Kinh Văn:
Hán Văn: Sa-môn dạ tụng Ca-Diếp Phật Di-Giáo Kinh, kỳ thanh bi khẩn, tư hối dục thối.
Phật vấn chi viết: "Nhữ tích tại gia, tằng vi hà nghiệp?" Đối viết: "Aịi đàn cầm."
Phật ngôn: Huyền hoãn như hà?" Đối viết: "Bất minh hỷ."
"Huyền cấp như hà?" Đối viết: "Thanh tuyệt hỷ."
"Cấp hoãn đắc trung như hà?" Đối viết: "Chư âm phổ hỷ."
Phật ngôn: "Sa-môn học Đạo diệc nhiên. Tâm nhược điều thích, Đạo khả đắc hỷ. Ư Đạo nhược bạo, bạo tức thân bì; kỳ thân nhược bì, ý tức sanh não; ý nhược sanh não, hành tức thối hỷ; kỳ thành ký thối, tội tất gia hỷ. Đản thanh tịnh an lạc, Đạo bất thất hỷ."
Dịch Nghĩa: Có thầy Sa-môn ban đêm tụng kinh Di-Giáo của Phật Ca-Diếp, giọng nghe có vẻ buồn thảm, hối hận muốn thụt lùi.
Đức Phật hỏi thầy: "Trước kia, ông ở nhà từng làm nghề gì?"
Đáp rằng: "Thưa, con thích gảy đàn cầm."
Phật hỏi: "Dây đàn chùng thì sao?" Đáp rằng: "Thưa, thì không rền vang được."
"Dây đàn căng thì sao"?" Đáp rằng: "Thưa, thì âm thanh đứt đoạn."
"Chùng, căng vừa chừng thì sao?" Đáp rằng: "Thưa, thì âm thanh phổ khắp."
Đức Phật dạy: "Bậc Sa-môn học Đạo cũng thế. Tâm, nếu giữ chừng mực thì Đạo có thể chứng được. Đối với Đạo, nếu hấp tấp thì thân mỏi mệt; thân nếu mỏi mệt thì ý liền sanh phiền não; ý nếu sanh phiền não thì hành liền thụt lùi; hành đã thụt lùi thì tội tất thêm lên. Chỉ có thanh tịnh, an lạc thì Đạo mới không mất vậy!"
Lược giảng:
Chương thứ ba mươi bốn nói về phương pháp học Đạo. Người học Đạo cần phải điều phục thân và tâm một cách khéo léo; không nên để cho thân và tâm bị quá căng thẳng hoặc quá ù lì, biếng nhác.
Trong Nho giáo cũng có nói rằng hễ tiến tới càng nhanh bao nhiêu, thì thối lui càng chóng bấy nhiêu! Khi tu Đạo, quý vị không nên xao lãng hoặc quên Đạo, nhưng đồng thời cũng đừng miễn cưỡng ép mình theo Đạo. Được như thế thì đó mới là phương pháp tu Đạo hoàn hảo; bằng không, sẽ không thành tựu Đạo quả được. Chỉ vì quý vị không biết cách dụng công, nên cứ không vội vàng thì lại chậm chạp. Có câu:
Khẩn liễu băng, mạn liễu túng.
Bất khẩn, bất mạn, tài thành công.
(Chặt thì căng, lơi thì chùng,
Không lơi không chặt mới thành công.)
Như dây đàn chẳng hạn, nếu lên dây thật chặt thì sẽ căng quá dễ bị đứt, còn nếu buộc lỏng lẻo thì dây lại bị chùng xuống. Tu hành cũng tương tự như thế, không gấp cũng không chậm thì tu Đạo mới thành công được.
Có thầy Sa-môn ban đêm tụng Kinh Di-Giáo của Phật Ca-Diếp. Một buổi tối nọ, có một thầy Sa-môn ngồi tụng Kinh Di-Giáo được lưu truyền từ thời Đức Phật Ca-Diếp. Khi thầy tụng bộ kinh ấy thì giọng nghe có vẻ buồn thảm, hối hận, muốn thụt lùi. Giọng thầy nghe rất bi thiết, áo não và đượm đầy căng thẳng, hoang mang. Thầy cảm thấy rất hổ thẹn và ân hận vì thâm tâm thầy không muốn tu hành nữa. Thầy đã thối chuyển, chỉ muốn rút lui.
