Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Nhân hữu nhị thập nan: 1) Bần cùng bố thí nan; 2) Hào quý học Đạo nan; 3) Khí mạng tất tử nan; 4) Đắc đỗ Phật kinh nan; 5) Sanh trị Phật thế nan; 6) Nhẫn sắc, nhẫn dục nan; 7) Kiến hảo bất cầu nan; 8) Bị nhục bất sân nan; 9) Hữu thế bất lâm nan; 10) Xúc sự tâm nan; 11) Quảng học bác cứu nan; 12) Trừ diệt ngã mạn nan; 13) Bất khinh vị học nan; 14) Tâm hành bình đẳng nan; 15) Bất thuyết thị phi nan; 16) Hội Thiện-tri-thức nan; 17) Kiến tánh học Đạo nan; 18) Tùy hóa độ nhân nan; 19) Đỗ cảnh bất động nan; 20) Thiện giải phương tiện nan."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Người ta có hai mươi sự khó: 1) Bần cùng mà bố thí là khó; 2) Hào quý mà học Đạo là khó; 3) Bỏ thân mạng ắt chết là khó; 4) Được thấy kinh Phật là khó; 5) Sanh gặp đời có Phật là khó; 6) Nhịn sắc, nhịn dục là khó; 7) Thấy tốt mà chẳng mong cầu là khó; 8) Bị sỉ nhục mà chẳng tức giận là khó; 9) Có thế lực mà không lạm dụng là khó; 10) Gặp việc mà vô tâm là khó; 11) Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó; 12) Dẹp trừ tánh ngã mạn là khó; 13) Chẳng khinh người chưa học là khó; 14) Thực hành tâm bình đẳng là khó; 15) Chẳng nói thị phi là khó; 16) Gặp được Thiện-tri-thức là khó; 17) Học Đạo, thấy được tánh là khó; 18) Tùy duyên hóa độ người là khó; 19) Thấy cảnh mà không động là khó; 20) Khéo biết phương tiện là khó."

 

Lược giảng:

Trong chương thứ mười hai này, Đức Phật dạy: "Người ta có hai mươi sự khó." Tất cả mọi người đều gặp phải hai mươi sự khó khăn. Thế nào gọi là "khó"? "Khó" nghĩa là không được dễ dàng. Việc dễ là việc không khó. Việc không dễ tức là việc khó khăn, nghịch ý. Nghịch cảnh là hoàn cảnh ngang trái, khó hiểu, và cũng không dễ nhận ra. Dễ dàng tức là suông sẻ, thuận lợi. Sự thuận lợi đem lại cho chúng ta cảm giác dễ chịu. thoải mái. Vậy, hai mươi sự khó này chính là những việc mà con người không dễ gì thực hiện được.

1) Thứ nhất, "bần cùng mà bố thí là khó."

Nếu quý vị giàu có sung túc thì việc thực hành hạnh bố thí là chuyện dễ dàng, bởi vì quý vị có tiêu dùng bớt đôi chút cũng chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, nếu quý vị không có tiền của mà vẫn có thể bố thí, thì đó mới là sự bố thí chân chánh. Làm được những việc mà ai ai cũng có thể làm được, thì chẳng có gì lạ thường, đặc biệt cả. Cho nên, nếu quý vị có thể làm những việc mà kẻ khác không làm được, thì quý vị là những người xuất chúng. "Xuất chúng" có nghĩa là vượt hơn, trội hơn mọi người.

Nói về nỗi khó khăn "bần cùng mà bố thí" này, chúng ta có thể nhắc đến một công án: Vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có một người nọ gia cảnh hết sức nghèo nàn. Tuy nghèo, người ấy cũng có được một người vợ. Gia đình vỏn vẹn có hai vợ chồng và đời sống của họ vô cùng khó khăn, chật vật. Họ chỉ có một túp lều nhỏ đã xiêu vẹo để trú ngụ; ngoài ra, họ không có cơm ăn, cũng chẳng có áo mặc. Vì quá nghèo túng, họ đành phải ngày ngày đi xin ăn kiếm sống.

