhiều ngàn A La Hán thành tựu chứng ngộ. Những bậc chứng ngộ như thế đã có thể du hành trên bầu trời và thi triển nhiều năng lực kỳ diệu khác. Ngày nay, những kỳ công này không còn lại gì ngoại trừ các tên gọi đơn thuần của những nơi chúng đã xảy ra. Về sau, Pháp được đưa sang Tây Tạng, nơi đó nhanh chóng bắt rễ và lan rộng, sản sinh ra nhiều đại thánh là những vị tiếp tục trao truyền nhiều giáo lý vĩ đại. Ngày nay, tất cả những bậc vĩ đại này đã đi về những cõi Cực Lạc khác, và ở đây trên trái đất không một điều gì của các ngài còn sót lại. Nhớ tới điều này, chúng ta phải nhận thức rằng bất kỳ điều gì chúng ta có thể thâu đạt hay thành tựu đều không có nền tảng lẫn thực chất. Chúng ta đừng bao giờ bám níu vào những sự việc thế gian hoặc các thành tựu thuộc về Pháp và nên hoàn toàn thoát khỏi sự bám chấp.

Đôi lúc, trong thực tế hay trong những giấc mộng, chúng ta có thể bắt gặp những ảnh hưởng dữ dội hay những thế lực tiêu cực đến từ các tinh linh hoang dã và những kẻ phá rối. Nếu những điều này xảy ra, chúng ta đừng bao giờ nghĩ tới việc tiêu diệt những tinh linh họa hại đó ngay cả trong những giấc mộng. Thay vào đó, ta nên suy nghĩ rằng tất cả chúng sinh gây nên các chướng ngại này thực ra là những cha mẹ tốt lành của ta trong những đời quá khứ. Mặc dù có một lúc cha và mẹ ta đã nuôi dưỡng và chăm sóc ta, ngày nay, họ kiên quyết gây tổn thương và làm hại ta. Ta phải chiêm nghiệm và tìm thấy lý do của điều này trong những ác hạnh đã được thực hiện trong những đời quá khứ của chính ta. Chúng ta nên hiểu sâu xa hơn nữa là nếu những lực lượng tiêu cực như thế hãm hại ta, đó cũng là vì bản thân họ đang hành động dưới ảnh hưởng xấu của ác nghiệp của riêng họ, và khi làm như thế họ đang gây ra những nguyên nhân đau khổ cho chính họ trong tương lai. Suy nghĩ về điều này, chúng ta nên phát khởi lòng đại bi đối với họ.

Nếu họ có vẻ nhất quyết làm hại ta, chúng ta nên coi điều đó như một cơ hội để tịnh hóa những che chướng của riêng ta. Mọi bệnh tật và chướng ngại, các bệnh hoạn của thân, và những đau khổ của tâm có thể được sử dụng như con đường nếu chúng ta chỉ coi chúng như sự hiển lộ trí tuệ của Đạo Sư của chúng ta. Theo cách này, ta có thể tịnh hóa ác nghiệp của ta cũng như những đau khổ do nó gây ra. Nếu ta có thể duy trì loại thái độ này, các lực lượng tiêu cực như thế sẽ không thể gây ra bất kỳ chướng ngại thực sự nào. Nhưng nếu thay vì như thế, chúng ta lại coi họ như những kẻ thù, nghĩ rằng ta phải tiêu diệt họ, thì chúng ta sẽ chỉ làm cho vấn đề tệ hại hơn.

Ngày nay, là kết quả của những tư tưởng thô lậu và bất định, nhiều người kinh nghiệm những loại xáo trộn tiêu cực chỉ đơn thuần là các sản phẩm tâm thức của chính họ. Nếu thay vì ngộ nhận chúng là các ảnh hưởng bên ngoài, họ nhận thức được rằng những kinh nghiệm như thế là các tặng phẩm của Đạo Sư, nhờ chúng họ có thể tiến bộ trên con đường, và nếu họ nhất tâm khẩn cầu Đạo Sư trong khi phát khởi lòng đại bi đối với những quỷ ma mà họ đang tri giác, thì họ sẽ được che chở trước mọi tai họa.

Nếu chúng ta bị các kinh nghiệm với các năng lực tiêu cực như thế quấy rối, ta nên truy xét bản chất sự hiện hữu bề ngoài của chúng. Chúng ta nên xác định xem những gì ta có thể nắm được trong bàn tay hay đập nó với một cây gậy ấy có gì là cụ thể hay xác thực không. Nếu những năng lực tiêu cực như thế hiện hữu thì vị trí của chúng ở đâu, chúng bắt nguồn từ đâu, và đâu là các nguyên nhân và điều kiện khiến chúng có thể xuất hiện? Với sự phân tích đó trong tâm, chúng ta nên trì tụng thần chú Vajra Guru với một sự nhất tâm, nghĩ rằng: “Cầu mong nhờ lòng đại bi của Đức Guru Rinpoche những tinh linh này chỉ gặp được các giáo lý tốt lành và lợi lạc, và cầu mong họ không làm tổn hại cho bản thân họ lẫn những người khác. Cầu mong Bồ Đề tâm quý báu phát khởi trong tim họ.”

Đặc biệt ích lợi khi hợp nhất tri giác về những tinh linh này, tâm của chính ta, và tâm giác ngộ của Guru Rinpoche thành một với lòng đại bi. Khi ta thấu hiểu mọi hình tướng đều là sự hiển lộ trí tuệ của Đạo Sư, thì ngay cả từ “chướng ngại” cũng sẽ tan biến.

