6. Tạng giáo sở nhiếp (phân định kinh này thuộc về tạng nào, giáo nào)
Phàm nghiên cứu kinh điển, trước hết phải biết kinh này thuộc tạng nào, được nói trong thời nào, phán định thuộc giáo nào? Biết rõ các điều ấy sẽ giúp ích cho việc lý giải toàn kinh.
Về sự phán định một đời thánh giáo, ý kiến các nhà khác nhau. Nói tóm tắt là: tam tạng, nhị tạng, ngũ thời, nhị giáo và tứ giáo, ngũ giáo. Hễ giải thích kinh, trước hết cần phải phán định rõ ràng: Kinh này trong tam tạng thuộc về Kinh tạng. Trong nhị tạng thuộc Bồ Tát tạng. Trong ngũ thời thuộc thời Phương Ðẳng, trong nhị giáo thuộc Ðốn giáo, trong tứ giáo và ngũ giáo thuộc Viên giáo.
a. Tam tạng
Ðại Thừa Nghĩa Chương giải thích chữ Tạng là: ‘Bao hàm, chứa đựng sâu xa thì gọi là Tạng’. Kinh điển bao hàm, chứa đựng hàm súc văn nghĩa nên gọi là Tạng.
Một là Kinh tạng, tiếng Phạn là Tu-đa-la, Tàu dịch là Khế kinh. Hai là Luật tạng, tiếng Phạn là Tỳ-nại-da, Tàu dịch là Ðiều Phục. Ba là Luận tạng, tiếng Phạn là A-tỳ-đạt-ma, tàu dịch là Ðối Trị.
Trong ba tạng Kinh, Luật, Luận, kinh này thuộc Kinh tạng.
b. Nhị tạng
Trí Ðộ Luận chép:
‘Tuy cùng là một môn giải thoát mà có tự lợi, lợi người sai khác, thế nên có Tiểu thừa, Ðại thừa sai khác. Do vì có hai hạng người nên với lời Phật dạy, dùng văn tự, ngữ ngôn chia thành hai thứ’, tức là Thanh Văn tạng và Bồ Tát tạng.
Thánh giáo tuy nhiều, chẳng ngoài hai loại này (Duyên Giác tính gộp vào Thanh Văn, nên chỉ có hai tạng).
Sớ giải của ngài Tịnh Ảnh Huệ Viễn viết:
‘Ngài Long Thọ nói: Sau khi Phật diệt độ, Ca Diếp, A Nan ở thành Vương Xá kết tập pháp tạng thành Thanh Văn tạng. Văn Thù, A Nan nơi núi Thiết Vy kết tập Ma Ha Diễn (đại thừa) thành Bồ Tát tạng.
Ngài Trì Ðịa cũng nói: Phật vì Thanh Văn, Bồ Tát hành đạo thoát khổ nói tu-đa-la. Người kết tập kinh chia thành hai tạng. Kinh nói về hạnh của Thanh Văn làm thì là Thanh Văn tạng. Kinh nói về hạnh Bồ Tát là Bồ Tát tạng’.
Kinh này rộng diễn Ðại thừa, trình bày tường tận về tín nguyện vãng sanh, nhân quả thù thắng, cõi Phật Tịnh Ðộ, y chánh trang nghiêm, nguyện hải vô biên của Phật Di Ðà, đạo phổ độ khắp các chúng sanh nên thuộc về Bồ Tát tạng.
c. Ngũ thời
Thiên Thai đại sư dựa vào kinh Niết Bàn, chia cả đời giáo hóa của Như Lai thành năm thời:
- Một là trong hai mươi mốt ngày đầu tiên, nói kinh Hoa Nghiêm là thời Hoa Nghiêm.
- Thứ hai, trong mười hai năm kế tiếp, nơi vườn Lộc Dã v.v.. giảng bốn kinh A Hàm của Tiểu thừa là thời A Hàm.
- Thứ ba, trong tám năm kế tiếp, nói các kinh Duy Ma, Ðại Tập, Lăng Nghiêm v.v... và kinh này, chỉ trích thiên giáo, bài trừ tiểu giáo, khen ngợi Ðại thừa, cổ võ Viên giáo. Nói rộng (Phương) bốn giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên bình đẳng (Ðẳng) độ khắp các căn cơ nên gọi là thời Phương Ðẳng.
- Thứ tư, lại trong hai mươi hai năm kế đó, nói các kinh Ðại Bát Nhã, gọi là thời Bát Nhã.
- Thứ năm, trong tám năm sau cùng, nói kinh Pháp Hoa, một ngày một đêm nói kinh Niết Bàn, cửu giới, tam thừa đều được thọ ký, chẳng luận Ðại, Tiểu đều được thành Phật. Thời này gọi là thời Pháp Hoa - Niết Bàn.
Ta nói kinh này thuộc thời Phương Ðẳng thứ ba. Hơn nữa, kinh này được đức Thế Tôn nhiều phen tuyên thuyết nên chẳng thể hạn cuộc trong một thời nào.
d. Phán giáo
Tứ giáo và ngũ giáo
Các sư xưa nay phán định giáo tướng nói chung có 12 nhà, nhưng nổi tiếng nhất là thuyết Tứ Giáo của ngài Thiên Thai lập ra và Ngũ Giáo của tông Hiền Thủ.
Tứ Giáo theo Thiên Thai là Tạng, Thông, Biệt, Viên:
- Một là Tạng giáo, cũng gọi là Tiểu thừa giáo.
- Hai là Thông giáo, tức là trong Ðại thừa nói thông cả ba thừa, độ chung ba căn. - - Ba là Biệt giáo chỉ cho giáo pháp được nói trong kinh Ðại thừa chẳng thông với Tiểu thừa.
- Bốn là Viên giáo, tức là pháp giới tự tại viên mãn đầy đủ: một là hết thảy, hết thảy là một, vô ngại pháp môn v.v...
Tông Hiền Thủ phán giáo như sau: ‘Thánh giáo muôn phần sai khác, nhưng chính yếu chỉ có năm loại: Tiểu Thừa Giáo, Ðại Thừa Thỉ Giáo, Chung Giáo, Ðốn Giáo, Viên Giáo’.
