Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

BÁT KỈNH PHÁP: MỘT VẤN NẠN THỜI ĐẠI

Gần đây ở bên nhà có cuộc tranh luận về bài giảng  "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” của Thầy Nhật Từ.  Tôi nghĩ, có thêm một tiếng nói của cư sĩ Phật Giáo có lẽ cũng không phải là vô ích.   Để tìm hiểu vấn đề, tôi vào đọc trang nhà Đạo Phật Ngày Nay, một trong vài trang nhà Phật Giáo tôi thường vào đọc, nhưng không còn thấy mấy bài của Thầy Phước Huệ, vào phapthoai.net, và đây là lần đầu tiên,  thì thấy có nhiều quan điểm khác nhau, vào Quảng Đức thì có bài của Thích Lệ Thọ. Riêng trong phapthoai.net, dưới “chủ đề sôi nổi”: "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” có tới hơn 140 bài góp ý của một số người tham gia.  Do đó tôi cũng nắm được phần nào về những phản ứng xung quanh bài giảng của Thầy Nhật Từ. 

Thật ra, trước đây tôi cũng đã đọc kha khá về vai trò phụ nữ trong đạo Phật và tôi cảm thấy có điều bức xức trong lòng.  Cách đây vài năm, nhân dịp nói chuyện với một Sư cô đang theo học tại đại học Wisconsin ở Madison, tôi có đề nghị một đề tài nghiên cứu đại cương là về nâng cao vị thế, xác định rõ vai trò của Tỳ Kheo Ni trong Phật Giáo trong thời đại ngày nay.  Sư cô nói rằng: “Khó lắm bác ơi!  Vì truyền thống Ni phụ thuộc Tăng đã ăn sâu trong những xã hội Á Châu, rất khó mà thay đổi.”.  Nay, có lẽ đây là dịp để tôi bày tỏ vài ý kiến nhân cuộc tranh luận gần đây về vấn đề nên bỏ hay không bỏ Bát Kỉnh Pháp.

Tuy đã có nhiều nghiên cứu, bình luận về Bát Kỉnh Pháp trong môi trường trí thức Âu Mỹ từ nhiều năm nay rồi, nhưng có lẽ  bài giảng "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” của Thầy Thích Nhật Từ đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam nội địa mà nhiều khi không phải là tranh luận trí thức như Thầy Phước Huệ đã vạch rõ.  Thật là đáng tiếc vì điều này đáng lẽ không nên xẩy ra.

Một cuộc tranh luận trí thức có những tiêu chuẩn của nó.  Giá trị của một cuốn sách hay một bài viết là ở nội dung cuốn sách hay bài viết chứ không nằm ở tiểu sử, bằng cấp, hay chức tước, địa vị của tác giả.  Thời buổi này, người ta không thể mang bằng cấp, chức tước, địa vị v..v.., hoặc có trước đây, hoặc có bây giờ, ra để mà thuyết phục độc giả về giá trị của một cuốn sách hay của một bài viết.  Cũng vì vậy, trong giới trí thức, nhất là trong môi trường đại học, khi phê bình một cuốn sách hay một bài khảo luận của một tác giả nào đó, không bao giờ người ta nói đến đời tư của tác giả rồi dựa vào đó mà suy diễn lệch lạc theo thiên kiến của mình, đưa ra những khẳng định vô trách nhiệm về tác giả đó, những điều không liên quan gì đến nội dung tác phẩm của tác giả.  Khổ thay, có vẻ như một số những người tham gia cuộc tranh luận về Bát Kỉnh Pháp trong phe chống đối chưa biết  đến những tiêu chuẩn căn bản này, cho nên khi góp ý về bài giảng "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” của Thầy Thích Nhật Từ đã không đi vào từng luận điểm trong bài giảng của Thầy Nhật Từ mà lại đưa ra những nhận xét về cá nhân Thầy Nhật Từ, lôi cả bằng cấp của Thầy ra chê bai, rồi chọn trong cái kho nón cối của mình, để chụp lên đầu Thầy một lúc vài cái nón hoàn toàn có tính cách chụp mũ vô trách nhiệm, vô căn cứ. Những người này tưởng rằng dùng những thủ đoạn như vậy là có thể giảm được uy tín của đối phương, không ngờ lại có nhiều phản tác dụng trong giới trí thức, tự chứng tỏ là mình thiếu kiến thức, thiếu khả năng đối thoại nghiêm chỉnh, và nhất là, thiếu tư cách. 

Đọc những bài chống đối lúc đầu trên trang nhà phapthoai.net, tôi có cảm tưởng là sự chống đối bắt nguồn từ tình cảm phe phái chứ chẳng phải là một cuộc tranh luận trí thức.  Điều này khá rõ rệt vì chúng ta thấy “người ta” đã đưa cả chính trị vào trong vòng tranh luận, chụp mũ Cộng Sản lên đầu Thầy Nhật Từ, và dùng những từ thiếu nghiêm túc đối với những bậc trưởng thượng trong Phật Giáo như các quý Thầy Minh Châu, Trí Quảng, Trí Siêu và cả Thầy Thanh Từ, Nhất Hạnh nữa, những vị này chẳng liên quan gì đến bài giảng của Thầy Nhật Từ.  Có thể đây không phải là chủ trương của phapthoai.net, nhưng sự xuất hiện của những ý kiến lạc đề và nặng tính phe phái chính trị này khiến cho người đọc không thể không đặt nghi vấn trước mục đích, chủ trương, và thực chất của phapthoai.net.  Do đó, ngay từ đầu, phapthoai.net đã tự làm giảm đi danh vị của mình rất nhiều trên diễn đàn truyền thông, nếu thực sự đã có một danh vị nào đó.

Nhận xét trên của tôi không phải là vô căn cứ, xin quý vị đọc lại nội dung một số bài thuộc phe chống đối.  Chẳng vậy mà có một Phật tử, dưới tên Chinh Phap, cũng đã đưa ra những nhận định như sau:

Là một Phật tử, con rất buồn và xấu hổ khi theo dõi cuộc tranh luận. Con thường nghe các Thầy giảng pháp với những lời lẽ rất hay, những nội dung rất lợi lạc như không tham sân si, không khẩu nghiệp, không gian dối, không nói xấu, phải lo tu thân...
Thế nhưng theo dõi cuộc tranh luận với những lời lẽ hết sức nặng nề, bôi nhọ, chụp mũ, phương pháp tranh luận phản khoa học trong chủ đề này, con không khỏi giật mình với những trưởng tử của Như Lai như các Thầy. Con không hề cảm nhận được cái tâm trong sáng của những người tranh luận, con không cảm nhận được trí tuệ mà đạo Phật luôn luôn đề cao, con không cảm nhận được tấm lòng từ bi của Đức Phật, con không cảm nhận được "lục hòa", không cảm nhận được bao nhiêu điều tốt đẹp và đức Phật đã truyền lại.
Con chỉ cảm nhận được sự ganh ghét của người đời, cảm nhận được dã tâm bôi nhọ và chụp mũ người khác, cảm nhận được lối tranh luận nặng chỉ trích cá nhân mà không đi vào nội dung? Hay con cũng chỉ là phàm phu tục tử nên không thể thấy những cái cao siêu vi diệu trong lời lẽ tranh luận của các Thầy?
và: Tranh luận tài giỏi thì phải dùng lập luận, dùng lý lẽ, dùng kinh điển, dùng lịch sử để bác bỏ lập luận của người khác. Đáng tiếc là bạn và một số "thầy cô" trong (phapthoai.net) chưa đủ phương pháp nghiên cứu để trao đổi, tranh luận với thầy Nhật Từ nên dùng lời nói nặng tính chỉ trích cá nhân, chụp mũ, ngậm máu phun người, thậm chí là phi nhân tính (khi lôi chuyện bệnh tật của người khác ra để chế giễu)….
…Nếu tôi đoán không nhầm thì chắc bạn thuộc về một tổ đình thất thế, ít lo đến giáo dục đệ tử mà chỉ mải tranh đấu, múa may, quay cuồng, diễn trò cười cho thiên hạ.
Chừng đó cũng đủ để chúng ta thấy rõ cuộc “tranh luận” về Bát Kỉnh Pháp là như thế nào.  Là Phật tử, chúng ta ai mà không cảm thấy đau lòng khi thấy cảnh chia rẽ phe phái trong đại khối Phật Giáo Việt Nam.  Lẽ dĩ nhiên, không phải tất cả các bài góp ý kiến đều thuộc loại trên, tuy nhiên, xin quý vị trong phapthoai.net hãy nghĩ xem Phật tử Chinh Phap nhận xét có đúng không và hãy kiểm điểm thái độ chống đối của một số thành viên của mình có phù hợp với những danh từ thường chỉ có trên mặt văn tự như “tu chứng”, “thể nghiệm” v..v..  Nhắc lại vài nhận xét của Chinh Phap như trên không có nghĩa là coi thường quý Thầy, mà chỉ có mục đích xin quý Thầy nhận thức được Đạo Phật là đạo “Y Pháp Bất Y Nhân”.  Nếu quý Thầy là hiện thân của Pháp thì chắc chắn giới cư sĩ chúng tôi sẽ y vào quý Thầy.  Nếu quý Thầy đi ra ngoài Pháp thì chúng tôi xin được coi quý Thầy như Người thường.   Rất may là Phật Giáo không có tổ chức theo “hệ thống quân giai”, cấp dưới phải hoàn toàn tuân phục “bề trên” như ngoại đạo.

Ngoài mặc cảm phe phái, sự chống đối có thể bắt nguồn từ sự khó hòa hợp giữa hai quan niệm: sử dụng học thuật đứng đắn để đi tới cách tân, tiến bộ hợp với thời đại; và bảo thủ truyền thống muốn duy trì một “status quo” trong đó không ít thì nhiều có liên hệ đến địa vị và quyền lực.  Sự xung đột giữa hai quan điểm mới và cũ chúng ta có thể thấy trong mọi tôn giáo, không chỉ riêng trong Phật Giáo.  Nhưng với thời gian, khó ai mà có thể ngăn cản được sự tiến hóa trí thức của con người.  Vì vậy, nhiều sự thay đổi đã xảy ra trong những tôn giáo thờ thần có tiếng là bảo thủ nhất như Ca-Tô Giáo Rô-ma, Do Thái Giáo, và cả Hồi Giáo, những tôn giáo của đức tin.  Phật Giáo được biết là tôn giáo của lý trí, của trí tuệ, nên tôi tin rằng, hơn bất cứ tôn giáo nào khác, Phật Giáo sẽ không ngần ngại mà thay đổi khi cần, lẽ dĩ nhiên là chỉ thay đổi sau khi đã sử dụng lý trí, trí tuệ để suy nghiệm tìm ra lẽ thật trong những vấn đề cần phải tranh luận.   Một trong những vấn đề trong vòng tranh luận ngày nay giữa một số Trưởng Tử Như Lai là về Bát Kỉnh Pháp.

Trước khi đi vào phần phân tích để bày tỏ ý kiến, tôi nghĩ cũng nên ôn lại sơ lược nguyên nhân đưa đến việc Đức Phật đưa ra Bát Kỉnh Pháp.  Diễn tiến quen thuộc có thể thu ngắn như sau, quý độc giả nào muốn biết các chi tiết có thể vào tìm đọc trong bất cứ trang nhà Phật Giáo nào.

Bà Maha Prajapati Gotami, kế mẫu của Đức Phật, xin Đức Phật cho Bà được xuất gia.  Ba lần, Đức Phật đều từ chối với lý do, tùy theo bản truyền, hoặc sự gia nhập của ni giới ở trong Tăng đoàn có thể  ảnh hưởng đến tính cách phạm hạnh thanh tịnh của tăng chúng, hoặc để phụ nữ xuất gia sẽ làm xáo trộn nền tảng và sự an sinh của gia đình.   Sau khi Tịnh Phạn Vương qua đời, Bà Maha Prajapati đã tự xuống tóc, cùng với 500 phụ nữ trong hoàng phái đến Vesali, nơi Phật đang cư ngụ, xin Phật cho phép được xuất gia.  Bị từ chối, Bà Maha Prajapati ra đứng khóc ngoài cổng.  Ngài Anan thấy vậy bèn xin với Đức Phật cho Bà Maha Prajapati xuất gia.  Sau một cuộc đối thoại hào hứng giữa Đức Phật và ngài Anan, cuối cùng Đức Phật chấp thuận với điều kiện:  Giới Tỳ Kheo Ni phải chấp hành Bát Kỉnh Pháp, suốt đời không thay đổi, nếu không thì Chánh Pháp của Đức Phật sẽ bị giảm thọ 500 năm thay vì tồn tại trong 1000 năm.  [Như được ghi trong nhiều tài liệu, điều này có nghĩa là cho phép nữ giới xuất gia thì Chánh Pháp của Đức Phật bị giảm thọ 500 năm và Bát Kỉnh Pháp là phương thuốc để cứu vãn sự giảm thọ 500 năm của Chánh Pháp].  Sau đây là nội dung 8 điều trong Bát Kỉnh Pháp:

1- Một Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ cũng phải đứng giậy chắp tay đảnh lễ trước một Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc được một ngày.

