Bồ tát Biện Âm thưa hỏi đối với ba pháp môn này, có mấy cách tu tập.
Bấy giờ Bồ tát Biện Âm ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, quỳ thẳng chấp tay mà bạch Phật rằng:
Thế Tôn đại bi, pháp môn như vậy rất là hiếm có. Bạch Thế Tôn! Tất cả các Bồ tát đối với ba pháp môn phương tiện của Viên Giác này, có mấy cách tu tập ? Xin vì đại chúng và chúng sanh đời rốt sau mà phương tiện chỉ bày khiến ngộ Thật tướng.
Nói xong năm vóc làm lễ sát đất. Cầu thỉnh như vậy lập lại ba lần.
Chương trước nói về ba pháp môn vào tánh Viên Giác. Trong ba pháp môn đó, do thiện căn đời trước mà có pháp môn rành khéo hơn, có pháp môn yếu hơn. Hoặc là lúc mới tu thì một thứ có hiệu quả hơn và khi cuối cùng thì một thứ khác lại hiệu quả hơn. Sự phối hợp của ba pháp môn là như thế nào trong thực hành, ngài Biện Âm xin Phật phân biệt chỉ bày có tất cả mấy cách tu tập, làm sao biết mình thích hợp với thứ nào.
Có hai mươi lăm định luân
Bấy giờ, Thế Tôn bảo cùng Bồ tát Biện Âm:
Lành thay ! Lành thay! Thiện nam tử ! Các ông có thể vì đại chúng và chúng sanh đời rốt sau mà thưa hỏi Như Lai đường lối tu tập như vậy. Nay các ông lắng nghe, ta sẽ nói rõ.
Khi ấy Bồ tát Biện Âm hoan hỷ vâng lời dạy, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Thiện nam tử ! Viên Giác thanh tịnh của tất cả Như Lai vốn không có sự tu tập và người tu tập. Song tất cả Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau ở ngay chỗ chưa giác mà dùng lực huyễn tu tập. Khi ấy có hai mươi lăm thứ định luân thanh tịnh.
Tánh Viên Giác vốn thanh tịnh bình đẳng một vị Thanh tịnh là không có tướng tu tập và tướng người tu tập. Bình đẳng một vị như hư không, không thể phân chia cái này tu cái kia, như đại dương thuần nhất một vị, không thể chia ra nước chỗ này khác với nước chỗ khác. Trong ấy mà nói tu hay không tu đều là chuyện hoa đốm hư vọng.
Nhưng đã lỡ vô minh, đã lỡ sanh ra một niệm bất giác, đã lỡ ngã té trên đất thì phải nhờ đất mà chống tay đứng dậy.
Trong chỗ giác ngộ thì không có hoa đốm, ở nơi chỗ chưa giác thì còn thấy có hoa đốm. Hành giả y vào lực huyễn của cái thấy có hoa đốm này mà tu trừ. Cũng như nước vốn không có băng, thế nhưng một khi vô minh đã kết nước thành băng thì dùng ngay cái lực vô minh huyễn hóa đã kết nước thành băng ấy mà tiêu trừ băng, băng tiêu đến đâu thì hoàn nguyên tánh nước đến đó. Do có sự chuyển tướng về tánh, chuyển thức thành trí này mà có sự tu tập.
Nhưng lực huyễn chính là lực phóng chiếu của tánh Giác, phóng chiếu ra thân tâm và thế giới huyễn hóa. Lực huyễn này là năng lực “ánh chiếu ra”, “ứng hiện ra” của tánh Giác thanh tịnh như được nói ở Chương Bồ tát Phổ Nhãn. Cả ba pháp Chỉ, Quán, Thiền đều y vào tánh Viên Giác, tức là y vào năng lực ánh chiếu, ứng hiện này của tánh Viên Giác mà tu, nên nói, “dùng lực huyễn mà tu tập”. Như ở đoạn sau có nói, “dùng lực Phật mà biến hóa ra thế giới”. Khi nói ‘Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức’ nghĩa là tất cả ba cõi đều huyễn hóa, sự huyễn hóa này do Tâm biến hiện, phóng chiếu ra. Vậy thì cái lực huyễn ta dùng để tu tập đây cũng là một phần nhỏ của cái lực huyễn tạo ra vũ trụ ta đang sống. Biết được lực huyễn nơi ‘ta và cái của ta’ thì biết được lực huyễn của toàn thể vũ trụ.
