Bồ tát Tịnh Các Nghiệp Chướng thưa hỏi về nghiệp chướng nhiễm ô
Bấy giờ Bồ tát Tịnh Các Nghiệp Chướng ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, chấp tay quỳ thẳng mà bạch Phật rằng:
Thế Tôn đại bi! Ngài đã vì chúng con rộng nói sự thể chẳng thể nghĩ bàn và hành tướng nhân địa của tất cả Như Lai như thế khiến cho đại chúng được sự chưa từng có. Hàng Bồ tát chúng con tự rất an ủi vui mừng được xem thấy tất cả công dụng cảnh giới tu hành cần khổ của đức Điều Ngự trải qua hằng sa kiếp giống như trong một niệm.
Bạch Thế Tôn, nếu Giác tâm này là bản tánh thanh tịnh thì do sao mà nhiễm ô, khiến chúng sanh mê mờ mà chẳng nhập được? Nguyện xin Như Lai vì chúng con khai rộng pháp tánh, khiến cho đại chúng đây và chúng sanh đời rốt sau lấy đó làm con mắt cho đời sau.
Nói xong năm vóc làm lễ sát đất. Cầu thỉnh như vậy lặp lại ba lần.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm trừ”. Tuy đã được nghe và đốn ngộ cái sự chẳng thể nghĩ bàn cũng là nhân địa và cũng là quả địa của tất cả Như Lai là tánh Viên Giác Pháp thân thanh tịnh chưa từng có sanh tử Niết bàn như thế, nhưng trong tâm Giác vẫn còn những nhiễm ô khách trần từ vô thủy, những nghiệp chướng xao động ngăn che, cho nên còn phải tiệm trừ các thứ nhiễm ô, gọi là làm sạch các nghiệp chướng để hoàn toàn là tánh Giác. Tịnh các nghiệp chướng là trừ bỏ các nghiệp che ngăn khiến chúng ta không thấy được và sống được tánh Giác. Các nghiệp chướng chính là hoa đốm khiến chúng ta không thấy được hư không quang minh
Nghiệp chướng hoa đốm tánh chúng là Không, như huyễn, nhưng khi còn một thứ gì chưa Không, chưa Huyễn thì phải làm cho Không, cho Huyễn. Đó là sự chuyển thức thành Trí, là sự nghiệp “Tịnh các nghiệp chướng”, tịnh hóa hoa đốm thành hư không quang minh.
Cũng trong Kinh Lăng Nghiêm, khi ngài A nan đã đại ngộ Pháp thân (Tiêu điên đảo tưởng trong ức kiếp, chẳng trải tăng kỳ hoạch Pháp thân) thì còn cầu xin Phật thẩm trừ cho mê lầm vi tế (Mong xét trừ cho lầm vi tế) và phát đại nguyện của Bồ tát (Cúi xin Thế Tôn chứng minh cho, đời ác năm trược thề vào trước, còn một chúng sanh chưa thành Phật, rốt chẳng nơi kia nhận Niết bàn).
Đại ngộ là trực tiếp thấy Pháp thân. Đây là địa vị thấy Đạo (Kiến đạo vị) của Đại thừa, hay Thông đạt vị nói theo hệ thống Duy thức. Sau đó mới là Tu tập vị, tu hành đại trí, đại bi, đại hạnh cho đến viên mãn. Như Thiền tông, đại ngộ thực sự chỉ là qua Tổ sư quan hay Sanh tử quan, còn phải vượt qua Trùng quan và Lao quan sau cùng. Các quan này chẳng phải tự nhiên mà có. Đó chính là những nghiệp chướng đã tự mình tích tập từ lâu xa.
Đức Phật khen ngợi
Bấy giờ Thế Tôn bảo cùng Bồ tát Tịnh Các Nghiệp Chướng:
Lành thay ! Lành thay ! Thiện nam tử! Các ông có thể vì đại chúng đời rốt sau mà thưa hỏi Như Lai về phương tiện như thế. Nay các ông lắng nghe, ta sẽ nói rõ.
Khi ấy Bồ tát Tịnh Các Nghiệp Chướng hoan hỷ vâng lời dạy, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Một khi đã ‘một niệm tương ưng’ được với cái sự thể không thể nghĩ bàn, cái đầu tiên và cuối cùng của con đường giác ngộ, cái Pháp thân Viên Giác của tất cả Như Lai bèn thấy hằng sa kiếp cần khổ tu hành của Đức Phật dường như một niệm. Mới hay ba đời quá khứ, hiện tại, tương lai chưa từng lìa khỏi cái đương niệm vô sanh của tánh Giác.
