Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Để ngộ nhập pháp giới, Kinh Hoa Nghiêm nói nhiều về hạnh Phổ Hiền, hạnh trùm khắp pháp giới, không hở sót một vi trần, một niệm. Hạnh Phổ Hiền là hạnh khắp pháp giới, nó cũng chính là pháp giới. Một pháp giới mà mỗi vi trần, mỗi khoảnh khắc đều thiêng liêng, vi diệu, không thể nghĩ bàn.

Phổ Hiền (Samantabhadra, All Good) có nghĩa là toàn thiện, viên mãn. Toàn thiện, viên mãn trong mỗi phần tử vi trần, mỗi niệm và nơi toàn thể pháp giới. Toàn bộ kinh Hoa Nghiêm nói lên con đường tu hành của Bồ-tát Phổ Hiền. Đồng tử Thiện Tài là một hành giả đi trên con đường ấy để nhập pháp giới, cuối cùng có đầy đủ cái thấy biết của một vị Phật.

Ở đây chúng ta nói theo ba phần Nền tảng, Con đường, và Quả. Nền tảng là pháp giới, tức Phật Tỳ-lô-giá-na, tức thân tâm của Bồ-tát Phổ Hiền. Con đường khởi từ pháp giới và đi trong pháp giới. Quả là cái thấy biết viên mãn pháp giới. Ở nơi hành giả thì có bốn: Cái thấy được nền tảng, Tham thiền về cái Thấy ấy; Hạnh là sống cái thấy ấy bằng tất cả thân tâm; và Quả là thân tâm mình là một với tất cả pháp giới.

Con đường bắt đầu bằng phát nguyện. Trong phẩm Phổ Hiền tam muội, thứ 3, tất cả chư Phật mười phương nói với Đại Bồ-tát Phổ Hiền:

“Lành thay, lành thay! Này Thiện nam tử! Ông có thể nhập tam muội „Nhất thiết chư Phật Tỳ-lô-giá-na Như Lai tạng thân‟ này. Này Phật tử! Đây là mười phương tất cả chư Phật đồng gia hộ cho ông, do bởi nguyện lực của Như Lai Tỳ-lô-giá-na, mà cũng do nguyện lực tu tập tất cả Phật hạnh của ông.

Ông có thể chuyển pháp luân của chư Phật, khai hiển biển trí huệ của chư Phật, chiếu khắp những biển sai khác ở mười phương không sót, khiến chúng sanh trừ mê lầm và phiền não được thanh tịnh, nhiếp khắp tất cả quốc độ không chấp trước, thâm nhập cảnh giới chư Phật không chướng ngại, hiển bày công đức chư Phật, vào được thật tướng của các pháp, thêm lớn trí huệ, quán sát tất cả pháp môn, rõ biết căn cơ tất cả chúng sanh, hay thọ trì giáo văn của tất cả chư Phật”.

Cái thấy Phật Tỳ-lô-giá-na hay pháp giới Hoa Nghiêm là cái thấy khắp, như của Bồ-tát Phổ Nhãn trong phẩm Thập Định thứ 27:

Thân Phật đầy khắp nơi pháp giới
Hiện khắp trước tất cả chúng sanh
Tùy duyên phó cảm đều khắp cùng
Mà hằng ở tòa Bồ-đề này.
Trong mỗi chân lông của Như Lai
Tất cả sát trần chư Phật ngồi
Chúng hội Bồ-tát cùng vây quanh
Diễn nói thắng hạnh của Phổ Hiền.

Bồ-tát trong hội này
Vào Phật địa khó lường
Mỗi mỗi đều được thấy
Thần lực của chư Phật.
Trí thân khắp vào được
Tất cả vi trần cõi
Thấy thân ở trong đó
Thấy khắp các Đức Phật
Như bóng hiện các cõi…
Phổ Hiền các hạnh nguyện
Tu tập đã sáng sạch
Có thể tất cả cõi
Thấy khắp Phật hiện tiền
(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2)

Khi thấy được pháp giới tức là sự hiện thân của Phật, tiến trình làm quen, duy trì cái thấy ấy, làm cái thấy ấy thêm sâu rộng, gọi là tham thiền. Tham thiền gồm thiền Chỉ (an trụ) và thiền Quán, và cả hai thực hành đồng thời là Thiền.

