Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

 Phẩm Sám-Hối

 THỨ SÁU

1.– Khi Tổ thấy người ở châu Quảng, châu Thiều cùng hàng sĩ-thứ trong bốn phương vân tập tại chùa nghe pháp, lúc ấy Tổ lên pháp tọa bảo chúng rằng : Các thiện-tri-thức đi đến đây, phải biết sự đó nên từ trong tự tánh khởi ra, dầu ở trong lúc nào cũng niệm niệm mình tự thanh tịnh lấy tâm mình, mình tự tu, tự hành, tự thấy pháp thân và tâm Phật của mình mà mình tự độ, tự răn lấy mình, thì mới được cái đi đến đây là chơn thiệt.

2.– Mấy người đã từ phương xa đi tới hội hiệp ở nơi đây, tức cùng nhau có duyên ; nay nên mỗi mỗi quỳ xuống, đặng trước là ta truyền “năm phần hương pháp thân” của tự-tánh và sau ta trao pháp “vô tướng sám hối cho”.

3.– Chúng đều quỳ mọp.

4.– Tổ nói : Một là : Giới-hương, – tức là trong tâm mình không quấy, không dữ, không ganh-ghét, không tham, không giận, không cướp hại ; vậy gọi là : Giới-hương.

5.– Hai là : Định-hương, – tức là trông thấy các cảnh-tướng lành dữ mà tâm mình chẳng loạn-động ; vậy gọi là : Định-hương.

6.– Ba là : Huệ-hương, – tự-tâm mình không ngăn ngại, hằng lấy trí-huệ xem soi tự-tánh, chẳng tạo các điều ác, tuy tu các nghiệp lành mà tâm chẳng chấp trước, kính người trên, nghĩ kẻ dưới, thương xót những bọn cô bần ; vậy gọi là : Huệ-hương.

7.– Bốn là : Giải-thoát-hương, – tức là tự-tâm mình không chỗ vịn níu, chẳng nghĩ lành, chẳng nghĩ dữ, tự-tại không ngăn ngại ; vậy gọi là : Giải-thoát-hương.

8.– Năm là : Giải-thoát-tri-kiến-hương, – là tự tâm mình đã không vịn-níu theo đường thiện, đường ác, mà cũng chẳng nên đắm theo cái “không” và giữ lấy cái “vắng”, cần phải học rộng nghe nhiều, biết bổn tâm mình, suốt cả lý Phật, hòa sáng tiếp người, không tướng nhơn-ngã, thẳng đến khi thành đạo Bồ-đề, chơn-tánh vẫn chẳng dời đổi ; vậy gọi là : Giải-thoát-tri-kiến-hương.

9.– Thiện-tri-thức ! – Những “hương” ấy mỗi-mỗi đều tự xông ở trong, chớ đừng theo bề ngoài mà kiếm.

10.– Nay ta vì bọn ngươi trao cho pháp “vô-tướng sám hối”, để dứt hết tội nghiệp trong ba đời, mà làm cho ba nghiệp được thanh tịnh.

11.– Nầy thiện-tri-thức ! – Các ngươi hãy đồng thời nói theo lời ta đây : Chúng đệ-tử nầy, từ niệm trước, niệm nay, cùng niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm theo sự ngu mê, bao nhiêu những tội ác-nghiệp ngu mê đã có từ trước, thảy đều sám hối, nguyện tiêu diệt trong một lúc nầy, vĩnh viễn chẳng khởi lại nữa.

12.– Chúng đệ-tử nầy, từ niệm trước, niệm nay, cùng niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm theo sự kiêu căng, dối-gạt, bao nhiêu những tội ác nghiệp kiêu-căng, dối-gạt đã có từ trước, thảy đều sám hối, nguyện tiêu diệt trong một lúc nầy, vĩnh viễn chẳng khởi lại nữa.

