Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Quyển Thứ Tư

 Những điểm chính trong quyển này là:

a. Tiếp nối ý của phẩm hăm tám và hăm chín trong quyển trước, trần thuật nguyện lực và công đức tu trì chơn thật của các vị Bồ Tát cõi Cực Lạc. Các vị Bồ Tát ấy hạnh đức viên mãn nên chư Phật đều khen ngợi. Ðồng thời chỉ rõ cõi Cực Lạc là nơi an vui, thanh tịnh, là nơi thọ mạng lẫn niềm vui đều vô cực để khuyến dụ chúng sanh vãng sanh.

b. Ðem cõi uế đặt tương phản với cõi tịnh, quở trách nặng nề sự ác khổ của cõi đời ô trược hòng khiến cho chúng sanh bỏ năm việc ác, dứt năm nỗi đau, lìa năm điều thiêu đốt, siêng tu việc lành thế gian. Kinh nhiều lần khuyên lơn, khuyến khích chúng sanh vâng giữ kinh giới để được độ thoát.

Kinh giảng cặn kẽ: Do chúng sanh đã tạo những nghiệp tam độc, ngũ ác nên sẽ lần lượt chiêu cảm quả báo đau đớn, thiêu đốt. Kinh còn chỉ bày chi ly nguyên do của các nỗi khổ, đồng thời chỉ dạy phương cách thoát khổ để chúng sanh hiểu sâu lý nhân quả, dứt ác, làm lành, lợi lạc hữu tình, tạo phước cho nhân gian. Dùng những điều ấy hồi hướng cùng sanh Cực Lạc.

c. Trần thuật sự kiện lễ Phật, quang minh hiện ra, bốn chúng trong hội đều thấy thế giới Cực Lạc và A Di Ðà Phật để khiến cho tất cả những người được thấy đều được lợi ích, kẻ nghe sanh lòng tin.

d. Giảng về biên địa nghi thành: Dạy rõ chỗ sẽ thác sanh về của những kẻ niệm Phật, tu thiện, nguyện sanh Cực Lạc nhưng chẳng đoạn nổi nghi hoặc.

e. Phần lưu thông của kinh này: khen ngợi Niệm Phật, khuyên nên coi kinh này như bậc đạo sư. Ðời tương lai kinh sách diệt hết, chỉ còn mỗi kinh này được lưu lại. Nếu thường niệm tụng kinh này chẳng dứt thì sẽ chóng đắc đạo (pháp mầu nhiệm như thế nay ta may mắn được nghe thì phải nên thường niệm Phật, sanh lòng vui mừng), khuyên làm phước, tu đủ các việc lành, niệm Phật phát nguyện vãng sanh cõi tịnh.

 30. Bồ Tát tu trì

 Từ phẩm 28 đến phẩm 32 của kinh này đều nói về diệu đức của Bồ Tát cõi Cực Lạc.

Phẩm này chú trọng đến diệu hạnh tự giác, giác tha của hàng Bồ Tát: độ khắp các chúng sanh, diễn thuyết chánh pháp; dùng vô ngại từ, vô ngại huệ để hiểu pháp là Như Như; bình đẳng tu hành siêng năng trong tam giới, các hạnh thù thắng rốt ráo Nhất Thừa, đạt tới bờ kia…

Hai phẩm 31 và 32 giảng về công đức và diệu quả của những hàng Bồ Tát ấy. Phật thuyết ra pháp này là muốn cho chúng sanh trong mười phương sanh lòng hân hoan, hâm mộ, cầu sanh Cực Lạc hòng được cùng ở chung một chỗ với những bậc thượng thiện nhân như vậy để tu tập viên mãn những công đức như vậy.

 Chánh kinh: Lại này A Nan! Thiền định, trí huệ, thần thông, oai đức của hết thảy Bồ Tát trong cõi Phật kia không thứ gì chẳng viên mãn. Họ đều hiểu rõ rốt ráo mật tạng của chư Phật, điều phục các căn, thân tâm nhu nhuyễn, thâm nhập chánh huệ, chẳng còn sót các tập khí. Nương theo Thất Giác, Thánh Ðạo mà đức Phật đã hành, tu hành ngũ nhãn, chiếu chơn, đạt tục. Nhục nhãn phân biệt, chọn lựa; thiên nhãn thông đạt; pháp nhãn thanh tịnh, huệ nhãn thấy chơn; Phật nhãn đầy đủ, giác ngộ trọn vẹn pháp tánh.

 Giải: Phẩm này nói về đại hạnh của các Bồ Tát cõi ấy, gồm có ba loại chính:

a. Hạnh đức tự lợi.

b. Hạnh đức lợi tha.

c. Hạnh đức viên mãn.

Ðoạn kinh văn trên đây nói đến hạnh đức tự lợi của bậc đại sĩ.

‘Thiền định, trí huệ’: Thiền Ðịnh là độ thứ năm trong Lục Ðộ, Trí Huệ là độ thứ sáu. Trong Lục Ðộ, hai độ này đóng vai trò quan trọng nhất nên được nêu lên trước hết. Hơn nữa, phải vâng giữ cân bằng cả Ðịnh lẫn Huệ như sách Hội Sớ viết: ‘Nếu chỉ có Ðịnh mà thiếu Huệ thì khác gì Nhị Thừa trầm trệ nơi Không. Có Huệ nhưng thiếu Ðịnh thì khác nào ngoại đạo nghĩ tưởng sằng bậy. Do đó, kinh luôn nói Ðịnh đi đôi với Huệ’.

‘Thần thông’ là lục thông: thiên nhãn, thiên nhĩ… ‘Oai’ là oai thần, nghĩa là oai thế dũng mãnh, không lường biết nổi. ‘Ðức’ là công đức như bản Ngụy dịch ghi: ‘Vô Lượng Thọ Phật oai thần công đức chẳng thể nghĩ bàn’. Các vị Bồ Tát trong cõi Cực Lạc đều thành tựu viên mãn hết thảy các thứ Thiền Ðịnh, thần thông, trí huệ như  trên nên kinh mới nói: ‘Không thứ gì chẳng viên mãn’.

Sách Nhị Giáo Luận, quyển thượng giảng chữ ‘mật tạng’ như sau: ‘Những lời giảng của Pháp Thân Phật thì gọi là “mật tạng”, ý nói [đó là] những lời nói sâu xa, bí mật, chơn thật’; nghĩa là: những lời chơn thật, sâu xa, uyên áo, huyền diệu do Pháp Thân Phật nói ra thì gọi là ‘mật tạng’.

Sách Tăng Sử Lược lại bảo: ‘Mật tạng là pháp đà-ra-ni. Pháp ấy bí mật, chẳng phải là cảnh giới của Nhị Thừa, chỉ có chư Phật Bồ Tát mới có thể dạo bước trong đó nổi’; ý nói: Mật tạng chính là đà-ra-ni. Giáo pháp ấy bí mật chẳng phải là giáo pháp dành cho hàng Nhị Thừa, chỉ có chư Phật, Bồ Tát mới hiểu thấu, thực hành nổi.

Ðối với điều kinh dạy: hàng đại sĩ cõi Cực Lạc ‘hiểu rõ rốt ráo mật tạng của chư Phật’; ta có thể tổng hợp hai thuyết trên để hiểu là đối với những mật ý bí áo sâu xa vượt ngoài ngôn ngữ, các giáo pháp khó suy tưởng nổi và các đà-ra-ni, các bậc đại sĩ cõi ấy đều có thể lãnh hội một cách rốt ráo, hiểu thấu trọn vẹn thông suốt.

Chữ ‘điều phục’ được sách Thám Huyền Ký giảng như sau: ‘Ðiều là điều hòa, “phục” là chế phục; nghĩa là điều hòa, kiềm chế nghiệp thân, khẩu, ý, dẹp yên, trừ diệt các ác hạnh’. Ý nói: giữ yên tịnh, chế ngự được ba nghiệp, xa lìa được ác hạnh. ‘Các căn’ là sáu căn: tai, mắt…‘Ðiều phục các căn’ là chế ngự thân tâm, xa rời trần cấu, tà ác.