* Tiểu thừa giáo: Chỉ nói về nhân không, dù có nói đôi chút về pháp không cũng chẳng minh xác do chưa tột cùng nguồn pháp.
* Ðại thừa Thỉ giáo: chưa dạy nghĩa lý: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, chẳng hứa khả định tánh xiển đề sẽ thành Phật, chưa bàn đến điểm cùng tột của Ðại thừa nên gọi là Thỉ (bắt đầu).
* Chung giáo: Do Trung Ðạo diệu hữu, định tánh xiển đề đều sẽ thành Phật mới là nói đến chỗ cùng tột của Ðại thừa nên gọi là Chung (cuối cùng).
* Ðốn giáo: chỉ nói chơn tánh, một niệm chẳng sanh thì gọi là Phật. Chẳng nương theo địa vị để nói theo thứ lớp nên gọi là Ðốn. Như kinh Tư Ích dạy: ‘Ðắc thuyết pháp chánh tánh là chẳng từ một địa vị này sanh lên một địa vị khác’. Kinh Lăng Nghiêm dạy: ‘Sơ Ðịa chính là Bát Ðịa, nhẫn đến không có gì là thứ lớp cả’.
* Viên giáo: gộp chung cả bốn loại trên, viên mãn đầy đủ, giảng về vô tận pháp giới, tánh hải viên dung, duyên khởi vô ngại, tương tức, tương nhập, lưới Ðế Thích trùng trùng (8), chủ bạn giao tham (9) vô tận, vô tận. Một địa vị chính là hết thảy địa vị, hết thảy địa vị chính là một địa vị. Vì vậy, thập tín mãn tâm chính là gồm trọn hết thảy địa vị, viên thành chánh giác.
Nhị giáo
Trên đây, tuy cách phán giáo khác nhau, nhưng ý kiến của các nhà chẳng ngoài hai giáo: Tiệm, Ðốn. Hai thuyết Thiên Thai, Hiền Thủ cũng đều dùng Tiệm, Ðốn để chia thành tứ giáo, ngũ giáo. Ngũ Giáo Chương chép:
‘Hoặc chia làm hai, tức là: Tiệm, Ðốn. Do trong hai giáo Thỉ, Chung, tất cả giải hạnh đều ở ngôn thuyết, địa vị có thứ lớp, nhân quả nương dựa nhau, từ nhỏ nhiệm đến phức tạp nên gọi chung là Tiệm. Ngôn thuyết đốn tuyệt, lý tánh đốn hiển, giải hạnh đốn thành, một niệm chẳng sanh chính là Phật v.v... thì gọi là Ðốn’.
Sư Huệ Viễn đời Tùy của Trung Hoa (tức ngài Tịnh Ảnh) phán định kinh này như sau:
‘Nay kinh này, trong hai tạng thuộc về Bồ Tát tạng, là pháp môn Ðốn Giáo dành cho người căn cơ chín muồi. Vì sao biết là Ðốn? Kinh này chính vì người trong hàng phàm phu nhàm sợ sanh tử cầu chánh định, dạy họ phát tâm sanh về Tịnh Ðộ, chẳng từ Tiểu thành Ðại, cho nên biết là Ðốn’.
Sư Ðại Hựu đời Minh phán định kinh Tiểu Bổn như sau: ‘Về phương diện Tiệm Ðốn, kinh này thuộc Ðốn giáo’. Các sư Trung Hoa đa phần phán định hai kinh Tiểu Bổn, Ðại Bổn theo thuyết này. Vì vậy, trong hai giáo Ðốn, Tiệm, kinh này thuộc Ðốn giáo.
Trên đây, là dựa theo Ðốn, Tiệm mà phán định.
Nếu theo thuyết Ngũ Giáo: Tiểu, Thỉ, Chung, Viên, Ðốn của ngài Hiền Thủ để phán định giáo tướng của kinh này thì các bậc đại đức Tịnh Tông Trung Hoa và ngoại quốc xưa nay tuy nhân duyên chẳng giống nhau, nhưng ý kiến chỉ sai khác đôi chút. Theo họ, thật ra kinh này không những chỉ thuộc về Viên Ðốn giáo, mà còn là đốn nhất trong các kinh Ðốn giáo, viên nhất trong các kinh Viên giáo.
Cư sĩ Bành Nhị Lâm (Tế Thanh) trong cuốn Khởi Tín Luận nhận định kinh này như sau: ‘Kinh Vô Lượng Thọ là viên giáo xứng tánh của Như Lai’. Thầy Thích Ðạo Ẩn người Nhật trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Bình Giải phán ngay rằng: ‘Bổn nguyện Nhất Thừa đốn cực đốn tốc, viên dung viên mãn’.
Ða số các vị đại đức người Nhật cũng nghĩ như vậy. Sách Ðại Kinh Thích viết:
‘Thiên Thai, Chơn Ngôn tuy mang tiếng là Ðốn giáo, nhưng cần phải đoạn hoặc rồi mới chứng lý nên còn là Tiệm giáo. Giảng rõ phàm phu chưa đoạn hoặc, vượt thẳng khỏi tam giới thì chỉ riêng có giáo pháp này nên giáo pháp này là đốn nhất trong Ðốn giáo’.
Ngài Nhật Khê lại bảo:
‘Các giáo pháp của thánh đạo về lý thì viên dung, nhưng về mặt lợi ích còn cách ngại, thiên lệch bởi khó tìm được căn cơ Ðốn Giáo. Vì vậy, về giáo pháp thì viên dung, nhưng xét trên căn cơ lại thành Tiệm. Bảo Tịnh Ðộ là viên đốn vì lợi ích nhanh chóng viên mãn’.
Nghĩa là:
Các thánh giáo khác tuy đủ lý viên dung, nhưng căn cơ chúng sanh thô thiển, chẳng rõ hiểu nổi ý chỉ, không cách chi lãnh hội, khởi hạnh để hưởng được lợi ích của pháp. Vì vậy pháp tuy là viên đốn, nhưng do căn cơ hành nhân cạn cợt, đốn pháp thành tiệm, viên pháp thành thiên lệch. Còn Tịnh Ðộ chẳng giống vậy, ai cũng hành được, đều được cái lợi chơn thật, chẳng nhọc đoạn hoặc vượt thẳng khỏi tam giới nên thật là giáo pháp viên mãn, đốn nhất trong Ðốn giáo.