Thấy có tướng hay thấy không có tướng, cái thấy ấy là lực huyễn. Nghe có tiếng hay nghe không có tiếng, cái nghe ấy là lực huyễn. Đi đứng nằm ngồi, nói năng hay im lặng cái ấy là lực huyễn. Bèn ngộ được lực huyễn của Như Huyễn tam muội là gì.
Để ngộ nhập được lực huyễn, nên học hỏi phẩm Như Lai thần lực của Kinh Pháp Hoa và phần trong phẩm Nhập pháp giới của Kinh Hoa Nghiêm, khi Thiện Tài gặp Ma Gia phu nhân, mẹ của Đức Phật. Ma Gia (Maya) là huyễn, là lực huyễn.
Luân là bánh xe. Định luân là bánh xe xoay chuyển liên tục để đi vào Định của tánh Viên Giác. Tất cả Bồ tát đều xoay chuyển 25 loại định luân này để phá vỡ chướng ngại, nghiền nát vô minh mà đồng quay về thật tướng Viên Giác.
Hai mươi lăm định luân gồm trước hết là đơn tu 3 pháp, kế đó là 21 định luân, gồm 7 pháp định luân khởi đầu bằng Chỉ, 7 định luân khởi đầu bằng Quán, 7 định luân khởi đầu bằng Thiền. Sau cùng là 1 định luân viên tu cả ba pháp.
Hai mươi lăm định luân này đều dùng lực huyễn mà tập. Như chương Bồ tát Phổ Hiền có nói: “Ví như dùi lửa, hai thanh gỗ là nhân cho nhau, lửa phát ra hai ra hai thanh gỗ cháy hết, tro bay khói mất. Lấy huyễn tu huyễn cũng vậy. Các huyễn tuy hết mà chẳng rơi vào đoạn diệt”.
Đơn tu ba pháp Chỉ, Quán, Thiền
1/ Nếu các Bồ tát chỉ giữ các tĩnh, do sức tĩnh ấy mà vĩnh viễn dứt phiền não, thành tựu rốt ráo, chẳng rời khỏi chỗ ngồi mà nhập Niết bàn. Bồ tát này gọi là đơn tu Xa ma tha.
2/ Nếu các Bồ tát chỉ quán như huyễn, dùng Phật lực mà biến hóa ra thế giới, các thứ tác dụng, làm đầy đủ các diệu hạnh thanh tịnh của Bồ tát, nơi Đà la ni chẳng mất niệm tịch diệt (Thiền) và huệ tịch tĩnh (Xa ma tha). Bồ tát này gọi là đơn tu Tam Ma bát đề.
3/ Nếu các Bồ tát chỉ diệt các huyễn, không giữ tác dụng (Chỉ và Quán), chỉ riêng đoạn phiền não, phiền não đoạn hết bèn chứng Thật tướng. Bồ tát này gọi là đơn tu Thiền na.
1/ Niết bàn của Thanh Văn thừa do đi qua Bốn Thiền, Tám Định, Chín Định thứ lớp (Cửu thứ đệ định) cho đến Niết bàn. Đây là con đường tuyến tính thứ lớp.
Niết bàn của Bồ tát thừa là Niết bàn vô trụ xứ, nghĩa là không cần đi hết con đường Định, mà có thể gặp nó ở nơi nào của Chín Định, Niết bàn vô trụ xứ là tánh Viên Giác, siêu vượt sanh tử và Niết bàn, không chỗ nào không có, không ở giai đoạn nào của con đường mà không có.
Tu Chỉ là giữ cực tĩnh làm hạnh, như lắng trong nước đục, định càng lớn mạnh, càng sáng soi thì phiền não càng diệt trừ, cho đến khi tùy thuận được tánh Định của tánh Viên Giác, gương sáng tột khắp. Cái tĩnh của tâm hành giả càng lớn thì tánh tĩnh của Viên Giác càng hiện, tĩnh tới đâu hiện tới đó. Cho đến khi tĩnh toàn khắp, phiền não vĩnh viễn dứt thì ánh sáng của Viên Giác cũng toàn khắp, như thế là “không rời chỗ ngồi mà vào Niết bàn vô trụ xứ” vậy.
2/ Quán huyễn mà biết lực huyễn này của mình cũng chính là Phật lực, như vậy mới gọi là ngộ nhập vào pháp giới như huyễn của tánh Viên Giác. Từ đây mới biết “Biết huyễn tức lìa, chẳng khởi phương tiện. Lìa huyễn tức Giác, cũng không thứ lớp”. Tóm lại, quán huyễn là để biết huyễn.