Nhưng chỉ mới một lần tương ưng thì chưa thể ở mãi trong cảnh giới Viên Giác không thời gian, không không gian ấy được. Nghiệp lực vẫn còn thì thế giới còn khởi lại, vọng tưởng vẫn còn thì thời gian còn trôi chảy lại, nghiệp thức vẫn còn thì vẫn còn chuyển động tạo thành hình tướng sanh tử luân hồi, các thứ nghiệp chướng vẫn còn thì hành giả vẫn chưa trọn vẹn sống trong Pháp giới Nhất Chân Viên Giác.
Vậy khi đã được ‘một niệm tương ưng’ tức đốn ngộ Pháp thân thì phải làm sạch nghiệp chướng để được ‘niệm niệm tương ưng’, không còn cái gì có thể lôi kéo tâm thức ra khỏi cái ‘một niệm hằng sa kiếp’ của tánh Viên Giác nữa. Lục Tổ Huệ Năng nói về sự niệm niệm tương ưng như sau:
“Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Niệm niệm không ngưng trệ, thường thấy bản tánh, chân thật diệu dụng, gọi là công đức….
Niệm niệm không gián đoạn là công; tâm hành bằng thẳng là đức. Tự tu tánh là công, tự tu thân là đức.
Thiện tri thức! Ở trong niệm niệm, tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo”.
Cái gì làm cho gián đoạn, ngưng trệ sự niệm niệm tương ưng này? Đó là cái nghiệp chướng cần phải tịnh trừ mà Đức Phật giảng nói trong chương này.
Vô minh là sự vọng chấp bốn tướng ngăn che tánh Giác
Thiện nam tử ! Hết thảy chúng sanh từ vô thủy đến nay vọng tưởng chấp là có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, nhận bốn cái điên đảo ấy làm cái ta thật, do đó mới sanh hai cảnh yêu ghét. Nơi cái ta hư vọng ấy lại chồng thêm cái chấp hư vọng. Vì có nghiệp hư vọng nên vọng thấy lưu chuyển. Chán cái lưu chuyển thì vọng thấy có Niết bàn. Bởi thế mà không thể nhập tánh Giác thanh tịnh.
Không phải tánh Giác ngăn chống những người nhập. Dầu có người nhập, chẳng phải tánh Giác cho được nhập. Thế nên động niệm hay dừng niệm đều là mê muội. Vì sao thế ? Vì do vô minh khởi nguồn từ vô thủy làm chủ tể mình từ trước đến nay vậy.
Tất cả chúng sanh sanh ra không có mắt huệ, trọn cả thân tâm đều là vô minh. Thế nhưng đã cho cái thân tâm vô minh ấy là cái ta thật, nên chẳng thể cắt đứt vô minh, cũng như người chẳng thể tự cắt đứt mạng mình.
Thế nên phải biết: cái gì ưa ta thì ta tùy thuận, cái gì chẳng tùy thuận ta thì ta sanh oán ghét. Do cái tâm yêu ghét nuôi lớn vô minh nên cầu đạo mãi hoài mà chẳng thành tựu.
Bản tánh Viên Giác vốn tự thanh tịnh, tất cả chúng sanh đều hiện hữu đi đứng nằm ngồi sinh sống trong đó, không cách hở mảy may. Sống trong tánh vốn thanh tịnh vì chưa từng nhiễm ô, vốn giải thoát vì không có tướng ngăn che chia cắt, mà lại khổ đau, bất toại nguyện vì tự lập ra các vọng tưởng và vọng tướng tạo ra một thế giới phân biệt, phân mảnh, xung đột.
Từ vọng tưởng thô là tướng một cái ta dần dần đi đến chỗ vi tế là tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng. Từ một niệm bất giác vọng thấy có thân tâm chấp là ta, thì có ngay cái chẳng phải ta là thế giới. Có chủ thể bèn có đối tượng của chủ thể ấy, bèn sanh ra cảnh yêu cảnh ghét. Từ đây những lớp chấp hư vọng cứ dần dần tạo lập để tánh Giác vốn thanh tịnh, nhất như, trở thành một thế giới của che chướng, chia cắt, phân mảnh.
