Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

II. BẤT DỮ THỦ


A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn du hóa nơi thành La-duyệt, trong núi Kỳ-xà-quật.[58] Bấy giờ trong thành La-duyệt có tỳ-kheo tự là Đàn-ni-ca,[59] con người thợ đồ gốm, lưu trú trong một thảo am nơi chỗ khuất vắng.[60] Sau khi vị tỳ-kheo kia vào trong thôn khất thực, có người lấy củi, phá thảo am của tỳ-kheo đem về làm củi. Tỳ-kheo kia khất thực xong trở về thấy thảo am không còn, bèn khởi ý nghĩ: «Ta đã sống một mình nơi khuất vắng; tự mình lấy cỏ cây làm am để ở. Khi vào thôn khất thực, người lấy củi phá am thất của ta đem đi. Bản thân ta có tay nghề; ta có thể trộn bùn đất làm thành căn nhà toàn bằng gạch[61].»

Tỳ-kheo kia nghĩ xong, liền trộn bùn đất làm thành căn nhà toàn bằng gạch; rồi lấy củi và phân bò mà nung, căn nhà có màu sắc đỏ tươi như lửa.

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn từ trên núi Kỳ-xà-quật đi xuống. Từ xa trông thấy cái nhà màu đỏ như lửa rồi, Ngài biết mà cố hỏi các tỳ-kheo: 

«Cái gì màu đỏ vậy?»

Các tỳ-kheo bạch Phật: 

«Kính bạch đức Thế tôn, có một tỳ-kheo tên là Đàn-ni-ca, con người thợ đồ gốm. Tỳ-kheo ấy một mình ở nơi khuất vắng, làm một cái thất bằng cỏ để ở. Khi đi khất thực, bị những người lấy củi phá cái thất mang đi. Vị tỳ-kheo ấy khi về, thấy thất của mình bị phá liền nghĩ: ‹Ta có tay nghề, ta có thể làm một cái thất toàn bằng gạch.› Nghĩ như vậy rồi liền làm. Cái nhà sắc đỏ đó là của tỳ-kheo Đàn-ni-ca.»

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện để quở trách vị tỳ-kheo kia: 

«Việc ngươi làm sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao, tỳ-kheo Đàn-ni-ca, con người thợ gốm, tự mình làm thất, tập trung với nhiều số lượng củi, phân bò v.v... rồi nung. Ta thường dùng vô số phương tiện nói đến lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Tại sao người ngu si này tự mình trộn bùn đất làm thất, dồn chứa gai củi và phân bò để nung? Từ nay về sau, các ông không được làm thất toàn bằng gạch có màu đỏ như lửa như thế.[62] Nếu làm, phạm đột-kiết-la.»

Lúc bấy giờ đức Thế tôn ra lệnh cho các tỳ-kheo: 

«Các ông tập hợp lại, cùng nhau nhanh chóng đến chỗ thất của Đàn-ni-ca mà phá bỏ đi.»[63]

Các tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, đến đập phá cái thất đó. Đàn-ni-ca thấy các tỳ-kheo đập phá cái thất của mình bèn hỏi: 

«Tôi có lỗi gì mà đập phá thất của tôi ?»

Các tỳ-kheo trả lời: 

«Thầy không có lỗi. Chúng tôi cũng không ghét Thầy. Song chúng tôi vừa nhận lời dạy của đức Thế tôn, nên đến đây phá thất của Thầy.»

Tỳ-kheo Đàn-ni-ca nói: 

«Nếu đức Thế tôn đã dạy, các Thầy cứ tùy nghi.»

Lúc bấy giờ Bình-sa, Vua nước Ma-kiệt[64] có người giữ cây gỗ nhà nước,[65] cùng với tỳ-kheo Đàn-ni-ca là bạn thân từ thời còn nhỏ, nên tỳ-kheo Đàn-ni-ca đến chỗ người giữ cây gỗ ấy nói rằng: 

«Ông bạn có biết chăng, Vua Bình Sa cho tôi cây gỗ. Nay tôi cần gỗ, ông bạn có thể cho tôi nhận được không ?»