Dù điều gì xảy đến cho ta, chúng ta phải luôn luôn duy trì cái thấy thuần tịnh, nhận thức mọi hiện tượng đều hoàn toàn thanh tịnh và đừng bao giờ cho phép tâm thức chúng ta trệch hướng vào việc quan niệm các hiện tượng là cái gì hơi chút bất tịnh. Chúng ta phải luôn luôn nhìn nơi ta đang ở như cõi Cực Lạc Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ và mọi chúng sinh trong đó, dù là các côn trùng nhỏ bé hay các bằng hữu và thân quyến của chúng ta, đều là những Dāka và Dākinī. Mọi sự chúng ta nghe thấy phải được coi như âm thanh bất tuyệt của thần chú Vajra Guru.

Khi ngồi, chúng ta nên nghĩ tưởng bậc Đạo Sư trên đầu chúng ta và hướng lòng sùng mộ không ngơi nghỉ của ta đến ngài. Khi đi ta nên luôn luôn cảm nhận rằng Guru Rinpoche và Cõi Phật của ngài ở ngay trên vai phải của ta và ta đang đi nhiễu thật thành kính quanh ngài. Chúng ta nên phát triển tư tưởng rằng không chỉ có một cõi Cực Lạc Núi Màu-Đồng-Đỏ, mà trong mỗi lỗ chân lông của thân tướng Đức Guru Rinpoche hiện hữu hàng tỷ cõi Cực Lạc với Guru Rinpoche và đoàn tùy tùng của ngài trong mỗi cõi Cực Lạc đó.

Trước khi ăn hay uống bất kỳ thứ gì, trước hết chúng ta nên nghĩ tưởng rằng món đó đã chuyển hóa thành nectar, amrita (chất cam lồ) thanh tịnh, và cúng dường miếng đầu tiên cho Đạo Sư đang ở trong cổ họng chúng ta. Rồi chúng ta nên nghĩ tưởng rằng những gì ta ăn hay uống – phần còn lại của món cúng dường – đã được ban cho ta như một sự ban phước để ta có thể duy trì đời sống của mình. Theo cách này ta sẽ tẩy sạch mọi bám níu hay tham muốn đối với thực phẩm..

Ban đêm, trước khi ngủ, chúng ta nên nghĩ tưởng rằng Guru Rinpoche, người đã suốt ngày an trụ trên đầu ta, giờ đây đi vào đầu ta và từ từ đi xuống tim ta, đến ngồi trên một bông sen đỏ sáng chói có bốn cánh hé mở. Đóa sen này sáng rực, trong mờ, và sống động. Rồi Guru Rinpoche phóng ra vô số tia sáng, chiếu sáng toàn bộ thân thể và căn phòng của ta, trải rộng và tràn ngập vũ trụ với vẻ rực rỡ và đầy ánh sáng. Như thế, khi toàn thể vũ trụ đã được chuyển hóa thành ánh sáng thanh tịnh, chúng ta nghỉ ngơi trong sự giản đơn, duy trì bản chất của Giác tánh. Sau đó, ngay khi ta tự cảm thấy đang đi vào giấc ngủ, ta nên nhìn thế giới ánh sáng bên ngoài tan hòa vào chúng ta. Rồi chúng ta tan ra thành ánh sáng và tan hòa vào Guru Rinpoche, chính ngài, bây giờ có kích thước bằng ngón tay cái của chúng ta, tan ra thành ánh sáng và hòa nhập vào không gian. Rồi chúng ta nên hoàn toàn an trụ trong sự buông xả trong phạm vi bao la, tuyệt đối của tánh Không-quang minh. Vì giấc ngủ và cái chết là những tiến trình rất giống nhau, sự thực hành này đặc biệt quan trọng để bản thân chúng ta chuẩn bị cho giây phút lìa đời.

Nếu chúng ta thức giấc và thấy mình không thể duy trì sự quang minh này trong suốt đêm, chúng ta nên nhiệt thành cầu nguyện với Đức Guru Rinpoche, nói rằng: “Cầu mong con có thể tri giác sự quang minh.” Nghỉ ngơi trong sự giản đơn, khi ấy ta nên ngủ trở lại. Nếu tâm thức ta không yên nghỉ và tư tưởng trở nên lộn xộn, ngăn trở ta không ngủ được, chúng ta nên nhận thức rằng những tư tưởng này không có nguồn gốc, cũng không nơi an trú và không ngừng dứt. Nếu chúng ta không bị các tư tưởng quấy rầy, ta nên chỉ đơn giản an trụ không phóng tâm trong trạng thái tự nhiên. Nếu các giấc mộng xuất hiện, ta nên cố gắng nhận ra trong giấc mộng rằng ta đang mơ.

Buổi sáng, khi thức dậy, chúng ta nên nhìn thấy hiển lộ trên bầu trời trước mặt chúng ta là tập hội rộng lớn của Guru Rinpoche và đoàn tùy tùng của ngài. Tất cả các Dāka và Dākinī vây quanh ngài đang kêu gọi chúng ta ra khỏi giấc ngủ bằng cách làm tràn ngập không gian với âm thanh của thần chú Vajra Guru và thiên nhạc. Khi ra khỏi giường, ta nên nghĩ tưởng rằng đang bước vào cõi Cực Lạc Sangdopalri. Tất cả những người cư trú ở đó là các Dāka và Dākinī, và chúng ta chính là Vajrayoginī, một thực tại không do tạo tác hiện hữu từ vô thủy.