13.– Chúng đệ-tử nầy, từ niệm trước, niệm nay, cùng niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm theo sự ganh-ghét, bao nhiêu những tội ác-nghiệp ganh-ghét đã có từ trước, thảy đều sám hối, nguyện tiêu diệt trong một lúc nầy, vĩnh viễn chẳng khởi lại nữa.

14.– Thiện-tri-thức ! – Những lời trên đó là : Vô-tướng sám hối. – Sao gọi rằng : “Sám” ? – Sao gọi rằng : “Hối” ? – “Sám” là chừa bỏ lỗi trước nghĩa là những tội ngu mê, kiêu căng, dối-gạt, ganh-ghét, thuộc về ác-nghiệp đã có từ trước thảy đều chừa bỏ, vĩnh viễn chẳng khởi lại nữa ; ấy gọi là : Sám.

15.– “Hối” là ăn-năn lỗi sau ; từ nay về sau, có những ác-nghiệp như các tội ngu mê, kiêu căng, dối-gạt, ganh-ghét, nay đã tỏ-ngộ, thảy đều dứt luôn, chẳng làm lại nữa ; ấy gọi là : Hối ; cho nên xưng rằng : Sám-hối.

16.– Kẻ phàm-phu ngu-mê chỉ biết chừa bỏ tội trước, mà chẳng biết ăn-năn lỗi sau. – Bởi cớ chẳng biết ăn-năn, nên tội trước chẳng dứt mà lỗi sau lại sanh ; tội trước đã chẳng dứt, lỗi sau lại còn sanh thì sao gọi là : Sám-hối !

17.– Thiện-tri-thức ! Đã dạy phép Sám-hối rồi, nay ta cùng với thiện-tri-thức phát bốn điều thệ-nguyện rộng lớn, đều phải tỏ lòng chăm nghe : Tự tâm chúng-sanh không ngằn, thệ nguyện độ ; – Tự-tâm phiền não không cùng, thệ nguyện dứt ; – Tự tánh pháp-môn không lường, thệ nguyện học ; – Tự-tánh Phật-đạo không tột, thệ nguyện thành.

18.– Thiện-tri-thức ! – Các ngài há chẳng cho rằng : “Câu : chúng-sanh không ngằn, thệ nguyện độ”, nói như thế là chẳng phải Huệ-Năng nầy độ.

19.– Thiện-tri-thức ! – Chúng-sanh ở trong tâm là nói tâm tà-mê tâm dối-giả, tâm chẳng lành, tâm ganh ghét, tâm độc dữ, những tâm như vậy thảy là chúng-sanh ; các ngươi phải dùng tánh mình độ mình, ấy mới gọi là : Chơn-độ. – Sao gọi : Tánh mình độ mình ? – Tức là những thứ chúng-sanh : tà-kiến, phiền não, ngu si trong tự-tâm mình, thì đem cái thấy chơn-chánh mà độ lấy. – Đã có cái thấy chơn-chánh, thì dùng trí bát-nhã đánh dẹp những thứ chúng-sanh ngu-si, mê-vọng, mỗi mỗi mình tự độ lấy mình ; hễ tà đến thì chánh độ, mê đến thì ngộ độ, ngu đến thì trí độ, ác đến thì thiện độ, độ như vậy gọi là : Chơn độ.

20.– Lại câu : “Phiền não không cùng, thệ nguyện dứt”, là nói : đem trí bát-nhã của tự-tánh mình mà trừ dẹp cái tâm tư-tưởng giả-dối đó vậy.

21.– Lại câu : “Pháp-môn không lường, thệ nguyện học”, là nói : phải tự thấy tánh mình, hằng làm theo chánh pháp ; ấy gọi là : Chơn học.

22.– Lại câu : “Phật-đạo không tột, thệ nguyện thành” là nói : Mình đã thường tự thấp lòng mình mà làm theo pháp chơn-chánh, lìa cả mê và giác, lại thường sanh trí bát-nhã, trừ cả chơn và vọng, tức là thấy được Phật-tánh và tức là nghe nói rồi, thì thành được Phật-đạo. – Vậy phải hằng niệm tu hành theo pháp nguyện lực ấy.

