Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

13. Hãy biết ơn mọi người

Châm ngôn này cũng liên hệ với kušndzop, hay thực tại tương đối. Nó muốn nói rằng, không có thế giới này chúng ta không thể đạt đến giác ngộ, cũng không có hành trình nào. Nếu từ chối thế giới, chúng ta cũng từ chối nền tảng và từ chối con đường. Tất cả lịch sử quá khứ của chúng ta và tất cả bệnh loạn thần của chúng ta đều liên quan với những người khác trong một số ý nghĩa. Tất cả những kinh nghiệm của chúng ta đặt nền trên những người khác một cách căn bản. Chừng nào chúng ta có một cảm thức về sự thực hành, có một số thấu hiểu rằng chúng ta đang dẫm bước trên con đường, mỗi một chi tiết nhỏ ấy có vẻ là những chướng ngại cho chúng ta đều trở thành một phần thiết yếu của con đường. Không có chúng, ta không thể đạt đến cái gì cả – chúng ta không có sự chuyển đổi trở lại, chúng ta không có gì để làm việc với, tuyệt đối không có gì để làm việc với.

Thế nên trong một nghĩa, mọi sự xảy ra chung quanh thế giới của chúng ta, mọi khó chịu và khó khăn, đều quan trọng quyết định. Không có những người khác chúng ta không thể đạt đến giác ngộ – thật vậy, thậm chí chúng ta không thể dẫm bước trên con đường. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng nếu không có tiếng ồn bên ngoài trong khi ngồi thiền thì chúng ta không thể phát triển chánh niệm. Nếu không có những đau đớn trong thân thể chúng ta, chúng ta không thể đạt đến chánh niệm, chúng ta không thể thiền định thực sự. Nếu mọi sự đều êm đẹp và trong vắt, thì chẳng có gì để phải dụng công. Mọi sự đều trong trắng tinh khôi. Nhờ mọi kết cấu ấy quanh chúng ta, chúng ta được phong phú. Bởi thế, chúng ta có thể ngồi và thực hành và thiền định. Chúng ta có một điểm quy chiếu – tinh tấn, chán nản hay cái gì khác. Mọi sự đều liên hệ với con đường.

Ý tưởng của lời dạy đặc biệt này là thực sự đem máu và thịt của chúng ta cho những người khác. “Nếu người muốn tôi, hãy lấy tôi, sở hữu tôi, bắt giữ tôi, điều khiển tôi – hãy tiến lên, làm điều đó. Hãy nắm lấy tôi. Tôi nằm dưới sự sử dụng của bạn. Bạn có thể chưởi mắng tôi, đại tiện vào tôi, cắt tôi thành từng mảnh hoặc làm thứ gì bạn muốn. Không có sự giúp đỡ của bạn tôi sẽ không có cách gì để tiến hành cuộc hành trình của tôi cả.” Đấy là một việc rất, rất mạnh mẽ. Thật vậy, một trong những câu nói hay của Lang-ri Thangpa, một vị thầy Kadam, là : “Tôi thấu hiểu rằng mọi lỗi lầm đều thuộc về tôi và mọi đức hạnh đều thuộc về những người khác, thế nên tôi không thể trách móc ai ngoài tôi.”

Có một câu ngắn nhớ được thì rất tốt. Ở Tây Tạng chúng tôi thường treo nó và những câu như thế trên cửa. Câu nói ấy là : “Lợi lộc và chiến thắng cho những người khác ; thiệt hại và thất bại thuộc về phần tôi.” Câu ấy nghe có vẻ tự hành xác nếu bạn nhìn nó theo cách sai. Đặc biệt, ý tưởng phổ thông của Công giáo là đổ lỗi mọi thứ lên chính mình như một quan niệm tội lỗi tối hậu. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta không nói về tội lỗi hay chúng ta đã làm điều gì sai lầm kinh khủng. Nó chỉ thấy những sự vật như chúng thực là. “Lợi lộc và chiến thắng” nghĩa là cái gì khuyến khích chúng ta bước đi trên con đường của Pháp – nó được tạo ra bởi thế giới. Tuy nhiên đồng thời chúng ta luôn luôn tràn đầy thiệt hại và thất bại – nó là của chúng ta. Chúng ta không phải hờn dỗi vì điểm này, mà chúng ta phải tự hào vì nó. Nó là một quan niệm phi thường rằng chúng ta thực sự là những người không sợ hãi – rằng lợi lộc là của những người khác và thiệt hại là phần của chúng ta. Điều ấy vĩ đại, kỳ diệu biết bao ! Không phải chúng ta cảm thấy yếu ớt lúc thức dậy sáng sớm, rồi cuối ngày khi chúng ta uống vài ly cho bụng đầy và tương đối thấy thoải mái, chúng ta mới cảm thấy điều đem lại sự không sợ hãi đó. Nó là chân thật một cách nền tảng.