‘Nhu nhuyễn’ là tâm nhu hòa, tùy thuận theo đạo. Nếu chẳng như vậy thì là ương ngạnh, hễ  ương ngạnh thì khó lòng giáo hóa. Kinh Pháp Hoa nói: ‘Chúng sanh đã tin phục, chất trực, ý nhu nhuyễn’. Ðó chính là ‘thân tâm nhu nhuyễn’.

‘Chánh huệ’ là trí huệ chơn chánh. ‘Chơn’ là chơn thật; ‘chánh’ là không tà, lìa điên đảo là Chánh. Khế chơn nhập thật cũng là Chánh. Vậy thì lìa khỏi phân biệt hư vọng, soi tỏ trí huệ nơi chơn tâm thì gọi là ‘chánh huệ’.

‘Dư tập’ là những thói quen còn sót lại sau khi phiền não đã đoạn thì gọi là “dư tập”. Dư tập còn gọi là ‘tàn tập’, đôi chỗ còn gọi là ‘tập khí’. Nhị Thừa chẳng đoạn trừ nổi dư tập, chỉ mình Phật mới đoạn sạch hết nổi. Ðại Trí Ðộ Luận nói:

‘A La Hán, Bích Chi Phật tuy phá được tam độc nhưng khí phận chưa hết. Ví như hương đặt trong đồ đựng, dẫu bỏ hương đi mùi thơm vẫn còn. Lại giống như lấy cỏ cây làm củi, khói lửa hết rồi, than tro vẫn còn vì sức lửa còn yếu. Ðức Phật vĩnh viễn đoạn sạch ba độc, ví như ngọn lửa lúc kiếp tận thiêu sạch cả núi Tu Di, hết thảy cõi đất đều cháy sạch, không có khói, chẳng còn than.

Chẳng hạn như ngài Xá Lợi Phất còn dư tập là nóng giận, ngài Nan Ðà còn dư tập là dâm dục, ngài Tất Lăng Già Bà còn dư tập là kiêu mạn. Ví như người bị trói lúc mới được tháo ra, đi đứng còn khó khăn’.

Bậc đại sĩ cõi Cực Lạc ‘chẳng còn sót các tập khí’ tức là đã đạt tới chỗ thực hành của Phật hạnh. Vì thế, bản Ngụy dịch chép các vị đại sĩ cõi ấy ‘rốt ráo hết thảy sở hạnh của Bồ Tát, đầy đủ thành tựu vô lượng công đức’.

‘Thất giác’ là Thất Giác Chi, còn gọi là Thất Giác Phần. Giác có hai nghĩa: giác liễu và giác sát. Giác pháp chia ra thành bảy thứ nên gọi là ‘chi’ hoặc ‘phần’. Bảy thứ đó là: Niệm, Huệ (còn gọi là Trạch Pháp), Tinh Tấn, Khinh An, Hỷ, Ðịnh, Hành Xả. Ý nghĩa của bảy giác pháp ấy như sau:

a. Trạch pháp giác chi: dùng trí huệ phân biệt, nhận định pháp là chơn hay ngụy.

b. Tinh tấn giác chi: dùng tâm dũng mãnh xa lìa tà hạnh, hành chơn pháp.

c. Hỷ giác chi: tâm được thiện pháp liền sanh hoan hỷ.

d. Khinh an giác chi: Ðoạn trừ những điều thô trọng nơi thân tâm khiến cho thân tâm nhẹ nhàng, thư thái.

e. Niệm giác chi: thường nhớ rõ định huệ chẳng quên mất, luôn giữ cho định và huệ được cân bằng.

f. Ðịnh giác chi: khiến tâm trụ vào một cảnh, chẳng để tán loạn.

g. Hành xả giác chi: Bỏ các lầm lẫn, bỏ hết thảy pháp, giữ lòng bình thản, chẳng để ý tưởng rong ruổi.

Sách Hội Sớ lại nói: ‘Thất Giác Chi là:

a. Trạch pháp giác phần: Lúc trí huệ quán sát các pháp thì khéo có thể phân biệt là chơn hay ngụy; chẳng chọn lầm các pháp hư ngụy nên gọi là “trạch pháp”.

b. Tinh tấn giác phần: Lúc tinh tấn tu các đạo pháp thì khéo hiểu rõ, chẳng thực hành lầm các khổ hạnh vô ích, thường siêng hành chơn pháp nên gọi là “tinh tấn”.

c. Hỷ giác phần: nếu tâm được pháp hỷ thì khéo hiểu rõ niềm vui ấy, chẳng sanh lòng vui theo pháp điên đảo, trụ vào pháp hỷ chơn thật nên gọi là Hỷ.

d. Trừ giác phần (tức là khinh an giác chi): Lúc trừ được các kiến hoặc phiền não thì khéo hiểu rõ, trừ khử những hư ngụy, chẳng tổn hại thiện căn chơn chánh nên gọi là Trừ.

e. Xả giác phần (tức là hành xả giác chi): Như lúc xả những cảnh mà mình nghĩ nhớ hay thấy biết thì khéo hiểu rõ cảnh bị xả là cảnh hư ngụy chẳng thật, vĩnh viễn chẳng nghĩ nhớ tới nữa nên gọi là Xả.

f. Ðịnh giác phần: Nếu lúc phát khởi các thiền định thì khéo hiểu rõ các Thiền Ðịnh là hư giả, chẳng sanh ý tưởng kiến giải, yêu mến một cách hư vọng nên gọi là Ðịnh.

g. Niệm giác phần: Nếu lúc tu đạo xuất thế thì khéo hiểu rõ, thường giữ cho Ðịnh và Huệ cân bằng. Nếu tâm chìm đắm thì bèn nghĩ cách dùng ba giác phần: Trạch Pháp, Tinh Tấn và Hỷ để quan sát. Nếu tâm chao động thì bèn dùng ba giác phần Trừ, Xả, Ðịnh để nhiếp tâm. Vì thế, Niệm giác phần thường khiến cho Ðịnh và Huệ được đầy tròn, giữ cho Niệm đúng mức, thích đáng. Ðấy gọi là Niệm.

Bảy thứ này gọi chung là Giác Phần, là một phần để đạt đến Bồ Ðề’.

Chữ ‘Thánh Ðạo’ chỉ Bát Thánh Ðạo, còn gọi là Bát Chánh Ðạo, tức là: một là Chánh Kiến, hai là Chánh Tư Duy, ba là Chánh Ngữ, bốn là Chánh Nghiệp, năm là Chánh Mạng, sáu là Chánh Tinh Tấn, bảy là Chánh Niệm, tám là Chánh Ðịnh. Sách Di Ðà Sớ Sao nói:

‘Một là Chánh Kiến. Kinh Tạp Tập nói: “Như lúc giác chi thì dùng huệ để an lập cái chơn giác mình đắc được đó, đế lý phân minh, không có lầm lạc”.

Hai là Chánh Tư Duy: lúc thấy lý ấy bèn tư duy, suy lường tương ứng với tâm vô lậu để tăng trưởng nhập Niết Bàn.

Ba là Chánh Ngữ: chẳng những chỉ tâm không suy nghĩ bậy mà còn dùng vô lậu trí gìn giữ bốn nghiệp nơi miệng, trụ nơi bốn thứ thiện ngữ.

Bốn là Chánh Nghiệp: dùng trí vô lậu trừ hết thảy tà nghiệp và ba thứ nghiệp nơi thân để thân nghiệp được thanh tịnh.

Năm là Chánh Mạng: dùng trí vô lậu trừ hết tất cả năm thứ tà mạng nơi tam nghiệp.

Sáu là Chánh Tinh Tấn: dùng trí vô lậu để siêng năng tu hành tinh tấn, thẳng tiến đạo Niết Bàn.

Bảy là Chánh Niệm: dùng trí vô lậu để nghĩ nhớ chánh đạo pháp và trợ đạo pháp, tâm chẳng lay động.

Tám là Chánh Ðịnh, dùng trí vô lậu tương ưng để chánh trụ nơi lý, quyết định không dời.

[Những đạo này] đều gọi là “chánh”, vì chẳng ngả theo tà vạy nên gọi là ‘chánh’. Do có thể đạt đến Niết Bàn nên gọi là Ðạo.