2- Một Tỳ Kheo ni không được an cư kiết hạ ở nơi nào không có Tỳ kheo ở.

3- Mỗi nửa tháng, Tỳ Kheo ni phải đến cầu xin thọ giáo cùng Tỳ kheo.

4- Khi an cư xong, phải đến Tỳ kheo cầu ba sự tự tứ: đã thấy gì, nghe gì, và nghĩ gì.

5- Nếu Tỳ kheo ni phạm trọng tội thì phải chấp hành sám luật trước hai bộ Tăng trong thời gian nửa tháng.

6- Tỳ Kheo ni phải tu tập 6 giới trong 2 năm rồi mới được xin thọ giới Cụ Túc trước hai bộ Tăng.

7- Một Tỳ kheo ni không được khiển trách hay nặng lời đối với một vị Tỳ kheo trong bất kỳ trường hợp nào.

8- Tỳ kheo ni không được nói lỗi của Tỳ kheo. Trái lại, Tỳ kheo được quyền cử tội Tỳ kheo ni.

 Đọc đi đọc lại bản Bát Kỉnh Pháp, với đầu óc hạn chế và trình độ tu tập càng hạn chế hơn nữa, tôi thực tình không thể nào hiểu nổi Bát Kỉnh Pháp có công năng như thế nào mà có thể cứu vãn sự suy thoái và giảm thọ của Chánh Pháp.  Vậy Chánh Pháp tồn tại là vì Tỳ Kheo Ni chấp hành Bát Kỉnh Pháp chứ không phải Chánh Pháp là Chánh Pháp?  Vậy là Chánh Pháp nằm trong rừng Kinh điển của Phật Giáo mà Đức Phật dùng suốt 45 năm để giảng dạy sau khi giác ngộ, thọ hay bị giảm thọ là tùy thuộc vào việc Tỳ Kheo Ni có tuân hành hay không Bát Kỉnh Pháp?  Tôi thấy thật khó mà có thể tin được điều này. 

Điều hiển nhiên là đã từ lâu, Tỳ Kheo Ni không còn ở trong thời đại của Đức Phật, và thực tế xã hội đã không còn ở trong  những hoàn cảnh để có thể tạo ra những cơ hội để Tỳ Kheo Ni có dịp thực hành Bát Kỉnh Pháp.  Nhưng Chánh Pháp của Đức Phật đã không hề suy giảm mà sau hơn 2500 năm càng ngày càng sáng ngời, và ngày nay, Tây Phương càng ngày càng nhận ra chân giá trị của Chánh Pháp.  Tại sao vậy?  Đơn giản thôi.   Vì Bát Kỉnh Pháp không hề có công năng cứu vãn sự giảm thọ của Chánh Pháp theo như một luận cứ giải thích nguyên nhân Đức Phật đặt ra Bát Kỉnh Pháp.  Điều này cũng chứng tỏ là Đức Phật không có đặt ra Bát Kỉnh Pháp vì trong đó, qua sự phân tích trong lãnh vực học thuật, có những điều mâu thuẫn về thời gian tính, tính nhất quán về giáo lý căn bản bất phân biệt giai cấp, tuổi tác, và giới tính của Đức Phật mà chúng ta có thể thấy rõ trong ba Tạng Kinh, Luật, Luận của Phật Giáo.

Trong cuộc tạm gọi là “tranh luận” về Bát Kỉnh Pháp, tôi đã đọc kỹ bài giảng "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” của Thầy Nhật Từ, cũng như những bài “Bát Kỉnh Pháp Chướng Ngại Hay Căn Bệnh Thời Đại?” , “Ai Đủ Tuệ Giác Để Bỏ Bát Kỉnh Pháp”,  “Không Nên Bỏ Bát Kỉnh Pháp”, “Bát Kỉnh Pháp” lần lượt của các quý Thầy Thích Lệ Thọ, Thích Nhựt Chấn, Thích Minh Hành, Thích Minh Thông, một loạt bài của các quý Thầy Thích Chơn Như, Thích Phước Huệ, phần bình luận dài lê thê của Thầy Thích Đồng Trí do Thai Binh Duong đưa lên, bài này sau đó cũng xuất hiện đầy đủ hơn trên diễn đàn Giao Điểm, cùng một số bài khác của những tác giả không muốn đề tên Thích, đặc biệt là bài của một Sư cô không thích dùng tên Thích mà lại thích làm Mẹ Thiên Chúa.

 

 

Một số người chống đối Thầy Nhật Từ, cho rằng Thầy chạy theo phong trào Nam Nữ bình quyền, hay bình đẳng của Tây phương.  Cách nhìn này khá thiển cận.  Đọc kỹ bài giảng "Giáo đoàn Tỳ-kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” của Thầy Nhật Từ, tôi cảm nhận được không phải Thầy chỉ nhắm vào Bát Kỉnh Pháp, mà dùng Bát Kỉnh Pháp để đi vào nhiều vấn nạn khác trong Phật Giáo và gài vào trong đó những thông điệp thời đại nhằm mục đích thức tỉnh con người.  Thức tỉnh như thế nào?  Thức tỉnh để thấy rằng: “Những giá trị vương quyền của thế gian cũng chỉ là tạm bợ trong một giai đoạn nào đó thôi, mà vấn đề còn lại là mình phải tìm kiếm những giá trị tâm linh cao hơn”  Thức tỉnh để thấy rằng, trong thời đại ngày nay, Phật Học không thể thiếu Thế Học.   Thức tỉnh để thấy rằng,  trong bối cảnh của một thế giới đa tôn giáo mà ngoại đạo thường xuyên tìm những kẽ hở để đánh phá Phật Giáo, chúng ta không thể chỉ ngồi hít vào thở ra.  Thức tỉnh để thấy rằng, Phật Giáo không cần phải e ngại những sự phân tích, nghiên cứu trong lãnh vực học thuật về ngay cả những văn phẩm mà chúng ta được biết là Kinh Phật.  Thức tỉnh để thấy rằng những lý do nào làm cho Chánh Pháp suy vi, nhưng tuyệt đối không phải là do Đức Phật chấp nhận thành lập Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni, hay là Tỳ Kheo Ni không chịu thực hành Bát Kỉnh Pháp.  Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu cũng đã từng nói rõ là Đạo Pháp suy vi vì, nguyên văn: “Bản thể của Tăng bị lu mờ, nội bộ Tăng bị phân hóa và  thành phần của Tăng có nhiều quan điểm dị biệt, giới hạnh suy kém và hiểu biết Đạo lý một cách cục bộ, phiến diện”.

Phương pháp giảng luận của Thầy Nhật Từ rất nghiêm túc, dù trong bài giảng, đôi khi Thầy dùng những từ hoặc ý có tính chất khôi hài thời đại mà một vài người khắt khe trong Đạo có thể thấy không thích hợp nếu chỉ xét trên mặt văn tự.  Thầy luôn luôn đưa ra chính đề rồi dùng lý luận đi vào phản đề, đây là phương pháp nghiêm chỉnh nhất trong lãnh vực học thuật, không thể chỉ nói lên ý kiến một chiều của mình.  Về Bát Kỉnh Pháp, Thầy đã nêu lên những luận cứ giải thích truyền thống trên từng điều một để bảo vệ giá trị thiết thực của Bát Kỉnh Pháp, rồi mới đưa ra lý luận phản biện, chứng minh những luận cứ trên không có cơ sở, chứa nhiều mâu thuẫn, để đi đến kết luận là điều đó khó mà có thể cho là của chính Đức Phật ban ra.  Điều hiển nhiên là trong lãnh vực học thuật, những luận cứ của Thầy Nhật Từ không phải là tuyệt đối mà là một sự mời gọi để đối thoại nghiêm chỉnh, cùng nhau tìm ra lẽ thật.  Thật quả tôi cũng biết chút ít về lịch sử Phật Giáo, về Giáo lý của Đức Phật, nhưng tôi thấy khó mà tìm ra chỗ nào trong phần phản biện của Thầy Nhật Từ để mà phản bác dựa trên lý luận. Bước sang lãnh vực cảm tính và tín ngưỡng thì lại khác.  Trong một phần sau, tôi sẽ đi vào vài ý kiến phản biện luận cứ phản biện của Thầy Nhật Từ để chúng ta thấy rõ vấn đề.

Theo ý kiến riêng của tôi, xét theo bối cảnh lịch sử và xã hội Ấn Độ thời Đức Phật còn tại thế,  chúng ta có thể miễn cưỡng chấp nhận một số lý luận để biện hộ cho 3 điều trong Bát Kỉnh Pháp:   Điều thứ 2: Một Tỳ Kheo ni không được an cư kiết hạ ở nơi nào không có Tỳ kheo ở (gần) [vì sự an toàn của Tỳ Kheo Ni trong xã hội Ấn Độ thời đó]; Điều thứ 3: Mỗi nửa tháng, Tỳ Kheo ni phải đến cầu xin thọ giáo cùng Tỳ kheo. [Vì Tỳ Kheo Ni là những người hậu học cả 5, 6 năm, nên cần sự dìu dắt của giới Tỳ Kheo để thấm nhuần cùng học phương thức tu tập giáo lý của Đức Phật.  Hiển nhiên Đức Phật không thể tự mình quán xuyến việc dạy giáo lý cho một số đông Tỳ Kheo Ni mới gia nhập Tăng đoàn như vậy, và cũng không thể mất thì giờ để nhắc lại những điều Đức Phật đã dạy trong 5 năm qua, cho nên chỉ có cách nhờ giới Tỳ Kheo truyền đạt lại giáo lý của Đức Phật cho giới Tỳ Kheo Ni]; và Điều thứ 5: Nếu Tỳ kheo ni phạm trọng tội thì phải chấp hành sám luật trước hai bộ Tăng trong thời gian nửa tháng.  Đây là những điều rất cần thiết để bảo đảm sự tu học của giới Tỳ Kheo Ni trong thời đó.   5 điều còn lại là được thêm thắt vào sau, do ai, bao giờ, và với ý định gì, tôi không rõ. 

Tuy nhiên, khi đọc kỹ những điều luật trong Bát Kỉnh Pháp và đối chiếu với chuyện Đức Phật chấp thuận cho  Bà Kế Mẫu Maha Prajapati Gotami và 500 phụ nữ thuộc hoàng phái xuất gia, tôi thấy Bát Kỉnh Pháp có vẻ như được chế ra  về sau để cho Tỳ Kheo Ni áp dụng dưới sự ngự trị của Tăng đoàn chứ không phải là thuộc thời Đức Phật cho phép thành lập Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni.  Lý do tôi nghĩ như vậy là vì khi chấp thuận cho Bà Maha Prajapati và 500 phụ nữ thuộc hoàng phái xuất gia thì tất cả đều thành Tỳ Kheo Ni ngay, nghĩa là không phải thi hành điều thứ 6 tu thử 2 năm, và chưa thể có 2 bộ Tăng, Ni đúng với nghĩa “bộ”.  Một bộ tăng thường gồm những người tu trước tu sau, tuổi đạo phân biệt rõ ràng, và có một hội đồng coi việc thi hành luật.  Khi đó bộ Tăng đã gồm nhiều ngàn người.  501 người xuất gia cùng một lúc thì về phương diện tu đạo, vai vế đồng đều, vậy nếu một Tỳ Kheo Ni chấp hành sám luật trước hai bộ Tăng, Ni thì bộ Tăng  và bộ Ni gồm những ai, hay là phải chấp hành sám luật trước cả mấy ngàn Tỳ Kheo và trước 500 Tỳ Kheo Ni khác.  Thực tế là, dù chúng ta có giải thích Bát Kỉnh Pháp thế nào đi chăng nữa, thì ngày nay những điều đó đã không còn được áp dụng.  Đây là điều quá hiển nhiên, chúng ta không cần phải bàn thêm gì nữa.