Người giữ gỗ nói: 

«Nếu nhà Vua đã cho, thì loại tốt hay loại xấu, cần nhiều hay ít, cứ tùy ý lấy.» 

Loại cây gỗ thiết yếu của nhà Vua[66] để dành, bị tỳ-kheo Đàn-ni-ca chặt mang đi.

Khi ấy có một vị Đại thần tổng giám sát các sự việc của thành,[67] đến chỗ chứa gỗ, thấy những cây gỗ thiết yếu, mà nhà Vua lưu trữ, bị chặt lung tung, liền hỏi người giữ gỗ rằng: 

«Những cây gỗ thiết yếu này nhà Vua lưu trữ ở đây, ai chặt mang đi ?»

Người giữ gỗ nói: 

«Tỳ-kheo Đàn-ni-ca đến nơi tôi và nói, ‹Nhà Vua cho tôi gỗ. Nay tôi cần, có thể lấy được không?› Tôi trả lời: ‹Nhà Vua cho thì Thầy cứ lấy.› Tỳ-kheo liền vào vựa chứa cây lưu trữ chặt mang đi.»

Khi Đại thần nghe nói như vậy rồi, liền phiền trách nhà Vua rằng: ‹Tại sao đem loại gỗ thiết yếu này cho tỳ-kheo? Trong khi còn có những thứ gỗ khác có thể cho được không cho, mà khiến tỳ-kheo này chặt đứt gỗ thiết yếu mang đi!› Rồi vị Đại thần đến chỗ nhà Vua tâu: 

«Tâu Đại vương, số cây gỗ thiết yếu được lưu trữ, tại sao nay lại cho tỳ-kheo chặt mang đi? Còn có nhiều thứ gỗ khác có thể cho được, sao lại phá hoại loại gỗ quí đó?»

Nhà Vua bảo rằng: 

«Ta hoàn toàn không nhớ đã đem gỗ cho ai. Nếu Đại thần có nhớ thì nhắc lại cho ta.»

Khi ấy vị Đại thần liền cho đi bắt người giữ cây gỗ đến chỗ nhà Vua. Người giữ cây gỗ từ xa thấy tỳ-kheo Đàn-ni-ca, liền kêu nói: 

«Đại đức, vì Thầy lấy gỗ mà tôi bị bắt. Đại đức hãy vì tôi, đi đến đó để giải quyết. Xin thương xót tôi.»

Tỳ-kheo trả lời: 

«Ông cứ đến đó. Tôi cũng đi ngay đây.»

Sau đó tỳ-kheo Đàn-ni-ca đến chỗ nhà Vua, đứng im lặng trước mặt Vua.

Nhà Vua liền hỏi: 

«Đại đức, có thật là tôi cho Thầy gỗ hay không?»

Tỳ-kheo đáp: 

«Sự thật nhà Vua có cho tôi gỗ.»

Nhà Vua nói: 

«Tôi không nhớ là có cho người gỗ. Thầy hãy nhắc lại để tôi nhớ.»

Tỳ-kheo báo rằng: 

«Đại vương còn nhớ chăng? Khi mới đăng vị, từ miệng nhà Vua nói ra rằng, ‹Trong thời tôi còn trị nước, [573a1] trong phạm vi quốc giới, có các Sa-môn, Bà-la-môn nào biết tàm quý, ưa học giới, cho thì lấy, không cho không lấy; cho thì dùng, không cho không dùng. Kể từ hôm nay, các Sa-môn, Bà-la-môn được phép tùy ý dùng cỏ cây và nước. Không được không cho mà dùng. Từ nay về sau cho phép Sa-môn, Bà-la-môn tùy ý dùng cỏ cây và nước.›»

Nhà Vua nói: 

«Này Đại đức, khi tôi mới đăng vị, thật sự có nói như vậy. Đại đức, tôi nói đối với vật vô chủ chứ không nói đối với vật có chủ. Tội của Đại đức đáng chết.»

Nhà Vua lại tự nghĩ: «Ta là Vua Quán đỉnh, dòng Sát-lợi,[68] đâu có thể chỉ vì một ít gỗ mà đoạn mạng người xuất gia. Điều ấy không nên.»

