Quyển Thứ Hai
Trong quyển này, từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ mười trình bày nhân địa của Phật Di Ðà một cách chi tiết: thấy Phật nghe pháp, sơ phát đại tâm, năm kiếp tinh tấn kết thành đại nguyện, Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh độ khắp ba căn, cứu hết muôn loài, tích công trữ đức, trụ chơn thật huệ, một dạ chuyên chí trang nghiêm cõi nước nhiệm mầu. Trong vô lượng kiếp, ngài vun bồi đức hạnh để thành tựu viên mãn các đại nguyện đã phát. Trong ba kinh Tịnh Ðộ, chỉ mình kinh này giảng nói những sự việc như vậy nên kinh này được xưng tụng là kinh Tịnh Ðộ đệ nhất.
B. Chánh Tông Phần
Phần Chánh Tông của một bản kinh giống như thân người có đủ các tạng: tim, phổi... Phần Chánh Tông của kinh này gồm các phẩm từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ mười hai. Nhân hạnh của Phật Di Ðà, đại nguyện của Pháp Tạng, y báo, chánh báo trang nghiêm cõi Cực Lạc, chánh nhân vãng sanh của ba bậc, sự tu trì của các Bồ Tát cõi Cực Lạc, nhân duyên sanh vào nghi thành biên địa, các sự ác khổ của cõi uế Sa Bà, hiển hiện Cực Lạc để chứng tín v.v... đều được thuật rõ trong phần Chánh Tông. Ðấy chẳng những là chủ thể của kinh này mà còn thật sự là những điểm chủ chốt trong toàn bộ diệu pháp Tịnh Ðộ vậy.
Kinh này hơn hẳn các kinh khác ở chỗ nó trình bày tường tận vô biên pháp hạnh nhiệm mầu như sự tu hành khi còn tu nhân của Cực Lạc giáo chủ A Di Ðà Phật, thệ nguyện thù thắng của ngài v.v... Nội dung của quyển hai này bàn về lời phát nguyện của Di Ðà khi còn tu nhân cũng như những việc ngài đã thực hiện để viên mãn những đại nguyện đó. Trước hết, kinh nói ‘trong quá khứ vô lượng chẳng thể nghĩ bàn kiếp’ nhằm diễn giải: trong thuở cùng cực lâu xa về quá khứ, Phật Di Ðà trong thời Phật Thế Gian Tự Tại Vương được gặp Phật xuất gia học đạo, pháp danh là Pháp Tạng, phát khởi thệ nguyện sâu rộng. Như vậy, thời gian kể từ khi đức Phật Di Ðà còn đang tu nhân phát tâm tu hành đến nay thật chẳng thể tính kể nổi.
Lúc đức Di Ðà phát nguyện, ngài đã không còn là phàm phu. Ða số các bậc cổ đức đều cho rằng khi phát nguyện như thế, ngài đã ở địa vị địa thượng Bồ Tát. Suy ra, thời kỳ ngài phát tâm ban đầu còn phải lâu xa hơn nữa. Do vậy, người tu Tịnh Ðộ càng phải sanh lòng tin trong sạch, cảm niệm ân đức vô biên của Phật. Y báo, chánh báo cõi Cực Lạc và diệu pháp trì danh chính là diệu quả do đức Di Ðà trong vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn kiếp đã siêng gắng tu tập thành để nay ta đem cái diệu quả ấy làm nhân tâm của mình. Ân ấy, đức ấy không cách nào sánh ví, diễn tả nổi.
Hơn nữa, khi còn tu nhân đức Di Ðà đã chứng Pháp Thân từ lâu nên Nhất Thừa nguyện vương, sáu chữ hồng danh, các thứ trang nghiêm y báo, chánh báo, thậm chí một sợi lông, một mảy bụi không một thứ nào chẳng phát sanh từ vô vi Pháp Thân, trí huệ chơn thật. Mỗi một thứ ấy đều siêu tình ly kiến, mỗi một thứ ấy đều được Thật Tướng chánh ấn in vào, mỗi một thứ đều khai hóa hiển thị Chơn Thật Tế, mỗi một thứ đều ban cho chúng sanh cái lợi chơn thật. Do vậy, pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn.
Phẩm thứ tư tiếp theo đây sẽ nói về nhân duyên phát tâm học đạo của tỳ kheo Pháp Tạng trong khi tu nhân