Trong câu chuyện Bà Maha Prajapati Gotami xin Phật cho xuất gia, có một chi tiết mà tôi cho rằng có tính cách thuyết phục nhất, cộng với lòng từ bi, đại trí của chính Đức Phật để Đức Phật chấp thuận.  Từ chi tiết này tôi tự hỏi có thật là có cuộc can thiệp của Ngài Anan để cho Bà Maha Prajapati và 500 phụ nữ thuộc hoàng phái được xuất gia hay không?  Lý luận phản biện trong bài giảng của Thầy Nhật Từ hình như cũng có nghi vấn này, nhưng đặt theo một lối suy nghĩ khác. Đó là sự kiện, theo Thầy Thích Minh Thông: “Bà Gotami vẫn không nao núng ngã lòng vì những đợt thỉnh nguyện bất thành, mà bền gan cam chịu mọi khổ nhọc và đương đầu nghịch cảnh, quyết định theo chân Đức Thế Tôn đến Vesali cùng với một số đông mệnh phụ phu nhân có niềm tin nơi bà (có nơi nói cùng với 500 người nữ giòng họ Xá Di). Cắt bỏ chùm tóc đẹp thuở nào, vứt bỏ nữ trang lộng lẫy, tự khoác lên mình tấm y thô thiển, các bà cam chịu khổ nhọc đi bộ, trải qua đoạn đường dài 150 dặm đến Vesali, mình mẩy lấm lem bụi bặm, y phục rách rưới tả tơi, chân cẳng sưng vù đau nhức.” để nài nỉ xin cho được xuất gia.  Điều này chứng tỏ Bà Maha Prajapati đã quyết chí tu theo Chánh Pháp, dù Đức Phật có không cho phép thì cũng không ngăn cản được quyết tâm của Bà.  Bà thừa biết rằng khi Thái Tử Tất Đạt Đa bỏ nhà đi tìm Đạo, Ngài có xin phép ai đâu? Trước cảnh tượng này, Đức Phật, được biết là Bậc Đại Trí với lòng từ bi không bờ bến, có thể nhẫn tâm trước một đòi hỏi không trái với những điều Người thường dạy về sự bình đẳng giữa Nam và Nữ trên con đường tu tập, và từ chối đến 6 lần.  Rất có thể lúc đầu Đức Phật cũng còn ngần ngại, vì Đức Phật và các đệ tử dù sao cũng sinh ra trong xã hội Bà La Môn, một xã hội kỳ thị, coi rẻ phụ nữ một cách cực đoan.  Đức Phật luôn luôn sống trong Chân Đế nhưng Người cũng không thể phủ nhận Tục Đế, ở đây nên hiểu là những quy ước trong xã hội.  Nhưng rồi Đức Phật đã làm một cuộc cách mạng:  đặt chân lý mà Người ngộ được lên trên những quy ước xã hội, và quyết định chấp thuận cho lập Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni.  Để hiểu rõ quyết định dũng lược vượt thời gian, không ai hơn, không ai bằng này của Đức Phật, chúng ta cần phải đi vào một chút lịch sử nhân loại, và nhất là lịch sử Ấn Độ thời bấy giờ.

Vấn đề kỳ thị Nữ giới, coi Nữ giới thấp kém hơn Nam giới là một vấn đề có thể nói là phổ quát trên khắp thế giới, và còn kéo dài cho tới tận ngày nay ở nhiều nơi, nhất là trong các tôn giáo thờ thần như Hồi Giáo, Công Giáo, Do Thái Giáo và cả trong những xã hội văn minh tân tiến nhất như Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn v..v.. mà chúng ta thường rất ngưỡng mộ những giá trị vật chất của họ.  Trong Công Giáo, Nữ giới không được làm Linh Mục, chỉ có thể làm “sơ” và từ giáo lý “Cha cũng như Chúa”, phải hoàn toàn làm thuộc hạ của các Cha, tuyệt đối phải nghe lời “bề trên”.  Ở nhà thờ nào có Cha là ở đó có các “sơ” phục vụ.  Cha muốn là Chúa muốn, Ý Cha là ý Chúa, Cha có thể thay Chúa rửa tội và tha tội cho con chiên, gọi Thánh Linh về ngự trong người con chiên v..v…  Nhưng cũng vì vậy mà đã xảy ra vụ các “Cha cũng như Chúa” đã hiếp dâm các “sơ” trong 23 quốc gia trên thế giới, có lẽ dưới hình thức để ban ân sủng của Chúa cho “sơ”.  Do Thái Giáo không có Rabbi đàn bà.  Còn Hồi Giáo thì khỏi nói.  Con gái còn không được phép đi học ở nhiều nơi.  Trong các quốc gia theo Phật Giáo Nam Tông cũng vậy, Thái Lan không cả cho phép Tỳ Kheo Ni, nếu có, được đi nhiễu quanh Tháp Phật.

Riêng ở Ấn Độ thời Đức Phật tại thế, sự kỳ thị Nữ giới còn được viết trong Luật Manu (Manu-smirthi): Là người con gái, là người đàn bà trẻ, hay ngay cả là người đàn bà già, không được tự tiện làm điều gì, ngay cả trong nhà mình.  Khi còn trẻ một người Nữ phải nghe lời cha, khi lấy chồng phải nghe lời chồng, khi chồng chết phải nghe lời con; một người nữ không bao giờ được quyền độc lập ("By a girl, by a young woman, or even by an aged one, nothing must be done independently, even in her own house. In childhood a female must be subject to her father, in youth to her husband, when her lord is dead to her sons; a woman must never be independent". (Laws of Manu, V, 147-8)).

Ngoài ra, Nữ giới không được quyền tham dự các lễ tiết tôn giáo, không được đọc Kinh Vệ-Đà.  Nói tóm lại, trong thời Đức Phật tại thế, dựa vào Kinh Vệ-Đà-Áo Nghĩa Thư, phụ nữ Ấn Độ bị loại ra ngoài mọi hoạt động xã hội và tôn giáo (Swarna de Silva in The Place of Women In Buddhism, 1994: The primordial principle in the Vedic-Upanishadic philosophy which was dominant in the Buddha's time, was the male-principle (purusha), and this provided justification for the exclusion of women generally from social and spiritual activity.)

Từ những sự kiện trên, chúng ta mới có thể thấy Đức Phật đã vĩ đại như thế nào khi Người chấp thuận thành lập Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni cho Nữ giới.  Đây là một thông điệp phổ quát, dành cho toàn thể nhân loại, không hề có bất cứ một sự phân biệt nào về chủng tộc, giai cấp xã hội, hay giới tính.   Một trong 10 danh hiệu của Đức Phật là “Thiên nhân sư” (Satta devamanussanam), nghĩa là Thầy dạy của các Thiên Chúa và Người (Teacher of gods and humans).  Người đây bao gồm cả Nam và Nữ chứ không dành riêng cho Nam như Kinh Vệ-Đà- Áo Nghĩa Thư.  Giáo lý căn bản của Đức Phật là chỉ đường cho mọi chúng sinh đến giải thoát, bất kể họ ở trong cảnh giới nào mà họ đang sống hay mang thân Nam hay Nữ.  Đức Phật đã đi trước thời gian 25 thế kỷ, đã giải phóng người phụ nữ trong tinh thần bình đẳng tuyệt đối.  Người Nam và người Nữ thể chất khác nhau, công năng sinh lý, sinh học khác nhau, nhưng về mặt trí tuệ và trên con đường tâm linh,  giữa hai giới có sự bình đẳng tuyệt đối. Nhớ lại chuyện có một vị Vua nào đó buồn phiền vì sinh con gái, Đức Phật đã khuyên giải: sinh con gái nhiều khi còn tốt hơn là sinh con trai.

Sau đây chúng ta hãy đi vào vài điều trong Bát Kỉnh Pháp. 

Trước hết là Điều 1: Một Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ cũng phải đứng giậy cúi đầu chắp tay đảnh lễ trước một Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc được một ngày. (A nun who has been ordained even for a century must greet respectfully, rise up from her seat, salute with joined palms, do proper homage to a monk ordained but that day.)

Câu này có nghĩa là một Tỳ Kheo Ni, dù đã đi tu được 100 năm rồi, khi thấy một Tiểu Tăng mới tu được một ngày, cũng phải đứng giậy cúi đầu chắp tay đảnh lễ ông Sư trẻ này.  Cái lôgíc trong câu này là như thế nào, hay cho rằng muốn hiểu Kinh Phật không cần dùng đến lôgíc?  Sau đây chúng ta hãy điểm qua vài lôgíc của những vị phát dị ứng với lôgíc, kèm theo vài lời bàn của Phúc Lâm:

Thích Lệ Thọ: Tăng Ni không  như Nam và Nữ bình thường, đồng thời giáo lý của đức Phật không là “bình đẳng hình thức” như xã hội lập ra, nên có rất nhiều trường hợp Logic lại sai với thực tế, và chính Albert Enstain [sic] đã thừa nhận rằng: “Thành công của tôi có đến 90%   là sai khi đặt ra những giả thuyết!” [Phúc Lâm:  Lôgíc không thể sai với thực tế vì lôgíc chính là phương pháp luận để đi đến thực tế.  Một trong những định nghĩa của lôgíc là: lý luận có giá trị, đặc biệt là để phân biệt với những luận điệu vô giá trị hay phi lý (Valid reasoning, esp. as distinguished from invalid or irrational argumentation), thí dụ như câu dẫn chứng Albert Enstain [sic] đã thừa nhận rằng: “Thành công của tôi có đến 90%  là sai khi đặt ra những giả thuyết! Kinh Phật không phải là những giả thuyết mà là những chân lý Đức Phật đã ngộ được.   Tôi cũng chưa đọc được câu trên của Albert Einstein ở đâu.  Thành công mà đến 90% là sai mà có thể gọi là thành công được hay sao?  “Giáo lý của đức Phật không là “bình đẳng hình thức” như xã hội lập ra”?  Có thật như vậy không?  Trong Tăng đoàn của Đức Phật có đủ mọi hạng người, không hề phân biệt giai cấp, đó không phải là “bình đẳng hình thức” để phá cái “bất bình đẳng hình thức” trong xã hội hay sao?  Nhưng mà Thầy Lệ Thọ lôi Einstein vào đây làm gì?  Để chứng minh Phật Giáo không cần đến lôgíc?]

TieuTang:  Bát kỉnh pháp chính là thuốc để đối trị với nghiệp mang thân nữ của họ. [Phúc Lâm: Cũng vì “nghiệp mang thân Nữ” mà Việt Nam ta có Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Ni Sư Trí Hải, Diệu Không, Đàm Lựu v.. v..  Cũng vì “nghiệp mang thân Nam” mà Việt Nam có Trần Ích Tắc, Trần Bá Lộc, Trần Lục, Hoàng Quỳnh, Ngô Đình Diệm v..v.. Vậy lấy cái gì để đo “nghiệp mang thân nữ” với “nghiệp mang thân Nam”?  Xin đừng tổng quát hóa vấn đề, tôi chỉ muốn nói rằng, nam hay nữ có người thế này thế nọ, chứ không thể lấy thiên kiến hẹp hòi của mình về “nghiệp mang thân nữ” gán cho Đức Phật, bắt Người phải “đối trị” theo ý mình.  Quan niệm về “nghiệp mang thân nữ” là một quan niệm kỳ thị cổ hủ đã lỗi thời, vô căn cứ, hàm ý nữ giới thấp kém “có những khuyết điểm về kết cấu tâm sinh lý, có khuynh hướng nhẹ dạ yếu mềm, dễ dàng rơi vào tội lỗi, dễ bị khuyến dụ đi trên con đường kém đạo Đức v..v..” (Thích Minh Thông trong bài Bát Kỉnh Pháp) có nhiều tính xấu hơn nam giới, nên cần phải “đối trị”.  Nam nữ khác nhau về thể chất, về phương diện sinh lý và cấu trúc sinh học chứ không phải về nghiệp.  Nên nhớ, theo thuyết luân hồi của Phật Giáo, rất có thể kiếp sau TieuTang cũng như bất cứ người Nam nào, đều có thể sẽ sinh ra là người nữ.]

