Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Phẩm Đốn-Tiệm
THỨ TÁM

1.– Thuở ấy Lục-Tổ ở chùa Bửu-Lâm, thuộc về Tào-Khê, còn Thần-Tú đại-sư ở chùa Ngọc-Tuyền, thuộc về Kinh-Nam. – Đương lúc hai tông-phái hóa độ thạnh hành, người đời đều xưng là Nam Năng, Bắc Tú, nên mới có chia ra Nam, Bắc, hai tông, Đốn-giáo và Tiệm-giáo, làm cho kẻ học đạo chẳng biết xu hướng về tông nào.

2.– Tổ nói với chúng rằng : “Pháp vốn một tông mà người có Nam có Bắc, pháp vẫn một giống mà thấy có chậm có mau. – Sao gọi Đốn Tiệm ? – Thiệt ra pháp không Đốn Tiệm mà vì căn người có bén có lụt, cho nên gọi là Đốn Tiệm.”

3.– Song le các đồ-chúng của Thần-Tú, thường thường chê Nam-tông Tổ-sư chẳng biết một chữ, thì có cái gì hay.

4.– Tú nói : “Kia đặng cái trí vô-sư, sâu tỏ đến bực thượng-thừa ; ta không bì kịp. – Vả lại thầy ta là Ngũ-Tổ mà tự trao y-pháp, há phải dễ gì ! – Ta hềm vì xa cách, không thể đi tới thân cận được, mà luống chịu cái ân quốc-gia ; bọn ngươi chớ câu nệ ở đây, nên qua Tào-Khê cầu kia giải quyết.”

5.– Một bữa nọ, Tú bảo kẻ môn-đệ là Chí-Thành rằng : “Ngươi thông minh rộng trí, nên vì ta đến Tào-Khê thính pháp ; bằng có nghe được chỗ gì, thì hết lòng ghi nhớ lấy, lúc về nói lại ta nghe.”

6.– Chí-Thành vưng mạng đến Tào-Khê, theo chúng cầu hỏi, mà chẳng nói mình ở đâu đến.

7.– Khi ấy Tổ nói cùng chúng rằng : “Bữa nay có kẻ trộm pháp, lén ở trong hội nầy.”

8.– Chí-Thành bước ra lễ lạy và bày hết các việc.

9.– Tổ rằng : “Ngươi ở chùa Ngọc-Tuyền đến đây ắt là thám thính !”

10.– Thưa “Chẳng phải !”

11.– Tổ nói : “Sao là chẳng phải ?”

12.– Thưa : “Chưa nói thì phải, nói rồi thì chẳng phải.”

13.– Tổ nói : “Thầy ngươi dạy chúng thể nào ?”

14.– Thưa : “Thầy tôi hằng chỉ dạy trong đại-chúng, trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi không nằm.”

15.– Tổ nói : “Trụ tâm quán tịnh là bịnh, chớ chẳng phải thiền ; ngồi hoài thì có bó buộc vóc mình ích gì với lý ; vậy khá nghe kệ ta đây :

Khi sống ngồi chẳng nằm,

Thác rồi nằm chẳng ngồi,

Gốc thiệt dầu xương thúi.

Làm sao lập công tội.(1)

16.– Chí-Thành lại lạy và bạch rằng : “Kẻ đệ-tử nầy ở nơi thầy Tú-đại-sư, học đạo chín năm, chẳng tỏ ngộ được, nay nghe một lời nói của Hòa-thượng mà khế hội bổn tâm, đệ-tử vì sanh-tử là việc lớn, xin Hòa-thượng rộng mở ơn lành chỉ dạy cho.”

17.– Tổ nói : “Ta nghe thầy ngươi giảng dạy cho kẻ học đạo về pháp Giới-Định-Huệ, nhưng chưa rõ thầy ngươi nói hành-tướng của Giới-Định-Huệ thể nào, ngươi thuật lại cho ta nghe thử.”

18.– Thành bạch : “Tú-đại-sư nói : Các sự ác chớ làm gọi là : Giới ; – các điều lành vưng làm gọi là : Huệ ; – mình tự thanh tịnh ý mình gọi là : Định. – Thầy tôi nói như thế, chưa rõ Hòa-thượng lấy pháp chỉ dạy người ?”

