Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Phần 1

Bấy giờ Bồ tát Đại Huệ cùng Bồ tát Ma Đề dạo tất cả cõi nước chư Phật, nương thần lực Phật từ tòa ngồi đứng dậy, trật vai áo phải, quỳ gối phải xuống đất, chấp tay hướng Phật cung kính nói bài kệ:

Thế gian lìa sanh diệt

Thí như hoa hư không

Trí chẳng đắc có không

Mà hưng tâm đại bi.

Tất cả pháp như huyễn

Xa lìa khỏi tâm thức

Trí chẳng đắc có không

Mà hưng tâm đại bi.

Thế gian hằng như mộng

Xa lìa khỏi đoạn thường

Trí chẳng đắc có không

Mà hưng tâm đại bi

Thế gian lìa sanh diệt, thế gian thì không sanh không diệt, ví như hoa giữa hư không. Chính thức có sanh diệt thấy ra thế gian có sanh diệt. Thức có sanh diệt bởi vì thức có phân biệt. Chuyển thức thành trí là chuyển thức sanh diệt phân biệt thành trí không sanh không diệt, không phân biệt. Trí không sanh không diệt thì thấy thế gian chưa từng sanh chưa từng diệt, vì như hoa đốm giữa hư không.

Với trí chẳng thấy có không, chẳng đắc có không mà vẫn hưng tâm đại bi để cứu độ chúng sanh ra khỏi cái thấy sai lầm chấp thật có, đó là một Bồ tát.

Thức vì phân biệt nên thấy mọi hiện hữu là thật. Thức không phân biệt thì đây là trí, thấy tất cả pháp như huyễn. Như huyễn vì không dính dáng gì đến thức vốn luôn luôn làm thành sự cứng đặc, có tự tánh của mọi sự.

Cũng một thế gian mà phàm phu thấy nó là thật, có nghiệp có báo, do đó mà có sanh tử khổ đau. Còn Bồ tát thì thấy nó như mộng như huyễn, vô tướng vô tánh, nên thoát khỏi sanh tử điên đảo khổ đau. Thế gian hằng như mộng nên thế gian vốn giải thoát, nói có cũng không được, nói không cũng không được. Chỉ một cái thấy mà thấy đúng “thực tướng của các pháp”, cái thấy ấy là giải thoát. Còn không thấy được thực tướng của các pháp bèn tạo ra sanh tử khổ đau.

Thấy như huyễn như mộng trong khi chúng sanh phân biệt chấp trước cho huyễn mộng là có thật, nên hưng khởi tâm đại bi do thấy chúng sanh khổ đau vì cái vốn không có khổ đau, lấy bỏ cái vốn không có thật, phiền não vì cái vốn không có phiền não, mà phát nguyện giải thoát cho họ. Trí huệ càng lớn rộng thì đại bi càng lớn rộng. Như huyễn càng rõ thì đại bi càng lớn rộng.

Biết nhân pháp vô ngã

Phiền não và sở tri

Thường thanh tịnh vô tướng

Mà hưng tâm đại bi.

Phật chẳng trụ Niết bàn

Niết bàn chẳng có Phật

Xa lìa giác, sở giác

Hoặc có, hoặc không có.

Pháp thân như huyễn mộng

Sao có thể tán thán

Biết vô tánh vô sanh

Mới gọi tán thán Phật.

Phật không tướng, căn, cảnh

Chẳng thấy là thấy Phật

Làm sao với Mâu Ni

Mà có thể khen chê.

Nếu thấy được Mâu Ni

Tịch tĩnh, xa lìa sanh

Người ấy đời nay, sau

Lìa chấp, không chỗ thấy

Trí huệ Đại thừa là biết nhân và pháp vô ngã, nghĩa là người, chủ thể là vô ngã, vô tự tánh, và pháp, các hiện tượng, các đối tượng là vô ngã, vô tự tánh. Tất cả rốt ráo là tánh Không, đó là cái thấy của Đại thừa.

Phiền não chướng và sở tri chướng đều không có, do đó tất cả thường thanh tịnh, vô tướng. Không có gì che chướng thì tâm và cảnh là một tánh, tất cả chỉ là một tâm thanh tịnh và bất khả hoại như kim cương và các tướng là như huyễn.

Phật chẳng trụ Niết bàn, Niết bàn chẳng nơi Phật, đây là Vô trụ xứ Niết bàn, tự tánh Niết bàn. Niết bàn này là đồng nhất với tánh Không, với Pháp thân, với Phật.

Năng giác, chủ thể biết và sở giác, cái được biết là do hư vọng phân biệt. Trong tánh giác, thuần chỉ một tánh giác, không có chủ thể đối tượng, không có cái có hoặc không có. Xa lìa chủ thể và đối tượng, sự phân biệt hư vọng này, tức thì ở trong tánh giác thanh tịnh.

Pháp thân thì vô tướng vô sanh, cho nên những cái được thấy được nghe được tri giác đều như huyễn mộng. Phật là Pháp thân vô tướng vô sanh, chưa từng xuất thế, chưa hề nhập Niết bàn, chứng biết như vậy mới gọi là tán thán Phật.

Phân biệt thì thành căn, cảnh, thức, cho nên không thấy các pháp, các pháp đều như hoa giữa hư không, như huyễn như mộng, đây là thấy Phật. Phật là bản tánh của mọi như huyễn như mộng, như gương là bản tánh của mọi bóng trong gương. Gương Phật tâm ấy thì vô tướng, Phật không tướng căn cảnh”, và “tịch tĩnh, xa lìa sanh”.

Người nào thấy được Phật là vĩnh viễn tịch tĩnh, xa lìa vĩnh viễn mọi sự sanh cho nên không có diệt, người ấy được gọi là thấy tánh, thấy vô sanh. Thấy vô sanh thì thân tâm thế giới đều vô sanh, người ấy là bất tử, bởi vì người ấy không có tướng gì để có thể thấy được.

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ nói kệ tán thán Phật rồi tự xưng tên:

Con tên là Đại Huệ

Thông đạt trong Đại thừa

Nay đem trăm tám nghĩa

Kính hỏi bậc Thế Tôn.

Sau khi bậc Thế Gian Giải nghe lời ấy, nhìn khắp chúng hội rồi dạy rằng:

Hàng Phật tử các ông

Nay hãy tùy ý hỏi

Ta sẽ nói cho ông

Cảnh giới tự chứng này.

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ được Phật cho phép, đảnh lễ dưới chân Phật rồi dùng kệ hỏi rằng:

Do đâu nghĩ lường sanh?

Làm sao sanh nghĩ lường?

Do đâu mê lầm khởi?

Làm sao sạch mê lầm?

Vấn nạn muôn đời của con người là do đâu tâm phân biệt nghĩ lường sanh, do đâu có mê lầm vô minh khởi. và làm sao mà làm sạch (tịnh, tịnh hóa) chúng?

Điều này làm chúng ta nhớ đến câu hỏi của Trưởng lão Tu Bồ Đề mở đầu Kinh Kim Cương, “Làm sao mà trụ, làm sao hàng phục vọng tâm?” Đạo Phật chỉ là “Các ác chớ làm. Các thiện vâng làm. Tự tịnh tâm ý. Lời chư Phật dạy”.

Do đâu niệm phân biệt sanh? Do đâu mê lầm khởi qua niệm? Trả lời, giải quyết được những câu hỏi này bằng tất cả thân tâm mình thì đạt đến Vô sanh pháp nhẫn, thoát khỏi hẳn sanh tử và đi tiếp đến thành Phật.

