Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

V. BÁC NHÂN DUYÊN, TỰ NHIÊN

Kinh : Ông Anan bạch Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, nếu quả cái Tánh Diệu Giác chẳng phải Nhân, chẳng phải Duyên thế sao Thế Tôn thường chỉ dạy cho chúng Tỳ Kheo rằng Tánh Thấy có đủ bốn thứ Duyên, đó là : Nhân Hư Không, Nhân Ánh Sáng, Nhân Tâm Thức và Nhân Con Mắt. Nghĩa ấy thế nào ?”

Phật bảo : “Anan, Ta nói như thế, là nói về các tướng nhân duyên của thế gian, chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa. Anan, Ta lại hỏi ông : Các người thế gian nói “Tôi thấy được”, thì thế nào gọi là thấy? Thế nào gọi là không thấy ?”

Anan thưa : “Người đời nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng, đèn mà thấy mọi thứ hình tướng thì gọi là thấy. Nếu không có ba thứ ánh sáng đó thì không thấy được”.

- Anan ! Nếu khi không có ánh sáng mà gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy tối. Nếu có thấy tối, thì đó chỉ vì không có ánh sáng chứ đâu phải là không thấy ? Anan, nếu trong khi tối, vì không thấy sáng mà gọi là không thấy, thì khi sáng, không thấy tướng tối, cũng gọi là không thấy. Như thế thì cả hai tướng sáng, tối đều gọi là không thấy cả. Còn nếu như hai cái sáng, cái tối tự lấn đoạt nhau, chứ không phải trong đó cái Tánh Thấy của ông có lúc không có. Như thế thì biết : cả hai lúc sáng và tối đều gọi là thấy, chớ sao lại nói là không thấy ?”

Thông rằng : Chỗ này, Thế Tôn trước là phá cái tướng Nhân Duyên của thế gian, sau là hiển bày cái Đệ Nhất Nghĩa Đế. Thế gian cho rằng cái Thấy nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà có. Nhưng không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn đâu phải là không có cái Thấy, cũng là thấy Tối, thấy Sáng đó vậy. Sáng, Tối tự chúng thuộc về tiền trần, cái Thấy (Kiến Tinh) vốn không sanh diệt. Do đó mà nói “Cái Thấy của thế gian cũng là chẳng phải Nhân, chẳng phải Duyên”, huống tiến đến chỗ này ư ?

Thiền sư Cửu Phong Kiền thọ tâm ấn nơi Tổ Thạch Sương. Có nhà sư hỏi : “Trong kinh có nói : Đủ ba duyên ánh sáng mới thành cái Thấy. Ba Duyên chưa có, có thành cái Thấy không ?”
Tổ Kiền nói : “Duyên có sai khác, cái Thấy không thiếu hụt”.

Vị sư hỏi : “Đã không thiếu hụt, ở trong tối sao chẳng thấy vật ?”

Tổ Kiền nói : “Tuy chẳng thấy vật, đâu phải không thấy tối ?”

Nhà sư hỏi : “Lìa hết ba duyên, như thế nào là chỗ Chân Kiến ?”

Tổ Kiền nói : “Giáp vòng trái đất, mặt trời đen tợ sơn đen”.

Trong bài Tham Đồng Khế của Ngài Thạch Đầu có câu : “Ngay trong sáng có tối, chớ dùng tối gặp nhau ! Ngay trong tối có sáng, chớ dùng sáng thấy nhau !”

Chính là đồng với cái ý chỉ này. Đây thật là nào có đồng bậc với sáng tối, cần phải có mắt mới phân biệt được.  

Xem mục lục