A Nan và đại chúng nhờ được Phật khai thị, trí huệ viên thông, được không nghi lầm, cùng lúc chấp tay đảnh lễ chân Phật mà bạch Phật rằng: Chúng con ngày nay thân tâm sáng suốt, vui sướng được vô ngại. Mặc dầu tỏ ngộ được nghĩa một và sáu mất hết mà còn chưa rõ cội gốc viên thông.
Bạch Thế Tôn, chúng con đã trôi nổi bơ vơ nhiều kiếp, may đâu được dự vào dòng giống của Phật, như đứa con mất sữa bỗng gặp được mẹ hiền. Nếu nhân đây mà được thành đạo, chỗ được mật ngôn trở về đồng với bổn ngộ, cùng với lúc chưa nghe không có sai khác.
Xin Phật rủ lòng đại bi ban cho chúng con pháp bí mật trang nghiêm, thành tựu sự khai thị tối hậu của Nhu’ Lai.
Nói xong lời ấy, năm vóc gieo xuống đất, lui ẩn vào tâm cơ sâu nhiệm, mong Phật tâm truyền.
Khi ấy Thế Tôn bảo khắp các vị Đại Bồ tát và các vị A La Hán lậu tận trong chúng rằng: Các ông là những Bồ tát và A La Hán sanh trong Phật pháp mà đắc thành vô học, nay ta hỏi các ông, trong lúc ban đầu phát tâm, trong mười tám giới, ngộ được viên thông ở giới nào và do phương tiện gì mà vào Tam ma địa?
………………………………..
Ngài A Nan đã ngộ, đã vào cửa viên thông nhưng còn hỏi cội gốc viên thông vì bề sâu chưa triệt để, nghĩa là chưa đắc Vô sanh pháp nhẫn, và về bề rộng, chưa rõ tất cả cửa vào viên thông. Tuy trở về bổn ngộ, tánh giác xưa nay chưa từng mất, nhưng chỗ tối hậu vẫn chưa thấu suốt, nghĩa là đã vào địa, nhưng chưa tới chỗ vô học, vô sanh.
“Chỗ được mật ngôn trở về đồng với bổn ngộ, cùng với lúc chưa nghe không có sai khác”, cho thấy rằng cái mê tạo thành sanh tử chưa bao giờ có. Cho nên mở mắt mà không thấy tướng của sanh tử, “tri kiến vô kiến”, bèn đồng với bổn ngộ, như xưa không sai khác.
Đồng với bổn ngộ, cùng với lúc chưa nghe không sai khác: tánh viên thông thì khắp suốt, lúc chưa nghe là nó, nghe rồi cũng là nó, nó không sai khác trong bất cứ không gian thời gian nào.
Đức Phật hỏi mỗi người trong đại chúng đã vào cửa và đạt đến chỗ vô sanh như thế nào, để đại chúng thấy bề sâu và bề rộng của Pháp, cho người đang tu như ngài A Nan và cho chúng sanh những đời sau biết thêm đủ các pháp môn, nhưng các pháp môn này không ngoài ba pháp Chỉ, Quán, Thiền.
Viên thông là dùng Chỉ, Quán, Thiền để đưa căn, trần, thức và các đại trở về nguồn tánh của chúng. Trong quá trình “xoay về” này, các tập khí, các lậu dần dần tiêu tan, để cuối cùng thường trụ trong nguồn tánh vô sanh, vô lậu.
……………………………..
Nhóm Kiều Trần Như năm vị Tỳ kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Ở Lộc Uyển và ở Kê Viên chúng con được nhìn thấy Như Lai khi mới thành đạo. Chúng con do âm thanh của Phật mà ngộ rõ Tứ đế. Phật hỏi trong hàng Tỳ kheo, thì con được gọi là hiểu trước tiên. Như Lai ấn chứng cho con là A Nhã Đa (Hiểu) âm thanh vi diệu viên mãn ẩn mật. Con ở nơi âm thanh đắc A La Hán.
Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, thì âm thanh là hơn cả.
………………………………..
Bậc Thanh Văn là nhờ nghe (văn) âm thanh của Phật thuyết pháp (thanh) mà ngộ nhập được tánh của tất cả các pháp là tánh Không. Tánh Không là Niết bàn. Chứng Niết bàn tánh Không, dứt hẳn sanh tử là vị A La Hán.
Với vị Bồ tát, nói theo Kinh Đại Bát Nhã, thì Học Không bất chứng, là tuy học Không, làm việc trong Không, nhưng vì đại bi đại nguyện cứu độ không bỏ chúng sanh nên không chứng Không mà tiếp tục Bồ tát hạnh cho đến thành Phật.
Ngài Kiều Trần Như nhờ nghe âm thanh Phật thuyết mà ngộ rõ Tứ đế, hết sạch mọi phiền não (lậu tận), chứng đắc Niết bàn. Niết bàn là bản tánh của tất cả các pháp là tánh Không, tức là tánh vi diệu viên mãn ẩn mật của âm thanh.
Ngày nào lúc nào chúng ta chẳng nghe âm thanh, thế thì người học kinh cần phải học tập ngài Kiều Trần Như, tu chứng được tánh vi diệu viên mãn ẩn mật của âm thanh để giải thoát.
Đức Phật hỏi phương tiện gì để vào Tam ma địa. Tam ma địa ở đây không phải là Bốn thiền Tám định, mà là tánh Chân Như của tất cả các pháp. Được viên thông nghĩa là được viên thông với bản tánh Chân Như của tất cả các pháp, của chúng sanh và các bậc giác ngộ.
…………………………………
Ngài Ưu Ba Ni Sa Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con cũng được thấy Phật khi mới thành đạo, con quán tưởng bất tịnh sanh rất nhàm chán lìa bỏ, ngộ được tánh của tất cả các sắc. Từ quán tướng bất tịnh, đến tướng xương trắng cho đến vi trần đều quy về hư không, cả hai sắc và hư không đều không có, thành đạo vô học.
Như Lai ấn chứng cho con tên là Ni Sa Đà (Trần tánh Không). Sắc trần đã hết, sắc vi diệu viên mãn ẩn mật. Con do sắc tướng mà đắc A La Hán.
Phật hỏi viên thông, như chỗ chứng của con, thì sắc trần là hơn cả.
………………………………..
Quán tướng bất tịnh có chín thứ quán, cho đến vi trần chung quy đều quy về hư không. Khi sắc trần đã thành không có, vô sở hữu, không thật thì tánh Không hiển bày trọn vẹn, do đó mà đắc quả Vô học.
Đạt đến tánh Không, thì sắc tức là tánh, sắc diệu mật viên. Chứng được “tánh sắc là chân Không, tánh Không là chân sắc, thanh tịnh bổn nhiên, toàn khắp pháp giới, tùy tâm chúng sanh mà ứng với lượng hay biết, theo nghiệp mà phát hiện, thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tánh tự nhiên, đều là những so đo phân biệt của ý thức, chỉ có trong danh tự ngôn ngữ, toàn không có thật nghĩa”.
………………………………….
Đồng tử Hương Nghiêm liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con nghe Như Lai dạy quán sát kỹ các tướng hữu vi. Lúc ấy con từ giả Phật, đầu hôm về tĩnh tọa trong nhà thanh trai, thấy các Tỳ kheo đốt hương trầm thủy, mùi hương lặng lẽ bay vào mũi con. Con quán hương ấy chẳng phải là gỗ, chẳng phải hư không, chẳng phải khói, chẳng phải lửa, đi ra không dính vào đâu, đến không từ đâu, do đó cái ý tiêu tan, phát minh vô lậu. Như Lai ấn chứng cho con hiệu là Hương Nghiêm. Hương trần bỗng diệt, diệu hương mật viên. Con do hương trang nghiêm ấy đắc A La Hán.
Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, thì hương trần trang nghiêm là hơn cả.
………………………………..
Quan sát tướng hữu vi hương chẳng phải gỗ, chẳng phải hư không, chẳng phải khói, chẳng phải lửa, không từ đâu ra, không dính vào đâu, đến cũng không từ đâu do đó cái ý phân biệt trôi nổi tiêu tan. Hương hoàn toàn không có tự tánh, vô tướng, bất khả đắc, vô sở hữu, hương chính là tánh Không. Tánh Không là tánh Như, nên hương là diệu hương mật viên, là chân hương, tức Không tức sắc.
Vô lậu, không còn phiền não chướng, sở tri chướng, là do chứng được thật tánh của hương. Vô lậu là đưa các lậu nhiễm ô trở về tiêu tan trong Như Lai tạng diệu chân như tánh. Các lậu về sắc có thể tiêu tan trong tánh ngửi, các lậu về hương có thể tiêu tan trong tánh nghe, đây là một nghĩa của “sáu căn có thể dùng thay lẫn nhau”.
Vấn đề là phải đi đến tận cùng của đề mục bằng Chỉ Quán thì mới có lúc thấy ra được “thật tướng của tất cả các pháp” và các lậu sẽ tiêu tan trong thật tướng ấy.
……………………………….
Hai pháp vương tử Dược Vương, Dược Thượng và năm trăm vị Phạm thiên trong hội liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con từ vô thủy kiếp làm lương y cho đời, miệng thường nếm cỏ cây, vàng đá của thế giới Ta Bà này, số mục lên đến mười vạn tám ngàn, biết tất cả các vị đắng, chua, mặn, lạt, ngọt, cay….cùng các vị biến đổi do các vị kia hòa hợp, nào nóng, nào lạnh, có độc hay không độc, đều biết khắp cả. Vâng nghe lời Như Lai rõ biết tánh vị, chẳng phải không, chẳng phải có, chẳng phải tức là thân tâm, chẳng phải lìa thân tâm. Phân biệt được tánh của vị, do đó khai ngộ. Được Phật Như Lai ấn chứng cho anh em chúng con danh hiệu Bồ tát Dược Vương, Dược Thượng. Nay ở trong hội này làm Pháp vương tử. Chúng con nhân vị trần mà giác tỏ, lên bậc Bồ tát.
Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của chúng con, thì do vị trần là hơn cả.
………………………………….
Xoay vị về tánh của vị, đó là tu viên thông.
Biết tánh của vị là biết tánh của tất cả các pháp, vì tất cả đều là Như Lai tạng diệu chân như tánh. Tánh vị chẳng phải không, chẳng phải có, chẳng phải tức là thân tâm, chẳng phải lìa thân tâm….cứ quan sát phân biệt cho đến lúc thấy biết trực tiếp nó là gì.
Vị thì ở đâu cũng có, chỗ nào cũng có, mà thật không nhất định có ở nơi nào, nên vị là thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới.
……………………………………..
Ngài Bạt Đà Bà La và mười sáu Khai sĩ đồng bạn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Xưa kia nơi Phật Oai Âm Vương chúng con nghe pháp mà xuất gia. Khi chư Tăng đi tắm con theo thứ lớp vào nhà tắm, bỗng ngộ ra tánh nước: đã chẳng rửa bụi, cũng chẳng rửa thân, khoảng giữa an nhiên, đắc vô sở hữu. Chỗ tu tập xưa không quên, cho đến ngày nay theo Phật xuất gia, được quả Vô học. Đức Phật ấy gọi con là Bạt Đà Bà La, rõ suốt tánh diệu của xúc trần, thành Phật tử trụ.
Phật hỏi về viên thông, theo như chỗ chứng của con thì do xúc trần là hơn cả.
…………………………………..
Nước chẳng đến với bụi, cũng chẳng đến với thân, các pháp chẳng đến nhau, bỗng ngộ ra tánh nước là vô sở hữu, không chỗ có, là kết quả của quá trình tham thiền về bản tánh sự vật. Trong quá trình tham thiền này những bám chấp hư vọng, phiền não chướng và sở tri chướng rơi rụng từ từ- để đến lúc bỗng lộ ra thực tại mà các Kinh thường gọi là “thực tướng của tất cả các pháp”. Quá trình này được nhanh hơn khi trực tiếp học với một bậc giác ngộ: sống trong ánh sáng và chánh định của ngài, được sự khai thị của ngài….
Đã ngộ, có được kinh nghiệm tâm linh, đã lần đầu thấy được Pháp thân thì sẽ không mất, không quên, “chồ tu tập xưa không quên, cho đến ngày nay được quả Vô học”.
…………………………………..
Ngài Ma Ha Ca Diếp và Tỳ kheo ni Tử Kim Quang… liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Trong kiếp xưa ở cõi này có Phật ra đời danh hiệu Nhật Nguyệt Đăng, con được thân cận, nghe pháp, tu học. Sau khi Phật diệt độ, con thắp đèn sáng mãi cúng dường xá lợi và dùng vàng thắm thếp đắp hình tượng Phật. Từ đó đến nay đời đời kiếp kiếp thân thể thường viên mãn sáng ngời như vàng thắm. Nhóm Tỳ kheo ni Tử Kim Quang này là quyến thuộc của con lúc đó, cũng đồng thời phát tâm như con.
Con quán sáu trần thế gian biến hoại, chỉ dùng pháp không tịch, tu định diệt tận, thân tâm mới có thể trải qua trăm ngàn kiếp cũng như khảy móng tay. Con do pháp Không mà thành A La Hán. Thế Tôn nói con tu hạnh đầu đà bậc nhất. Diệu pháp mở sáng, các lậu đều tiêu diệt.
Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con thì do pháp trần là hơn cả.
…………………………………….
Đạo Phật bắt đầu bằng hai sự tích tập công đức và trí huệ (Tư lương vị). Đến khi hai sự tích tập ấy viên mãn thì thành Phật.
Ở đây ngài Ca Diếp và Tỳ kheo ni Tử Kim Quang từ kiếp xưa lấy vàng thếp đắp hình tượng Phật cho nên đời đời kiếp kiếp thân thể thường viên mãn sáng chói. Đây là sự tích tập công đức tạo thành Báo thân và Hóa thân.
Quán sáu trần là không tịch, đây là sự tích tập trí huệ. Trí huệ thấu suốt tánh Không tức là Pháp thân, “diệu pháp mở sáng, các lậu đều tiêu diệt”. Quán sát tận cùng một trần thì thấy ra nó không có đáy, không có chỗ trụ, và không chỗ trụ nên thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới.
Diệt tận định là một mặt của tánh giác, một cái dụng của Như Lai tạng diệu chân như tánh, như nhiều tam muội được nói đến trong các kinh điển Đại thừa. Các dụng là phương tiện để đi đến chân tánh, và một khi đạt đến chân tánh các cái dụng ấy là phương tiện để độ chúng sanh.
……………………………….
Ngài A Na Luật Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Khi con mới xuất gia thường thích ngủ nghỉ nên Như Lai la con là loài súc sanh. Nghe Phật quở, con khóc lóc tự trách, suốt bảy ngày mà không ngủ, hư cả hai mắt. Thế Tôn dạy con Nhạo Kiến Chiếu Minh Kim Cương tam muội. Con chẳng do con mắt mù thấy khắp cả mười phương rỗng suốt rõ ràng như xem trái cây trong lòng bàn tay. Như Lai ấn chứng cho con thành A La Hán.
Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, thì xoay cái thấy trở về bản tánh, đó là thứ nhất.
………………………………..
“Nhạo kiến chiếu minh” là xoay cái thấy lại bản tánh chiếu minh, cho đến lúc cái thấy và bản tánh thấy không hai thì đạt đến bản tánh chiếu minh vốn thường định như kim cương, gọi là Kim cương tam muội.
Những chướng ngại cho việc xoay cái thấy trở lại với tánh chiếu sáng này là những tướng tiền trần. Như tấm gương vốn sáng, những chướng ngại cho việc thấy tấm gương là những hình bóng trong gương. Chỉ thấy chúng thì tấm gương tuy trước mặt mà ẩn mất. Kinh Kim Cương nói: “Thấy các tướng chẳng phải tướng, đó là thấy Như Lai”.
Chiếu minh Kim cương tam muội hay tấm gương sáng luôn luôn ở trước mắt mỗi người, vấn đề là có chịu thấu thoát qua những bóng để thấy tấm gương thường trụ hay không.
………………………………………………
Ngài Châu Lợi Bàn Đặc Ca liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con thiếu trì tụng, không có tánh đa văn. Ban đầu được gặp Phật, nghe pháp xuất gia, con cố nhớ một câu kệ của Như Lai, song trong một trăm ngày thì nhớ trước quên sau, nhớ sau quên trước. Phật thương xót con ngu muội, dạy con an cư điều hòa hơi thở ra vào. Khi con quán hơi thở đến vi tế cùng tận, các hành sanh trụ dị diệt trong từng sát na, thì tâm thông suốt được đại vô ngại, cho đến các lậu đều sạch hết, thành A La Hán. Ở dưới pháp tòa của Phật, được ấn chứng thành quả Vô học.
Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, thì xoay hơi thở trở về tánh Không là thứ nhất.
……………………………….
Quán hơi thở là một pháp tu Chỉ Quán để đạt đến Vô sanh. Hơi thở đến mức vi tế cùng tận thì thấy các hành, gồm cả các niệm, sanh trụ dị diệt trong từng sát na. Một sát na có ít nhất là 60 lần sanh diệt. Thật sự thấy sanh diệt vi tế như vậy thì hết bám chấp, loại bỏ được hai chướng, tức thời thấy được thật tướng các hành, các niệm là Vô sanh. Đây là thấu đạt tánh Không (đại vô ngại), các lậu đều sạch, đắc quả Vô học, hoàn toàn rõ suốt vô sanh.
Người tu hành không những cần phải tinh tấn, mà còn phải có càng nhiều càng tốt những động lực của giải thoát: đức tin, sợ hãi sanh tử vô thường, mỗi ngày được làm người là quý báu vì có thể thực hành, các phước đức do bố thí, giữ giới, những tấm gương của những người đi trước, các vị thầy và đồng bạn….
……………………………………….
Ngài Kiều Phạm Ba Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con mắc khẩu nghiệp, trong kiếp quá khứ coi thường chế giễu các Sa môn nên đời đời kiếp kiếp mắc tật như miệng trâu. Như Lai chỉ dạy con pháp môn Tâm địa nhất vị thanh tịnh, con đắc tâm tịch diệu vào Tam ma địa, quán cái biết vị chẳng phải thân thể, chẳng phải ngoại vật, ngay đó vượt thoát các lậu của thế gian, bên trong thoát khỏi thân tâm, bên ngoài tiêu tan thế giới. Xa lìa ba cõi như chim ra khỏi lồng, lìa hết dơ nhiễm, tiêu mất trần tướng, pháp nhãn thanh tịnh, thành A La Hán. Như Lai ấn chứng cho con bên bậc Vô học.
Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, thì xoay cái biết các vị về gốc tánh, đây là thứ nhất.
……………………………………….
Tâm địa nhất vị thanh tịnh là tâm tánh chỉ một vị thanh tịnh. Xoay cái biết các vị về tâm địa hay gốc tánh vốn một vị bèn đắc tam ma địa, tức là cái thường định một vị của tánh giác.
Tâm địa hay tâm tánh là Niết bàn tự tâm. Khi xoay được tâm trở về nền tảng (địa) hay bản tánh của nó bèn đắc Niết bàn, thân tâm, thế giới, các lậu tiêu tan. Pháp nhãn thanh tịnh thì thấy pháp giới tánh tướng đều thanh tịnh, đây là Niết bàn.
Để xoay trở lại về gốc tánh vốn một vị thì Chỉ là sức mạnh của nỗ lực trở về, và Quán nhổ bật các tướng thế gian ngăn che đường về. Pháp nhãn thanh tịnh là thấy được tấm gương tâm Đại viên cảnh trí.
………………………………………
Ngài Tất Lăng Già Bà Ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con khi mới phát tâm theo Phật vào đạo, thường nghe Như Lai dạy về những việc không thể vui trong thế gian. Đang khi khất thực trong thành, tâm suy nghĩ pháp môn Phật dạy, giữa đường bất ngờ bị gai độc đâm vào chân, toàn thân đau nhức. Con chánh niệm: con có cái biết, biết được cái đau nhức ấy, tuy biết cái biết đau nhức, nhưng cũng biết cái tâm thanh tịnh không có cái đau và cái biết đau. Con lại tư duy một thân như thế đâu thể có hai cái biết. Nhiếp niệm chưa bao lâu thân tâm bỗng nhiên rỗng không, trong hai mươi mốt ngày các lậu đều tiêu hết, thành A La Hán, được Phật ấn chứng là bậc Vô học.
Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con thì thuần một cái biết, rời lìa nơi thân, đó là thứ nhất.
…………………………………..
Đề mục khác, mà chứng ngộ ở chỗ khác, bởi vì tu theo đề mục nào cũng làm tiêu hao hai chướng và khi chướng đã mỏng thì ngộ hay cái thấy biết trực tiếp thực tại xảy ra.’Thế mới biết chỗ nào cũng là cửa vào, lúc nào cũng là cơ hội đối với người đã đủ chín, đã sẵn sàng.
Bị gai đâm đau là một cơ hội để vỡ tan thân kiến và ngộ. Cái chứng ngộ “thân tâm bỗng nhiên rỗng không” mà kéo dài ra và đi sâu cho tới tận cùng thì “các lậu đều tiêu tan, thành bậc Vô học A La Hán”.
Bị gai đâm đau thì có cái biết đau, đồng thời với người tu, có chánh niệm tỉnh giác, thì biết có cả cái tâm thanh tịnh không có cái đau và cái biết đau. Ở người thường chỉ biết cái tâm toàn bộ là đau; còn ở người tu, đã có sự xa lìa, nên trong tâm vừa có cái biết đau vừa chứng nghiệm cái tâm thanh tịnh không biết đau.
Nhưng chẳng lẽ một thân lại có hai cái biết, cái nào là thật, cái nào là giả? Nhiếp niệm, tập trung vào chỗ ấy là Chỉ Quán, nhờ đó cái tâm thanh tịnh không có cái đau lần lần ‘lớn ra’, cái tâm biết đau dần dần ‘nhỏ lại’. Cho đến lúc cái tâm thanh tịnh thực sự hiện tiền, đẩy lùi được cái tâm biết đau, “thân tâm bỗng nhiên rỗng không”. Đây là chỗ Kinh Hoa Nghiêm nói “an trụ như vậy gọi là trụ bậc Sơ Hoan hỷ địa, vì đã tương ưng với Chân Như bất động”.