Trả lời được hai câu hỏi này là đạt đến bản tánh của tâm, mà tất cả do tâm tạo, nên những câu hỏi sau đó đều được giải quyết nếu thấu rõ hai câu này.

Sao gọi là Phật tử,

Cùng thứ lớp vô ảnh?

Do đâu hóa cõi nước?

Tướng và các ngoại đạo?

Giải thoát đến chỗ nào?

Ai trói, ai mở được?

Cảnh giới thiền thế nào?

Do đâu có ba thừa?

Sao là do duyên sanh?

Gì tác, gì năng tác?

Ai nói cùng và khác?

Do đâu các cõi khởi?

Thế nào định vô sắc,

Cùng với định tận diệt?

Thế nào từ định giác?

Thế nào hành động sanh,

Tới lui và giữ thân?

Do đâu vào các địa?

Thế nào có Phật tử?

Ai phá được ba cõi?

Từ đâu mà có thân?

Sanh và trụ chỗ nào?

Thế nào đắc thần thông,

Tự tại và tam muội?

Tâm tam muội thế nào?

Nguyện Phật vì con nói.

Vì sao gọi tàng thức?

Vì sao tên ý thức?

Tại sao các kiến khởi?

Làm sao tiêu các kiến?

Tên họ, chẳng tên họ?

Vì sao duy là tâm?

Do đâu lập ra tướng?

Sao là thành vô ngã?

Sao là không chúng sanh?

Sao là tùy tục nói?

Làm sao được chẳng khởi

Thường kiến và đoạn kiến?

Sao Phật và ngoại đạo,

Hình tướng không trái nhau?

Vì sao đời tương lai,

Đủ thứ các phái khác?

Thế nào là tánh Không?

Sao là sát na diệt?

Thai tạng vì sao khởi?

Thế nào đời bất động?

Tại sao các thế gian,

Như huyễn cũng như mộng?

Thành giữa trời, sóng nắng,

Như trăng ở trong nước?

Sao là Bồ đề phần?

Giác phần từ đâu khởi?

Sao là cõi nước loạn?

Vì sao thấy các hữu?

Sao là biết thế pháp?

Sao là lìa văn tự?

Sao là như không hoa,

Không sanh cũng không diệt?

Chân Như có mấy loại?

“Độ tâm” có mấy loại?

Sao là như hư không?

Sao là lìa phân biệt?

Thứ lớp của các địa?

Sao là đắc vô ảnh?

Sao là hai vô ngã?

Sao là tịnh sở tri?

Thánh trí có mấy loại?

Giới chúng sanh bao nhiêu?

Ma ni, các thứ báu,

Tất cả do đâu xuất?

Ai sanh ra ngôn ngữ,

Chúng sanh và các vật?

Năm minh và kỹ thuật

Ai đã hiển bày ra?

Kệ tụng có mấy loại?

Trường hàng có bao nhiêu?

Đạo lý bao bất đồng?

Giải thích mấy sai khác?

Ăn uống là ai làm?

Ái dục do đâu khởi?

Sao là Chuyển luân vương?

Cho đến các tiểu vương?

Thế nào vua bảo hộ?

Thiên chúng mấy loại khác?

Đất, nhật, nguyệt, tinh tú,

Cả thảy chúng là gì?

Giải thoát có mấy loại?

Sự tu hành mấy loại?

Sao là A xà lê?

Đệ tử khác nhau sao?

Như Lai có mấy loại?

Chuyện đời trước có khác?

Chúng ma và ngoại đạo,

Có được bao nhiêu thứ?

Tự tánh bao loại khác?

Tâm có bao sai khác?

Sao là chỉ giả lập?

Nguyện Phật khai diễn cho.

Do đâu có gió mây?

Niệm trí do đâu có?

Bụi, cây… vì sao khác?

Do ai đã làm ra?

Các thú vật voi ngựa,

Do đâu bị bắt giữ?

Do đâu người xấu, ngu?

Đó là do ai làm?

Sao là sáu thời nhiếp?

Sao là nhất xiển đề?

Nữ, nam và bất nam,

Do đâu mà sanh ra?

Thế nào tu tiến bộ?

Thế nào tu thụt lùi?

Sư du già mấy loại?

Dạy người trụ vào đó.

Chúng sanh sanh các nẻo

Hình, sắc tướng thế nào?

Phước lớn rất tự tại,

Lại là do nhân gì?

Sao có dòng Thích Ca?

Sao có dòng Cam Giá?

Đạo sĩ khổ hạnh lâu,

Là do ai chỉ dạy?

Do đâu Phật Thế Tôn,

Hiện khắp tất cả cõi,

Chúng Phật tử vây quanh,

Tên khác, hình tướng khác?

Tại sao không ăn thịt?

Do đâu không ăn thịt?

Các chúng sanh ăn thịt

Do vì sao mà ăn?

Do đâu các cõi nước

Giống như hình nhật nguyệt

Tu Di và hoa sen

Chữ vạn, hình sư tử?

Do đâu các cõi nước,

Như lưới trời Đế Thích,

Nằm lập úp hoặc ngữa

Tất cả báu làm thành?

Do đâu các cõi nước,

Sạch trưng nhật nguyệt sáng

Hoặc như hình hoa quả

Như cây đàn, trống nhỏ?

Phật hóa thân là gì?

Phật báo thân là gì?

Phật trí huệ Chân Như?

Xin nói rõ cho con.

Do sao ở dục giới

Chẳng thành Đẳng chánh giác?

Vì sao Sắc cứu cánh

Lìa nhiễm đắc giác ngộ?

Như Lai diệt độ rồi

Ai sẽ giữ chánh pháp?

Phật trụ thế bao lâu?

Chánh pháp dài bao lâu?

Tất đàn có mấy loại?

Các kiến có bao nhiêu?

Vì đâu lập giới luật?

Cho đến các tỳ kheo

Tất cả hàng Phật tử

Độc giác và Thanh văn

Làm sao chuyển sở y?

Làm sao đắc vô tướng?

Làm sao được thế thông?

Làm sao đắc xuất thế?

Lại do nhân duyên gì

Tâm trụ trong bảy địa?

Tăng già có mấy loại?

Sao là thành phá tăng?

Sao là vì chúng sanh

Rộng nói cho thuốc chữa?

Vì đâu Đại Mâu Ni

Nói lên lời như vầy:

Ca Diếp, Câu Lưu Tôn

Câu Na Hàm là ta?

Vì đâu nói đoạn, thường?

Cùng với ngã, vô ngã?

Sao không hằng nói thật

Tất cả duy là tâm?

Sao có rừng nam nữ?

Ha Lê, Am Ma La

Kê La Bà, Luân Viên

Cho đến núi Kim Cương

Trong những chỗ ấy có

Vô lượng báu trang nghiêm

Đạo sĩ, Càn thát bà

Tất cả đều đầy đủ

Là do nhân duyên gì?

Xin Thế Tôn nói cho

Trong bài kệ này ngài Đại Huệ hỏi đủ thứ các hiện tượng, các pháp, các hoạt động, thậm chí tại sao có châu báu, có rừng bụi, có nam nữ, có thú vật, có ăn uống, có những tà kiến, có ngoại đạo…. Thật ra tất cả chung quy chỉ một câu hỏi: Tại sao có thân tâm, thế giới, vũ trụ và tất cả các sự vật, các sự tiến hóa, biến đổi, sanh trụ dị diệt trong đó. Tôi là cái gì? Tại sao có không gian thời gian? Đây là câu hỏi của từng thân phận con người, từng môn khoa học, từng triết học.