Đi xin ăn không phải là một việc khó khăn cho lắm; nhưng vấn đề nan giải của hai vợ chồng này là họ không có áo quần để mặc! Họ chỉ có độc nhất một tấm vải dùng quấn quanh người như cái khố để che thân mà thôi. Hai người dùng chung một cái khố, quý vị thử nghĩ xem, làm sao mà mặc kia chứ? Họ phải thay phiên nhau - bửa nay chồng ra ngoài xin ăn thì chồng khoác tấm vải ấy mà đi, thức ăn xin được thì mang về rồi vợ chồng chia xẻ với nhau; hôm sau đến lượt vợ đi xin ăn thì vợ cũng khoác tấm vải ấy vào mà đi. Người ở nhà thì không có gì để mặc; chỉ có người ra ngoài xin ăn mới khoác tấm vải ấy để che thân, và xin được thức gì thì đem về rồi hai vợ chồng cùng ăn với nhau. Họ cứ thế mà tạm sống qua ngày. Quý vị xem, nghèo đến mức ấy thì có thể nói là nghèo nhất rồi chứ gì nữa?!

Thuở ấy có một vị Bích-Chi Phật, và như đã đề cập trong các chương trước, các vị Bích-Chi Phật đều có Túc-mạng-thông, biết được chuyện đời quá khứ. Sau khi quán sát nhân duyên của hai vợ chồng nghèo nọ, và biết được rằng sở dĩ đời này họ nghèo khổ đến nỗi phải dùng chung một cái khố như thế là vì trong những kiếp ở quá khứ họ không chịu bố thí, vị Bích-Chi Phật nghĩ: "Ta phải độ hai vợ chồng người này!" Ngài phát nguyện cứu độ hai người ấy bằng cách giúp cho họ có cơ hội trồng phước. Thế là, với dáng mạo một thầy Tỳ-khưu, Ngài ôm bình bát đến trước nhà của hai vợ chồng nghèo ấy để hóa duyên.

Hai vợ chồng nọ trông thấy vị Sư đến hóa duyên, khổ nỗi họ chẳng có gì cả - đồ ăn thức uống không còn, y phục cũng chẳng có, trong nhà chỉ có mỗi một tấm vải dùng làm khố kia mà thôi! Chồng bèn bảo vợ: "Chúng ta nên phát chút tâm bố thí để cầu phước. Tại sao vợ chồng mình lại nghèo khổ thế này? Tôi nghĩ là bởi xưa kia mình không chịu bố thí, cho nên bây giờ mới chịu cảnh nghèo nàn như vầy. Chúng ta nên tập bố thí, mình ạ!"

Vợ ngạc nhiên hỏi lại: "Bố thí? Chúng ta có gì để bố thí đâu?"

Chồng đáp: "Chúng ta vẫn còn một tấm vải. Mình có thể cúng dường tấm vải ấy cho vị Sư này."

Vợ nổi nóng gắt lên: "Ông rõ là ngớ ngẩn! Chúng ta chỉ còn có tấm vải ấy, nếu đem cho ông Tỳ-khưu kia thì mình kể như cùng đường, làm sao mà đi hành khất được? Có tấm vải ấy thì còn có thể thay phiên nhau che thân mà đi, nếu đem cho rồi thì làm sao mà sống?"

Người chồng từ tốn khuyên vợ: "Đúng thế, việc này không phải dễ. Nhưng thôi chúng ta đừng lo nghĩ cho mình nữa; cứ bố thí tấm vải ấy cho thầy Tỳ-khưu này đi. Nếu không ra ngoài xin ăn được thì ở đây chịu chết đói thôi; có gì đâu mà nghĩ ngợi cho nhiều? Mình coi, thầy Tỳ-khưu vẫn còn đứng chờ ở ngoài kia kìa."

Chị vợ nghe chồng nói cũng phải, thở dài bảo: "Thôi được, mình muốn bố thí thì bố thí vậy!"