Đây là Ngộ, giữ được và đi sâu vào gọi là Nhập. Với ngài Tất Lăng Già Bà Ta, giữ được và đi sâu vào suốt hai mươi mốt ngày trong ánh sáng trí huệ thì lậu tận, giải thoát hoàn toàn.
………………………………….
Ngài Tu Bồ Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con từ lâu xa kiếp đến nay, tâm được vô ngại, tự nhớ thọ sanh nhiều đời như số cát sông Hằng. Lúc còn trong thai mẹ đã biết tánh Không Tịch, như thế cho đến mười phương đều rỗng không và cũng khiến chúng sanh chứng đắc tánh Không. Nhờ Như Lai chỉ dạy khiến phát minh được tánh giác Chân Không, tánh Không tròn sáng, đắc A La Hán, đốn nhập biển Không quý báu sáng ngời của Như Lai, đồng tri kiến Phật, được ấn chứng thành bậc Vô học. Tánh Không giải thoát, con là trên hết.
Phật hỏi viên thông, như chỗ chứng của con, các tướng đều nhập vào phi tướng, năng phi sở phi đều hết, xoay các pháp về không chỗ có, đó là thứ nhất.
………………………………..
Ngài Tu Bồ Đề từ kiếp lâu xa đã tu chứng tánh Không, tâm được vô ngại với các tướng, năng lực tu chứng tánh Không ảnh hưởng đến người chung quanh ngay từ trong bụng mẹ.
Khi gặp Đức Phật được chỉ dạy tánh giác chân không, chứng được viên mãn, tức thời nhập vào biển Không quý báu sáng ngời, tức là nhập vào biển Pháp thân của tất cả chư Phật.
Tu chứng của ngài Tu Bồ Đề là xoay tất cả tướng trở về bản tánh của chúng là tánh Không (“các tướng đều nhập vào phi tướng, xoay các pháp về không chỗ có, vô sở hữu”), người quán sự xoay về tánh Không này (“năng phi”) và các tướng được xoay về tánh Không (“sở phi”) đều hết, đây là tánh Không viên mãn.
Kinh Đại Bát Nhã phần lớn do ngài Tu Bồ Đề nương vào thần lực của Đức Phật mà thuyết, cho chúng ta sự diễn đạt bề rộng và bề sâu của tánh Không.
…………………………………………
Ngài Xá Lợi Phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưói chân Phật mà bạch Phật rằng: Con từ nhiều kiếp đến nay cái thấy của tâm được thanh tịnh, như thế mà thọ sanh nhiều đời như số cát sông Hằng. Các pháp thế gian và xuất thế gian thảy thảy biến hóa, trong một cái thấy liền thông suốt không chướng ngại. Con ở giữa đường gặp Ca Diếp Ba, huynh đệ cùng đi, nói pháp nhân duyên, ngộ được cái tâm không bờ mé. Con theo Phật xuất gia, tánh giác hằng thấy tròn đầy sáng ngời, được đại vô úy, thành A La Hán, làm trưởng tử của Phật, do miệng Phật mà sanh, do pháp mà hóa sanh .
Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, thì cái thấy của tâm phát sáng, sáng tột cái thấy biết, đó là thứ nhất.
…………………………………..
Cái thấy của tâm ngài Xá Lợi Phất đã được thanh tịnh từ nhiều đời. Đến khi gặp A La Hán Mã Thắng được nói cho nghe bài kệ của Đức Phật, “Các pháp theo duyên sanh, các pháp theo duyên diệt, Thầy ta, Đại Sa môn, thường chỉ dạy như vậy”, liền đắc sơ quả Tu Đà Hoàn. Sự đắc này là đắc lại, vì “cái thấy của tâm đã được thanh tịnh từ nhiều kiếp đến nay”.
Với cái thấy của tâm đã trong sáng, chỉ nghe một bài kệ nhân duyên liền chứng ngộ tánh Không ở mức Sơ quả Tu Đà Hoàn. Nửa tháng sau khi gặp Đức Phật, ngài đắc quả A La Hán. Đó là khi cái thấy của tâm sáng tột tức là cái thấy biết viên mãn, gọi là do miệng Phật mà sanh, do Pháp mà hóa sanh. Đây là sự sanh lại trong tánh Không, sanh trong giải thoát.
……………………………………….
Bồ tát Phổ Hiền liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con từng làm Pháp vương tử của các Như Lai nhiều như số cát sông Hằng. Mười phương Như Lai dạy các đệ tử có căn cơ Bồ tát tu hạnh Phổ Hiền, là do con mà đặt tên.
Bạch Thế Tôn, con dùng cái nghe của tâm mà phân biệt những thấy biết của chúng sanh. Nếu ở phương khác cách ngoài hằng sa thế giới, có một chúng sanh nào trong tâm phát sáng hạnh Phổ Hiền, thì liền ngay khi ấy, con phân thân trăm ngàn, cởi voi sáu ngà đến chỗ người ấy. Dầu người ấy nghiệp chướng sâu dày, con cũng âm thầm xoa đầu, ủng hộ an ủi, khiến họ được thành tựu.
Phật hỏi về viên thông, con nói chỗ bản nhân của con do cái nghe của tâm phát sáng, phân biệt tự tại, đó là thứ nhất.
…………………………………
Ngài Phổ Hiền tu tánh Không Minh của cái nghe của tâm.
Căn cơ Bồ tát là tuy vẫn tu hành tánh Không để giải thoát như các vị A La Hán, nhưng còn có lời nguyện cứu độ chúng sanh do lòng đại bi nên vừa tu tánh Không vừa độ chúng sanh. Nhờ có phương tiện thiện xảo là hợp nhất sự cứu độ với tánh Không, nên độ mà vẫn giải thoát.
Tu hành tánh Không là đạt được Pháp thân, cứu độ chúng sanh thì có thêm được Báo thân và Hóa thân, do đó mà “phân thân trăm ngàn”. Hóa thân và Báo thân là diệu dụng của Pháp thân có được qua nguyện, hạnh vậy.
…………………………………..
Ngài Tôn Đà La Nan Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Khi con mới xuất gia theo Phật vào đạo, tuy đầy đủ giới luật, mà với tam ma địa tâm thường tán động, chưa được vô lậu. Thế Tôn dạy con và Câu Hy La quán tướng trắng chót mũi. Lúc bắt đầu tu quán ấy, trải qua hai mươi mốt ngày, thấy hơi thở trong mũi ra vào như khói. Thân tâm bên trong sáng rỡ, thế giới rỗng suốt, khắp hết thành rỗng không thanh tịnh, như ngọc lưu ly. Tướng khói dần dần tiêu mất, hơi thở thành trắng. Đến khi tâm khai ngộ, các lậu sạch hết thì các hơi thở ra vào hóa thành ánh sáng, soi khắp mười phương thế giới, đắc A La Hán. Thế Tôn thọ ký con sẽ đắc Giác ngộ.
Phật hỏi về viên thông, con dùng chánh niệm nơi hơi thở, yên lặng lâu ngày thì phát ra sáng suốt, ánh sáng viên mãn, diệt hết các lậu, đó là thứ nhất.
…………………………………..
Chỉ là tập trung vào đầu chót mũi. Quán là quan sát hơi thở ở đó.
