Lúc đó Bồ tát Phổ Nhãn ở trong đại chúng từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu phía hữu 3 vòng, quỳ dài chắp tay mà bạch Phật rằng: Đại bi Thế Tôn! Xin Ngài vì các vị Bồ tát trong pháp hội này và vì hết thảy chúng sinh đời mạt pháp, diễn nói cách tu hành lần lượt của Bồ tát. Phải tư duy như thế nào? Phải trụ trì ra sao? Chúng sinh chưa ngộ, phải làm phương tiện gì khiến được khai ngộ? Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sinh kia không có phương tiện chân chính và tư duy chân chính, nghe nói pháp tam muội này của Phật Như Lai, tâm sinh mê muội tức không thể ngộ vào nơi Viên Giác. Xin Phật dấy lòng từ bi, vì tất cả lũ chúng con và chúng sinh đời mạt pháp tạm nói ra pháp phương tiện.
Nói như thế rồi, năm vóc gieo xuống sát đất. Thỉnh cầu như thế trước sau 3 lần.
Khi bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Phổ Nhãn Bồ tát rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các ông mới có thể vì chư Bồ tát và chúng sinh đời mạt hỏi về cách tu hành lần lượt và tư duy, trụ trì, cho đến tạm nói những thứ thử phương tiện của Như Lai. Ông nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông nói.
Khi đó, Phổ Nhãn Bồ tát vui mừng vâng nghe lời chỉ dạy, và tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Các tân học Bồ tát kia và chúng sinh đời mạt, nếu muốn cầu tâm Viên Giác thanh tịnh của Như Lai nên phải chính niệm, xa lìa mọi huyễn.
Trước hết phải nương hạnh Sa ma tha của Như Lai, giữ gìn giới cấm, cùng ở trong đồ chúng, ngồi yên nơi tịnh thất, thường khởi tưởng niệm như vầy: Thân ta hiện đây, do tứ đại hòa hợp thành. Tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, cốt, tủy, não, hình sắc nhơ nhớp đều thuộc về địa đại. Bọt, dãi, mủ, máu, mồ hôi, nước mũi, đờm, nước mắt, tinh khí, đại tiện, tiểu tiện, đều thuộc về thủy đại. Hơi nóng thuộc hỏa đại. Động chuyển thuộc phong đại. Nếu tứ đại đều chia lìa nhau ra, cái vọng thân này sẽ nương ở chốn nào? Liền biết cái thân này, rốt ráo là không thật thể, lấy hòa hợp làm tướng, thật đều cũng huyễn hóa. Bốn duyên tạm hợp, vọng có sáu căn. Sáu căn bốn đại, trong ngoài hợp thành, vọng có nguyên khí, tích tụ ở trong, tựa có duyên tướng, tạm gọi là tâm. Thiện nam tử! tâm hư vọng này, nếu không có sáu trần thời không thể có. Nếu phân giải bốn đại, thời không có trần. Nếu duyên trần ở trong đều tan diệt hết, rốt ráo không còn thấy cả duyên tâm.
Thiện nam tử! Vì chúng sinh kia khi huyễn thân diệt, huyễn tâm cũng diệt. Vì huyễn tâm diệt, nên huyễn trần cũng diệt. Vì huyễn trần diệt, nên huyễn diệt cũng diệt. Vì huyễn diệt diệt rồi, nên pi huyễn chẳng diệt. Ví như lau gương, vụi hết gương sáng hiện. Thiện nam tử! Nên biết thân tâm đều là huyễn cấu. Nếu tướng cấu diệt vĩnh viễn thời mười phương thanh tịnh. Thiện nam tử! Ví như ngọc ma ni bảo châu thanh tịnh, khi rọi tới năm sắc đều hiện ra tùy theo mỗi phương hướng. Những kẻ ngu si thấy ngọc ma ni kia, có năm sắc thực. Thiện nam tử! Tính tịnh của Viên Giác, khi hiện ở thân, tâm đều thích ứng tùy theo từng loài. Những kẻ ngu si kia, nói nơi tịnh Viên Giác thực có tự tướng của thân tâm như thế, cũng lại như vậy. Do đó không thể xa lìa được huyễn hóa, bởi thế, ta nói thân tâm là huyễn cấu; đối lìa huyễn cấu là Bồ tát. Nếu cấu đã hết, huyễn đã trừ, tức không còn đối cấu và tên gọi ấy nữa.
Thiện nam tử! Bồ tát trong hội này, và chúng sinh đời sau, chứng được mọi huyễn, vì diệt được ảnh tượng, tức thì khi ấy liền được vô phương thanh tịnh, giác được tỏ lộ tới hư không vô biên. Vì giác tròn sáng nên hiển tâm thanh tịnh. Vì tâm thanh tịnh nên kiến trần thanh tịnh. Vì kiến trần thanh tịnh nên nhãn căn thanh tịnh. Vì nhãn căn thanh tịnh nên nhãn thức thanh tịnh. Vì nhãn thức thanh tịnh nên văn trần thanh tịnh. Vì văn trần thanh tịnh nên nhĩ thức thanh tịnh. Vì nhĩ thức thanh tịnh nên giác trần thanh tịnh. Như thế cho đến tỳ, thiệt, thân, ý cũng đều như thế. Thiện nam tử! Vì căn thanh tịnh nên sắc trần thanh tịnh. Vì sắc trần thanh tịnh nên địa đại thanh tịnh. Vì địa đại thanh tịnh nên thủy đại thanh tịnh. Hỏa đại, phong đại cũng lại như thế. Thiện nam tử! Vì tứ đại thanh tịnh nên 12 xứ, 18 giới, 25 cõi hữu thanh tịnh. Vì các pháp kia thanh tịnh nên 10 lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, 18 pháp bất cộng của Phật, 37 phẩm trợ đạo thanh tịnh. Như thế cho đến 84.000 pháp môn đà la ni hết thẩy đều thanh tịnh.
