Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

1. Giáo khởi nhân duyên

 Giáo khởi nhân duyên là nói về nhân duyên hưng khởi đại giáo. Trước hết, trình bày sự hưng khởi của Phật giáo và pháp môn Tịnh Ðộ, rồi mới thuật rõ nhân duyên hưng khởi kinh này.

 

Phàm hết thảy pháp chẳng ngoài nhân duyên. Nhân duyên hưng khởi đại giáo vô lượng, mà vô lượng nhân duyên lại chỉ là một đại sự nhân duyên. Kinh Pháp Hoa dạy: ‘Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà thị hiện xuất hiện trong đời’. ‘Chỉ là đem tri kiến Phật chỉ bày, giác ngộ chúng sanh’.

 

Phẩm Khởi Tín kinh Hoa Nghiêm chép:

Như Lai, Ứng Cúng, Ðẳng Chánh Giác tánh khởi chánh pháp chẳng nghĩ bàn. Vì cớ sao? Do chẳng phải vì chút ít nhân duyên mà thành Ðẳng Chánh Giác xuất hiện trong thế gian. Ngài do mười thứ vô lượng vô số trăm ngàn a tăng kỳ nhân duyên mà thành Ðẳng Chánh Giác xuất hiện trong đời, cho đến rộng nói vô lượng nhân duyên như thế chỉ vì một đại sự nhân duyên. Ðại sự nhân duyên gì? Chỉ là vì muốn khai thị tri kiến Phật cho chúng sanh’.

 

Kinh Hoa Nghiêm là pháp được đức Thế Tôn giảng đầu tiên. Kinh Pháp Hoa là giáo pháp cuối cùng. Từ đầu đến cuối chỉ vì đại sự nhân duyên sau đây: muốn cho chúng sanh khai, thị, ngộ nhập tri kiến của Phật, cũng có nghĩa là: muốn cho hết thảy chúng sanh hiểu rõ bổn tâm, đạt được tri kiến giống với tri kiến của Phật, cùng thành Chánh Giác.

 

Nhân duyên hưng khởi kinh này cũng thế. Kinh Xưng Tán Tịnh Ðộ Phật Nhiếp Thọ (tức kinh Di Ðà bản dịch đời Ðường) viết: ‘Ta thấy đại sự nhân duyên lợi ích an lạc như thế nên nói lời thành thật, chắc chắn’, đủ thấy chỗ hưng khởi của pháp môn Tịnh Ðộ giống hệt như của kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa: đều cùng là đại sự nhân duyên cả. Vì sao? Sách A Di Ðà Sớ Sao viết:

‘Nay chỉ nhất tâm trì danh liền được bất thối. Ấy là trực chỉ tự tâm, phàm phu thành Phật một cách rốt ráo. Nếu tin chắc chắn như vậy, nào cần phải trải khắp ba thừa, trải qua nhiều kiếp. Chẳng vượt khỏi một niệm chứng nhập Bồ Ðề thật nhanh chóng, đấy chẳng phải là đại sự sao?’.

 

Ðủ thấy Tịnh Tông đúng là pháp trực chỉ đốn chứng: lấy tâm niệm Phật nhập Phật tri kiến. Sự hưng khởi của Tịnh tông đúng là do đại sự nhân duyên này. Phần kế sẽ giảng rõ nhân duyên hưng khởi kinh này

 

a. Xứng tánh cực đàm, Như Lai chánh thuyết

 Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đều là giáo pháp Viên Ðốn xứng tánh, nhưng chỗ quy thú của chúng lại thuộc trong kinh này. Ngẫu Ích đại sư khen kinh này như sau:

‘Dứt bặt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn. Áo tạng của Hoa Nghiêm, bí tủy của Pháp Hoa, tâm yếu của hết thảy chư Phật, chỉ nam cho muôn hạnh Bồ Tát đều chẳng ra khỏi kinh này’.

 

Do vậy, kinh này được xưng tụng là lời bàn luận xứng tánh đến mức cùng cực (xứng tánh cực đàm)

 

Thêm nữa, trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Bình Giải, thầy Ðạo Ẩn người Nhật nhận định:

Hiện tại nay là đời ngũ trược, lúc tạo ác; cho nên khó tu một thứ thánh đạo bởi vì sẽ gặp nhiều chướng nạn. Chỉ riêng pháp môn này: chí viên, cực đốn, lại còn giản dị, thẳng chóng. Chánh thuyết xuất thế nằm riêng một mình trong kinh này. Cả một đời thuyết pháp quy về kinh này, như các dòng nước xuôi về bể cả.

