Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nghe Phật chỉ bảo, đảnh lễ kính vâng, ghi nhớ không sót, ở trong đại chúng lại bạch Phật rằng: Như lời Phật đã dạy, trong tướng năm ấm có năm thứ hư vọng làm cội gốc của tâm tưởng mà chúng con bình thường chưa được nhờ Như Lai khai thị vi tế.

Lại năm ấm là tiêu trừ một lần, hay theo thứ lớp mà hết? Năm lớp như vậy đến đâu là giới hạn? Cúi mong Như Lai mở lòng đại bi làm cho tâm và con mắt của đại chúng ở đây được trong sáng, đễ làm đạo nhãn tương lai cho tất cả chúng sanh trong đời mạt pháp.

Phật bảo A Nan: Bản giác viên tịnh, tinh chân diệu minh, chẳng có vết tích của sanh tử và các trần cấu, cho đến hư không cũng đều nhân vọng tưởng mà có sanh khởi. Tất cả mọi cái nguyên là Bản giác diệu minh tinh chân mà lại phát sanh ra các vật thế gian, như chàng Diễn Nhã Đạt Đa quên đầu mà nhận bóng trong gương.

Vọng vốn không có nhân, thế mà ở trong vọng tưởng lập ra tánh nhân duyên. Mê lầm nhân duyên thì gọi là tự nhiên. Cái hư không kia thật ra là do huyễn sanh ra huống là nhân duyên hay tự nhiên, chúng đều là sự so tính của vọng tâm chúng sanh. A Nan, biết do vọng tưởng khởi ra mà nói là nhân duyên hư vọng. Như hư vọng vốn không có mà nói nhân duyên hư vọng thì cái nhân duyên hư vọng ấy vốn chưa từng có, huống gì không biết mà suy là tự nhiên. Thế nên Như Lai phát minh cho các ông rằng bản nhân của năm ấm đều là vọng tưởng.

……………………………………..

Xưa nay chỉ có Bản giác minh diệu sáng tỏ thanh tịnh khắp nơi không có chỗ nào không có, dầu có vô số vọng tưởng của vô biên chúng sanh cũng chẳng thể nào che lấp nó được. Chỉ vì một niệm phân biệt hư vọng khởi lên bèn có hư không, bèn có thế giới, rồi lại so tính cái này cái kia là nhân duyên hay tự nhiên.

Nếu tin và biết do vọng khởi mà dừng lại, và an trụ trong sự dừng lại ấy thì hư không, thế giới và chúng sanh tắt mất, để tất cả nguyên là một cái giác vốn sẳn (bản giác).

Cho nên cơ sở, nền tảng của năm ấm là vọng tưởng vốn chưa từng có. Hoa đốm giữa hư không vốn chưa từng có mà lại so tính chúng màu gì, sẽ ra quả gì thì chẳng phải đó là chuyện vọng tưởng của vọng tưởng, mộng của mộng sao?

Một Bồ tát thì sống với thế gian, nghĩa là sống trong lưới tưởng của chúng sanh, nhưng vì “biết do vọng tưởng khởi ra” cho nên tất cả tưởng của thế gian đều nằm trong trí huệ bao la. Trí huệ bao trùm mọi tưởng, thậm chí biến đổi tưởng thành tướng của trí, nên ở trong tưởng mà không bị tưởng trói buộc, tự tại trong tưởng.

…………………………………..

Thân thể của ông trước kia nhân cái tưởng của cha mẹ mà sanh ra. Tâm của ông nếu chẳng phải là tưởng thì đâu có đến trong tưởng để gá mạng. Như trước ta đã nói, trong tâm tưởng vị chua thì trong miệng chảy nước bọt, tâm tưởng việc lên cao, thì lòng bàn chân thấy rợn rợn. Bờ cao không có, đồ chua chưa đến, thân thể của ông nếu chẳng phải cùng sự hư vọng thì cớ sao nghe nói tới chua thì nước bọt chảy ra?

Thế nên, phải biết sắc thân hiện giờ của ông chính là vọng tưởng kiên cố thứ nhất.

……………………………………..

Sắc ấm dễ thấy nhất là sắc thân của chúng ta. Sắc thân ấy do tưởng của cha mẹ và tưởng của chúng ta mà thành. Thân thể cứng đặc là vọng tưởng kiên cố thứ nhất.

Nhưng nếu quan sát kỹ lưỡng lâu ngày cái thân thể vọng tưởng kiên cố này cho tới lúc thấy rõ thân chỉ là vọng tưởng, nghĩ đến nó thì nó có, không nghĩ đến nó thì nó không có, lúc ấy giải thoát khỏi cái vọng tưởng tạo ra thân này.

…………………………………..

Chỉ cái tâm tưởng tượng lên cao vừa nói đó mà có thể khiến thân ông thật thọ sự ghê rợn. Do cái thọ sanh ra có thể làm giao động sắc thân. Vậy hai thứ thọ thuận ích và nghịch tổn đang rong ruổi nơi ông, gọi là vọng tưởng hư minh thứ hai.