19.– Tổ nói : “Nếu ta nói có pháp cho ngươi, tức là dối ngươi ; ta chỉ tùy lấy phương-tiện mở chỗ buộc trói cho ngươi mà giả danh kêu là Tam-muội ; như Giới-Định-Huệ của thầy ngươi nói đó thiệt chẳng khá nghĩ bàn song chỗ thấy Giới-Định-Huệ của ta lại khác.”

20.– Chí-Thành bạch : “Đã nói là Giới-Định-Huệ, thì một giống in nhau, làm sao lại khác ?”

21.– Tổ nói : “Giới-Định-Huệ của thầy ngươi nói đó là tiếp bực người đại-thừa ; còn Giới-Định-Huệ của ta nói đây là tiếp bực người tối-thượng-thừa, tại chỗ ngộ giải chẳng đồng, thấy có mau chậm. – Ngươi nghe ta nói có giống như thầy ngươi không ? – Pháp của ta nói, không lìa tự tánh ; nếu lìa bổn-thể mà nói pháp, thì gọi là tướng thuyết, tự tánh thường mê. – Vậy phải biết tất cả muôn pháp đều do nơi tự-tánh mà khởi ra dụng, ấy là thiệt pháp Giới-Định-Huệ.

22.– Khá nghe kệ ta đây :

Nơi lòng không quấy, tánh mình Giới ;

Nơi lòng không mê, tánh mình Huệ ;

Nơi lòng không loạn, tánh mình Định ;

Chẳng thêm chẳng bớt, tánh Kim cang ;

Thân lui thân tới, gốc tam-muội.(2)

23.– Chí-Thành nghe kệ, hối ngộ tạ ơn, rồi trình lại bài một kệ rằng :

Năm uẩn hoạn thân,

Hoạn đâu cứu cảnh,

Trở về chơn như,

Pháp lại chẳng tịnh.(3)

24.– Tổ khen là phải, lại nói với Chí-Thành rằng “Giới-Định-Huệ của thầy ngươi để khuyên kẻ căn-trí nhỏ. Giới-Định-Huệ của ta để khuyên người căn-trí lớn. – Ví bằng ngộ được tự-tánh, thì cũng chẳng lập ra Bồ-đề Niết-bàn và cũng chẳng lập ra giải-thoát tri-kiến không một pháp khá đặng, mới gầy dựng muôn pháp. – Bằng rõ ý ấy cũng gọi là : Bồ-đề Niết-bàn, và cũng gọi là : giải-thoát tri kiến. – Hễ người đã thấy tánh, lập ra cũng đặng, chẳng lập cũng đặng, lui tới tự-do, không ngăn không lấp, gặp việc làm liền, gặp hỏi đáp liền, hiện khắp hóa-thân, chẳng lìa tự-tánh tức là được tự-tại thần thông, du hý tam muội, ấy gọi là thấy tánh.”

25.– Chí-Thành lại bạch với Tổ rằng : “Thế nào là nghĩa : chẳng lập ?”

26.– Tổ nói : “Tự-tánh mình không quấy, không mê, và không loạn ; niệm niệm thường có trí bát-nhã xét soi, hằng lìa pháp-tướng, tự-do tự-tại, dọc ngang đều được cả thì có cái gì khá lập. – Tánh mình tự ngộ, ngộ liền tu liền, cũng không theo lần thứ lớp vậy nên chẳng lập tất cả các pháp, các pháp vẫn vắng bặt, nào có thứ lớp gì !”

27.– Chí-Thành lạy tạ, rồi xin ở hầu hạ sớm khuya chẳng hề trễ nãi.

(Chí-Thành là người ở Thái-Hòa thuộc về Cát-Châu.)

&&&

28.– Một ông tăng, tự là Chí-Triệt, người ở Giang-Tây, họ Trương, tên Hạnh-Xương, thuở trẻ ưa làm kẻ hiệp-khách. – Từ Nam, Bắc, chia đường hóa đạo, hai vị Tông-chủ tuy quên lòng bỉ ngã, mà bọn đệ tử của Thần-Tú lại đua nhau khởi lòng thương ghét.

29.– Thuở ấy kẻ môn-nhơn bên Bắc-tông đồng tôn Thần-Tú lên làm Tổ thứ sáu mà còn nể việc Tổ-sư truyền y, làm cho thiên-hạ đều nghe, nên chúc sử Hạnh-Xương đến hành thích Lục-Tổ.

30.– Lục-Tổ là bực tâm thông, đã biết trước việc ấy nên tức thì lấy vàng mười lượng, để tại chỗ ngồi.