Nếu tất cả do tâm tạo thì chỉ cần thấu rõ một hiện tượng tầm thường trước mắt, người ta có thể thấy ra tâm.

Sao không hằng nói thật

Tất cả duy là Tâm?

Đây là chủ đề của cuốn kinh này. Khi biết được “tại sao”, “do đâu”, “thế nào”, “sao là”…, biết được nguồn gốc, “nguyên nhân đầu tiên” của mọi sự, người ta giải thoát. Và khi đầy đủ Căn bản trí hay Vô sai biệt trí và Hậu đắc trí hay Sai biệt trí về tất cả các sự vật người ta thành bậc Nhất thiết trí trí hay thành bậc Giác Ngộ.

Bấy giờ Thế Tôn nghe những câu hỏi về pháp môn tối thượng của Đại thừa, tâm chư Phật vi diệu, liền bảo rằng: Hay thay, Đại Huệ! Lắng nghe cho kỹ! Lắng nghe cho kỹ!

Như chỗ ông hỏi, ta sẽ lần lượt nói. Ngài bèn nói kệ tụng:

Hoặc sanh hoặc vô sanh

Niết bàn và tướng Không

Trôi chuyển, vô tự tánh

Ba la mật, Phật tử

Thanh văn, Bích chi Phật

Ngoại đạo, hạnh vô sắc

Tu Di, biển lớn, núi

Đảo, các cõi, và đất

Tinh tú cùng nhật nguyệt

Chúng trời A tu la,

Giải thoát, thông tự tại

Lực thiền, các tam muội

Diệt và như ý túc

Bồ đề phần và đạo

Thiền định, vô lượng tâm

Các uẩn và đến đi

Cho đến định diệt tận

Tâm sanh khởi lời nói

Tâm, ý, thức vô ngã

Năm pháp, ba tự tánh

Phân biệt, bị phân biệt

Năng, sở hai loại kiến

Các thừa, chủng tánh, xứ

Vàng, ma ni, bảo châu

Nhất xiển đề, các đại

Hoang loạn và một Phật

Trí, sở trí, giáo, đắc

Chúng sanh có, không có.

Voi, ngựa, thú nhân đâu?

Sao gọi là bắt giữ?

Vì sao nhân thí dụ?

Tương ưng thành tất đàn.

Sở tác và năng tác

Các rừng và mê lầm?

Lý chân thật như vậy

Duy tâm, không cảnh giới.

Các địa không thứ lớp

Không tướng chuyển sở y,

Y phương, công xảo, luận

Kỹ thuật và các minh.

Tu Di, các núi, đất

Biển lớn, nhật, nguyệt, sao

Chúng sanh thượng trung hạ

Mỗi thân bao vi trần?

Mỗi cõi bao nhiêu trần

Mỗi cung có mấy thước?

Câu lô xá mấy cung?

Nửa do tuần, do tuần?

Bao lông thỏ, bụi cửa

Rận, lông dê, bột lúa

Nửa đấu và một đấu

Có bao nhiêu hạt lúa?

Một hộc và mười hộc

Mười vạn và ngàn ức

Cho đến tầm bà la (10 triệu)

Tất cả số bao nhiêu?

Mấy trần thành hạt cải

Hạt cải thành hạt cỏ

Lại bao nhiêu hạt cỏ

Để thành một hạt đậu?

Mấy đậu thành một thù

Mấy thù thành một lượng

Mấy lượng thành một cân

Mấy cân thành Tu Di?

Những điều ấy nên hỏi

Vì sao hỏi chuyện khác?

Thanh văn, Bích chi Phật

Chư Phật và Phật tử

Số lượng thân như thế

Mỗi thân bao vi trần?

Lửa, gió có bao trần

Mỗi căn bao nhiêu trần

Mày và lỗ chân lông

Mỗi cái bao nhiêu thành?

Thảy các sự như vậy

Tại sao không hỏi ta.

Sao là được giàu có

Sao là Chuyển luân vương?

Sao là vua bảo hộ

Sao là được giải thoát?

Sao là câu, trường hàng

Dâm dục và ăn uống

Sao là rừng nam nữ

Các núi, kim cương sơn.

Dụ huyễn, mộng, ảo ảnh

Các mây từ đâu sanh?

Thời tiết do đâu có?

Nhân đâu đủ thứ vị?

Nữ nam và bất nam

Phật, Bồ tát trang nghiêm

Sao có các núi đẹp?

Tiên Càn thát đẹp đẽ

Giải thoát đến chỗ nào?

Ai buộc, ai giải thoát?

Thế nào cảnh giới thiền?

Biến hóa và ngoại đạo

Sao là vô nhân tác?

Sao là hữu nhân tác?

Sao là chuyển các kiến?

Sao là khởi nghĩ lường?

Sao là tịnh nghĩ lường?

Việc làm do đâu khởi?

Sao gọi là chuyển đi?

Sao là dứt các tưởng?

Sao là tam muội sanh?

Phá ba cõi là ai?

Chỗ nào, thân thế nào?

Sao là không có ngã?

Sao là tùy tục nói?

Ông hỏi tướng là sao?

Và hỏi về phi ngã

Thế nào là thai tạng

Và các chi phần khác?

Sao là kiến đoạn, thường?

Sao là tâm một cảnh?

Sao là trí ngôn thuyết?

Giới, chủng tánh, Phật tử

Sao gọi luận, giải thích?

Sao là thầy, đệ tử?

Chúng sanh chủng tánh khác?

Ăn uống và hư không

Thông minh, ma, giả thiết?

Vì sao cây có mặt?

Ông đã hỏi như thế.

Do đâu có mọi cõi,

Đủ thứ tướng chẳng đồng?

Hoặc như cái đàn nhỏ

Trống nhỏ và các hoa

Hoặc chỗ không ánh sáng

Đạo sĩ nhiều khổ hạnh

Hoặc có dòng họ tốt

Khiến chúng sanh tôn trọng,

Hoặc có người hạ tiện

Bị người ta khinh khi

Vì sao trong cõi dục

Tu hành khó thành Phật?

Mà ở Sắc cứu cánh

Mới lên Đẳng chánh giác?

Tại sao người thế gian

Có thể đắc thần thông?

Sao xưng là tỳ kheo

Sao gọi là tăng già?

Sao là hóa, báo thân?

Phật trí huệ Chân Như?

Làm sao khiến tâm ấy,

Được trụ trong bảy địa?

Nghĩa này và nghĩa khác

Ông nay đều hỏi ta

Như Phật trước đã nói

Một trăm tám thứ câu

Mỗi mỗi tướng tương ưng

Xa lìa các kiến lỗi.

Lại lìa pháp thế tục

Do ngôn ngữ tạo thành

Ta sẽ vì ông nói

Phật tử hãy nghe nhận

Thấy đủ các tướng, không gian, thời gian là do phân biệt. Sự phân biệt ban đầu còn mỏng nhẹ, dần dần thành dày đặc nặng nề thành một thế giới vật chất, rồi càng lúc càng thêm bằng tham sân si, kiêu căng, đố kỵ… để thành ra sanh tử xung đột khổ đau. Có đủ thứ các sự vật, con người, thế giới khác nhau vì có tâm phân biệt.