Thêm nữa, sách Viên Trung Sao chép:
‘Pháp môn viên đốn trước hết cũng cần phải khai ngộ, viên giải, rồi kế đó mới tu hành viên mãn, phá tam hoặc mới chứng nổi viên quả để đạt đến bất thối.
Nay pháp này chỉ nói hai báo: y, chánh cõi kia để khai giải sanh lòng tin, bảy ngày trì danh, nhất tâm bất loạn, dùng đấy để làm phương cách tu hành. Lúc lâm chung liền được vãng sanh, được bất thối chuyển.
Vì thế, thấy được rằng kinh này là đề hồ vô thượng trong đời ác ngũ trược’.
Ðủ thấy, ý của Viên Trung Sao cũng gần giống với ý kiến của các bậc đại đức người Nhật vừa dẫn ở phần trên.
Hơn nữa, gọi kinh này là vô thượng đề hồ, tự nhiên kinh này phải là giáo pháp khế lý, khế cơ, viên đốn cùng cực vậy. Vì vậy, bộ Ngốc Sao của Nhật viết:
‘Vả lại, Ðốn Giáo có nhị giáo, nhị siêu.
Nhị giáo thì:
Một là Thật giáo là đạo khó hành, tức là các giáo pháp Phật tâm, Chơn Ngôn, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm v.v...
Hai là Tịnh Ðộ bổn nguyện là đạo dễ hành, như Ðại Thừa Vô Lượng Thọ v.v.. Về nhị siêu thì, một là thụ siêu (siêu theo chiều dọc), hai là hoành siêu (siêu theo chiều ngang)’.
Sách Bình Giải giảng rằng: ‘Do tự lực tu đoạn nên gọi là thụ siêu. Tịnh độ bổn nguyện là pháp thật sự do tha lực siêu việt thành Phật nên gọi là hoành siêu.... Trong các đốn pháp của hoành siêu, trì danh là đốn nhất trong các đốn’.
Các vị đại đức trên đây đều tuân theo thuyết của Thiện Ðạo đại sư, phán định kinh này là giáo pháp đốn cực, đốn tốc, viên dung, viên mãn. Chẳng hạn như sách Bình Giải xưng tụng kinh này là ‘chuyên bậc nhất trong các chuyên, đốn bậc nhất trong các đốn, chơn bậc nhất trong các chơn, viên bậc nhất trong các viên’, là ‘giáo pháp dứt bặt đối đãi bất nhị, là đạo Nhất Thừa chơn như’.
Sách Di Ðà Yếu Giải chép:
‘Một đời giáo hóa của Phật Thích Ca chỉ có kinh Hoa Nghiêm nói lên nhất sanh viên mãn (một đời tu được trọn vẹn thành Phật), mà cái nhân của nhất sanh viên mãn ấy là mười đại nguyện vương dẫn dắt về An Dưỡng nằm trong phẩm cuối cùng là Phổ Hiền Hạnh Nguyện, đem việc ấy khuyến khích Hoa Nghiêm hải chúng.
Than ôi! Phàm phu đạt ngay lên địa vị bổ xứ là một điều đề xướng, đàm luận lạ lắm, cao lắm, chẳng thể suy lường nổi. Chỗ phát khởi của kinh Hoa Nghiêm nằm ngay trong kinh này mà thiên hạ xưa nay ít kẻ tin, lắm kẻ ngờ. Càng viết lắm nghĩa càng mờ mịt, tôi chỉ còn cách mổ tim vẩy máu [để giãi bày] mà thôi’.
Sách Yếu Giải còn viết:
‘Vì vậy, đời tương lai kinh pháp diệt hết, riêng lưu lại kinh này tồn tại trong đời một trăm năm để rộng độ hàm thức. Thuốc a già đà trị chung muôn bịnh, dứt bặt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn. Áo tạng Hoa Nghiêm, bí tủy Pháp Hoa, tâm yếu của hết thảy chư Phật, kim chỉ nam cho muôn hạnh Bồ Tát đều chẳng ra ngoài kinh này. Muốn khen ngợi, trình bày đầy đủ thì dẫu cả kiếp cũng chẳng nói hết được’.
Kinh Pháp Hoa được tông Thiên Thai tôn sùng là thuần viên, không kinh nào mầu nhiệm bằng. Kinh Hoa Nghiêm được tông Hiền Thủ coi là biệt giáo Nhất Thừa, sự sự vô ngại, là giáo pháp hoàn toàn viên mãn. Nay đại sư Ngẫu Ích chỉ rõ: cái thuần viên của tông Thiên Thai, cái toàn viên của Hiền Thủ, cái bí tủy và áo tạng của những tông ấy đều chẳng ra ngoài kinh này, đủ thấy kinh này đúng là toàn viên.
Hơn nữa, điểm cốt tủy của kinh Pháp Hoa là thuần viên nên nói rằng: kinh này thật là viên nhất trong các pháp viên mãn. Ðây thật là dị khẩu đồng thanh với lời phán giáo của các vị đại đức Nhật, thật đúng như lời thường nói trong nhà Thiền: ‘Thở cùng một lỗ mũi’ vậy.
Cận đại, bậc đại đức trong Tịnh tông là đại sư Ấn Quang khen ngợi sách Yếu Giải rằng:
‘Lý sự đều đạt đến chỗ tuyệt diệu, kể từ khi Phật thuyết kinh này đến nay, [Yếu Giải] là bản chú giải bậc nhất, khéo léo nhất, xác thực nhất. Ví dù cổ Phật xuất thế chú giải lại kinh này cũng chẳng thể hay hơn được nữa’. Ðủ thấy lời phán giải về kinh này của sách Yếu Giải giống như là của đích thân Phật phán định vậy.