Nhờ chỉ quán mà tâm dần dần thanh tịnh, do đó thấy hơi thở thành như khói, rồi hóa thành trắng, thân tâm bên trong sáng rõ, thế giới rỗng suốt, khắp hết thành rỗng không thanh tịnh, hơi thở thành ánh sáng soi khắp mười phương thế giới. Hơi thở (gió), và các đại đất, nước, lửa có bản tánh là ánh sáng, nên khi đã trở lại bản tánh thì “hơi thở hóa thành ánh sáng”.
Chỉ Quán bẳt đầu nơi hơi thở và chót mũi, nhưng lần lần tương ưng với chỉ quán vốn sẵn của tánh giác, do đó thân tâm và thế giới thành rỗng không sáng rỡ, khi ánh sáng viên mãn thì các lậu diệt hết, thành A La Hán.
……………………………………
Ngài Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con từ nhiều kiếp đến nay biện tài vô ngại, tuyên thuyết Khổ, Không, đạt sâu thật tướng. Như thế cho đến các pháp môn bí mật của hằng sa Như Lai, con đều trong chúng khéo léo khai thị, được vô sở úy. Thế Tôn biết con có đại biện tài nên dạy con tuyên dương chánh pháp bằng âm thanh. Con ở trước Phật giúp Phật chuyển pháp luân, nhân âm thanh oai lực như tiếng rống sư tử mà thành A La Hán. Thế Tôn ấn chứng cho con thuyết pháp hơn hết.
Phật hỏi viên thông, con dùng pháp âm hàng phục tà đạo, tiêu diệt các lậu, đó là thứ nhất.
…………………………………….
Ở trước nói: “Căn lưỡi hay diễn nói cùng tột các trí thế gian và xuất thế gian, lời nói có chừng hạn nhưng nghĩa lý thì không cùng tận. Do đó căn lưỡi có đủ một ngàn hai trăm công đức”.
Hoạt động của lưỡi là để thuyết pháp. Nói pháp thì tương ưng với pháp, càng nói pháp thì càng đi sâu vào pháp hay thật tướng, do đó kinh nói “đạt sâu thật tướng”.
Càng thuyết pháp thì ánh sáng hiện tiền của pháp càng tiêu diệt các lậu. Nói pháp là một cách để trở về nguồn viên thông.
…………………………………..
Ngài ưu Ba Ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con đích thân theo Phật vượt thành xuất gia, chứng kiến Như Lai sáu năm khổ hạnh, hàng phục các ma, chế ngự ngoại đạo, giải thoát các lậu tham dục trong thế gian. Con được Phật dạy cho giới, như vậy cho đến ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, các tánh nghiệp giá nghiệp đều thanh tịnh, thân tâm tịch diệt, thành A La Hán. Con là mẫu mực trong chúng của Như Lai, Phật ấn chứng cho con giữ giới tu thân hơn cả trong chúng.
Phật hỏi về viên thông, con do giữ gìn nơi thân mà thân được tự tại, kế đến giữ gìn nơi tâm mà tâm được thông đạt, rồi sau tất cả thân tâm đều thông suốt, đó là thứ nhất.
……………………………………..
Giữ giới là để thân tâm dần dần thanh tịnh bèn tương ưng với Phật tánh xưa nay thanh tịnh tịch diệt. Giới là đưa thân tâm trở lại nguồn gốc của nó là tánh Không. Thân tâm tịch diệt, đây là tánh Không hiện tiền.
Thế nên, trong Phật giáo Trung Hoa, Luật tông là một trong mười tông, và những vị thánh chứng đắc trong Luật tông cũng nhiều chẳng kém các tông khác. Và chẳng có tông nào không có giới.
Đạo Phật có bốn vạn tám ngàn pháp môn, cho đến tận cùng thì sẽ đi đến cội nguồn, hay là nền tảng viên thông của tất cả mọi pháp môn.
………………………………….
Ngài Đại Mục Kiền Liên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Trước kia con giữa đường đi khất thực thì gặp ba anh em Ca Diếp Ba là Ưu Lâu Tần Loa, Già Gia và Na Đề tuyên nói thâm nghĩa nhân duyên của Như Lai, tâm con liền phát mở, được rất thông đạt. Như Lai ban cho con áo cà sa đắp thân, râu tóc tự rụng.
Con đi khắp mười phương, được không ngăn ngại, thần thông phát sáng, được chúng cho là hơn hết, thành A La Hán. Không chỉ Thế Tôn mà mười phương Như Lai đều khen thần lực của con tròn sáng thanh tịnh, tự tại không sợ hãi.
Phật hỏi viên thông, con do xoay ý niệm về tánh trong lặng, ánh sáng tâm phát mở, như lóng nước đục lâu thành trong sáng, đó là thứ nhất
………………………………….
Ngài Mục Kiền Liên được ngài Xá Lợi Phất nói lại cho bốn câu kệ đã nghe từ vị A La Hán Mã Thắng, bèn đắc Sơ quả. Và chỉ một tuần sau khi gặp Đức Phật, ngài đã đắc quả A La Hán.
Tâm liền phát mở, được rất thông đạt, đây là phát mở, thông đạt với nguồn tánh. Rồi xoay ý niệm về nguồn tánh trong lặng ấy, như lóng nước đục lâu ngày thành trong sáng mà thần lực là diệu dụng của
nguồn tánh hiển phát.
Đây là thần thông do chứng đắc nguồn tánh thanh tịnh mà thành, chứ chẳng phải do gò ép rèn luyện. Cho nên thần thông diệu dụng trong ba cõi sanh tử mà vẫn giải thoát, giải thoát mà vẫn hiển lộ thần thông nơi ba cõi.
Nguồn tánh không phải là một cái gì rỗng không, đứng lặng như chết, mà nguồn tánh là nguồn năng lực. Bởi thế nơi đoạn viên thông của ngài Xá Lợi Phất có nói “các pháp thế gian và xuất thế gian, thảy thảy biến hóa”, thì sự biến hóa này là một phần của năng lực nền tảng nơi nguồn tánh. Chữ “thần lực” không để chỉ cho riêng một vị thánh nào, mà như Kinh Hoa Nghiêm nói “thần lực của chư Phật”, nghĩa là năng lực lưu xuất từ nền tảng Pháp thân.
………………………………………
Ngài ô Sô Sắt Ma, ở trước Như Lai, chấp tay đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con thường nhớ trước kia trong kiếp xa xôi tánh khí nhiều tham dục. Lúc ấy Phật ra đời, hiệu là Không Vương, bảo người nhiều dâm thành như đống lửa hồng và dạy con quán khắp các khí nóng lạnh nơi trăm vóc tứ chi. Do con quán như thế mà thần quang bên trong lặng đứng, chuyển hóa tâm đa dâm thành lửa trí huệ. Từ đó chư Phật đều gọi con tên là Hỏa Đầu, con dùng lực Hỏa quang tam muội mà thành A La Hán. Tâm phát đại nguyện khi các Đức Phật thành đạo, con làm lực sĩ gần gũi bên Phật hàng phục tà ma quấy phá.
Phật hỏi viên thông, con quán sát hơi ấm nơi thân tâm, lưu thông không ngại. Các lậu đã tiêu, sanh ra ngọn lửa đại trí quý báu, lên Vô thượng giác, đó là thứ nhất.
………………………………..
Làm người ai cũng có tánh khí dâm dục, vì đã từ việc dâm dục mà sanh ra. Thật ra khí dục cũng từ nguồn năng lượng của nguồn tánh mà ra, nhưng được sử dụng theo thói quen, tức là nghiệp, dâm dục để thành một loại lửa nặng đục nhiều khói.