Những câu này không đặt nền tảng trên tội lỗi hay trừng phạt, giống như quan niệm một số tôn giáo. Nhưng quả thực là chúng ta có khuynh hướng đổ tội cho những người khác về phần lớn những chuyện do chính chúng ta làm – nếu khác đi thì chúng ta đã không rơi vào xáo trộn điên đảo. Tại sao không người nào khác bị rối rắm mà chúng ta lại bị ? Cái gì gây ra điều ấy ? Phải có cái gì ở nơi chúng ta, rõ ràng là thế. Chúng ta có thể viết lý lịch của chúng ta và nhờ luật sư để chứng minh chúng ta đúng, còn người nào đó sai – nhưng đó cũng chính là sự rắc rối rồi ta phải trải nghiệm. Nó là rắc rối, khó khăn hoàn toàn. Và cố gắng chứng minh vụ việc của chúng ta cách nào cũng vô hiệu. Bất cứ trường hợp nào, mướn một luật sư để giác ngộ thì không thể có. Không thể được. Đức Phật tự ngài không có luật sư.

Châm ngôn “Hãy biết ơn mọi người” tự động đi theo một khi chúng ta hướng mọi trách móc vào mình. Chúng ta có một cảm giác rằng nếu những người khác không hiện hữu để quấy rối chúng ta, chúng ta sẽ không hướng mọi trách móc vào chính chúng ta chút nào. Tất cả chúng sanh, tất cả người trong thế giới, hay đa số đó, có một vấn đề trong liên hệ với “chính tôi”. Không có những người khác, chúng ta sẽ không có dịp may nào để phát triển vượt khỏi cái ta. Thế nên ý tưởng ở đây là cảm thấy biết ơn rằng những người khác đang trình diện cho chúng ta những chướng ngại to lớn – thậm chí những đe dọa hay thách thức. Điểm cốt yếu là cảm kích điều đó. Không có họ chúng ta không thể theo đuổi con đường tí nào.

Đi trên con đường Pháp là biết cư xử với cơn loạn thần của chúng ta. Nhưng nếu không có những người loạn thần, chúng ta không thể nào làm việc với bệnh loạn thần của chính chúng ta. Bởi thế, chúng ta cần cảm thấy rất biết ơn những người ấy. Họ thực sự là những người đẩy chúng ta trên con đường Pháp. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện nhỏ về Atisha, ngài là mạch nguồn của những lời dạy này. Atisha được mời đến Tây Tạng để dạy và ngài đã nghe rằng người Tây Tạng thì rất tốt, hòa nhã, hiếu khách. Thế nên ngài quyết định ngài sẽ đem theo với ngài một đối tượng cho sự thực hành – một thị giả, một người hầu xứ Bengal tính tình rất rất dễ nóng giận. Bởi vì những người Tây Tạng quá tốt lòng và thiện lành, Atisha đem người hầu xứ khác để ngài có thể thực hành lojong về anh ta. Kỳ thú là về sau ngài nói ngài không cần người ấy nữa, vì những người Tây Tạng không tốt như ngài đã nghe nói.

Nếu ai đó làm tổn thương bạn, bạn cần cám ơn họ đã cho bạn cơ hội để thực hành. Nhưng bạn không cần phải tự trưng bày ra để bị tổn thương, đó là một kiểu tử đạo. Bạn không phải yêu cầu được tổn thương, nhưng khi bạn gặp một tình huống như vậy, bấy giờ mọi điều chúng ta đã bàn nên được áp dụng. Không phải bạn thu xếp toàn bộ sự việc. Thay vì thế, khi có ai trách mắng bạn, bấy giờ bạn sẽ nghĩ, “Việc ấy là của tôi.” Bạn không phải trách những hoàn cảnh như vậy và bạn cũng không phải chăm bón cho chúng. Bạn chỉ sống cuộc đời bạn, rất lành mạnh, và bạn không làm người nào tổn thương. Nhưng nếu có ai làm tổn thương bạn, bạn biết làm cái gì. Rất đơn giản. Chúng ta không nói phải cố ý nhảy vào một lưỡi gươm, như thế chỉ là hiểu sai. Thay vì thế bạn tạo một tương quan chặt chẽ với người làm tổn thương bạn.