Bấy giờ, nhà Vua dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo rồi ra lệnh các thần thuộc, phóng thích tỳ-kheo. Các thần thuộc y lệnh Vua, phóng thích tỳ-kheo.

Sau đó các thần thuộc này lớn tiếng bình luận, bất bình, rằng, ‹Nhà Vua nghĩ sao? Tội đáng chết như vậy mà chỉ khiển trách rồi thả.›

Lúc ấy, trong thành La-duyệt có các cư sĩ không tin ưa Phật pháp, họ đều chỉ trích rằng, «Sa-môn Thích tử không có tàm quý, không biết sợ là gì, nên lấy vật không cho. Bên ngoài tự nói ta biết chánh pháp. Như vậy làm gì có chánh pháp! Gỗ của nhà Vua còn lấy, huống là của người khác? Chúng ta từ nay về sau đừng gần gũi với sa-môn Thích tử, lễ bái hỏi chào, cúng dường cung kính. Đừng cho vào thôn ta, cũng đừng cho nghỉ ngơi.»

Bấy giờ có các tỳ-kheo nghe chuyện ấy. Trong số đó có những kẻ thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, biết tàm quý, ưa học giới, hiềm trách Đàn-ni-ca: «Sao lại ăn trộm cây gỗ của Vua Bình-sa.»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo; tuy biết vẫn cố hỏi tỳ-kheo Đàn-ni-ca:

«Có thật ngươi lấy gỗ mà nhà Vua không cho?»

Đàn-ni-ca thưa: 

«Bạch Thế tôn, thực sự đúng như vậy.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Đàn-ni-ca: 

«Việc ngươi làm sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp Sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải pháp tùy thuận, làm đều không nên làm. Này, Đàn-ni-ca, sao lại lấy gỗ mà nhà Vua không cho? Ta dùng vô số phương tiện khen ngợi sự lấy những gì đã được cho. Nay ngươi sao lại lấy gỗ mà nhà Vua không cho?»

Khi ấy có một tỳ-kheo tên là Ca-lâu , vốn là Đại thần của nhà Vua,[69] rành về thế pháp, ngồi trong chúng, cách đức Thế tôn không xa. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tỳ-kheo Ca-lâu:

«Theo pháp luật của nhà Vua, không cho mà lấy, vật trị giá bao nhiêu phải tội chết?»[70]

Tỳ-kheo Ca-lâu bạch Phật: 

«Nếu lấy năm tiền[71] hay vật trị giá năm tiền sẽ bị tội chết.»

«Tỳ-kheo Đàn-ni-ca, sao lại lấy gỗ mà nhà Vua không cho?»

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Đàn-ni-ca, rồi bảo các tỳ-kheo: 

«Tỳ-kheo Đàn-ni-ca là kẻ ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa,... cho đến để chánh pháp tồn tại lâu dài.» 

Muốn thuyết giới nên thuyết như vầy: 

B. GIỚI VĂN
Tỳ-kheo nào, nơi thôn xóm hay chỗ trống vắng, với tâm trộm cắp, lấy vật không được cho. Tùy theo vật không được cho mà lấy, hoặc bị Vua hay Đại thần của Vua bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi ra khỏi nước, rằng ‹Ngươi là giặc, ngươi ngu si, ngươi không biết gì.› Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.[72]

C. THÍCH NGHĨA
Tỳ-kheo: Nghĩa như trên.

Thôn : có bốn loại, 1. Chung quanh đều có tường xây thấp. 2. Chung quanh có hàng rào. 3. Có rào và tường nhưng không giáp vòng. 4. Chung quanh đều có nhà.[73]

Chỗ trống vắng:[74] khoảng đất trống không và vắng vẻ ở ngoài thôn.

Vật không được cho: vật mà người khác không vất bỏ.[75]

Trộm cắp: lấy với tâm trộm cắp.[76]

Tùy theo vật không được cho mà lấy: là năm tiền hay trị giá năm tiền.[77]

Vua: là người tự tại, không lệ thuộc ai.

Đại thần: Chỉ chung cho các vị Đại thần trợ giúp nhà Vua.