Chỉ, Quán, Thiền là để nhập vào tam muội (Samadhi, Chánh định). Khi đã quen với tam muội, mới thấy rằng đây là cái tam muội đã có sẵn, pháp giới vốn thường định như vậy, pháp giới vốn là Hải Ấn tam muội như vậy. Hải Ấn tam muội không do nhập định mà có, đó là trạng thái bình thường tự nhiên của pháp giới. Cái thấy pháp giới Hoa Nghiêm ở đâu cũng có, thời gian nào cũng có, đó là Chánh định tự nhiên bình thường của pháp giới Tỳ-lô-giá-na. Hải Ấn tam muội là nền tảng hiển hiện vũ trụ.

Chúng ta trích ra một đoạn trong phẩm Phổ Hiền tam muội, thứ 3:

Chân Như bình đẳng tạng hư không
Pháp thân của ngài đã nghiêm tịnh
Tất cả cõi Phật trong chúng hội
Phổ Hiền ở khắp nơi trong đó.
Quang minh công đức bậc trí hải
Chiếu khắp mười phương đều được thấy
Công đức Phổ Hiền biển rộng lớn
Qua khắp mười phương gần gũi Phật.
Tất cả vi trần có các cõi
Đều đến ở kia mà hiện rõ
Phật tử chúng tôi thường thấy ngài
Gần gũi tất cả chư Như Lai
Trụ trong tam muội cảnh chân thật
Số kiếp vi trần, tất cả cõi…
Biển cả chúng sanh đều tế độ
Pháp giới vi trần đều vào cả
Vào nơi pháp giới tất cả trần
Thân đó vô tận không sai khác
Ví như hư không đều cùng khắp
Diễn nói Như Lai pháp rộng lớn.

Hạnh: là mọi hành động, hoạt động Bồ-tát, sanh khởi từ Từ Bi, mở rộng khắp cả và sâu cho đến từng vi trần, từng niệm để tương ưng, hòa nhập trọn vẹn với pháp giới. Thân, ngữ, ý của hành giả niệm niệm tương ưng với nền tảng pháp tánh: “Thân ngữ ý luôn luôn hiện hành theo trí huệ” (Phẩm Thập địa, thứ 26).

Trong phẩm Phổ Hiền hạnh, thứ 36, “lược nói ít phần cảnh giới của Như Lai”:

“Đại Bồ-tát Phổ Hiền nói: Chư Phật tử! Nếu Bồ-tát sanh lòng sân với Bồ-tát khác thì liền sanh ra trăm vạn chướng ngại…

Chư Đại Bồ-tát muốn mau đầy đủ hạnh Bồ-tát thì phải chuyên cần siêng tu mười pháp:

Một là tâm chẳng rời bỏ tất cả chúng sanh.

Hai là đối với chư Bồ-tát xem như Phật.

Ba là chẳng bao giờ hủy báng giáo pháp nào của chư Phật.

Bốn là biết các quốc độ không có cùng tận.

Năm là sùng mộ sâu xa Bồ-tát hạnh.

Sáu là chẳng bỏ tâm Bồ-đề bình đẳng khắp pháp giới như hư không.

Bảy là quán sát Bồ-đề, nhập vào thần lực chư Phật.

Tám là siêng năng tu tập biện tài vô ngại.

Chín là giáo hóa chúng sanh không nhàm mỏi.

Mười là ở nơi tất cả thế giới tâm không nhiễm trước”.

Chư Đại Bồ-tát an trụ trong mười pháp này thì có thể đầy đủ mười thứ thanh tịnh:

Một là thanh tịnh của sự thông đạt đến pháp thậm thâm.

Hai là thanh tịnh của sự thân cận thiện tri thức.

Ba là thanh tịnh của sự hộ trì Pháp chư Phật.

Bốn là thanh tịnh của sự thông rõ hư không giới.

Năm là thanh tịnh của sự thâm nhập pháp giới.

Sáu là thanh tịnh của sự quán sát tâm vô biên.

Bảy là thanh tịnh của sự đồng hiện căn với tất cả chư Bồ tát.

Tám là thanh tịnh của sự chẳng chấp trước các kiếp.

Chín là thanh tịnh của sự quán sát ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai.

Mười là thanh tịnh của sự tu hành tất cả những pháp Phật.

“Chư Phật tử! Đại Bồ tát trụ ở trong mười pháp này rồi thì đầy đủ mười trí rộng lớn:

Một là trí biết tâm hành của tất cả chúng sanh.

Hai là trí biết nghiệp báo của tất cả chúng sanh.

Ba là trí biết tất cả Phật pháp.

Bốn là trí biết ý nghĩa thâm mật của tất cả Phật pháp.

Năm là trí biết tất cả môn đà la ni.

Sáu là trí biết tất cả văn tự biện tài.