Trong phẩm Ly Thế Gian của kinh Hoa Nghiêm, Bát Chánh Ðạo được gọi là Bát Chánh Câu Bồ Tát Ðạo. Chánh Kiến là xa lìa hết thảy các tà kiến. Chánh Tư Duy là bỏ tâm vọng phân biệt, tùy thuận Nhất Thiết Trí… cho đến Chánh Ðịnh là khéo nhập Bồ Tát bất tư nghị giải thoát môn: Trong một tam muội có thể xuất nhập các tam muội. Cứ lấy những kinh văn này làm chứng thì [bát chánh đạo] chẳng phải là rất sâu xa ư?’

Ý nói: Thất Giác Chi, Bát Chánh Ðạo v.v... nói rộng ra là Ba Mươi Bảy Pháp Trợ Ðạo tuy là pháp Tiểu Thừa, nhưng thông cả Ðại Thừa.

Trí Ðộ Luận bảo: ‘Ba mươi bảy phẩm không gì chẳng nhiếp nên vô lượng đạo phẩm cũng thuộc vào đấy’. Kinh Tịnh Danh nói: ‘Ðạo phẩm là nhân của Pháp Thân’. Kinh Niết Bàn cũng dạy: ‘Nếu kẻ nào quán nổi Bát Chánh Ðạo thì thấy được Phật Tánh, đáng được gọi là Ðề Hồ’. Vì thế, Di Ðà Sớ Sao mới viết: ‘Ðạo phẩm tuy chỉ một nhưng do quán trí là Ðại thừa hay Tiểu thừa mà thành ra không nhất định’. Nay kinh này nói: ‘Nương theo Thất Giác, Thánh Ðạo mà đức Phật đã hành’ là có ý nói: Bồ Tát cõi ấy dùng quán trí của Phật để thâm nhập các đạo phẩm.

‘Tu hành ngũ nhãn’: Phật có ngũ nhãn. Bồ Tát chí cầu Phật đức mà Phật đức vô lượng nên kinh chỉ tạm nêu ngũ nhãn để đại diện cho tất cả những đức khác. Ngũ nhãn này có thể ‘chiếu chơn, đạt tục’:

Do thấy được Chơn Không và Thật Tánh Bất Không trong Như Lai Tạng nên bảo là ‘chiếu chơn’; lại còn thấy được vô số hình sắc của các thế giới, căn tánh của chúng sanh và việc họ chết đây sanh kia trong những thế giới ấy nên bảo là ‘đạt tục’. Do chiếu chơn nên hạnh tự giác viên mãn, thông đạt cứu cánh. Do đạt tục nên thuận theo căn cơ, đặt bày cách giáo hóa, độ sanh vô lượng.

Nay một pháp Tịnh Ðộ này chính là pháp chiếu chơn đạt tục đến mức tột cùng nhất. ‘Chiếu chơn’ để hiển lộ Chơn Ðế, ‘đạt tục’ nhằm tỏ rõ Tục Ðế; nêu lên cả hai đế ấy để hiển thị Trung Ðế. Tam Ðế viên dung chẳng thể nghĩ bàn. Lại do ‘chiếu chơn’ nên đúng như thật, ‘đạt tục’ nên rộng độ. Bởi thế thâu trọn vạn loại, rốt ráo độ thoát.

a. ‘Nhục nhãn’ tức là con mắt nơi cái thân xác thịt của con người, chỉ thấy được sắc tướng hiện tiền nên bảo là ‘phân biệt, chọn lựa’.

b. ‘Thiên nhãn’ là con mắt của chư thiên. Ðại Trí Ðộ Luận nói: ‘Thiên nhãn thấy được chúng sanh, các vật thuộc tự địa (cõi mình đang ở, chẳng hạn đối với chư thiên Sắc giới thì Sắc giới là tự địa) và hạ địa (hạ địa là những cõi thấp hơn cõi mình đang sống, chẳng hạn như Dục Giới đối với trời Sắc giới) các sắc dù xa hay gần, dù thô hay tế không thứ gì chẳng thấy rõ’. Tịnh Ảnh Sớ lại ghi: ‘Hết thảy Thiền Ðịnh gọi là thiên trụ. Do Thiền đắc nhãn nên gọi là thiên nhãn, thấy được chúng sanh chết đây sanh kia’. Như vậy, thiên nhãn có cả hai nghĩa như trên vừa nói.

Lại có hai thứ thiên nhãn: một là thiên nhãn có được do quả báo, hai là do tu chứng. Thiên nhãn như Tịnh Ảnh Sớ giảng là do tu chứng mà có. Chư thiên sanh trong Sắc giới tự nhiên có được tịnh nhãn; đó là do quả báo mà có, chẳng cần phải tu chứng.

Theo Trí Ðộ Luận, mức độ ‘thông đạt’ của hai loại mắt ấy như sau: ‘Nhục nhãn thấy gần chẳng thấy xa, chỉ thấy [vật ở] trước [mắt] không thấy được phía sau lưng, chỉ thấy bên ngoài chẳng thấy nổi bên trong, chỉ thấy được ban ngày, chẳng thấy được ban đêm; chỉ thấy phía trên chẳng thấy phía dưới. Do vì những điều ấy nên cầu thiên nhãn. Ðắc thiên nhãn thì xa gần đều thấy cả, trước, sau, trong, ngoài, trên, dưới đều thấy vô ngại’. Bởi vậy, gọi là ‘thông đạt’.

Hơn nữa, mức thấy của thiên nhãn trong uế độ chẳng thể vượt khỏi tam thiên đại thiên thế giới; còn thiên nhãn của hàng Bồ Tát cõi Cực Lạc thấy suốt cả mười phương hằng sa thế giới và những chúng sanh chết đây sanh kia trong những thế giới đó.

c. Ngài Vọng Tây giảng chữ ‘Pháp nhãn’ như sau: ‘Duyên vào Tục Ðế Trí, chiếu soi được pháp thì gọi là Pháp Nhãn’. Ngài Cảnh Hưng bảo: ‘Pháp nhãn lấy Hữu Trí làm thể, thấy được tâm dục tánh của chúng sanh và các Phật pháp nên gọi là Pháp Nhãn’. Sách Tiên Chú nói: ‘Thấy thông suốt các pháp duyên sanh sai biệt một cách phân minh nên gọi là Pháp Nhãn’. Bản Ngụy dịch ghi: ‘Pháp nhãn quán sát rốt ráo các đạo’.

Nay kinh đây nói: ‘Pháp nhãn thanh tịnh’ thì chính là giống như sách Tam Tạng Pháp Số bảo: ‘Pháp nhãn: Bồ Tát vì độ sanh nên dùng pháp nhãn thanh tịnh xem khắp hết thảy các pháp, pháp nào đáng biết, đáng hành, tức là: do hành pháp ấy thì sẽ chứng đạo ấy; cũng biết hết các môn phương tiện [thích ứng với] hết thảy chúng sanh khiến cho họ tu, chứng’. Như vậy, đối với hết thảy pháp, Bồ Tát biết được, hành được; cũng như biết các pháp để hành và đạo để chứng. Ngài còn biết được các thứ phương tiện môn để phổ độ chúng sanh. Ðó gọi là pháp nhãn thanh tịnh. Pháp nhãn của hàng Bồ Tát cõi Cực Lạc cũng giống như vậy nên kinh nói ‘pháp nhãn thanh tịnh’.

d. Sư Vọng Tây giảng ‘huệ nhãn’ là: ‘Duyên vào Chơn Ðế Trí, soi thấu Không lý (Chơn Không) nên gọi là Huệ Nhãn’. Ngài Cảnh Hưng bảo:‘Huệ nhãn lấy Không Trí làm thể, chiếu lý Chơn Không’. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương lại nói: ‘Huệ nhãn: Xem thấy tỏ tường là “huệ”; do huệ thấy thông suốt nên gọi là “huệ nhãn”.