23.– Thiện-tri-thức ! – Nay đã phát bốn điều hoằng nguyện rồi, thì ta lại trao cho thiện-tri-thức về giới “Tam quy-y vô-tướng”.

24.– Thiện-tri-thức ! – Tam quy-y là : Quy-y Giác lưỡng-túc-tôn ; Quy-y Chánh ly-dục-tôn ; Quy-y Tịnh chúng-trung-tôn. – Từ ngày nay sắp tới, xưng Giác làm thầy, chẳng trở lại quy-y theo tà-ma ngoại-đạo, vì Tam-bảo của tự-tánh thường tự chứng minh cho mình.

25.– Ta khuyên thiện-tri-thức hãy quy-y theo Tam-bảo của tự-tánh : “Phật” là : tánh Giác-ngộ ; – “Pháp” là : tánh Chơn-chánh ; – “Tăng” là : Thanh-tịnh.

26.– Tự-tâm mình quy-y nơi Giác, thì tà-mê chẳng sanh, ít sự muốn, biết sự đủ, lìa được cả tài và sắc, gọi là : Lưỡng-túc-tôn.

27.– Tự-tâm mình quy-y nơi chánh, thì niệm-niệm không tà kiến ; hễ không có tà-kiến, tức là không có lòng nhơn-ngã, cống-cao, ham-mê, chấp trước, gọi là : Ly-dục-tôn.

28.– Tự-tâm mình quy-y nơi tịnh, thì hết thảy các cảnh-giới trần lao, ái-dục, tánh mình đều chẳng nhiễm tới, gọi là : Chúng-trung-tôn. – Bằng tu theo hạnh ấy, là mình tự quy-y mình.

29.– Kẻ phàm phu chẳng rõ, từ ngày chí đêm thọ giới Tam-quy ; nếu phải quy-y với Phật, thì Phật ở chỗ nào ? Bằng chẳng thấy Phật, thì nương về nơi đâu ? – Vậy thì nói quy-y với Phật, thành ra lời nói dối.

30.– Thiện-tri-thức ! – Các ngươi nên tự mình xem xét, chớ dụng tâm lầm thiệt ra kinh văn rõ ràng nói : Quy-y nơi Phật mình, chẳng nói quy-y nơi Phật khác. Phật mình chẳng về, thì không chỗ nương.

31.– Nay mình đã tỏ ngộ, thì đều phải quy-y Tam-bảo của tự-tâm mình, trong thì điều hòa tâm-tánh, ngoài thì kính nhường mọi người ; ấy là : mình quy-y với mình.

32.– Thiện-tri-thức ! – Đã quy-y Tam-bảo của mình rồi, thì các ngươi đều phải chí tâm nghe ta nói. Phật tự-tánh một thể ba thân, để cho các ngươi thấy rõ ba thân, rồi tự mình tỏ ngộ tánh mình ; vậy các ngươi nói theo ta đây :

Tự nơi sắc-thân mình, quy-y với Phật-thanh-tịnh-Pháp-thân ;

Tự nơi sắc-thân mình, quy-y với Phật-ngàn-trăm-ức-Hóa-thân ;

Tự nơi sắc-thân mình, quy-y với Phật-viên-mãn-Báo-thân.

33.– Thiện-tri-thức ! – Sắc-thân là nhà ở, không thể nói rằng quy hướng được, Phật ba thân đều ở trong tự-tánh mình, người đời thảy có, chỉ vì tâm mê chẳng thấy tánh trong, trở lại tìm Phật ba thân ở ngoài mà chẳng thấy trong thân mình có Phật ba thân. – Bọn ngươi nghe ta giảng, khiến cho bọn ngươi từ trong mình thấy tự-tánh có Phật ba thân, – Phật ba thân ấy do nơi tự-tánh mình sinh ra, chẳng phải do ở ngoài mà có được.

