Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

II. Thể nhập vào Như Huyễn

Một lần nọ, tôi gặp hiện thân như huyễn của trí huệ (hay tánh giác) nguyên sơ của Orgyan Tsokyey Dorje, ngài ban cho tôi chỉ dạy để làm sạch tri giác của tôi về những hiện tượng hình tướng như là huyễn. Ngài nói :

“Để được trực tiếp đưa vào sự phụ thuộc lẫn nhau của những nhân và những duyên cùng hiện hữu (duyên sanh), hãy xem xét như vầy : yếu tố nhân là nền tảng của hiện thể như là hư không căn bản, sáng tỏ vi diệu và có khả tính cho bất cứ cái gì sanh khởi. Yếu tố duyên là một thức quan niệm ra một cái tôi. Từ sự hợp chung của hai yếu tố này, mọi hiện tượng hình tướng biểu lộ như huyễn mà thôi.

“Như vậy, nền tảng của hiện thể như là hư không căn bản (zhi-ying), còn tâm bình thường (sem) sanh khởi từ năng lực (tzal) của nền tảng đó và những hiện tượng bên ngoài và bên trong là phương diện biểu lộ của tâm bình thường ấy, cả ba đều liên kết với nhau như mặt trời và những tia sáng của nó. Do đó, chúng ta dùng cách nói ‘xảy ra trong liên kết phụ thuộc lẫn nhau’, ‘xảy ra theo duyên sanh’.

“Ở đây có một số thí dụ cho tiến trình này. Giống như sự xuất hiện của một ảo ảnh huyễn thuật (gyu-ma), dựa vào sự sáng tỏ vi diệu của hư không như là yếu tố nhân và biểu lộ qua sự liên kết phụ thuộc lẫn nhau được tạo ra bằng sự đồng thời của những yếu tố duyên – đó là những chất huyễn thuật, những thần chú và một tâm tạo nên một ảo ảnh.

“Mọi hiện tượng biểu lộ theo cách như vậy, không hiện hữu nhưng xuất hiện nhờ vào ảnh hưởng của việc quan niệm ra một cái tôi. Tiến trình này giống như một ảo ảnh (mig-gyu) xuất hiện từ sự đồng bộ của không gian trong sáng và hơi nóng và ẩm ướt.

“Mọi hiện tượng hình tướng của ý thức khi thức, những trạng thái mộng, trạng thái trung ấm và những đời tương lai dù có biểu lộ nhưng không hiện hữu, không có thật. Mê lầm có ra là bởi vì chúng ta gán cho chúng một sự thật mà chúng không có. Điều này giống như một giấc mộng (mi-lam), nhưng người ta không xem nó là giả, nghĩ rằng đó chỉ là một giấc mộng mà lại bám vào như một khung cảnh có thật khách quan và trụ chấp vào đó.

“Do duyên là tri giác bên trong về một ‘cái ta’ áp chế, những nguyên tố của vô vàn hiện tượng của kinh nghiệm biểu lộ như là ‘cái khác’. Điều này giống như sự xuất hiện của một sự phản chiếu (zug-nyan) từ sự liên kết phụ thuộc lẫn nhau của một khuôn mặt và một tấm gương.

“Bởi vì mắc bẫy sâu trong vọng tưởng ra một tự ngã và tự tánh, sáu cõi sanh tử biểu lộ tùy theo. Điều này giống như những thành phố của Càn Thát Bà (dri-zai drong-khyer) xuất hiện chẳng hạn trên cánh đồng lúc mặt trời lặn, chỉ là những kinh nghiệm chủ quan của mắt trong tâm thức bình thường.

“Khi mà những xuất hiện hình tướng của những kích thích giác quan nguyên là như vậy, chúng không thể được thiết lập như có hiện hữu ; những hiện tượng đa thù được thấy, nghe, ngửi, nếm hay cảm thấy thì giống như những tiếng vang (drag-cha) – những xuất hiện hình tướng tự-phát sanh như thể chúng là cái gì khác.

“Mọi hiện tượng bề ngoài không gì khác hơn là nền tảng của hiện thể mà cùng một vị với bản thân nền tảng đó, như những phản chiếu của tất cả tinh tú trong đại dương (gya-tsoi za-kar), chúng không khác với đại dương mà cùng một vị với bản thân nước biển.

“Do vọng tưởng ra một cái ta, tự ngã và cái khác biểu lộ như thể chúng có thật trong bầu trời mênh mông của nền tảng của hiện thể, đây là hư không căn bản vô biên. Điều này tương tự những bọt nước tạo thành trên nước (chu-bur-gyi bu-wa).

“Sự sáng tỏ vi diệu của nền tảng của hiện thể như là hư không căn bản và trống rỗng bị cưỡng ép thành những giới hạn chật hẹp của sự xuất hiện chủ quan của thức ý niệm hóa. Ảnh hưởng của thói quen cố hữu này gây ra những hiện tượng hình tướng sanh từ mê lầm để biểu lộ thành đa thù khác biệt không cùng. Điều này giống như sự xuất hiện của một ảo giác (mig-yor) khi ấn vào mắt hay khi hệ thần kinh bị rối loạn vì sự mất cân bằng của các khí.

“Những hiện tượng hình tướng biểu lộ từ nền tảng của hiện thể thì sai biệt vô cùng tạo duyên cho một cái thức vọng tưởng ra một cái ta, nhưng chúng không lìa khỏi hay xảy ra ngoài nền tảng này. Điều này giống như trường hợp một hành giả đã làm chủ những trạng thái nhập định cho phép biến ra và điều khiển những hình bóng quỷ thần (trul-pa). Dầu nhiều hình bóng khác nhau biểu lộ khi một người như vậy đắm mình trong tiến trình biến ra và điều khiển, thực ra những hình bóng này thì không có nền tảng hay căn cứ và không thể được cho là những đối vật có thật.

“Hỡi đứa con nhỏ phi thường của ta, hãy thiền định dần dần theo cách này và con sẽ chứng ngộ những hiện tượng hình tướng là như huyễn, trở thành một thiền giả của như huyễn.”

Nói thế, ngài biến mất.

 Rigdzin Duddul Dorje

Xem mục lục