Ngài Tịnh Ảnh lại giảng chữ ‘thấy chơn’ là: ‘Thấy được Chơn Không nên gọi là thấy chơn’. Trí Ðộ Luận nói: ‘Huệ nhãn có thể thấy được lý Không nơi tướng và thấy được Chơn Không’. Luận còn nói: ‘Vì Thật Tướng nên cầu huệ nhãn. Do đắc huệ nhãn nên chẳng thấy chúng sanh, diệt sạch dị tướng, bỏ lìa các chấp trước, chẳng thọ hết thảy pháp, trí huệ tự diệt bên trong nên gọi là huệ nhãn’. Kinh Tư Ích cũng chép:

‘Huệ nhãn thấy được pháp nào?

 Ðáp: Nếu còn có cái để thấy thì chẳng gọi là huệ nhãn. Huệ nhãn chẳng thấy pháp hữu vi, chẳng thấy pháp vô vi, vì sao vậy? Pháp hữu vi đều là hư vọng phân biệt. Không hư vọng phân biệt thì gọi là huệ nhãn. Pháp vô vi là không, vô sở hữu, vượt ngoài sự lãnh hội của mắt. Vì vậy, huệ nhãn cũng chẳng thấy pháp vô vi’.

Trong những kinh, luận vừa được dẫn trên để giải thích câu ‘huệ nhãn thấy chơn’ thì cách giải thích của kinh Tư Ích và Ðại Luận là tinh diệu nhất vì thấy rõ ràng nhưng không có gì để thấy, chẳng thấy hữu vi, chẳng thấy vô vi thì mới gọi là ‘thấy chơn’. Ý nghĩa câu ‘trí huệ tự diệt bên trong’ giống hệt câu ‘chẳng có trí, cũng chẳng có gì để đắc’ của Tâm kinh; đấy mới là hiểu rõ những gì đã được hiểu rõ bởi Phật tánh vậy.

e. ‘Phật nhãn’: Con mắt của Như Lai được gọi là Phật nhãn, tức là con mắt thấy hiểu thông suốt thật tướng của các pháp.

Ngài Cảnh Hưng giảng chữ ‘đầy đủ’ như sau: ‘Do Nhất Thiết Chủng Trí làm thể nên không pháp gì chẳng chiếu thấu. Bởi thế nói là đầy đủ’.

Sách Pháp Hoa Văn Cú giảng: ‘Phật nhãn viên thông, bổn thắng kiêm liệt, bốn loại nhãn kia thuộc trong Phật nhãn, đều gọi là Phật nhãn’. Ý nói: Phật nhãn vốn là vô thượng thù thắng nên bảo là ‘bổn thắng’, nhưng Phật nhãn cũng chứa đựng đủ cả những loại mắt kém hơn nên bảo là ‘kiêm liệt’. Những loại mắt kém hơn tức là bốn loại mắt còn lại. Bổn thắng thì thấy được Phật tánh, còn kiêm liệt là có đủ công dụng của bốn loại mắt kia nên có thể chiếu soi hết thảy pháp thuộc cả Chơn Ðế lẫn Tục Ðế.

Nếu có kẻ ngờ rằng Phật đã xả nhục thân sao lại còn có nhục nhãn, xin mượn lời đáp của Trí Ðộ Luận như sau: ‘Huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn tuy thù thắng nhưng chẳng thấy chúng sanh pháp. Muốn thấy chúng sanh thì chỉ đành phải dùng nhục nhãn’. Ngài Nghĩa Tịch cũng bảo: ‘Có nhục nhãn thì biết được chướng nội sắc’ (xin xem lại lời giải thích về chướng nội, chướng ngoại ở cuốn trước). Vì hóa độ chúng sanh, hiện có tướng Phật nên phải có cả nhục nhãn.

Tịnh Ảnh Sớ giảng chữ ‘hiểu rõ pháp tánh’ như sau: ‘Phật nhãn thấy đuợc bất không thật tánh trong Như Lai Tạng một cách chơn thật nên gọi là “hiểu rõ pháp tánh”. Ngài Cảnh Hưng bảo: ‘Tương ưng với Nhất Thiết Chủng Trí, hiểu rõ Trung Ðạo Ðệ Nhất Nghĩa nên gọi là hiểu rõ pháp tánh’. Ngài còn bảo: ‘Cũng thấy Phật tánh nên bảo là hiểu pháp tánh’.

Như vậy, do Phật nhãn hiểu rõ được pháp tánh cho nên sách Pháp Hoa Văn Cú mới bảo Phật nhãn ‘bổn thắng’, các thứ nhãn khác không sánh bằng nổi. Nói như vậy là để hiển thị khả năng thấu triệt của Phật nhãn; còn bảo Phật nhãn đầy đủ là để hiển thị tánh viên dung của Phật nhãn: có đầy đủ các công dụng của những con mắt khác.

Nếu có ai vặn rằng trong các kinh khác, huệ nhãn được kể là con mắt thứ ba, pháp nhãn là con mắt thứ tư; sao kinh này lại nói ngược lại? Ngài Nghĩa Tịch và Vọng Tây cùng giảng như sau:

- Kinh này nói về nhãn cảnh của pháp nhãn. Hai thứ nhãn trên (huệ nhãn và pháp nhãn) đều thuộc về Tục Ðế, nhưng huệ nhãn bắt đầu thấy được Chơn Ðế. Do Chơn cao hơn Tục nên kinh này xếp pháp nhãn thứ ba, huệ nhãn thứ tư.

- Nếu bàn về thứ tự khởi tu thì trước hết phải thấu đạt Chơn rồi mới có thể dẫn dắt kẻ tục nên các kinh khác xếp pháp nhãn vào vị trí thứ tư như sách Hoa Nghiêm Diễn Nghĩa Sao viết: ‘Ðể trưởng dưỡng chúng sanh thì trước hết phải tu nhục nhãn. Nhục nhãn thấy được sự thô, chẳng thấy được những gì vi tế. Kế đó, tu thiên nhãn. Thiên nhãn thấy được sắc nhưng chưa thấy được chơn cảnh nên phải tu huệ nhãn. Huệ nhãn thấy Lý nhưng chưa thấy được Sự nên phải tu pháp nhãn. Pháp nhãn chưa viên dung nên phải tu Phật nhãn’.

Trí Ðộ Luận cũng nói: ‘Bồ Tát Ma Ha Tát lúc sơ phát tâm dùng nhục nhãn thấy chúng sanh trong thế giới chịu khổ nạn, tâm sanh từ bi nên cầu huệ nhãn để cứu vớt. Ðạt được huệ nhãn rồi lại thấy chúng sanh có các thứ tâm tưởng bất đồng, làm cách nào để khiến chúng sanh chứng đắc được thật pháp này? Vì vậy cầu pháp nhãn để dẫn dắt chúng sanh’.

Thấu đạt Chơn rồi mới có thể dẫn dắt Tục; đó là thứ tự được dùng trong các kinh khác. Còn trong kinh này lại coi Chơn thù thắng hơn Tục nên xếp huệ nhãn vào cấp độ thứ tư. Do đó, trật tự của pháp nhãn và huệ nhãn trong kinh này khác hẳn những kinh khác.

Trong đoạn kinh này, câu ‘không gì là chẳng viên mãn’ chính là lời khen chung tất cả những điều trên. Tiếp đó, kinh chỉ rõ nguyên nhân tại sao hết thảy đều viên mãn:

Trước hết là do hiểu rõ rốt ráo mật tạng của Phật, khác nào theo dòng nước tìm được nguồn, lần theo cành tìm thấy gốc. Ðã tìm thấy cội gốc rồi, chẳng đếm xỉa đến cành nhánh nữa. Cổ đức nói: ‘Ðạt được một thì muôn việc xong’. Nếu có thể thường biết rõ ràng bản thể của Phật thì tự nhiên điều phục được các căn, khác nào tay vung gươm báu kim cang, cái gì xáp đến cũng bị chém phăng. Tự đã chẳng còn, gươm cũng chẳng phải là gươm nên khéo điều phục, thân tâm hòa thuận ‘thâm nhập chánh huệ’. Thân lẫn tâm đều đã điều hòa, đã hiểu rõ chánh huệ thì phiền não dư tập chẳng cần đoạn liền tự dứt, chí nguyện vô thượng, tùy thuận Như Lai, theo lời Phật dạy hành hạnh của Phật.