Bảy là trí biết tất cả ngôn ngữ âm thanh biện luận thiện xảo của tất cả chúng sanh.

Tám là trí hiện thân mình ở khắp tất cả thế giới.

Chín là trí hiện ảnh tượng mình ở khắp trong tất cả chúng hội đạo tràng.

Mười là trí đầy đủ Nhất thiết trí ở nơi tất cả chỗ thọ sanh”.

Đầy đủ trí rộng lớn bao la như vậy thì được sự phổ nhập, dung thông vô ngại với pháp giới:

“Chư Phật tử! Đại Bồ-tát trụ trong mười trí ấy thì được mười thứ phổ nhập:

Một là tất cả thế giới vào một lỗ lông, một lỗ lông vào tất cả thế giới.

Hai là tất cả thân chúng sanh vào một thân, một thân vào tất cả thân chúng sanh.

Ba là tất cả kiếp vào một niệm, một niệm vào tất cả kiếp.

Bốn là tất cả Phật pháp vào một pháp, một pháp vào tất cả Phật pháp.

Năm là bất khả thuyết chỗ vào một chỗ, một chỗ vào bất khả thuyết chỗ.

Sáu là bất khả thuyết căn vào một căn, một căn vào bất khả thuyết căn.

Bảy là tất cả căn vào phi căn, phi căn vào tất cả các căn.

Tám là tất cả tưởng vào một tưởng, một tưởng vào tất cả tưởng.

Chín là tất cả ngôn âm vào một ngôn âm, một ngôn âm vào tất cả ngôn âm.

Mười là tất cả ba thời vào một thời, một thời vào tất cả ba thời”.

Bồ-tát Phổ Hiền kết luận đoạn này:

“”Chư Phật tử! Đại Bồ-tát nghe pháp này rồi đều phải phát tâm cung kính thọ trì, vì Đại Bồ-tát thọ trì pháp này ít tốn công sức mà mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều được đầy đủ tất cả Phật pháp, đều đồng với chư Phật ba thời”.

Chúng ta thấy, từ Bồ-tát hạnh bèn có mười thứ thanh tịnh của tâm, tiếp đến có mười thứ trí rộng lớn bao la, rồi có mười thứ phổ nhập, nghĩa là nhiếp và nhập khắp pháp giới, tức là đi vào pháp giới sự sự vô ngại.

Hạnh Bồ-tát kết hợp trí huệ với từ bi trong hành động. Nhờ sự kết hợp này hạnh Bồ-tát là hạnh đồng nhất. Đồng với tất cả chúng sanh bằng lòng bi, đồng với chư Phật bằng trí và bi, do đó đồng với tất cả pháp giới bằng hạnh Phổ Hiền.

Với đức tin và nguyện, hạnh, người ta có thể tức thời tương ưng với nguyện, hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền cũng là nguyện, hạnh của chư Phật, và như vậy thâm nhập pháp giới Hoa Nghiêm, tức là biển trí huệ, biển công đức, biển từ bi, biển đại nguyện, biển đại hạnh… của tất cả chư Phật.

Sau đây, chúng ta trích một đoạn trong bài kệ cuối phẩm Phổ Hiền hạnh, để thấy hạnh, nguyện đưa đến Quả, tức là cái Thấy viên mãn:

Tư duy phát nguyện này
Ta sẽ làm Thế Đăng
Đầy đủ công đức Phật
Mười lực, nhất thiết trí.
Tất cả các chúng sanh
Quá nặng tham sân si
Ta sẽ đều cứu thoát
Khiến diệt khổ đường ác…
Thân nghiệp không chướng ngại
Ngữ nghiệp đều thanh tịnh
Ý hành cũng thanh tịnh
Ba đời đều vậy cả.
Bồ-tát tu như vậy
Rốt ráo đạo Phổ Hiền
Xuất sanh trí thanh tịnh
Chiếu khắp cả pháp giới…
Ở trong một vi trần
Đều thấy các thế giới
Chúng sanh nếu ai nghe
Mê loạn tâm nghi cuồng.
Như ở một vi trần
Tất cả trần cũng thế
Thế giới đều vào trong
Chẳng nghĩ bàn như vậy.
Trong mỗi trần đều có
Mười phương ba đời pháp
Trong mỗi trần đều có
Cõi loài đều vô lượng
Đều hay phân biệt hết
Trong mỗi trần đều có
Vô lượng những cõi Phật
Chủng loại đều vô lượng
Nơi một trần đều biết…
Một thân vô lượng cõi
Một cõi vô lượng thân
Vô lượng vô biên cõi
Tất cả các thế giới
Đều vào trong một cõi…
Thế giới có ngữa úp
Hoặc là cao hoặc thấp
Đều là chúng sanh tưởng
Đều hay phân biệt hết.