34.– Sao gọi là : “Thanh-tịnh Pháp-thân-Phật ?” – Người đời tánh vốn thanh tịnh, muôn pháp đều do nơi tự-tánh mình mà sanh ra ; hễ nghĩ lường những sự ác tức là sanh ra hạnh ác ; nghĩ lường những sự thiện, tức là sanh ra hạnh thiện các pháp như vậy đều ở trong tự tánh mình ; ví như trời hằng trong, mặt-nhựt mặt-nguyệt hằng sáng, mà bị đám mây phủ che thành ra trên sáng dưới lờ, thoạt nhiên gặp gió thổi mây tan, tức là trên dưới đều tỏ, muôn tượng đều hiện ; người đời tánh hay un nổi cũng như đám mây trên trời kia.

35.– Thiện-tri-thức ! – “Trí” như mặt-nhựt, “Huệ” như mặt-nguyệt ; Trí-Huệ vẫn hằng sáng, mà vì đắm theo cảnh ở ngoài, nên bị đám mây vọng-niệm kia phủ che lấy tự tánh, mà chẳng đặng tỏ rạng ; nếu gặp người thiện-tri-thức giảng nói cho nghe được pháp chơn-chánh mà mình tự bỏ lỗi mê vọng, thì trong ngoài sáng-suốt, muôn pháp đều hiện trong tự-tánh mình, những người thấy tánh cũng in như vậy, ấy gọi là : Thanh-tịnh-Pháp-thân-Phật.

36.– Thiện-tri-thức ! – Tự tâm mình quy-y với tự-tánh mình, ấy là : quy-y chơn Phật. – Tự quy-y là đuổi dẹp những thứ tâm xấu trong tự-tánh như là : tâm chẳng lành, tâm ghen-ghét, tâm dua-vạy, tâm vì ta, tâm dối-quấy, tâm khinh người, tâm dễ ngươi, tâm tà kiến, tâm tự-cao, cùng những hạnh chẳng lành trong hết thảy lúc nào, hằng thấy chỗ lỗi của mình, chẳng nói sự tốt xấu của người khác ấy là nghĩa : “tự quy-y”. – Hằng phải tự thấp tâm mình xuống mà làm hạnh cung kính, tức là thấy tánh thông suốt, không có cái gì ngăn ngại, ấy là nghĩa tự quy-y.

37.– Sao gọi là : ”Ngàn-trăm-ức-Hóa-thân ?” – Bằng chẳng nghĩ thì muôn pháp, tánh vốn như không ; nếu sanh một niệm lo lường, thì gọi biến hóa, lo lường việc dữ thì hóa làm địa-ngục, lo lường việc lành thì hóa làm thiên-đường, độc-hại thì hóa làm rồng rắn, từ-bi thì hóa làm Bồ-tát, Trí-huệ thì hóa làm thượng-giới, ngu-si thì hóa làm hạ-phương. – Tánh mình biến hóa rất nhiều, người mê chẳng tỉnh biết được, rồi niệm niệm khởi ác mà theo sự ác luôn. – Nếu một niệm hồi tâm hướng thiện thì trí-huệ sanh liền, ấy gọi là : Tự-tánh-Hóa-thân-Phật.

38.– Sao gọi là : “Viên-mãn-Báo-thân ?” – Ví như một ngọn đèn, nó có thể trừ được cái tối ngàn năm, thì biết cái trí của mình có dứt được cái ngu muôn thuở. – Cho nên đừng nghĩ việc trước vì nó đã qua rồi, không thể được lại, thường phải lo nghĩ sau nầy, nếu niệm niệm tròn sáng thì tự thấy tánh mình ; lành dữ tuy khác, bổn-tánh không hai ; cái tánh không hai ấy gọi là : Thiệt-tánh. – Hễ ở trong thiệt-tánh mà không nhiễm thiện và không nhiễm ác, ấy gọi là : Viên-mãn-Báo-thân-Phật.