Do vậy, bảo rằng: trăm vạn a tăng kỳ nhân duyên phát khởi kinh Hoa Nghiêm, một đại sự nhân duyên thành kinh Pháp Hoa cũng chỉ là nguồn gốc của pháp này’.

 

Có nghĩa là: cả hai kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa chỉ là pháp dẫn đường cho kinh này. Kinh này thật là chỗ chỉ quy của cả Ðại Tạng giáo. Cuối kinh Hoa Nghiêm, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Ðại Sĩ dẫn về Cực Lạc, đủ để chứng minh [cho nhận định trên].

 

Thánh giáo như chiên đàn, miếng nào cũng thơm. Pháp nào cũng viên đốn, vốn chẳng cao hạ; chỉ vì chúng sanh cấu nặng chướng sâu, tâm thô trí hèn, đói gặp cỗ vua mà chẳng dám ăn. Chỉ một pháp Trì Danh trong kinh này mới là đạo dễ hành, ai cũng tu được.

 

Chương Ðại Thế Chí Viên Thông chép: ‘Tịnh niệm tương tục’, ‘tự được tâm khai’, chính là tâm phàm phu khai tri kiến Phật. Ðến như kẻ căn khí cạn cợt chỉ cần chí tâm tin ưa, nguyện sanh cõi kia, dẫu rằng mười niệm, lúc mạng sắp hết, được Phật nhiếp thọ, liền sanh Cực Lạc. Hoa nở gặp Phật, ngộ nhập vô sanh, kỳ diệu nhanh chóng không chi hơn nổi. Hết thảy chúng sanh do pháp này đắc độ, xứng hợp bổn hoài của mười phương Như Lai.

 

Kinh này lại tuyên dương pháp chơn thật thuần nhất của Như Lai chẳng quyền biến, cong quẹo nên gọi là Chánh Thuyết. Lại nữa, Thế Tôn xứng hợp bổn tánh trao bày hết cả ra, chẳng chút mảy may giấu diếm nên gọi là Xứng Tánh. Hết thảy hàm linh đều nhân đây được độ thoát, thật là bàn luận xứng tánh đến cùng tột nên gọi là Xứng Tánh Cực Ðàm.

 

 b.Tam căn phổ bị, thánh phàm tề thâu

Căn khí của chúng sanh thiên sai vạn biệt nên Thế Tôn nói tám vạn bốn ngàn pháp môn nhằm thích ứng khắp các căn cơ:

Hoa Nghiêm Viên giáo chuyên tiếp độ kẻ thượng thượng căn. Trí huệ như Xá Lợi Phất, thần thông như Mục Kiện Liên đều được gọi là bậc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Phật mà trong hội Hoa Nghiêm còn như đui, như điếc, huống là kẻ kém hơn họ. Vì vậy, hạ căn tuyệt chẳng có phần.

 

Ðến như các giáo pháp Tiểu thừa là để tiếp độ căn cơ quyền, tiểu. Với bậc thượng căn, giáo pháp Tiểu thừa mắc phải lỗi ‘giáo cạn, căn sâu’ nên cũng chẳng ứng cơ.

 

Chỉ có pháp môn Trì Danh Niệm Phật trong kinh này: thâu trọn phàm thánh, thích hợp lợi, độn. Ðến cùng tột thì như Phổ Hiền, Văn Thù còn phát nguyện cầu sanh Cực Lạc.

 

Bài kệ của đức Phổ Hiền có câu: ‘Nguyện tôi vào lúc lâm chung, trừ sạch hết thảy các chướng ngại, tận mặt gặp Phật A Di Ðà, liền được vãng sanh cõi An Lạc’.

 

Bài kệ của ngài Văn Thù là: ‘Nguyện lúc tôi lâm chung, trừ diệt các chướng ngại, tận mặt gặp Di Ðà, vãng sanh cõi An Lạc’. Lại như Ðại kinh chép: ‘Phật bảo Di Lặc: Trong thế giới này có bảy trăm hai mươi ức Bồ Tát đã từng cúng dường vô số chư Phật, trồng các cội đức sẽ sanh cõi kia’.