Muốn xóa tan những nghiệp chướng ngăn che hư huyễn này,phải nhìn cho đúng bản chất của chúng: chúng là hoa đốm, là huyễn hóa. Quán huyễn là làm cho bốn tướng giả lập rơi rụng. Khi rơi rụng hết thì xưa nay vẫn là một tánh Viên Giác thuần nhất, chưa từng có sanh tử khổ đau, và cũng chẳng có Niết bàn chấm dứt khổ đau mà tất cả đều là tánh Giác.
Quá trình huyễn hóa ấy là do tự mình, tự mình tạo lấy, tự mình kinh nghiệm lấy. Chẳng phải tánh Giác ngăn chống không cho chúng ta được nhập, và có người nhập vào thì chẳng phải tánh Giác được ai đó nhập vào. Tánh Giác như hư không, chẳng ngoài, chẳng trong, chẳng ra, chẳng vào. Chỉ có chúng sanh tự tạo ra những lớp hoa đốm che chướng rồi phá được những lớp hoa đốm che chướng ấy để không còn bị ngăn che thì cho là được vào, được chứng.
Một khi thấy biết được tánh Viên Giác, tương ưng tùy thuận được tánh Viên Giác, thì mới thấy động niệm hay dừng niệm đều là chuyện vô ích, chỉ là trò chơi huyễn hóa. Động niệm để sanh ra hoa đốm, đó là chuyện vô ích với hư không, vì hư không không vì thế mà có tăng, có giảm, có sanh có diệt, có dơ có sạch. Dừng niệm để dẹp tan hoa đốm cũng là chuyện vô ích với hư không, vì với hư không, hoa đốm chưa từng có chỗ sanh ra.
Không động niệm, không dừng niệm, đó là cái gì? Hãy tham!
Tướng ngã
Thiện nam tử ! Thế nào là tướng Ngã? Đó là cái tâm có chỗ chứng biết cái ta của các chúng sanh.
Thiện nam tử ! Ví như có người thân thể điều hòa, không có gì chống trái thì chợt như quên bẳng thân mình. Đến khi tứ chi uể oải, chữa trị chích đốt bèn thấy có ta (ngã).Vì thế mà chứng biết có cái ta đang hiện hành.
Thiện nam tử ! Cái tâm ấy cho đến còn cho rằng có chứng biết rốt ráo Niết bàn thanh tịnh của Như Lai cũng đều là tướng ngã.
Tướng ngã là cái tâm biết có ta, từ đó cái ta là trung tâm của sự sống, sự chết, của thế giới, vũ trụ. Cái gọi là cuộc đời của cái ta này: ta đến, ta đi, ta được, ta mất, ta lấy, ta bỏ, ta vui, ta buồn….
Nhưng nếu ở trong đời này mà chỉ chứng biết cái ta thì bèn đánh mất cái chứng biết Chân Tâm Viên Giác vốn không có ta. Cũng như ôm giữ nâng niu một cái bọt nước, cho nó là mình thì bỏ mất đại dương vốn thật là mình.
Cái mà chúng sanh gọi là đời sống với đủ màu sắc sướng khổ, vui buồn… thật ra chỉ là sự hiện hành của cái ta và cái của ta mà thôi. Còn cái đời sống ấy mà không ta và không cái của ta, thì đời sống ấy bèn vẹn toàn khắp cả, một toàn thể không thể phân chia, gọi là pháp giới, tức là đời sống của chư Phật, Bồ tát.
Vọng tưởng tướng ta này hiện hành trong từng niệm niệm từ bao đời bao kiếp. Chỉ có đức tin quyết định niệm niệm tin rằng trong tánh Giác không làm gì có cái tướng ta hoa đốm mà lại che lấp chân tâm từ vô thủy, nghĩa là đốn ngộ được tánh Giác thì mới thực sự bắt đầu xa lìa tướng ta mà thôi. Cái niệm niệm chứng biết mình là ta ấy len lỏi trong mọi công việc, thậm chí cả trong việc dứt trừ nó, vì cho đến chứng biết Niết bàn mà vẫn còn cái tướng ta phảng phất trong đó thì tánh Viên Giác vẫn còn bị nhiễm ô. Chán sanh tử, ưa Niết bàn, mệt mỏi với đời ác năm trược, ưa sạch ghét dơ, không nhẫn nổi nghiệp lực nặng nề của chúng sanh, đều là cái tướng ta này.
Nhưng ngay nơi chứng biết cái ta này mà chứng biết đó là không có ta, tất cả chỉ là “Một Tướng, Vô Tướng”, tất cả thuần chỉ một vị đại dương, bèn tức thời giải thoát.