Muốn đưa thế giới sanh tử khổ đau này trở lại Nhất Chân pháp giới thì phải đưa tâm phân biệt hư vọng trở về Nhất Tâm, đó là “tâm chư Phật vi diệu, pháp môn tối thượng của Đại thừa”.

Ngay đây trước mắt mà không có tâm phân biệt, thì đó là Nhất Tâm, tâm chư Phật vi diệu. Bấy giờ không có các pháp phân biệt sai khác, mà “tất cả các pháp đều là Phật pháp” (Kinh Kim Cương).

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Như thế nào là một trăm lẻ tám câu?

Phật dạy: Đại Huệ! Đó là câu sanh chẳng phải là (phi) câu sanh, câu thường chẳng phải là câu thường, câu tướng chẳng phải là câu tướng, câu trụ dị chẳng phải là câu trụ dị, câu sát na chẳng phải là câu sát na, câu tự tánh chẳng phải là câu tự tánh, câu Không chẳng phải là câu Không, câu đoạn chẳng phải là câu đoạn, câu tâm chẳng phải là câu tâm, câu trung chẳng phải là câu trung, câu duyên chẳng phải là câu duyên, câu phiền não chẳng phải là câu phiền não, câu ái chẳng phải là câu ái, câu phương tiện chẳng phải là câu phương tiện, câu thiện xảo chẳng phải là câu thiện xảo, câu thanh tịnh chẳng phải là câu thanh tịnh, câu tương ưng chẳng phải là câu tương ưng, câu thí dụ chẳng phải là câu thí dụ, câu đệ tử chẳng phải là câu đệ tử, câu thầy chẳng phải là câu thầy, câu chủng tánh chẳng phải là câu chủng tánh, câu tam thừa chẳng phải là câu tam thừa, câu vô ảnh tượng chẳng phải là câu vô ảnh tượng, câu nguyện chẳng phải là câu nguyện, câu ba luân chẳng phải là câu ba luân, câu phá tướng chẳng phải là câu phá tướng, câu có chẳng phải là câu có, câu không có chẳng phải là câu không có, câu cùng chẳng phải là câu cùng, câu tự chứng thánh trí chẳng phải là câu tự chứng thánh trí, câu hiện pháp lạc chẳng phải là câu hiện pháp lạc, câu cõi chẳng phải là câu cõi, câu trần chẳng phải là câu trần, câu nước chẳng phải là câu nước, câu cung chẳng phải là câu cung, câu đại chủng chẳng phải là câu đại chủng, câu toán số chẳng phải là câu toán số, câu thần thông chẳng phải là câu thần thông, câu hư không chẳng phải là câu hư không, câu mây chẳng phải là câu mây, câu công xảo chẳng phải là câu công xảo, câu kỹ thuật chẳng phải là câu kỹ thuật, câu gió chẳng phải là câu gió, câu đất chẳng phải là câu đất, câu tâm chẳng phải là câu tâm, câu giả lập chẳng phải là câu giả lập, câu thể tánh chẳng phải là câu thể tánh, câu uẩn chẳng phải là câu uẩn, câu chúng sanh chẳng phải là câu chúng sanh, câu giác chẳng phải là câu giác, câu Niết bàn chẳng phải là câu Niết bàn, câu sở tri chẳng phải là câu sở tri, câu ngoại đạo chẳng phải là câu ngoại đạo, câu hoang loạn chẳng phải là câu hoang loạn, câu huyễn chẳng phải là câu huyễn, câu mộng chẳng phải là câu mộng, câu sóng nắng chẳng phải là câu sóng nắng, câu ảnh tượng chẳng phải là câu ảnh tượng, câu vòng lửa chẳng phải là câu vòng lửa, câu Càn thát bà chẳng phải là câu Càn thát bà, câu thiên chẳng phải là câu thiên, câu ăn uống chẳng phải là câu ăn uống, câu dâm dục chẳng phải là câu dâm dục, câu kiến chẳng phải là câu kiến, câu ba la mật chẳng phải là câu ba la mật, câu giới chẳng phải là câu giới, câu nhật nguyệt tinh tú chẳng phải là câu nhật nguyệt tinh tú, câu đế chẳng phải là câu đế, câu quả chẳng phải là câu quả, câu diệt chẳng phải là câu diệt, câu diệt khởi chẳng phải là câu diệt khởi, câu y phương chẳng phải là câu y phương, câu tướng chẳng phải là câu tướng, câu chi phần chẳng phải là câu chi phần, câu thiền chẳng phải là câu thiền, câu mê chẳng phải là câu mê, câu hiện chẳng phải là câu hiện, câu bảo hộ chẳng phải là câu bảo hộ, câu giống loài chẳng phải là câu giống loài, câu đạo sĩ chẳng phải là câu đạo sĩ, câu vua chẳng phải là câu vua, câu nhiếp thọ chẳng phải là câu nhiếp thọ, câu báu chẳng phải là câu báu, câu ghi nhớ chẳng phải là câu ghi nhớ, câu nhất xiển đề chẳng phải là câu nhất xiển đề, câu nữ nam bất nam chẳng phải là câu nữ nam bất nam, câu vị chẳng phải là câu vị, câu tác chẳng phải là câu tác, câu thân chẳng phải là câu thân, câu nghĩ lường chẳng phải là câu nghĩ lường, câu động chẳng phải là câu động, câu giác quan chẳng phải là câu giác quan, câu hữu vi chẳng phải là câu hữu vi, câu nhân quả chẳng phải là câu nhân quả, câu sắc cứu cánh chẳng phải là câu sắc cứu cánh, câu thời tiết chẳng phải là câu thời tiết, câu cây leo chẳng phải là câu cây leo, câu mọi sự chẳng phải là câu mọi sự, câu diễn thuyết chẳng phải là câu diễn thuyết, câu quyết định chẳng phải là câu quyết định, câu giới luật chẳng phải là câu giới luật, câu tỳ kheo chẳng phải là câu tỳ kheo, câu trụ trì chẳng phải là câu trụ trì, câu văn tự chẳng phải là câu văn tự.

Đại Huệ! Một trăm lẻ tám câu này chư Phật quá khứ đã nói.

Một trăm lẻ tám câu này gồm tất cả không gian, thời gian và sự vật, sinh vật, thú vật, con người sinh sống, hoạt động, tu hành trong đó.

Tất cả đều “chẳng phải”, đều “phi”. Chỉ một chữ chẳng phải này, chữ phi này lột sạch mọi bám chấp, mọi trụ trước, mọi kiến lỗi lầm. Ngay khi ấy người ta thấy thực tại vượt ngoài danh tướng.

Không những cái gì cũng chẳng phải, mà mọi danh từ, ngôn ngữ, mọi quan niệm được diễn tả bằng ngôn ngữ (trong kinh gọi bằng “câu) đều chẳng phải.

Chẳng phải này tức là đưa chúng ta đến Không, Vô tướng, Vô trụ và Vô niệm. Chẳng phải này xóa sổ tất cả sanh tử, vì tất cả sanh tử chỉ là hý luận.

Cái chẳng phải này là phần nào giải thích “Thế Tôn từ xa nhìn khắp phần nào chúng hội rồi hân hoan mạnh mẽ cười lớn như vua sư tử”.

Chẳng phải! Chẳng phải! Chẳng phải!…

Bấy giờ Đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các thức có bao nhiêu thứ sanh trú diệt? Phật dạy: Đại Huệ, các thức có hai thứ sanh trú diệt, chẳng phải nghĩ lường mà có thể biết. Đó là tương tục sanh và tướng sanh, tương tục trú và tướng trú, tương tục diệt và tướng diệt.