Ngoài ra, sách Sớ Sao viết:
‘Căn cứ theo năm phần phán giáo của Hiền Thủ, tức là: Tiểu, Thỉ, Chung, Ðốn, Viên, nay kinh này thuộc về Ðốn giáo mà cũng kiêm thuộc cả hai giáo trước và sau (tức là Chung và Viên).Viên giáo nhiếp trọn kinh này, kinh này nhiếp một phần Viên giáo’.
Lại viết:
‘Tứ pháp giới là:
Một là sự pháp giới, hai là lý pháp giới, ba là sự lý vô ngại pháp giới. Ba giới này các giáo pháp khác cũng có.
Bốn là sự sự vô ngại pháp giới chỉ một mình kinh Hoa Nghiêm là có nên gọi là Biệt Giáo Nhất Thừa.
Với cái toàn viên của kinh Hoa Nghiêm, kinh này (kinh A Di Ðà) được ít phần. Viên giáo nhiếp trọn kinh này, kinh này nhiếp được một phần Viên giáo’.
Do Liên Trì đại sư đã phán định kinh Tiểu Bổn là phần viên, ngài bèn nêu lên mười điều về sự sự vô ngại pháp giới của hai kinh Tiểu Bổn, Ðại Bổn để chứng minh rằng kinh A Di Ðà có ít phần thuộc về Viên giáo.
Rõ ràng Liên Trì đại sư cũng phán định kinh A Di Ðà là giáo pháp viên đốn, đấy là điểm tương đồng giữa các đại đức Trung Hoa, Nhật Bản. Ðiểm khác biệt là: hoặc có vị đề cao kinh này là giáo pháp viên mãn nhất trong các pháp Viên giáo, hoặc khiêm nhường cho rằng nó chỉ có đôi phần thuộc Viên giáo. Ðấy là do cơ duyên khác biệt nên thiện xảo chẳng đồng, chứ bổn hoài của ngài Liên Trì và Thiện Ðạo, Ngẫu Ích với các đại đức Nhật Bản nào có khác nhau mảy may!
Chẳng qua, lúc trước tác bộ Sớ Sao, đúng là lúc Cuồng Thiền sôi nổi nên đại sư Liên Trì chẳng thể không dùng phương tiện thiện xảo quyền nghi để dìu dắt các căn cơ; cho nên phương tiện mà nói thế. Thật đúng như lời cư sĩ Trầm Thiện Ðăng bảo:
‘Ấy là bậc đại quyền Bồ Tát thuận theo căn cơ của đương sự để tùy bịnh cho thuốc nhằm thích ứng với thời tiết nhân duyên mà thôi’.
Trong bộ Sớ Sao, Liên Trì đại sư dẫn đủ các đoạn kinh sự sự vô ngại pháp giới của Tịnh tông thật là ngụ ý sâu xa đủ chứng tỏ nỗi khổ tâm của ngài. Vì sự sự vô ngại chỉ là điều kinh Hoa Nghiêm chuyên có, ta thấy được rằng: đại sư rộng dẫn các chứng cớ từ kinh [Vô Lượng Thọ] để chứng minh kinh này thật sự nói về sự sự vô ngại pháp giới thì ngài cũng đã chứng minh được kinh này thuộc về Viên giáo thật chẳng còn ngờ vực gì nữa.
Nay tôi cũng noi bước đại sư, chuyên luận về huyền nghĩa sự sự vô ngại pháp giới của kinh này.
Tông Hoa Nghiêm lập ra mười huyền môn để chỉ bày pháp giới vô ngại. Gọi là “huyền môn” vì nếu thông đạt những môn này thì có thể nhập được biển Viên giáo huyền diệu của Hoa Nghiêm nên gọi là huyền môn.
Nay tôi sẽ dựa theo thứ tự của Thập Huyền nói trong sách Thám Huyền Ký, dẫn chứng kinh văn để chỉ rõ kinh này thật sự đủ cả Thập Huyền. Nhân đó, xác chứng kinh này thật sự thuộc về Viên giáo, thật sự là kinh Hoa Nghiêm bản trung, nhằm chứng minh các thuyết được nêu ở phần trước là lời chơn thật, chứ chẳng phải do hành nhân Tịnh Tông dối trá tự tôn tự đại vậy.
* Ðồng thời cụ túc tương ưng môn
Giáo lý Hoa Nghiêm lấy duyên khởi làm chủ. Toàn bộ hết thảy các thứ trong pháp giới gộp thành một đại duyên khởi. Một pháp thành hết thảy pháp, hết thảy pháp khởi một pháp, cùng một lúc đầy đủ, viên dung hiển hiện, nên bảo là ‘cụ túc tương ưng’.
Phẩm Diệu Nghiêm của kinh Hoa Nghiêm chép: ‘Biển hết thảy pháp môn vô tận cùng hội trong một pháp đạo tràng’. Ðại Sớ giảng: ‘Như một giọt nước biển có đủ vị của cả trăm sông’. Ðó là huyền nghĩa của môn này.
Trong kinh Vô Lượng Thọ đây hiển thị đầy đủ huyền môn ‘đồng thời cụ túc tương ưng’ như trong phẩm Chí Tâm Tinh Tấn, Pháp Tạng tỳ kheo ‘với các sự trang nghiêm công đức của hai mươi mốt câu chi cõi Phật đó hiểu rõ thông đạt như một cõi Phật. Cõi nước Phật được ngài nhiếp thủ còn vượt xa hơn những cõi Phật nói trên’.
Hai mươi mốt câu chi cõi Phật đề cập trong kinh biểu thị vô lượng cõi Phật. Pháp Tạng tỳ kheo nhiếp vô lượng cõi Phật làm thành một Cực Lạc Tịnh Ðộ chính là nghĩa ‘hết thảy các pháp cùng thời, cùng chỗ’ của kinh Hoa Nghiêm, do một đại duyên khởi mà tồn tại ‘cụ túc tương ưng’. Ðây là tổng môn của Thập Huyền, thật cũng là tổng tướng của kinh đây.
Kinh Vô Lượng Thọ đây cũng do cùng một đại duyên khởi mà xuất hiện vậy!