Thế nên hành giả phải không bỏ ba phương tiện Chỉ, Quán và Thiền trong mọi lúc thì cái vọng tưởng về ta này mới bật rễ lần lần khô héo được.
Tướng nhân
Thiện nam tử ! Thế nào là tướng Nhân ? Đó là cái tâm ngộ cái chứng biết có ta của các chúng sanh.
Thiện nam tử ! Cái tâm ngộ biết có ta, lại chẳng nhận đó là ta, chỗ ngộ ấy chẳng phải ta, ngộ cũng như thế. Dù ngộ này vượt hơn tất cả các cái chứng biết (có ta) thì cũng đều là tướng nhân.
Thiện nam tử ! Tâm ấy cho đến còn cho rằng viên ngộ Niết bàn cũng đều là cái ta. Nghĩa là tâm còn chút ngộ cho rằng chứng lý đầy đủ, cũng đều gọi là tướng nhân.
Nhân là người, như cá nhân, nhân loại. Nhân (Pudgala) là một cái ta phổ quát hơn, sâu hơn, chẳng hạn như quan niệm về linh hồn, về tiểu ngã. Tướng ngã thô hơn, cho nên tướng ngã gọi là chứng biết có ta, còn tướng nhân là ngộ cái chứng biết có ta ấy.
Cái tâm vi tế về cái ta này cho đến ngộ được Niết bàn cũng đều là cái ta. Còn chút ngộ cho là chứng lý đầy đủ cũng là cái ta vi tế. cái ta vi tế này gọi là tướng nhân.
Và dĩ nhiên, có cái ta vi tế thì cũng phải có cái khác ta,dù là vi tế. Cái khác ta vi tế này là thế giới, là người khác, là Niết bàn ở ngoài ta. Do đó mà có cái ta ngộ Niết bàn, có thế giới không phải là Niết bàn, có người khác không ngộ được Niết bàn.
Khi thấy tướng ta là một nghiệp chướng lớn thì tu hành để đạt đến không có ta, vô ngã. Nhưng rồi chưa thoát khỏi cái ta vi tế, nên cho rằng có người (tướng nhân) ngộ được vô ngã, viên ngộ được Niết bàn. Thật ra cái người này cũng chỉ là cái ta giả dạng, tinh tế hơn mà thôi.
Tâm còn chút ngộ này mà không quán huyễn cho tiêu thì vẫn còn cái ta đeo đẳng, chưa giải thoát được. Trong mộng là cái ta vi tế, ai bảo cái ta vi tế ấy không khổ?
Tướng chúng sanh
Thiện nam tử ! Thế nào là tướng chúng sanh ? Đó là cái tâm tự chứng ngộ vượt khỏi tướng ngã và tướng nhân, của các chúng sanh.
Thiện nam tử ! Ví như có người nói thế này: ‘Ta là chúng sanh’, thì biết người ấy nói cái chúng sanh ấy chẳng phải là ta (tướng ngã), chẳng phải là người (tướng nhân).
Sao là chẳng phải cái ta ? Ta đã là chúng sanh thì chẳng phải là cái ta. Sao là chẳng phải là cái người ? Ta đã là chúng sanh thì chẳng phải cái ta kia (tướng nhân).
Thiện nam tử ! Chỗ chúng sanh hiểu chứng, hiểu ngộ đều là tướng ngã nhân. Còn chỗ tướng ngã, tướng nhân không đến được mà còn có chỗ hiểu thì gọi đó là tướng chúng sanh.
Tướng chúng sanh là cái tâm tự chứng ngộ, tự hiểu chỗ vượt khỏi tướng ngã và tướng nhân, nghĩa là một cái ta vi tế hơn cái ta của tướng ngã và cái ta của tướng nhân và thấy hiểu được hai tướng trước.
Biết chẳng phải tướng ngã là vượt qua tướng ngã, biết chẳng phải tướng nhân là vượt qua tướng nhân, nhưng đến đây còn cái thấy hiểu ta đã vượt qua hai tướng ngã nhân thì vẫn còn một cái ta vi tế,cái này được gọi là tướng chúng sanh.
Trong chương Phổ Hiền có nói về những đoạn xa lìa huyễn. Chúng ta trích lại ở đây để thấy rõ thêm về bốn tướng.