39.– Tánh mình khởi một niệm ác, thì dứt mất muôn kiếp nhơn lành ; bằng tánh mình khởi một niệm thiện, thì nghiệp ác nhiều như số cát sông Hằng cũng phải hết, thẳng đến bực Vô-thượng Bồ-đề, niệm niệm tự thấy, chẳng mất bổn-niệm, ấy gọi là : Báo-thân.

40.– Thiện-tri-thức ! – Do nơi Pháp-thân mà nghĩ lường, tức là : Hóa-thân-Phật ; – còn niệm niệm tự-tánh tự thấy, tức là : Báo-thân-Phật ; – mình ngộ mình tu công-đức của tự tánh, ấy là : Chơn quy-y.

41.– Chí như da thịt là sắc-thân, mà sắc-thân là nhà ở, không thể nói rằng quy-y.

42.– Hễ ngộ đặng Ba thân của tự-tánh, tức là biết được ông Phật tự-tánh. – Ta có một bài “Tụng vô-tướng” nếu trì tụng được thì dưới câu nói ta, có thể làm cho các ngươi trong một thời mà tiêu diệt hết những tội mê nhiều kiếp.

43.– Tụng rằng :

Người mê tu phước chẳng tu đạo,

Chỉ nói tu phước ấy là đạo(1) ;

Bố-thí cúng-dường phước không ngằn,

Trong lòng ba ác gốc còn tạo.(2)

Tưởng cho tu phước tội mình tiêu,

Đời sau được phước nhưng còn tội ;

Chỉ trừ tội-nghiệp trong tâm mình,

Ấy là tự-tánh chơn sám-hối.(3)

Ngộ được Đại-thừa chơn sám-hối,

Bỏ tà làm chánh là không tội(4) ;

Học đạo hằng xem tự-tánh mình,

Các Phật cùng ta đồng một loại.(5)

Tổ xưa(6) chỉ truyền đốn-pháp nầy,

Nguyện cả mọi người đồng thấy tánh ;

Bằng muốn về sau thấy Pháp-thân,

Lìa các pháp-tướng rửa lòng sạch.(7)

Gắng công tự thấy chớ lơ lơ,

Dứt hết niệm sau một đời rảnh(8) ;

Ngộ được Đại-thừa thấy tánh mình,

Chấp tay cầu tột lòng cung kính.(9)

44.– Tổ nói : “Thiện-tri-thức ! – Đều phải tụng lấy, y đó tu hành thì dưới câu nói, ắt được thấy tánh, dầu cách ta ngàn dặm, cũng như thường ở bên ta, bằng dưới câu nói nầy mà chẳng ngộ được, thì dầu giáp mặt ta cũng như cách xa ngàn dặm, cần gì ở xa đi đến, các ngươi hãy nên trân trọng lấy !”

45.– Chúng nhơn nghe pháp, không còn ai mà chẳng tỏ ngộ, thảy đều hoan hỷ vưng làm.*

 

(1)Người mê tu phước chẳng tu đạo, chỉ nói tu phước ấy là đạo : “tu phước”, là làm những việc bố-thí, cúng-dường để cầu phước-báo,gọi là : tu phước.“Tu đạo”, là diệt trừ cho hết cái hoặc-nghiệp vô-minh mà đạt tới Bồ-đề diệu giác, gọi là : tu đạo. Thế là tu phước với tu đạo khác nhau, mà người mê trở nhận lầm cái tu phước ấy là tu đạo.

(2) Bố thí cúng-dường phước không ngằn, trong lòng ba ác gốc còn tạo : Cái phước bố-thí cúng-dường vẫn nhiều thiệt nhưng thuộc về phước hữu lậu, dầu có nhờ phước ấy sanh về cõi Trời, hưởng sự khoái-lạc đến trăm kiếp ngàn kiếp đi nữa, thì cũng có ngày phước hết mà phải luân chuyển vào trong ba đường ác-đạo.