Với người tiến hóa, họ sử dụng năng lượng ấy cho văn hóa, văn minh, những sáng tạo, khám phá trong mọi lĩnh vực để đưa loài người tiến hóa. Thay vì dành cho dâm dục để kéo con người xuống, năng lượng ấy được dùng cho trí thế gian và tạo thành những con người hàng đầu xã hội.
Với người muốn tiến hóa cao hơn nữa, vượt khỏi con người thế gian bình thường, họ sử dụng năng lượng ấy cho trí xuất thế gian, trí giải thoát, trí giác ngộ. Trí này là sự chuyển hóa năng lực nơi thân tâm mà thành.
Với người bình thường, sự suy nghĩ sáng tạo trong công việc hằng ngày sẽ đưa năng lượng này lên phần cao của thân, lên óc, lên tim. Ngồi thiền là một cách để đưa năng lực này lên cao, thay vì cứ luẩn quẩn ở phần dưới, ăn uống, tình dục.
Bởi vì rốt cuộc con người sanh ra đời là để thấy và sống được cái thật của mình, ai cũng mơ ước ánh sáng (Minh) và sự bao la tự do (Không). Và cái ấy vốn có sẵn nơi mỗi người, biểu lộ ngay trong từng cử chỉ nhỏ nhặt của đời sống hằng ngày.
Ngài ô Sô Sắt Ma chuyển hóa được lửa dâm dục thành Hỏa quang tam muội để thành Vô thượng giác là nhờ sự chỉ dạy của Phật Không Vương. Muốn khỏi uổng phí năng lượng của đời người, chúng ta nên có những vị thầy chỉ cho làm việc chuyển hóa này.
……………………………………….
Bồ tát Trì Địa liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con nhớ thuở xưa, Phổ Quang Như Lai xuất hiện thế gian, con là tỳ kheo, thường ở nơi tất cả đường trọng yếu, bến đò, đất đai hiểm trở eo hẹp không đúng tiêu chuẩn, có thể làm hư hại ngựa xe, con đều đắp bằng. Hoặc làm cầu cống, hoặc gánh đất cát, siêng năng khó nhọc như vậy trải qua vô lượng Phật xuất hiện ra đời. Hoặc có chúng sanh ở nơi chợ búa, cần người mang đồ vật con liền mang giùm đến nơi, để đồ xuống là đi ngay, không lấy tiền thù lao.
Khi Phật Tỳ Xá Phù ra đời, thế gian phần nhiều đói kém, con cõng giúp người không kể xa gần, chỉ lấy một đồng tiền. Hoặc có xe bò bị lún sình lầy, con dùng thần lực đẩy xe, gỡ khỏi khổ não. Vị vua trong vùng thời ấy thiết trai thỉnh Phật, con liền sửa sang đường đất bằng phẳng (bình địa) chỗ Phật đi qua. Như Lai Tỳ Xá Phù xoa đảnh đầu con, nói rằng: Hãy bình tâm địa thì tất cả đất đai trong thế giới đều bình. Tâm liền khai ngộ, thấy vi trần trong thân và mọi vi trần tạo thành thế giới đều bình đẳng không sai biệt. Tự tánh của vi trần không xúc phạm nhau, cho đến các thứ đao binh cũng không chỗ nào đụng chạm. Con nơi pháp tánh ngộ vô sanh pháp nhẫn, thành A La Hán. Xoay tâm vào Đại thừa nay ở trong Bồ tát vị. Khi nghe các đức Như Lai tuyên nói chỗ tri kiến Diệu Liên Hoa của Phật thì con chứng ngộ rõ suốt trước tiên mà làm thượng thủ.
Phật hỏi về viên thông, con do quán thấu suốt hai thứ vi trần nơi thân và thế giới là bình đẳng không sai biệt, vốn là Như Lai tạng mà hư vọng phát ra trần tướng. Trần tiêu trí viên, thành vô thượng đạo, đó là thứ nhất
………………………………….
Bồ tát Trì Địa từ xưa đã tích tập phước đức và trí huệ. Phước đức làm đường, cầu, gánh đất cát….giúp đỡ cho chúng sanh. Chính phước đức do lòng từ bi này khiến dần dần tiếp cận trí huệ soi thấy pháp tánh mình người bình đẳng, vi trần trong thân và vi trần của thế giới bình đẳng.
Đến khi gặp Phật Tỳ Xá Phù được xoa đảnh (quán đảnh) dạy tâm địa bình thì thế giới bình, vì đồng pháp tánh. Ngay đó ngài chứng ngộ pháp tánh đến mức Địa thứ Tám Vô sanh pháp nhẫn, tương đương sự giải thoát hoàn toàn của một vị A La Hán. Nhưng ngài không chứng quả A La Hán là Vô dư Niết bàn mà tiếp tục con đường Bồ tát. Khi nghe dạy cái thấy biết của Phật trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì chứng ngộ trước tiên mà làm thượng thủ.
Vi trần nơi thân và vi trần nơi thế giới là bình đẳng vì đồng một pháp tánh Như Lai tạng. Đây là tri kiến Phật.
Tâm bình thì thế giới bình, đây là Bình đẳng tánh trí.
Qua cuộc đời một vị A La Hán hoặc Bồ tát, những người học Phật chúng ta khi chọn lựa một căn viên thông hợp với những thiện căn có được từ những đời trước, sẽ học được những phương pháp, những cấp độ chi tiết hơn nữa, mà ở đây không thể nói hết được, để tiến bộ trên con đường giải thoát và giác ngộ.
……………………………………….
Đồng tử Nguyệt Quang liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con nhớ hằng sa kiếp về trước, có Phật ra đời hiệu là Thủy Thiên, dạy hàng Bồ tát tu tập quán nước để vào tam ma địa. Quán ở trong thân tánh nước không ngăn ngại nhau. Ban đầu từ nước mắt, nước bọt cho đến các thứ tân dịch, tinh huyết, đại tiểu tiện, xoay vần trong thân, đồng một tánh nước. Thấy nước trong thân cùng nước các biển hương thủy của các cõi Phật ở ngoài thế giới đều bình đẳng không khác biệt.
Khi ấy con mới đầu thành tựu được pháp quán này, chỉ mới thấy nước mà chưa được không có thân. Lúc ấy đang là Tỳ kheo, ngồi thiền trong phòng, con có một đệ tử lén nhòm cửa sổ thấy trong phòng chỉ toàn nước trong. Nó nhỏ dại không biết, lấy một miếng ngói ném vào trong nước, chạm vào nước phát ra tiếng, ngó quanh rồi bỏ đi.
Sau con xuất định liền cảm thấy đau tim, cũng như ngài Xá Lợi Phất bị quỷ Vi Hại đánh. Con tự suy nghĩ; nay đã đắc đạo A La Hán, duyên sanh bệnh đã lìa từ lâu, vì sao hôm nay lại sanh đau tim, chẳng lẽ lại bị lui sụt. Khi ấy đồng tử đi đến, nói cho con nghe sự việc trước. Con bảo nó khi nào lại thấy nước thì hãy mở cửa vào phòng lấy miếng ngói ấy ra. Đồng tử vâng lời. Con lại nhập định, đồng tử lại thấy nước và miếng ngói rõ ràng bèn mở cửa lấy ra. Sau khi xuất định thân thể lại như cũ.
Con đã gặp vô lượng Phật, như thế cho đến Sơn Hải Tự Tại Thông Vương Như Lai mới được mất sạch thân, cùng các biển hương thủy của mười phương thế giới đồng một tánh chân không, không hai không khác. Nay ở Như Lai con được đặt tên là Đồng Chân, dự vào hội Bồ tát.