“Thiện nam tử! Tất cả Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau cần phải xa lìa hết thảy cảnh tướng huyễn hóa hư vọng. Do chấp chặt cái tâm xa lìa (đây là tướng ngã), tâm ấy như huyễn nên cũng phải xa lìa (tướng nhân). Sự xa lìa ấy là huyễn nên cũng phải xa lìa (tướng chúng sanh). Cái lìa ‘sự xa lìa’ ấy là huyễn nên cũng phải xa lìa (tướng thọ mạng).
Đến chỗ không có gì để lìa tức là trừ hết các huyễn”.
Càng lìa được các huyễn (bốn tướng) bao nhiêu thì tánh Viên Giác chẳng phải huyễn hiển lộ bấy nhiêu. Cho đến tất cả nhất như một vị, tức là ‘không có gì để lìa’.
Tướng thọ mạng
Thiện nam tử ! Thế nào là tướng thọ mạng ? Đó là cái tâm soi chiếu thanh tịnh giác chỗ hiểu (tướng chúng sanh ở trước) của các chúng sanh. Đây là tất cả nghiệp thức, chỗ không tự thấy, giống như mạng căn.
Thiện nam tử ! Nếu có tâm giác soi thấy tất cả (chứng, ngộ, hiểu) đều là trần cấu, nếu có năng giác sở giác thì chưa lìa khỏi trần cấu. Như nước nóng làm tiêu băng, không còn riêng băng nào nữa để biết băng đã tiêu, nếu còn cái ta để biết cái ta đã tiêu thì cũng như vậy.
Tướng thọ mạng là cái tâm soi chiếu thanh tịnh, giác các tướng ngã, nhân, chúng sanh ở trước. Tướng thọ mạng là cái sanh mạng tương tục làm căn bản duy trì, tiếp nối cho sự hiện hành của ba tướng trước. Sự tương tục của cái ngã vi tế nhất, làm nền tảng cho ba tướng ở trước là tướng thọ mạng.
Đây là chỗ Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tự tâm nắm giữ tự tâm. Chẳng huyễn thành pháp huyễn”. Đây là cái vô minh căn bản, do sự tự nắm giữ này mà thành có năng giác sở giác tương tục. Xa lìa sự tự nắm giữ này tức là xa lìa cái huyễn sanh ra tất cả các huyễn.
Chủ thể và đối tượng, năng giác và sở giác vốn chưa từng có, vậy mà vọng tưởng lập ra thì phải xa lìa. Nếu mà còn thì chưa lìa khỏi trần cấu. Trí huệ soi thấy vô ngã và vô pháp niệm niệm tương tục mới cắt đứt được cái ta vi tế niệm niệm tương tục này.
Chánh niệm tỉnh giác vào cái ta vô minh vi tế này, cái trung tâm soi chiếu giác biết này, cái tự tâm nắm giữ tự tâm này, tướng thọ mạng dần tiêu tan, như nước nóng làm tan băng. Tiêu tan rồi thì chỉ còn một vị chánh niệm tỉnh giác toàn vẹn tức là tánh Giác: đại dương tánh Giác thuần nhất một vị là nước.
Bốn tướng là huyễn, đó là Viên Giác
Thiện nam tử ! Chúng sanh đời rốt sau chẳng rõ bốn tướng, tuy trải qua nhiều kiếp cần khổ tu đạo mà chỉ trong vòng hữu vi, rốt cuộc chẳng thể thành tất cả thánh quả. Thế nên gọi là chánh pháp đời sau chót.
Vì sao thế ? Vì nhận biết tất cả các thứ ngã là Niết bàn, vì nhận là có chứng có ngộ cho là thành tựu. Ví như có người nhận giặc làm con thì của báu trong nhà rốt chẳng thành tựu. Vì sao thế ? Vì có yêu thích cái ta thì cũng yêu thích Niết bàn, cho rằng cái gốc rễ yêu cái ta ấy là tướng Niết bàn. Có sự ghét cái ta thì cũng ghét sanh tử, chẳng biết rằng yêu thích chính là sanh tử. Riêng ghét sanh tử gọi là chẳng giải thoát.
Chính bốn tướng đã cấu kết, liên kết làm cứng đặc một thế giới vô tự tánh, Không, Vô tướng, Vô tác, nghĩa là một thế giới vốn tự nó là giải thoát, thành một thế giới của các tướng có tự tánh, có ranh giới phân biệt, cứng đọng, tức là sanh tử, với đủ thứ phiền não tham, sân, si, kiêu căng, đố kỵ, lo buồn, hy vọng và thất vọng. Cho nên, giải thoát khỏi sanh tử là quán thấy bốn tướng là vô tự tánh, như huyễn, như mộng.