 

Thấp nhất thì như bọn ngũ nghịch thập ác trong Quán kinh, lâm chung được gặp bạn lành, dạy cho niệm Phật. Mười niệm thành công cũng sanh cõi kia. Ðủ thấy kinh này rộng thâu vạn loại, độ khắp ba căn, là thuốc A Già Ðà trị lành muôn bịnh. Vì vậy, Ðại kinh chép: ‘Gặp gỡ kinh này, tùy lòng mong muốn đều được độ’.

 

Trên đây đã giải thích kinh này rộng thích ứng các căn cơ, với bọn phàm phu ta ơn đức ấy thật sâu đậm. Nay đang là thời mạt pháp, chúng sanh phước huệ cạn mỏng, cấu chướng sâu nặng, chỉ cậy pháp môn tiện dụng này, chỉ nhờ vào tin Phật, trì danh mới có thể công siêu lũy kiếp, vãng sanh Cực Lạc, chóng lên bất thối. Nếu không có pháp môn vi diệu như thế, phàm phu làm sao thoát khỏi biển nghiệp sanh tử này lên nổi bờ kia?

 

Vì vậy, đấng Ðại Từ Bi Phụ, đạo sư hai cõi nghĩ thương chúng ta, mở ra pháp môn Tịnh Ðộ này, khéo chỉ rõ hai cõi khổ, vui, để khích động chúng sanh đang trầm luân: Cõi này: đống lửa lớn, cõi kia: ao trong mát. Sen báu trước mặt, non đao sau lưng. Khi ấy, tự nhiên sanh khởi nguyện thù thắng, chán nhàm Sa Bà, cầu sanh Cực Lạc; đã sanh lòng tín nguyện liền trì danh hiệu ắt được độ thoát. Sanh cõi kia xong, gặp Phật nghe pháp, đắc vô thượng ngộ. Dùng hữu niệm nhập vô niệm, do vãng sanh khế hợp vô sanh. Ðốn ngộ tâm này vốn sẵn bình đẳng. Sư Hải Ðông Nguyên Hiểu đời Ðường nói:

“Bốn mươi tám nguyện trước hết vì phàm phu, sau kiêm vì thánh nhân thuộc tam thừa”

Ðủ thấy cái mầu nhiệm của Tịnh Ðộ tông: trước hết là nhằm làm cho phàm phu đắc độ vậy.

 

c. Diệu pháp tha lực, khéo hộ trì hành nhân

 Các pháp môn khác hoàn toàn cậy vào tự lực. Ðời mạt tu hành lắm nỗi chướng nạn, chẳng hạn như kinh Lăng Nghiêm đã giảng rộng về năm thứ ấm ma quấy nhiễu hành nhân tu Thiền quán. Hành nhân chỉ mất chánh kiến đôi chút liền bị vướng lưới ma.

 

Vì vậy, kinh ấy dạy: ‘Chẳng khởi thánh tâm thì là thiện cảnh giới. Nếu cho là thánh giải liền lạc quần ma’, đủ thấy hành nhân hơi chấp trước liền bị mất chánh kiến, liền vào đường ma, cầu thăng hóa giáng, thậm chí đọa Nê Lê (địa ngục). Vì vậy, các pháp khác gọi là đạo khó hành.

 

Chỉ có pháp môn Niệm Phật cũng như Mật pháp là tha lực môn, thuộc về Quả Giáo (3). Hành nhân phát tâm niệm Phật, nhờ vào bổn nguyện của Phật Di Ðà nhiếp thọ, oai thần gia bị hộ trì hành giả, ma chẳng dám quấy nhiễu. Kinh Thập Vãng Sanh chép:

‘Phật dạy: Nếu có chúng sanh niệm A Di Ðà Phật nguyện vãng sanh, đức Phật kia liền sai hăm lăm vị Bồ Tát ủng hộ hành giả, dù đi hay ngồi, dù đứng hay nằm, dù ngày hay đêm, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ chẳng cho ác quỉ, ác thần có cơ hội làm hại’.