Ba-la-di không được sống chung: như trên đã nói.

D. PHẠM TƯỚNG
Có ba trường hợp lấy vật không được cho phạm ba-la-di: tự tay lấy, giám sát sự lấy, khiến người lấy.

Lại có ba trường hợp lấy vật không được cho phạm ba-la-di: lấy vật với ý tưởng không phải của mình, lấy vật với ý chẳng phải tạm dùng, lấy vật không được đồng ý.

Lại có ba loại[78] lấy: lấy vật của người, tưởng vật của người, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có ba loại lấy: lấy vật có chủ, tưởng là có chủ, di chuyển khỏi nguyên vị trí.

Lại có ba loại lấy: lấy vật có người khác giám hộ, tưởng có người khác giám hộ, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có bốn loại lấy vật không cho thành ba-la-di:[79] tự tay mình lấy, giám sát sự lấy, sai người lấy, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có bốn loại lấy thành ba-la-di: lấy vật với ý tưởng chẳng phải của mình, không phải lấy tạm, không được đồng ý mà lấy, và dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có bốn loại lấy: lấy vật của người, tưởng vật của người, trọng vật,[80] dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có bốn loại lấy: có chủ, tưởng là có chủ, trọng vật, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có bốn loại lấy: người khác giám hộ, tưởng có người khác giám hộ, trọng vật, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có năm loại không cho mà lấy thành ba-la-di: tự tay mình lấy, giám sát người khác lấy, khiến người khác lấy, trọng vật, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có năm loại: lấy vật với ý tưởng chẳng phải của mình, không có ý tạm lấy, chẳng phải đồng ý mà lấy, trọng vật, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có năm loại lấy: lấy vật của người, tưởng là vật của người, trọng vật, với tâm trộm, và dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có năm loại: có chủ, tưởng có chủ, trọng vật, với tâm trộm, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có năm loại lấy: vật có người khác giám hộ, trọng vật, với tâm trộm cắp, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có sáu loại không cho mà lấy thành ba-la-di: tự tay mình lấy, giám sát người lấy, sai người lấy, trọng vật, với tâm trộm cắp, và dời khỏi chỗ cũ. Chẳng phải vật của mình, tưởng là chẳng phải vật của mình, có sáu loại như vậy. Đó gọi là sáu loại lấy trộm phạm tội ba-la-di.

Vị trí :[81] vị trí trong lòng đất, vị trí trên đất, vị trí trên cộ, vị trí trong gánh, vị trí trong hư không, vị trí trên cây, vị trí thôn, vị trí a-lan-nhã, vị trí ruộng, vị trí xứ sở, vị trí ghe thuyền, vị trí nước. Hoặc lén qua ải mà không đóng thuế. Hoặc lấy vật của người khác ký thác. Hoặc lấy nước; lấy tăm, trái cây, thảo mộc, chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, sản nghiệp chung. Hoặc cùng hẹn,[82] hoặc rình chờ,[83] hoặc canh giữ,[84] hoặc chặn lối đường hiểm. Như vậy gọi là vị trí.[85] 

Vị trí trong lòng đất :[86] các kho tàng chôn dưới đất chưa ai phát hiện, như bảy báu gồm vàng, bạc, lưu ly, chơn châu, bích ngọc, xa cừ, mã não; các thứ vàng ròng,[87] vật báu làm bằng vàng, áo, chăn; hoặc lại có những nhu yếu phẩm khác có chủ và được chôn trong lòng đất. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí; vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng không nhắc nổi, phạm thâu-lan-giá.

Vị trí trên đất :[88] các thứ không chôn dưới đất như bảy báu gồm vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ và ở trên mặt đất. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng không nhắc nổi, phạm thâu-lan-giá. 