Tánh Viên Giác tự nó là cái Giác tròn đầy, viên mãn không có một kẻ hở phân chia cho bốn tướng lọt vào sinh sống. Nó không cần ai tu, ai chứng, ai ngộ, ai hiểu, ai giác. Còn tự hư vọng lập ra người tu, người chứng, người ngộ, người hiểu, người giác thì chỉ là ngăn ngại thêm, sanh thêm bệnh thấy hoa đốm mà thôi.
Nếu chẳng rõ tu hành là việc dứt trừ bốn tướng, lại chạy theo bốn tướng để tu hành, ta chứng nghiệm, ta ngộ, ta hiểu, ta giác, tức là nhận giặc làm con, đâu có biết bốn tướng ấy là cái tạo ra sanh tử luân hồi khổ đau.
Có cái ta rồi thì có sự yêu thích cái ta, từ sự yêu thích cái ta này, bèn cũng yêu thích Niết bàn là chỗ an vui cho ta. Còn nếu là một cái ta phiền não khổ đau, thì có sự ghét cái ta đó. Ghét cái ta thì cũng ghét sanh tử, nơi làm cho ta phiền não khổ đau, chẳng biết rằng ghét là sự yêu thích mà không được, nên ghét sanh tử chẳng phải là giải thoát vì nuôi lớn thêm sự yêu thích cái ta.
Bốn tướng là cái cấu uế cần phải tiêu trừ. Bốn tướng tiêu đến đâu thì thanh tịnh giải thoát đến đó. Mức độ thanh tịnh giải thoát tương đương với sự tiêu trừ cấu uế được các Kinh nói rõ trong các địa của Bồ tát, như chương Thanh Tịnh Huệ đã nói. Thanh tịnh này là thanh tịnh bổn nhiên của tánh Viên Giác. Cho nên tu hành không phải là có thêm thanh tịnh, có thêm chứng, ngộ, hiểu, giác, mà là bớt đi, rơi rụng đi các nghiệp chướng ngăn che làm hại vốn không thuộc về mình, không thật sự là của mình.
Người tu Viên Giác thì thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, nghĩ suy cái gì tức là tánh Giác thấy, nghe, xúc chạm, nghĩ suy cái đó, chứ không phải tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng thấy, nghe, xúc chạm, nghĩ suy. Đó là sống trong tánh Giác.
Căn bệnh tướng ngã
Thế nào biết là pháp chẳng giải thoát ?
Thiện nam tử ! Chúng sanh đời rốt sau tu tập Bồ đề lấy chỗ chứng đôi chút của mình cho là tự thanh tịnh, đó là chưa hết sạch gốc rễ tướng ngã. Nếu có người ca ngợi pháp của họ, liền sanh hoan hỷ, bèn muốn cứu độ. Còn nếu có người phỉ báng chỗ sở đắc của họ bèn sanh sân hận, thì biết tướng ngã còn được bám giữ kiên cố, ẩn núp trong tạng thức, chơi giỡn nơi các căn chưa từng gián đoạn.
Thiện nam tử ! Người tu hành ấy không trừ được tướng ngã thế nên chẳng thể nhập được tánh Giác thanh tịnh.
Thiện nam tử ! Nếu thật biết cái ta là không, thì không thấy có người hủy báng ta. Vẫn còn thấy có ta thuyết pháp thì cái ta chưa đoạn. Tướng chúng sanh tướng thọ mạng cũng lại như vậy.
Thiện nam tử ! Chúng sanh đời rốt sau nhận lầm bệnh cho là pháp, thế nên gọi là người đáng thương xót. Tuy siêng năng tinh tấn mà chỉ tăng thêm các bệnh, thế nên chẳng có thể nhập tánh Giác thanh tịnh.
Bốn tướng là gốc rễ của căn bệnh sanh tử. Chúng đi liền với con người như hình với bóng, như sinh mạng, vì đích thực bốn tướng là mạng căn tạo thành thân tâm chúng sanh. Như trước đã nói, không biết mà còn nuôi dưỡng nó, đó là nhận giặc làm con thì mất hết của báu tâm linh.
Bốn tướng chung quy chỉ là một tướng ngã, từ tế đến thô. Tế thì ẩn núp trong tạng thức, thô thì hiện ra nơi các giác quan. Cái ta chính là kẻ thù của hạnh phúc và tác nhân tạo ra bất hạnh.