Chúng ta nên để ý là trong những luận điệu chống đối bài giảng về Bát Kỉnh Pháp, hầu hết chỉ là viết theo cảm tính và không đưa ra một lý luận nào để phản bác lập luận của Thầy Nhật Từ.  Tôi xin lấy một vài thí dụ điển hình:

VuithoiBài giảng này nếu nhìn dưới một công trình nghiên cứu thì rất hay nhưng nếu nói đủ để đề nghị bỏ Bát Kỉnh Pháp thì còn xa lắm. Vì thầy Thích Nhật Từ chỉ theo suy luận và dựa vào phương pháp luận của khoa học thực nghiệm chứ chưa thể nghiệm, chưa quán thấy được căn cơ chúng sanh và cũng chưa thực thấy việc này thật sự có lợi ích cho việc tu học của chư Tăng chư Ni mà để đi đến kết luận. [Phúc Lâm: Viết như trên, tác giả chứng tỏ là mình đã thể nghiệm, quán thấy, thực thấy v..v.. nhưng lại không hề nói rõ ra là mình đã thể nghiệm Bát Kỉnh Pháp [dành cho Tỳ Kheo Ni] như thế nào, và mình đã quán thấy căn cơ chúng sanh như thế nào, và cũng không hề chứng minh là Bát Kỉnh Pháp có ích lợi cho việc tu học của chư Tăng chư Ni như thế nào.  Cho nên những lời viết như trên thực sự là trống rỗng, chỉ có trên mặt văn tự]

Thích Như Tấn: Thử hỏi vị TS Nhật Từ đã hiểu chưa? Và như thế nào là bình đẳng? TS Nhật Từ đã hiểu chưa? Nếu chưa hiểu thì hãy nên thành tâm sám hối những lời nói ngông cuồng của mình, rồi quán chiếu tu tập để được có trí tuệ mà thấu triệt những lời dạy của Phật. Nếu đã cho là mình thấu hiểu rồi, thì khỏi cần bàn nữa, vì những kẻ này chỉ là hạng nhất xiển đề đối với Tam bảo không có lòng tin, chỉ là những ma quân đầu thai vào Phật pháp để phá hoại, nói như vậy, vì xét theo lịch sử truyền thừa hơn 2500 năm chưa có vị Tổ sư nào dám sửa đổi luật do Đức Phật nói ra, bây giờ TS Nhật Từ là thứ nhất, phải nói vị này chưa có một lòng tin nào về Phật, chưa hiểu được danh từ “Phật bảo” là như thế nào? [Phúc Lâm: Cũng như Vuithoi, tác giả hàm ý mình đã hiểu những điều Thầy Nhật Từ chưa hiểu, nhưng cũng không hề trình bày là mình đã hiểu thế nào là bình đẳng và đã thấu triệt những lời dạy của Phật như thế nào.  Người Hà Nội đã phê bình như sau: Tại sao Dieu Ho Que Huong (alias Thich Như Tấn) chống đối bài giảng của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ.  Có phải là vì cho rằng mình đã thấu hiểu đúng mà Tỳ Kheo Thích Nhật Từ hiểu sai.  Vì vậy mới chống đối chứ, có phải không.  Nhưng “Nếu đã cho là mình thấu hiểu rồi, thì khỏi cần bàn nữa, vì những kẻ này chỉ là hạng nhất xiển đề đối với Tam bảo không có lòng tin, chỉ là những ma quân đầu thai vào Phật pháp để phá hoại”  Vậy là Dieu Ho Que Huong (alias Thích Như Tấn) đã tự mình xếp hạng mình rồi đó. (Kể ra Người Hà Nội phê bình cũng được đấy chứ? )].

Có lẽ chỉ có Thầy Thích Đồng Trí là đi thẳng vào việc bình luận điều thứ 1 trong Bát Kỉnh Pháp để phản biện Thầy Nhật Từ.  Thầy biện giải dài lê thê trên mấy trang giấy nhưng tiếc thay lại không đi vào chính chủ đề.   Tôi xin trích dẫn một vài đoạn trong phần này để chứng minh.

Thích Đồng Trí: “Một khi hình thành hai bộ chúng : Tăng đoàn và Ni đoàn, vấn đề đầu tiên đặt ra là nghi thức chào hỏi nhau giữa Tăng và Ni. Gặp nhau không thể không chào hỏi vì chào hỏi sẽ bày tỏ được sự cảm thông, hòa hợp, kính trọng nhau giữa những người cùng chí hướng xuất trần…

…Khi đi ngoài đường, Tu sĩ Phật Giáo luôn chánh niệm tỉnh giác, ý thức từng bước đi, thiền hành quán sát, tâm trí không rảnh rang cho việc chăm chú các đối tượng, cảnh sắc bên ngoài. Hơn nữa các vị thường cúi đầu xuống, không phóng tầm mắt quá xa…  Do đó, khi gặp nhau ngoài đường, chuyện giới tính ( Tăng hay Ni) thì rất dễ nhận biết qua màu sắc, y phục và dáng đi nhưng tuổi tác rất khó nhận biết vì lo việc niệm tưởng, kinh hành quán sát và không cố ý nhìn thẳng vào mặt để xem vị Tăng đó, Ni đó là ai. Khi gặp giữa đường thì dù vị Tăng đó là ai, vị Ni đó là ai thì chuyện đó cũng không cần phân biệt và không quan trọng vì đâu có hỏi nói hay học hỏi gì nhiều lúc đang đi? Trong tâm thì Tăng Ni kính trọng nhau sẵn rồi, kính trọng về lý tưởng giải thoát và cứu độ chúng sanh, đó là chính yếu và thuộc về tánh. Còn về mặt hình tướng và biểu hiện thì câu hỏi đặt ra là : giữa Tăng và Ni ai sẽ chào hỏi ai trước khi gặp nhau?”

[Phúc Lâm:  Có lẽ Thầy Thích Đồng Trí không đọc kỹ điều thứ nhất trong Bát Kỉnh Pháp.  Đây là một luật về “đảnh lễ” và về số hạ lạp chứ không phải là chuyện chào hỏi nhau thông thường khi Tăng Ni gặp nhau.  Hơn nữa, nếu một vị Tăng đang đi Thiền hành quán sát, hay đang ngồi Thiền thì không ai nên quấy rối bằng một cuộc chào hỏi thông thường.  Cư sĩ chúng tôi đều biết như vậy, một Tỳ Kheo Ni không thể không biết đến điều sơ đẳng này.  Vậy lý luận phản biện của Thầy có vẻ hơi lạc đề.  Điều 1 trong Bát Kỉnh Pháp không có đặt vấn đề giữa Tăng và Ni ai sẽ chào hỏi ai trước khi gặp nhau?  mà là Một Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ cũng phải đứng giậy cúi đầu chắp tay đảnh lễ trước một Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc được một ngày. (A nun who has been ordained even for a century must greet respectfully, rise up from her seat, salute with joined palms, do proper homage to a monk ordained but that day.)  Trong bài “Ai Đủ Tuệ Giác Để Bỏ Bát Kỉnh Pháp”,   Tỳ Kheo Thích Nhựt Chấn có trích một điều trong Giới Bổn Tỳ Kheo Ni như sau: Điều 175: “Tỳ-kheo-ni nào, dù 100 tuổi hạ, thấy tỳ-kheo mới thọ giới mà không đứng dậy nghinh đón, cung kính lễ bái, hỏi chào, ba-dật-đề.”  Như vậy, văn tự đã rất rõ ràng, có nghĩa là một bà già trên trăm tuổi đang ngồi, thấy một Tiểu Tăng mới tu được một ngày đi tới, cũng phải đứng giậy (nếu còn đủ sức) cúi đầu chắp tay “đảnh lễ”.  Thực tình tôi không tin ở con số 100 đâu, mà cho rằng điều luật trên qui định là Tỳ Kheo Ni, bất kể là đã tu tập được bao lâu, cũng phải làm đủ lễ nghi trước một Tăng nhân mới xuất gia được một ngày, và lẽ dĩ nhiên Đức Phật chẳng bao giờ đưa ra một điều luật quá phi lý như vậy, bất kể chúng ta giải thích luật đó như thế nào.  Phật Giáo là tôn giáo rất tôn trọng kinh nghiệm tu tập, nghĩa là tuổi đạo chứ không phải là tuổi đời.  Do đó nhưng người vào Đạo sau, bất kể tuổi tác như thế nào, đều phải kính trọng, đảnh lễ, và học hỏi những người đi trước]

Thầy Đồng Trí còn giải thích việc đảnh lễ của Tỳ Kheo Ni như sau:

Vì cần có sự tướng, cần có sự nhắc nhở cho việc tu tập và cùng lo Phật sự, cần có nghi thức khi liên hệ chào hỏi nhau và đặc biệt có tác dụng lớn cho những vị Ni mới xuất gia sơ cơ hậu học, chưa tỏ ngộ Phật Pháp và thể tánh thì cần phải nương, quy y, đảnh lễ, cung kính và vâng hành nên Phật chế ra việc đảnh lễ này.  [Phúc Lâm:  Thầy Đồng Trí lại vẫn lẫn lộn giữa một luật cho Tỳ Kheo Ni, một điều kiện để được gia nhập Tăng đoàn, với nghi thức liên hệ chào hỏi nhau.   Phải chăng nghi thức này, “Tỳ-kheo-ni nào, dù 100 tuổi hạ, thấy tỳ-kheo mới thọ giới mà không đứng dậy nghinh đón, cung kính lễ bái, hỏi chào, ba-dật-đề.”, đặc biệt có tác dụng lớn cho những vị Ni mới xuất gia sơ cơ hậu học, chưa tỏ ngộ Phật Pháp…?  Nhưng một Tỳ Kheo Ni đã có 100 tuổi hạ  thì có phải là bậc mới xuất gia sơ cơ hậu học so với một Tỳ Kheo mới xuất gia được một ngày không?  Cho nên lý luận phản biện của Thầy Đồng Trí không phải là phản biện vì nó không đi vào đúng chủ đề mà lái sang vấn đề khác]

Cuối cùng Thầy Đồng Trí còn đề nghị với Thầy Nhật Từ là:

Nếu Thầy Nhật Từ thấy điều này bất công phi lý thì Thầy hãy thử thực hành điều ngược lại : Trước khi Thầy dạy lớp Ni Thầy đảnh lễ Ni chúng tam bái [Phúc Lâm:  Đề nghị này vô lý, thấy bất công thì xóa bỏ bất công chứ làm ngược lại để thực hiện một bất công khác hay sao?  Đề nghị này có tính cách “chọc quê” Thầy Nhật Từ chứ chẳng phải là phản biện với lý luận, nhưng Thầy Đồng Trí chắc không thể ngờ được là nó lại có phản tác dụng, chọc lại chính mình.]

Bây giờ chúng ta sang điểm thứ 6 trong Bát Kỉnh Pháp: Tỳ Kheo ni phải tu tập 6 giới trong 2 năm rồi mới được xin thọ giới Cụ Túc trước hai bộ Tăng.  

Nhưng khi Đức Phật chấp thuận cho Bà Maha Prajapati cùng 500 phụ nữ trong hoàng phái được gia nhập Tăng đoàn (theo nghĩa rộng) thì làm gì có điều kiện này.  Họ được kết nạp ngay, đâu có phải qua một thời gian thử thách là 2 năm?  Đây là một điểm rất khó giải thích nếu cho rằng Bát Kỉnh Pháp là do chính Đức Phật đặt ra.  Nếu thực sự Đức Phật đã đặt ra Bát Kỉnh Pháp là điều kiện “sine qua non” mà Tỳ Kheo Ni phải chấp hành nếu muốn gia nhập Tăng đoàn, thì Bà Maha Prajapati và 500 phụ nữ đi theo Bà là những người đầu tiên phải chấp hành điều luật này, nhưng không có một văn kiện nào để lại nói rằng Bà Maha Prajapati và 500 phụ nữ kia đã phải trải qua 2 năm tu tập 6 giới trước khi được chính thức làm Tỳ Kheo Ni.  Có  tài liệu ghi rằng, Bà Maha Prajapati đã xin với Đức Phật bỏ đi điều thứ nhất nhưng không được chấp thuận.  Đây là một vấn đề còn trong vòng nghi vấn.  Thật ra, điều thứ 6 này nên áp dụng cho Tăng và Ni ngày nay hơn là trong thời Đức Phật còn tại thế.  Hình như đây cũng là một đề nghị của Thầy Nhất Hạnh trước đây :  Hãy tu thử đã, và sau một thời gian vài năm,  nếu hội đủ các yếu tố đạo đức và ý chí tu hành  rồi hãy chính thức xuất gia tu thực.