Các thức có ba tướng, là chuyển tướng, nghiệp tướng, chân tướng.

Đại Huệ! Thức nói rộng thì có tám, nói lược thì chỉ có hai, đó là hiện thức và phân biệt sự thức.

Đứng về mặt chân lý tương đối và quy ước thì thức có thể phân biệt thành các thứ khác nhau, với những hoạt dụng khác nhau. Nhưng đứng trong chân lý tuyệt đối và tối hậu, thì toàn thức là trí, không sanh không diệt, không tương tục, không có chuyển tướng, nghiệp tướng. Chuyển được thức thành trí như vậy thì “rõ biết thức A lại da vốn là tướng vô sai biệt”.

Tương tục là tương tục của tướng, không có tướng thì không có tương tục. Tương tục sanh là tướng sanh. Ngược lại, có tướng tức là có tương tục, tướng diệt tức là tương tục diệt.

Chuyển tướng là sự biến đổi, chuyển hóa. Sự biến đổi chuyển hóa này tạo ra nghiệp khiến chuyển dời trong sanh tử. Nếu thấy rõ sự hư vọng của chuyển tướng và nghiệp tướng, thấy tánh của chúng là tánh Không thì đây là chân tướng.

Như thế, từ xưa đến nay chỉ có một chân tướng, một “A lại da vốn là tướng vô sai biệt”, một “tất cả duy là Tâm”, không lằn ranh, không dấu vết chia cắt, mà chỉ vì một niệm vô minh phân biệt chuyển động khởi lên, rồi thành nghiệp tướng mà có ra sanh tử. Nếu dừng niệm phân biệt đang chuyển động, dừng một trăm lẻ tám câu hý luận thì “Phật trí huệ Chân Như” hiện ra trước mắt, vì “Chẳng khởi phân biệt tức là thấy Phật”.

Tám thức là: năm thức giác quan mắt, tai, mũi lưỡi, thân. Thức thứ sáu là ý thức. Thức thứ bảy là ý (mạt na, thức chấp ngã). Thức thứ tám là A lại da hay tạng thức.

Hiện thức là hiện ra các tướng, cái làm hiện ra các tướng này là tập khí phân biệt đã có từ vô thủy. Tập khí phân biệt này là do phân biệt sự thức đã in dấu từ vô thủy. Hai cái này duyên sanh lẫn nhau trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Có hiện tức có phân biệt, có phân biệt tức có hiện.

Chỉ cần thiền định và thiền quán cho thấu suốt để hiểu rõ sự hoạt động lừa dối của thức bèn có thể thấy chân tướng của thức, tức là trí bổn nguyên xa lìa đoạn thường là thế nào.

Thức và hoạt động của chúng thì vô số (vạn pháp duy tâm), nhưng chỉ cần nhìn thấy thật tánh của một thức là vô sanh thì tất cả thức đều vô sanh.

Cần nhớ rằng Đức Phật thuyết kinh này để cho vua Lăng Già đắc từ địa thứ tám là Vô sanh pháp nhẫn trở lên: “Bấy giờ Thế Tôn biết vua Lăng Già sẽ chứng ngộ Vô sanh pháp nhẫn nên thương xót bèn hiện thân, khiến các sự hóa hiện trở lại như cũ”.

Đại Huệ! Như trong gương sáng hiện các hình sắc, hiện thức cũng vậy. Đại Huệ! Hiện thức và phân biệt sự thức, hai thức ấy không khác nhau, cùng làm nhân cho nhau. Đại Huệ! Hiện thức lấy sự biến hóa huân tập không thể nghĩ bàn làm nhân, phân biệt sự thức thì lấy sự phân biệt cảnh giới và tập khí hý luận từ vô thủy làm nhân.

Đại Huệ! Các thứ tập khí hư vọng phân biệt nơi thức A lại da diệt thì tất cả căn thức diệt, đó gọi là tướng diệt. Tương tục diệt là cái nhân sở y diệt và cái sở duyên diệt thì tương tục bèn diệt. Nhân sở y là tập khí hý luận hư vọng từ vô thủy. Sở duyên là cảnh giới do tự tâm phân biệt mà thấy.

Đại Huệ! Thí như cục đất và vi trần chẳng phải khác chẳng phải không khác. Vàng và đồ trang sức bằng vàng cũng như vậy. Đại Huệ! Nếu cục đất và vi trần khác nhau thì đáng lẽ cục đất chẳng phải do vi trần mà thành, thế nên nói chẳng khác. Còn nếu chẳng khác thì cục đất và vi trần đáng ra không thể phân biệt.

Phân tích các thức và chức năng của chúng để thấy rõ chúng có là do phân biệt hư vọng từ vô thủy.

Hiện thức là do sự biến hóa, chuyển động của thức mà hiện ra đối tượng, như trong giấc mộng, thức biến hóa làm hiện ra cảnh không có thật. Sự biến hóa này được huân tập lâu ngày nên trở thành hiển nhiên, rất khó suy nghĩ tìm hiểu, thật ra chỉ là những chủng tử tập khí làm biến hiện ra đối tượng mà thôi. Chẳng hạn một bức tường chỉ là những nguyên tử, mà thấy ra bức tường, đó là hiện thức. Phân biệt sự thức là lấy sự phân biệt và hý luận làm nhân để rồi tiếp tục phân biệt và hý luận khiến cảnh giới càng thêm cứng chắc và có thật.

Tập khí là thói quen. Hý luận là bàn luận  phân biệt trên cái không có cơ sở, như bàn luận về lông rùa, sừng thỏ. Hý luận thuộc về sở tri chướng. Sự vật không hiện hữu độc lập, không có tự tánh, không có thật mà cho là có hiện hữu độc lập, có tự tánh, có thật, đó là hý luận.

A lại da chứa những tập khí biến hóa và tập khí phân biệt sự biến hóa ấy. A lại da có sự phân chia chủ thể thấy và đối tượng được thấy ở mức độ vi tế nhất là chủng tử tập khí. Nhân sở y là tập khí hý luận hư vọng từ vô thủy, đây là cái thấy sai lầm cho rằng sự vật được thấy có tự tánh. Sở duyên là cảnh giới do tự tâm phân biệt mà thấy, đây là cái được thấy sai lầm cho rằng cảnh giới ở ngoài tâm và sai khác nhau mà không biết rằng chỉ do tự tâm phân biệt.

Tóm lại các thức sở dĩ có là do phân biệt, từ tế đến thô. Không phân biệt từ thô đến tế, thì đây là “tâm chư Phật vi diệu”, đây là “pháp môn tối thượng”.

Cũng chớ hiểu lầm là bậc thánh thì không thấy gì cả. Bậc thánh vẫn thấy cái cây, ngôi nhà, con đường nhỏ…. Nhưng thấy mà không có tâm phân biệt, không có tướng và danh nên như huyễn, thức phân biệt đã được tịnh hóa thành trí, cho nên thấy mà tất cả đều “duy Tâm”, duy một “tâm chư Phật vi diệu”.

Cục đất và vi trần, vàng và đồ trang sức bằng vàng, chẳng phải khác chẳng phải không khác. Bậc thánh thì bằng trí vô phân biệt nên thấy là chẳng phải khác, đồng thời bằng trí huệ phân biệt thì thấy chẳng phải không khác. Vô phân biệt mà phân biệt, phân biệt mà vô phân biệt, tánh mà là tướng, tướng mà là tánh. Chúng sanh mê lầm thì chỉ thấy có phân biệt, chỉ thấy có tướng, nên sống trong sanh tử  tạo bằng các tướng sai biệt.