Bởi thế, thực hành thông suốt Thất Giác, Thánh Ðạo; tu tập đủ ngũ nhãn của Phật, chiếu chơn, đạt tục, thung dung Trung Ðạo. Vì tinh tấn chẳng ngơi nên mở sáng Phật nhãn của chính mình, hiểu rõ pháp tánh, rốt ráo chứng nhập mật tạng của Như Lai.

Rõ ràng là hết thảy diệu đức không một đức nào chẳng bắt nguồn từ mật tạng của Phật; mỗi một diệu đức không thứ nào chẳng quy về mật tạng ấy.

 Chánh kinh: Biện tài tổng trì tự tại vô ngại, khéo hiểu vô biên phương tiện thế gian, lời nói thành khẩn, chơn thật. Thâm nhập nghĩa vị, độ các hữu tình, diễn nói chánh pháp vô tướng, vô vi, chẳng trói buộc, chẳng giải thoát, không các phân biệt, xa lìa điên đảo.

Với những thứ thọ dụng đều chẳng chấp lấy, dạo khắp các cõi Phật, không ưa, không chán, cũng chẳng có ý tưởng mong cầu hay chẳng mong cầu, cũng chẳng có ý tưởng ta - người thù ghét.

Vì sao vậy? Các vị Bồ Tát đó đối với hết thảy chúng sanh có tâm đại từ bi lợi ích, bỏ lìa hết thảy chấp trước, thành tựu vô lượng công đức, dùng vô ngại huệ hiểu pháp như như, khéo biết âm thanh, phương tiện Tập, Diệt, chẳng ưa bàn luận việc đời, chỉ thích chánh luận.

 Giải: Ðoạn kinh này nói về hạnh lợi tha của bậc đại sĩ, gồm có ba điều chính:

a. Diễn thuyết diệu pháp

b. Dạo trong các cõi Phật.

c. Phổ lợi chúng sanh.

Ba điều này dung nhiếp lẫn nhau.

Từ chữ ‘biện tài’ cho đến ‘xa lìa điên đảo’ nói về tánh đức trí huệ và biện tài của Bồ Tát. Chữ ‘biện tài, tổng trì’ được bản Ngụy dịch ghi là ‘đủ các biện tài’. Như vậy, “tổng trì” có nghĩa là đầy đủ các thứ. Câu kinh này ý nói bậc đại sĩ cõi ấy đầy đủ các thứ biện tài. Tổng trì còn có nghĩa là đà ra ni nên ta còn có thể hiểu là: các ngài đã đắc biện tài đà ra ni.

Tiếp đó, kinh nói ‘tự tại vô ngại’ ngụ ý: Bồ Tát đã đắc biện tài vô ngại, hay nói gọn là vô ngại biện. Vô ngại biện có thể chia thành bốn hay chín loại. Tứ vô ngại biện còn gọi là tứ vô ngại trí, tứ vô ngại giải. Ðó là trí huệ biện tài xét về mặt thuyết pháp của Bồ Tát. Do từ phương diện ý nghiệp mà nói nên gọi là Giải hoặc là Trí. Nếu nói theo phương diện khẩu nghiệp thì gọi là Biện.

Kinh Niết Bàn giảng về tứ vô ngại biện như sau: ‘Bồ Tát có thể đạt được bốn vô ngại như sau: pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại, nhạo thuyết vô ngại’.

Còn theo kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã, có đến chín thứ biện tài là: ‘Vô sai biện, vô tận biện, tương tục biện, bất đoạn biện, bất khiếp nhược biện, bất kinh bố biện, bất cộng dư biện, vô biên tế biện, nhất thiết thiên nhân sở ái trọng biện’. Chín thứ này cũng được gọi là vô ngại biện.

Ðại sĩ cõi Cực Lạc có đầy đủ các thứ biện tài mầu nhiệm vô ngại như thế chẳng hề bị chướng ngại nên kinh bảo: ‘Biện tài tổng trì tự tại vô ngại’.

‘Khéo hiểu vô biên phương tiện của thế gian’ là Sai Biệt Trí. Phương tiện là thiện xảo. Do khéo biết căn tánh và ý thích của hết thảy chúng sanh, khéo léo thuyết pháp tùy theo cơ nghi nên khế hợp căn cơ.

Lời nói thành khẩn, chơn thật, thâm nhập nghĩa vị’: Do Căn Bản Trí khế hợp lý Thật Tướng, đắc Sai Biệt Trí, hiểu biết căn cơ của chúng sanh nên nói ra pháp ‘thâm nhập nghĩa vị’. [Vì thuyết pháp] khế lý, khế cơ khiến cho tất cả những người nghe lãnh hội được nghĩa lý, hiểu sâu pháp vị nên họ đều được độ thoát. Do đó, kinh bảo: ‘Ðộ các hữu tình’.

Do khế lý nên pháp nào nói ra cũng là chánh pháp. ‘Chánh pháp’ là đạo pháp chơn chánh. Sách Thắng Man Bảo Quật nói: ‘Phật đem chánh pháp trao cho chúng sanh’. Chánh pháp như thế ‘vô tướng, vô vi, không trói buộc, không giải thoát, không có các phân biệt, xa lìa điên đảo’.

Ngài Tịnh Ảnh bảo ‘vô tướng’ là: ‘Các pháp đều là không nên gọi là vô tướng’. Kinh Niết Bàn cũng dạy: ‘Niết Bàn gọi là vô tướng. Do nhân duyên nào lại gọi là vô tướng? Này thiện nam tử! Do vì không có mười tướng. Những gì là mười? Chính là sắc tướng, thanh tướng, hương tướng, vị tướng, xúc tướng, sanh tướng, trụ tướng, hoại tướng, nam tướng, nữ tướng. Ðấy là mười tướng. Vì thế gọi là vô tướng’.

Ðối với khái niệm hữu tướng, vô tướng, Mật giáo lại có hai cách giải thích: cạn cợt sơ lược và sâu xa bí mật.

a. Nghĩa cạn cợt sơ lược là các pháp thuộc về sắc và tâm mà chúng sanh thấy được, có sự tướng rõ ràng, hiện hành ngay nơi tâm dễ biết, dễ thấy thì gọi là hữu tướng. Thể tánh của các pháp vô sắc, vô hình, chẳng có một tướng tồn tại thì gọi là vô tướng.

b. Nghĩa sâu xa, bí mật là: Hữu tướng là trụ một cách phân minh vào tướng của từng pháp trong hết thảy pháp. Vô tướng là trong một tướng có đủ cả hết thảy tướng, nhưng chẳng giữ lại tướng nào. Tuy đủ hết thảy tướng nhưng chẳng hề thấy có một tướng nên gọi là vô tướng, chứ chẳng phải là vô sắc, vô hình.

Không có nhân duyên tạo tác thì gọi là ‘vô vi’, đồng nghĩa với ‘vô tác’; xin xem lời giải thích chi tiết chữ ‘vô tác’ trong phẩm mười bảy.

‘Không trói buộc, không giải thoát’: thế nhân thường xem phiền não, vô minh là trói buộc; coi đoạn hoặc hiển chơn là độ thoát, nhưng chẳng biết là vô minh và pháp tánh vốn cùng một thể. Pháp tánh như nước, vô minh như băng, hiện ra tướng trạng khác nhau, nhưng xét đến bản thể thì toàn thể của băng vô minh lại chính là nước pháp tánh. Sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa bảo vô minh và phiền não ‘như băng là nước, như nước là băng’. Do băng và nước là một nên không trói buộc, không giải thoát.

‘Không có các phân biệt’ chính là Bất Nhị, chính là Như Thị. Lý thể của pháp giới là bất nhị, bình đẳng nên bảo là Như. Chư pháp đều như nên bảo là ‘như như’. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương nói: ‘Cái này, cái kia đều như nên bảo là như như. Như vốn chẳng hư vọng nên trong kinh còn gọi là Chơn Như’. Do cái này lẫn cái kia đều Như thì tự nhiên ‘không có các phân biệt’.

Kinh Văn Thù Bát Nhã còn dạy: ‘Nếu tin hết thảy pháp đều là Phật pháp thì chẳng sanh sợ hãi, cũng chẳng nghi hoặc. Nhẫn được như vậy thì mau chứng đắc A Nậu Bồ Ðề’. Kinh Ðại Bảo Tích còn dạy: ‘Thậm chí bản tánh của các pháp bình đẳng với Phật tánh cho nên các pháp đều là Phật pháp’. Nếu tin chắc chắn hết thảy pháp đều là Phật pháp thì cũng chẳng còn phân biệt.