Quyết định rồi, họ bèn chuyền tấm vải qua cửa sổ để cúng dường cho thầy Tỳ-khưu. Thầy Tỳ-khưu, vốn là vị Bích-Chi Phật đã chứng quả, đón lấy tấm vải ấy và mang đến chỗ Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni, triển chuyển cúng dường cho Đức Phật, rồi bạch rằng: "Kính bạch Đức Thế Tôn! Con vừa hóa duyên được tấm vải này từ một gia đình rất nghèo khổ. Đây là tài sản duy nhất của họ, nhưng họ đã đem bố thí cho con."

Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni tiếp nhận tấm vải ấy và nói với đại chúng: "Quý quá thay! Công đức này rất to lớn. Trong nhà chỉ vỏn vẹn có được một tấm vải, thế mà họ lại đem cúng dường cho thầy Tỳ-khưu này, vốn là một vị Bích-Chi Phật! Họ sẽ được hưởng vô lượng phước báo, tương lai sẽ được phước rất lớn." Đương thời, vị Quốc-vương của nước ấy cũng có mặt trong Pháp-hội của Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni. Nghe qua tự sự, Quốc-vương thầm nghĩ: "Trong nước ta có người nghèo khổ đến nỗi không có cơm ăn, áo mặc; còn riêng ta thì ở hoàng cung ăn ngon mặc đẹp, như thế thì làm sao mà xứng đáng để trị vì muôn dân?" Quốc-vương tự thấy hổ thẹn, bèn phái người mang tới cho hai vợ chồng nọ thật nhiều gạo, bột, thức ăn và y phục.

Thế là đôi vợ chồng nghèo được hưởng phước báo ngay tức khắc - vừa mới bố thí tài sản duy nhất của mình thì liền có được đầy đủ mọi thứ. Sau đó, hai vợ chồng nọ đến bái kiến Đức Phật. Đức Phật thuyết Pháp cho họ nghe; và Ngài vừa nói xong thì cả hai người đều lập tức chứng được Sơ-quả A-la-hán.

Cho nên, nghèo hèn mà có thể bố-thí là khó. Nếu đương lúc gặp khó khăn mà quý vị có thể bố-thí được, thì đó mới là thật sự có tâm bố-thí. Và nếu càng khó khăn quý vị càng cố gắng để làm cho được, thì lại càng có giá trị hơn nữa. Chẳng hạn như chúng ta không thể chịu đựng sự mắng chửi, nhưng nếu bị người khác chửi mắng mà quý vị có thể nhẫn nhịn được, thì quý vị là người có đức hạnh. Cho nên, mặc dù chúng ta không thể chịu đựng sự đánh đập, nhưng khi bị kẻ khác đánh, quý vị nên nhẫn chịu và nghĩ rằng: "ừ! Đây là một vị Thiện-tri-thức tới làm tiêu bớt nghiệp chướng giùm mình, giúp mình thoát khỏi bể khổ. Đây là một vị Thiện-tri-thức hiếm có nhất!" Bất cứ cảnh giới nào xảy đến, quý vị cũng phải nhận diện cho được. Những người chỉ trích, không nói tốt về quý vị, chính là Thiện-tri-thức của quý vị đấy. Chớ nên mới nghe người ta khen mình một tiếng là mừng rỡ rối rít như trẻ con được cho kẹo; còn bị chê bai, chỉ trích một câu thì lại thấy cay đắng, khổ sở còn hơn là bị ăn hoàng liên1 nữa. Đừng nên có thái độ như vậy!

Đức Phật kể ra hai mươi sự khó, song nhân sinh nào phải chỉ có hai mươi sự khó ấy thôi đâu; hẳn nhiên là nhiều hơn thế nữa. Khi những sự khó khăn xảy đến, nếu quý vị có thể giải quyết một cách dễ dàng tức là quý vị đã thực sự hiểu Phật Pháp vậy.

2) "Hào quý mà học Đạo là khó. "Hào tức là phú hào, nghĩa là giàu có, lắm tiền lắm của. "Quý" là tôn quý, nghĩa là có địa vị cao, có thế lực lớn. Những người đã có tiền lại có thế lực nữa, thì đương nhiên đời sống của họ rất sung sướng, chứ không khổ sở như đôi vợ chồng nghèo chỉ có độc nhất một cái khố vừa kể nọ.