3/ Không Chỉ, không Quán, chỉ riêng đoạn phiền não, đó là Thiền. Tánh Viên Giác như âm thanh thoát ra khỏi vật, vật không thể ngăn ngại âm thanh. Tánh Viên Giác vẫn thấu thoát qua mọi hình tướng, kể cả những tướng phiền não. Phiền não không thể ngăn ngại tánh Viên Giác, cho nên an trụ trong tánh Viên Giác, niệm niệm tương ưng với nó, thì phiền não không còn là trở ngại, như vật không thể ngăn ngại âm thanh từ vật đó, tùy thuận như vậy thì Thật tướng Viên Giác càng lúc càng hiện rõ, cho đến lúc dù có phiền não cũng không che khuất nó được.
Như Kinh nói Thủy giác và Bản Giác hợp nhất. Thủy giác là cái giác do sự thực hành của mình. Bản giác là tánh Giác vốn có sẳn. Đơn tu cho đến khi thủy giác hòa vào bản giác, như nước sông chảy vào biển.
Bảy pháp khởi đầu bằng Xa ma tha
4/ Nếu các Bồ tát trước hết giữ tột tĩnh, dùng tâm tĩnh huệ này soi chiếu các huyễn, bèn ở trong đó khởi hạnh Bồ tát. Bồ tát này gọi là trước tu Chỉ, sau tu Quán.
5/ Nếu các Bồ tát dùng tĩnh huệ chứng tánh tột tĩnh, rồi đoạn phiền não, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử. Bồ tát này gọi là trước tu Chỉ, sau tu Thiền.
6/ Nếu các Bồ tát dùng huệ tịch tĩnh, lại hiện lực huyễn các thứ biến hóa để độ chúng sanh, rồi sau đoạn phiền não mà vào tịch diệt. Bồ tát này gọi là trước tu Chỉ, giữa tu Quán, sau tu Thiền.
7/ Nếu các Bồ tát dùng lực tột tĩnh, đoạn phiền não rồi, sau khởi diệu hạnh thanh tịnh của Bồ tát mà độ chúng sanh. Bồ tát này gọi là trước tu Chỉ, giữa tu Thiền, sau tu Quán.
8/ Nếu các Bồ tát dùng lực tột tĩnh, sau đó vừa đoạn phiền não vừa kiến lập thế giới hóa độ chúng sanh. Bồ tát này gọi là trước tu Chỉ, , rồi đồng thời tu Quán và Thiền.
9/ Nếu các Bồ tát dùng lực tột tĩnh giúp cho sự tịch diệt, giúp phát khởi biến hóa, sau đoạn phiền não. Bồ tát này gọi là trước đồng thời tu Chỉ và Quán, sau tu Thiền.
10/ Nếu các Bồ tát dùng lực tột tĩnh giúp cho sự tịch diệt, sau khởi tác dụng, biến hóa thế giới. Bồ tát này gọi là trước đồng thời tu Chỉ và Thiền, sau tu Quán.
Đây là 7 pháp tu khởi đầu bằng Chỉ hay Định. Trước tu Chỉ nghĩa là trước phải có một sự tương ưng tùy thuận căn bản với cái Định của tánh Giác. Vấn đề là cái định phải đạt đến mức độ căn bản nào đó để có thế chuyển qua Quán và Thiền. Chương Oai Đức Tự Tại đã chỉ rằng hành giả phải đạt đến mức định “lắng trong các vọng niệm bèn biết thức là phiền nhiễu khuấy động, lúc ấy tĩnh huệ phát sanh”. Nhờ cái tĩnh huệ này mà biết “căn trần thức đều là huyễn hóa”, đây là tu Quán.Và cũng nhờ cái tĩnh huệ này mà biết “thân tâm thế giới là các tướng ngăn ngại, khi ấy biết tánh Giác không bị các tướng làm chướng ngại, bèn tùy tùy thuận tánh Giác tịch diệt này”, đây là tu Thiền.