Chúng ta kêu gọi Đạo Sư với lòng khát khao và sùng mộ: “Lama Kyeno, Lama Kyeno!” – “Ngài, Đạo Sư, ngài thấu biết, ngài thấu biết!” Đức Guru Rinpoche đang an tọa trên một bông sen đỏ ở giữa trái tim ta; bây giờ đóa sen này mở lớn ra và ngài xuất hiện, một lần nữa an trụ trên đầu chúng ta. Chúng ta khẩn cầu ngài không dứt và nói: “Cầu mong tâm con hướng về Pháp, cầu mong Pháp của con tiến triển theo con đường và cầu mong mọi hình tướng huyễn mộng được chuyển hóa thành trí tuệ.”

Chúng ta nên nuôi dưỡng thực hành này cho tới khi tâm ta thường xuyên nhớ tưởng Đạo Sư. Bất kỳ hoạt động nào của ta, dù khi ăn, ngủ, đi hay ngồi, niệm tưởng về Đạo Sư phải luôn luôn hiện diện sống động. Như vậy, ta không thể đạt được sự thành tựu chỉ nhờ gặp được vị Thầy và nhận được một vài chỉ dạy vắn tắt. Bậc Đạo Sư không chỉ được tìm thấy ở bên ngoài, mà luôn luôn hiện diện trong bản tánh giác ngộ của tâm ta.

Guru Rinpoche nói: “Ta không bao giờ xa rời những người có lòng sùng mộ.” Nếu chúng ta nghĩ rằng Đạo Sư là một chúng sinh với xương thịt bình thường, thì sẽ rất khó phát sinh lòng sùng mộ mãnh liệt cần thiết cho sự tiến bộ. Như vậy, chúng ta nên nhận thức Đạo Sư là hiện thân trí tuệ bất biến của Guru Rinpoche, Đức Liên Hoa Sanh, mà sự toàn giác tràn ngập tam giới và biết rõ những ai đang cầu khẩn ngài ngay giây phút lời cầu nguyện phát ra, cho dù hàng triệu chúng sinh đang cầu nguyện cùng một lúc.

Lòng sùng mộ là cốt tủy của con đường, và nếu chúng ta không có gì trong tâm ngoài bậc Đạo Sư và không cảm xúc điều gì trừ lòng sùng mộ mãnh liệt, thì bất kỳ điều gì xảy đến đều được nhận thức là sự ban phước của ngài. Nếu chúng ta chỉ đơn giản thực hành với lòng sùng mộ luôn luôn hiện diện này, thì tự nó đây chính là sự cầu nguyện.

Khi mọi tư tưởng thấm đẫm lòng sùng mộ đối với bậc Đạo Sư, thì có một lòng tin tự nhiên rằng bất kỳ điều gì xảy đến đều được chăm sóc. Mọi sắc tướng là bậc Đạo Sư, mọi âm thanh là lời cầu nguyện, và mọi tư tưởng thô và tế xuất hiện như lòng sùng mộ. Mọi sự được giải thoát tự nhiên trong bản tánh tuyệt đối, như những nút thắt trong không trung. Đây chính là pháp Guru yoga tối thượng, trong đó bậc Đạo Sư được chứng ngộ như ba thân (kāya) bất khả phân. Điều này sẽ được thành tựu mà không phải nương tựa vào những nghi thức của giai đoạn phát triển, không cần phải nương nhờ ẩn thất bí mật, các linh ảnh tánh Không, hay duy trì hơi thở và việc hơi thở đi vào kinh mạch trung ương. Nhờ độc nhất sự thực hành này, mọi thực hành khác chỉ đơn giản hòa nhập vào lòng sùng mộ nhất tâm, như đã xảy đến với ngài Gyalwa Gưtsangpa và các vị thánh vĩ đại khác, là những bậc an trụ trong một trạng thái sùng mộ nhất tâm cả ngày lẫn đêm trong nhiều năm tháng, để mặc thời gian trôi đi và thậm chí không quan tâm tới sự đói khát.

Nhờ lòng sùng mộ này, không cảm xúc điều gì ngoại trừ sự nhàm chán đối với những lôi cuốn của đời này, ta không đi lạc vào những công việc thế gian. Có được một phán đoán đúng đắn về nhân quả, ta không đi lạc vào các ác hạnh. Mọi khao khát đạt được an lạc cho riêng mình đã chấm dứt, ta không đi lạc vào các con đường thấp. Nhìn mọi hiện tượng như những Bổn Tôn, những âm thanh, và đại lạc, ta không đi lạc vào những tri giác bình phàm. Nhìn mọi sự như bậc Đạo Sư, cùng mọi tư tưởng của ta được bao bọc trong lòng sùng mộ mãnh liệt, ta không lạc vào những tà kiến. Theo cách này, sự từ bỏ và hoàn toàn không phóng tâm xuất hiện tự nhiên, mọi điều cần xả bỏ tự biến mất, sự thiền định và sau thiền định hòa nhập làm một, và chân tánh của cái tuyệt đối, là giác tánh trí tuệ của riêng ta, trở nên thật hiển nhiên.