Những người giàu sang quyền quý thường có rất nhiều áo quần để thay đổi, rất nhiều tiền bạc để chi tiêu, đồng thời cũng có rất nhiều bà con giàu sang và bạn bè nổi tiếng. Như thế mà quý vị bảo họ dụng công tu hành, xuất gia học Đạo, thì thật là quá khó! Vì sao? Bởi vì họ đang hưởng một cuộc sống sung túc và cảm thấy rất thoải mái, rất tự do. Họ quen sống trong những tòa nhà lộng lẫy như lâu đài của vua chúa, và ăn toàn các thứ cao lương mỹ vị, những thực phẩm sang trọng nhất, đắt tiền nhất mà đa số mọi người không mua nổi. Cho nên, muốn cho họ chịu tu Đạo không phải là chuyện dễ.

3) "Bỏ thân mạng ắt chết là khó." "Bỏ thân mạng" tức là không muốn sống nữa. Tuy nhiên, cho dù quý vị không muốn sống nữa, cũng chưa chắc là quý vị có thể chết được ngay. Chẳng hạn như có nhiều người muốn chết nên uống thuốc ngủ để tự tử, nhưng vì uống chưa đủ liều lượng nên vẫn còn sống. Đó là trường hợp muốn chết nhưng lại chưa thể chết được. Nếu quý vị muốn bỏ thân mạng là có thể bỏ được ngay, muốn chết là chắc chắn chết được liền, thì không gọi là khó.

Sự khó khăn này cũng có thể được giải thích theo cách khác. Nếu quý vị muốn chết thì đương nhiên rồi cũng được toại nguyện, cũng có lúc sẽ chết thôi. Thế nhưng, cho dẫu quý vị ham sống sợ chết, dùng đủ mọi cách để giữ gìn cái thân này hầu kéo dài tuổi thọ, tránh khỏi cái chết, thì cũng không thể nào thực hiện được! Con người, ai ai rồi cũng phải chết; chẳng có người nào có thể "trẻ mãi không già" hoặc "sống hoài không chết" cả. Tuyệt nhiên không thể có chuyện đó, cho nên Đức Phật mới dạy là "bỏ thân mạng ắt chết là khó."

4) "Được thấy kinh Phật là khó." Quý vị chớ nên cho rằng được nghe giảng Kinh và được xem kinh sách như hiện tại là chuyện đơn giản, dễ dàng. Đó quả thật không phải là chuyện dễ. Có bài kệ rằng:

Vô lượng thậm thâm vi diệu Pháp,

Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.

Ngã kim kiến văn đắc thọ trì.

Nguyện giải Như-Lai chân thực nghĩa.

(Pháp Phật cao siêu rất nhiệm mầu.

Trăm nghìn muôn kiếp khó gặp được,

Con nay nghe, thấy được thọ trì,

Nguyện hiểu Như-Lai chân thật nghĩa.)

Quý vị hãy nghĩ xem, được nhìn thấy kinh sách của Phật không phải là dễ, được mang thân người lại cũng rất khó. Thế mà, đời này chúng ta đã có được thân người, lại còn được gặp kinh Phật và được nghe giảng kinh Phật - thật không phải là chuyện dễ! Ấu cũng là nhờ vô lượng kiếp về trước chúng ta đã trồng được đại thiện căn vậy!

5) "Sanh gặp đời có Phật là khó." Được sanh ra vào thời có Phật xuất thế cũng không phải dễ. Mặc dầu hiện tại Đức Phật đã nhập Niết-bàn, nhưng Phật Pháp vẫn còn tồn tại, cho nên chúng ta vẫn có thể học Phật và vẫn có thể tu hành. Thật may mắn thay cho chúng ta.

6) "Nhịn sắc, nhịn dục là khó." Ở đây, sắc dục tức là thứ tình cảm và dục vọng giữa nam nữ. Không dễ gì mà kiềm chế được lòng sắc dục, bởi vì thông thường, người đời đều cho rằng nam nữ kết hôn là lẽ tự nhiên. Nhịn được sắc, nhịn được dục, gặp cảnh giới mà không bị động tâm, có được sức nhẫn nhịn - đó là những việc rất khó khăn. Quý vị có thể kiềm chế một vài lần, nhưng rồi quý vị không thể kiềm chế nổi nữa và trở nên điên đảo. Vì thế, nhịn được sắc dục, bỏ được lòng ham muốn, không phải là dễ.