31.– Vừa lúc đêm tối, Hạnh-Xương lén vào trong liêu Tổ, toan muốn làm hại ; Tổ đưa cổ cho giết, Hạnh-Xương hươi dao chém ba lần, đều không hề hấn chi cả.

32.– Tổ nói : “Gươm chánh chẳng dùng được việc tà, gươm tà chẳng hạ được kẻ chánh ; ta chỉ mắc nợ vàng của ngươi, chớ chẳng mắc nợ mạng.”

33.– Hạnh-Xương giùn mình té xỉu, giây lâu mới sống lại, cầu khẩn ăn-năn tội lỗi rồi xin xuất-gia.

34.– Tổ lấy vàng cho và nói : “Ngươi khá đi liền, sợ đồ-chúng ta trở lại hại ngươi. – Ngày sau ngươi hãy đổi hình dạng đến đây, ta sẽ nạp thọ.”

35.– Hạnh-Xương vưng theo ý dạy, trốn liền trong đêm ấy, sau xuất-gia làm tăng. – Nhơn một bữa nọ nhớ lời Tổ dặn mà từ xa đi đến đảnh lễ ra mắt Tổ.

36.– Tổ nói : “Ta trông ngươi đã hèn lâu, ngươi đến sao muộn vậy !”

37.– Bạch : “Ngày trước mông ơn Hòa-thượng xá tội nay tuy đã xuất-gia khổ hạnh, nhưng khó đền ơn đức chỉ còn mông truyền pháp độ-sanh thôi ! – Đệ-tử nầy hằng xem kinh Niết-Bàn mà chưa rõ nghĩa : “thường” ”vô thường”, xin Hòa-thượng lấy lượng từ-bi giải nói sơ lược cho tôi rõ.”

38.– Tổ nói : “Vô-thường” tức là tánh Phật, còn “hữu-thường” tức là cái tâm phân biệt hết thảy các pháp thiện ác.

39.– Bạch : “Chỗ Hòa-thượng nói thiệt trái với kinh văn.”

40.– Tổ nói : “Ta đây truyền tâm ấn của Phật, đâu dám trái với kinh Phật.”

41.– Bạch : “Trong kinh nói : Tánh Phật là “thường” mà Hòa-thượng lại nói là “vô-thường” ; các pháp thiện ác cho tới tâm Bồ-đề đều là “vô-thường” mà Hòa-thượng lại nói là “thường” ; ấy là trái nhau, làm cho kẻ học đạo nầy càng thêm nghi hoặc.”

42.– Tổ nói : “Kinh Niết-Bàn ngày trước ta có nghe cô vãi Vô-Tận-Tạng đọc qua một vòng, ta bèn vì cô giảng nói, không một chữ, một nghĩa nào chẳng hạp với kinh văn cho đến ngày nay ta nói với ngươi đây cũng không hai nghĩa !”

43.– Bạch : “Chỗ biết của kẻ học đạo nầy còn cạn cợt mờ ám, cầu xin Hòa-thượng cặn kẽ mở bày.”

44.– Tổ nói : “Ngươi biết chăng ? – Tánh Phật nếu là “thường”, thì còn nói làm chi các pháp thiện ác, cho đến cùng tột kiếp số, không có một người nào phát tâm Bồ-đề ; vậy nên ta nói “vô-thường”, chánh là đạo Chơn thường của Phật nói.

45.– “Lại hết các pháp nếu là “vô-thường”, thì tức là vật vật đều có tự tánh, dung chịu sự sanh tử, mà tánh Chơn thường có chỗ chẳng khắp, cho nên ta nói “thường”, chánh là nghĩa Phật nói Chơn vô-thường đó !

46.– “Phật xưa vì kẻ phàm-phu ngoại-đạo chấp nơi tà thường và các người bực nhị-thừa, “thường” mà kể là “vô-thường”, cộng thành tám cách đảo ngược, nên trong giáo liễu-nghĩa của Niết-bàn phá những chỗ thấy chênh-lệch kia mà rõ nói ra nghĩa chơn-thường, chơn-lạc chơn-ngã chơn-tịnh.

47.– “Ngươi nay y lời nói mà trái nghĩa, lại lấy cái đoạn-diệt vô thường và chấp định cái tử-thường mà lầm giải những lời nhiệm-mầu rốt sau của Phật, vậy thì dầu ngươi coi đến ngàn lần cũng không ích gì !”