Chúng ta nên luôn luôn thực hành cái thấy thanh tịnh cho tới khi chúng ta thấy được một cách tự nhiên rằng vũ trụ và tất cả chúng sinh đều hoàn toàn thanh tịnh và toàn thiện. Đặc biệt, dù những chuyển động của tâm chúng ta được hướng về các hiện tượng bên ngoài hay đang tập trung vào những ấn tượng thâm sâu, chúng ta nên nhận biết bản tánh của chúng và để chúng giải thoát tự nhiên. Chúng ta nên tránh đắm chìm trong những hồi ức sống động về những hoạt động trong quá khứ, hãy chặt đứt chúng khi chúng phát khởi. Nếu để chúng phóng túng, các tư tưởng chẳng hạn như sự hồi tưởng các cuộc chiến thắng kẻ thù hay thưởng thức các kế hoạch làm ăn, hay bất kỳ tư tưởng lập đi lập lại nào trong tương lai về những thành công thế tục đã đạt được trong quá khứ, tất cả những hồi ức đó sẽ làm cho tư tưởng phát triển, giống như gió thổi trên mặt hồ tạo ra những gợn sóng không dứt. Nếu chúng ta lạc lối trong những hồi tưởng về các tình huống liên quan tới sự tham muốn, sân hận, kiêu ngạo, và ganh ghét, thì chúng ta tự trói chặt mình hơn nữa vào sự mê lầm. Chính bởi bận tâm với những loại tình huống này mà nghiệp phát triển và đau khổ xảy ra.

Khi một tư tưởng phát khởi, chúng ta phải ghi nhận một cách đơn giản là nó xảy ra, trong khi đồng thời hãy nhớ rằng nó không đến, không đi, không nơi an trụ, không để lại dấu vết trên đường đi của nó như một cánh chim bay lượn trên bầu trời không để lại dấu tích. Theo cách này, khi các tư tưởng sinh khởi, chúng ta có thể giải thoát chúng vào pháp giới tuyệt đối. Khi tư tưởng không sinh khởi, chúng ta nên nghỉ ngơi trong sự đơn giản trống trải của trạng thái tự nhiên.

Tóm lại, dù tiến hành hoạt động nào, chúng ta đừng bao giờ xa lìa sự nhớ tưởng sống động về Đức Guru Rinpoche. Lợi lạc to lớn sẽ sinh ra từ điều này. Thêm nữa, tất cả các hoạt động của chúng ta phải nhắm đến và hồi hướng một cách có ý thức cho sự lợi lạc của tất cả chúng sinh khắp thế giới bao la. Tư tưởng này về những người khác là điểm khởi đầu, là sự chuẩn bị căn bản cho sự phát triển Bồ đề tâm quý báu.

Trong phạm vi của sự thực hành chính yếu, mọi hành động của chúng ta phải được soi sáng bằng sự thấu suốt tánh Không và tâm chúng ta phải được nhất tâm vào chính sự thực hành. Đây là điểm thứ hai. Nếu vì bất cứ lý do nào, chúng ta gặp khó khăn hay không thể phát triển sự thấu suốt tánh Không vào giai đoạn ban đầu này trong thực hành của chúng ta, thì ta cần tập trung với sự tinh tấn to lớn vào chính Guru Rinpoche, ngăn ngừa không cho tâm thức chúng ta nuôi dưỡng ngay cả cảm xúc tiêu cực vi tế nhất.

Cuối cùng, và đây là điểm thứ ba, chúng ta nên kết thúc mọi điều chúng ta làm với sự hồi hướng công đức, cúng dường một cách có ý thức bất kỳ công đức nào đã được tích tập nhờ sự thực hành và các thiện hạnh khác của ta cho sự lợi lạc của tất cả chúng sinh.

Những điều này được xem như ba vấn đề trọng yếu của Đại thừa: sự chuẩn bị, cho phép sự thực hành của chúng ta thành tựu kết quả tối thượng của nó; phần chính yếu, bảo vệ thực hành của ta khỏi bị những chướng ngại và sự lạc lối; và phần kết thúc hay hồi hướng, nó bảo đảm sự thực hành của ta sẽ tăng trưởng vô hạn lợi lạc.

Nếu tâm ta đã phát triển khả năng tập trung, chúng ta sẽ gặp rất ít hay không bị khó khăn trong sự thực hành pháp Guru yoga này. Nhưng nếu chúng ta không tu hành tâm thức một cách đúng đắn và không nuôi dưỡng những phẩm tính của con đường Đại thừa, và thay vào đó cứ khẳng định rằng ta chỉ ước muốn thực hành Dzogpa Chenpo, hay Đại Viên Mãn, thì điều đó sẽ không giúp ích gì cho ta. Cái thấy của Đại Viên Mãn thì cao vút, trong lúc vào lúc này giòng tâm thức của chúng ta thật thấp kém. Một đứa bé hai hay ba tuổi không có kinh nghiệm, các năng lực và sự hiểu biết mà một người trưởng thành hai mươi tuổi có được. Nếu suốt mọi cuộc đời của ta, chúng ta nhớ tới các giáo huấn của Đạo Sư, thì ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, và dần dần, trong ta sẽ phát triển một nhận thức vững chắc về các giai đoạn khác nhau của con đường.

Để đảm bảo rằng Đạo Sư luôn luôn ở lại với chúng ta, chúng ta phải thực hành bền bỉ. Sẽ có ít lợi lạc khi cho rằng chỉ cần một vài tháng hay một năm thực hành là đủ để thành tựu. Chúng ta cần thực hành từ bây giờ cho tới khi ta trút hơi cuối cùng. Sự tinh tấn như thế là cần thiết nếu chúng ta muốn có được niềm xác tín để duy trì lòng tin và sự hiểu biết của ta về giây phút khó khăn và đáng sợ của cái chết. Chúng ta phải tự hỏi rằng, cuối cùng, khi cái chết đến với ta, ta sẽ có thể nhớ lại tất cả các giáo huấn của Đạo Sư hay không. Cho dù ta có thể nhớ được chúng, thì có lẽ thực sự khó khăn để đưa chúng vào thực hành khi chúng ta bị phiền não bởi nỗi khổ của cái chết, trừ phi ta đã tự chuẩn bị bằng một đời người được trải qua trong sự thực hành bền bỉ.

