Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Sn 5.2: TISSA-METTEYYA-MANAVA-PUCCHA

CÁC CÂU HỎI CỦA TISSA-METTEYYA

Câu hỏi tuyệt vời với những chữ “ai” đưa ra, về pháp giải thoát. Đức Phật trả lời đó là người xa lìa tham dục, luôn luôn vắng lặng và tỉnh thức, biết cả hai đầu (hai phía, nhị biên) và không dính mắc nơi chặng giữa.

Chúng ta có thể nêu câu hỏi rằng, hai đầu hay hai phía là gì, và chặng giữa là gì? Access to Insight (trang web của quý ngài Nam Tông Thái Lan) có ghi chú rằng, Kinh Tăng Chi AN 6.61 kể về cuộc thảo luận của nhiều vị sư Trưởng lão về bài Kinh Sn 5.2 với ý nghĩa “2 phía” và “chặng giữa.” Có 6 Trưởng lão giải thích như sau, ý kiến dị biệt nhau:

- Xúc là phía thứ nhất, cội nguồn của xúc là phía thứ hai, và tịch diệt của xúc là nằm trong chặng giữa.

- Quá khứ là phía thứ nhất, tương lai là phía thứ hai, và hiện tại là chặng giữa.

- Thọ vui là phía thứ nhất, thọ đau đớn là phía thứ hai, và không vui cũng không khổ là chặng giữa.

- Danh (tâm) là phía thứ nhất, sắc (thân) là phía thứ hai, và thức là chặng giữa.

- Nhóm 6 trần (sắc thanh hương vị xúc pháp - tức là: cảnh thấy được, âm thanh nghe được, mùi hương ngửi được, vị nếm được, cảm xúc nhận từ thân, hình ảnh ý nghĩ hiện trong tâm) là phía thứ nhất, nhóm 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) là phía thứ hai, và thức là chặng giữa.

- Tự nhận mình có ngã (self-identity) là phía thứ nhất, cội nguồn của cái tự nhận mình có ngã là phía thứ hai, và tịch diệt cái tự nhận mình có ngã là chặng giữa.

Đó là ý kiến khác nhau từ 6 Trưởng lão. Khi quý ngài trình với Đức Phật, Đức Phật trả lời rằng tất cả 6 giải thích trên đều là thích nghi, khéo thuyết, nhưng khi Đức Phật trả lời chàng thanh niên Tissa-metteyya, chỉ nghĩ tới giải thích đầu tiên.

Tới đây, chúng ta có thể suy nghĩ: với cả 6 giải thích nêu trên, là tất cả những gì chúng ta nhận ra trong cõi này. Như thế, khi Đức Phật dạy, không để vướng hai bên, không để dính mắc chặng giữa… có nghĩa lời dạy rút gọn là: vô sở trụ, không dính mắc vào bất kỳ pháp nào, dù là “quá khứ, hiện tại, vị lai,” dù là căn-trần-thức, dù là thân-tâm-thức, dù là “ngã, phi ngã”…

Tóm lược ý kinh: Xa lìa tham, sống tịch lặng và tỉnh thức, giữ tâm vô sở trụ.

Kinh này gồm các bài kệ từ 1040 tới 1042.

1040. [Tissa] Ai thỏa mãn trong thế giới này? Ai không dao động? Ai là người trí tuệ, đã biết suốt cả hai đầu, và không nhiễm ô nơi chặng giữa? Ai mà ngài gọi là bậc Thượng Nhân? Ai là người vượt qua được mạng lưới tham ái thêu dệt?

1041. [Đức Phật] Đó là người sống đời trong sạch giữa các thọ lạc, xa lìa tham, luôn luôn tỉnh thức và tịch lặng, tự quán chiếu sâu thẳm, không còn gì dao động.

1042. Đó là một người trí tuệ, đã biết cả hai đầu nhị biên, và không dính mắc vào chặng giữa. Ta gọi đó là bậc Thượng Nhân, người đã vượt qua mạng lưới lưới thêu dệt ái nhiễm.

Hết Các Câu Hỏi của Thanh Niên Tissa Metteyya

Xem mục lục