Trở lại điều thứ hai trong Bát Kỉnh Pháp:

 

 

Một Tỳ Kheo ni không được an cư kiết hạ ở nơi nào không có Tỳ kheo ở.

Đến đây thì chúng ta phải kể đến một luận cứ rất khoa học của Thầy Nhật Từ để chứng minh là Đức Phật không thể nói câu này.  Thầy Nhật Từ giảng:

Chúng ta phải xét một sự kiện rất là quan trọng, lịch sử ra đời của truyền thống an cư (56p:11s). Chúng ta biết là Bát kỉnh pháp được thành lập vào năm thứ 5 hoặc năm thứ 6 sau khi thành lập đạo. Trong khi đó hệ thống của an cư kiết hạ, những điều khoản về định tội, trị phạt, tự tứ, bố tát được thành lập theo đại đa số các bộ luật đó là năm thứ 20 sau khi đức Phật thành đạo. Rõ ràng chúng ta thấy có một cái mâu thuẫn về tính thời gian, không có logic với nhau

… Giới luật được thiết lập sau 20 năm. Hệ thống an cư, bố tát, định tội, trị phạt cũng nằm trong năm 21 trở đi. Trong khi đó ở năm thứ 6 này, chúng ta đã nghe cái câu điều lệ thứ hai: Ni không được tổ chức an cư ở những nơi không có Tăng. Chúng ta thấy nó vô lý không? Thời điểm đó làm gì có cơ chế an cư mà có nội dung đó?

… Từ đó chúng ta có thể khẳng định được rằng câu nói này, nó được ra đời từ thời Phật nhập niết bàn. Còn nó nằm ở trong lần biên tập thứ nhất thứ hai, thứ 3 thừ 4 thì không ai đám xác quyết. Bởi vì với lòng tin tưởng và tuệ giác của các bậc A la hán thì các ngài không thể có những cái nhìn giới hạn về giới tính như vậy được. Mà lần biên tập đầu tiên toàn là nhưng bậc A la hán không. Cho nên chúng ta pải có niềm tin tuyệt đối vào đại A la hán là tuệ giác, giống như các vị đại Bồ tát không thua không kém. Cho nên tình trạng đó có thể được đưa vào sau thời kỳ biên tập kinh điển lần thứ nhất. Bằng không chúng ta thấy nó vô lý, làm gì có giới luật mà nói có an cư và nó kéo theo các điều khoản 3, 4 và 5 cùng chung cấu trúc này.

Trên đây là phần lý luận dựa vào sự bất phù hợp giữa thời gian mà chúng ta cho là Đức Phật dạy  Bát Kỉnh Pháp và thời gian định cơ chế an cư, tự tứ, bố tát v..v..   Nhưng theo tôi, vấn đề chủ yếu mà Thầy Nhật Từ muốn nêu lên là:

 Liệu là cái nhu cầu bảo vệ đó có cần thiết trong thời đại ngày hôm nay hay không? Khi mà chư Ni đã có những cái chùa riêng và chùa của họ lớn hơn chùa của Tăng và họ cũng đâu hề có lời thỉnh cầu bảo hộ nào đâu, mà mình cũng chưa hề bảo hộ họ lần nào, ngày nào cả.
Tôi không thấy luận cứ phản bác nào đi vào điểm này mà chỉ tìm cách diễn giải những lợi ích của điều luật này … trong thời Phật còn tại thế.  Sau đây là một vài “lý luận” về điều thứ hai trong bát Kỉnh Pháp:

Thích Như Chấn: Xét về tính an toàn trong đời sống thời đại xưa, đoàn thể Ni chúng là những người từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong một xã hội mạnh được yếu thua, nhiều trộm cướp; nếu không có sự bảo hộ của Tăng thì điều gì sẽ xảy ra?

Thầy Thích Đồng Trí đồng ý với Thầy Nhật Từ ở điểm là có vấn đề bất phù hợp về thời gian nêu trên, nhưng Thầy cũng không trả lời thẳng vào câu hỏi chủ yếu của Thầy Nhật Từ mà chỉ nói về những lợi ích của điều thứ hai trong Bát Kỉnh Pháp, nhưng tất cả chỉ nói về thời gian khi Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni mới được thành lập trong những điều kiện xã hội thời bấy giờ.  Riêng về vấn đề an cư, Thầy Đồng Trí phản bác như sau:

Đúng là hệ thống giới luật được thiết lập và ban hành đầy đủ về giai đoạn sau này ( theo nhiều tài liệu thì Giới Bốn Ba La Đề Mộc Xoa được hình thành vào năm thứ mười ba sau ngày Phật thành Đạo).  Tuy nhiên việc an cư thì mùa hạ nào Phật và Giáo Đoàn cũng an cư. Chúng ta có thể đọc trong sách Đức Phật và Phật Pháp để biết vị trí và những gì xảy ra trong Hai Mươi Hạ Đầu Tiên của Đức Phật.

Trong bài, Thầy Đồng Trí đã nhiều lần trích dẫn từ cuốn Đức Phật và Phật Pháp do Phạm Kim Khánh dịch cuốn The Buddha and His Teachings của Đại Đức [Chưa phải là Hòa Thượng] Narada Maha Thera để làm hậu thuẫn cho phần lý luận của mình.  Cuốn sách này được xuất bản năm 1964 tại Kỳ Viên Tự, Saigon, dựa trên một bản thảo đã xuất bản từ năm 1942 đã được duyệt sửa và thêm bớt nhiều.  Như được viết trên đầu cuốn sách : Cuốn sách này có thể xem là sách căn bản cho ai muốn tìm hiểu Phật Giáo Nguyên Thủy.  Đại Đức Maha Thera là người Tích Lan, theo Phật Giáo Nguyên Thủy.   Đọc cuốn Đức Phật và Phật Pháp chúng ta thấy nội dung không ngoài những điều mà tác giả học được và tin trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy.  Đây không phải là một cuốn sách trong lãnh vực học thuật mà là thuộc lãnh vực tín ngưỡng.

Thầy Đồng Trí viết:  Chúng ta có thể đọc trong sách Đức Phật và Phật Pháp để biết vị trí và những gì xảy ra trong Hai Mươi Hạ Đầu Tiên của Đức Phật.  Nhưng nếu đọc kỹ những chuyện trong Hai Mươi Hạ Đầu Tiên của Đức Phật thì chúng ta thấy nhiều chuyện thuộc về truyền thuyết (Legends) mà chính Đại Đức Narada Thera lấy từ cuốn “Buddhist Legends” ra, cùng với những câu trong Kinh Pháp Cú và Giới Bổn.  Đại Đức Narada Thera cũng không ghi xuất xứ tài liệu về Hai Mươi Hạ Đầu Tiên của Đức Phật từ đâu mà ra.  Tôi xin trích dẫn vài đoạn trong Hai Mươi Hạ Đầu Tiên của Đức Phật và xin thỉnh ý kiến của Thầy Đồng Trí.

Trang 190: Hạ thứ sáu – tại đồi Mankula, trong Kosambi, gần Aliahabad:   Cũng như trước kia Ngài dùng phép Yamaka Patihariya, làm cho lửa và nước đồng thời từ lỗ chân lông phun ra, để chế ngự tính ngã mạn của thân bằng quyến thuộc tại quê nhà, nơi đây Ngài dùng lại phép ấy lần thứ nhì để thâu phục những người khác đạo.  [Phúc Lâm: Đức Phật không dùng Chánh Pháp mà lại dùng trò quỷ thuật để thâu phục những người khác đạo?  Còn có gì có thể hạ thấp Đức Phật hơn nữa không?]

Hạ thứ bảy – tại cung Trời Đạo-Lợi (Tavatimsa):   Trong hạ thứ bảy Đức Phật thuyết Vi Diệu Pháp (Abhidamma) cho chư Thiên ở cung Trời Đạo-Lợi và vị Trời trước kia là hoàng hậu Ma-Da (nghĩa là Mẹ Đức Phật đã chết sau khi sanh Đức Phật) từ Đấu-Xuất đến Đạo Lợi nghe Pháp.  Mỗi ngày Đức Phật trở về quả địa cầu để tóm tắt bài Pháp cho Ngài Xá-Lợi-Phất và Ngài Xa-Lợi-Phất giảng rộng giáo lý ấy cho hàng đệ tử.

Nếu chúng ta có thể tin những điều trên thì không có gì cần phải bàn cãi thêm.  Nếu không thì nêu 20 hạ đầu tiên của Đức Phật trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp ra để phản bác luận cứ của Thầy Nhật Từ thì tôi cho là không có tính cách thuyết phục.  Nhưng có vẻ như Thầy Đồng Trí rất tin những chuyện này, vì trong một đoạn sau Thầy đã nhắc lại Hạ Thứ Bảy mà Thầy đã tin rằng Đức Phật đã lên cung trời ba mươi ba để thuyết Pháp cho mẹ [đã chết] để “chứng minh” về sự hiện hữu của ảnh tượng Phật trong thời Phật tại thế.

Tôi nghĩ phần góp ý kiến của tôi ở trên về Bát Kỉnh Pháp cũng đã đủ để nói lên những điều tôi muốn nói.  Về vấn nạn Bát Kỉnh Pháp nói riêng, vai trò phụ nữ trong Phật Giáo nói chung, Thầy Chân Như đã đưa lên hai bài: Tám Điều Luật Khắt Khe Dành Cho Chư Ni của Tiến sĩ Amasiri Weeraratne; Bát Kỉnh Pháp: Tầm Quan Trọng Và Những Vấn Đề của Ven. Maha Narin Sea Liu  do Thích Nữ Liên Hiếu dịch, và bài Ni Giới Đài Loan Vận Động Hủy Bỏ Bát Kỉnh Pháp do Thầy Thích Giải Hiền, Du Học Tăng tại Đài Loan  tường trình.   Ngoài ra, muốn đi sâu thêm vào vấn đề, chúng ta có thể đọc phần trả lời của Tỳ Kheo Ni Chatsumarn Kabilsingh trước 36 câu hỏi về Tỳ Kheo Ni , và những bài The Place of Women in Buddism của Swarna de Silva; Women in Buddhism của Ven. Patti Nakai; The revival and survival of Buddhist nuns, Ven. Bhikkhuni Gotami (Dr Prem Suksawat), Bangkok Post, 18 February 2001; A path less travelled, Atiya Achakulwisut, Bangkok Post, 17 April 2001; Her holiness, Atiya Achakulwisutu, Bangkok Post, 30 May 2001; A nun's life has limited appeal, Sanitsuda Ekachai, Bangkok Post, 05 July 2001; The Dhammananda controversy, Sanitsuda Ekachai, Bangkok Post, 22 September 2001; Women in Buddhism: Planting the Seed of Peace, Aree Chaisatien, Nation Multimedia, October 5, 2001;  A New Dawn for Women’s Rights, After a Millennium, World Buddhists Affirm Equality for Women In Unprecedented Internal Ordination Ceremony Under the Tree of Enlightenment.
February 15-23, 1998 -  Bodhgaya, India, Hsi Lai Temple's Web Site, California,
http://english.hsilai.org/english2/newdawn.htm;  Revival of the Bhikkhuni Order in Sri Lanka, D. Amarasiri Weeraratne; Women's Ordination, Bhikkhu Punnadhammo, Arrow River Community Center, Canada v..v..

Trước khi kết luận, tôi xin có vài ý kiến về  một câu của Toi Đi Tim ToiTS. Nhật Từ là một con người có tài "tranh luận". Từ những năm còn theo học tại học viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh khóa III (khi đó là Trường cao cấp Phật học), TS. Nhật Từ đã được biết đến là người thích "tranh luận".  [Thế “Toi di tim toi” xông vào phapthoai.net để làm gì?  Để moi móc đời tư của Thầy Nhật Từ?]