48.– Hạnh-Xương thoạt nhiên tỏ ngộ, rồi đọc kệ rằng :

Bởi giữ tâm vô-thường,

Phật nói tánh hữu thường.(4)

Chẳng biết lời phương tiện,

Như lượm gạch ao vàng.(5)

Ta nay chẳng nhọc sức,

Phật tánh hiện rõ ràng.(6)

Nếu không thầy chỉ bảo,

Ta cũng khó tìm đường.(7)

49.– Tổ nói : “Nay ngươi đã thông triệt rồi nên đặt tên là : Chí-Triệt.”

50.– Triệt lạy tạ rồi lui.

51.– Nhơn khi Tổ thấy các tông-đồ vấn nạn lẫn nhau, đều khởi tâm ác, nhóm đông như chỗ ngồi, mới động lòng thương mà gọi rằng : Phàm kẻ học đạo, nên trừ hết tất cả niệm thiện, niệm ác, không có danh chi khá gọi, gọi là : tự-tánh ; cái tánh không hai gọi là : thiệt-tánh. – Ở trên thiệt-tánh gầy dựng hết thảy giáo môn, dưới câu nói mình nên tự thấy.

52.– Các người nghe nói, thảy đều đảnh lễ, mà xin phụng sự Tổ làm thầy.

 


(1) Từ câu : “ Khi sống ngồi chẳng nằm”… đến câu “Làm sao lập công tội” : Bài kệ nầy là Tổ phá cái chấp “ngồi thiền” vì thiền là nghĩa : lặng bặt các sự lo nghĩ, thì thiền thuộc về tâm ; còn ngồi hay nằm là thuộc về thân, hai bên vẫn không can thiệp. Nếu tâm đã lặng bặt, thì dầu đi đứng nằm ngồi, lúc nào lại chẳng lặng bặt, cần gì phải ngồi hoài mới tịnh được.

Cho nên trong Truyền-Đăng-Lục cũng nói : Có thầy sa-môn Đạo-Nhứt hằng ngày ngồi thiền ở trong am Truyền-Pháp. Ngài Nam Nhạc-Nhượng thiền-sư đi đến thấy hỏi : “Đại đức ngồi thiền, toan làm cái gì đó ?” – Nhứt nói : “Toan làm Phật.” – Nhượng-thiền-sư mới lấy một viên gạch, ra ngồi tại hòn đá trước cửa am mà mài. – Nhứt thấy hỏi : “Sư mài gạch làm cái gì ?” Nhượng nói : “Mài làm cái gương.” – Nhứt nói : “Mài gạch làm sao thành gương được ?” – Nhượng nói : “Mài gạch không thành gương được, thì ngồi thiền há làm Phật được ư ?”

Xem thế, thì biết chỗ chơn tham thiệt ngộ của Tào-Khê, Tổ trước Tổ sau như đồng khuôn mẫu.

Vả lại sắc thân ấy, nó có sanh có tử, khi sống thì ngồi, khi chết thì nằm, dầu ngồi hay nằm cũng không có chi là công, cũng không có chi là tội ; vì gốc nó là đống xương thúi, đối với cái thiền bản lai của ta vẫn không ăn nhập gì cả.

(2) Chẳng thêm chẳng bớt, tánh Kim cang ; thân lui thân tới, gốc tam-muội : “Kim-cang”, là một thứ rất bền, rất cứng, và rất bén ở trong loại kim, nên gọi là : kim-cang. – Đây lấy nó mà thí-dụ với tự-tánh Giới-Định-Huệ. – Bền là dụ “giới”, – cứng là dụ “định”, – bén là dụ “huệ” ; – vì tự-tánh “giới” rất bền chắc, dầu cho Thiên-ma ngoại đạo cũng không phá hoại được ; tự tánh “định” rất cứng vững, dầu cho lửa kiếp gió tỳ cũng không lay động được ; tự-tánh “huệ” rất sướt bén, dầu cho căn-bản phiền-não hay là chi mạt phiền não gì cũng bị nó chặt đứt hết ráo.

Mà tự tánh Giới-Định-Huệ ấy, dầu Thánh dầu phàm vẫn cũng bình đẳng, cho nên nói : “Chẳng thêm chẳng bớt, tánh Kim cang” là thế.

