Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

2. CHỈ BÀY TÁNH NGHE LÀ THƯỜNG TRỤ

Kinh : Phật bảo Ông Anan : “Ông học đa văn, chưa dứt hết sạch các lậu. Trong tâm chỉ biết suông cái nhân điên đảo, mà cái điên đảo thật sự ở trước mắt, lại chưa biết được. E rằng ông thật sự còn chưa tin phục, nay ta thử đem các chuyện trần tục để giải trừ cái nghi của ông”. 

Liền đó, Như Lai ra lệnh cho La Hầu La đánh một tiếng chuông, rồi hỏi Ông Anan : “Nay ông có nghe không ?”

Ông Anan và đại chúng đều nói : “Có nghe”.

Chuông hết kêu, không còn tiếng. Phật lại hỏi : “Nay ông có nghe không ?”

Ông Anan và đại chúng đều nói : “Không nghe”.

Khi ấy La Hầu La lại đánh một tiếng chuông.

Phật lại hỏi : “Nay ông có nghe không ?”

Ông Anan và đại chúng lại đều nói : “Có nghe”.

Phật hỏi Ông Anan : “Theo ông, thế nào là nghe, thế nào là không nghe ?”

Ông Anan cùng đại chúng đều bạch Phật rằng : “Tiếng chuông nếu có đánh thì chúng tôi được nghe. Đánh lâu hết tiếng, âm vang đều không còn, thì gọi là không nghe”.

Như Lai lại bảo Ông La Hầu La đánh chuông, rồi hỏi Ông Anan : “Theo ông, hiện giờ có tiếng không ?”

Ông Anan và đại chúng đều nói : “Có tiếng”.

Ít lâu tiếng hết, Phật lại hỏi rằng : “Theo ông, hiện giờ có tiếng không ?”

Ông Anan và đại chúng đều đáp : “Không có tiếng”.

Lát sau, Ông La Hầu La lại đánh tiếng chuông; Phật lại hỏi : “Theo ông nay có tiếng không ?”

Anan và đại chúng đều nói : “Có tiếng”.

Phật hỏi Ông Anan : “Theo ông, thế nào là có tiếng, thế nào là không tiếng ?”

Ông Anan và đại chúng đều bạch Phật rằng : “Chuông nếu có đánh thì có tiếng chuông. Đánh lâu tiếng hết, âm vang đều không còn, thì gọi là không tiếng”.

Phật bảo Ông Anan và đại chúng rằng : “Nay cớ sao các ông nói trái ngược, lộn xộn thế?”
Đại chúng và Ông Anan cùng bạch Phật : “Cớ sao giờ đây chúng tôi bị gọi là trái ngược, lộn xộn ?”
Phật dạy : “Ta hỏi ông sự Nghe, thì ông bảo là Nghe. Hỏi ông cái Tiếng, thì ông nói là Tiếng. Chỉ có sự Nghe và cái Tiếng mà trả lời không nhất định, như thế không gọi là trái ngược lộn xộn sao được ? 

“Anan ! Tiếng kêu không còn vang, thì ông nói là không Nghe. Nếu thật không Nghe, nghĩa là Tánh Nghe đã diệt, giống như cây chết khô, vậy khi tiếng chuông lại đánh lên, làm sao ông còn biết được ? Biết rằng có, biết rằng không, đó là cái Tiếng của Trần hoặc có hoặc không, chứ Tánh Nghe đó, há vì ông mà có hoặc không ư ? Tánh Nghe nếu thật là không có, thì còn cái gì biết là không có ?

“Thế nên, Anan, cái Tiếng ở trong cái Nghe tự có sanh có diệt, không phải vì ông nghe cái Tiếng Sanh cái tiếng diệt, mà khiến cho Tánh Nghe ông ông thành có, thành không. Ông còn điên đảo, lầm cái Tiếng là cái Nghe, lạ gì chẳng mê mờ mà lấy cái thường làm cái đoạn. Trọn chẳng nên nói rằng, lìa ngoài các thứ động tịnh, đóng bít, mở thông thì cái Nghe không có tự tánh.