……………………………………..

Có hai thứ cảm thọ: vui thì thuận, thì muốn tăng thêm; khổ thì nghịch, bèn muốn tổn giảm. Đời người chỉ là những cảm thọ, đi tìm những cảm thọ vui và nỗ lực bớt cảm thọ khổ. Những cảm thọ trong bản chất là không có tự tánh, cho nên hết đời sống này sang đời khác cứ đi tìm và chạy trốn mãi.

Cảm thọ là vọng tưởng hư minh. Hư là rỗng không, không thật. Minh là rõ ràng, sáng tỏ. Bị cái rỗng không mà có vẻ sáng tỏ ấy hấp dẫn, rồi chạy theo, bèn thành cuộc sanh tử. Như hoa đốm giữa hư không, vốn là rỗng không mà vọng thấy được, nhưng lao nhọc đuổi bắt thì khổ cả đời.

…………………………………..

Do những niệm nghĩ sai khiến sắc thân của ông, nếu sắc thân chẳng phải cùng loại với niệm thì tại sao nhân theo niệm mà bị sai sử, mỗi mỗi bám giữ hình tượng do tâm sanh, cùng với niệm tương ứng? Lúc thức là ý tưởng của tâm, lúc ngủ là chiêm bao của tâm. Vậy những tưởng niệm, vọng tình giao động của ông gọi là vọng tưởng dung thông thứ ba.

……………………………………..

Thân chính là tưởng nên bị các ý tưởng sai khiến. Tâm cũng sanh vọng tưởng, mỗi mỗi bám giữ các hình tượng do tâm sanh. Thế thì thân tâm đều là vọng tưởng trong cái thế gian vọng tưởng này.

Thức hay ngủ đều là tưởng của tâm. Thậm chí khi thiền định, sau khi chết cũng đều là tưởng của tâm. Như thế vọng tưởng “dung thông” cả bốn trạng thái của đời người, khi ngủ, khi thức, khi thiền định và sau khi chết. Thế nên biết rõ tất cả những trạng thái của đời người là vọng tưởng, như huyễn, như mộng, đó là giải thoát.

…………………………………..

Sự chuyển hóa không ngừng, xoay vần âm thầm dời đổi. Móng tay dài, tóc mọc, khí lực tiêu, mặt nhăn, ngày đêm thay đổi mà không hề hay biết. A Nan, nếu cái đó không phải là ông thì cớ sao thân ông lại thay đổi, còn nếu nó thật là ông thì sao ông lại không hay biết? Vậy các hành của ông, niệm niệm chẳng dừng, gọi là vọng tưởng u ẩn thứ tư.

……………………………………..

Hành là những chuyển động trong thân tâm, móng tay dài, tóc mọc… đây là vọng tưởng u ẩn, âm thầm dời đổi trong thân. Thân tâm là một vọng tưởng, hành là vọng tưởng cho nên liên hệ và ảnh hưởng đến thân tâm. Giải thoát là biết rõ được sự chuyển đổi này bằng cách thấy biết rõ nó, biết tính chất vọng tưởng của nó, “không phải là ông thì tại sao ông lại thay đổi, còn nếu thật là ông thì sao ông lại không hay biết”.

…………………………………..

Lại chỗ tinh minh đứng lặng không lay động của ông mà gọi là thường hằng thì nơi thân ông chẳng ra ngoài những sự thấy nghe hay biết. Nếu nó thật là tánh tinh chân thì chẳng chứa nhóm hư vọng, vì sao các ông trước kia đã thấy một vật lạ, trải qua nhiều năm không hề nghĩ đến, về sau bỗng nhiên thấy lại vật lạ ấy thì nhớ lại rõ ràng, không thiếu sót. Vậy trong cái tinh minh đứng lặng không lay động ấy, niệm niệm chịu sự huân tập không thể tính đếm hết.

A Nan, nên biết cái trong lặng này chẳng phải chân, như dòng nước chảy xiết trông như đứng yên, vì chảy nhanh nên không thấy chứ chẳng phải không chảy. Nếu cái ấy chẳng phải là nguồn tưởng thì đâu chịu cho tập khí hư vọng huân tập. Nếu sáu căn của ông chưa được tự tại, chia hợp dùng thay lẫn nhau thì cái vọng tưởng ấy không khi nào diệt được.

Vậy nên hiện nay cái bao trùm tập trung những tập khí của ông thành thấy nghe hay biết là cái tưởng tinh vi nhỏ nhiệm điên đảo, ảo tượng rỗng không thứ năm trong tánh trong lặng sáng suốt của ông.

……………………………………..

Thức thật là tánh tinh chân thì chẳng chứa nhóm tập khí hư vọng, nhưng quả thật, thấy nghe cái gì thì không quên, điều đó chứng tỏ kinh nghiệm ấy vẫn còn ở lại dưới dạng hạt giống trong thức nền tảng a lại da hay một tinh minh của chúng sanh. Thức ấy như dòng nước chảy xiết, sanh diệt trong từng sát na, nhưng không có độ sáng của định huệ thì không thấy được. Những tập khí còn sống và phát triển trong tạng thức a lại da thành ra cái thấy nghe hay biết hiện giờ của chúng ta. Thức ấm chính là kho tàng chứa những vọng tưởng điên đảo, ảo tượng rỗng không này.