“Tam-muội”, Tàu dịch : Chánh-định, – câu nầy là nói cái thường định của Phật không có lúc nào chẳng định (Na-già thường tại định, vô hữu bất định thời), dầu cho thân tới thân lui rộn-ràng đến đâu, cái định ấy vẫn cũng không có tướng loạn động ; vì gốc nói đã định sẵn rồi, cho nên nói : “Thân lui thân tới gốc tam muội” là vậy.

(3) Từ câu : “Năm uẩn hoạn thân”… đến câu : “pháp lại chẳng tịnh” là nói : thân “năm uẩn” là cái thân giả mỵ, không phải thiệt ; vì gốc do nơi các duyên giả-hiệp mà thành ra, thì nó cũng do nơi các duyên giả ly mà tan rã, không phải là vật thường-trụ bất-diệt, nên gọi là : giả-mỵ ; mà trong sự giả mỵ ấy, trừ Phật ra không ai rốt-ráo được cả.

Nhưng tuy biết : trong từ cái thân ngũ-uẩn của ta, ngoài đến hết thảy vạn tượng trong vũ trụ đều là giả, mà xoay trở lại xu-hướng về pháp chơn như, thì pháp chơn như lại cũng chẳng tịnh ; vì tịnh với chẳng tịnh là ở nơi tâm, không phải ở nơi pháp ; mà nay tâm còn biết vọng, còn cầu chơn, tức là tâm còn phân biệt ; còn thủ xả, thì thuộc về vọng tâm ; mà vọng tâm thì nhiễm, chớ đâu phải tịnh.

Nếu tâm đã chẳng tịnh, thì pháp làm sao tịnh được ; huống chi đã kêu là “như” thì bản thể thanh tịnh đã biến đổi rồi (hoán tát như như, tảo thi biến liễu), còn có chi là tịnh nữa. – Vậy nên nói : “trở về chân như, pháp lại chẳng tịnh” là thế.

(4) Bởi giữ tâm vô-thường, Phật nói tánh hữu thường : Nguyên lai Đại thừa Niết-bàn có sẵn bốn đức là : “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, vì là :

1. Thể của nó vẫn không biến đổi, không sanh diệt, và dụng của nó thì tùy duyên ứng-hóa mãi mãi không dứt, nên gọi là : “thường” ;

2. Thể của nó thì dùng ra việc gì đều được thỏa thích, nên gọi là : “lạc” ;

3. Thể của nó thì chơn-thiệt, và dụng của nó thì tự-tại không ngại, nên gọi là : “ngã” ;

4. Thể của nó thì lìa ngoài hết thảy các nghiệp phiền-não nhơ bẩn, và dụng của nó thì tùy duyên ứng hóa mà duyên cảnh chẳng nhiễm ô, nên gọi là : “tịnh”.

Thế mà những người trong hàng Nhị-thừa không đạt tới cảnh giới Đại Niết bàn ấy, trở lại chấp là : “không thường, không lạc, không ngã, không tịnh” mà tự đặt mình vào cái cảnh “khôi thân diệt trí, thiên không Niết-bàn”, nên trong Niết-bàn liễu nghĩa giáo, Phật mới nói ra tánh “có thường”, để hiển rõ nghĩa chơn thường bất biến mà phá cái chấp “không thường” kia.

(5) Chẳng biết lời phương tiện, như lượm gạch ao vàng : “Ao vàng”, là dịch theo vận ; thiệt ra thì dịch là “ao mùa xuân” mới đúng với chữ “xuân trì” của chánh văn, và mới đúng theo sự tích trong kinh Niết-Bàn nói.

Đây là nói : Bởi chúng-sanh mê ám mà không biết, đời đời ở trong pháp sanh tử mà trở lại chấp là “thường” là “lạc” là “ngã”, là “tịnh”, mà chẳng biết nhàm chán để tìm đường giải thoát, ấy là bốn cái thấy điên đảo của chúng-sanh (tứ đảo).

Phật thấy vậy mới nói ra pháp “khổ, không, vô thường, vô ngã” – nghĩa là:

1. Hết thảy chúng-sanh trong Tam-giới đều bị tám thứ khổ ép ngặt nơi thân tâm, không có chi là vui, nên gọi là : “khổ” ;

2. Hết thảy những hữu vi trong thế gian đều do nhơn duyên giả hiệp mà sanh ra, gốc nó không có tự tánh, nên gọi là : “không” ;

3. Những pháp hữu vi ấy đều là sanh diệt biến đổi, không có chi là hằng còn, nên gọi là “vô thường” ;

4. Trong từ ngũ uẩn căn thân của chúng-sanh, ngoài đến vạn hữu sum la giữa vũ trụ đều do nơi nhơn duyên giả hòa hiệp mà sanh ra, thì có cái gì thiệt thể là cái ta, và có cái gì thiệt thể là cái vật của ta, vậy nên gọi là : “vô ngã”. – Nếu hiểu thấu lý ấy, thì đạt tới cảnh giới “chơn không Niết-bàn”.

