Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

A Nan, ông còn chưa rõ các tướng huyễn hóa của tiền trần, ngay chỗ xuất sanh, ngay đó diệt tận. Huyễn vọng nên gọi là tướng, chứ thật tánh của chúng là thể giác ngộ sáng tỏ mầu diệu.
Như thế cho đến năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ cho đến mười tám giới, nhân duyên hòa hợp thì hư vọng có sanh, nhân duyên tách lìa thì hư vọng gọi là diệt.
Chẳng biết được rằng sanh, diệt, đến đi vốn là Như Lai tạng diệu chân như tánh viên mãn khắp cả, bất động, sáng tỏ, mầu diệu, thường trụ. Trong tánh chân thường này mà cầu cho ra sự đến đi, mê ngộ, sanh tử, hoàn toàn không chỗ được (vô sở đắc).

………………………………….

Từ vô thủy đến vô chung, chưa từng có một chúng sanh nào dầu đọa lạc đến đâu, ra khỏi Như Lai tạng diệu chân như tánh này; chưa từng có một hạt bụi nào ra khỏi Như Lai tạng diệu chân như tánh này.

Không thể có một con đường nào, một pháp môn nào, một loại thiền định quán tưởng nào, một tông phái nào đi ngoài Nền tảng Như Lai tạng diệu chân như tánh này. Nó là Nền tảng, Con đường và Quả
của tất cả Phật giáo.

Nó là Pháp thân vốn sẳn của mỗi chúng sanh. Nó vốn là :

Viên mãn : từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất, cho nên không cần thêm bớt gì, tạo tác gì, loại bỏ gì, tu hành gì, chứng đắc gì.

Khắp cả : không thời gian nào, không gian nào không có nó.

Sáng tỏ (minh) : nó là ánh sáng căn bản, mà tất cả mọi sự đều hiện hình trên đó.

Mầu diệu (diệu) : nó không là gì cả mà là tất cả.

Bất động, thường trụ : sanh tử, đến đi, mê ngộ chưa từng có thật trong nó.

Mọi sinh hoạt hằng ngày của mỗi chúng ta đều diễn ra trên và trong Như Lai tạng diệu chân như tánh này.

Trong nó, mọi tướng ta, người, chúng sanh, thế giới đều là huyễn hóa hư vọng : ngay chỗ xuất sanh, ngay đó diệt tận. Ngay chỗ xuất sanh, ngay đó diệt tận là chưa kịp sanh ra, hình như chưa sanh mà đã diệt. Ngay chỗ xuất sanh ngay đó diệt tận là tự giải thoát trong từng khoảnh khắc. Ngay chỗ xuất sanh ngay đó diệt tận đích thực là vô sanh.

Diệt tận là diệt hoàn toàn, không để lại dấu vết gì. Trong một niệm, khi sanh là khi diệt, sanh diệt đi cùng nhau trong từng niệm, nên các kinh khác gọi là “ niệm niệm sanh diệt” . Vì niệm niệm sanh diệt, niệm sanh tức là niệm diệt, nghĩa là sanh mà thật là vô sanh, nên các tướng ấy giải thoát trong từng niệm niệm. Các tướng vốn là giải thoát vì chúng là huyễn hóa hư vọng.

Cái thấy bệnh, cái thấy phân biệt tạo ra các tướng huyễn hóa hư vọng, nhưng thật ra, bản tánh của chúng, nền tảng của chúng là Như Lai tạng diệu chân như tánh. Trong nền tảng luôn luôn hiện diện này, luôn luôn thường trụ bất động này, tất cả các tướng là tánh, không có sự đến đi, mê ngộ, sanh tử.

Nền tảng Như Lai tạng cần phải thấy, đó là cái Thấy. Không lìa khỏi cái thấy chân chánh này, đó là Thiền định, sống với thân, khẩu, tâm chìm ngập, hòa lẫn, làm một với cái thấy thì gọi là Hạnh. Cuối cùng đến Quả, tức là Như Lai tạng vốn hoàn toàn giác ngộ.

Xem mục lục