Trước hết, nó cách biệt ta với thế giới, với người khác, nói rộng ra, với toàn thể thực tại. Từ một các ta cách ly đơn độc ấy, lại còn ái dục để còn tạo ra nghiệp, là động lực để đẩy đưa, qua lại mãi trong vòng sanh tử luân hồi.
Trong đời sống hằng ngày, nếu không có cái ta, thì có cơ sở nào để buồn khi bị phỉ báng, để vui khi được ca ngợi. Sống như hư không vô tận thì có đáy nào để nhận lãnh và giữ gìn lời khen tiếng chê. Nếu không có cái ta, tám ngọn gió được mất, vinh nhục, khen chê, khổ vui cũng tiêu tan vì không có ai để thổi vào.
Thế nên muốn hết khổ đau thì phải tiêu trừ cái ngã này bằng ba pháp Chỉ, Quán, Thiền, như nước nóng làm tan băng.
Bốn tướng “ẩn núp trong tạng thức, chơi giỡn trong các căn”. Các căn là mắt tai mũi lưỡi thân ý.
Như vậy ở các căn và ở trong tạng thức, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy sự hoạt động phá hoại của bốn tướng. Mắt khi nhìn sắc, không chạy theo cũng không ghét bỏ, không có tư tưởng phân biệt ta người, của ta của người, ngay lúc đó chúng ta đang ở trong trạng thái vô ngã, và cả vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ mạng. Đây là sự an trụ trong tánh Giác Minh-Không.
Bằng sự an trụ trong trạng thái không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng, đó là an trụ trong giải thoát, trong tánh Giác Minh Không. Với sự an trụ liên tục như vậy, đến lúc bốn tướng ấy vở tan phần căn bản và chúng ta thực sự bước vào trạng thái không có bốn tướng cũng tức là tánh Giác. Khi đã thực sự lọt được vào đó, chúng ta ở luôn trong giải thoát ấy trong từng niệm niệm cho đến khi bốn tướng hoàn toàn tiêu tan hẳn.
Cần đưa bốn tướng trở về tánh tịch diệt xưa nay
Thiện nam tử ! Chúng sanh đời rốt sau chẳng rõ bốn tướng, lấy chỗ hiểu và chỗ hành của Như Lai cho là chỗ tu hành của mình nên rốt cuộc chẳng thành tựu.
Hoặc có chúng sanh chưa đắc nói đắc, chưa chứng nói chứng, thấy người tiến hơn thì tâm sanh đố kỵ, ganh ghét. Bởi chúng sanh này chưa đoạn được yêu cái ta, thế nên chẳng có thể nhập tánh Giác thanh tịnh.
Thiện nam tử ! Chúng sanh đời rốt sau hy vọng thành đạo mà chẳng cầu giác ngộ, chỉ tích tập thêm kiến thức, làm tăng trưởng cái thấy có ta. Người tu hành chỉ phải chuyên cần hàng phục phiền não, phát đại dũng mãnh, chưa đắc khiến cho đắc, chưa đoạn khiến cho đoạn, tham, sân, ái, mạn, xiên xẹo, ghen ghét….đối cảnh chẳng sanh, ta người ân ái hết thảy tịch diệt. Phật nói người ấy sẽ thứ lớp thành tựu.
Hãy cầu thiện tri thức để khỏi sa vào tà kiến. Nếu đối với chỗ sở cầu, riêng sanh yêu ghét, thì chẳng có thể nhập vào biển Giác thanh tịnh.
Đức Phật được xưng là bậc Điều Ngự, bậc Chiến Thắng và đã chiến thắng tiêu trừ được ‘cái ta và cái của ta’ đến mức vi tế nhất.
Nói là tu theo Đức Phật, đi con đường Đức Phật đã đi nhưng có khi lại làm ngược lại. Đức Phật khởi từ đầu là vô ngã vô pháp để cuối cùng chứng đắc hoàn toàn vô ngã vô pháp. Còn nếu chúng ta không biết, không cảnh giác, không chánh niệm tỉnh giác thì càng tu càng nhiều thêm nghiệp chướng là ngã và pháp.
Không chánh niệm tỉnh giác với cái ta thì càng tu coi chừng lại càng tự hại mình vì tiếp thêm nhiên liệu năng lượng cho cái ta, nuôi dưỡng và làm tăng trưởng thêm cái thấy có ta, nghĩa là càng thêm bệnh lòa thấy ra hoa đốm. Cho nên có các thiện tri thức để chỉ cho thế nào là làm đúng, thế nào là làm sai là có phước đức lớn.