Chữ ‘xa lìa điên đảo’ như trên đã giải thích. Xét về cội gốc, vạn pháp đều khế hợp Thật Tướng nên không điên đảo. Trong bản chú giải kinh Tịnh Danh, ngài La Thập đã giảng chữ ‘điên đảo’ như sau: ‘Thấy là có, không, trái nghịch với pháp tướng nên gọi là điên đảo’. Ý nói: Thấy là có hay thấy là không thì đều là còn chấp trước, đều là trái nghịch với tướng bình đẳng của chư pháp nên gọi là điên đảo.

Bốn câu từ chữ ‘vô tướng, vô vi’ cho đến ‘xa lìa điên đảo’ cùng mô tả chánh pháp được giảng bởi bậc đại sĩ cõi Cực Lạc.

* Ðoạn kinh từ chữ ‘với những thứ thọ dụng’ cho đến ‘chẳng có ý tưởng mong cầu’ nói rõ Bồ Tát cõi ấy bình đẳng dạo khắp mười phương cõi nước. Ðối với những thứ thọ dụng, họ đều chẳng chấp trước: đến các cõi thanh tịnh vẫn không yêu thích, vào trong các uế độ cũng chẳng ghét bỏ.

‘Cũng chẳng có ý tưởng mong cầu, hay chẳng mong cầu’: Theo kinh Kim Cang Tam Muội: ‘Có nhiều đường nhập đạo nhưng cốt yếu không ngoài hai thứ: một là lý nhập, hai là hạnh nhập’.

Có bốn thứ hạnh nhập, trong ấy điều thứ ba là: ‘Tâm không mong cầu. Thế nhân mê muội lâu ngày, tham cầu khắp nơi nên gọi là “cầu”. Bậc trí ngộ chơn, an tâm vô vi, vạn hữu đều không, không mong cầu gì. Thật là chơn vô cầu, thuận theo đạo mà hành nên gọi là Vô Sở Cầu Hạnh’.

Do vậy, ‘không có ý tưởng mong cầu’ chính là Vô Sở Cầu Hạnh, ‘cũng không có ý tưởng chẳng mong cầu’ chính là ngay cả cái ‘không mong cầu’ cũng chẳng có. Chẳng lập một pháp chính là vô cầu một cách chơn thật. Chẳng mong cầu lại chính là vô vi. Chẳng không mong cầu chính là chẳng chấp vào vô vi, chẳng chấp hữu vi. Chẳng trụ vào vô vi thì mới khế hội Trung Ðạo (đó là lý nhập). Những điều như vậy chính là diệu đức vào trong các cõi Phật một cách bình đẳng của các Bồ Tát cõi Cực Lạc.

* Tiếp đó, kinh nói đến đức tánh độ sanh bình đẳng của các vị đại sĩ. Các vị Bồ Tát cõi ấy có lòng đại từ bi, nguyện làm lợi lạc hết thảy hữu tình nên đối với hết thảy chúng sanh chẳng nệ là thân hay sơ, là kẻ oán hay người thân, cũng không phân biệt là mình hay người, cũng không có ý tưởng kẻ khác là oán thù hay kẻ chống trái mình, xem tất cả đều như con một, bình đẳng phổ độ. Vì thế, kinh mới nói: ‘Cũng chẳng có ý tưởng ta, người, thù ghét. Vì cớ sao? Các Bồ Tát ấy đối với hết thảy chúng sanh có tâm đại từ bi lợi ích’. 

Những câu kinh tiếp đó nói thêm về cả hai hạnh tự lợi, lợi tha và đức hạnh bình đẳng thuyết pháp. Các Bồ Tát đi qua khắp các cõi nước thuyết pháp chẳng ngoài mục đích độ sanh, mà muốn thuyết pháp thì tự mình phải giác ngộ trước đã, nên kinh mới nói: ‘Bỏ lìa hết thảy chấp trước, thành tựu vô lượng công đức, dùng vô ngại huệ hiểu pháp như như’. Ðó là hạnh tự lợi được viên mãn.

Trong bốn ý vừa nêu trên, ý đầu tiên là bỏ lìa chấp trước vì đây chính là mấu chốt để nhập đạo. Ðức Thế Tôn thấy sao Mai liền triệt ngộ bổn tâm; ngay câu giảng đầu tiên, ngài đã khẳng định hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ, đức tướng như Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước nên chúng sanh chẳng chứng đắc nổi. Do vậy, bỏ lìa được vọng tưởng chấp trước thì ngay khi ấy liền đầy đủ trí huệ, đức tướng của Như Lai. Vì thế, kinh mới bảo: ‘Thành tựu vô lượng công đức’.

‘Vô ngại huệ’ là trí huệ thông đạt viên dung của Phật; bản Ngụy dịch ghi là ‘vô ngại trí’. Kinh Ðại Tập nói: ‘Trí huệ vô ngại chẳng có ngằn mé, khéo hiểu các sự của chúng sanh trong ba đời’. Phẩm Hóa Thành Dụ trong kinh Pháp Hoa cũng có câu: ‘Như Lai vô ngại trí biết Phật kia diệt độ và như hiện nay thấy Thanh Văn và Bồ Tát diệt độ’. Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Hiểu pháp như như là hiểu theo Lý… Giống như hư không nên gọi là Như. Hiểu biết hết thảy muôn pháp đều như thì gọi là “hiểu pháp như như”.

Như Như chính là một trong năm pháp được dạy trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. Lý thể của pháp tánh là bất nhị, bình đẳng nên gọi là Như. Pháp này lẫn pháp kia đều “như” nên mới bảo là Như Như, tức là lý thể khế hợp với Chánh Trí. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 3 cũng nói:

‘Như Như là lý được khế hội bởi Chánh Trí. Các pháp có cùng một thể nên gọi là Như. Trong thể của Nhất Như có đủ cả Phật pháp như số cát sông Hằng trong trần sa cõi nước. Nếu xét theo từng pháp để biện định Như thì Như nghĩa là chẳng phải một. Ðây, kia đều như nên gọi là Như Như’.

Sách Hội Sớ lại giảng: ‘Như Như nghĩa là chẳng một, chẳng khác, chẳng không, chẳng có. Ðấy là tướng của Trung Ðạo Ðệ Nhất Nghĩa Ðế’.

Tổng hợp hai cách giải thích trên, thì Như Như chính là ‘đây, kia đều như’. Do đây, kia đã như nên ‘chẳng khác’. Nhưng vì nói là ‘đây, kia’ nên ‘chẳng một’. Vì thế mới bảo là ‘nghĩa của Như chẳng phải là một’.

Câu ‘khéo biết âm thanh, phương tiện Tập Diệt’ được sách Hội Sớ giảng như sau: ‘Tập là Tập Ðế, ý nói kèm cả Khổ. Diệt là Diệt Ðế, ngụ ý tính cả Ðạo. Do nhân quả ảnh hưởng lẫn nhau nên nói giáo nghĩa Tứ Ðế chính là “âm thanh phương tiện”.

Sách Hội Sớ cho rằng Tập Diệt chính là hai đế Tập và Diệt trong Tứ Ðế: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo nên mới bảo là trong Tập có kèm cả Khổ, trong Diệt tính cả Ðạo. Nay chỉ nói Tập, Diệt chứ thật ra là muốn nói đến cả Tứ Ðế. Lại do nhân thuộc trong biển quả, quả tột cùng nguồn nhân, nhân quả ảnh hưởng lẫn nhau; Tiểu, Ðại, Thiên, Viên đồng quy pháp Nhất Thừa. Vì vậy, nói ra giáo pháp Tứ Ðế chính là phương tiện mà nói nên mới gọi là ‘âm thanh phương tiện’.