Phúc Lâm:  Khi xưa chính Đức Phật cũng đã từng tranh luận với ngoại đạo để giải hoặc và chuyển hóa họ.  Trong Mật Tông, tranh luận là một môn học mà Tăng sinh phải thực tập hàng ngày.  Vậy vấn đề không phải là thích hay không thích tranh luận, mà là tranh luận trong tinh thần như thế nào, có cần thiết không?

Phật Giáo nhà ta có hai cụm từ: “Nói năng như Chánh Pháp”“Im lặng như Chánh Pháp”.  Năm 1991, trong khi các quý Thầy khác “Im lặng như Chánh Pháp” thì Thầy Nhật Từ đã lên tiếng “Nói năng như Chánh Pháp”, gây chấn động dư luận quốc nội qua một bài thuyết trình Phê Bình “Thần Học Ki Tô Giáo Theo Cung Cách Á Châu” của Mục sư Tống Tuyền Thịnh, chủ đề của cuộc hội thảo do Ủy Ban Đoàn Kết (sic) Công Giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.  Nội dung Tuyển Tập “Thần Học Ki Tô Giáo Theo Cung Cách Á Châu” của Mục sư Tống Tuyền Thịnh là xuyên tạc Phật Pháp để hạ thấp Phật Giáo, và Thầy Nhật Từ đã vạch ra những sai lầm trong tuyển tập trên cùng lúc khai ngộ cho thính chúng Chánh Pháp của Đức Phật.  Toi Di Tim Toi cho rằng Thiên Chúa Giáo cũng có lý lẽ của họ, có thắng được họ đâu?  “Tranh luận” là để tìm ra lẽ thật, không phải để thắng.  Bài Phê Bình của Thầy Nhật Từ đã vạch ra bộ mặt thật của Mục Sư Tống Tuyền Thịnh và cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo tổ chức hội thảo để xuyên tạc chống phá Phật Giáo.

Năm 1999, một tín đồ “trí thức” Công Giáo, Phan Thiết, cho xuất bản cuốn Hành Hương Đất Phật với cùng mục đích như Mục sư Tống Tuyền Thịnh, nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá Phật Giáo.  Năm 2000, trong khi quý Thầy vẫn giữ thái độ cao quý “Im lặng như Chánh Pháp” thì Thầy Nhật Từ đã cùng với Giáo sư Trần Chung Ngọc “Nói năng như Chánh Pháp”cho xuất bản cuốn Vạch Trần Âm Mưu Phá Ngầm Phật Giáo để phản bác mưu đồ của Phan Thiết.  Bài của Thầy Nhật Từ trong cuốn Vạch Trần Âm Mưu Phá Ngầm Phật Giáo đã được đánh giá như sau:

 “Tự thân bài phê bình của Thích Nhật Từ có giá trị như một cuốn sách giáo khoa về Phật Giáo.  Để vạch ra những sai lầm căn bản của Phan Thiết viết về Phật Giáo, có thể điều này không mấy quan trọng đối với một tu sĩ Phật Giáo, tác giả đã soi sáng cho độc giả thấy đâu là kiến thức chân chánh về Phật Giáo, qua một bố cục trình bày chi tiết và chính xác về cách dùng thuật ngữ Phật Giáo, sự hiểu biết đúng về Kinh điển Phật Giáo và Giáo Lý Phật Giáo..Giá trị bài phê bình của Thích Nhật Từ thực ra không ở chỗ phê bình Phan Thiết, mà là ở chỗ vị tu sĩ Phật Giáo này đã cống hiến cho các độc giả, nhất là cho các Phật tử một kiến thức sâu sắc, vững chắc về Phật Giáo.  Tỳ Kheo Thích Nhật Từ đã làm tròn nhiệm vụ truyền bá Đạo Pháp của một Trưởng Tử Như Lai.”

Vậy thực chất tính “thích tranh luận” của Thầy Nhật Từ là như thế nào.  Hay là “nếu người ta tát má này thì nên đưa má kia cho người ta tát tiếp”,  một câu của Giê-su mà Thầy Đồng Trí khen là hay trong phần “Thay Lời Kết” của Thầy [Thầy không đọc những câu khác của Giê-su]. Nhưng ngày nay, trước một bài giảng về Bát Kỉnh Pháp của Thầy Nhật Từ thuộc loại phân tích nghiên cứu trong lãnh vực học thuật thì quý Thầy lại không thể “Im lặng như Chánh Pháp” được nữa mà một số đã cùng nhau thay vì giữ thái độ “im lặng sấm sét” của Bồ Tát Duy Ma Cật thì lại “Nói năng như Chánh Pháp”,  nhưng nghe cứ như là “nói năng như sấm sét” để “tố khổ” Thầy Nhật Từ.  Tôi chắc quý Thầy này không muốn tôi nhắc lại những đoạn đó ở đây.  Có thể quý Thầy này có dị ứng với “tranh luận”.

Thay Lời Kết.  

Không có mấy người biết là Phúc Lâm tôi vốn chẳng xa lạ gì với Người Hà Nội.  Chúng tôi thường xuyên gặp nhau bàn chuyện đời, chuyện Đạo, không hẳn chỉ là Đạo Phật.  Hôm nay mới gặp, tôi có bảo ông ta: Này ông! Ông có đọc Vuithoi và Thầy Đồng Trí phê bình bài của ông không, có ý kiến gì không?  Ông ta cười bảo: “Mấy Thầy viết sao thì mình nghe vậy thôi, mình là hạng bét trong hàng Tứ Chúng mà.”  Tôi nổi máu anh hùng: “Thế tôi viết thay ông có được không?”   Ông ta xua tay: “Ông muốn viết gì thì cứ viết theo ý ông, chứ đứng có đoán mò viết theo ý tôi ”  Tôi cười: “Tôi thừa biết ông nghĩ gì rồi, bạn bè thân thiết với nhau mà ông lại sút banh cho tôi.  Nhưng thôi, được, để tôi viết theo ý tôi vậy.”.  Vậy, tôi xin bắt đầu viết theo ý tôi với Vuithoi:

Vuithoi viết: “Người Hà-nội muốn đăng bài mình thì đăng thẳng lên đây như thầy Thích Chân Như đã làm.” [Phúc Lâm:  Nếu tôi không lầm thì Người Hà-nội đã nói là không dám gửi bài cho DaoPhatNgayNay.com và phapthoai.net, cho nên đã gửi cho giaodiem.com.  Thầy Thích Chân Như đưa lên là ý của Thầy Chân Như chứ không phải do lời yêu cầu của Người Hà-Nội.  Tôi có hỏi, Người Hà-nội nói rằng không biết Thầy Chân Như là ai, chỉ là “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” qua những bài trên phapthoai.net thôi.]

Vuithoi: “Bài viết của Người Hà-nội chưa đủ để Ban Điều Hành website này phải xóa”  [Phúc Lâm:  Vậy chắc Vuithoi ở trong ban điều hành phapthoai.net?  Nhưng Người Hà-nội không gửi bài cho phapthoai.net thì xóa hay không xóa cũng vậy thôi.  Vuithoi làm như Người Hà-Nội muốn đăng bài của mình lên phapthoai.net lắm hay sao?]

Vuithoi: ”vuithoi cũng là một cư sĩ như người Hà-nội và cũng biết rằng các thầy không coi trọng sự tu học của cư sĩ tại gia. Nhưng đối với vuithoi việc đó không quan trọng vì chỉ có người chưa chứng ngộ thật sự mới thấy như vậy thôi.”  [Phúc Lâm: Đọc kỹ Người Hà-Nội chúng ta thấy ông ta đâu có coi việc đó là quan trọng?  Ông ta nhắc lại một câu của một Thầy viết trên phapthoai.net dưới tên anhsangbinhminh: “Nếu là 1 cư sĩ họ không biết gì về giới luật họ chỉ nghe nói mà họ lên tiếng thì chúng tôi không có đề cập, cho dù có đề cập với vị cư sĩ đó cũng vô ích mà thôi.”  rồi viết: “Biết là vô ích, nhưng vô cũng là hữu…”. Vô cũng là hữu thì còn có gì là quan trọng nữa? Nhưng mà hỏi riêng vuithoi nhé: ở trên cái cõi đời ngày nay, ai là người đã chứng ngộ thật sự đây?  Người Hà-Nội tất nhiên là chưa chứng ngộ thật sự rồi.  Còn Vuithoi?  Mừng cho ông, vì ông đã chứng ngộ thật sự rồi (diễn ý câu ông viết).  Vuithoi là cư sĩ nhưng có người lại xưng ông là Thầy.]

Vuithoi: “Điều căn bản thứ nhất là trích trong kinh Nền Tảng Đức Tin và Người Hà-nội trích thiếu 1 đoạn kết rất quan trọng sau khi nói về 10 đức tin này” [Phúc Lâm: Khi Người Hà Nội đưa lên vài điều trong Kinh Nền Tảng Đức Tin là chỉ để nhắc nhở là Đức Phật đã dạy “Chớ Vội Tin” chứ không phải là “Đừng Tin”.  Đoạn cuối Đức Phật dạy khi nào thì mới tin rất quen thuộc, ai mà chẳng biết?  Hơn nữa trong một đoạn sau, Người Hà-nội có viết: “Trong Phật Giáo không có chuyện mù lòa tin bướng tin càn [lời của Thượng Tọa Thích Mật Thể]chữ Tín này phải là kết quả của sự hiểu biết qua quán chiếu, suy tư và thực nghiệm.  Không phải cứ bảo rằng đây là Kinh Phật là cứ việc nhắm mắt mà tin.  Cần phải biết xem đó có đúng là Kinh Phật hay không, có đúng là Phật nói như vậy không, có thể áp dụng được không, áp dụng có lợi hay có hại v..v.. rồi bấy giờ mới có thể tin, nếu sự áp dụng chúng mang lại lợi ich cho người cho ta và giúp ta thăng tiến trên con đường tu học.  Đây chính là lãnh vực của học thuật ngày nay.” Đoạn này chẳng phải là theo đúng lời Phật dạy sau khi Đức Phật đưa ra 10 điều về Nền Tảng Đức Tin là gì?]

Vuithoi: “Điều thứ 4 người Hà-nội muốn nói là kinh điển ngày nay không thể được coi là chính những lời của Phật dạy, mà được thêm thắt vào sau này.   [Phúc Lâm:  Đây là vuithoi nói chứ không phải là Người Hà-Nội muốn nói như vậy.   Vuithoi khôn lắm, cắt đi một đoạn đầu trong câu Người Hà-nội viết: Điều mà các học giả nghiên cứu về Phật Giáo ngày nay không còn nghi ngờ gì nữa là:  “Một số điều trong Luật Tạng – bao gồm một số Luật – không thể được coi là chính những lời của Phật dạy, mà được thêm thắt vào sau này.” rồi thay đoạn cắt đi bằng “kinh điển ngày nay” để chụp lên đầu Người Hà-Nội.  Xin vuithoi đọc thêm đoạn này của Người Hà-Nội rồi so với câu trích dẫn cắt xén của vuithoi xem có chỗ nào khớp không:  [Người Hà-Nội: Đức Phật không hề viết một chữ.   Các Kinh sách chỉ xuất hiện sau khi Đức Phật đã tịch diệt nhiều trăm năm và sau nhiều lần kết tập để ôn lại những lời Phật dạy.  Do đó,   thật là ngây thơ nếu chúng ta cho rằng Kinh điển Phật Giáo mà chúng ta có ngày nay hoàn toàn không có gì sai lầm hay không có gì mâu thuẫn vì trải qua hơn 2500 năm con người có rất nhiều cơ hội để cho những điều này xảy ra.  Lẽ dĩ nhiên, những thêm thắt sai lầm hay mâu thuẫn không phải là của Đức Phật.

Vuithoi cho rằng việc phản bác bài giảng của thấy Thích Nhật Từ không có gì không ổn cả.  Lẽ dĩ nhiên, có gì mà không ổn.  Có ai lên tiếng chống việc phản bác đâu?  Nhưng vấn đề là phản bác như thế nào, và thực sự có phải là phản bác theo tiêu chuẩn tranh luận trí thức hay không?  Vuithoi đọc lại một số luận điệu “phản bác” trên phapthoai.net rồi xin cho ý kiến về những luận điệu “phản bác” đó có ổn hay không, và đó có phải là phản bác trong tinh thần tranh luận trí thức hay không?