Bởi vì nghĩa “bố-thí cúng-dường” nói đây là chưa đạt tới cảnh-giới “ly tướng bố-thí” và “tự tánh cúng-dường”, còn khởi tâm, còn động niệm, tức là còn tội còn nghiệp, chưa dứt được cái ác-nhơn trong ba đường ; cho nên nói : “ba ác gốc còn tạo”.

(3) Chỉ trừ tội-nghiệp trong tâm mình, ấy là tự-tánh chơn sám-hối : Bởi tâm điên đảo mới sanh ra tội ; nếu muốn trừ tội, thì chỉ trừ cái tâm điên-đảo ấy cho trở thanh-tịnh. – Thanh tịnh tức là hết tội, hết tội tức là sám-hối, mà cách sám-hối ấy mới thiệt là chơn sám-hối ở trong tự-tánh.

(4) Ngộ được Đại-thừa chơn sám-hối, bỏ tà làm chánh là không tội : “Thừa”, là nghĩa : vận-tải, là nói : cái cộ, xe lớn vận tải được nhiều người, gọi là : Đại-thừa ; nên trong Phật giáo gọi Bồ-tát là bực người Đại-thừa, vì Bồ-tát có cái đại-nguyện quảng độ chúng-sanh.

Lại trong Phật-giáo gọi các pháp viên-đốn, liễu-nghĩa là Đại-thừa, vì các pháp ấy có cái thân-lực được nhiều người đạt đến cảnh giới làm Phật.

Cách sám hối của Đại-thừa Phật pháp không phải lạy cầu khấn vái gọi là : sám hối ; thiệt ra chỉ trừ bỏ các nghiệp tà vọng mà làm theo tự tâm chơn chánh, tức là nghĩa : chơn sám hối vậy.

(5) Học đạo hằng xem tự-tánh mình, các Phật cùng ta đồng một loại : là nói : Người học đạo chẳng nên trì-trục theo văn-tự ngữ-ngôn làm chỗ quy-hướng, vì văn-tự ngữ-ngôn là cái tướng giả lập ở trên tự-tánh, chớ không phải chơn thiệt, cho nên cần phải xa lìa hết thảy các tướng mà thường thường xem xét lấy tự-tánh mình, thì tự nhiên thấy rõ cái bản-thể thanh tịnh của tự tánh mình với Phật vẫn không riêng khác.

(6) Tổ xưa, là chỉ cho ngài Đạt-Ma Sơ-tổ.

(7) Bằng muốn về sau thấy Pháp-thân, lìa các pháp-tướng rửa lòng sạch : Ý nghĩa câu nầy cũng như câu trong kinh Kim-Cang nói : Nếu thấy các tướng mà chẳng phải tướng, tức là thấy đức Như-Lai ; vì nghĩa “chẳng phải tướng” ấy tức là nghĩa “lìa tướng” và nghĩa “Như-Lai” ấy cũng tức là nghĩa “Pháp thân”. – Nếu lìa hết thảy những tướng của các pháp thì trong tâm không còn các pháp-tướng làm nhơ bẩn ngăn-ngại, tức là thấy được tự-tánh thanh-tịnh Pháp thân.

(8) Gắng công tự thấy chớ lơ-lơ, dứt hết niệm sau một đời rảnh : là nói : Nếu muốn thấy được thanh-tịnh Pháp-thân, thì cần dùng trí-huệ quán-sát lấy tự tánh luôn luôn, chớ không nên lơ lơ qua bữa.

“Niệm sau”, là cái niệm nối luôn không dứt ; mà nếu dứt được cái niệm sau, thì nó không thể nối luôn mà làm cho ta chuyền níu theo cảnh, tức là cái đời tham-học của ta được rảnh công hết việc.

(9) Ngộ được Đại-thừa thấy tánh mình, chấp tay cầu tột lòng cung kính : là nói : Phải chí tâm cung kính mà cầu pháp Đại-thừa.

Xem mục lục