Tu cái nào trước, cái nào sau, hay cái nào đồng thời đó là tùy theo nhu cầu của hành giả và hoàn cảnh. Điều quan trọng là tu pháp nào, định luân nào, cũng là tu tánh Giác. Và phải thực hành liên tục, không một niệm ngừng nghỉ thì mới có thể có lúc thật sự tương ưng với tánh Giác. Với pháp Chỉ thì dùng cái lực tột tĩnh của tánh Giác để trừ diệt vọng niệm của thức phiền nhiễu loạn động. Với pháp Quán thì dùng cái lực huyễn hóa của tánh Giác để trừ các tướng huyễn hóa. Với pháp Thiền thì dùng cái lực tịch diệt của tánh Giác để đoạn trừ phiền não.
Điều quan trọng là y vào tánh Viên Giác để tu.Cả ba pháp đều có nền tảng là tánh Viên Giác. Như thế có nghĩa là ngay nơi vọng niệm là cái lực tột tĩnh của tánh Giác, ngay nơi tướng huyễn hóa là lực soi chiếu như huyễn của tánh Giác, và ngay nơi phiền não là lực tịch diệt của tánh Giác. Tánh Giác ví như mặt gương bao trùm dung chứa tất cả: chỗ vọng tưởng khởi lên đó sự định tĩnh của mặt gương, ngay nơi tướng huyễn hóa là ánh sáng của gương, ngay nơi phiền não chính là sự tịch diệt của mặt gương.
Bảy pháp khởi đầu bằng Tam ma bát đề
11/ Nếu các Bồ tát dùng lực biến hóa tùy thuận các thứ mà giữ tột tĩnh, Bồ tát này gọi là trước tu Quán sau tu Chỉ.
12/ Nếu các Bồ tát dùng lực biến hóa các thứ cảnh giới mà giữ tịch diệt. Bồ tát này gọi là trước tu Quán sau tu Thiền.
13/ Nếu các Bồ tát dùng lực biến hóa mà làm Phật sự, an trụ tịch tĩnh mà đoạn phiền não. Bồ tát này gọi là trước tu Quán, giữa tu Chỉ, sau tu Thiền.
14/ Nếu các Bồ tát dùng lực biến hóa tác dụng vô ngại, đoạn trừ phiền não rồi an trụ chỗ tột tĩnh. Bồ tát này gọi là trước tu Quán, giữa tu Thiền, sau tu Chỉ.
15/ Nếu các Bồ tát dùng lực biến hóa phương tiện tác dụng, rồi tùy thuận cả hai tánh tột tĩnh và tịch diệt. Bồ tát này gọi là trước tu Quán, sau đồng thời tu Chỉ và Thiền.
16/ Nếu các Bồ tát dùng lực biến hóa khởi các thứ tác dụng giúp cho tột tĩnh, sau đoạn phiền não. Bồ tát này gọi là đồng thời tu Quán và Chỉ, sau tu Thiền.
17/ Nếu các Bồ tát dùng lực biến hóa giúp cho tịch diệt, sau trụ thiền định (tĩnh lự) vô tác thanh tịnh. Bồ tát này gọi là đồng thời tu Quán và Thiền, sau tu Chỉ.
Dùng lực biến hóa là quán huyễn. Lực biến hóa này chính là “dùng Phật lực mà biến hóa ra thế giới, các thứ tác dụng”, như đầu chương này đã nói. Cho nên càng quán huyễn người ta càng tương ưng tùy thuận với Phật lực. Phật lực này là “Thần thông Đại quang minh tạng…. tùy thuận bất nhị, trong cảnh giới bất nhị này hiện các Tịnh độ mười phương cùng với các Bồ tát mười vạn vị”. Đó chính là diệu dụng của tánh Viên Giác, cũng là bản tâm chúng ta.
Khi quán huyễn, đồng thời người ta đi vào Chỉ và Thiền. Như khi quán các bóng trong gương là huyễn người ta an trụ nơi sự tột tĩnh của gương (Chỉ) đồng thời biết bóng không ngoài gương, bóng chính là gương (Thiền).
Sự thay đổi ba pháp này lẫn nhau, trước sau hay đồng thời là tùy hành giả, nhưng có thay đổi gì thì cũng ở trong và trên tánh Viên Giác.
Thấy được sự biến hóa của tâm thức là biết Tâm. Thấy sự biến hóa thành sóng bèn là biết đại dương.
Bảy pháp khởi đầu bằng Thiền na.
18/ Nếu các Bồ tát dùng lực tịch diệt mà khởi tột tĩnh, trụ nơi thanh tịnh. Bồ tát này gọi là trước tu Thiền, sau tu Chỉ.
