Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

1 (44) Ai chinh phục đất này, Dạ ma, Thiên giới này? Ai khéo giảng Pháp cú, Như người khéo hái hoa?

2 (45) Hữu học chinh phục đất, Dạ ma, Thiên giới này. Hữu học giảng Pháp cú, Như người khéo hái hoa.

3 (283) Sợ hãi khởi lên từ rừng (vô minh); cắt cây rừng, nhớ bứng cả gốc rễ, vị sa môn sẽ thấy Niết bàn.

4 (284) Nếu cắt hết cây rừng, chưa bứng hết gốc rễ, tâm sẽ bị buộc ràng, như bê theo bên bò mẹ tìm sữa.

5 (285) Hãy lìa tâm ái ngã, như cắt hoa sen mùa thu; hãy tu pháp tịch tĩnh để tới Niết Bàn, như lời Phật dạy.

6 (51) Như hoa đẹp, có sắc nhưng không hương, là lời êm tai chỉ nói mà không làm (như người thuộc kinh mà không hành trì).

7 (49) Như ong đến với hoa, không hại sắc và hương, Che chở hoa, lấy nhụy. Bậc Thánh đi vào làng.

8 (50) Chớ nhìn lỗi người, chớ xem họ làm hay chưa. Nên nhìn tự chính mình, xem mình làm đúng hay sai

9 (58) Không ô nhiễm dù trên đống rác, hay trong ao dơ, hoa sen mọc lên, đẹp, thơm, trong sạch.

10 (59) Tương tự, học trò Đức Phật với trí tuệ chiếu sáng trong cõi người, nơi chúng sanh mù và bùn nhơ.

11 (53) Như từ một đống hoa, nhiều tràng hoa được làm. Cũng vậy, thân sanh tử, phải làm nhiều việc lành.

12 (377) Tương tự cây vakula vào mùa hè rơi rụng các cánh hoa tàn, các Tỳ khưu hãy xa lìa tham, sân, si.

13 (47) Như người hoa, ý đắm say tham nhiễm, bị thần chết mang đi, như lụt trôi làng ngủ.

14 (48) Như người nhặt hoa, ý đắm say tham nhiễm, các dục chưa thỏa mãn, đã bị chết chinh phục.

15 Như người nhặt hoa, ý say đắm tham nhiễm, chưa được tài sản gì đủ để vui, đã bị thần chết lôi đi.

16 Như người nhặt hoa, ý say đắm tham nhiễm, chưa đạt mục tiêu như ý, đã bị thần chết lôi đi.

17 Thấy thân này rỗng như bình, thấy tất cả như huyễn, sẽ bẻ gãy tên hoa của ma, vượt tầm mắt thần chết.

18 (46) Thấy cõi này như bọt sóng, thấy tất cả như huyễn, sẽ bẻ gãy tên hoa của ma, vượt tầm mắt thần chết.

19 Thấy thân này như bọt sóng, thấy tất cả như huyễn, sẽ bẻ gãy tên hoa của ma, vượt tầm mắt thần chết.

20 Tỳ khưu biết hữu thể chỉ như huyễn, y hệt như hoa udumbara, xả ly cả hữu và vô của bờ kia, như rắn rời bỏ lớp da khô cũ.

21 Tỳ khưu dứt bỏ tham, như cắt rễ hoa trong hồ, xả ly cả hữu và vô của bờ kia, như rắn rời bỏ lớp da khô cũ.

22 Tỳ khưu dứt bỏ sân, như cắt rễ hoa trong hồ, xả ly cả hữu và vô của bờ kia, như rắn rời bỏ lớp da khô cũ.

23 Tỳ khưu dứt bỏ si, như cắt rễ hoa trong hồ, xả ly cả hữu và vô của bờ kia, như rắn rời bỏ lớp da khô cũ.

24 Tỳ khưu dứt ngã chấp, như cắt rễ hoa trong hồ, xả ly cả hữu và vô của bờ kia, như rắn rời bỏ lớp da khô cũ.

25 Tỳ khưu lìa dính mắc, như cắt rễ hoa trong hồ, xả ly cả hữu và vô của bờ kia, như rắn rời bỏ lớp da khô cũ.

26 Tỳ khưu lìa ái dục, như cắt rễ hoa trong hồ, xả ly cả hữu và vô của bờ kia, như rắn rời bỏ lớp da khô cũ.

Hết Phẩm 18, về Hoa

Ghi nhận: Nhiều bài kệ trong phẩm này gợi nhớ tới Kinh Kim Cang, với lời dạy hãy nhìn tất cả các pháp như bọt sóng, như huyễn. Riêng nhóm các bài kệ 20-26 với hình ảnh người giải thoát sẽ y hệt như con rắn lột da, như trong Kinh Tập (Kinh Sn 1.1 - Uraga Sutta).

Có điểm cần suy nghĩ về với lời dạy các Tỳ khưu hãy xa lìa cả cái nhìn về Có và Không của bờ này và bờ bên kia – trong Kệ 22, bản Rockhill và bản Iyer viết: casts off what is and what is not of the other shore (xa lìa cả Sắc và Không của bờ bên kia); nhưng bản Sparham dịch: go beyond and cast off what’s not beyond (vượt qua thêm nữa, và rời bỏ những gì chưa qua bờ) và ghi chú rằng “những gì chưa qua bờ” là các uẩn (và tâm chấp thủ có gì thực trong các uẩn).

Trong khi đó, nếu dịch theo Kinh Sn 1.1 sẽ trực tiếp hơn, với nghĩa: “xa lìa cả bờ này và bờ kia” (bản dịch Nyanaponika: such a monk gives up the here and the beyond; bản dịch Thanissaro: sloughs off the near shore & far). Ngắn gọn, đây cũng là ý bài Bát Nhã Tâm Kinh.

Xem mục lục