 

Do bởi chương Ðại Thế Chí Viên Thông Niệm Phật của kinh Lăng Nghiêm có dạy: ‘Nay con ở cõi này nhiếp người niệm Phật quy về Tịnh Ðộ’ nên sách Tịnh Tu Tiệp Yếu viết: ‘Ðại Thế Chí Bồ Tát hiện ngự trong cõi này làm lợi ích lớn, nhiếp thủ người niệm Phật chẳng bỏ khiến họ lìa tam đồ được vô thượng lực’.

 

Kinh A Di Ðà lại dạy: ‘Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe kinh này thọ trì và nghe danh hiệu chư Phật thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy đều được hết thảy chư Phật hộ niệm’. Người niệm Phật còn được quang minh xa đến bốn mươi dặm chiếu vào thân, ma chẳng phạm nổi.

 

Do những điều trên, thấy được rằng: người niệm Phật có hăm lăm vị Bồ Tát được Phật Di Ðà sai đến, trong hết thảy thời, chốn, ủng hộ gia trì. Lại có các vị như Ðại Thế Chí... oai đức nhiếp thọ, lại được hết thảy chư Phật hộ niệm nên xa lìa được ma nạn, yên ổn tu trì. Do nhờ vào tha lực hóa hiểm thành lành, thật là đạo dễ hành.

 

Nếu bảo nhờ cậy tha lực là chấp tướng thì phải biết rằng tha lực cũng là tự tâm. Ta, người chẳng hai; tự, tha cũng vậy. Do tha lực mà hiển hiện tự tâm, từ hữu niệm nhập vô niệm, đấy đúng là điểm thâm diệu của pháp này. Vì thế, sách Di Ðà Yếu Giải viết:

“Ðiểm cốt yếu của pháp môn này là thấu rõ tha chính là tự. Nếu báng rằng đó là Phật khác thì là tha kiến chưa mất. Nếu đặt nặng tự Phật (vị Phật của chính mình) lại thành ra ngã kiến điên đảo”.

 

d. Thầm hợp diệu đạo, khéo nhập vô sanh

Vô niệm và vô sanh thật xa vời đối với khả năng của phàm phu. Bát Ðịa Bồ Tát của Viên giáo đã lìa hết thảy phân biệt tâm ý thức mới gọi là thật sự được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Ðủ thấy: với thánh giả còn khó huống hồ là phàm phu còn đầy ắp phiền não. Vì vậy, Thiện Ðạo đại sư viết trong Tứ Thiếp Sớ rằng:

Nay các quán môn này chỉ phương lập tướng, trụ tâm để đạt cảnh, trọn chẳng thể vô tướng ly niệm. Như Lai thấy trước rằng phàm phu tội trược đời mạt lập tướng sanh tâm còn khó làm nổi, huống hồ ly tướng vô niệm! Khác nào kẻ không có thuật thần thông lại toan xây nhà trên không’.

 

Bởi vọng tâm của chúng sanh niệm niệm tiếp nối như nước chảy xiết, chưa từng tạm ngơi; nay nếu miễn cưỡng đè nén, thô niệm tuy hơi được ngừng, tế niệm chưa hề ngưng dứt. Hành nhân nếu hiểu lầm liền cho là đã được tương ưng thì thật là sai lầm lớn.

 

Vì vậy, Ðại Từ Bi Phụ khởi lòng Vô Duyên Từ ban cho pháp môn tiện dụng kỳ diệu này, chỉ phương lập tướng để nhiếp tâm chuyên chú. Ngay nơi vọng tâm này trì danh hiệu Phật. Niệm một Phật danh hoán trừ trăm ngàn vạn ức vọng tưởng tạp niệm. Niệm tới thuần thục bèn mất cả năng, sở, vô tâm mà trụ, Phật hiệu phân minh, thầm hợp diệu đạo liền khế hợp sự thật mầu nhiệm ‘vô trụ sanh tâm’ của kinh Kim Cang Bát Nhã.

 

Tâm sanh diệt của chúng sanh chỗ nào cũng duyên được, chỉ riêng chẳng duyên nổi Bát Nhã. Phải đạt đến địa vị Ðịa Thượng Bồ Tát (4) của Biệt giáo mới khế nhập nổi: lúc vô trụ liền sanh tâm, lúc sanh tâm liền vô trụ. Còn thì các bậc Ðịa Tiền Bồ Tát (5) vẫn còn tách rời thành hai: một thời sanh tâm, thời khác vô trụ. Ðủ thấy rõ phàm phu tuyệt chẳng có phần.