Phật hỏi về viên thông, con do quán thấy tánh nước một vị suốt thông, được Vô sanh pháp nhẫn, viên mãn đạo Giác ngộ, đó là thứ nhất.
…………………………………
Cuộc đời sanh tử là do chúng sanh chúng ta quán thấy. Sự quán thấy ấy là do vô minh, nghiệp lực nên là vọng thấy của biệt nghiệp và đồng phận. Thế giới vốn đồng một tánh chân không, không hai không khác, thế mà vọng quán thấy khác nhau loạn xạ, như vọng quán thấy hoa đốm giữa hư không.
Để làm tiêu tan cái vọng quán thấy này, phải quán thấy như thực, là quán thấy chân không thuần khiết một tánh, một vị. Đây là lý do có những pháp quán trong Phật giáo.
Chúng ta thấy Đồng tử Nguyệt Quang quán tưởng nước thì bèn có nước. Nước ấy thành ra ‘khách quan’ với chú đệ tử nhỏ và cả với người quán, qua việc ném vào và lấy ra miếng ngói. Sức mạnh của quán, của tâm thật là ghê gớm, vậy thì cái quán biệt nghiệp và đồng phận ắt tạo ra thế giới đang sống như là có thật. “Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức” là như vậy.
Khi quán được nước ở trong thân và nước ở ngoài thân đều bình đẳng đồng một tánh, cho đến cái thân khiến chướng ngại chia cắt trong ngoài đều mất sạch, mười phương thế giới đồng một tánh chân không, đắc Vô sanh pháp nhẫn.
Qua kinh nghiệm tu hành của ngài Nguyệt Quang. chúng ta có thể dùng ba pháp Chỉ, Quán, Thiền để xoay ngược thế giới sanh tử như huyễn như mộng này về nguồn tánh Không Minh để giải thoát.
…………………………………….
Pháp vương tử Lưu Ly Quang liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con nhớ hằng sa kiếp về trước có Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Thanh, khai thị tánh bản giác diệu minh cho hàng Bồ tát, và dạy quán thế giới cùng thân chúng sanh này đều là do sức gió của vọng duyên chuyển biến ra. Bấy giờ con quán sự an lập của không gian, quán sự trôi chuyển của thời gian, quán cái ngừng động của thân, quán cái động niệm của tâm thức, tất cả các hành động đều không hai, bình đẳng không sai biệt.
Khi ấy con rõ biết tánh của các động này đến không từ đâu, đi không tới đâu. Tất cả chúng sanh điên đảo nhiều như số vi trần trong mười phương đều đồng một hư vọng. Như thế cho đến tất cả chúng sanh trong một tam thiên đại thiên thế giới giống như hàng trăm loài muỗi mòng nhốt trong một đồ chứa , vo ve kêu loạn, ồn ào rốt rít trong khoảng gang tấc .
Con gặp Phật chưa bao lâu thì được Vô sanh pháp nhẫn. Khi ấy tâm khai mở, thấy được cõi Phật Bất Động ở phương Đông, làm Pháp vương tử, thừa sự mười phương chư Phật, thân tâm phát sáng, rỗng suốt không ngại.
Phật hỏi về viên thông, con do quán sát sức gió không chỗ nương, ngộ Bồ Đề tâm, vào Tam ma địa, hợp nhất với Một Diệu Tâm của mười phương chư Phật được truyền dạy, đó là thứ nhất.
…………………………………….
Trong bốn đại đất, nước, lửa, gió thì gió là sự chuyển động và tượng trưng cho chuyển động. Trong thân thì có sự chuyển động của hơi thở, khí chạy trong các kinh mạch; nơi tâm thì có sự chuyển động của ý tưởng. Bên ngoài thì có sự chuyển động của thế giới. Tất cả những chuyển động đều là sức của vọng duyên chuyển biến ra.
Ban đầu thì thấy được tánh của chuyển động là không đến, không đi, là bất động. Sau thấy chính những chuyển động là hư vọng, nghĩa là các tướng cũng không đến không đi, cũng bất động. Do đó mà đắc Vô sanh pháp nhẫn, thấy được cõi Phật Bất Động.
Muốn ngộ nhập Bản Giác diệu minh, Một Diệu Tâm của mười phương chư Phật thì đưa tất cả chuyển động về nguồn tánh vốn bất động. Muốn tiêu trừ sanh tử hư vọng thì ban đầu quán tánh của sanh tử cũng là bất động. Cho đến quán thấy các tướng chuyển động của sanh tử cũng là bất động. Không có tướng chuyển động thì không có sanh tử.
“Tất cả chúng sanh điên đảo nhiều như số vi trần trong mười phương đều đồng một hư vọng, như hàng trăm loài muỗi mòng nhốt trong một đồ chứa vo ve kêu loạn, rối rít ồn ào trong khoảng gang tấc”. Đây là cái thấy bao la của đại trí và đại bi. Quán về gió được viên thông thì tâm trùm khắp các thế giới bằng trí và bi.
…………………………………
Bồ tát Hư Không Tạng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con cùng Như Lai đến chỗ Phật Định Quang, chứng được thân vô biên. Khi ấy tay con cầm bốn bảo châu lớn soi sáng mười phương cõi Phật như số vi trần đều hóa thành hư không. Lại ở tự tâm hiện ra trí Đại Viên Cảnh, trong ấy phóng ra mười thứ ánh sáng vi diệu quý báu soi khắp mười phương cùng tột hư không. Các cõi Phật đều vào trong gương Đại Viên Cảnh ấy, nhập vào thân con. Thân đồng hư không, chẳng có gì ngăn ngại. Thân lại khéo vào các cõi nước như vi trần rộng làm Phật sự, được đại tùy thuận.
Đại thần lực này là do con quán kỹ bốn đại không chỗ nương, vọng tưởng sanh diệt và hư không không hai, cõi Phật vốn đồng. Do phát minh được tánh đồng, được Vô sanh pháp nhẫn.
Phật hỏi về viên thông, do con quán sát hư không vô biên, vào
tam ma địa, diệu lực tròn sáng, đó là thứ nhất.
…………………………………….
Bồ tát ngày trước cùng đi với đức Thích Ca lúc còn là Bồ tát đến chỗ Phật Định Quang, tức là Phật Nhiên Đăng. Tại đó ngài chứng được Thân vô biên, tay cầm bốn bảo châu khiến bốn đại thành thanh tịnh, trong suốt, “sắc tức là Không, Không tức là sắc”, các cõi Phật đều hóa thành hư không. Còn mười thứ ánh sáng vi diệu quý báu soi khắp mười phương thì con số mười này có thể hiểu theo Kinh Hoa Nghiêm, mười thân, mười lực…. Khi ấy tâm hết bị các trần tướng che đậy trở thành Trí như gương tròn lớn (Đại viên cảnh). Tâm thành Trí Đại viên cảnh, tức là Hư Không Tạng, đây là Pháp thân. Tánh nhiếp tất cả tướng, tất cả tướng đều là tánh. Thân cũng theo đó mà “đồng hư không, chẳng có gì ngăn ngại”, đây là Báo thân và Hóa thân, có thể khéo vào các cõi nước như vi trần rộng làm Phật sự.
Đại thần lực này là do quán bốn đại không-chỗ nương, vọng tưởng sanh diệt đồng như hư không, nghĩa là đưa thân tâm về với tánh giác như hư không. Chi một câu “vọng tưởng sanh diệt và hư không không hai” cũng đủ tu suốt đời, vì thật chứng được điều đó là đã đến chỗ “không tu nữa”, “vô học”, “vô công dụng đạo”.
