Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

ĐIỂM BA
SỰ CHUYỂN HÓA NHỮNG HOÀN CẢNH XẤU 
THÀNH CON ĐƯỜNG CỦA GIÁC NGỘ

ĐIỂM BA VÀ NHẪN NHỤC BA LA MẬT

Bây giờ sau khi chúng ta đã nghiên cứu Bồ đề tâm tối hậu và tương đối và những kinh nghiệm sau thiền định liên hệ với chúng, nhóm châm ngôn thứ ba nói về làm thế nào tiến hành, mang theo tất cả những thực hành ấy như con đường Đạo. Trong tiếng Tây Tạng, nhóm châm ngôn này gọi là lamkhyer : lam nghĩa là “con đường” và khyer nghĩa là “mang theo”. Nói cách khác, bất cứ cái gì xảy ra trong đời sống của bạn cần được bao gồm như một phần của cuộc hành trình của bạn. Đó là ý tưởng căn bản.

Nhóm châm ngôn này liên hệ với Nhẫn nhục ba la mật. Định nghĩa của nhẫn nhục là chịu đựng. Bất cứ gì xảy ra, bạn không phản ứng lại với nó. Chướng ngại của nhẫn nhục là sân giận. Nhẫn nhục không có nghĩa là chờ đợi cơ hội và cố gắng đi chậm lại. Không nhẫn nhục khởi lên khi bạn trở nên quá nhạy cảm và không có cách gì để đối xử với môi trường, hoàn cảnh chung quanh. Bạn cảm thấy rất xúc động, rất nhạy cảm. Thế nên nhẫn nhục ba la mật thường được diễn tả như một bộ áo giáp. Nhẫn nhục có ý nghĩa một phẩm cách bình tĩnh, nghiêm nghị và chịu đựng. Bạn không dễ dàng bị quấy rối bởi sự công kích, sân giận của thế gian.

11. Khi thế gian tràn đầy sự xấu, hãy chuyển hóa mọi việc bất hạnh thành con đường giác ngộ

Tiếp tục ý tưởng mang mọi sự vào con đường, câu châm ngôn căn bản của đoạn này là :
“Khi thế gian tràn đầy sự xấu,
Hãy chuyển hóa mọi việc bất hạnh thành con đường giác ngộ.”

Điều này nói rằng, dầu cái gì xảy ra trong đời bạn – những rắc rối của môi trường xung quanh, những vấn đề rắc rối về tâm lý hay chính trị – cần được chuyển hóa thành một phần của sự tỉnh thức của bạn, hay Bồ đề, giác ngộ. Sự thức tỉnh như vậy là một kết quả của thực hành shamatha – vipashyana cũng như sự hiểu biết của bạn về “điểm mềm yếu”, hay Bồ đề tâm.

Nói cách khác, bạn không trách móc hoàn cảnh chung quanh hay tình hình chính trị thế giới. Vài người được cảm hứng để viết thơ ca và hành động theo một cách đến độ họ hy sinh đời họ cho một lý do xã hội. Chúng ta có thể nói chắc thật rằng chiến tranh Việt Nam đã sản xuất ra một số nhà thơ và triết gia, nhưng công việc của họ không phù hợp với nguyên lý này của đại thừa. Họ chỉ thuần phản ứng chống lại thế giới đang đầy sự xấu ; họ không thể chuyển hóa những bất hạnh thành con đường của Bồ đề. Thậm chí những nhà thơ ấy đã xem cái xấu như chất liệu cho sự viết lách của họ. Nếu chiến tranh Việt Nam không xảy ra, chúng ta đã có ít hơn các nhà thơ và triết gia. Theo câu châm ngôn này, khi thế giới ngập đầy sự xấu, hay ngay cả khi thế giới không đầy dẫy sự xấu, thì mọi bất hạnh xảy ra cần được chuyển hóa tất cả thành con đường giác ngộ hay con đường thức tỉnh. Sự thấu hiểu này đến từ thực hành ngồi thiền và tỉnh giác tổng quát của bạn.