7) "Thấy tốt mà chẳng mong cầu là khó." Trông thấy sự việc rất tốt đẹp mà không tham cầu, không ao ước, thì không phải dễ. Thói thường hễ thấy cái gì đẹp là ai nấy đều sanh lòng tham, muốn chiếm hữu; cho nên thấy thứ tốt mà không tham cầu là khó.

8) "Bị sỉ nhục mà chẳng tức giận là khó." Thí dụ có người bỗng dưng đánh đập, chửi mắng, hoặc vô cớ làm nhục quý vị. Khi ấy, quý vị khó mà dằn lòng, không sanh tâm sân hận, hoặc xem như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tuy rằng không dễ bỏ qua, nhưng nếu quý vị làm được, tức là quý vị đã vượt qua được sự thử thách vậy.

9) "Có thế lực mà không lạm dụng là khó." "Có thế lực" tức là có quyền hành. Thí dụ có những kẻ làm quan mà muốn giết người là giết, thậm chí dùng quyền thế để sát hại người vô tội; đó gọi là "ỷ thế hiếp người." Cậy có quyền lực trong tay rồi giết người bừa bãi, tức là lạm dụng quyền lực. Kẻ không lạm dụng quyền là không dựa vào quyền lực để chèn ép, ức hiếp người khác. Có quyền lực mà không cậy quyền ỷ thế - không hống hách, vẫn tôn trọng mọi người, chẳng đàn áp hoặc sát hại người khác một cách bừa bãi - là một việc rất khó thực hiện. Tuy nhiên, khó làm mà làm được, thì không gì quý bằng!

10) "Gặp việc mà vô tâm là khó." Bất luận gặp phải chuyện gì, quý vị đều nên "vô tâm" mà ứng xử, đối phó. Khi có việc gì xảy ra, quý vị chớ nên bối rối, hoảng hốt; mà hãy tùy cơ ứng biến, tùy duyên đối phó. Chuyện đã qua rồi, giải quyết xong rồi, thì không nên nghĩ tới nữa; đó là:

Sự lai tắc ứng, sự khứ tắc tĩnh.

(Việc tới thì ứng phó, việc đi thì điềm tĩnh.)

Như thế gọi là "vô tâm" - không có tâm chấp trước, cũng chẳng có tâm vọng tưởng.

11) "Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó." "Học rộng" tức là học nhiều hiểu rộng; và "nghiên cứu nhiều" tức là tìm tòi, tra cứu cặn kẽ. Điều này cũng không dễ thực hiện.

12) "Dẹp trừ tánh ngã mạn là khó." Mọi người đều có tâm ngã mạn - thói kiêu ngạo, tự mãn về "cái tôi." Trừ diệt lòng ngã mạn, dứt bỏ thói kiêu căng, cũng không phải là chuyện dễ làm.

13) "Chẳng khinh người chưa học là khó." Đây là điều mà người xuất gia cần phải biết hơn hết: Không được khinh thường người chưa học Phật Pháp. Nếu khinh thường họ, tức là phạm tội "khinh thường người chưa học." Đối với những người không am hiểu Phật Pháp, quý vị nên vận dụng các pháp môn phương tiện để giảng giải và cảm hóa, chứ không nên có lòng khinh khi hoặc có thái độ bất nhã với họ.

