Sn 5.12: BHADRAVUDHA-MANAVA-PUCCHA
CÁC CÂU HỎI CỦA BHADRAVUDHA
Kinh này nói rằng chớ nên dính mắc bất cứ thứ gì, dù là dính mắc vào những gì ở trên, ở dưới, ở chặng giữa. Nhóm chữ “trên, dưới, chặng giữa” được Luận thư Nidd II giải thích là:
-- tương lai (trên), quá khứ (dưới), hiện tại (giữa);
-- cõi thiên, cõi địa ngục, cõi người;
-- cõi vô sắc, cõi dục, cõi sắc;
-- thọ lạc, thọ khổ, thọ không lạc không khổ;
-- dưới đế bàn chân, trên đỉnh các sợi tòc, giữa đế chân và đầu sợi tóc.
Trong sách “Công Án của Phật Thích Ca và Tổ Đạt Ma,” bản Việt dịch của Thầy Thích Duy Lực có một công án, như sau:
“Thế Tôn thăng tòa, có một Phạn Chí cúng dường hoa ngô đồng.
Phật bảo: Buông xuống đi!
Phạn Chí buông hoa bên tay trái xuống.
Phật bảo tiếp: Buông xuống đi!
Phạn Chí buông hoa còn lại bên tay mặt xuống.
Phật lại bảo: Buông xuống đi!
Phạn Chí nói: Nay hai tay con đã không còn gì, sao Phật còn bảo buông cái gì xuống nữa?
Phật nói: Chẳng phải ta bảo ngươi bỏ hoa. Ngươi phải buông xả ngoài lục trần, trong lục căn, giữa lục thức, nhất thời xả hết đến chỗ không còn gì để xả. Ấy chính là buông thân xả mạng của ngươi.
Phạn Chí ngay đó ngộ vô sanh nhẫn.”
Kinh Sn 5.12 cũng nói rằng, hễ dính mắc, là bị ác ma bám sát. Luận thư giải thích rằng, ác ma là các uẩn thọ nhận khi tượng thai, ác ma là các đại (đất, nước, gió, lửa), ác ma là các căn, ác ma là nơi đến, ác ma là tái sanh, ác ma là tượng thai, ác ma là sinh tồn, ác ma là luân hồi, ác ma là vòng tròn bám sát một người, nam hay nữ, một sinh vật…
Tóm lược ý kinh: Không dính mắc bất kỳ thứ gì.
Kinh này gồm các bài kệ từ 1101 tới 1104.
1101. [Bhadravudha] Con kính hỏi ngài – người đã xuất gia, đã ly tham, đã bất động, đã lìa hỷ ái, đã qua bờ nước lụt, đã giải thoát, đã rời bỏ thời gian, đã có trí tuệ tối thượng -- con thỉnh cầu ngài, bậc Long Tượng, xin giải thích để những người nơi đây nghe xong sẽ ra đi.
1102. Tụ hội nơi đây là người tới từ nhiều quốc độ, đang chờ nghe lời ngài nói, hỡi bậc anh hùng. Xin ngài giảng Pháp thích nghi cho họ, vì Pháp này ngài đã hiểu rõ.
1103. [Đức Phật]
Hỡi Bhadravudha, con phải gỡ bỏ tất cả những dính mắc tới tham muốn – dù là (cõi/bậc) trên, dưới, và ngang khắp chặng giữa – vì bất cứ những gì dính mắc tới thế giới này, ác ma sẽ bám theo sát.
1104. Do vậy, biết như thế, một nhà sư chánh niệm, chớ nên dính mắc nắm giữ bất kỳ thứ gì trên toàn thế giới, thấy rằng hễ còn dính mắc là còn gắn bó vào cõi chết.
Hết Các Câu Hỏi của Bhadravudha