Một hành giả Pháp cần có khả năng đương đầu với mọi hoàn cảnh có thể xảy ra, không phấn chấn bởi cái tốt mà cũng không rơi vào thất vọng do cái xấu. Trong cả hai trường hợp, không hy vọng và nghi ngờ, ta cần tưởng nhớ tới Đạo Sư. Hạnh phúc lẫn đau buồn, niềm vui và nỗi khổ, mặc dù tự chúng không là gì cả, có thể trở thành một sự trợ lực hoặc một chướng ngại trên con đường. Điều chúng ta làm lợi lạc cho chính mình từ những kinh nghiệm này là sự khảo xét về tính chất chân thực sự thực hành của ta. Đây là cốt tủy chân thật của pháp Guru yoga này và chính nó là sự thực hành chính yếu. Nếu chúng ta thực hành điều này trong khả năng tốt nhất của ta, thì không có giáo lý nào khác được coi là “sâu xa” hơn nó.

Các sự quán tưởng của kyerim, hay giai đoạn phát triển, có bốn loại, nếu được thực hành trong một phương pháp hết sức công phu. Chúng tương ứng với sự tịnh hóa bốn loại sinh ra: sinh ra từ trứng (nỗn sanh), sinh ra từ thai tạng (thai sanh), sinh ra từ hơi ấm và ẩm (thấp sanh), và sự sinh ra kỳ diệu (hóa sanh). Nhưng pháp Guru yoga này là cốt tủy của tất cả những kiểu sanh ra này và không đòi hỏi sự công phu chi tiết như thế. Mọi phương diện khác của thực hành kyerim cũng được bao gồm trong Guru yoga, mặc dù chúng không được lưu ý riêng biệt. Những phương diện này là “sự xuất hiện rõ ràng,” là sự quán tưởng rõ ràng về Bổn Tôn; “chánh niệm thanh tịnh,” muốn nói tới sự thấu hiểu về tất cả các biểu tượng và phương diện của Bổn Tôn (ví dụ một đầu, tượng trưng cho tính chất nhất như của bản tánh tuyệt đối, và hai bàn tay tượng trưng cho phương tiện và trí tuệ); và “sự tự hào kiên cố” ám chỉ sự tin tưởng và xác tín hoàn toàn rằng, từ vô thủy, ta luôn luôn là Bổn Tôn.

Ta được biết rằng nếu chúng ta chỉ quán tưởng bổn sư (Đạo Sư gốc) của ta thật trong sáng và sống động trong giây lát, thì điều đó mang lại lợi lạc to lớn hơn là thiền định về một trăm ngàn Bổn Tôn khác. Pháp Guru yoga này cũng là tinh túy của dzogrim, hay giai đoạn thành tựu. Trong dzogrim, chúng ta tìm thấy sáu yoga: tummo, hay nội nhiệt, là gốc rễ của con đường; gyulu, hay huyễn thân, là nền tảng của con đường; milam, hay yoga giấc mộng, là sự đo lường tiến bộ trên con đường; ưsel, hay quang minh, là cốt tủy của con đường; bardo, hay trạng thái trung gian, là sự mời gọi tiếp tục trên con đường; và phowa hay sự chuyển di tâm thức, cho phép ta vượt qua phần còn lại của con đường.

Tất cả các phương pháp này phải mở bày trong phạm vi của Guru yoga. Các thực hành nội nhiệt và huyễn thân tương ứng với yoga về thân vajra hay thân kim cương của Đạo Sư; các thực hành giấc mộng và quang minh tương ứng với yoga về ngữ kim cương của Đạo Sư; bardo và phowa tương ứng với yoga về tâm kim cương của Đạo Sư. Đây là lý do tại sao pháp Guru yoga cũng là tinh túy của sự thực hành trong giai đoạn thành tựu.

Nếu chúng ta khao khát sự chứng ngộ thị kiến rộng lớn hay sự quán chiếu sâu xa, thì có câu nói rằng :

Sự chứng ngộ trí tuệ bẩm sinh của bạn là kết quả của các sự tích tập, tịnh hóa, và các sự ban phước của một Đạo Sư chứng ngộ. Bạn nên biết rõ rằng nương cậy bất kỳ vào phương pháp nào khác là vô nghĩa.

Cũng có nói rằng :

Bất cứ kẻ nào muốn tìm thấy trí tuệ siêu vượt trí thông minh mà không cầu nguyện với Đạo Sư của họ thì giống như người mong đợi mặt trời chiếu rọi một cái hang quay về hướng bắc. Họ sẽ không bao giờ nhận ra rằng các hình tướng và tâm họ là một.

Vì guru yoga là phương pháp tối hậu để chứng ngộ trạng thái tự nhiên của mọi sự, cho nên, như được đề cập tới trong bản văn, nó là “cốt lõi của trạng thái tự nhiên”. Bằng thuật ngữ “cốt lõi” chúng ta muốn nói tới bản chất được che dấu, nó có thể không hiển nhiên nhưng là tâm yếu của mọi sự. Có vô số giáo huấn đối với các giai đoạn phát triển, thành tựu, và Đại Viên Mãn, nhưng hết thảy chúng đều hiện diện với hình thức cô đọng trong Guru yoga. Guru yoga giống như mối liên kết thiết yếu trong một sợi dây xích nhờ nó mà mọi giáo huấn được thắt chặt. Nó là một thực hành dễ thực hiện, không có những khó khăn thật sự hay nguy cơ lạc đường, và sẽ đưa dẫn tới kết quả cao tột. Như một cỗ máy được chế tạo khéo léo có thể hoàn thành trong một giờ công việc của hàng trăm công nhân, ở đây một giáo huấn duy nhất tập hợp tất cả các giáo huấn khác trong chính nó; không giáo huấn nào, không vấn đề nào dù sâu xa đến đâu chăng nữa phải bị loại trừ. Guru yoga là phương pháp chính yếu để ta tiến bộ hơn nữa trong sự thực hành và để giải tan mọi chướng ngại. Nó là “một pháp thành tựu tất cả pháp”.