“Như người ngủ mê trên giường gối, khi ấy trong nhà có người giã gạo. Người ấy trong mộng, nghe tiếng giã gạo, lầm cho là vật gì khác, hoặc cho là đánh trống, hoặc cho là đánh chuông. Ngay trong khi mộng, người ấy cũng lấy làm lạ sao tiếng chuông lại vang lên như tiếng vang của cây, của đá. Khi chợt tỉnh dậy, liền biết là tiếng chày, bèn nói với người nhà : “Khi tôi đang nằm mộng, lầm tiếng chày này là tiếng trống”. Này Anan, người ấy ở trong mộng nào còn nhớ các thứ động tĩnh, mở đóng, thông bít. Thế thì thân thể tuy ngủ mà tánh Nghe chẳng mờ. Dầu thân ông có tiêu tan mất, thân mạng đổi dời, Tánh ấy làm sao vì ông mà tiêu diệt được ?

“Bởi vì chúng sanh từ vô thủy đến nay, đeo đuổi theo hình theo tiếng, chạy theo niệm mà lưu chuyển, không từng khai ngộ Bản Tánh trong sạch, nhiệm mầu, vĩnh cửu. Không theo cái thường còn ấy, mà chạy tìm các thứ sanh diệt, bởi thế đời này sang đời khác cứ dơ trộn mà lưu chuyển. Chỉ bỏ đi chuyện sanh diệt, giữ lấy Tánh Chân Thường, thì cái ánh sáng thường trụ hiện ngay trước mắt, mọi thứ căn, trần, tâm thức tức thì tiêu mất.

“Tướng vọng tưởng là trần, thức tình là cấu. Hai thứ ấy một lúc xa lìa, thì con mắt Pháp của ông ngay liền trong sáng. Thế thì sao không thành Tri Giác Vô Thượng ?”

Thông rằng : Đức Phật dạy, “Thoát khỏi sự dính, phục vào bên trong”, tức là Tánh lặng trong tròn đầy, thường trụ vậy. Ông Anan nghi rằng lìa ngoài tiền trần thì không có tự tánh, sợ là đồng với đoạn diệt, bởi vậy, ngay nơi tiếng chuông mà hiển Tánh Nghe. Cái Tiếng tan mất không còn âm vang, thì chỉ là không có Tiếng chứ thật không phải là không có cái Nghe. Cái Tiếng thì có sanh diệt, cái Nghe thì không có sanh diệt. Nếu nói cái Nghe do cái Tiếng mà sanh, do cái Tiếng mà diệt, thì đang khi không nghe, ai biết là không nghe ? Do đó, cái hoặc có hoặc không thì có thể diệt, còn cái Biết Có Biết Không ấy chưa từng diệt vậy. Chẳng những khi tỉnh thức đối cảnh thì chẳng diệt, mà ngay khi ngủ nằm mộng, lìa tiền cảnh cũng chẳng có sanh diệt. Chẳng những khi ngủ nằm mộng căn vẫn còn thì chẳng diệt, mà khi thân thể mất rồi, căn tiêu tan hết cũng chẳng có diệt. Chỗ này so với “Cái thấy sông(27)” ở đoạn trước cũng tương tự. Ở trước, hiển bày cái Thấy, là ý nghĩa về chỗ chẳng sanh chẳng diệt. Còn ở đây hiển bày cái Nghe, ý để chỉ cái Nhĩ Căn viên thông vậy.

Xoay ngược lại cái Nghe để nghe tự tánh, tức là khai ngộ Bản Tánh trong sạch, nhiệm mầu, thường hằng. Ánh sáng thường trụ hiện ngay trước mặt, tức đó là cái Tịch Diệt hiện tiền. Da thịt lột thoát hết, chỉ có một cái Chân Thực. Như thế mới có thể gọi là con mắt Pháp sáng trong, thành Vô Thượng Giác.