Tịnh Ảnh Sớ lại giảng: ‘Khéo hiểu Tập, Diệt… là giáo giải (hiểu trên phương diện giáo nghĩa). Lời dạy tích tập việc lành gọi là Tập âm thanh. Lời dạy diệt ác được gọi là Diệt âm thanh. Bồ Tát đều hiểu rành những điều ấy nên bảo là “khéo biết”. Biết những điều ấy một cách khéo léo nên gọi là “phương tiện”.

Gia Tường Sớ lại nói: ‘Khéo biết âm thanh Tập Diệt là Từ Vô Ngại’.

Ta có thể hiểu câu ‘khéo biết các âm thanh phương tiện Tập Diệt’ theo cả hai cách giải thích trên.

Câu ‘chẳng thích bàn việc đời, chỉ ưa chánh luận’ trong đoạn cuối được sách Hội Sớ giảng như sau: ‘Ý nói lìa lầm lỗi, tức là chẳng ham bàn luận những việc thế gian vô ích, chỉ thích nói liễu nghĩa rốt ráo xuất thế của Ðại Thừa’. Liễu nghĩa Ðệ Nhất Nghĩa Ðế rốt ráo được gọi là ‘chánh luận’.

 Chánh kinh: Biết hết thảy pháp đều là không tịch. Nhị dư: sanh thân và phiền não cùng hết sạch. Trong tam giới, bình đẳng siêng tu đệ nhất thừa rốt ráo, đạt tới bờ kia, quyết đoạn lưới nghi, chứng vô sở đắc. Dùng Phương Tiện Trí để tăng trưởng liễu tri. Từ đầu đến nay an trụ trong thần thông, đắc đạo Nhất Thừa, chẳng do cái gì khác mà khai ngộ.

 Giải: Ðoạn này nói rõ hạnh đức viên mãn của hàng Bồ Tát cõi Cực Lạc.

‘Biết hết thảy pháp đều là không tịch’: Không là như trong phẩm Ðệ Tử của kinh Duy Ma đã nói: ‘Các pháp rốt ráo vô sở hữu, đó là nghĩa của chữ Không’, và cũng như sách Ðại Thừa Nghĩa Chương bảo: ‘Không là xét theo Lý mà đặt tên. Lý vắng lặng nên gọi là Không’.

Sách Hội Sớ lại bảo: ‘Bát Nhã diệu huệ chứng tịch diệt bình đẳng nên bảo là “biết hết thảy pháp đều là tịch diệt” (chữ ‘không tịch’ được bản Ngụy dịch ghi là ‘tịch diệt’).

Sách Vạn Thiện Ðồng Quy Tập ghi: ‘Kinh giáo gọi “Không” là Không vì nó bất khả đắc, vì nó chẳng có thật tánh, đó là cái Không chẳng bị đoạn diệt’.

Tổng hợp những cách giải thích vừa dẫn, ta có thể nói một cách giản yếu như sau: Bồ Tát cõi Cực Lạc do trí huệ Bát Nhã mầu nhiệm nên biết rõ hết thảy các pháp đều rốt ráo là vô sở hữu, bất khả đắc, bình đẳng không tịch; tuy biết chắc hết thảy pháp là không nhưng chẳng đoạn diệt. Cái không tịch này là Thật Tế lý thể chứ không phải là Ðoạn Không. Nó là Ðệ Nhất Nghĩa Không, là cái Không chẳng bị đoạn diệt. Khế nhập được Tịch Diệt bình đẳng như thế nên kinh mới nói: ‘Biết hết thảy pháp đều là không tịch’.

Chữ ‘sanh thân’chỉ chung cái thân phần đoạn sanh tử và cái thân biến dịch sanh tử (ở đây, chữ ‘sanh thân’ chỉ cái thân biến dịch sanh tử của Bồ Tát (1)). Sanh thân chính là một pháp trong ‘nhị dư’.

‘Nhị dư’ chính là khổ báo nơi sanh thân và tàn dư phiền não. Sanh thân là khổ quả, phiền não là nhân của các hoặc chướng. Cả hai thứ tàn dư này đều hết sạch nên kinh mới nói: ‘Nhị dư: sanh thân và phiền não cùng hết sạch’.

Sách Hội Sớ bảo: ‘Sanh thân là khổ quả vướng vào thân, nó chính là Khổ Ðế. Phiền não là kiến hoặc, tư hoặc. Nó chính là Tập Ðế’.

‘Nhị dư’ chính là tàn dư của Khổ và Tập. Bồ Tát đoạn được chánh sử và tập khí (2) nên chẳng còn tàn dư, vượt khỏi tam giới, không còn phải do cha mẹ sanh ra mới có thân, đoạn sạch tất cả triền phược thuộc hữu lậu quả nên kinh nói là ‘cùng hết sạch’.

Ngài Cảnh Hưng lại bảo: ‘Sanh thân là báo, phiền não là nhân tạo khổ. Cả hai thứ nhân lẫn quả đều đã hết sạch’.

Ngài Tịnh Ảnh lại bảo: ‘Sanh thân là khổ báo. Phiền não là cái nhân gây hoặc chướng. Hai thứ tàn dư này đều đã diệt sạch’. Bởi thế mới bảo là: ‘Nhị dư: sanh thân và phiền não cùng hết sạch’.

‘Nhất Thừa’ là con đường duy nhất để thành Phật, là giáo pháp tối cực viên đốn. ‘Thừa’ là cỗ xe, thường được ví với giáo pháp của Phật. Giáo pháp có khả năng chuyên chở hành nhân đến được bờ kia Niết Bàn nên gọi là Thừa.

Sách Thắng Man Bảo Quật, quyển thượng nói: ‘Nhất Thừa: Ðạo cùng tột, không hai nên gọi là Nhất. Vận dụng tự tại nên gọi là Thừa’.

Kinh Thắng Man cũng dạy: ‘Nhất Thừa chính là Ðệ Nhất Nghĩa thừa’. Ngài Cảnh Hưng lại bảo: ‘Nhất Thừa chính là trí, tuy có ba nhưng xét đến cùng cực thì chẳng có hai nên gọi là Nhất Thừa’.

Kinh Pháp Hoa chuyên dạy về lý Nhất Thừa, phẩm Phương Tiện của kinh ấy có câu: ‘Trong cõi Phật mười phương chỉ có pháp Nhất Thừa, cũng chẳng có hai hay ba thừa, trừ phi Phật phương tiện nói như vậy’.

Kinh còn dạy: ‘Chỉ có một sự thật này, hai thứ kia chẳng phải là chơn’. Tịnh Ảnh Sớ cũng giảng: ‘Thừa là hạnh dụng. Hạnh có khả năng chuyển tải nên gọi là Thừa. Do hóa độ nên có nhiều thừa, nhưng thật sự [những thừa ấy] chẳng khác. Bởi vậy mới nói là một. Chỗ tận cùng của Nhất Thừa ấy gọi là cứu cánh’. Ý lời sớ là: Chỗ tột cùng của lý Nhất Thừa được gọi là ‘cứu cánh Nhất Thừa’. Các vị đại Bồ Tát cõi Cực Lạc bi thệ sâu rộng, tuy sống trong Cực Lạc nhưng vì thương xót chúng sanh nên bèn thị hiện trong tam giới sanh tử, trụ bình đẳng huệ, siêng gắng tu tập. Bởi vậy, kinh mới nói: ‘Trong tam giới, bình đẳng siêng tu’.

Họ hiểu thấu lý Thật Tướng Nhất Thừa một cách rốt ráo, đạt đến bờ kia Niết Bàn nên kinh bảo: ‘Ðạt tới bờ kia’. Sách Hội Sớ nói: ‘Bờ kia là Niết Bàn diệu quả’. Tịnh Ảnh Sớ ghi: ‘Ðạt tới bờ kia là [đạt tới] Niết Bàn cực quả’. Chữ ‘Niết Bàn cực quả’ chỉ quả tột cùng của Niết Bàn, tức là vô thượng quả giác chí cao, rốt ráo thành Phật vậy.

Câu ‘quyết đoạn lưới nghi’ được hiểu nhiều cách khác nhau:

- Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Trừ vọng hiển chơn gọi là đoạn lưới nghi’. Sách Hội Sớ cũng giảng giống vậy: ‘Ðoạn trừ lưới nghi, trí huệ tự sanh’. Cả hai bộ sớ này đặt nặng việc đoạn trừ lưới nghi của chính mình.