Nói một cách chuyên môn, Guru yoga là bộ phận của những thực hành được gọi là chuẩn bị, nhưng thật ra nó là cốt lõi của sự thực hành chính yếu. Trong mọi trường phái khác nhau của giáo lý đạo Phật – đó là Nyingma, Sakya, Kagyu, hay Geluk – không có một con đường nào không lấy Guru yoga làm nền tảng chính yếu.

Trong truyền thống Sakya, chúng ta tìm thấy giáo lý Lamdre nổi tiếng, sự thực hành đồng thời “con đường và quả.” Trong giáo lý này chúng ta cũng sẽ bắt đầu với sự thực hành “con đường sâu xa của Guru yoga.” Trong giáo huấn đó, chúng ta sẽ nhận lãnh sự ban phước hay nhập môn về thân, ngữ và tâm của Đạo Sư và sau đó sẽ thiền định về ngài. Lại nữa, dòng Kagyu cũng nổi danh là người thừa kế của thực hành sùng mộ mãnh liệt. Đi vào sự thực hành Pháp mà không có lòng sùng mộ thì giống như một người không có đầu. Dù ta có thể thực hành bao nhiêu các nhánh khác nhau của con đường chăng nữa, nếu chúng ta thiếu lòng sùng mộ, là sự tôn kính nồng nhiệt đối với vị Thầy, nó cho phép ta nhìn ngài như một vị Phật thực sự, thì ta sẽ không có cơ may để những kinh nghiệm và chứng ngộ phát khởi trong ta.

Vị Thầy vĩ đại phái Kadampa, ngài Gyalse Ngulchu Thogme không có pháp thực hành chính yếu nào khác ngoài sự thiền định về việc nhìn vị Thầy của ngài là Đức Atīsa như vị Phật thực sự, và phụng sự Thầy bằng toàn bộ thân, ngữ và tâm trong suốt cuộc đời mình. Trong giáo huấn nổi tiếng nhất của dòng Kadampa, Bảy Điểm Tu hành Tâm thức, bước đầu tiên là thực hành Guru yoga. Đối với truyền thống Nyingma, trong tất cả các dòng khác nhau là Kama,(41) hay sự giảng dạy truyền khẩu, và Terma, hay sự trao truyền kho tàng được khám phá, thì cũng hoàn toàn tương tự như vậy. Không có con đường hay sự thực hành nào mà không bắt đầu bằng cách tự củng cố trong phạm vi của Guru yoga.

Không giống như những thực hành của các giai đoạn phát triển và thành tựu, pháp Guru yoga có thể được thực hành trong mọi lúc. Ví dụ, nếu chúng ta đang thực hành kyerim và dzogrim, thì có nhiều vấn đề trọng yếu liên quan đến tư thế của thân thể, ngữ và tâm cần được tuân thủ. Trong kyerim, khi làm một cuộc nhập thất, chúng ta phải phân chia sự thực hành của ta thành bốn thời khóa vào những thời điểm đặc biệt trong suốt ngày, và chúng ta phải sắp đặt một bàn thờ với những vật cúng dường bên ngoài là nước, hoa, hương và v.v… cũng như các vật cúng dường bên trong là torma, rakta và amrita. Nhưng pháp Guru yoga thì có thể được thực hành bất cứ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và tuy thế đem lại mọi thành tựu của giai đoạn phát triển.

Trong dzogrim, hay giai đoạn thành tựu, sự thực hành nội nhiệt và sự tu tập các thực tập vật lý khác nhau chẳng hạn như bình chứa lớn và sự cầm giữ hơi thở bộc lộ các nguy hiểm do sự chướng ngại và lạc đường, đặc biệt là nguy hiểm của việc gia tăng lung, hay “năng lực tinh túy”, và sự rối loạn theo sau của tâm thức mà sự gia tăng như thế có thể phát sinh. Trái lại, thực hành Guru yoga không mang lại sự nguy hiểm như vậy, và nhờ nó các lung khác nhau sẽ đi vào kinh mạch trung ương một cách tự nhiên. Giống như việc dùng thực phẩm lập tức giải trừ cơn đói, thực hành Guru yoga sẽ phát sinh sự chứng ngộ trí tuệ sẵn có trong chúng ta.