Phần bình luận của vuithoi về vài điều trong bài giảng của Thầy Nhật Từ trong bài Kính Gửi Người Hà-Nội, Phúc Lâm xin được phép không bàn tới.  Hết chuyện vuithoi nay Phúc Lâm xin phép sang chuyện buồn thôi.  Buồn vì miễn cưỡng phải góp ý kiến về vài điểm của một bậc Thầy, Thầy Thích Đồng Trí.  Trong phần Thay Lời Kết, Thầy Thích Đồng Trí cũng phê bình bài viết của Người Hà-Nội.   Người Hà-Nội giữ “im lặng như thế gian pháp” nhưng lại ngầm sút banh cho Phúc Lâm viết thay mà không phải là thay, vì đây là ý của Phúc Lâm chứ không phải của Người Hà-Nội.   Nhưng Phúc Lâm phải thành thực thú nhận là, trong phần sau đây, không ít thì nhiều cũng được Người Hà-Nội “cố vấn” về một số tài liệu.

Thầy Thích Đồng Trí  đưa ra 4 bằng chứng để bác bỏ điều mà Người Hà-Nội cho rằng không thể có “Tháp Phật” và “ảnh tượng Phật” nằm trong phần Chúng Học của Giới Bổn Tỳ Kheo Ni.  Nhưng đọc kỹ 4 bằng chứng này thì Phúc Lâm lại thấy rằng đó chỉ là những truyền thuyết đượm chất hoang đường và khó có thể phù hợp với Bậc đã đạt Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác như Đức Phật, nếu không muốn nói là có phần hạ thấp Đức Phật xuống hàng “Vô thượng sư Thanh Hải”.   Thật vậy, chúng ta hãy thử xem 4 bằng chứng Thầy Thích Đồng Trí đưa ra như thế nào.  Tôi xin lập lại nguyên văn phần sau đây của Thầy Thích Đồng Trí:

 

 

“Thế nhưng có ít nhất là bốn bằng chứng ghi rõ ràng trong kinh sách cho việc đã có Tháp Phật khi Phật còn đang tại thế :

Bằng chứng thứ nhất về Tháp Phật :

Sau khi vua Tần bà sa la và Hoàng Tử A Xà Thế nghe một câu chuyện tiền kiếp và thụ giáo một bài học có ý nghĩa thâm thúy từ Đức Phật, vua Tần bà sa la  trình bày tâm nguyện tha thiết đến Thế Tôn như sau :

"Bạch Ðức Thế Tôn, khi Ngài đi rồi, con sẽ không thể nào kính lễ Ngài, con sẽ không thể nào thường xuyên cúng dường Ngài, và điều đó làm con buồn lắm. Xin Ngài cho con một lọn tóc, xin Ngài cho con vài cộng móng tay, con sẽ tôn trí tất cả trong tháp giữa hoàng cung của con. Thế là con sẽ giữ được chút gì gọi là một phần thân thể của Ngài, và mỗi ngày, con sẽ kết hoa tươi, đốt hương quí để trang hoàng lễ bái trong tháp."

Ðức Thế Tôn biếu tất cả những gì mà Tần-bà-sa-la cầu xin, Ngài nói: "Hãy tôn trí tóc và móng tay này trong tháp, nhưng trông tâm con, hãy ghi nhớ những gì thầy dạy."

Vua Tần-bà-sa-la hoan hỷ trở lại hoàng cung, Ðức Thế Tôn lên đường sang thành Ca-tỳ-la-vệ.”

Bằng chứng thứ hai về Tháp Phật :

 Câu chuyện liên quan ý nguyện của cung phi XơRiMaTi  của Vua Tần-bà-sa-la

“Nhằm tiết xuân sang, trăm hoa đua nở. Trong rừng, các loài chim thi nhau ca hát vui mừng. Vua và Hoàng hậu, có cung phi mỹ nữ theo hầu, xuất hành ngự đến vườn hoa trong Rừng Tre. Cung phi tâu:

-  "Tâu bệ hạ, ban ngày chúng tôi không thể đến hầu Phật. Vậy xin bệ hạ cho lập trong cung một ngọn Tháp thờ tóc và móng tay của Ðức Thế Tôn. Chúng tôi sẽ được vọng bái thường thường và cúng dường Phật các thứ bông hoa, hương thơm, tàn lọng, cờ phướn".
Vua Tần Bà Ta La bèn đến bạch Phật: "Cúi xin Ngài ban cho chúng con tóc thừa và móng tay dư để thờ. Chúng con định xây một ngọn Tháp trong cung để phụng thờ Thế Tôn. Ðức Phật ban tóc và móng tay cho vua. Rồi đó, vua Tần Bà Ta La và các bà phi rất cung kính, cho xây một ngọn Tháp thờ tóc và móng tay của Phật, ở ngay giữa Hoàng cung. Từ đó, các bà phi thường vào Tháp dùng đèn, hương hoa, cúng dường Ðức Phật.”

Bằng chứng thứ ba về Tháp Phật :

“ …Vừa lúc ấy có một đoàn xe 500 cổ từ xứ Ukala (nay thuộc địa phận tỉnh Grandjãm), thuộc miền Nam, chở hàng hóa lên miền Bắc như Bayã, Rajagaha, Vésali vừa đến địa-phận làng Uruvela, có nhiều xe bị trục-trặc, cái thì súc bánh, …. Hai người lái-buôn, chủ của đoàn xe tên Tapussa (Sa-Lệ-Phú-Ba) và Bhallika (Bấc-Lê-Ca) nhảy xuống rảo bước xem coi có việc chi bất thường chăng. Hai người chợt thấy Ðức-Phật đương tỉnh-tọa dước cội cây Tãrãyana, hào-quang tủa sáng như mặt trời ban mai, họ định-tỉnh tinh-thần và nói với nhau: Ðây là một vị Thánh-nhân và giờ nầy có lẽ Ngài cũng sấp thọ-trai, vậy chúng ta nên đem vật-thực cúng-dường cho Ngài. Tapussa và Bhallika trở lại xe lấy món thực-phẩm nấu mật và mía róc, đến gần mọp lạy dưới chân Ðức-Phật và sau khi đi ba vòng quanh Ðức-Phật, đứng chấp tay cung kính bạch: Xin Ðức Thế-Tôn xuống phước thọ nhận vật-thực chúng tôi đem đến dâng cúng cho Ngài…

Hai người rất thỏa-thích, liền xin qui-y với Ðức-Phật và cầu xin Ngài ban cho một vật kỷ-niệm để tôn-thờ. …

Ðức-Phật hoan-hỷ cho họ qui-y theo Ngài và cho họ ít sợi tóc và rẻo móng tay làm kỷ-niệm.

… Hai người nầy cầm đầu đoàn thương-đội, đi từ Nam lên Bắc, từ Bắc xuống Nam, và nhiều khi mướn thuyền vượt biển sang qua các xứ hải-ngoại. Ði đến đâu họ đem vật kỷ-niệm ấy ra chiêm-bái và gây ảnh-hưởng tốt đẹp cho sự truyền bá Phật-Pháp. Sau lại hai người lái buôn đến kinh-doanh lập nghiệp tại Miến-Ðiện, xây tháp thờ tóc và móng tay của Ðức-Phật tại thành Rangoon (Ngưỡng-Quãng). Vua Miến-Ðiện cũng như các vị Vua xứ kế cận, nhờ sự loan-truyền tin-tức của hai ông Tapussa và Bhallika, sang tận Ấn-Ðộ ra mắt Ðức-Phật, thọ-giáo qui-y, đem lời giáo-huấn của Ðức Thế-Tôn về khuyên-dạy dân chúng và bắt đầu tham dự vào công việc kiến-trúc đền thờ xá-lợi tóc và móng tay, tiếp sức với hai vị cư-sĩ đầu tiên khuyếch-đại Thánh-tháp, đến nay đền thờ ấy trở thành một kỳ-quan vô-giá tại trung-tâm kinh-đô Miến-Ðiện gọi là Shwedagon.”

Bằng chứng thứ tư về Tháp Phật :

 

 

Tại Na-kiệt [Nagarahàra] :

"Chừng 100 bước về phía Tây của hang Bóng Phật, là nơi Ðức Phật đã cạo tóc và cắt móng tay. Ngài đã đích thân cùng các đệ tử xây một cái tháp cao 70-80 bộ để làm mẫu cho những cái tháp tương lai. Tháp này hiện nay vẫn còn"

 

 

Về hình tượng Phật thì đã có từ khi Phật còn tại thế, cụ thể là vào  Hạ Thứ Bảy khi Phật thuyết pháp  tại cung Trời Tavatimsa (Đao Lợi) :

Tại Xá vệ: "Khi Phật lên cung trời ba mươi ba để thuyết pháp cho mẹ trong ba tháng, vua pasenadi [Ba-tư-nặc] nhớ Phật, sai thợ khắc hình tượng Ngài bằng gỗ chiên-đàn và đặt tượng ngồi trên tòa của Phật. Về sau, khi Phật trở về, tượng bèn rời chỗ đi ra đón chào Ngài. Phật dạy: "Ngài cứ ngồi yên chỗ. Sau khi tôi nhập Niết bàn. Ngài sẽ làm mẫu mực cho bốn chúng đệ tử tạc tượng trong tương lai". Khi ấy tượng trở lại chỗ ngồi. Ðây là pho tượng Phật đầu tiên đã được tạc, và người đời sau lấy mẫu từ đó. Rồi đức Phật dời về một tu viện nhỏ khác ở phía Nam, cách chỗ của tượng tưởng chừng 20 bộ" .

Sau khi “chứng minh” là trong thời Phật tại thế đã có “Tháp Phật” và “ảnh tượng Phật” bằng 4 “bằng chứng” trên, Thầy Đồng Trí viết:

Vậy thì vấn đề rối rắm nảy sinh là tại vì chúng ta [alias NgườI Hà Nội] không học hết, nghe, thấy, biết hết, học lụp chụp từng đoạn trong Tam Tạng Kinh Điển nên thường hay thấy chống trái rồi thắc mắc đủ mọi điều, lại hăng hái phán xét thế này thế nọ thôi chứ còn bản thân chánh pháp thì khúc đầu, khúc giữa và khúc cuối nào có chống trái với nhau? [Thầy có ý nói là Người Hà-Nội không học hết, nghe, thấy, biết hết, (chỉ) học lụp chụp từng đoạn trong Tam Tạng Kinh Điển nên thường hay thấy chống trái rồi thắc mắc đủ mọi điều, và tất nhiên Thầy Đồng Trí đã học hết, nghe, thấy, biết hết từng đoạn trong Tam Tạng Kinh Điển.  Mừng cho Thầy]

Thầy Thích Đồng Trí ơi!  Phúc Lâm, nếu cần có thể quỳ xuống van vái Thầy, xin Thầy đừng mang những chuyện này mà đi giảng đạo ngày nay.  Tại sao?   Vì như vậy là Thầy đã quá hạ thấp Đức Phật rồi.  Tài liệu  Thầy lấy là ở trong những Truyện Cổ Phật Giáo, trong những Website vietsuns.com, truyenviet.com, cuốn sách của Trùng Quang Nguyễn Văn Hiếu, và những Tư liệu lịch sử và bán lịch sử do Pháp Hiển ghi lại, chứ chẳng thấy trong Kinh nào của Phật mà Thầy nói là trong Kinh sách.

Thầy cho rằng, Đức Phật đã ngộ được lý vô ngã vô thường mà khi còn tại thế Người lại chấp thuận và tình nguyện biếu tóc với móng tay cho người đời để xây tháp thờ phượng những thứ này của Người hay sao?  Thầy quên rằng trước khi tịch diệt Đức Phật đã dạy phải giữ giới và theo Chánh Pháp, đó là hình thức tôn kính Phật nhất hay sao? Thấy Pháp là thấy Phật hay thấy vài sợi tóc và mấy cái móng tay là thấy Phật?  Rồi Người lại đích thân cùng đệ tử xây tháp để làm mẫu cho những Tháp Phật sau này, và để móng tay và tóc của mình vào trong đó?  Vậy thì Phật có còn là Phật hay không?

