Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

II. THẤY RÕ TÁNH CỦA MỐI NÚT ĐỂ TỨC THỜI GIẢI THOÁT

Kinh : Phật bảo Ông Anan : “Căn, Trần cùng nguồn. Trói mở không hai. Tánh của Thức là hư vọng, cũng như hoa đốm giữa hư không. Anan, do cái Trần mà phát ra cái biết, nhân cái Căn mà có cái Tướng. Cả Tướng Phần và Kiến Phần đều không có tự tánh, giống như các nhánh lau gác lên nhau.

Thông rằng : Căn thuộc về Kiến Phần, Trần thuộc Tướng Phần. Chỉ đều do một niệm vô minh làm dính kín tánh trong lặng mà phát khởi, nên gọi là đồng nguồn. Chỉ ở nơi đầu nguồn mà xem thấy, thì Kiến Phần và Tướng Phần chưa thành hình, lúc ấy Căn, Trần ở đâu mà có ? 

Từ lúc Căn hợp với Trần mà trôi xuôi thì gọi là buộc. Từ lúc Căn ngược với Trần mà trở về nguồn, thì gọi là mở. Cái trói chính là sáu Căn, chứ không phải vật gì khác. Cái mở cũng là sáu Căn, chứ không còn vật gì khác. Thể vốn không hai vậy. Trong cái Thể không hai này mà soi xét, thì trói buộc chẳng là dơ, cởi mở chẳng là sạch. Nơi Thể không hai đó, chưa từng có thêm bớt, đó là Căn, Trần vốn đồng nguồn vậy, ai thấy là khác được ? Trói, mở vốn không hai, ai thấy được là hai ? 

Sở dĩ phân biệt chia tách, là do cái Thức vậy. Thức này hư vọng mà phân biệt, cũng như dụi mắt mà vọng thấy có không-hoa. Vốn nào có Căn, Trần lại vọng thấy Căn, Trần. Vốn nào có trói, mở mà vọng thấy trói, mở. Biết rõ cái Thức này, có cũng như do dụi mắt, bèn chuyển Thức về nguồn, thì con mắt trong sáng, nên chóng chứng an lạc giải thoát, Tịch Tịnh Diệu Thường. Chẳng phải ở nơi Căn mà quay lại, nhưng ở nơi Thức mà chuyển. Sao gọi là Thức hư vọng giống như hoa đốm ? Chẳng phải bảo là lìa cái Thức tánh hư vọng mà riêng có cái gọi là Tịch Tịnh Diệu Thường đâu. Chỉ cần tin cái Thức là hư vọng, thì Diệu Thường ở ngay nơi Thức. Chỉ cần tin hoa đốm không tự tánh, thì con mắt sáng trong ở ngay tại không-hoa.

Bởi thế, do Trần mà phát ra Thức, chứ Thức chẳng tự sanh. Nhân Căn mà có Tướng, chứ Tướng không tự có. Ba cái Căn, Trần, Thức giao nhau mà lập, mà hợp, như lau gác lên nhau, vốn không tự tánh. Cho tánh giao nhau là có thật, thì khi chưa giao nhau sao lại không có ?
Cho tánh giao nhau là không có, thì khi đã gác lên nhau, làm sao lại có ? Đã chẳng phải là tánh Không, lại chẳng phải là tánh Có, nên nói là không có tánh. Tướng Phần và Kiến Phần, cả hai đều không có tự tánh, hiện thể bèn là vô sanh. Cho nên, biết rằng trong cái Căn mối nút sanh tử tự sẵn đủ Tịch Tịnh Diệu Thường vậy. Thế, chẳng đủ để tin rằng trói buộc hay cởi mở là không hai sao ?