Thiện nam tử! Hết thẩy thực tướng vì tính thanh tịnh nên một thân thanh tịnh. Vì một thân thanh tịnh nên nhiều thân thanh tịnh. Vì nhiều thân thanh tịnh như thế cho đế mười phương chúng sinh trở nên Viên Giác thanh tịnh. Thiện nam tử! Vì một thế giới thanh tịnh nên nhiều thế giới thanh tịnh. Vì nhiều thế giới thanh tịnh như thế cho đến hết cả hư không, tròn đầy trong 3 đời, hết thẩy trở nên bình đằng thanh tịnh chẳng động. Thiện nam tử! Nếu hư không bình đẳng chẳng động như thế nên biết tính giác bình đẳng chẳng động. Vì tứ đại bình đẳng chẳng động nên biết tính giác bình đẳng chẳng động. Như thế cho đến 84.000 pháp môn Đà la ni bình đẳng chẳng động.
Thiện nam tử! Vì tính giác biến khắp, thanh tịnh chẳng động, tròn khắp không biên tế, nên biết 6 căn biến khắp pháp giới. Vì căn biến khắp nên biết 6 trần biến khắp pháp giới. Vì trần biến khắp nên biết tứ đại biến khắp pháp giới. Vì trần biến khắp nên biết tứ đại biến khắp pháp giới, như thế cho đến pháp môn Đà la ni biến khắp pháp giới. Thiện nam tử! Bởi vì tính diệu giác kia biến khắp, nên tính căn, tính trần không hoại không tạp. Vì căn trần không hoại không tạp như thế cho đến pháp môn Đà la ni cũng không hoại không tạp. Ví như trăm ngàn ngọn đền, chiếu trong một căn nhà, ánh sáng đó biến khắp, không hoại cũng không lẫn nhau.
Thiện nam tử! Vì giác thành tựu nên biết Bồ tát không bị pháp chằng trói, không cầu pháp giải thoát, chẳng nhàm chán sinh tử, chẳng say đắm Niết Bàn ; chẳng kính người trì giới, chẳng ghét người phá giới; chẳng trọng người học lâu, chẳng khinh kẻ mới học. Bởi cớ gi? Vì hết thảy đều là giác. Ví như con mắt sáng, soi rõ cảnh trước mắt, ánh sáng đó viên mãn, không có yêu và ghét. Bởi có gì? Vì thể sáng không hai, nên không có yêu, ghét. Thiện nam tử! Các Bồ tát trong hội này và chúng sinh đời mạt pháp, tu tập tâm này được thanh tịnh rồi, ở phần vô tu này, cũng không thành tựu. Viên Giác chiếu khắp tịch diệt không hai, nên ở trong đó có trăn nghàn vạn ức bất khả thuyết a tăng kỳ, hằng hà sa thế giới chư Phật, cũng như không hoa, loạn khởi, loạn diệt, chẳng tức chẳng ly, không trói buộc không giải thoát, mới biết chúng sinh bản lai thành Phật, sinh tử Niết Bàn cũng như giấc mộng. Thiện nam tử! Ví như giấc mộng đêm qua, nên biết Sinh tử và Niết Bàn không khởi không diệt, không đi, không lại. Phẩn sở chứng đó, không được, không mất, không lấy, không bỏ; phần năng chứng đó không tác, không chỉ, không nhậm, không diệt. Trong nơi chúng này không năng, không sở, rốt ráo không chứng cũng không cả không chứng. Hết thảy pháp tính bình đẳng chẳng hoại.
Thiện nam tử! Các Bồ tát kia tu hành như thế, lần lượt như thế, tư duy như thế, khai ngộ như thế, cầu pháp như thế, cũng chẳng mê muội.
Khi bấy giờ Đức Thế Tôn muôn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Phổ Nhãn ông nên biết
Hết thảy mọi chúng sinh
Thân tâm đều như huyễn
Thân tướng thuộc bốn đại
Tâm tính thuộc sáu trần
Thể bốn đại nếu lìa
Lấy gì để hòa hợp
Tiệm tu hành như thế
Hết thảy đều tanh tịnh
Chẳng động khắp pháp giới
Không tác, chỉ, nhậm, diệt
Cũng không phần năng chứng
Hết thảy thế giới Phật
Cũng như hoa hư không
Ba đời đều bình đẳng
Rốt ráo không đi lại
Bồ tát mới phát tâm
Và chúng sinh đời mạt
Muốn tìm vào Phật đạo
Nên tu tập như thế