Ở một mức độ phát triển hơn nữa, có thể làm dừng lại một kẻ tấn công bằng sức mạnh để ngăn cho người ấy khỏi mang nghiệp đã làm tổn hại bạn. Nhưng đó là một mức độ rất cao của lòng thiện cảm. Chẳng hạn có một câu chuyện về một vị thầy Tây Tạng bị những kẻ thù phục kích, họ định giết ngài trong khi ngài trên đường đi dạy một khóa học. Ngài rút lưỡi dao găm của ngài và nói, “Đây là răng một con cọp”, và ngài đâm gã thủ lĩnh, giết nó ngay tại chỗ. Mọi người đều quá xúc động, họ để cho ngài đi. Đó là một lối tiếp cận hoàn toàn khác. Tôi nghĩ nó quá nguy hiểm cho chúng ta khi đi xa như thế. Chừng nào bạn biết bạn đang làm gì, ô-kê, nhưng loại tiếp cận ấy làm chiến tranh leo thang.

“Thiệt hại và thất bại” không thực sự là đau đớn trong ý nghĩa nền tảng, nó chỉ là một trò chơi. Đó là bạn không được cái bạn muốn, thế nên bạn cảm thấy bực tức, những chuyện nhỏ ngang qua đời chúng ta luôn luôn. Nó không liên can gì đến khổ đau thực sự. Chúng ta luôn luôn không được điều chúng ta muốn và chúng ta luôn luôn thất vọng vì chuyện đó. Chúng ta bực tức đối với vật gì hay người nào hay ngay cả với chính chúng ta. Nếu chúng ta tiêu hao tiền bạc của chúng ta hay nếu chúng ta đụng vào xe của người nào hay thứ gì thuộc loại ấy. Đó không phải là khổ đau thực sự, đó chỉ là sự quấy nhiễu.

Toàn bộ sự tiếp cận này xử lý với mọi loại quấy nhiễu và biến đổi chúng và làm việc với chúng như là một hành trình khả thi đến giác ngộ. Chúng ta không đang nói về khổ đau nền tảng. Tôi nghĩ một trong những vấn đề của chúng ta, đặc biệt trong tính khí Tây phương, là chúng ta hay quá làm to chuyện toàn bộ sự việc. Chúng ta làm rắc rối toàn bộ sự việc một cách không cần thiết, và chúng ta không có ý tưởng làm thế nào chơi những trò chơi một cách thích đáng. Nó không phải là chuyện lớn, nó là một trao đổi. Cuối cùng bạn ghi tên bạn vào hàng để trống. Đó là một tình huống, hoàn cảnh vô tư – kể cả cái chết. Hãy nhớ điều đó. Hãy rút ra một câu châm ngôn từ đó. Bất cứ cái gì xảy ra, bạn chớ lấy đó làm nghiêm trọng. Bất cứ gì hiện đến, bạn chớ xem như là một vấn đề tối hậu, cuối cùng, mà chỉ như một ánh đèn flash nhất thời đến và đi.

Điều này rõ ràng cần một số hiểu biết và tu hành. Một người không thể thực hành điều ấy mà không thảo hoạch trước cuộc hành trình và đã làm việc với trạng thái tâm thức của họ. Cũng có một cần thiết là một mức hiểu biết về kinh nghiệm tánh Không, nói một cách căn bản là như vậy. Không có nền tảng nào cả để bắt đầu với, thế nên mọi sự xảy ra trong cái không nền tảng thì có thể “làm việc được”. Những sự việc ấy thì thực sự rất mạnh mẽ – chúng thường xảy ra một cách nào đó. Khi tôi còn là một thiếu niên, nó thực sự chuyển hóa tôi rất nhiều. Nó rất trực tiếp, rất đơn giản và giúp ích – đặc biệt khi bạn đối mặt với những quấy nhiễu buồn bực.

 

Xem mục lục