19/ Nếu các Bồ tát dùng lực tịch diệt mà khởi tác dụng ra tất cả cảnh và tùy thuận cái dụng tịch diệt này. Bồ tát này gọi là trước tu Thiền, sau tu Quán.
20/ Nếu các Bồ tát dùng lực tịch diệt là tự tánh của thảy thảy, an trụ nơi thiền định mà khởi biến hóa. Bồ tát này gọi là trước tu Thiền, giữa tu Chỉ, sau tu Quán.
21/ Nếu các Bồ tát dùng lực tịch diệt tự tánh vô tác khởi ra tác dụng cảnh giới thanh tịnh rồi về nơi thiền định. Bồ tát này gọi là trước tu Thiền, giữa tu Quán, sau tu Chỉ.
22/ Nếu các Bồ tát dùng lực tịch diệt thảy thảy thanh tịnh mà trụ thiền định, khởi ra biến hóa. Bồ tát này gọi là trước tu Thiền, sau đồng thời tu Chỉ và Quán.
23/ Nếu các Bồ tát dùng lực tịch diệt giúp cho tột tĩnh mà khởi biến hóa. Bồ tát này gọi là trước đồng thời tu Thiền và Chỉ, sau tu Quán.
24/ Nếu các Bồ tát dùng lực tịch diệt giúp cho biến hóa mà khởi tột tĩnh là cảnh giới huệ trong sáng. Bồ tát này gọi là trước đồng thời tu Thiền và Quán, sau tu Chỉ.
Đây là 7 pháp tu khởi đầu bằng Thiền, chủ yếu tương ưng tùy thuận với sự tịch diệt của tánh Giác, rồi lấy sự tịch diệt ấy làm nền tảng để khởi thêm Chỉ, Quán để thâm nhập tánh Giác. Trước hết hành giả phải biết Thiền tức là sự tịch diệt của tánh Giác. Sự tịch diệt này cũng là tự tánh của thảy thảy pháp, nó vốn vô tác và trong đó tất cả đều thanh tịnh.
Một khi biết tánh vốn là tịch diệt, vô tác, thanh tịnh, thấu thoát qua mọi tướng, bèn ở nơi chỗ tịch diệt ấy mà khởi tu: các tướng vốn là tịch diệt mà chưa được tịch diệt thì dùng thêm pháp quán huyễn; chân tánh vốn không động lay mà chưa được không động lay thì quy về nơi pháp chỉ hay định. Khi đã dẫm chân được lên mảnh đất tịch diệt của tánh Giác thì y đó tùy duyên khởi tu các pháp Chỉ Quán, tất cả không ngoài sự quy về Tịch Diệt, Bất Động (Tĩnh) và Như Huyễn.
Cả ba pháp, Chỉ thì dùng ‘lực tột tĩnh’, Quán thì dùng ‘lực biến hóa’, Thiền thì dùng ‘lực tịch diệt’, ba thứ lực tột tĩnh, biến hóa, tịch diệt này đều là lực của tánh Giác, ở trong tánh Giác và khởi dụng từ tánh Giác. Thế nên các lực đó càng mạnh càng sâu bao nhiêu thì hành giả càng tương ưng tùy thuận với tánh Giác bấy nhiêu. Và phải biết rằng lực định, lực quán, lực tịch diệt mà hành giả đang dùng chính là lực của tánh Giác, đang lưu xuất từ tánh Giác.
Viên Tu ba pháp
25/ Nếu các Bồ tát dùng Huệ Viên Giác, viên hợp tất cả, các pháp tánh tướng không gì lìa tánh Giác. Bồ tát này gọi là viên tu ba thứ tùy thuận tánh Giác thanh tịnh.
Định luân thứ 25 này được để riêng vì tính cách viên hợp, viên tu của nó.
Viên tu cả ba pháp là thẳng vào Tự tánh Viên Giác, an trụ trong đó, vì tự tánh vốn sẵn đủ cả ba thứ Định, Huệ và Định Huệ đồng thời. Viên hợp tất cả tánh tướng là đứng vào trong tánh Giác, vì tánh Giác như gương lớn trùm soi muôn tượng, như cái ấn báu vô tướng trong đó các pháp được ấn thành thật tướng Viên Giác.