Nếu thường trực an trụ trong không gian trống rỗng của tâm, thì khi cái ta khởi lên, chỉ cần chánh niệm tỉnh giác với nó, không tiếp thêm cho nó năng lượng, nó sẽ tự động tan biến trong không gian tâm. Không tiếp nhiên liệu cho nó thì có ngày nó hoàn toàn biến mất và lúc đó chánh niệm tỉnh giác trở thành tánh Giác.
Hoa đốm bốn tướng càng tiêu tan thì hư không càng hiện. Không có bốn tướng hoa đốm thì chỉ là tánh Giác Minh Không toàn khắp.
Một trong những cách để đoạn trừ bốn tướng là quán thấy rõ ràng chúng là Không, như huyễn. Giải thoát chính là giải thoát khỏi bốn tướng này. Trừ được phần nào bốn tướng thì có giải thoát phần đó.
Quán được tướng ta là không có, cuộc đời chúng ta sẽ nhẹ nhàng khinh an, đã giải thoát khá nhiều. Cho đến quán được tướng thọ mạng là không có, lúc ấy hiện hữu của chúng ta là vô thủy vô chung, là tánh Không trọn vẹn, giải thoát trọn vẹn.
Khi đã thoát khỏi sự trói buộc của bốn tướng phần nào, chúng ta mới có lòng bi. Lòng bi khi thấy chúng sanh bị trói buộc trong bốn tướng không biết ngày nào ra khỏi.
Bài kệ trùng tuyên
Bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng:
Tịnh Nghiệp ông nên biết
Tất cả các chúng sanh
Đều do chấp ngã ái
Vô thủy vọng lưu chuyển.
Chưa trừ bốn thứ tướng
Chẳng được thành Bồ đề
Yêu ghét sanh nơi tâm
Xiên xẹo còn nơi niệm
Bởi thế nhiều mê muội
Chẳng thể vào thành Giác.
Nếu muốn về cõi ngộ
Trước bỏ tham sân si
Trong tâm chẳng còn ái
Thứ lớp sẽ thành tựu
Thân ta vốn chẳng có
Yêu ghét từ đâu sanh
Người này cầu thiện hữu
Rốt chẳng sa tà kiến
Chỗ cầu riêng sanh tâm
Rốt ráo không thành tựu.
Chúng sanh từ vô thủy đến nay vẫn ở trong tánh Viên Giác thanh tịnh, chỉ vì yêu cái ta hư vọng mà vọng thấy có trôi lăn trong sanh tử hư vọng, rồi vọng cầu Niết bàn, làm đủ mọi thứ đều không ra khỏi bốn tướng vô minh. Bốn tướng tuy là hư vọng nhưng chưa trừ được thì chẳng vào được tánh Giác, cũng như hoa đốm còn được thấy thì chưa chứng thật hư không. Trừ bốn tướng này là làm thanh tịnh nghiệp chướng, dứt trừ căn bệnh sanh tử hư vọng.
Tịnh các nghiệp chướng là biết rằng tánh Viên Giác vốn không có bốn tướng, xưa nay vốn chẳng sanh, tất cả vốn tịch diệt. Thế mà thấy có sanh, có sanh là vọng thấy, là như huyễn. Mà đã có sanh thì phải có diệt. Sanh diệt hay sanh tử từ đây hình thành, tăng trưởng trong từng niệm niệm.
Niệm mà có cũng từ nơi bốn tướng. Niệm thân tâm, niệm thế giới, niệm chúng sanh….tất cả có ra đều từ nơi bốn tướng. Nếu không có bốn tướng thì đây là tâm Viên Giác vốn vô niệm, vô trụ và vô tướng.
Thế nên niệm vừa khởi là đại dương nhất như một vị liền biến thành sóng. Thường an trụ trong tánh Giác vô niệm, vô trụ, vô tướng thì niệm hay cái ta có tự khởi thì cũng tự diệt, chẳng dính dáng gì đến tánh Giác. Thấy rõ sự tự khởi tự diệt của niệm hay cái ta, thì niệm hay cái ta có khởi cũng tự diệt. Niệm hay cái ta tự khởi tự diệt nghĩa là niệm hay cái ta tự giải thoát, từ, nơi, bởi, chính nó.
Đây là sự tự giải thoát của bốn tướng ngay nơi chúng khởi.