Con đường của Bồ-tát Phổ Hiền đi từ cái Thấy nền tảng Phật tánh, qua tham thiền và hạnh, để thân ngữ ý thanh tịnh, và rốt ráo đạo Phổ Hiền là Quả, chứng ngộ pháp giới sự sự vô ngại. Pháp giới sự sự vô ngại này biểu hiện trong tất cả vi trần và tất cả khoảnh khắc hay niệm:

Vô lượng vô số kiếp
Hiểu đó tức một niệm
Biết niệm cũng vô niệm
Như vậy thấy thế gian.
Bất khả thuyết những kiếp
Tức là một khoảnh khắc
Chẳng thấy dài hay ngắn
Rõ thấu pháp sát-na.
Tâm trụ nơi thế gian
Thế gian trụ nơi tâm
Nơi đây chẳng vọng khởi
Phân biệt hai, chẳng hai.
Chúng sanh, thế giới, kiếp
Chư Phật và Phật pháp
Tất cả như huyễn hóa
Pháp giới đều bình đẳng.
Ở khắp mười phương cõi
Thị hiện vô lượng thân
Biết thân từ duyên khởi
Rốt ráo không chỗ chấp.
Y nơi trí vô nhị
Xuất hiện nhân sư tử
Chẳng chấp pháp vô nhị
Biết không hai, chẳng hai.
Rõ biết các thế gian
Như sóng nắng, như bóng
Như vang cũng như mộng
Như huyễn, như biến hóa.
Tùy thuận nhập như vậy
Chỗ sở hành chư Phật
Thành tựu trí Phổ Hiền.
Chiếu khắp pháp giới sâu
Chúng sanh, cõi, nhiễm trước
Tất cả đều bỏ lìa
Mà khởi tâm đại bi
Tịnh khắp các thế gian…

Tóm lại, hai cột trụ chính của Đại thừa là Trí huệ và Từ bi. Trí huệ và Từ bi được hiện thực hóa sâu và rộng nhờ Đại hạnh. Trí huệ là thấu rõ tánh Không, quang minh, như huyễn. Hành giả dùng trí huệ thấu rõ để thâm nhập pháp giới chư Phật. Từ bi là tâm ôm trùm tất cả thế giới chúng sanh. Đến một lúc nào, cụ thể là từ Địa thứ Năm, Trí huệ và Từ bi bắt đầu thực sự nhập làm một, pháp giới giác ngộ của chư Phật và thế giới sanh tử của chúng sanh bắt đầu nhập thành một. Càng đi lên càng có sự hợp nhất để trở thành Pháp giới Nhất Tâm Sự sự vô ngại.

Sự thực hành Cái Thấy, Tham Thiền và Hạnh để tương ưng với pháp giới Hoa Nghiêm phải được làm trong từng niệm niệm, trong mỗi mỗi vi trần. Bởi vì pháp giới Hoa Nghiêm là cực kỳ vi tế, sự tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp ở cấp độ vi tế nhất, mà đơn vị là niệm niệm và vi trần. Mặc dù cực kỳ vi tế như vậy, nhưng pháp giới ấy vẫn xảy ra, hiện khắp, vì tất cả xảy ra trên nền tảng Chân Như hiện hữu khắp. Và hạnh của người tu là hạnh đồng với Chân Như, nghĩa là đồng với pháp giới hiện hữu khắp:

Ví như Chân Như khắp tất cả
Bao trùm mọi thế gian như vậy
Bồ-tát dùng tâm hồi hướng này
Đều khiến chúng sanh không chấp trước.
Ví như tự tánh của Chân Như
Bồ-tát phát tâm cũng như vậy
Chân Như ở đâu nguyện ở đó
Dùng hạnh như vậy mà hồi hướng.
Ví như tự tánh của Chân Như
Trong đó chưa từng có một pháp
Tự tánh chẳng đắc là chân tánh
Đem hạnh như vậy mà hồi hướng.
Như tướng Chân Như, hạnh cũng vậy
Như tánh Chân Như, hạnh cũng vậy
Như tánh Chân Như vốn chân thật
Hạnh cũng như vậy đồng Chân Như.
(Thập Hồi Hướng, thứ 25)

Hạnh Phổ Hiền là thấy mình trong tất cả các vi trần và trong tất cả các sát na, tức là thấy mình là pháp giơi Sự sự vô ngại.

Xem mục lục