Hơn nữa, trong phẩm Tuyền Trì Công Ðức chép: ‘Nước [nơi ao suối] đó mỗi việc đều tùy thuận ý của chúng sanh’. Chúng sanh muốn nước lạnh, nóng, chảy nhanh, chậm, cạn, sâu, mỗi điều chẳng giống nhau, nhưng cùng một dòng nước ấy có thể cùng lúc đáp ứng ý muốn của từng chúng sanh một.
Nước là một pháp, ý muốn của chúng sanh là nhiều pháp, mà cũng một dòng nước đồng thời đáp ứng ý muốn của các chúng sanh. Ðấy đúng là huyền môn ‘đồng thời cụ túc tương ưng’ vậy.
Huống hồ nước ấy lại còn có thể đồng thời ‘sóng vỗ vô lượng âm thanh vi diệu: hoặc nghe tiếng Phật, Pháp, Tăng cho đến tiếng cam lộ quán đảnh thọ lãnh địa vị. Ðược nghe các tiếng như vậy rồi, tâm họ thanh tịnh, không có các phân biệt, chánh trực, bình đẳng, thành thục căn lành. Ðiều họ được nghe đều tương ứng với pháp. Ðiều gì mong nghe, tai liền được nghe. Ðiều gì không muốn nghe, trọn không phải nghe. Trọn chẳng lui sụt tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác’.
Chỉ cùng một dòng nước mà có thể cùng một lúc, cùng một chỗ thỏa mãn ước muốn của hết thảy người nghe: ai nấy được nghe pháp mình mong nghe, mà điều họ nghe được lại tương ứng với pháp. Ðủ thấy toàn thể tổng môn của thập huyền nơi kinh Hoa Nghiêm được hiển thị trong kinh này vậy.
* Quảng hiệp tự tại vô ngại môn
Ðại Sớ giảng: ‘Như nơi cái gương đường kính một thước mà thấy cảnh cả mười dặm’. Gương ví cho cái hẹp (hiệp), cảnh mười dặm ví cho cái rộng (quảng).
Phẩm Phát Ðại Thệ Nguyện của kinh Vô Lượng Thọ chép: ‘Cõi Phật ấy ngự rộng rãi nghiêm tịnh, sáng rực như gương, chiếu tột mười phương vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn thế giới chư Phật’.
Dùng lực dụng của một cõi soi tỏ khắp mười phương là Quảng. Tướng của một cõi chẳng hoại là Hiệp. Cái rộng rãi của lực dụng vô hạn và cái hẹp của một pháp chẳng trở ngại nhau, mỗi thứ đều tự tại nên gọi là “quảng hiệp tự tại vô ngại”.
Lại nữa: ‘Muốn thấy sự trang nghiêm của các cõi Phật thanh tịnh thảy đều thấy được nơi cây báu, ví như gương sáng thấy rõ khuôn mặt’. Cũng giống như trên, câu này cũng minh thị quảng hiệp tự tại vô ngại môn.
* Nhất đa tương dung bất đồng môn
Ðại Sớ viết: ‘Như ngàn ngọn đèn trong một căn nhà, ánh sáng xen lẫn nhau’. Trong một có nhiều, trong nhiều có một, đó là ‘tương dung’ (chứa đựng lẫn nhau), nhưng tướng của một và nhiều chẳng mất nên là ‘bất đồng’.
Phẩm Lô Xá Na Phật của kinh Hoa Nghiêm dạy: ‘Dùng một cõi Phật choán đầy mười phương. Mười phương bỏ vào một cõi cũng chẳng dôi ra. Tướng trạng vốn có của từng thế giới cũng chẳng bị hư hoại. Công đức không gì so sánh nổi cũng giống như vậy’.
Một cõi đầy chật cả mười phương, mười phương vào trong một cõi là nghĩa ‘tương dung’. Tướng vốn có của từng thế giới chẳng bị hư hoại là nghĩa ‘bất đồng’.
Trong kinh Vô Lượng Thọ đây, lời nguyện hương báu xông khắp của Phật Di Ðà như sau: ‘Tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới’.
Bất cứ một vật gì trong muôn vật ở cõi ngài cũng đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Dùng vô lượng hương báu gộp thành một vật biểu thị hết thảy pháp vào trong một pháp, biểu thị ‘một và nhiều chứa đựng lẫn nhau’ (nhất đa tương dung). Tướng của mỗi một vật lại cùng tồn tại bên cạnh tướng của các thứ hương, biểu thị ý nghĩa hai tướng chẳng đồng. Hương ấy lại tỏa khắp mười phương thế giới còn minh thị rằng một pháp trọn có mặt trong tất cả pháp, đấy lại là hiển thị diệu lý ‘nhất đa tương dung bất đồng’ vậy.
* Chư pháp tương tức tự tại môn
Phần trên giải thích về ‘tương dung’, phần này nói về ‘tương tức’.
Phẩm Thập Trụ của kinh Hoa Nghiêm, bản dịch đời Tấn, chép: ‘Một tức là nhiều, nhiều tức là một’. Ví như nước với sóng, nước ví cho một, sóng ví cho nhiều. Sóng tức là nước, nước tức là sóng, cái này tức là cái kia (tương tức), mà mỗi thứ tự tại nên nói là ‘tương tức tự tại’. Lại nữa, Ðại Sớ viết: ‘Như vàng và màu sắc của vàng, hai thứ chẳng rời nhau’.
Trong phẩm Pháp Tạng Nhân Ðịa của kinh Vô Lượng Thọ đây có chép:
‘Thế Tôn có thể diễn ra một âm thanh. Mỗi một hữu tình tùy theo loài của mình mà hiểu. Ngài lại có thể hiện ra một sắc thân mầu nhiệm khiến khắp các chúng sanh tùy theo chủng loại của chúng mà thấy [sai khác]’.
Câu này cũng chỉ rõ: hết thảy âm hàm chứa trong một âm, hết thảy thân trong một âm, hết thảy tức là một, một tức là hết thảy, nhiều tức là một, một tức là nhiều. Như sóng với nước, một nước, nhiều sóng là nghĩa ‘tương tức tự tại’.
