Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Thiên-thần hiến ngọc-nữ ư Phật, dục hoại Phật ý.

Phật ngôn: "Cách nang chúng uế, nhĩ lai hà vi? Khứ! Ngô bất dụng."

Thiên-thần dũ kính, nhân vấn Đạo ý. Phật vi giải thuyết, tức đắc Tu-đà-hoàn quả.

Dịch Nghĩa: Thiên-thần hiến ngọc-nữ cho Phật, toan phá hoại ý chí của Ngài. Đức Phật nói: "Những túi da chứa đồ ô uế, các ngươi đến đây làm gì? Đi ngay! Ta chẳng dùng đâu."

Thiên-thần càng thêm kính nể và nhân đó hỏi Phật về ý Đạo. Phật giảng nói xong, Thiên-thần liền đắc được quả Tu-đà-hoàn.

 

Lược giảng:

Vị Thiên-thần này là Thiên-ma, và cũng chính là Ma-vương Ba-Tuần (Papiyan). Ma-vương đợi đến khi Đức Phật sắp thành Đạo, bèn huy động đông đảo bà con quyến thuộc của loài ma - tức là toàn thể quân-đội tới quấy nhiễu Phật. Tuy nhiên, Đức Phật không hề bị lay chuyển, dao động. Chương thứ hai mươi sáu này cho thấy rằng Đức Phật chẳng những không bị Ma-vương cám dỗ hoặc làm cho rối trí, mà lại còn cảm hóa được Ma-vương, khiến Ma-vương trở thành kẻ hộ pháp cho Phật nữa!

"Thiên-thần hiến ngọc nữ cho Phật, toan phá hoại ý chí của Ngài". Ma-vương từ trên cõi trời đem dâng tặng Đức Phật ba ngọc-nữ. "Ngọc-nữ" nghĩa là gì? Đó là những người con gái xinh đẹp tuyệt trần, khả ái như ngọc vậy. Tướng mạo của cả ba ngọc-nữ này mỹ lệ đến độ chẳng những ở chốn nhân gian mà ngay cả trên cõi trời cũng không ai sánh bằng. Dụng ý của Ma-vương là muốn làm cho Phật khởi ý niệm dâm dục, và nhân đó, phá hủy ý chí cùng nguyện lực tu Đạo của Ngài.

Đức Phật dạy: "Những túi da chứa đồ ô uế, các ngươi đến đây làm gì?" Câu này có thể áp dụng cho cả nam lẫn nữ, bao gồm luôn cả những người nam khôi ngô tuấn tú và người nữ xinh đẹp mỹ miều; bởi chẳng phải chỉ có nữ giới mới là xấu xa còn nam giới thì lại không! Đức Phật dạy rằng thân thể con người chẳng qua chỉ là một cái túi da đựng toàn những thứ ô uế, dơ bẩn. Lớp da bao bọc bên ngoài cơ thể chúng ta ví như một cái skin bag, cái túi hoặc cái đãy bằng da vậy. Trong túi da ấy đựng cái gì? Cũng chẳng có gì nhiều ngoại trừ phân và nước tiểu! Quý vị nghĩ xem, có gì là đẹp đẽ đâu?

Thí dụ, quý vị mới nhìn qua bề ngoài thì thấy là anh chàng thanh niên kia rất đẹp trai; nhưng đẹp cách mấy cũng không hơn được Tôn-giả A-Nan. Tướng mạo ngài A-Nan tuấn tú, đẹp đẽ đến nỗi con gái của Ma-Đăng-Già vừa gặp mặt ngài là sanh lòng luyến ái ngay. Khi cô ta đến gặp Phật, Phật hỏi: "Ngươi yêu A-Nan ở điểm nào?" Cô đáp: "Mũi thầy ấy rất đẹp, mắt đẹp, tai đẹp, cả khuôn mặt cũng đẹp nữa."

Đức Phật bảo: "Được! Ngươi thích cái mũi của ông ấy thì Ta sẽ cắt mũi ông ấy để cho ngươi, thích tai của ông ấy thì Ta xẻo tai ông ấy cho ngươi, thích mắt của ông ấy thì Ta móc mắt ông ấy cho ngươi. Như thế, ngươi có thể đem những thứ ấy về!"

Cô ta phản đối: "Không! Như thế thì không được!"

Vậy, xét cho cùng thì tình cảm luyến ái giữa nam và nữ có ý nghĩa gì? Tướng mạo bề ngoài dù có đẹp đến đâu đi nữa, bất quá cũng chỉ là một cái túi da đựng các thứ ô uế tanh hôi - bên trong chứa nào là phân, nào là nước tiểu... Lại thêm chín lỗ trên thân không ngừng bài tiết ra những chất dơ bẩn, bất tịnh. Mắt thì có ghèn, tai thì có ráy tai, mũi thì có nước mũi, miệng thì có nước miếng, rồi còn phân và nước tiểu nữa. Quý vị nghĩ xem, có thứ nào là sạch sẽ đâu? Do đó, Đức Phật gọi cái thân này là cái túi da hôi hám chứa toàn rác rưởi bẩn thỉu.

Đức Phật dạy: "Ngươi cho Ta các thứ này để làm gì? Đi ngay! Ta chẳng dùng đâu! Các ngươi hãy mau rời khỏi nơi này, Ta chẳng cần đến các ngươi!" Khi Thiên-ma mang ngọc-nữ đến dâng tặng Phật, vừa nhìn thấy ba nàng ngọc-nữ này Đức Phật liền quán tưởng: "Chao ôi! Khi các ngươi già cả, trên mặt các ngươi sẽ có không biết bao nhiêu là nếp nhăn; hẳn là chẳng đẹp mắt chút nào. Tuổi già đến thì các ngươi sẽ tóc bạc da mồi, tàn tạ xấu xí, khó coi vô cùng!" Đức Phật vừa quán tưởng như thế, thì tướng mạo các ma-nữ bỗng nhiên biến đổi theo đúng như sự quán tưởng của Ngài. Khi trông thấy chính mình với hình dạng già nua ấy, các ma-nữ nhận thấy quả thật chẳng có ý nghĩa gì cả và đều lấy làm xấu hổ. Do đó, Phật bảo họ lánh đi nơi khác: "Hãy đi ngay! Ta không dùng các ngươi đâu!"

Thấy vậy, Thiên-thần càng thêm kính nể. Bấy giờ, thấy được Đạo-tâm của Phật kiên cố như thế, Thiên-ma càng sanh lòng kính trọng Phật hơn nữa, và nhân đó hỏi Phật về ý Đạo, thỉnh cầu Phật thuyết pháp. Phật giảng nói xong, Thiên-thần liền đắc được quả Tu-đà-hoàn. Đức Phật thuyết pháp cho Thiên-ma nghe và Thiên-ma lập tức chứng được quả vị Tu-đà-hoàn - quả vị đầu tiên của hàng A-la-hán.

Xem mục lục