Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

18. Siêu thế hy hữu

Chánh kinh: Trong cõi Cực Lạc ấy, tất cả chúng sanh dung sắc vi diệu siêu thế hy hữu, đều cùng một loại, không có tướng sai biệt; chỉ vì thuận theo lề lối các phương khác mà có tên gọi là Trời hay Người.

 

Giải: Phẩm này nói rõ y báo và chánh báo cõi ấy đều vượt xa thế gian, thật là hy hữu. Trước hết, ta hãy luận về chánh báo.

Trong câu ‘tất cả chúng sanh dung sắc vi diệu’, ‘dung’ là hình dáng, dung mạo, ‘sắc’ là sắc tướng. ‘Vi diệu’ là tinh diệu đến cùng cực.

Hội Sớ giảng chữ ‘siêu thế hy hữu’ như sau: ‘Chẳng phải là thân hữu lậu, sanh diệt nên bảo là siêu thế. Bản thể của tấm thân là pháp tánh thanh tịnh nên bảo là hy hữu’. Sách Luận Chú cũng có bài kệ rằng: ‘Chúng trời, người bất động, sanh từ biển trí huệ thanh tịnh’. Như vậy, tất cả chúng sanh đều từ thanh tịnh cú biến hiện, vượt xa thế gian nên kinh bảo ‘siêu thế hy hữu’.

Hơn nữa, họ đều từ liên hoa hóa sanh, chơn thân kim sắc, đủ băm hai tướng nên bảo là ‘siêu thế hy hữu’. Sắc tướng đều giống hệt như nhau nên bảo là ‘đều cùng một loại, không có tướng sai biệt’. Ðấy chính là do các nguyện ‘thân đều sắc vàng’, ‘thân đủ băm hai tướng’‘thân không sai biệt’ cảm thành.

Ngoài ra, chúng sanh trong cõi ấy ‘đều được thần thông tự tại’, ‘đều trụ trong chánh định tụ’, ‘đắc bất thối chuyển’ thật sự đều vượt xa trời người, nhưng vì đa số các phương khác đều có trời, người nên thuận theo thói đời cũng giả lập những danh từ trời, người. Phẩm ‘Lễ Phật Hiện Quang’ trong kinh này có nói: ‘Cõi ấy chỉ trang nghiêm bằng các báu, là nơi thánh hiền cùng ở’. Ðã toàn là bậc thánh hiền thì lẽ đâu thật có trời, người như trong thế gian?

Theo ngài Nghĩa Tịch, trong số những hạng được gọi là trời hay người nơi cõi ấy thì người niệm Phật vâng giữ ngũ giới (nghiệp sanh cõi người) được vãng sanh thì gọi là ‘người’, còn người niệm Phật kiêm hành thập thiện (thập thiện là nghiệp sanh cõi trời) được vãng sanh thì gọi là ‘trời’. Người sống trên mặt đất thì gọi là ‘người’, người ở trên hư không thì gọi là ‘trời’.

 Chánh kinh: Phật bảo A Nan:

- Ví như kẻ ăn mày nghèo đói trong thế gian ở cạnh đế vương thì diện mạo, hình trạng của họ có giống nhau hay không? Nếu đem so với Chuyển Luân thánh vương thì đế vương lại hóa ra bỉ lậu khác nào kẻ ăn mày đặt cạnh đế vương. Chuyển Luân thánh vương oai tướng bậc nhất nhưng đem so với Ðao Lợi thiên vương lại càng xấu kém. Nếu đem Ðế Thích sánh với Ðệ Lục thiên thì chẳng bằng được một phần trăm ngàn lần. Ðệ Lục thiên vương nếu đem so với Bồ Tát, Thanh Văn trong cõi Cực Lạc thì quang nhan, dung sắc cũng chẳng bằng nổi một phần vạn ức lần.

 Giải: Ðoạn này dùng các thí dụ để hiển thị dung sắc siêu thắng của chúng sanh cõi Cực Lạc. Kinh dùng đến năm tầng thí dụ để so sánh:

a. Ðem kẻ ăn mày so với vua. Kẻ ăn mày là người xin cơm để sống, hình dung khô kháo. Vua cõi nhân gian ăn thức quý, ở chốn sang trọng nhất, hình dáng béo tốt, tươi nhuận, vẻ mặt rạng rỡ. Ðem kẻ ăn mày sánh với đế vương thì kẻ ăn mày xấu kém đến hết mức!

b. Ðem vua trong nhân gian sánh với Chuyển Luân thánh vương thì vua cõi nhân gian lại càng thua kém đến bực nào.

c. Ðem Chuyển Luân Vương so với Ðế Thích.

d. Ðem Ðế Thích so với Ðệ Lục thiên (tức là Tha Hóa Tự Tại thiên, là tầng trời cao nhất trong sáu tầng trời Dục giới) lại càng xấu kém đến trăm ngàn lần hơn nữa.

e. Nếu đem vua tầng trời thứ sáu so với Bồ Tát và Thanh Văn cõi Cực Lạc thì ‘chẳng bằng được đến một phần vạn ức lần’.

Ðoạn kinh này đã nói rõ đến cùng cực vẻ mặt sáng ngời, dung sắc siêu thế hy hữu của chúng sanh cõi Cực Lạc.

 Chánh kinh: Cung điện họ ở, y phục, thức ăn, vật uống giống như cõi trời Tha Hóa Tự Tại.

 Giải: Câu này diễn tả y báo siêu việt, thù thắng của cõi Cực Lạc: áo mặc, cơm ăn, chỗ ở đều giống hệt như ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại.

 Chánh kinh: Còn như oai đức, địa vị, thần thông biến hóa [của họ] thì hết thảy trời người chẳng thể sánh nổi; [hơn đến] trăm ngàn vạn ức, chẳng thể tính nổi lần.

A Nan nên biết: Cõi nước Phật Vô Lượng Thọ công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn như thế.

 Giải: Ðoạn kinh này chỉ rõ oai đức, phẩm vị của chánh báo đều siêu thế hy hữu.

‘Oai đức’ là oai thần và công đức. Người cõi Cực Lạc ‘thần thông đỗng đạt, thế lực tự tại’, ‘trụ chánh định tụ’, ‘quyết chứng cực quả’ nên kinh bảo là oai đức không ai sánh bằng. ‘Ðịa vị’ là giai vị và phẩm vị. Họ đắc ba thứ bất thối địa vị ngang với bậc Bổ Xứ nên địa vị không ai sánh bằng.

‘Thần thông biến hóa’ là như kinh nói: ‘Thanh Văn trong cõi ấy có thể nắm hết thảy thế giới trong lòng bàn tay’. Hết thảy chúng sanh cõi ấy lại còn đắc các thần thông thù thắng như túc mạng, thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, thần túc, lậu tận như lời nguyện thứ mười có nói: ‘Trong khoảng một niệm, vượt qua ức na do tha trăm ngàn cõi Phật đi khắp tất cả cúng dường chư Phật’. Thần thông của họ thật đã vượt xa thần thông Nhị Thừa, huống hồ là thần thông của trời, người! Vì vậy, ba thứ oai đức, địa vị, thần thông biến hóa của họ hết thảy trời người chẳng sánh được nổi, dẫu chỉ so với một phần của trăm ngàn ức lần, thậm chí chẳng thể tính lần thì vẫn còn kém xa lắm.

Do đó, cuối đoạn kinh trên Phật đã buông lời khen ngợi chung cõi nước Phật A Di Ðà là ‘công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn như vậy’.

Xem mục lục