Đại Huệ! Chuyển thức và tạng thức nếu khác nhau, thì tạng thức chẳng phải là nhân cho chuyển thức; nếu chẳng khác nhau thì chuyển thức diệt đáng lẽ tạng thức cũng diệt nhưng chân tướng tạng thức không diệt. Đại Huệ! Chân tướng của tạng thức không diệt, chỉ nghiệp tướng diệt. Nếu chân tướng diệt thì tạng thức cũng phải diệt. Nếu tạng thức mà diệt thì chẳng khác gì luận đoạn diệt của ngoại đạo.

Đại Huệ, các ngoại đạo kia lập thuyết thế này: Thức tương tục nắm giữ cảnh giới diệt thì thức tương tục từ vô thủy cũng diệt. Các ngoại đạo kia nói thức tương tục từ tác giả nào đó sanh chứ không nói nhãn thức nương vào sắc tướng và ánh sáng hòa hợp mà sanh, chỉ nói tác giả làm nhân mà sanh. Tác giả là gì? Họ suy đoán là Thắng Tính (Pradhana), Trượng phu (Purusha), Tự tại (Ishvara), thời gian, và vi trần là tác giả làm ra.

Lại có bảy loại tự tánh, đó là: tập tự tánh, hữu tự tánh, tướng tự tánh, đại chủng tự tánh, nhân tự tánh, duyên tự tánh, thành tự tánh.

Chuyển thức là vọng động phân biệt làm cho tạng thức bị nhiễm ô. Nhưng thực ra tạng thức với tư cách  là chân thức thì không bị nhiễm ô. Thế nên nhiễm ô có thể trừ diệt  mà tạng thức vốn không thể bị nhiễm ô thì không thể hoại diệt.

Ở chỗ này mà khéo quán sát thì có thể giải thoát tức thời: ngay khi chuyển thức đang vọng động phân biệt người ta có thể thấy chuyển thức này chính là chân thức, là thức A lại da vốn hằng hằng thanh tịnh. Như khi thấy sóng người ta nhận biết nó là nước của đại dương xưa nay thanh tịnh.

Vậy phân biệt là gì? Nắm giữ, chấp trước, trụ trước… là gì? Đó là tách biệt một tướng nào đó ra khỏi cái Một tướng Vô tướng và bám trụ vào đó. Nắm bám vào một cái phần tử, tức khắc chúng ta mất cái toàn thể. Nắm bám vào một làn sóng, chúng ta đánh mất tất cả đại dương.

Cho nên bất cứ lúc nào mà các thức giác quan không bám chấp, không trụ trước; ý thức, ý và a lại da không bám chấp, không trụ trước thì đây là chân thức, a lại da vốn thanh tịnh.

Ngoại đạo cũng vì bám chấp mà thành chấp đoạn hoặc chấp thường, rớt vào bảy loại tự tánh  cho là nguyên nhân đầu tiên, mà không biết là duyên sanh, ở đây là duyên sanh của thức, nên vô tự tánh. Từ cái bám chấp này, cho là có tác giả, mà ngày nay gọi là Thượng đế, làm ra. Chân thức của Kinh Lăng Già không phải là thường kiến, vì nó cũng là vô tự tánh, là tánh Không.

Lại nữa, Đại Huệ! Có bảy loại Đệ nhất nghĩa, đó là: tâm sở hành, trí sở hành, nhị kiến sở hành, siêu nhị kiến sở hành, siêu tử địa sở hành, Như Lai sở hành, Như Lai tự chứng thánh trí sở hành.

Đại Huệ! Đây là pháp đệ nhất nghĩa tự tánh tâm của tất cả Như Lai, Ứng, Chánh Đẳng giác quá khứ, vị lai, hiện tại, dùng tâm này thành tựu các pháp tối thượng thế gian và xuất thế gian của Như Lai, dùng thánh huệ nhãn nhập vào tự tướng và cọng tướng, an lập tất cả.

Sở hành (chỗ đi, chỗ hoạt động) bản dịch của Cầu Na Bạt Đà La dịch là cảnh giới. Bảy loại đệ nhất nghĩa là thể và dụng của tự tánh tâm ở thế gian và xuất thế gian, với tự tướng và cọng tướng, tóm lại là với tất cả các pháp.

Tất cả các pháp không có cái gì ra ngoài tâm, an lập trong tâm, tất cả thế gian và xuất thế gian, tất cả tự tướng và cọng tướng, thảy thảy đều là tâm. Tâm thanh tịnh thì các pháp xưa nay thanh tịnh.

Tu hành là đưa thức phân biệt hư vọng về nguồn trí bổn nguyên thanh tịnh của nó. Trí bổn nguyên thanh tịnh này là “tự tánh tâm của tất cả Như Lai”.

Sự an lập ấy chẳng cùng chung với ác kiến ngoại đạo. Đại Huệ! Sao là ác kiến ngoại đạo? Đó là không biết cảnh giới là tự phân biệt mà hiện, trong tự tánh đệ nhất nghĩa thấy có thấy không mà khởi ngôn thuyết. Đại Huệ! Nay ta sẽ nói, nếu rõ cảnh giới là như huyễn, do tự tâm hiện, bèn diệt vọng tưởng ba cõi khổ đau và vô minh, ái, nghiệp, nhân duyên.

Đại Huệ! Có những sa môn bà la môn vọng chấp có, không đối với các vật hiển hiện bên ngoài và nhân quả của chúng, thời gian trụ của chúng, hoặc chấp uẩn, giới, xứ theo duyên mà sanh trụ, có rồi thì diệt. Đại Huệ! Các kiến giải của những người ấy hoặc về tương tục, hoặc tác dụng, hoặc sanh, hoặc diệt, hoặc các hiện hữu, hoặc Niết bàn, hoặc đạo, hoặc nghiệp, hoặc quả, hoặc chân lý… đều là các luận phá hoại, đoạn diệt. Tại sao thế? Vì họ không đắc hiện pháp (các pháp đang trực tiếp hiện tiền), chẳng đắc căn bản vậy.

Chúng sanh và ngoại đạo không biết thân tâm thế giới trước mắt từ đâu mà có, “không biết cảnh giới là tự phân biệt, trong tự tánh đệ nhất nghĩa thấy có thấy không mà khởi lời nói”.

Tại sao phân biệt là ác kiến, là lỗi lầm? Vì phân biệt chia cắt tánh Không thuần nhất thành những hình tướng có ranh giới riêng biệt, tách biệt nhau, thành thế giới với những sai khác, đây là thế giới sanh tử. Như mặt gương sáng, không chia cắt, không cách hở, trong đó tất cả bóng đều là gương mà phân biệt cho nên thành những sắc tướng khác biệt, biệt lập nhau mà kinh gọi là tự tướng cọng tướng. Quán như huyễn là thấy các tướng là như huyễn thì phân biệt hư vọng hết, thấy lại toàn bộ tấm gương.

Đường thoát ra khỏi thế giới danh tướng đầy khổ đau phiền não này là “rõ cảnh như huyễn, do tâm tự hiện, bèn diệt vọng tưởng ba cõi khổ đau và vô minh, ái, nghiệp, nhân duyên”. Nếu quyết tâm ra khỏi sanh tử lừa dối này thì chỉ cần thấy cảnh là như huyễn. Cảnh như huyễn bèn tức thời ở trong tự tánh tâm.