Trong giáo pháp của Phật có nêu ra bốn điều không được khinh xuất, coi thường. Đức Phật vẫn thường nhắc đến những điều này; vậy đó là những điều gì? Đó là:

a) Lửa dù nhỏ, chớ coi thường (hỏa tuy tiểu, bất khả hốt). Đối với đốm lửa nhỏ, quý vị không được coi thường, không được lơ đễnh. Tuy rằng chỉ là một đốm lửa nhỏ, quý vị cũng phải hết sức cẩn thận; bởi vì hễ quý vị sơ ý, tất cả mọi thứ đều có thể bị thiêu hủy bất cứ lúc nào!

b) Rồng dù nhỏ, chớ coi thường (long tuy tiểu, bất khả hốt). Cho dù rồng rất nhỏ, quý vị cũng không được coi thường, bởi rồng có phép thần thông biến hóa, có khả năng biến nhỏ biến lớn.

c) Con vua dù nhỏ, chớ coi thường (vương tử tuy tiểu, bất khả hốt). Vương tử là con vua, là Thái-tử của Quốc-vương. Mặc dù vị vương-tử còn nhỏ tuổi, quý vị cũng không được coi thường, bởi trong tương lai, vương-tử sẽ được kế vị làm Hoàng-đế.

d) Sa-môn dù nhỏ, chớ coi thường (Sa-môn tuy tiểu, bất khả hốt). Mặc dù vị Sa-môn còn nhỏ tuổi, quý vị cũng không được coi thường, bởi vì tương lai vị Sa-môn ấy sẽ thành Phật.

Vậy, "chẳng khinh người chưa học" tức là không được khinh khi, xem thường những kẻ chưa học Phật Pháp; và tất nhiên, đó là điều rất khó thực hiện.

14) "Thực hành tâm bình đẳng là khó." Muốn cho tâm mình thực hành lẽ từ bi và bình đẳng thì không dễ, nhưng quý vị vẫn nên cố gắng tiến hành.

15) "Chẳng nói thị phi là khó." Đa số người đời đều thích nói chuyện thị phi, bàn tán chuyện phải quấy của kẻ khác; cho nên, không nói chuyện thị phi là một việc rất khó.

Một đệ tử của tôi nói rằng trước khi xuất gia thì anh ta không hề nói chuyện thị phi, thế nhưng sau khi xuất gia thì lại tiêm nhiễm thói xấu đó. Tuy nhiên, anh ta đã tỉnh ngộ rất chóng, nên tôi tin rằng bây giờ anh ta không còn nói chuyện thị phi nữa!

16) "Gặp được Thiện-tri-thức là khó." Được gặp gỡ bậc Thiện-tri-thức không phải là chuyện dễ. Quý vị hãy nhìn những vị học Đạo mà xem: Đa số những người mà quý vị gặp đều hồ đồ, ương ương dở dở cả. Bậc Thiện-tri-thức thì không hồ đồ, không gàn dở, không để cho quý vị phải lầm đường lạc lối.

Người tu Đạo nhất định phải nghe lời bậc Thiện-tri-thức. Nếu trong lúc chưa chứng được quả vị mà quý vị lại không chịu nghe lời hướng dẫn của bậc Thiện-tri-thức, chỉ muốn làm theo tánh ý của riêng mình, tức là quý vị đã phạm sai lầm và thế nào cũng bị đọa lạc, gặp ma chướng. Do đó, quý vị nhất định phải gần gũi các bậc Thiện-tri-thức và nghe theo sự giáo hóa của họ. Tuy nhiên, khó mà gặp được bậc Thiện-tri-thức.

17) "Học Đạo, thấy được tánh là khó." Học Đạo mà có thể "minh tâm kiến tánh" (hiểu tâm, thấy tánh) thì không phải dễ. Cho nên, nếu người học Đạo mà có thể hiểu được tâm và thấy được tánh của chính mình tức là đã làm được việc rất khó làm vậy.

18) "Tùy duyên hóa độ người là khó." Biết tùy duyên tùy phận mà uyển chuyển giáo hóa, cứu độ chúng sanh không phải là chuyện dễ.

19) "Thấy cảnh mà không động là khó." Nếu gặp bất cứ cảnh giới nào quý vị cũng không bị cảnh giới ấy lay chuyển, mà trái lại, còn có thể chuyển được cảnh giới, tức là quý vị đã làm được một việc rất khó.

20) "Khéo biết phương tiện là khó." Nhận biết được pháp môn phương tiện nào thích hợp để giáo hóa chúng sanh không phải là chuyện dễ.

Xem mục lục