Khi ngủ, khi thức, khi đi lại hay làm việc hoặc thực hiện bất kỳ loại hoạt động nào, chúng ta nên cần khẩn cầu Đạo Sư, nghĩ tưởng rằng: “Đạo Sư, ngài thấu biết. Xin nhìn con với thiện tâm.” Nếu chúng ta luôn luôn duy trì lòng khao khát và sùng mộ như thế, thì tâm chúng ta sẽ trở nên tương ưng với những sự ban phước của vị Thầy. Như có câu nói: “Khi tâm trở nên sẵn sàng, bậc Đạo Sư không ở bên ngoài.” Tâm thức chúng ta trở nên sẵn sàng nếu, sau khi lắng nghe một vị Thầy và nương tựa vào ngài, chúng ta luôn luôn nhớ tưởng một cách rõ ràng cái gì cần tránh và điều gì phải tuân theo và duy trì sự cẩn mật bền bỉ trong những hành động, lời nói, và tư tưởng của ta. Được trang bị sự hiểu biết này, chúng ta phải kiên quyết, ngay cả trong khi mộng, không bao giờ làm ngay cả một ác hạnh nhỏ bé nhất. Đồng thời, chúng ta nên nuôi dưỡng ngay cả những thiện hạnh nhỏ nhất, vì giống như một thùng chứa lớn đặt dưới một giòng nước nhỏ giọt được làm đầy trong một thời gian rất ngắn, vì thế chúng ta có thể tiến bộ nhanh chóng trên con đường bằng sự chú tâm như thế vào các thiện hạnh. Nếu chúng ta không phát triển loại tâm thức hay sự tỉnh giác mạnh mẽ này, rất có thể chúng ta sẽ không địch nổi sức mạnh của các tập quán xấu và các chiều hướng tiêu cực, và vì thế sẽ có khuynh hướng không biết được điều gì là tích cực.

Chúng ta cũng phải phát triển một năng lực đối với “sự hồi quang phản chiếu cẩn mật”, qua đó chúng ta thường xuyên tỉnh thức về các hoạt động của ta từ sáng cho tới đêm. Theo cách này, nếu nhận thức rằng ta đã làm các ác hạnh, chúng ta nên suy nghĩ: “Xin thương tưởng tới con ! Con đã thọ nhận quá nhiều giáo lý từ Đạo Sư tốt lành của con, tuy vậy con vẫn rơi vào những ác hạnh. Con cảm thấy bối rối trước sự hiện diện của ngài. Tất cả các Dāka và Dākinī chắc hẳn hết sức thất vọng về con.” Rồi chúng ta cần thực hiện một sự sám hối trong sáng, chân thành, và phát sinh một ý hướng không thể lay chuyển là từ giờ trở đi ta chỉ thực hiện những thiện hạnh. Nếu chúng ta đã có thể tích tập các thiện hạnh trong suốt ngày, chúng ta nên luôn luôn nhớ củng cố chúng bằng ba điểm hay ý niệm siêu việt: sự chuẩn bị hay phát khởi Bồ đề tâm, ở đây là ý hướng hành động nhân danh tất cả chúng sinh; phần chính yếu, hay sự chứng ngộ tánh Không kết hợp với sự thiền định nhất tâm; và sự kết thúc, trong đó bất kỳ công đức hay lợi lạc nào có được từ các hành động của ta đều được hồi hướng cho sự giải thoát mau chóng của tất cả chúng sinh.

Từ sự thảo luận của chúng ta về những vấn đề này, ta có thể thấy rằng sự tỉnh giác và hồi quang phản chiếu cẩn mật tạo nên Đạo Sư bên trong và Đạo Sư gốc chân thực. Không có ai như tôi, đắp y và ngủ trên một cái ngai! Nếu chúng ta luôn luôn duy trì sự tỉnh giác và cẩn mật như thế, chúng ta sẽ tích tập các thiện hạnh và loại trừ các ác hạnh không chút khó khăn.

Guru yoga là cốt tủy của tám vạn tư Pháp môn. Không có gì sâu xa hơn và không có gì rộng lớn hơn nó. Tất cả các bạn, các đệ tử may mắn, cần giữ sự thực hành này tận đáy lòng. Ngay cả khi bạn đến tuổi tám mươi, bạn phải như Patrul Rinpoche, người mỗi sáng không quên đánh thức lòng sùng mộ bằng thực hành Guru yoga này. Ngài Jamyang Khyentse Wangpo có sự thấu triệtà tám thừa của sự thành tựu.(42) Ngài không chỉ hiểu biết về chúng, mà cũng đã thực hành tất cả chúng. Tuy nhiên, thực hành chính của ngài là pháp Guru yoga của dòng Long-chen Nyingthig này. Ngài thường xuyên cầu nguyện Guru Rinpoche. Nghĩ rằng mặc dù pháp Guru yoga này rất dễ thực hành và kinh nghiệm, nhưng đồng thời là một thực hành phi thường và sâu xa nhất, ngài đã bền bỉ giảng dạy nó cho các đệ tử của ngài.

Có thể có những thực hành rất cao, như trekchư và thưgal(43) trong Dzogpa Chenpo (Đại Viên Mãn), nhưng đối với chúng ta thực hành các pháp đó vào lúc này thì giống như cho một em bé quá nhỏ ăn thực phẩm cứng đặc. Em bé sẽ không thể tiêu hóa được thực phẩm như thế, và nó chỉ làm hại em. Giờ đây nếu chúng ta cố gắng thực hành những giáo lý cao cấp đó, chúng sẽ hoàn toàn vô ích. Trái lại, nhờ những sự ban phước xuất phát từ nỗ lực chân thực trong việc thực hành pháp Guru yoga này, sự chứng ngộ Dzogpa Chenpo sẽ tự phát khởi từ sâu thẳm của con người chúng ta giống như mặt trời buổi sáng, và ý nghĩa của sự thực hành trekchư và thưgal sẽ hé nở trong chúng ta. Chúng ta đừng nên cho rằng vì pháp Guru yoga này ngắn gọn nên nó là một thực hành không quan trọng, như thể Đạo Sư chỉ cho ta vài mẩu thực phẩm. Không phải như vậy; nó là thực hành tinh túy nhất trong tất cả thực hành. Như chính Jigme Lingpa nói trong bản văn này: “Pháp Guru yoga này mở toang cánh cửa đi vào kho tàng mênh mông như bầu trời của terma cốt tủy này.” Pháp Guru yoga phát sinh từ phạm vi bao la của sự chứng ngộ của ngài Jigme Lingpa. Nếu chúng ta có lòng tin nơi ngài, thì chúng ta cũng nên có lòng tin vào pháp Guru yoga này. Không có đức tin như thế, bất kỳ giáo lý sâu xa nào khác như Yeshe Lama(44) cũng chẳng giúp ích được gì. Nếu bạn nhất tâm thực hành pháp Guru yoga và từ chối không rơi vào sai lầm khi nhìn nó như một thực hành không quan trọng thì sự chứng ngộ cao nhất sẽ hé nở trên chính pháp môn này.