Vị trí trên cộ :[89] cộ có bốn loại, cộ voi, cộ ngựa, cộ xe, cộ đi bộ. Hoặc lại có các phương tiện chuyên chở khác đều gọi là cộ. Các thứ trên cộ như bảy báu gồm vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí; vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, [574a1] nhưng không nhắc, phạm thâu-lan-giá. Hoặc dẫn xe cộ từ đường chính đến đường chính, từ đường chính đến đường phụ, từ đường phụ đến đường chính, từ trong hầm lên trên bờ hầm, từ trên bờ hầm đến trong hầm, như vậy lấy cộ rời khỏi nguyên vị trí. Vừa rời khỏi nguyên vị trí, phạm ba-la-di. Nếu phương tiện muốn lấy mà không lấy, phạm tội thâu-lan-giá.

Vị trí gánh : vật đội trên đầu, vật vác trên vai, vật cõng sau lưng, hay ôm trước ngực; hoặc lại có các vật khuân vác khác. Trên những gánh này có các vật như bảy báu gồm vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng không nhắc, phạm thâu-lan-giá. Hoặc mang gánh từ đường chính đến đường chính, từ đường chính đến đường phụ, từ đường phụ đến đường chính, từ trong hầm lên trên bờ hầm, từ trên bờ hầm đến trong hầm. Như vậy với tâm trộm mà mang khỏi chỗ cũ; vừa rời khỏi vị trí của vật, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn lấy mà không lấy mắc tội thâu-lan-giá.

Vị trí trống không :[90] những vật mà gió thổi bay như lông, kiếp-bối, câu-giá-la, sai-la-ba-ni, sô ma, gai, bông, bát-đam-lam-bà, đầu-đầu-la, chim nhạn, chim hạc, chim khổng tước, chim anh võ, chim bồ câu. Lại có vật hữu dụng khác, có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng mà không nhắc nỗi, phạm thâu-lan-giá. 

Vị trí bên trên : [91] vật được nhấc lên để trên cây, trên tường, trên rào, trên vực, trên cọc bằng ngà voi,[92] trên giá móc áo, trên võng, trên giường cây, trên nệm lớn nhỏ, trên gối, trên chiếu trải trên đất. Trên những thứ này mà có vàng, bạc, v.v... cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng mà không nhắc nổi, phạm thâu-lan-giá.

Vị trí thôn : Có bốn loại thôn xóm như trên đã nói.[93] Trong thôn xóm này, có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng mà không nhắc nổi, phạm thâu-lan-giá. Dùng máy móc công kích, phá hoại thôn xóm; hoặc cho nước ngập, hoặc dựa vào cường lực của người quen thân, hoặc dùng lời lẽ biện bác mê hoặc lừa dối mà lấy; vừa lấy được, thành ba-la-di; phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Vị trí a-lan-nhã : vùng đất trống ở ngoài thôn mà có chủ. Nơi chỗ đất trống nầy mà có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng không nhắc, phạm thâu-lan-giá. Hoặc bằng phương tiện phá hoại vùng đất trống của người khác, hoặc cho nước ngập, hoặc dựa vào cường lực của người quen thân, hoặc dùng lời lẽ biện luận mê hoặc lừa dối để lấy. Vừa lấy được, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Vị trí ruộng : ruộng trồng lúa dé, ruộng trồng lúa mạch, ruộng trồng mía. Hoặc lại có các loại ruộng khác mà nơi đó có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu dùng phương tiện phá hoại ruộng của người hoặc cho nước ngập, hoặc dựa vào cường lực của người quen thân, hoặc dùng lời lẽ biện luận mê hoặc lừa dối để lấy. Vừa lấy được, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Xứ sở :[94] hoặc là khu vực của nhà, hoặc khu vực chợ quán, hoặc là vườn cây, hoặc là vườn rau, hoặc ao hồ, hoặc sân trước, hoặc sau nhà, hoặc là những nơi khác mà ở đó có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu dùng phương tiện phá hoại xứ sở của người, hoặc cho nước ngập, hoặc dựa vào cường lực của người quen thân, hoặc dùng lời lẽ biện luận mê hoặc lừa dối để lấy. Vừa lấy được, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Vị trí ghe thuyền : thuyền nhỏ, thuyền lớn, thuyền bầu,[95] thuyền độc mộc,[96] thuyền bành, thuyền buồm, thuyền hình con rùa, thuyền hình con ba ba, thuyền bằng da, thuyền bằng phao nổi, thuyền bằng trái cây,[97] thuyền treo,[98] thuyền cánh bè; hoặc những loại thuyền khác mà nơi đó có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Hoặc từ bờ này đến bờ kia, từ bờ kia đến bờ này; hoặc ngược dòng, hoặc xuôi dòng; hoặc cho chìm dưới đáy nước, hoặc dời lên trên bờ; hoặc cởi (thuyền) rồi dời đi chỗ khác, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không được, mắc tội Thâu-lan-giá.