Ông Đỗ Hồng Tiệm hỏi thiền sư Vô Trụ ở chùa Bảo Đường rằng : “Đệ tử nghe Hòa Thượng Kim nói : Không nhớ, không niệm, chớ vọng. Pháp môn ba câu, có phải không ?”

Sư đáp : “Phải”.

Ông Đỗ hỏi : “Ba câu ấy là một hay ba ?”

Sư nói : “Không nhớ là giới, không niệm (vô niệm) là Định, chớ vọng là Huệ. Một Tâm chẳng sanh, đó là Giới Định Huệ, chẳng phải một, chẳng phải ba”.

Ông Đỗ lại hỏi : “Thầy có dùng ba câu ấy để tiếp người không ?”

Sư nói : “Người học nhân sơ tâm, thì còn khiến họ dứt niệm, dừng làn sóng thức, nước trong thì cảnh hiện, ngộ cái Thể Vô Niệm, Tịch Diệt hiện tiền, lúc ấy vô niệm cũng chẳng còn lập”.

Khi ấy, trên cây trước sân có tiếng quạ kêu. 

Ông Đỗ hỏi : “Thầy có nghe không ?”

Sư nói : “Nghe”.

Quạ bay đi mất, lại hỏi : “Thầy có nghe không ?”

Sư nói : “Nghe”.

Ông Đỗ nói : “Quạ bay đi rồi, đâu còn tiếng, sao nói là nghe ?”

Thiền sư bèn dạy cả đại chúng rằng : “Đời Phật khó gặp, Chánh Pháp khó nghe ! Mỗi người hãy lóng nghe kỹ ! Có nghe, không nghe, đều chẳng liên quan gì đến Tánh Nghe. Xưa nay chẳng sanh, sao từng có diệt ? Khi có Tiếng, đó là cái Tiếng của Trần tự sinh, khi không có tiếng, đó là cái Tiếng của Trần tự diệt, nhưng cái Tánh Nghe này, chẳng theo Tiếng mà sanh, chẳng theo Tiếng mà diệt. Ngộ Tánh Nghe này thì khỏi tiếng tăm của Trần ràng buộc. Phải biết cái Nghe không có sanh không có diệt, cái Nghe không có chuyện đến, đi”.

Ông Đỗ và đại chúng cúi đầu vâng lãnh.

Ông Đỗ lại hỏi : “Sao là chẳng sanh, sao là chẳng diệt, như thế nào được giải thoát ?”

Thiền sư nói : “Thấy Cảnh, tâm chẳng khởi là chẳng sanh. Chẳng sanh tức là chẳng diệt ! Đã không sanh diệt thì nào có bị tiền trần trói buộc ? Ngay đây là Giải Thoát. Chẳng sanh là vô niệm, vô niệm thì không sanh diệt. Vô niệm là không buộc, vô niệm là không thoát. Rốt ráo là : Biết Tâm là lìa Niệm, Thấy Tánh là giải thoát. Ngoài Biết Tâm, Thấy Tánh mà lại có pháp môn chứng Bồ Đề Vô Thượng, thật không thể có”.

Ông Đỗ hỏi : “Sao gọi là Biết Tâm, Thấy Tánh ?”

Thiền sư nói : “Hết thảy người tu học, theo niệm mà trôi dạt, đều vì chẳng biết Chân Tâm. Cái Chân Tâm ấy, niệm sanh cũng chẳng thuận theo mà sanh, niệm diệt cũng chẳng nương theo mà mất. Chẳng đi chẳng đến, chẳng định chẳng loạn, chẳng nắm chẳng bỏ, chẳng nổi chẳng chìm. Vô vi, vô tướng, sống động lưu thông, bình thường, tự tại. Tâm Thể ấy rốt ráo bất khả đắc, không thể lấy tri thức mà biết, chạm mắt đều là Như, không có gì là chẳng phải thấy Tánh”.
Ông Đỗ và đại chúng làm lễ, xưng tán, vui mừng hớn hở mà đi. 