Tổ Thạch Đầu dạy chúng rằng : “Pháp môn của ta, Phật trước truyền thọ, chẳng luận thiền định, tinh tấn, độc chỉ thấu đạt Tri Kiến của Phật. Tức Tâm là Phật. Tâm, Phật, chúng sanh, Bồ Đề, phiền não : tên khác mà một thể. Các ông phải biết, cái Tự Kỷ tâm linh, thể lìa thường đoạn, tánh nó chẳng dơ sạch, lặng tròn đủ như nhiên. Phàm Thánh đồng đều, ứng dụng khắp cả, lìa tâm, ý, thức. Ba cõi, sáu đường, duy tự tâm hiện. Trăng dưới nước, bóng trong gương, nào có sanh, diệt ? Các ông mà biết được nó thì có chỗ nào mà chẳng đầy đủ ?”

Đây là Đệ Nhất Nghĩa Tối Thượng vậy. 

Chỗ nói, “Bồ Đề, phiền não, khác tên mà một thể”, chẳng phải là “Căn, Trần đồng nguồn” ư ? Chỗ nói, “Thể lìa đoạn thường, tánh nó chẳng dơ sạch”, chẳng phải là chỗ nói “Trói mở không hai” đấy sao ? Chỗ nói, “Ba cõi sáu đường, duy tự tâm hiện; trăng trong nước, bóng trong gương, nào có sanh diệt”, chẳng phải là chỗ “Tướng Phần, Kiến Phần không có tánh, cũng như hình cây lau gác nhau” đấy sao ? Hình lau gác nhau, hoa đốm giữa hư không, cũng không có sanh diệt. Thế nên biết rằng Thức tánh là hư vọng, bèn An Lạc Giải Thoát đó.  

Kinh : “Thế nên, giờ đây chính nơi Thấy Biết mà lập ra Tướng có Thấy Biết, đó là cội gốc Vô Minh. Chính nơi Thấy Biết mà chẳng có Tướng Thấy Biết, đó là Niết Bàn chân tịnh, vô lậu. Làm sao trong ấy lại còn có vật gì khác !”
Khi ấy, Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mà nói bài kệ :

Thông rằng : “Trong thấy biết mà lập ra tướng thấy biết”, nghĩa là “Nhân cái Minh mà lập ra cái Sở”. Do đó, biết rằng cái căn bản Vô Minh, cái gốc của sự thắt nút, cái căn mối nút sanh tử chính là cái Thức vậy, mà chẳng phải chỉ là Căn. Thấy biết mà không có tướng thấy biết, tức là “Thấy do lìa cái thấy, Thấy ấy là siêu việt”. Thế nên, phải biết rằng giải thoát khỏi cái thấy biết đó là cái quả vô lậu, đó là Tịch Tịnh Diệu Thường, là chuyển Thức thành Trí vậy, chứ cũng chẳng phải chỉ là Căn. Bởi thế, trong bài kệ ở sau tụng rằng “Thức A Đà Na vi tế” hiển bày đầy đủ Căn và Thức không hai.

Thiền sư Thùy Lộc An thường đọc kỹ càng chỗ này : “Tri Kiến lập Tri, tức Vô Minh bổn. Tri Kiến Vô Kiến, ấy tức là Niết Bàn”. Rỗng nhiên khai ngộ, thường đọc tụng luôn. 
Học trò bảo rằng : “Nên lấy bốn chữ làm câu !” 
Ngài nói : “Đây là chỗ ngộ của ta, không thể chuyển đổi !” 
Thời ấy gọi Ngài là An Lăng Nghiêm. 
Khi thị tịch, đọc kệ rằng : 

“Chẳng thể đầu non mang lại được
Há từ Kê Túc(01) truyền mai sau
Từ xưa Hiền Thánh đều như thế
Há nay đặt chuyện với ông đâu ?”.

Phó chúc xong, tự mình bước vào trong hòm, nằm nghiêng bên hữu. 

Trải qua ba ngày, đệ tử mở quan tài khóc lóc, bèn trỗi dậy lên tòa thuyết pháp, quở trách răn dạy : “Còn mở nắp hòm của ta thì không phải là đệ tử của ta”.  Rồi bước vào trong hòm đi luôn.
Nếu chẳng được vô lậu chân tịnh, làm sao đến đi tự do như thế ?

Xem mục lục