Sống được trong Hư Không Tạng, trong cái vô sanh, là sống trong vĩnh cửu.
Một điều cần lưu ý là ngài đi cùng đạo sĩ Sumedha mà sau này thành Phật Thích Ca. Theo Đại Phật sử của Phật giáo Theravada, ngày hôm đó vị đạo sĩ này từ chối quả vị A La Hán và phát nguyện thành bậc Chánh đẳng Chánh giác và được Phật Nhiên Đăng thọ ký sẽ thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.
Điều này cũng hợp với quan điểm Đại thừa, nói rằng một vị chỉ được chư Phật thọ ký thành Phật khi đắc được Vô sanh pháp nhẫn, tức Bồ tát địa thứ tám, tương đương với một vị A La Hán.
………………………………………..
Bồ tát Di Lặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con nhớ vi trần kiếp về trước, có Phật ra đời hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Con được theo đức Phật ấy xuất gia, nhưng còn trọng danh đời, ưa giao du với người quyền quý. Lúc ấy Thế Tôn dạy con tu tập định Duy thức tâm, để vào tam ma địa. Trải nhiều kiếp đến nay, do tam muội ấy phụng sự hằng sa chư Phật. Tâm cầu danh lợi diệt hết không còn.
Đến khi Phật Nhiên Đăng ra đời con mới thành tựu được tam muội Vô thượng diệu viên thức tâm. Cho đến tận hư không các cõi nước Phật, sạch dơ, có không, đều là sự biến hóa mà hiện ra của tâm con.
Bạch Thế Tôn, con thấu rõ duy tâm thức như thế, nên tánh thức lưu xuất vô thượng Như Lai, nay được thọ ký, kế tiếp làm Phật.
Phật hỏi về viên thông, con do quán kỹ mười phương đều duy thức, thức tâm tròn sáng, nhập tánh Viên thành thật, xa lìa Y tha khởi tánh và Biến kế sở chấp tánh, được Vô sanh pháp nhẫn, đó là thứ nhất.
………………………………..
Các tướng có là do thức phân biệt. Sự phân biệt làm cho tánh Viên thành thật bị ô nhiễm thành ra tướng sanh tử khổ đau. Chữa bệnh là chữa sự phân biệt mê lầm của thức, bằng cách biết tất cả mọi tướng có ra do phân biệt mê lầm chỉ là sự biến hiện của thức, nên là như huyễn, không thật.
Thấy tướng là duy thức thì tướng trở lại nguồn tánh vô sai biệt, lúc đó tất cả tướng là trí, thức tâm tròn sáng, đây là tánh Viên thành thật.
Thấy tất cả thế giới sạch dơ, có không đều là sự biến hóa mà hiện ra của tâm thức, thì tất cả nhiễm ô phân biệt tiêu mất, chỉ còn một vị thanh tịnh Viên thành thật. Như khi thấy bóng trong gương sanh diệt, đến đi, tăng giảm, dơ sạch là hư vọng, như huyễn bèn thấy tấm gương. Bởi vì tấm gương muôn đời sáng sạch (Đại viên cảnh trí) nên tất cả các bóng cũng đều sáng sạch như gương.
Chuyển thức thành trí, chuyển tướng sanh tử thành tánh Niết bàn là chuyển tất cả mọi cái thấy nghe hay biết thành duy thức, và vì duy thức, nên như huyễn, như mộng, đồng thời là tánh Viên thành thật. Ngài Di Lặc trải qua nhiều kiếp mới thành tựu quán duy thức tâm này. Điều ấy cho chúng ta thấy phải có thầy như thế nào, phải tu như thế nào, miên mật như thế nào để đắc Vô sanh nhẫn.
…………………………………….
Pháp vương tử Đại Thế Chí cùng với năm mươi hai Bồ tát cùng tu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con nhớ hằng sa kiếp trước có Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang. Thuở ấy mười hai Như Lai kế nhau ra đời trong một kiếp. Đức Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Đức Phật ấy dạy cho con niệm Phật tam muội.
Ví như có hai người, một đàng chuyên nhớ, một đàng chuyên quên, thì hai người ấy dầu có gặp cũng là không gặp, dù thấy cũng là không thấy. Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ nghĩ (ức niệm) in sâu, như thế từ đời này sang đời khác, như in hình với bóng, chẳng bao giờ xa cách nhau.
Mười phương Như Lai thương tưởng chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn tránh thì tuy nhớ cũng chẳng giúp được gì. Nếu con nhớ mẹ, như mẹ nhớ con thì đời đời mẹ con không hề xa cách. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện giờ hoặc mai sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa thì không cần phương tiện, tâm tự được khai ngộ, như người ướp hương, thân thể có mùi thơm. Đây gọi là hương quang trang nghiêm.
Nhân địa căn bản của con là dùng tâm niệm Phật, vào Vô sanh nhẫn. Nay ở cõi này nhiếp hộ người niệm Phật về nơi Tịnh độ. Phật hỏi về viên thông, con không riêng lựa chọn mà nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tương tục, được vào tam ma địa, đó là thứ nhất.
…………………………………….
Chư Phật đồng một Pháp thân, cho nên tu một pháp môn nào theo đức Phật nào thì cũng đạt đến Pháp thân chung của tất cả chư Phật.
Niệm Phật tam muội đặt trên lòng sùng mộ, sùng tín đối với Phật Vô Lượng Quang tức Phật A Di Đà. Phật nhớ nghĩ đến chúng sanh, chúng ta cũng nhớ nghĩ đến ngài liên tục thì đời đời không hề xa cách, và hiện giờ hay mai sau nhất định thấy Phật, vào Niệm Phật tam muội, đắc Vô sanh nhẫn.
Ngài Đại Thế Chí không chọn riêng một căn, mà nhiếp tất cả sáu căn vào lòng sùng tín hướng về Phật A Di Đà như một dòng sông mãi miết chảy về biển. Chẳng nhờ phương tiện, nghĩa là chỉ một bề nhớ nghĩ. như người ướp hương lâu dần toàn thân tâm có mùi thơm. Khi đã thành tựu pháp môn niệm Phật, đắc Vô sanh nhẫn, ngài đủ thần lực để “ở cõi này nhiếp hộ người niệm Phật về nơi tịnh độ”.
Qua hai mươi bốn vị thánh, chúng ta cỏ đủ những bài học về nhân địa căn bản (Nền tảng) phương pháp tu hành (Con đường) và chứng đắc Quả (Vô sanh nhẫn). Con đường tu viên thông là sự xoay trở lại Nền tảng vốn viên thông có sẵn ở nơi mình. Xoay lại, tức thì con đường giải thoát mở ra. Càng xoay lại thì các tập khí, các lậu càng tiêu tan, cho đến Vô sanh pháp nhẫn, tức là Vô lậu. Nền tảng khi đã sạch các lậu thì đó là Quả, chứ không có Quả nào khác ngoài Nền tảng, hay là cái căn bản chẳng sanh chẳng diệt đã nói ở trước. Như vậy thật tu là tu ngay trên Quả vốn đang hiện tiền. Nơi mỗi vị chúng ta đều có thể học hỏi và áp dụng nhiều điều cho sự tu hành của mình. Có lẽ không có Kinh nào của Phật giáo có đầy đủ những pháp môn và hành trạng của những vị A La Hán và Bồ tát bằng Kinh Lăng Nghiêm. Thật là một tài liệu quý báu cho chúng ta những người hậu học.
Hết Quyển V