Pháp Guru yoga này được nhắc đến như một “thực hành bên ngoài,” nhưng đây tuyệt nhiên không phải là một thuật ngữ chỉ sự không tán thành. Ví dụ, ngữ và tâm tùy thuộc vào “lớp vỏ bên ngoài” của thân người, không có nó bất kỳ tiến bộ nào trên con đường sẽ rất khó khăn. Tương tự như vậy, pháp Guru yoga bao gồm toàn bộ con đường. Ngày nay, dường như người ta cho rằng họ nên tìm kiếm một thực hành “cao cấp” hơn. Họ cần nhớ rằng những vị Thầy vĩ đại nhất đã dùng pháp Guru yoga này như thực hành chính trong suốt cuộc đời các ngài.

Nếu chúng ta thực hành kyerim, như đã đề cập tới, ta phải quán tưởng rõ ràng, phải nhớ lại biểu tượng, và ta phải có sự tự hào kim cương rằng chúng ta chính là Bổn Tôn. Hơn nữa, chúng ta phải chú trọng tới các phương diện khác nhau của sự trì tụng: nyenpa, “sự tiếp cận”; drupa, “sự thành tựu”; và drupchen, “sự thành tựu vĩ đại.” Chúng ta phải kiên trì nhiều năm tháng, tích tập nhiều trăm ngàn lần trì tụng, trước khi có thể thâu hoạch kết quả của sự thực hành. Ngoài điều này cũng còn có bốn hoạt động.(45) Nếu tất cả những phương diện này không được thực hiện trong một cách thế hoàn toàn chính thống, thì các sự thành tựu thông thường và siêu việt không thể được hoàn tất bằng pháp kyerim.

Trong dzogrim thì cũng vậy, chúng ta phải nỗ lực một thời gian dài trong các thực hành, và không phải là không nguy hiểm nếu chúng không được thực hành đúng đắn. Nhưng trong Guru yoga, nếu chúng ta có chiếc vòng đức tin, thì cái móc đại bi và trí tuệ của Đạo Sư sẽ dễ dàng đưa chúng ta tới sự chứng ngộ tối thượng.

Chính Guru Rinpoche đã ban tặng pháp Guru yoga này. Như được nói tới trong các tiên tri của dòng Longchen Nyingthig: “Từ trong cung điện của kinh mạch trung ương, Đức Guru Pema Thưtrengtsal sẽ ban tặng giáo huấn này, ban ân phước của ngài bằng một cách biểu tượng.”

“Cung điện kinh mạch trung ương” là quang minh của tâm-như-vậy, trong khi “Pema Thưtrengtsal” có nghĩa là “Sức mạnh Hoa Sen của Vòng Đầu lâu.” Hoa Sen là danh hiệu của Guru Rinpoche, và vòng đầu lâu mà ngài đeo tượng trưng cho cái chết của mọi tư tưởng mê lầm và chiến thắng của sự Toàn Giác. Tiết đoạn này trích từ bản văn cũng nói rằng sự chứng ngộ thâm sâu của Jigme Lingpa trở nên tương đương với sự chứng ngộ của Guru Rinpoche.

Như chúng ta đã thấy lúc đầu, tiên tri có liên quan tới dòng Longchen Nyingthig biểu thị rõ ràng rằng tất cả chúng sinh thiết lập mối liên hệ với những giáo lý và thực hành này – đặc biệt là Guru yoga này và cả Rigdzin Düpa, sādhana Đạo Sư chính yếu – sẽ đi tới các cõi Cực Lạc Núi Màu-Đồng-Đỏ. Chúng ta nên có lòng tin kiên cố vào điều này và hãy nhất tâm thực hành. Nếu chúng ta thực hành phương pháp này, chẳng hạn như trong một năm, mà không kinh nghiệm sự chứng ngộ phi thường nào, thì chúng ta đừng nên ngã lòng, cũng đừng hoài nghi về sự thực hành. Như ngài Jetsun Milarepa nói: “Đừng ấp ủ những hy vọng một sự chứng ngộ tức thì, mà hãy thực hành suốt đời bạn.”

Nếu bạn suy nghĩ với sự hoàn toàn quyết tâm: “Tôi sẽ thực hành cho tới khi thân xác tôi được đưa ra nghĩa địa,” thì mọi kinh nghiệm và chứng ngộ về con đường sẽ phát khởi một cách tự nhiên. Trái lại, nếu chúng ta chỉ thực hành trong một thời gian ngắn với sự thiếu kiên nhẫn, thì các kinh nghiệm này sẽ không xảy ra. Như có nói: “Pháp không có chủ nhân ngoại trừ những người kiên trì trong nó.” Nếu ai có sự quyết tâm thực hành Pháp, thì pháp này đã sẵn sàng để được thực hành.

Xem mục lục