Lại như phẩm Tán Thán Phật Ðức trong kinh đây có chép: ‘Hoa được rải lên ấy liền ở trong không trung hợp thành một hoa. Hoa ấy chẳng rơi xuống, tròn trịa đầy đặn, hóa thành một lọng hoa’. Nhiều hoa thành một hoa nên nhiều tức là một. Trong một hoa hàm chứa nhiều hoa nên một tức là nhiều. Như vậy, kinh này đã hiển thị huyền môn thứ tư.
* Ẩn mật hiển liễu câu thành môn
Ðại Sớ viết: ‘Như một mảnh trăng trong vắt trên không, tối và sáng cùng có’. Ý nói: trong ẩn có hiển, trong hiển có ẩn.
Phẩm Lễ Phật Hiện Quang trong kinh này chép:
‘A Di Ðà Phật liền từ bàn tay phóng ra vô lượng quang, chiếu khắp hết thảy thế giới chư Phật. Khi đó, các cõi nước Phật thảy đều hiện rõ như trong khoảng một tầm’.
Lại chép:
‘Cho đến Nê Lê, khe, hang, chỗ tối tăm đều sáng bừng lên, đều cùng một màu. Ví như kiếp thủy đầy ngập thế giới, mọi vật trong ấy đều chìm lấp chẳng hiện, mênh mông bát ngát chỉ thấy nước lớn. Quang minh của đức Phật ấy cũng như thế, hết thảy quang minh của Thanh Văn, Bồ Tát đều bị trùm lấp, chỉ thấy Phật quang sáng lòa rực rỡ’.
Ðoạn này biểu thị hết thảy pháp chính là một pháp trong Phật quang, một pháp (Phật quang) hiển thị hết thảy pháp (vạn vật trong cõi này, quang minh của hiền thánh) đều ẩn. Ðó là tướng của huyền môn thứ năm: ẩn hiển câu thành.
* Vi tế tương dung an lập môn
Ðại Sớ viết: ‘Như bình lưu ly đựng nhiều hạt cải’. Các môn nói trên đều minh thị ý nghĩa: rộng hẹp vô ngại, một, nhiều dung chứa lẫn nhau, còn môn thứ sáu này, lại chỉ rõ vô luận trong vật gì nhỏ nhặt đến đâu cũng có thể dung chứa hết thảy các pháp. Trong một sợi lông, một hạt bụi, có vô biên sát hải, hết thảy các pháp đồng thời cùng hiện ra như trong tấm gương hiện bóng muôn hình tượng.
Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện chép:
‘Trong một hạt bụi có cõi nước nhiều như số hạt bụi. Trong mỗi một cõi có chẳng thể nghĩ nổi đức Phật’. ‘Trong đầu một sợi lông nhỏ bé nhất, xuất hiện cõi trang nghiêm ba đời’ chính là nói đến ý nghĩa này.
Nay trong phẩm Tích Công Lũy Ðức của kinh Vô Lượng Thọ đây có nói: Pháp Tạng tỳ kheo trong lúc tu nhân, ‘thân, miệng thường tỏa ra vô lượng diệu hương ví như chiên đàn, hoa ưu bát la. Hương ấy thơm ngát khắp mười phương vô lượng thế giới... Trong tay thường tuôn ra vô tận các báu, vật trang nghiêm, hết thảy các vật cần dùng tốt đẹp nhất để lợi lạc hữu tình’.
Phẩm Bảo Liên Phật Quang lại chép: ‘Trong mỗi một hoa hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng. Mỗi một ánh sáng hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật’.
‘Trong mỗi một ánh sáng’ là một tia sáng trong số ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng phóng ra từ hoa sen, biểu thị ý nghĩa chí cực vi tế. Trong ánh sáng lại hàm chứa ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật, biểu thị trong cái nhỏ nhiệm nhất lại chứa đựng hết thảy các pháp.
* Nhân Ðà La võng pháp giới môn
Môn vi tế tương dung nói trên chỉ minh họa các tướng tương nhập, tương tức mới có một tầng, chưa minh thị nổi nghĩa lý trùng trùng vô tận tương tức tương nhập nên phải mượn cái lưới của Nhân Ðà La (indra) làm thí dụ để minh họa nghĩa này.
Lưới Nhân Ðà La là cái lưới châu treo ở thiên cung của Ðế Thích. Cái lưới ấy có nghìn hạt châu chiếu rọi lẫn nhau. Trong mỗi hạt châu hiện hình bóng của hết thảy các hạt châu, đấy là tầng thứ nhất: mỗi hạt châu ảnh hiện. Nhưng hết thảy các hạt châu được hiện bóng trong một hạt châu, mỗi hạt ấy lại hiện bóng của chín trăm chín mươi chín hạt châu kia, đó là sự ảnh hiện ở tầng thứ hai.
Các hạt châu trùng trùng ảnh hiện như thế ấy chẳng có cùng tận dùng để thí dụ các pháp tương tức, tương nhập, trùng trùng vô tận. Sách Ðại Sớ viết: ‘Như dùng hai tấm gương đặt đối nhau, chiếu rọi hiện bóng lẫn nhau’.
Phẩm Bảo Liên Phật Quang trong kinh đây chép:
‘Các hoa sen báu đầy ắp khắp cả thế giới... Trong mỗi một hoa hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng. Trong mỗi một ánh sáng, xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật... Mỗi một vị Phật lại phóng trăm ngàn quang minh, vì khắp mười phương thuyết pháp vi diệu. Các đức Phật như thế mỗi vị đều an lập vô lượng chúng sanh nơi Phật chánh đạo’.
Ở trên, trong phần nói về huyền môn thứ sáu, đã chỉ ra ‘trong mỗi một ánh sáng xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật’ là vi tế tương dung môn, đấy là một tầng tương tức tương nhập.
Xét kỹ đoạn trước và phần sau của đoạn kinh ấy, ta thấy rõ được diệu nghĩa trùng trùng vô tận tương tức tương nhập:
Trong một cõi Phật A Di Ðà có vô số hoa sen báu. Mỗi một hoa lại phóng ra số quang minh khó tính biết nổi. Trong mỗi một quang minh lại có số Phật khó tính biết nổi. Mỗi một đức Phật lại phóng quang thuyết pháp, an lập vô lượng chúng sanh nơi Phật chánh đạo. Như vậy, trong cõi Cực Lạc có vô số sen. Sen phóng quang. Quang hiện Phật. Phật hiện cõi nước. Trong cõi nước lại có vô số hoa sen, sen lại phóng quang, hiện Phật.