Câu châm ngôn này nói một cách thực tiễn và đầy đủ như thế nào chúng ta có thể thực hành bố thí, rộng lượng. Trong đời sống bình thường của chúng ta, hoàn cảnh chung quanh trực tiếp hay gián tiếp không nhất thiết là thân thiện, chiêu đãi. Luôn luôn có những vấn đề và khó khăn. Ngay cả với những người tuyên bố rằng đời họ rất thành công, những người đã trở thành tổng thống của nước họ hay thành những tỷ phú giàu nhất, hay thành thi sĩ nổi tiếng nhất hay ngôi sao điện ảnh, thể thao cũng có những khó khăn riêng của họ. Dầu cho cuộc đời bạn suôn sẻ theo ước muốn của bạn, cũng vẫn có những khó khăn. Những chướng ngại, ngăn trở luôn luôn khởi ra. Đó là điều mọi người đều kinh nghiệm. Và khi chướng ngại xảy ra, mọi bất hạnh liên quan với những chướng ngại ấy – tâm tính nghèo nàn, trụ bám vào “được và mất”, hay bất kỳ loại cạnh tranh hơn thua nào – đều cần được chuyển hóa thành con đường của cái giác.

Đây là một thông điệp rất mạnh mẽ và trực tiếp. Nó liên quan với sự không cảm thấy nghèo nàn trong mọi thời gian. Bạn có thể cảm thấy thiếu thốn, không đầy đủ vì bạn có một người cha đau yếu và một người mẹ điên, và bạn phải chăm sóc họ, hay vì bạn có một cuộc đời méo mó và những vấn đề tiền bạc. Về vấn đề này, dù bạn có một cuộc đời thành công và mọi sự đều suôn sẻ, bạn vẫn cảm thấy không đầy đủ vì bạn phải làm việc liên tục để duy trì sự làm ăn của bạn. Một số tình huống có thể xem như những biểu lộ của sự nhút nhát và sợ hãi của riêng bạn. Tất cả những cái đó có thể xem là sự biểu lộ của tâm tính nghèo nàn của bạn.

Đã kinh nghiệm được những khả năng của Bồ đề tâm tuyệt đối và tương đối và thực hành cho và nhận, bạn cũng cần bắt đầu thiết lập sự tự tin và hoan hỷ nơi sự giàu có của chính bạn. Sự giàu có này là tinh túy của rộng lượng, bố thí. Nó là cảm thức về tài nguyên phong phú, rằng bạn có thể đối xử với bất kỳ điều gì đang hiện hành quanh bạn mà không cảm thấy sự nghèo nàn dằn vặt. Dầu nếu bạn có bị bỏ rơi giữa sa mạc và bạn muốn một cái gối, bạn có thể tìm một cục đá phủ rêu hoàn toàn tiện nghi để kê đầu. Bấy giờ bạn có thể duỗi dài chân mà ngủ ngon. Có một cảm thức về tài nguyên phong phú và giàu có như vậy hình như là điểm chính yếu. Thực hành sự phong phú và giàu có hay chính sự rộng lượng là cách để trở thành người đại thừa, hay ngay cả người kim cương thừa.

Chúng ta đã thấy rằng đa số người ta than phiền rằng họ phải ở trong hoàn cảnh sống rất lệ thuộc : họ liên hệ với mọi sự trong đời sống thuần túy trên bình diện tiền bạc, đường kim mũi chỉ, giọt nước, hạt gạo. Nhưng chúng ta không phải làm điều đó – chúng ta có thể trải rộng cái nhìn của chúng ta nhờ bố thí, rộng lượng. Chúng ta có thể cho những người khác một cái gì đó. Chúng ta không luôn luôn phải nhận một cái gì trước để rồi cho đi một cái gì. Phối hợp với ý niệm rộng lượng, chúng ta bắt đầu chứng nghiệm một cảm thức về sự giàu có thịnh vượng một cách tự động. Bản chất của rộng lượng là thoát khỏi tham muốn, thoát khỏi dính mắc, có thể buông xả tất cả.

Châm ngôn này là câu nói căn bản của điểm thứ ba của thực hành lojong. Trong phạm trù này, chúng ta có ba thực hành nữa. Hai châm ngôn tiếp theo liên hệ với thực hành Bồ đề tâm tương đối, làm thế nào đem điều gì xảy ra trong đời bạn vào con đường của Bồ đề tâm tương đối. Câu châm ngôn tiếp theo (“Thấy vọng tưởng tức là bốn thân / Là sự bảo vệ vô thượng của tánh Không”) thì liên hệ với thực hành Bồ đề tâm tuyệt đối, làm thế nào bạn đem theo nó như con đường của bạn. Và châm ngôn cuối trong phần này (châm ngôn 15) liên hệ với những hành động đặc biệt chúng cho phép bạn đem bất cứ cái gì xảy ra trong thực hành của bạn vào con đường.

 

 

Xem mục lục