- Gia Tường Sớ lại giảng: ‘Quyết đoạn lưới nghi là đoạn được mối nghi của chúng sanh’.

Hai thuyết tuy khác, nhưng chẳng mâu thuẫn nhau vì muốn trừ được mối nghi cho chúng sanh thì trước hết chính mình đã phải không còn nghi ngờ gì. Hơn nữa, khi tự mình đã xé tan lưới nghi thì chơn trí tự sanh, ắt sẽ khởi đại hạnh khiến cho khắp các chúng sanh cũng đoạn nghi, chứng chơn. Bởi đó, ‘quyết đoạn lưới nghi’ gồm đủ cả hai nghĩa (tự mình đoạn nghi và đoạn nghi cho chúng sanh).

‘Vô sở đắc’ còn gọi là ‘vô sở hữu’ tức là Không huệ hay còn được gọi cách khác là Vô Sai Biệt Trí. Thấu hiểu chơn lý vô tướng, tự tâm không chấp trước vào đâu cả, không còn có các phân biệt thì là ‘vô sở đắc’. Tâm kinh dạy: ‘Vô trí cũng vô đắc’. Trí Ðộ Luận giảng: ‘Do trong Thật Tướng của các pháp chẳng thể có được tướng quyết định nên gọi là vô sở đắc’. Kinh Niết Bàn cũng dạy: ‘Vô sở đắc được gọi là huệ. Hữu sở đắc thì gọi là vô minh’. Kinh còn nói: ‘Hữu sở đắc thì gọi là sanh tử luân. Hết thảy phàm phu sanh tử luân hồi nên có sở kiến. Bồ Tát vĩnh viễn đoạn hết thảy sanh tử cho nên Bồ Tát được gọi là vô sở đắc’.

Lời dạy của kinh Niết Bàn thật là lời giảng liễu nghĩa về cứu cánh chơn thật. Theo bản sớ giải kinh Nhân Vương của ngài Lương Phần, ‘vô sở đắc’ được hiểu như sau: ‘Tâm vô sở đắc là Vô Phân Biệt Trí’.

Trong tác phẩm Duy Ma Kinh Sớ, ngài Tịnh Ảnh Huệ Viễn lại giảng: ‘Bồ Tát phá tan tình, tướng, đạt đến chỗ vô đắc thì gọi là vô sở đắc’. Như vậy, ‘vô sở đắc’ tức là đạt đến chỗ vô đắc.

‘Phương Tiện Trí’ còn gọi là Quyền trí, tức là trí hiểu rõ pháp phương tiện, trí thực hành phương tiện. Quyền trí và Thật trí là hai mặt hỗ tương. Thấu đạt Thật Tướng của các pháp thì gọi là Như Lai Thật Trí. Hiểu rõ các thứ sai biệt là Như Lai Quyền Trí. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển mười chín giảng: ‘Biết pháp Nhất Thừa chơn thật thì gọi là Thật Trí. Biết rõ pháp quyền nghi để hóa độ ba thừa thì gọi là Phương Tiện Trí’.

Ngoài ra, Thật trí là thể, Quyền trí là dụng. Bản thể sự thành Phật của Như Lai là Thật trí, diệu dụng giáo hóa suốt cả một đời của ngài thuộc về Quyền trí.

Mật giáo lại lấy Tâm Liên Hoa Ðài của Thai Tạng Mạn Ðồ La làm Thật trí, tám cánh hoa nở (của Liên Hoa Ðài) làm Quyền trí. Kinh Ðại Nhật, quyển hai chép: ‘Chư Phật rất hy hữu, Quyền trí chẳng nghĩ bàn’. Do đó, ta thấy rõ Phương Tiện Trí cũng chẳng thể nghĩ bàn. Diệu dụng độ sanh, phương pháp quyền biến hóa độ toàn là từ trí này phát khởi.

Hơn nữa, dùng Thật trí để cầu Quyền trí, cũng chính là từ Căn Bản Trí đạt được Sai Biệt Trí nên kinh mới nói: ‘Tăng trưởng liễu tri’. Ta có thể dùng hình ảnh hoa sen nở tung để ví ‘tăng trưởng’, búp sen hàm tiếu ví cho ‘liễu tri’. Tám cánh của đóa sen nơi tâm xòe nở trọn vẹn thể hiện ý nghĩa ‘tăng trưởng liễu tri’ (hoa sen tám cánh trong viện Liên Ðài bát diệp của Thai Tạng mạn đồ la của Mật giáo chính là đóa sen nơi tâm của chúng sanh (3)) vì cánh sen nở tung phơi bày đài sen khác nào Phương Tiện Trí khai minh, hiển lộ trọn vẹn nguồn tâm.

Hơn nữa, việc độ sanh chẳng thể không dùng đến thần thông, mà từ xưa đến nay, Bồ Tát vốn đã tự nhiên an trụ trong các thần thông; các thần thông ấy chẳng phải có tự bên ngoài, đúng như kinh Viên Giác nói: ‘Vốn đã thành Phật’ nên kinh đây mới bảo: ‘Từ đầu đến nay an trụ trong thần thông’.

Thật trí lẫn Quyền trí cùng chiếu tỏ thì tự nhiên an trụ trong thần thông, trọn vẹn diệu đức, nhập vào Thật Tướng, chứng vô sở đắc. Do vô sở đắc nên ‘đắc đạo Nhất Thừa’.

Ý ‘chẳng do cái gì khác để khai ngộ’ được bản Ðường dịch ghi như sau: ‘Ðắc đạo Nhất Thừa, chẳng có nghi hoặc. Với giáo pháp của Phật chẳng do cái gì khác để khai ngộ’; còn bản Ngụy dịch ghi là: ‘Huệ do tâm xuất’. Tịnh Ảnh Sớ giải thích: ‘Chơn giải phát trung, danh huệ tâm xuất’. Ý nói: Sự giải ngộ chơn thật phát xuất từ tự tâm nên bảo là ‘huệ do tâm xuất’.

Trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Sớ, ngài Vọng Tây viết: ‘Lưới nghi đã đoạn, chợt chứng Thật lý. Cái năng chứng trí ấy chẳng phát sanh từ cái nào khác mà chính là phát sanh từ nơi tâm’. Ý nói: Ngay cả mối nghi nhỏ nhiệm cũng đã vĩnh viễn đoạn sạch thì hiển nhiên đại ngộ, đốn chứng Thật lý, đắc Nhất Thừa đạo. Cái trí chứng được đạo Nhất Thừa ấy phát xuất từ tự tâm, quyết chẳng từ cảnh nào khác phát sanh.

Hội Sớ viết: ‘Ðoạn trừ lưới nghi thì trí huệ tự sanh. “Do tâm” nghĩa là Vô Sư Tự Nhiên Trí, chẳng cần phải do sự nào khác mà ngộ’. Ý nói: Trí huệ phát sanh ấy chính là Vô Sư Trí và Tự Nhiên Trí. Ðã là Vô Sư Trí thì chẳng do người nào khác mà đắc. Trí ấy lại là Tự Nhiên Trí thì chẳng cần phải do sự nào khác mà sanh. Vì vậy, kinh mới nói: ‘Huệ do tâm xuất’‘chẳng do cái gì khác để khai ngộ’.

Ta có thể hiểu theo câu kinh này theo các cách giải thích của cả ba bộ sớ trên. Nói chung là đại ngộ rạng rỡ, chứng nhập Thật Tướng, các diệu trí như Vô Sư Trí, Tự Nhiên Trí v.v… cùng hiện rạng ngời, chứng ngộ phát sanh từ tự tâm, chẳng phải do từ cái gì bên ngoài phát sanh.

Vật gì đem từ ngoài cửa vào thì có phải đâu là của báu nhà mình sẵn có. Lục Tổ Huệ Năng đại sư nói: ‘Mật ở tại nơi ngươi!’. Rõ ràng, mật tạng của chư Phật ta vốn sẵn đủ, hễ ngộ thì nó hiển hiện sáng lòa, chẳng từ cái khác mà có nên kinh mới dạy: ‘Ðắc đạo Nhất Thừa, chẳng do cái khác mà khai ngộ’.

Xem mục lục