Dầu luận thuyết kiểu nào cũng mắc vào ý thức phân biệt, từ lầm lạc đi sâu vào lầm lạc, tạo thêm vô minh, nên gọi là các luận phá hoại, đoạn diệt. Đó là do không đắc hiện pháp, pháp đang trực tiếp hiện tiền mà lọt vào rừng rậm loanh quanh của ý thức phân biệt, không đắc cái căn bản, cái nền tảng của tất cả mọi hiện hữu, tức là tự tánh tâm đệ nhất nghĩa.

Cho nên tu là thực hành ba pháp Chỉ, Quán, Chỉ Quán đồng thời hay Thiền. Nhanh hay chậm, đốn hay tiệm là tùy phiền não chướng và sở tri chướng chúng ta nhiều hay ít, chứ tự tánh tâm đầu hay cuối cũng chỉ là một vị tự tánh tâm.

Chỉ là an trụ trong tự tâm vô phân biệt. Quán là thấy tất cả mọi hiện hữu đều là tự tâm hiện nên như mộng như huyễn. Thiền là an trụ trong tự tâm không phân biệt, vô niệm ấy đồng thời thấy mọi hiện hữu đều như mộng như huyễn vì đều tự tâm hiện.

Đứng ở ngoài nhìn vào thì đây là ba pháp môn, ba cửa vào tự tánh tâm. Nhưng đứng ở trong nhìn ra thì đây là cửa mở ra với con người, với thế giới để một Bồ tát có thể làm việc giúp đỡ cho chúng sanh và thế giới.

Đại Huệ! Thí như cái bình vỡ không thể làm được việc của cái bình, lại như hạt giống cháy không thể sanh mầm, sự việc này cũng như vậy. Nếu các pháp uẩn xứ giới đã hiện sẽ diệt, nên biết đó không do tương tục sanh vì không có nhân, chỉ là tự tâm hư vọng thấy.

Lại nữa, Đại Huệ! Nếu gốc không có thức mà do ba duyên hòa hợp mà sanh, thì rùa đáng lẽ sanh lông, cát đáng lẽ sanh dầu thì tôn của ông ắt hoại, vì trái với nghĩa quyết định, chỗ làm như vậy đều rỗng không, vô ích.

Đại Huệ! Ba duyên hòa hợp lại mà sanh, đó là tính chất nhân quả, cho đó là có, quá khứ, hiện tại, vị lai từ không sanh có, đó là y trụ vào nền giác tưởng, bèn có lý thuyết và tự ác kiến huân thêm tập khí, mới nói như vậy. Đại Huệ! Phàm phu ngu si bị ác kiến cắn xé, tà kiến làm mê say, vô trí mà vọng nói là Nhất thiết trí.

Uẩn, xứ, giới không thể tự sanh tự diệt vì không có nhân. Nhân ấy là tự tâm hư vọng thấy. Cho nên có sanh là do tương tục sanh của thức, có diệt là do tương tục diệt của thức. Thấy có sanh diệt, trong khi thật tế thì không sanh không diệt, vì “không do tương tục sanh vì không có nhân”, thế nên cái thấy ấy chỉ là tự tâm hư vọng thấy. Muốn thay đổi, tịnh hóa thế giới không phải là đập bỏ, sửa sang thế giới mà là phá bỏ, sửa sang tâm thức mình. Nếu cho rằng thế giới do ba duyên hòa hợp mà sanh chứ không phải từ gốc thức thì trong thế giới rùa có thể sanh lông, thỏ có thể mọc sừng. Nhưng thức thì có thể vọng thấy cho nên thức vẫn thường thấy lông rùa, sừng thỏ, hoa giữa hư không.

Thế giới, chúng sanh không phải có hay không, không phải sanh hay diệt, tăng hay giảm, dơ hay sạch… mà do thức thấy ra mọi sự ấy. Mọi sự ấy là như huyễn như mộng.

Vô sanh pháp nhẫn, địa thứ tám chung cho tất cả Đại thừa, ở trong Kinh này là như huyễn tam muội. Chứng Như huyễn tam muội là chứng Vô sanh pháp nhẫn.

Nhân quả, ba đời quá khứ hiện tại vị lai cũng là do thức. Như một dòng sông chảy, không có đâu là nhân đâu là quả, đâu là quá khứ hiện tại vị lai, nhưng thức đã chia cắt ra các phần, gán cho chúng tên thế này thế khác mà thành thế giới phân mảnh xung đột nhau.

Tóm lại thức đã làm cho thực tại, mà nói theo ngôn ngữ vật lý hiện đại là biển năng lượng, đông đặc thành những sự vật riêng lẽ và gán tên cho chúng bằng sự phân biệt hư vọng của nó. Chính thức đã vật chất hóa, tách biệt hóa thực tại thành thế giới sanh tử. Ác kiến ngoại đạo là lập thuyết trên những sản phẩm của thức: uẩn, xứ, giới hòa hợp mà sanh, nhân quả, ba đời… cho nên đều là hư vọng, rỗng không, vô ích. Như vậy giải thoát là giải thoát khỏi trò chơi biến hóa hư vọng của thức, nói cách khác, chuyển thức thành trí bằng cách quán như huyễn.

Đặt thức phân biệt, hữu hạn vào nền tảng của nó là trí vô phân biệt, vô hạn, đó là chuyển thức thành trí.

Đại Huệ! Lại có sa môn, bà la môn, quán thấy tất cả pháp đều vô tự tánh, như mây giữa hư không, như vòng lửa quay, như thành Càn thát bà, như huyễn, như dợn nắng, như trăng trong nước, như thấy trong mộng, chẳng lìa tự tâm, do hư vọng thấy từ vô thủy đến nay mà bám giữ cho là bên ngoài. Quán như thế rồi, cắt đứt duyên phân biệt, cũng lìa sự bám giữ danh và nghĩa của vọng tâm, biết thân, tài sản, chỗ ở, tất cả đều là cảnh giới của tạng thức, không có gì là năng sở bám giữ và sanh trụ diệt, tư duy như vậy thường xuyên không bỏ.

Đại Huệ! Các Đại Bồ tát ấy không lâu sẽ đắc sanh tử và Niết bàn cả hai bình đẳng, đại bi phương tiện vô công dụng hạnh, quán thấy chúng sanh như huyễn như ảnh theo duyên mà khởi, biết tất cả cảnh giới lìa tâm thì không thể đắc. Hành đạo vô tướng, dần lên các địa, trụ trong tam muội, thấu rõ ba cõi đều duy tự tâm, đắc như huyễn định, tuyệt hết tất cả ảnh tượng, thành tựu trí huệ, chứng vô sanh nhẫn, nhập định như kim cương, sẽ đắc Phật thân, hằng trụ như như, khởi các lực thần thông biến hóa tự tại. Đại Huệ! Các vị ấy có phương tiện để trang nghiêm, du hý các cõi nước Phật, lìa các ngoại đạo và tâm, ý, thức, lần lượt chuyển y thành thân Như Lai.

Đại Huệ! Đại Bồ tát muốn đắc thân Phật, phải nên xa lìa uẩn giới xứ do tâm nhân duyên tạo ra, các pháp sanh trụ diệt, các phân biệt hý luận. Chỉ trụ tâm lượng quán sát ba cõi từ vô thủy đến nay đều do hư vọng tích tập mà khởi. Tư duy Phật địa vốn vô tướng vô sanh, tự chứng thánh pháp, được tâm tự tại vô công dụng hạnh, như ngọc như ý tùy nghi hiện thân, khiến đạt duy tâm, dần vào các địa.

