Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

XXII. VIÊN THÔNG VỀ KHÔNG ĐẠI

Kinh : Bồ Tát Hư Không Tạng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà thưa rằng : “Tôi cùng Đức Như Lai chứng được Thân Vô Biên nơi Phật Định Quang. Lúc ấy, tay tôi cầm bốn hạt bảo châu lớn soi sáng mười phương cõi Phật số như vi trần đều hóa thành hư không. Lại nơi tự tâm, hiện gương tròn lớn, trong ấy phóng ra mười thứ hào quang vi diệu quý báu, tràn khắp mười phương, cùng tột bờ cõi hư không. Các cõi Phật đều vào trong gương “Đại Viên Cảnh” ấy, nhập vào thân tôi. Thân đồng hư không chẳng có gì ngăn ngại, thân lại khéo vào vi trần quốc độ rộng làm Phật sự, được Đại Tùy Thuận. Đại thần lực này là do tôi chánh quán bốn Đại không chỗ nương, vọng tưởng sanh diệt và hư không không hai, cõi Phật vốn đồng. Do phát minh được tánh đồng, đắc Vô Sanh Nhẫn.
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do quan sát Hư Không vô biên, vào Tam Ma Địa, diệu lực tròn sáng, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Bồ Tát Hư Không Tạng đã cùng Như Lai ở nơi Phật Định Quang, chứng đắc Ba Thân, Bốn Trí. Trong ba Thân, thì chỉ trọng Pháp Thân, nên nói “Đắc Thân Vô Biên”. Bốn Trí thì chỉ trọng Đại Viên Cảnh Trí, nên nói “Lại ở nơi Tâm, hiện gương tròn lớn”. 

Pháp Thân vô biên, hư không không ranh giới, vì sao lại có thể cùng với bốn Đại chẳng hề ngăn ngại nhau ? Bởi do đế quán bốn Đại không chỗ nương, Tánh Sắc là Không, nên bốn Đại là thanh tịnh, giống như ngọc báu. Dùng sức quán chiếu, soi sáng mười phương hóa thành hư không. Tức bốn Đại là hư không, hư không là Pháp Thân, có gì ngăn ngại ! Vốn là một Đại Viên Cảnh Trí, vì sao phóng ra mười thứ ánh sáng ? Ấy là do tu hành mười thứ Ba La Mật, tròn đầy vi diệu vậy.

Gồm hết trong gương tự tại phát hiện, tràn khắp mười phương, cùng tột bờ mé hư không. Chỉ một cái gương thu nhiếp hết, thì gương ấy là Thân, và Thân tức là gương vậy. Ba Thân tức là bốn Trí, bốn Trí đó là ba Thân. Thân, Trí dung hợp nhau, Tâm và Cảnh đều chuyển hoá, nên nói “Các cõi Phật đều nhập vào trong gương, hòa vào thân tôi”. Ánh sáng và bóng ảnh giao nhập lẫn nhau, không thể phân biệt. Vì Thân là Trí, nên đồng hư không, chẳng ngăn ngại nhau. Vì Trí là Thân, nên khéo vào các cõi nước; rộng làm Phật sự, thuyết pháp Tam Thừa, được Đại Tùy Thuận. Thấy Vọng Tưởng Sanh Diệt tức là Hư Không, Hư Không và Vọng Tưởng Sanh Diệt không hai. Thấy cõi nước tức là Phật Tánh, Phật Tánh và cõi nước không khác. Lý chẳng ngại Sự, Sự chẳng ngại Lý. Ở trong Tánh Đồng mà phát minh được, đắc Vô Sanh Nhẫn, chứng Hư Không Vô Biên Thân, diệu lực tròn sáng, thân và cõi nước nhập vào nhau, đó là chỉ chứng “Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới”.

Nếu gương-gương chiếu nhập lẫn nhau, trùng trùng lưới báu, một tức tất cả, tất cả tức một, mới là “Sự Sự Vô ngại Pháp Giới”. Chỉ Như Lai chứng, nên Ngài Bồ Tát Hư Không Tạng còn ở trong hàng đệ tử vậy. Đó là vì còn mắc vướng trong Hư Không Vô Biên Xứ, còn Thân để đắc vậy.
Tổ Hoàng Bá nói : “Chân Pháp Thân Phật giống như Hư Không. Đây là tỷ dụ Pháp Thân tức Hư Không, Hư Không tức Pháp Thân. Người-thường nói rằng Pháp Thân cùng khắp Hư Không, trong Hư Không hàm chứa Pháp Thân mà chẳng biết rằng Pháp Thân tức Hư Không, Hư Không tức Pháp Thân đó vậy. Nếu nói nhất định có Hư Không thì Hư Không chẳng phải là Pháp Thân. 
Nếu nói nhất định có Pháp Thân, thì Pháp Thân chẳng phải là Hư Không. Chỉ đừng khởi ra cái hiểu biết về Hư Không, thì Hư Không tức Pháp Thân. Chỉ không khởi ra cái hiểu biết về Pháp Thân, thì Pháp Thân tức Hư Không. Hư Không và Pháp Thân không có tướng khác nhau. Sanh Tử và Niết Bàn không khác tướng. Lìa tất cả tướng, tức đó là Phật”.

Như lời nói của Tổ Hoàng Bá đây, thật là thấy rõ cái Thân Vô Biên của Hư Không Tạng Bồ Tát vậy.

Tổ Tào Sơn hỏi Thượng Tọa Đức : “Chân Pháp Thân Phật, giống như Hư Không, ứng vật hiện hình, như trăng trong nước, làm sao nói cái đạo lý ứng hiện đó ?”

Thầy Đức nói : “Như lừa dòm giếng”.

Tổ Sơn : “Nói thì quá lắm, mà chỉ nói được tám tướng(30) !”

Thầy Đức nói : “Hòa Thượng thì thế nào ?”

Tổ Sơn nói : “Như giếng dòm lừa”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Lừa dòm giếng, giếng dòm lừa
Trí gồm khắp, không gì ngoài
Tràn đầy, thanh tĩnh có thừa
Sau cùi chỏ ai phân ấn
Trong nhà chẳng chứa sách, thơ
Khung cửi nào quản chuyện thoi đưa
Màu sắc dọc ngang ý tự khác !”.

Rõ chỗ này thì có thể biết “Khéo vào cõi nước”, như giếng dòm lừa. Vốn tự chẳng sanh, thì hợp với Hư Không!  

Xem mục lục