Vị trí nước : kho tàng chứa vàng bạc bảy báu và các thứ áo chăn chìm dưới đáy nước, hoặc con rái cá, hoặc cá, hoặc ba ba, hoặc cá sấu,[99] hoặc hoa ưu-bát-la, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lợi,[100] và các vật khác ở trong nước, có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Nếu dùng phương tiện phá hoại chỗ nước của người... cho đến, mắc tội thâu-lan-giá, như trên đã nói.

Không đóng thuế :[101] theo pháp luật, tỳ-kheo không phải đóng thuế. Nếu vật của bạch y cần phải đóng thuế mà tỳ-kheo với tâm ăn trộm mang hộ cho người khác qua khỏi chỗ đóng thuế, hoặc ném ra ngoài cửa ải, vật trị giá năm tiền hay trên năm tiền, hoặc chôn dấu, di chuyển, hoặc dùng lời lẽ biện luận mê hoặc lừa dối, hoặc dùng chú thuật để đưa qua... cho đến, phương tiện, thì phạm thâu-lan-giá, như trên.

Lấy vật ký thác của người: vật của người gởi mang đi mà đem tâm trộm cắp, trị giá năm tiền hay trên năm tiền; từ trên đầu dời xuống vai, từ trên vai dời lên đầu;[102] từ bên vai hữu dời qua bên vai tả, từ bên vai tả dời qua bên vai hữu; từ nơi tay tả dời qua tay hữu, từ tay hữu dời qua tay tả; hoặc ôm trong lòng, hoặc để nơi đất mà dời khỏi nguyên vị trí. Vừa dời khỏi vị trí cũ, thành ba-la-di. Phương tiện... thâu-lan-giá.

Nước: các loại nước thơm, hoặc nước thuốc, được đựng trong các đồ đựng nước như lu, vại lớn nhỏ, hoặc các loại dụng cụ chứa nước khác, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí; vật vừa rời khỏi nguyên vị trí thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được mắc tội thâu-lan-giá. 

Tăm:[103] hoặc một hoặc hai, hoặc nhiều cây, hoặc một nắm, một bó, một ôm, một gánh; hoặc có ướp hương, hoặc có thoa thuốc, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. 

Vườn: tất cả cỏ cây rừng rú hoa quả có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Chúng sanh không chân: như rắn, cá, và tất cả các loài chúng sanh không có chân khác có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Chúng sanh hai chân: loài người, loài phi nhơn, chim và các loại chúng sanh hai chân, có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Chúng sanh bốn chân : [575a1] như voi, ngựa, bò, lạc đà, lừa, nai, dê và các loại chúng sanh bốn chân, có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Chúng sanh nhiều chân : như ong, uất-châu-long-già,[104] hoặc rết,[105] hay chúng sanh nhiều chân khác, có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Sản nghiệp chung:[106] tài vật kiếm được do sự nghiệp chung cần phải chia chung, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Cùng hẹn:[107] cùng với người khác giao ước, lúc nào đó đi, lúc nào đó đến; hoặc đục vách lấy của, hoặc giữa đường cướp lấy, hoặc đốt cháy; từ đó được tài vật chung. Những vật ấy có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Dò xét: «Tôi sẽ đến quan sát thôn kia; hoặc thành ấp, chỗ thuyền đò, hang núi, hoặc chỗ dân cư, chỗ chợ quán, nơi làm việc.» Những tài vật thu được từ những nơi đó thành của chung, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Canh giữ: «Tôi sẽ canh giữ tài vật kiếm được từ bên ngoài. Những vật kiếm được chia chung.» Những vật ấy có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được mắc tội thâu-lan-giá.