Thế nên, Đại Huệ! Đại Bồ tát nên khéo tu học chân lý tự chứng này.

Phật giáo Đại thừa có hai nhánh chính, bao trùm toàn bộ các tông phái. Thứ nhất là tánh Không, “tất cả pháp Không”, thứ hai là “tất cả duy tâm tạo”. Kinh này khai triển mặt “tất cả duy tâm tạo”.

Sau khi bác bỏ những quan điểm sai lầm về thực tại của các phái ngoại đạo và phàm phu, chấm dứt chương 1 này là sự tu tập tất cả duy tâm tạo để vào các địa Pháp thân đến Phật địa giác ngộ viên mãn.

“Quán thấy tất cả pháp đều vô tự tánh, như huyễn như mộng chẳng lìa tự tâm”: như Không tông nhằm ngộ nhập tánh Không (tất cả pháp đều vô tự tánh), phái Duy tâm đạt đến tánh Không bằng quán sát tất cả duy tâm tạo nên là Không. Có thể nói một bên quán Không, một bên quán Như Huyễn.

Tại sao là như huyễn? Vì những gì chúng ta thấy nghe hay biết đều không thật có. Chẳng hạn một cái cầu vồng, tuy có thấy mà không nắm bắt được, không biết đâu là chỗ bắt đầu, đâu là nơi kết thúc. Chẳng hạn một đám mây, tuy có thấy nhưng khi sờ chạm nó thì chỉ là những hạt nước li ti. Thân thể, tài sản, nhà cửa, thế giới, chúng sanh… nói theo khoa học bây giờ thì chỉ là những đám mây nguyên tử, những đám mây hạt hạ nguyên tử. Sự vật thấy được là do hệ thần kinh diễn dịch các tín hiệu từ các đám mây nguyên tử ấy mà thành. Thế nên chúng đều như huyễn.

Kinh thường nói “như huyễn, như mộng” để nói rằng sự quán huyễn không chỉ trong lúc thức, mà cả trong lúc ngủ, nghĩa là liên tục suốt ngày đêm. Nhờ quán như vậy mà các chấp tướng ngăn ngại dần dần rơi rụng, khiến lòng bi dần dần khai mở. Quán như huyễn còn đưa đến lạc giải thoát. Như vậy trong quán như huyễn tức là trí huệ, có đại bi và lạc. Trí huệ, đại bi và lạc là ba chứng đắc tạo nên đời sống một Bồ tát.

Nhờ quán thấy như huyễn như mộng vì là sản phẩm của vọng tâm phân biệt, tư duy như vậy thường xuyên không bỏ, nghĩa là liên tục suốt ngày đêm, không mất niệm quán huyễn, mà hành giả lìa khỏi vọng tâm. Khi vọng tâm được lìa hành giả thấy vọng tâm là như huyễn như mộng. Các pháp là như huyễn như mộng thì vọng tâm thấy ra, sản xuất ra các pháp như huyễn như mộng ấy phải là như huyễn như mộng. Đi trên con đường chánh quán này là đi trên con đường giải thoát. Ngã pháp như huyễn như mộng đến đâu thì có giải thoát đến đó.

Như Kinh Viên Giác nói, “biết huyễn tức lìa, lìa huyễn tức giác, chẳng lập phương tiện”, đó là bậc rất đại căn, còn người thường như chúng ta thì phải quán huyễn. Quán huyễn được đến đâu thì chân tâm đệ nhất nghĩa hiện ra tới đó. Lúc này chỉ cần tự nhắc nhở Duy tâm thì chân tâm hiện tiền.

Tại sao phải quán như huyễn? Quán như huyễn dựa vào năng lực nào và đưa đến mục đích gì? Năng lực của A lại da hay tạng thức rất mạnh, đó là năng lực phân biệt biến hiện và huân tập chủng tử tập khí, khiến cho tạng thức mỗi giây phút là mỗi nhiễm ô. Quán như huyễn là chuyển năng lực theo chiều hướng xấu tạo ra sanh tử của tạng thức thành thanh tịnh, không nhiễm ô. Đây là công việc chuyển tạng thức thành Như Lai tạng, mà kinh gọi là “chuyển y”. Khi chuyển y bằng quán Như huyễn, năng lực biến hiện và nhiễm ô của tạng thức sẽ thành năng lực của Như huyễn tam muội và ý sanh thân. Tóm lại, quán như huyễn là đưa năng lực tạo ra sanh tử của tâm trở thành thanh tịnh, năng lực của Như Lai tạng.

Các Đại Bồ tát là các vị đã vào các địa Pháp thân, từ Sơ địa trở lên. Tu quán huyễn như vậy thì “không lâu sẽ đắc sanh tử và Niết bàn bình đẳng”, đây là từ địa thứ năm Nan thắng địa trở lên. “Vô công dụng hạnh và đại bi phương tiện” là địa thứ tám Bất động địa hay Vô công dụng địa.

Đây là do quán thấy thân tâm, thế giới, chúng sanh như huyễn như mộng, chẳng lìa tự tâm, do hư vọng thấy mà bám giữ cho là bên ngoài. Tất cả đều là cảnh giới của tạng thức, không có gì là năng sở và sanh trụ diệt, thực tại thì không có năng sở và sanh trụ diệt, ngay đây mà thấy trực tiếp được là không làm gì có năng sở và sanh trụ diệt, bèn tức thời ở trong chân tâm đệ nhất nghĩa, dần dần rủ sạch tập khí vọng tưởng.

Tất cả cảnh giới thân tâm, thế giới, chúng sanh như huyễn như ảnh, lìa tâm thì không thể đắc, tu như vậy là hành đạo Không, Vô tướng, Vô tác hay Vô nguyện. Thấu rõ ba cõi đều duy tự tâm, đắc Như huyễn tam muội, tuyệt hết tất cả ảnh tượng, chứng Vô sanh nhẫn, hoàn toàn chấm dứt sanh tử vọng khởi vọng thấy và phản ứng với sanh tử vọng khởi vọng thấy.

Từ đây sẽ nhập định như kim cương, là định trước Phật quả. Sẽ đắc Phật thân, hằng trụ như như, tức là Pháp thân trọn vẹn của chư Phật và làm các hoạt động của Phật, thành tựu trí huệ không lìa với đại bi phương tiện.

Cho nên công phu tu hành là xa lìa uẩn, giới, xứ do tâm nhân duyên tạo ra, các pháp sanh trụ diệt, các phân biệt hý luận. Xa lìa là “tư duy thường xuyên không bỏ các pháp đều vô tự tánh, như huyễn như mộng, biết tất cả cảnh giới lìa tâm thì không thể đắc”.

Đây là xa lìa cho đến hết sạch phiền não chướng và sở tri chướng. Tư duy Phật địa vốn vô tướng vô sanh, nghĩa là đưa các vọng thức trở về thật tánh vô tướng vô sanh của chúng. Đưa được tới đâu thì thức chuyển thành trí tới đó. Đưa tướng trở về tánh, đưa thức trở về trí, đưa vọng tâm trở lại chân tâm, bấy giờ đây là bản tâm tự tại vô công dụng hạnh, như ngọc như ý tùy nghi hiện thân, hiện thế giới Tịnh độ.

Tóm lại, duy vọng tâm thì sanh tử bời bời, duy chân tâm thì Tịnh độ một vị.

Xem mục lục