Mỗi một hoa sen ví như một hạt châu nơi lưới Ðế Thích, hoa sen như thế khắp đầy cả cõi Phật, đủ thấy kinh này thật sự hiển thị huyền môn ‘nhân đà la võng trùng trùng vô tận, sự sự vô ngại’ của Hoa Nghiêm.
* Thác sự hiển pháp sanh giải môn
Do trùng trùng vô tận như trên nên vi trần, pháp nào cũng đều là sự sự vô ngại pháp giới. Vì vậy, có thể tùy ý lấy một hạt bụi, một sự để hiển lộ toàn thể pháp giới như Ðại Sớ viết: ‘Tượng đứng giơ tay, mắt nhìn đều là đạo’.
Phẩm Bồ Ðề Ðạo Tràng trong kinh đây chép:
‘Lại nữa, đạo tràng ấy có cây Bồ Ðề.... Lại do trông thấy cây ấy mà được ba thứ nhẫn: một là âm hưởng nhẫn, hai là nhu thuận nhẫn, ba là vô sanh pháp nhẫn. Phật bảo A Nan: Cõi Phật như vậy, hoa quả, cây cối và các chúng sanh đều làm Phật sự’.
Một phen nhìn cây ấy chứng được vô sanh thì đúng là huyền chỉ ‘thác sự hiển pháp sanh giải’. Hoa quả, cây cối đều làm Phật sự cũng có cùng ý nghĩa như vậy.
* Thập thế cách pháp dị thành môn
Môn này biểu thị sự kéo dài hay rút ngắn vô ngại. Tám môn trước biểu thị tướng viên dung theo chiều ngang (không gian), còn môn này biểu thị theo chiều dọc (thời gian).
Thập thế là đời quá khứ, vị lai, hiện tại, mỗi đời lại có quá khứ, vị lai, hiện tại nên thành chín thế. Chín thế nhập vào nhau thành một tổng thế. Tổng thế hợp với chín thế trên thành thập thế.
Mười thế này là pháp khác biệt về thời gian nhưng đồng thời hiển hiện trọn vẹn nên gọi là cách pháp dị thành (các pháp sai khác cùng một lúc thành tựu nên gọi là dị thành).
Phẩm Sơ Phát Tâm Công Ðức trong kinh Hoa Nghiêm, bản dịch đời Tấn, chép: ‘Biết vô lượng kiếp là một niệm, biết một niệm tức là vô lượng kiếp’.
Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện lại chép: ‘Trọn hết thảy kiếp là một niệm’, ‘ta trong một niệm thấy ba đời’ đều là nghĩa kéo dài, rút gọn trong cùng một lúc, tam thế nhất như. Vì vậy, Ðại Sớ viết: ‘Như giấc mộng một đêm kéo dài cả trăm năm’.
Trong kinh Vô Lượng Thọ đây cũng có nhiều đoạn hiển thị môn này, như trong phẩm Ðại Giáo Duyên Khởi chép: ‘Có thể trong khoảng một niệm, trụ vô lượng ức kiếp’. Phẩm Ðức Tuân Phổ Hiền chép: ‘Trong khoảng một niệm qua khắp hết thảy cõi Phật’. Phẩm Tán Thán Phật Ðức cũng chép: ‘Trong khoảng một bữa ăn, lại đi qua mười phương vô biên cõi’.
* Chủ bạn viên minh cụ đức môn
Vạn pháp ngang dọc thành một đại duyên khởi, pháp pháp thấu tột lẫn nhau nên hễ nêu lên một pháp thì hết thảy các pháp khác thành bạn để làm duyên khởi, cũng tức là lấy một pháp làm chủ thì hết thảy pháp khác đều là bạn để tương ứng với pháp ấy. Lấy pháp khác làm chủ thì các pháp kia thành bạn để cùng nhóm hết cả lại. Vì vậy một pháp viên mãn công đức của hết thảy pháp. Ðấy gọi là viên mãn cụ đức. Ðại Sớ viết: ‘Như sao Bắc Ðẩu ngự ở đâu, các tinh tú đều chầu về’.
Nay kinh này lấy ‘phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ làm tông, dùng nguyện ‘mười niệm ắt vãng sanh’ làm gốc của đại nguyện, chuyên trọng trì danh niệm Phật thì là ‘đầy đủ vạn đức’.
Một câu danh hiệu Phật này viên mãn đầy đủ công đức của hết thảy pháp. Toàn thể đều là nghĩa lý của Hoa Nghiêm huyền môn ‘viên minh cụ đức’.
Phẩm Tam Bối Vãng Sanh của kinh này chép:
‘Nhẫn đến đạt được một niệm tịnh tâm, phát một niệm tâm niệm đức Phật kia, người ấy đến lúc lâm chung như ở trong mộng thấy A Di Ðà Phật, quyết định sanh cõi kia, được bất thối chuyển vô thượng Bồ Ðề’.
Câu này chỉ rõ tịnh tâm niệm Phật một tiếng, công đức vô lượng chẳng thể nghĩ bàn. Hơn nữa, trong các đại nguyện có nguyện: nghe tên được phước. Thập phương chúng sanh do nghe tên ngài ‘sau khi thọ hết, sanh nhà tôn quý, các căn chẳng khuyết, thường tu phạm hạnh thù thắng’.
Lại có nguyện nghe tên đắc nhẫn, Bồ Tát phương khác do nghe tên ngài, ngay khi ấy đạt được một, hai hoặc ba thứ nhẫn chứng bất thối chuyển, đủ chứng minh rằng diệu đức của danh hiệu A Di Ðà khó nghĩ lường nổi.