Khi sáu căn có thể dùng thay lẫn nhau là khi đi vào tận nguồn của thức, tức là tánh trong lặng sáng suốt, ở đây mới biết rõ “một tinh mình chia làm sáu phần hòa hợp”, ở đây với sự dung thông của sáu cái nơi cái một, ‘‘sáu mở một tiêu’’, vọng tưởng tập khí mới có thể diệt trừ, nghĩa là tiêu dung trong tánh trong lặng sáng suốt bổn nhiên.

…………………………………..

A Nan, năm thứ ấm thọ chịu ấy, là do năm thứ vọng tưởng tạo thành.

Nay ông muốn biết giới hạn sâu cạn, thì chỉ sắc và không là biên giới của sắc ấm; chỉ xúc và lìa là biên giới của thọ ấm; chỉ nhớ và quên là biên giới của tưởng ấm; chỉ diệt và sanh là biên giới của hành ấm; lặng trong nhập hợp với lặng trong là biên giới của thức ấm.

……………………………………..

Phân định biên giới và mức độ sâu cạn của năm ấm hay năm loại vọng tưởng là như trên. Nhưng nếu quán chiếu các ấm sâu sắc, “hành bát nhã ba la mật đa sâu xa”, thì, chẳng hạn sắc ấm, là Không, là không có biên giới. Ngay đó sắc ấm tiêu tan, ‘‘sắc tức là Không, Không tức là sắc’’mà giải thoát khỏi sắc ấm. ‘‘Tánh sắc chân Không, tánh Không chân sắc, thanh tịnh bổn nhiên, toàn khắp pháp giới’’ liền hiện tiền trước mắt.

…………………………………..

Năm ấm ấy vốn trùng điệp sanh khởi. Sanh thì nhân thức mà có, diệt thì từ sắc mà trừ. Lý thì đốn ngộ, nương ngộ tiêu sạch; sự không phải đốn trừ, theo thứ lớp mà diệt hết.

Ta đã chỉ cho ông cái nút nơi khăn Kiếp ba la, có chỗ nào chẳng rõ suốt mà phải hỏi lại như vậy. Ông nên dùng cái tâm được khai thông về căn nguyên vọng tưởng này, truyền dạy cho người tu hành tương lai trong đời mạt pháp, khiến cho họ biết hư vọng, tự sanh nhàm chán sâu xa, biết có Niết bàn, chẳng luyến mê ba cõi.

……………………………………..

Phá trừ hay chuyển hóa năm ấm là làm việc nơi tâm ô nhiễm với vọng tưởng trùng điệp của mình. Tất cả các pháp tu Phật giáo, chỉ, quán, thiền, các ba la mật, các nguyện, hạnh Bồ tát… đều có mục đích là phá trừ vọng tưởng để trí huệ bổn nguyên hay tánh giác hiển lộ.

Năm ấm che đậy tánh giác diệu minh là năm lớp vọng tưởng từ thô đến tế. Vọng tưởng hết đến đâu thì tánh diệu minh hiện ra đến đó. Bởi vì vọng tưởng sinh khởi, hiện hữu và tiêu tan trong tánh diệu minh. Biết rõ rốt ráo thì phiền não tức Bồ đề, vọng tưởng tức Giác ngộ.

Lý thì đốn ngộ, lý ở đây là chân lý, là Pháp thân, là tánh Không, là căn bản trí. Sự đây là vọng tưởng phiền não, những chấp ngã chấp pháp ‘‘trùng điệp sanh khởi’’, những che chướng nhiễm ô từ nhiều đời.

Trong lịch sử Phật giáo, số người đốn ngộ một lần mà rốt ráo hết Pháp thân thì chỉ được rất ít người, thậm chí có thể nói đó là những vị Phật, Đại Bồ tát thị hiện. Còn tu hành thì ‘‘lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm trừ’’. Thiền sư Nhật Bản Bạch Ẩn Huệ Hạc thế kỷ thứ 18 và thiền sư Trung Hoa Hư Vân thế kỷ 20 đều nói, đại ngộ thì mười mấy lần, tiểu ngộ thì vô số. Thiền sư Hoàng Long thế kỷ 11, của tông Lâm Tế về sau, đã chia con đường thành ba quan: Sanh tử quan hay Tổ sư quan, Trùng quan, và Lao quan.

Người tu hành thực sự cần cẩn trọng biết mình đang ở đâu trên con đường, còn bao nhiêu đoạn đường nữa phải đi, chứ không thể ‘‘tự cho là đủ mà lạc vào đại vọng ngữ’’.

Mỗi ngày phải phát nguyện Bồ tát, làm động lực để vượt qua mọi nghiệp chướng:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Hết quyển X

Xem mục lục