Đức Phật hỏi thầy: "Trước kia, ông ở nhà từng làm nghề gì? Khi ông còn ở nhà với gia đình thì ông làm nghề gì, có khả năng làm được việc gì?"
Đáp rằng, thầy Sa-môn trả lời Đức Phật: "Thưa, con thích gảy đàn cầm. Con thích tấu nhạc gảy đàn. Đó là việc mà con thích nhất."
Đức Phật hỏi: "Dây đàn chùng thì sao?" Đức Phật bèn hỏi thầy ấy: "Như thế là ông biết rành về việc đánh đàn chứ gì? Vậy nếu dây đàn buộc lỏng, bị chùng, thì sao?" Đáp rằng: "Thưa, thì không rền vang." Thầy Sa-môn này mới bạch với Phật: "Bạch Đức Thế Tôn! Thì gảy không ra tiếng. Nếu dây bị chùng thì tiếng đàn nghe khàn đục, không âm vang, không ngân nga. Đàn không lên tiếng, chẳng có âm nhạc."
"Dây đàn căng thì sao?" Đức Phật lại hỏi: "Vậy nếu dây đàn buộc căng quá thì sao?" Đáp rằng: "Thưa, thì âm thanh đứt đoạn." Thầy Sa-môn bạch với Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Thì khi gảy, dây đàn sẽ bị đứt và tiếng nhạc không còn nữa."
"Chùng, căng vừa chừng thì sao?" Đức Phật hỏi tiếp: "Nếu dây đàn không căng cũng không chùng, mà ở vào mức tương đối giữa căng và chùng thì sao?" Đáp rằng: "Thưa, thì âm thanh phổ khắp." Thầy Sa-môn bạch Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Thì tiếng nhạc tấu lên sẽ rền vang réo rắt, chan hòa khắp nơi, nghe rất hay!"
Đức Phật dạy: Bậc Sa-môn học Đạo cũng thế." Bậc Sa-môn - những người siêng năng cần mẫn tu học Giới, Định, Huệ và muốn dứt sạch tham, sân, si - học Đạo thì cũng phải giống như thế.
"Tâm, nếu giữ chừng mực thì Đạo có thể chứng được." Nếu quý vị không vội vàng hấp tấp, cũng không trì trệ, buông lung phóng dật, thì quý vị có thể thành Đạo. Đừng nôn nóng cũng đừng lười biếng, thì có thể đắc Đạo.
"Đối với Đạo, nếu hấp tấp thì thân mỏi mệt." Trong lúc tu Đạo, nếu nôn nóng vội vàng thì sẽ làm cho thân thể mệt nhọc. Hễ quý vị sốt ruột, nóng nảy, giận dữ, thì thân rất dễ bị mệt nhọc. "Thân nếu mỏi mệt, thì ý liền sanh phiền não." Một khi thân thể đã mệt mỏi, suy nhược thì ý niệm của quý vị cũng sanh phiền não, chán nản. "ý nếu sanh phiền não thì hành liền thụt lùi." Hễ phiền não nảy sanh thì sẽ dễ dàng đưa đến tâm trạng nản lòng thối chí, muốn lùi bước, muốn hoàn tục, không hăng hái tu hành nữa. "Hành đã thụt lùi thì tội tất thêm liền." Hành của quý vị đã thụt lùi, không còn tinh tấn nữa, thì tội nghiệp của quý vị chắc chắn sẽ gia tăng và có thể sẽ nặng nề, nghiêm trọng hơn nữa.
"Chỉ có thanh tịnh, an lạc, thì Đạo mới không mất vậy." Chỉ cần quý vị giữ cho tâm mình luôn được trong sạch, yên vui thanh thản, thì nhất định quý vị sẽ chứng được Đạo! "