Canh đường: «Tôi sẽ canh gác nơi đường. Nếu có quân của nhà Vua đến, quân của giặc đến, quân của trưởng giả đến sẽ báo cho nhau biết. Tài vật kiếm được sẽ chia chung.» Những vật ấy có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được mắc tội thâu-lan-giá.

Nếu phương tiện tìm cầu hơn năm tiền, được hơn năm tiền, thành ba-la-di. Nếu phương tiện tìm cầu hơn năm tiền mà được năm tiền, thành ba-la-di. Nếu phương tiện tìm cầu hơn năm tiền được dưới năm tiền, thâu-lan-giá. Nếu phương tiện tìm cầu hơn năm tiền mà không được, thâu-lan-giá. Nếu phương tiện tìm cầu năm tiền mà được hơn năm tiền, thành ba-la-di. Phương tiện tìm cầu năm tiền mà được dưới năm tiền, thành thâu-lan-giá. Phương tiện tìm cầu năm tiền mà không được, thành thâu-lan-giá. Phương tiện tìm cầu dưới năm tiền, được hơn năm tiền, thành ba-la-di. Phương tiện tìm cầu năm tiền mà được, thành ba-la-di. Phương tiện tìm cầu dưới năm tiền, được dưới năm tiền, thành thâu-lan-giá. Phương tiện tìm cầu dưới năm tiền mà không được, đột-kiết-la.

Sai người phương tiện tìm cầu năm tiền, được hơn năm tiền, cả hai đều phạm ba-la-di. Phương tiện sai người tìm cầu hơn năm tiền, được năm tiền, cả hai đều phạm ba-la-di. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, được dưới năm tiền cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu hơn năm tiền mà không được, cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, được hơn năm tiền, cả hai đều phạm ba-la-di. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, mà được năm tiền, cả hai đều phạm ba-la-di. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, mà không được dưới năm tiền, cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, mà không được, cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu dưới năm tiền mà hơn năm tiền, người lấy phạm ba-la-di; người dạy phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu dưới năm tiền, được năm tiền; người lấy phạm ba-la-di; người dạy phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu dưới năm tiền, được dưới năm tiền, cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu dưới năm tiền mà không được, cả hai đều phạm đột-kiết-la. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền hoặc hơn năm tiền; nhưng người được dạy lấy vật khác; người lấy phạm ba-la-di, người dạy phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, hoặc hơn năm tiền; nhưng người nhận lời dạy lại lấy vật ở chỗ khác, người lấy phạm ba-la-di, người dạy phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền hoặc hơn năm tiền; người nhận lời dạy là người bị sai chứ không có tâm trộm cắp, lấy được năm tiền hoặc hơn năm tiền, người dạy phạm ba-la-di, kẻ bị sai không phạm. Nếu sai người lấy vật,[108] người nhận lời dạy hiểu là dạy lấy trộm; nếu lấy được trị giá năm tiền hoặc hơn năm tiền, người nhận lời dạy phạm ba-la-di, người dạy không phạm.

Có chủ, biết rõ là có chủ, không cho mà lấy, trị giá năm tiền hay hơn năm tiền, phạm ba-la-di. Nghi là có chủ, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền, phạm thâu-lan-giá. Không chủ, tưởng có chủ, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền phạm thâu-lan-giá. Không chủ tưởng có chủ, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền phạm thâu-lan-giá. Nghi là vật không chủ, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền, phạm thâu-lan-giá. Lấy vật có chủ, tưởng vật có chủ, dưới năm tiền, phạm đột-kiết-la. Không chủ tưởng là có chủ lấy dưới năm tiền phạm đột-kiết-la. Nghi là vật không chủ lấy dưới năm tiền phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, sa-di, Sa-di-ni: đột-kiết-la, tẫn xuất. Đó là phạm.

Sự không phạm: lấy với ý tưởng được cho, tưởng là của mình, với ý tưởng là đồ vất bỏ, với ý tưởng tạm lấy, với ý tưởng là thân hữu... tất cả những trường hợp trên không phạm. 

Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. Đó là không phạm.[109]

Xem mục lục