Những người trong hàng Nhị thừa nghe Phật nói thế, liền chấp cái “chơn không Niết-bàn” ấy làm cảnh an-vui rốt ráo, mà không dè đó là Hóa thánh, chớ chưa phải Bảo-sở ; chẳng qua Phật dùng lời phương tiện quyền vào để phá cái thấy điên đảo của chúng-sanh mà dắt dẫn chúng-sanh ra khỏi Tam-giới đó thôi, chớ không phải là pháp chơn thiệt cứu cánh.

Cho nên trong kinh Niết-Bàn, Phật nói : “Ví như đương lúc mùa xuân có một nhóm người rủ xuống ao tắm, rồi bơi thuyền chơi giỡn, bị rớt ngọc lưu-ly bảo châu chìm mất ; mấy người mới cùng nhau lặn xuống ao tìm kiếm, lượm trúng những gạch, ngói, cỏ, sạn, đá, lầm tưởng bảo châu, ai cũng vui mừng cầm lên, không dè coi lại mới biết là chẳng phải thiệt. – Lúc ấy bảo châu còn ở dưới nước, vì sức của châu mà nước đứng lặng trong trẻo, cả chúng đều dòm thấy bảo châu một cách rõ ràng như ngó lên mặt trăng trên trời không khác ; khi đó trong chúng có một người trí, dùng chước phương tiện chậm rãi xuống nước tức thời lấy đặng bảo châu. – Vậy chúng tỳ-khưu, ngươi chẳng nên tu theo cái tướng “vô-thường” ”khổ”, “vô ngã”, “bất tịnh” mà lấy làm thiệt. – Nếu chấp rằng thiệt, thì chẳng khác nào mấy người lượm lấy ngói, gạch, cây, cỏ, sạn, đá, kia ; mà gọi là bảo châu ; nên chúng ngươi cần phải học phương tiện cho giỏi, thường ở chỗ nào cũng tu theo cái tướng “Ngã, Thường, Lạc, Tịnh”, thì như người có trí kia đặng ngọc bảo châu một cách khôn khéo không khác gì.”

Vì nghĩa như vậy, nên nói : “Chẳng biết lời phương tiện như lượm gạch ao vàng.”

(6) Ta nay chẳng nhọc sức, Phật tánh hiện rõ ràng : “Phật tánh”, tức là tự tâm thanh tịnh của ta, không phải cái gì khác nhưng vì trải kiếp, ta bị đeo đuổi theo cảnh lục trần mà tự mê quên Phật tánh của ta ; cũng như người ngu chỉ nhận lầm theo cảnh “mắt thấy tai nghe” trong chiêm bao làm thiệt mà không tự biết thân tâm của mình là cái gì ; thành thử Phật tánh của ta mà không tự thấy.

Nếu ngày nay ta giác ngộ lại, thì Phật tánh của ta tự nhiên hiển hiện rõ ràng, không cần phải tu phải chứng gì cả ; cũng như người ngủ kia, khi đã thức dậy thì tự nhiên biết lại thân tâm của mình, không cần phải dùng lực chi hết.

Cho nên trong kinh Lăng-Nghiêm nói : Tánh cuồng tự hết cuồng hết tức là bồ-đề, chẳng đợi nhọc công tu chứng khổ khắc. (Cuồng tánh tự yết, yết tức bồ-đề, hà tạ cù lao khẳng khái tu chứng.)

Lại ngài Vĩnh-Gia thiền-sư nói : Tỏ ngộ tức là rồi, chẳng đợi ra công sức. (Giác tức liễu, bất thi công) là nghĩa như vậy.

(7) Nếu không thầy chỉ bảo, ta cũng khó tìm đường : “Khó tìm đường” tức là khó thấy được đạo. – Đây là lời ông Chí-Triệt tự biết cái giác ngộ của mình ngày nay là nhờ ơn “phá chấp trừ nghi” của Tổ vậy.

Xem mục lục