Viên hợp tất cả là tánh, là an trụ trong tánh Giác gồm đủ Chỉ, Quán, Thiền, trong đó các tướng cũng chính là tánh Giác. Dùng huệ Viên Giác viên hợp tất cả gồm trong tánh Giác thì tánh tướng dung thông không ngại, tất cả tướng trọn vẹn là Tánh, tánh Giác hiện bày nơi mỗi một tướng. Tướng nào cũng là “lực tột tĩnh”, “lực biến hóa”, lực tịch diệt”. Tướng nào cũng là Chỉ, Quán và Chỉ Quán đồng thời. Sự viên hợp này vốn sẵn đủ nơi tánh Giác, tu như vậy gọi là viên tu. Nếu hành giả biết tự tánh gồm thông muôn pháp, thì y vào tự tánh mà viên hợp tất cả, huệ Viên Giác viên hợp được đến đâu thì cảnh giới thanh tịnh của tánh Giác hiện ra đến đó.
Thiện nam tử ! Đó gọi là 25 luân của Bồ tát. Tất cả các Bồ tát đều tu hành như vậy.
Nếu các Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau muốn y theo các luân này thì phải giữ gìn phạm hạnh (giới), tịch tĩnh (định), tư duy (huệ), cầu xin sám hối, trải qua hai mươi mốt ngày rồi viết mỗi pháp trong 25 luân này, vào một miếng giấy, xếp kín lại, chí tâm cầu khẩn, tùy tay bốc lấy một mà mở ra xem thì biết phải tu đốn tiệm thế nào. Nếu có một niệm nghi ngờ thì chẳng thành tựu.
Tất cả các pháp môn của tất cả các Bồ tát không ra ngoài 25 luân này. Cho nên phải thiết tha cầu xin để biết pháp tu hành. Nhân là tánh Viên Giác thì quả phải là tánh Viên Giác. Như nhân là tánh vàng thì quả là tất cả đều là vàng, từ mỗi lỗ chân lông cho tới vũ trụ.
Bài kệ trùng tuyên
Bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng:
Biện Âm ông nên biết
Tất cả các Bồ tát
Huệ thanh tịnh vô ngại
Đều y thiền định sanh
Đó là Xa ma tha,
Tam ma đề, Thiền na
Ba pháp đốn tiệm tu
Có hai mươi lăm luân
Mười phương chư Như Lai
Người tu hành ba đời
Đều do bởi pháp này
Mà được thành Bồ đề.
Chỉ trừ người đốn giác
Người chẳng tùy thuận pháp
Tất cả các Bồ tát
Cùng chúng sanh đời sau
Thường phải trì luân này
Tùy thuận siêng tu tập
Nương lực đại bi Phật
Không lâu chứng Niết bàn.
Ba pháp Chỉ, Quán, Thiền đều có đốn, có tiệm tùy theo căn cơ hành giả. Đối với pháp Chỉ, đốn là biết tánh Giác xưa nay không tịch, bất động, vô sanh bèn lập tức tương ưng tùy thuận, tất cả vọng tưởng chẳng còn sanh khởi, tất cả là Giác không còn chỗ nào cho thức tình phân biệt. Đối với pháp Quán, đốn là biết huyễn tức lìa, lìa huyễn tức Giác, biết tất cả là hoa đốm, chẳng buộc chẳng mở, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng còn vọng niệm tính toán so đo, mới biết chúng sanh xưa nay vốn đã thành Phật, sanh tử Niết bàn đều như giấc mộng hôm qua. Đối với pháp Thiền, đốn là biết tánh Giác xưa nay vô sanh tịch diệt mà vẫn chiếu soi, như tánh thấy, tánh nghe thông suốt khắp mười phương chẳng nương căn trần mà có, tánh tướng như như, tất cả đều là thật tướng, tánh vốn thanh tịnh thì tướng cũng thanh tịnh, thì còn gì là phiền não phân biệt.
Ba pháp phối hợp nhau cũng có đốn có tiệm. Tất cả hành giả phải trì các pháp luân này để ngộ nhập tánh Giác, vì các pháp luân ấy không nằm ngoài tánh Giác, mà chúng là tánh Giác hiển lộ ra theo căn cơ, theo ‘kênh’ của hành giả.
Tánh Viên Giác là sự thanh tịnh tương tục không đứt đoạn từ vô thủy đến vô chung, thế nên trong nó không có trước, sau, hay đồng thời nào cả. Nó ở khắp tất cả nên trong trước, sau, hay đồng thời đều có toàn thân tánh Viên Giác.