Bằng chứng 1 và 2 là hai hay một?  Vua Tần-bà-sa-la xin Phật một lọn tóc,  vài cộng móng tay để xây Tháp thờ “trong hoàng cung” Rồi cung phi XơRiMaTi cũng xin như vậy để cho Vua Tần-bà-sa-la xây một Tháp nữa là hai “trong hoàng cung”.  Nếu cung phi nào cũng đòi như vậy thì Vua Tần-bà-sa-la phải xây bao nhiêu Tháp trong Hoàng Cung và cần bao nhiêu tóc, bao nhiêu móng tay để thờ?.

Bằng chứng thứ ba Thầy lấy trong một huyền thoại của dân tộc Miến Điện, ngày nay là Myanmar, hơn 90% theo đạo Phật, tin rằng Đức Phật đã đích thân đến thăm một vị Vua của họ trước đây và để lại một ảnh của chính Người để cho họ thờ phượng. [The belief of the Arakanese (một sắc dân ở Miến Điện) that the Buddha visited their King and left behind an image of himself for them to worship] mà  các nhà khảo sử ngày nay đã bác bỏ, cho rằng đó là những chuyện phịa [Modern historiography will of course dismiss these stories as fabrications made out of national pride].  Lịch sử cho biết Phật Giáo chỉ truyền sang Miến Điện, Tích Lan, và Trung Á trong thời của Vua Asoka (lên ngôi năm 271 trước Tây Lịch) và hầu như là sau kỳ Kết Tập thứ ba vào năm 232 trước Tây Lịch.  Mặt khác, cái Tháp hay Chùa nổi tiếng ở Shwedagon, Ngưỡng Quảng, chỉ mới được xây trong khoảng thế kỷ 6-10 Tây Lịch mà thôi.

Về ảnh tượng, Thầy tin rằng tượng bèn rời chỗ đi ra đón chào Ngài [Cứ như là tượng Bà Mary khóc với chảy máu mắt vậy] rồi khi Phật bảo bức tượng cứ ngồi yên thì  tượng trở lại chỗ ngồi.  Thầy cũng tin rằng trong Hạ Thứ Bảy, Đức Phật lên cung trời ba mươi ba [bằng phi thuyền COBE = Cosmic Background Explorer] để thuyết pháp cho mẹ [đã tịch sau khi sanh ra Đức Phật được vài ngày] trong ba tháng, [rồi lại đáp phi thuyền trở về trái đất?]Đó là cung trời Đạo-Lợi viết trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp mà Thầy thường trích dẫn trong đó.  Thầy quên là trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp còn kể mỗi ngày Đức Phật còn trở về địa cầu để làm summary bài Pháp trong ngày đó cho Ngài Xá-Lợi-Phất nũa.

Nói tóm lại, những bằng chứng mà Thầy đưa ra để phản bác Người Hà-Nội, cho rằng trong thời Phật tại thế đã có Tháp Phật do chính Phật xây, hay Tượng Phật biết đi,  thì lại chẳng phải là bằng chứng, mà toàn là những chuyện “không thể tin được”.  Phúc Lâm tôi viết theo lôgíc của bản thân chứ chẳng hề chống đối niềm tin của bất cứ ai.  Nhưng Phúc Lâm tôi trộm nghĩ, thời buổi này mà quảng bá những chuyện như trên thì đúng là tiếp đạn cho ngoại đạo, vì sự suy sụp của họ ở Tây phương, đang cố gắng xâm lăng Á Châu, thuyết phục quần chúng Á Châu là Phật Giáo là đạo mê tín dị đoan, trong khi chính họ là mê tín dị đoan vào bậc nhất.. Vì vậy Phúc Lâm mới phải quỳ xuống bái Thầy tam bái, và van vái Thầy đừng có đi vào con đường mê hoặc quần chúng bằng những chuyện huyễn hoặc chẳng có một giá trị gì trong vấn đề tu tập theo Phật Pháp.

Thật ra, trước thời Đức Phật, ở Ấn Độ đã có nhiều Tháp rồi, nhưng không phải là Tháp Phật.  Tháp Phật chỉ có ý nghĩa sau khi Đức Phật đã tịch diệt.  Theo truyền thuyết, sau khi Phật tịch diệt, xá lợi Phật được chia làm 8 chia cho 8 nơi và được thờ trong 8 Bảo Tháp.  Về sau, người đời, vì tôn kính Đức Phật và để nhớ lại Giáo Pháp của Người nên đã xây những Tháp Phật khắp nơi như là những biểu tượng về Thân, Khẩu, Ý của Đức Phật, đặc biệt nhất là trí tuệ của Người và Con Đường Giải Thoát Người vạch ra. (The stupa represents the Buddha's body, his speech and his mind, but most especially his mind and every part shows the path to Enlightenment).  Có thể nói, Tháp Phật tượng trưng cho Pháp Thân của Đức Phật.

Phúc Lâm xin miễn bàn về những “bằng chứng” của Thầy chứng tỏ rằng chính Đức Phật đã mất công ra những luật về đại tiện, tiểu tiện, hỉ mũi, xỉa răng, khạc nhổ cho các Tỳ Kheo Ni, đặc biệt là gần nơi “Tháp Phật” và “ảnh tượng Phật”.  Và, Phúc Lâm xin có vài lời kết.

Phúc Lâm tôi chưa có duyên được “diện kiến dung nhan” Thầy Nhật Từ.  Mấy lần Thầy sang Mỹ thuyết Pháp, muốn đi nghe nhưng “duyên bất tòng tâm” thành ra lại đi không được.  Nhưng qua những bài thuyết Pháp của Thầy mà Phúc Lâm đã đọc được, và qua một số hoạt động giải hoặc ngoại đạo của Thầy trước đây để hiển lộ Chánh Pháp, Phúc Lâm cảm thấy tương lai hưng thịnh của Phật Giáo Việt Nam có lẽ tùy thuộc ở lớp Tăng tài trẻ và ở đoàn thể các Tỳ Kheo Ni mà trình độ tu tập, sự hiểu biết không thua gì các vị trong Tăng đoàn.  Theo ý của Phúc Lâm, Phật Giáo Việt Nam sẽ tốt hơn nếu càng ngày càng có nhiều Tăng thân như Thầy Nhật Từ, và lẽ dĩ nhiên, càng ngày càng bớt đi những thành phần nấp bóng chùa chiền để kiếm danh, kiếm lợi, kéo bè, kéo phái.

Ngày nay, người Tây phương đang càng ngày càng hâm mộ Phật Giáo, càng ngày càng nhận ra chân giá trị của Phật Giáo.  Nhưng những người Tây phương theo đạo Phật, đặc biệt là nữ giới, chỉ theo những giáo lý thực dụng, cao cả, siêu việt của Đức Phật, chứ họ thường bỏ qua những điều không hợp lôgíc và thuộc loại mê tín, truyền thuyết hoang đường mà họ cho là không phải Kinh Phật và không có tác dụng gì trong quá trình tu tập thực sự.  Không có một Tỳ Kheo Ni Tây phương nào theo Bát Kỉnh Pháp, họ coi như Kinh này không có và thường cũng chẳng buồn đọc Kinh này.  Và đừng có nói là họ không tu hành nghiêm chỉnh.

Vấn đề chính về Bát Kỉnh Pháp ngày nay không phải là tìm ra xuất xứ của nó, điều mà khó có ai làm nổi, mà là nó có còn hợp thời trong xã hội Việt Nam ngày nay không, có thể áp dụng được không, và áp dụng như thế nào.  Một số Thầy cho rằng Bát Kỉnh Pháp có nhiều ích lợi cho Tỳ Kheo Ni, nhưng nếu không áp dụng được thì có ích lợi gì.  Mà điều này là quý Thầy nghĩ như vậy, cho rằng như vậy thôi, chứ quý Thầy đâu có để ý đến Tỳ Kheo Ni nghĩ như thế nào về Bát Kỉnh Pháp.   Điều cần là ngày nay các Tỳ Kheo Ni nghĩ sao về Bát Kỉnh Pháp, có ích lợi gì cho quá trình tu tập của họ, và họ phải thực hành như thế nào.  Hãy để cho các Tỳ Kheo Ni tự quyết định, Tăng đoàn đừng mang những lý lẽ, thiên kiến của mình, nhiều khi không hẳn là phải đúng,  để mà áp đặt trên đầu họ.  Nếu quý Thầy chịu khó đọc những bài viết, sách viết của nữ giới trong Phật Giáo thì quý Thầy sẽ hiểu họ đã nghĩ gì về Bát Kỉnh Pháp.  Họ không nói ra, nhưng qua việc làm họ đã chứng tỏ phần nào ý nghĩ của họ.  Quý Thầy có để ý là tại sao Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Liên Hiếu lại dịch bài Tám Điều Luật Khắt Khe Dành Cho Chư Ni của Tiến sĩ Amasiri Weeraratne, bài Bát Kỉnh Pháp: Tầm Quan Trọng Và Những Vấn Đề của Ven. Maha Narin Sea Liu, và bài   Quan Điểm Phật Giáo Về Nữ Giới – So Sánh Luật Tỳ Kheo Và Tỳ Kheo Ni Dựa Trên Giới Bổn Tiếng Hoa của Tỳ Kheo Ni  In Young Chung không?  Họ đã nói lên ý nghĩ của họ rồi đó.  Quý Thầy cứ lấy ý mình áp đặt lên đầu họ rồi bảo rằng để giúp họ tu tập.  Thôi hãy tự giúp mình cái đã.  Lịch sử cho thấy giới Tỳ Kheo Ni ít mang tai tiếng hơn, nếu có thì cũng rất hiếm hoi, so với giới  Tỳ Kheo rất nhiều. Có ai dám phủ nhận điều này không?

Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni thành hình sớm nhất ở Tích Lan nhưng đã biến mất sau 1200 năm.  Các nước theo Phật Giáo Nam Tông cũng không có truyền thống Tỳ Kheo Ni.  Tại sao vậy?  Một phần vì sự kỳ thị phụ nữ và một phần Tăng đoàn Nam Tông, dựa phần nào vào giới bổn, chỉ muốn coi các Tỳ Kheo Ni như những nô dịch.  Nhưng ngày nay phong trào làm sống lại truyền thống Tỳ Kheo Ni đã đang nỗ lực đẩy mạnh trên khắp thế giới và cùng lúc xác định lại vai trò của Tỳ Kheo Ni trong Phật Giáo.   Việt Nam là một nước rất may mắn trong 4 nước, ngoài Trung Quốc (gồm cả Đài Loan), Nhật Bản, Hàn Quốc, còn có truyền thống Tỳ Kheo Ni.  Do đó, Việt Nam cần phải trân quý truyền thống Tỳ Kheo Ni này, ủng hộ, khuyến khích, và nâng đỡ họ, đưa họ lên vị thế xứng đáng với vai trò của họ.  Đây là con đường tất yếu nếu muốn Phật Giáo Việt Nam phát triển. 

Viết bài này, Phúc Lâm tôi hi vọng cống hiến được một đóng góp rất nhỏ trong vấn đề hiện đại hóa Phật Giáo dựa trên học thuật để Phật Giáo có cơ hội ngày càng phát triển mạnh hơn.  Thế giới tiến mà chúng ta cứ đứng tại chỗ thì thực ra chúng ta đang đi giật lùi.  Đây chỉ là một bài góp ý, tuyệt đối không có ý tranh luận để phân định thắng bại.  Nếu có người nào vẫn cho rằng tranh luận để phân thắng bại thì Phúc Lâm tôi xin nhận phần bại trước, khỏi mất công tranh cãi.  Viết bài này, thực tâm tôi cũng chẳng vui vẻ gì, nhưng chuyện chẳng đừng, vì bọn cư sĩ chúng tôi vẫn còn nhiều người lo cho Phật Giáo lắm.  Trong phạm vi rất giới hạn của chúng tôi, chúng tôi chỉ có thể làm được điều gì hay điều đó cho Phật Giáo.  Chúng tôi quả thật rất buồn vì tình trạng phân hóa trong đại khối Phật Giáo Việt Nam ngày nay, chỉ hi vọng với thời gian rồi mọi sự sẽ qua đi theo luật vô thường, và rồi các thế hệ Tăng Ni tới sẽ cố gắng đi đến sự hòa hợp nội bộ để đẩy mạnh sự phát triển của Phật Giáo nơi quê nhà, gìn giữ gia tài Pháp Bảo, và trải rộng Phật Pháp trong quần chúng.  Đây chính là con đường phục vụ dân tộc tốt đẹp nhất.  Phật Giáo phải như vậy thôi, có phải không?.

Xem mục lục