Như sách A Tự Quán của Ðông Mật viết: ‘Từ chữ A sanh ra hết thảy đà ra ni, từ hết thảy đà ra ni sanh ra hết thảy Phật’. Chữ A là vua, hết thảy đà ra ni và hết thảy chư Phật là bạn. Trong một chữ, chủ bạn công đức vô lượng vô biên thì chính là huyền ý ‘viên minh cụ đức’ vậy.
Hơn nữa, trong cõi nước ấy, sắc, thanh, hương, vị, xúc mỗi thứ đều viên minh cụ đức. Vì vậy, hiện quang, thấy cây, nghe tiếng, ngửi hương, không điều gì là chẳng tăng trưởng thiện căn.
‘Nếu có chúng sanh thấy quang minh của ta chiếu chạm đến thân không ai chẳng an lạc, từ tâm làm lành’. ‘Sóng vỗ vô lượng âm thanh vi diệu... Ðược nghe các thứ âm thanh như vậy rồi, tâm họ thanh tịnh, không có các phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục thiện căn’. ‘Tỏa khắp nơi muôn thứ hương ôn nhã muôn đức, có ai ngửi thấy trần lao cấu tập tự nhiên chẳng khởi. Gió chạm vào thân, an hòa vừa phải, khoan khoái như là tỳ kheo đắc Diệt Tận Ðịnh’.
Lại còn:
‘Nếu có chúng sanh thấy cây Bồ Ðề, nghe tiếng, ngửi hương, nếm vị của trái, chạm phải ánh sáng, nghĩ đến công đức của cây, sáu căn đều được thanh tịnh, không có các não hoạn, trụ bất thối chuyển cho đến khi thành Phật đạo’.
Trong nguyện hương báu xông khắp lại nói: ‘Hương ấy xông khắp mười phương thế giới, chúng sanh ngửi thấy đều tu hạnh Phật’. Ðủ thấy, một hạt bụi, một sợi lông không thứ gì chẳng viên minh cụ đức.
Sách Hoa Nghiêm Huyền Ðàm giải thích các pháp là sự sự vô ngại là do duy tâm sở hiện. Nguồn gốc của các pháp chẳng phải là có chủng loại riêng, chỉ là pháp sai biệt duyên khởi của Như Lai Tạng Tâm của chính mình. Vì vậy, chúng ắt phải có cái lý có thể dung hòa được nhau.
Sách Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chương viết: ‘Hoặc ẩn hoặc hiển, hoặc một, hoặc nhiều đều không có tự tánh. Do tâm xoay chuyển nói sự, nói lý, có thành, có lập thì gọi là duy tâm hồi chuyển thiện thành môn’. Duy tâm thiện thành môn chính là chủ bạn viên minh cụ đức môn.
Phẩm Tích Công Lũy Ðức trong kinh này đây có thuật Pháp Tạng tỳ kheo ‘trụ chơn thật huệ, dũng mãnh tinh tấn một bề chuyên chí trang nghiêm cõi nước mầu nhiệm’ nên biết được rằng y báo, chánh báo thanh tịnh trang nghiêm của cõi Cực Lạc đều do Chơn Thật Huệ hiện ra. Như Vãng Sanh Luận cho rằng ba thứ trang nghiêm vào trong một pháp cú, một pháp cú là thanh tịnh cú, thanh tịnh cú là chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân thì biết được rằng trang nghiêm cõi nhiệm mầu chính là thanh tịnh Pháp Thân, không hai, không khác.
Phẩm Thọ Lạc Vô Cực của kinh đây chép:
‘Một phen tâm khai ngộ, liễu đạt, minh bạch, thấu triệt (khai đạt minh triệt) tướng tự nhiên của tự nhiên, trong tự nhiên tự có căn bổn, tự nhiên quang sắc nhập lẫn vào nhau, chuyển biến tối thắng, Uất Ðan thành thất bảo, trong hư không tự nhiên thành vạn vật’ (*).
Kinh nói ‘một phen khai minh’ thì cái được khai minh đó chính là tự tâm của ngay đương sự. Bảy báu cùng muôn vật là chỉ cho cõi Phật. Do một tâm của chính mình mà hiện ra cõi nước mầu nhiệm, do tâm xoay vần thành ra thế giới. Thế nên, sự sự vô ngại, viên minh cụ đức. Vì vậy, kinh dạy: ‘Khai hóa hiển thị chơn thật tế’.
Chơn thật tế là bổn tế Chơn Như thật tướng. Vì thế, điều được hiển thị ở đây là: Ngay nơi tướng chính là Ðạo, ngay nơi sự chính là Chơn. Không thứ gì chẳng phải là Chơn Như, Thật Tướng. Cũng có nghĩa là không một thứ gì chẳng phải là tự tâm. Vì thế, siêu tình, ly kiến, đầy đủ trọn vẹn Thập Huyền.
Sự thù thắng độc đáo của kinh Hoa Nghiêm chỉ cốt ở Thập Huyền mà kinh Vô Lượng Thọ này cũng có đủ, đủ chứng minh rằng kinh này chẳng khác gì kinh Hoa Nghiêm. Cuối kinh Hoa Nghiêm dùng mười đại nguyện vương để dẫn dắt quy về Cực Lạc. Kinh này đây hoàn toàn hiển thị Tịnh tông, dẫn dắt phàm thánh cùng quy Cực Lạc nên gọi kinh này là kinh Hoa Nghiêm bản trung thì thật là có căn cứ vậy.
Lại theo như sách Yếu Giải phán định kinh Tiểu Bổn: ‘Hoa Nghiêm áo tạng, bí tủy Pháp Hoa, tâm yếu của hết thảy chư Phật, kim chỉ nam của muôn Bồ Tát hạnh đều chẳng ngoài kinh này’ thì Cực Lạc chẳng rời Hoa Tạng thế giới, Di Ðà chính là Tỳ Lô Giá Na. Vì vậy, phán định kinh này thuộc Viên giáo ai dám bảo là chẳng đúng.
Nhưng cách phán giáo này cũng chỉ là tướng sai biệt của bình đẳng. Nếu là người căn cơ viên mãn thì pháp nào cũng đều là viên, ‘pháp này bình đẳng, chẳng có cao, thấp’. Ðấy là tướng bình đẳng trong sai biệt