Ngài Bảo Đường, diễn lại Lăng Nghiêm, xét xem lời nói như cùng một miệng thuyết ra.
Chỉ có Tổ Vân Môn, chỗ thấy lại khác. Tổ thượng đường, nghe tiếng chuông, liền nói : “Thế giới rộng rãi thế kia, cớ sao nghe tiếng chuông lại mặc áo thất điều ?”

Đối với chỗ này mà chẳng có chút nghi, mới gọi là Pháp Nhãn(28) thanh tịnh.

-------------------------------

01 Cái Năng dối trá. 
02 Chỗ cá thi làm rồng. 
03 Cá hóa rồng ắt có sấm sét đốt cái đuôi. Ý nói tuyệt hậu sanh. 
04 Mê mờ. 
05 Ma Kiệt : ở thành này, ngoại đạo hỏi Phật về sự sinh thành vũ trụ, Phật im lặng không nói gì. 
06 Cũng gọi là Ca la la. Tiếng Phạn : Kalala. Dịch nghiã là tạp uế (cái nhơ bẩn, trộn lộn). Là một trong năm địa vị (từng giai đoạn của thai theo thai kỳ) của thai, gọi là thai nội ngũ vị
07 Tích xưa, có vua tên Bố Sát Đà Vương, trên đầu bỗng sanh một bọc mụt, trong bọc mụt sanh ra một đứa con. Lớn lên làm Kim Luân Vương, xưng là Đảnh Sanh Vương. Đảnh Sanh Kim Luân Vương chinh phục bốn châu thiên hạ, rồi lên cung trời Đao Lợi muốn hại Đế thích để thay ngôi. Việc chẳng thành, trở về đất lại, bị bệnh chết. Đảnh Sanh Vương ấy nay là Thích Ca Phật đó. 
08 Chữ Lục. 
09 Thân Phật. 
10 Đạo Nhất thiền sư, xứ Giang Tây, đời Đường. Là người kế pháp của Tổ Nam Nhạc Nhượng. Ngài họ Mã thị, đời ấy gọi là Mã Tổ. Trong niên hiệu Ngươn Hòa được phong tặng là Đại Tịch. 
11 Pháp của ngón tay. 
12 Ở đây, lấy cái bản đầu của mình ví dụ cho Chơn Tánh; cái đầu trong gương ví dụ cho Vọng Tưởng (cái giả hình) ; chỗ vui vẻ thấy cái đầu trong gương có mặt mày ví dụ chỗ nhìn nhận cái giả tưởng là thật, chấp cứng, chẳng chịu bỏ. Chỗ chẳng thấy cái bản đầu của mình là vì Chơn Tánh không có hình tướng chi cả. 
13 Đạo nhân vô y. 
14 Biết : phân biệt. 
15 Cái Tâm như con nít vô tư. 
16 Chỉ y : áo giấy. 
17 Nối Pháp theo bên ngoài. 
18 Nối ở bên trong. 
19 Sáu thức trong sáu tình. 
20 Không hở sót. 
21 Tổ Đạt Ma. 
22 Chuyện Cô Thảnh Nữ lìa hồn như sau : Đời Đường có ông Trương Giật, có con gái là Thảnh Nương, đã hứa gả cho cháu là Vương Trụ. Lớn lên, định gả cho nơi khác. Vương Trụ bỏ đi. Nửa đêm thấy Thảnh Nương tới. Hai người ở với nhau có hai con. Sau năm năm, Vương Trụ đưa vợ con về thăm nhà để xin lỗi. Ông Giật rất kinh ngạc, vì cô Thảnh vẫn ở nhà từ trước đến giờ, và nằm bệnh đã năm năm. Hai cô gặp nhau thì nhập thành một.. 
23 Pháp Thân. 
24 Gìn giữ. 
25 Biến Thân. 
26 Thông Thân. 
27 Xem Q II. Phần II. Đoạn vua Ba Tư Nặc.
28 Một trong ngũ nhãn. Xem xét thấu biết rõ ràng cái duyên sanh ra cái pháp sai khác nhau.

Xem mục lục