 

Nay pháp môn Tịnh Ðộ này dạy chúng sanh trì danh niệm Phật khiến chúng sanh ngay nơi niệm ly niệm, ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu, khéo nhập vô niệm, ngay nơi phàm thành thánh. Vì vậy, sách Sớ Sao viết: ‘Vượt ba a tăng kỳ kiếp trong một niệm, ngang với chư thánh trong một câu’. Thật là diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn! Các pháp môn khác phải thâm nhập ngay vào vô sanh nên là đạo khó hành. Nay Tịnh nghiệp này lại khéo nhập vô sanh nên là đạo dễ hành.

 

Pháp môn Niệm Phật là đường tắt tu hành mà một pháp Trì Danh lại là đường tắt trong pháp niệm Phật, nên gọi là đường tắt nhất trong các đường tắt.

 

Hơn nữa, kinh này chẳng đề xướng ‘nhất tâm bất loạn’ mà dùng ngay phát Bồ Ðề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Ðà Phật làm Tông. Chỉ cần phát tâm chuyên niệm đều được vãng sanh. Vì vậy, pháp này lại càng minh xác, đơn giản, quan trọng. Do đó, kinh này được xưng tụng là kinh bậc nhất của Tịnh tông. Ðó là do kinh này là đường thẳng nhất trong các đường thẳng, là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện, dứt bặt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn.

 

Các đại đức Tịnh tông Nhật Bổn lại xem trọng kinh này hơn Trung Hoa rất nhiều. Sớ giải Ðại Kinh của Hắc Cốc Pháp Nhiên thượng nhân viết:

‘Trong giáo pháp vãng sanh vừa có giáo pháp căn bổn, vừa có giáo pháp cành nhánh. Kinh này là căn bổn giáo, các kinh khác là kinh cành nhánh. Kinh này còn gọi là chánh vãng sanh giáo, các kinh khác là bàng vãng sanh giáo… Kinh này còn gọi là giáo pháp vãng sanh trọn vẹn, các kinh khác là giáo pháp vãng sanh chưa trọn vẹn’.

 

Cứ theo nghĩa trên, Tịnh Ðộ tông ví như đỉnh ngọn núi Diệu Cao mà kinh này chính là chót đầu đỉnh núi. Kinh này dạy: hết thảy hàm linh đời tương lai đều do nương vào kinh này mà được độ thoát. Kinh này lợi ích khắp chúng sanh bậc nhất như vậy. Pháp Trì Danh thầm hợp diệu đạo thật dễ thực hành.

 

 e. Ðại thánh rủ lòng từ, riêng lưu lại kinh này

 Kinh chép: ‘Ðời tương lai, kinh đạo diệt hết, ta vì từ bi thương xót riêng lưu lại kinh này tồn tại trong đời một trăm năm. Nếu có chúng sanh gặp được kinh này tùy lòng sở nguyện đều được độ thoát’.

 

Thêm nữa, kinh Chánh Pháp Diệt Tận cũng nói về tình cảnh pháp diệt tối hậu giống như kinh Vô Lượng Thọ. Ðiều này hiển lộ nhân duyên thù thắng hưng khởi kinh này.

 

Diệu dụng của pháp môn Trì Danh ví như thức ăn ngon lại giàu chất dinh dưỡng tăng cường sức khỏe, lại như linh dược linh nghiệm thần hiệu trừ sạch được bệnh trầm kha khó chữa, trị khắp các bệnh, khắp ban bố lợi ích. Vì vậy, bảo rằng: ‘Diệu dụng lớn lao thay chẳng thể nghĩ bàn’.

 

Ðến khi đời mạt, ác trược càng sâu, các căn kém cỏi, tuổi thọ chỉ còn mười năm, cấu nặng chướng thâm. Khi đó, sóng ác ngập tràn, lửa độc dậy đất, Thế Tôn rủ lòng từ riêng lưu lại pháp này để làm thuyền từ, xối mưa cam lộ. Ơn Phật sâu nặng nát thân khó đền

Xem mục lục