Phật bảo A Nan: Như ông đã nói, không có tánh thấy lìa tất cả vật mà riêng có tự tánh, thì trong tất cả cái chỉ ra được đều là vật, không có cái gì là tánh thấy cả.
Nay ta hỏi lại ông, ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ đà, lại xem vườn rừng cho đến mặt trời mặt trăng, đủ thứ hình tượng khác nhau, nhất định không có tánh thấy cho ông chỉ ra được. Vậy ông hãy phát minh trong các vật đó, cái gì chẳng phải là tánh thấy?
A Nan thưa: Quả thật, con nhìn khắp rừng Kỳ đà này chẳng biết trong ấy cái gì chẳng phải là tánh thấy. Vì sao thế? Nếu cây chẳng phải là tánh thấy thì làm sao thấy được cây? Nếu cây tức là tánh thấy thì sao gọi là cây? Như thế cho đến hư không chẳng phải là tánh thấy thì làm sao thấy được hư không? Nếu hư không tức là tánh thấy thì sao gọi là hư không?
Con lại suy nghĩ, trong muôn vật đây, phát minh cho vi tế thì không có cái gì chẳng phải là tánh thấy cả.
Phật nói: Đúng như vậy, đúng như vậy.
………………………………..
Cái cây cho đến hư không chẳng phải là tánh thấy thì làm sao thấy được cây cho đến hư không. Còn nếu như cây cho đến hư không là tánh thấy thì sao còn gọi là cây và hư không?
Tức là thì chẳng phải, mà chẳng phải là cũng chẳng phải. Tánh thấy siêu vượt tức là và chẳng phải, có và không, thường và đoạn, đến và đi, một và nhiều….vì tất cả những ý niệm này chỉ là hý luận.
Lại suy nghĩ, phát minh cho vi tế thì không có cái gì chẳng phải là tánh thấy vì tôi đang thấy tất cả đây mà, tánh thấy vẫn hiện diện lúc này, ở đây.
Cứ nghe (văn), suy nghĩ (tư), và thực hành (tu) tới mức vi tế thì sẽ phát minh ra tánh thấy hiện đây, bây giờ mà ‘chẳng phải là cái gì cả mà là tất cả’ luôn luôn hiện bày trước mặt.
Một khi chứng thực được tánh thấy như tấm gương Đại viên cảnh trí này thì gương chẳng phải tức là bóng mà gương cũng chẳng phải chẳng là bóng, đây là điều hiển nhiên.